Đồi Mộng Mơ

04 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 155077)
ĐỒI MỘNG MƠ
Ký Bần

 Một buổi sáng như mọi buổi sáng ở Đalạt, Ký Bần tôi ngồi trên chiếc ghế nhựa thấp chủm ở gần bùng binh chợ để nhâm nhi cà phê với mấy anh bạn hành nghề xe ôm, tài xế xe ngựa chở rau cải và cả mấy chị xồn xồn chuyên dụ dỗ khách du lịch mua sản phẩm dổm của Đàlạt. Khi đám đông sắp sửa giải tán thì bỗng đâu có anh Tám Mã Xa trờ tới và ném xuống bàn ba bốn tờ báo rồi nói lớn: “Đàlat rước “Trường Thành” và giặc Tàu” vào Đồi Mộng Mơ khiến báo chí Sàigòn chửi tùm lum…”. Cả bọn trố mắt ngạc nhiên chẳng hiểu anh Tám muốn nói gì. Thấy cả bọn ngẩn tò te nên anh Tám giải thích với giọng bực dọc: “…thì mấy cha nội cho xây Vạn Lý Trường Thành gần ở Thung Lũng Tình Yêu đặt tên là Đồi Mộng Mơ đã năm năm nay rồi mà dân Đàlạt đâu có ai biết…vì dân Đàlạt có ai vào đó đâu, chỉ có những người ở xa tận đâu đâu đến thăm, nay có mấy cái vụ biểu tình chống Ba Tàu bắt ghe đánh cá của ngư dân Việt Nam để đòi chuộc, còn vẻ đường “lưỡi bò” ngoài biển đông để cưỡng chiếm lãnh hải Việt Nam…nên mấy cha ở Sàgòn mới phanh phui cái vụ Trường Thành này…mà nghe nói mấy người đi biểu tình chống Tàu đều bị hốt hết ráo…”
 Ký Bần nghe thế bèn chụp một tờ báo và đứng dậy biến vào trong chợ, lên cầu thang chạy ra khu Hòa Bình tìm anh xe ôm quen nhờ chở về nhà nằm mở báo ra đọc. Thì ra tờ Phụ Nữ có nội dung bài viết như sau:
img1



VONG BẢN

07/08/2011

PNCN: Chuyện lạ có thật. Ai lên Đà Lạt (Lâm Đồng), đến đồi Mộng Mơ tất sẽ thấy người ta xây hẳn một đoạn Vạn lý trường thành chừng 300m vắt vẻo uốn lượn từ đầu đồi bên này đến cuối đồi bên kia.
Bản sao Vạn lý trường thành này mô phỏng y xì bản gốc, cũng đá hộc tháp canh, cũng cổng thành lính gác. Lại còn mô phỏng hẳn hoi một trại lính cổ thời Tần Thủy Hoàng, các tượng lính áo mão vũ khí y chang lính Tàu thời cổ, ông nào ông nấy mặt mày sát khí đằng đằng.
Tại sao người ta lại xây Vạn lý trường thành ở nơi đây? Tất nhiên cha đẻ ra sáng kiến kỳ khôi này sẽ nói Vạn lý trường thành là kỳ quan thế giới, cho dù là của Trung Quốc nhưng nó đã trở thành di sản văn hóa - lịch sử của thế giới rồi, tại sao ngành du lịch không khai thác? Nghe rất có lý. Nhưng thử hỏi, liệu cha đẻ của sáng kiến này có biết đối với người Trung Quốc, Vạn lý trường thành là biểu tượng thiêng liêng của dân tộc Trung Hoa hay không? Khi hồ hởi phấn khởi khai thác cái gọi là “di sản văn hóa - lịch sử của thế giới”, liệu họ có biết chính họ đang hồ hởi phấn khởi khai thác luôn cả “biểu tượng thiêng liêng” của một dân tộc có hơn ngàn năm đô hộ dân tộc ta hay không?
Khai thác kỳ quan và di sản thế giới là chuyện thường thấy ở bất kỳ nước nào. Nhưng chẳng có nước nào bê biểu tượng của một dân tộc khác để cắm vào lòng dân tộc mình cả. Không tin cứ sang Trung Quốc mà xem, ở đấy không có núi Phú Sĩ của Nhật, tháp Eiffel của Pháp, điện Buckingham của Anh, Angkor Wat của Campuchia, Kim tự tháp của Ai Cập v.v... Chỉ có du lịch Đà Lạt là ngây ngô, rước Vạn lý trường thành của Trung Quốc về cho dân mình mà không hề biết, ngoài “biểu tượng thiêng liêng”, nó còn là biểu tượng sức mạnh và quyền lực của Trung Quốc, cái sự rước vô cùng nguy hiểm.
Du khách đến đồi Mộng Mơ - Đà Lạt sẽ được cười ra nước mắt khi thấy cạnh làng văn hóa dân tộc trưng bày các loại công cụ, đồ gốm, rượu cần, nhạc cụ các dân tộc v.v... ở Tây Nguyên, là Vạn lý trường thành mọc lên sừng sững. Người ta cười vì sự tương phản bi hài, và khóc khi thấy tấm bảng “Làng văn hóa dân tộc” được gắn trên cổng Vạn lý trường thành! Và cái slogan của Vạn lý trường thành: “Bất đáo Trường thành phi hảo hán” (Không đến Trường thành không phải là anh hùng - lời Mao Trạch Đông) đập vào mắt khiến du khách không khỏi hãi hùng, chả hiểu sao du lịch Đà Lạt lại đi quảng bá không công cho du lịch Trung Quốc, hay du lịch Đà Lạt chính là một chi nhánh của du lịch Trung Quốc? Chắc chắn đi khắp thế giới sẽ không ai thấy được tấn bi hài như thế này.
Thế là từ phim Lý Công Uẩn, đường đến thành Thăng Long tới “phố đèn lồng Trung Quốc”, từ việc bỏ văn bia ca ngợi Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh đến việc xây Vạn lý trường thành, người ta kinh hãi nhận ra rằng, cái sự vong bản là có thật, đang càng ngày càng lây lan đến mức báo động khẩn.
Bấy lâu nay nhiều người lên tiếng báo động về sự vọng ngoại nhưng ít ai quan tâm, một sai lầm gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Bởi vì từ vọng ngoại đến vong bản chỉ có một bước chân, từ vong bản đến mất nước còn ngắn hơn nhiều, chưa đầy nửa bước. Trong khi Biển Đông đang dậy sóng, chẳng biết du lịch Đà Lạt có nhận ra điều đó hay không? 

Nguyễn Quang Lập 

 Rõ như ban ngày qua bài báo Phụ Nữ Chủ Nhật ngày 7 tháng 8 – 2011 với bài viết của tác giả Nguyễn Quang Lập. Ngoài tờ Phụ Nữ, còn có tờ Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao Động… cũng nhào dzô goánh “Du Lịch Đàlạt”. Đặc biệt tờ Công An Sàigòn có bài “phang” tới nơi cho nên chỉ sau vài ngày bị bề tập thể, các ban bệ ở thành phố Đàlạt họp hành rồi ra lệnh bứng ngay mấy thằng Tàu cưỡi ngựa cầm dáo với vẻ mặt đằng đằng sát khí ở cái gọi là “Đồi Mộng Mơ”.
 Tuy là cư dân Đalạt hơn ba chục năm nhưng chưa một lần Ký Bần tôi bén mảng đến những chỗ gọi là “trung tâm du lịch, địa điểm tham quan… vì Ký Bần là dân bổn địa Đàlạt chứ đâu phải dân du lịch, hơn nữa Ký Bần đâu có tiền thừa tiền dư mà đem đi nạp cho mấy thằng đầu nậu chuyên móc túi du khách với những trò “bá láp” như nhiều cư dân Đalạt phát biểu. Thế mà suốt hơn hai tuần lễ Ký Bần phải nhịn cà phê để dành tiền mua chiếc vé vào cửa “Đồi Mợ Mông” đi vòng vòng xem cho biết sự tình. 
 Hôm ấy trời Đalạt nắng ấm, Ký Bần mua vé rồi hí hửng bước lên “Đồi Mộng Mơ” cùng với đám đông du khách từ thập phương đến. Đi quanh co một lúc lên đến đồi, Ký Bần thấy ngay mùi ‘Tàu lạ” trước mắt! Đó là một cây cao khoảng chục thước có cành lá xum xuê được phủ bởi toàn những giải giấy màu đỏ chói xen lẫn màu trắng từ ngọn cây buống rủ xuống tận gốc trông rất quái dị. Chung quanh khu vực đi vài chục bước là những hình tượng cũng rất Chợ Lớn, những con “heo đất” khổng lồ đặt khắp nơi trên có hàng chữ “Sacombank”. Ở một bồn đất nhỏ là tấm bảng có đề chữ “Mẹ Âu Cơ” với hình tượng ngưởi đàn bàn đội khăn vành và chung quanh là 100 bức tượng nhỏ tượng trưng cho huyền thoại “Một Mẹ Trăm Con”. Để so sánh cái bề thế giữa Trường Thành và khu “Mẹ Âu Cơ” Ký Bần nghĩ đến “khủng long và con kiến”, ám chỉ nước lớn - nước bé nằm trong chủ trương đe dọa bằng những biểu tượng của dân tộc! Chính quyền Đalat không biết đã nhận bao nhiêu tiền và chia phần lợi từ Đồi Mộng Mơ bao nhiêu mà nhắm mắt làm ngơ để cho cho bọn Tàu muốn làm gì thì làm ngay trên lãnh thổ do họ cai quản? Quanh quất trên đồi có những tấm bảng gỗ đóng trên các thân cây với những chữ “Khu Du Lịch Đồi Mộng Mơ, Làng Văn Hóa Dân Tộc, Trích Đoạn Vạn Lý Trường Thành, Tượng Cố Nhạc Sĩ Trịnh Công Sơn, Khu Nhà Nghỉ Đồi Mộng Mơ…(Tội nghiệp cho hương hồn nhạc sĩ họ Trịnh quá!). Mục đích của Ký Bần là muốn tận mắt thấy cái gọi là “Vạn Lý Trương Thành” cùng mấy chữ “Bất Đáo Trường Thành Phi Hảo Hán” là lời của đại lãnh tụ ở dơ Mao Xênh Xáng mà các báo đã “bức xúc” nên chửi bới inh ỏi liên tục mấy ngày liền! Khi bước tới đầu cổng thành Ký Bần nhìn ngang nhìn dọc, nhìn tới nhìn lui nhưng chẳng thấy tấm bảng đề bảy chữ của lãnh tụ thối mồm đâu cả. Ký Bần theo gót những khách du lịch bước lên trường thành được xây bằng những tảng đá hoa cương vòng quanh co lên xuống dốc đồi dài chừng ba trăm thước, bề cao của thành khoảng một thước. Khách đi mệt có thể ngồi nghỉ ở những tháp canh. Ký Bần thấy tấm bảng rất lớn in hình tượng mấy thằng giặc Tàu dựng ngay cổng vào nhưng khi lên đồi nhìn quanh thì chẳng thấy tượng mấy thằng giặc Tàu đâu cả. Ký Bần mon men leo lên nhà sàn trong đó có chưng bày những nhạc cụ, đồ dùng và các sản phẩm của người thiểu số cao nguyên, Ký Bần nhìn sơ qua một lượt rồi bước ra. Ngay cửa vào nhà sàn có một người đàn ông tuổi độ năm mươi đang ngồi, có lẽ là người bảo vệ. Ký Bần làm ra vẻ như thích thú khi được thăm viếng “Đồ Mộng Mơ” nên bước chậm rãi đến bên anh gật đầu chào và hỏi: “Anh có thể chỉ giùm chỗ có mấy bức tượng lính …”. Ký Bần nói chưa hết câu thì người đàn ông đã hiểu ý nên trả lời ngay: “Nhổ hét rồi anh ơi…”. Tôi ngạc nhiên: “Sao vậy anh?”. Người đàn ông đứng dậy giải thích: “Báo công an thành phố có bài viết chửi tùm lum nên mấy ổng đã ra lệnh nhổ mấy bức tượng đó đi rồi…” Tôi làm ngây thơ cụ: “Vậy hà?...công khó ở xa tới mà không coi được mấy bức tượng thật uổng công…vậy còn tấm bảng đề câu gì của chủ tịch Mao Trạch Đông ở đâu?”. Người đàn ông thản nhiên “mấy chả cũng tháo xuống rồi…”. Tiếp đó người đàn ông chỉ tay qua phía trái của nhà sàn: “Anh đi tới đó coi đi, còn dấu mây bức tượng bị bứng…mới mấy tuần nay thôi…”.
Tôi cám ơn người đàn ông và hướng về phía đoạn Trường Thành có tượng bị bứng. Nơi dựng những tượng giặc Tàu là một khoảnh đất vuông, mỗi bề khoảng hai chục thước với thảm cỏ xanh, đứng trên thành nhìn xuống thấy những dấu vết của những bức tượng đã bị nhổ đi.
img2 img3 img4

 Ký Bần đã tận tai tận mắt nghe và thấy “Đồi Mợ Mông”, bước chân lên Trường Thành “dổm” và ghi nhận một số cảnh tượng trên đồi thì quả đúng như lời các tờ báo đã đăng. Nhưng vấn đề là Trương Thành vẫn còn đó, nó choàng chụp trấn áp lên ảnh tượng “Một Mẹ Trăm Con” mà du khách cứ “vô tư” chiêm ngưỡng. Ký bần nghe được từ miệng của mấy du khách là: “Trường Thành này giống y hệt bên Trung quốc…”. Nghe mà phát tức! 

 Sau lần thăm “Đồi Mộng Mơ”, Ký Bần tôi kém ăn kém ngủ vì chạy đôn chạy đáo để tim hiếu thêm sự kiện Tàu Lạ xâm lăng vào tâm não người Việt Nam mà những kẻ rước Tàu vào nhà không ai xa lạ chính là những kẻ đang cầm quyền cai trị thành phố Đalạt. Ký Bần nhờ chú Hai Honda có người cháu làm ở du lịch xin cho mấy tấm ảnh chụp trong “Đồi Mộng Mơ” bỏ vào bài viết để làm bằng chứng. Lại mất nhiều hôm nữa để la cà mấy quán cà phê, khu bán áo quần xi đa, các cầu thang chợ và nhất là dành thì giờ viếng thăm các mệ nổi tiếng “ngồi lê đôi mách” vì những chuyện của họ lắm khi cũng đúng ra phết. Phần viết dưới đây Ký Bần đã kiểm chứng những gì nghe được với vài anh chị “cán bộ” của ngành du lịch và ngân hàng. Chuyện là thế này: 

 Câu chuyện bọn Tàu cài người vào chính quyền Việt Nam ở các cấp từ trung ương xuống đến địa phương không ai mà không biết. Chúng còn chi tiền cho bọn Tàu làm ăn buôn bán tại Việt Nam tìm đủ mọi cách len lỏi vào các cơ quan du lịch nhằm mục đích khuyến khích dân Việt Nam sang Tàu tham quan để thấy được đất nước rộng lớn của chúng thông qua những cán bộ tuyên truyền cho khách du lịch Việt Nam thấy rằng Việt Nam chỉ như là một quận huyện của chúng và thấy được cái gì của Trung quốc cũng vĩ đại: lãnh tụ vĩ đại, tình hữu nghị vĩ đại, công nghiệp vĩ đại, cách mạng vĩ đại, công trường nhà máy vĩ đại…Những cái “vĩ đại” đó gây ấn tượng sợ hãi không những đối với quần Việt Nam và còn đối với những kẻ chóp bu đứng đầu cả nước. Trong mấy chục năm qua dân Việt Nam kéo nhau đi tham quan Tàu và đã nộp cho chúng một khoảng tiền “vĩ đại”

img5 img6
Tượng giặc Tàu ở Đồi Mộng Mơ Dấu vết các tượng giặc Tàu bị bứng

 Dân Đalạt ai cũng biết rằng “Đồi Mộng Mơ” nằm trong kế hoạch của đàn anh “vĩ đại” như chúng đã thực hiện tạ Hà Nội, Hội An, Bình Dương…với các phố sặc mùi Tàu. Tại Đalạt chúng xử dụng một đại gia người Việt gốc Tàu có tên là Đặng Văn Thành tung tiền để chui vào họat động trong ngành du lịch và ngân hàng. Hộ khẩu của Đặng Văn Thành ở đâu không ai biết trừ những cán bộ có liên hệ đến việc cấp những đặc quyền cho đương sự. Vợ Đặng Văn Thành tên Huỳnh Bích Ngọc cũng là một nữ đại gia khét tiếng làm chủ hai công ty: Công ty Thành – Thành - Công và công ty Thành - Ngọc. Về du lịch Thành và Ngọc là chủ nhân của khách sạn Ngọc Lan, đây là rạp chiếu bóng Ngọc Lan cũ được vợ chồng Thành mua lại và đập phá để xây khách sạn từ năm 2005. Cũng trong năm 2005 vợ chồng Thành chi một số tiền rất lớn cho các quan chức Đalạt để biến một ngọn đồi nằm gần Thung Lũng Tinh Yêu thành Đồi Mộng Mơ và rinh cả Trường Thành được xây bằng xương và máu của dân Trung quốc sang đặt tại đây. Dĩ nhiên vợ chồng Thành phải giải quyết vấn đề “đầu tiên” cho một số quan lớn địa phương, đồng thời phải cho họ một số cổ phần trong công trình Đồi Mộng Mơ và chia chác lợi nhuận thu được từ vé vào cửa và các dịch vụ khác của Đồi Mộng Mơ…Đó là chuyện rất bình thường ở mọi nơi trên đất nước Việt Nam trong nhiều chục năm qua mà Ký Bần không cần phải nói thêm.
 Ký Bần có viết ở đoạn trên về những con “heo đất” đặt khắp nơi trên Đồi Mộng Mơ. Đó là một trong những “phong cách” quảng cáo cho ngân hàng có tên Sacombank trong đó Đặng Văn Thành là một thành viên cao cấp của “Hội Đồng Quản Trị” mà chữ nghĩa trong ngành ngân hàng XHCN gọi là “Tập Đoàn Sacombank!”. Như vậy đám thứ dân như Ký Bần cũng phải biết rằng Đặng Văn Thành - Huỳnh Bích Ngọc là người đến từ đâu nếu không phải là người của những tay mafia ở Hà Nội. Bấy lâu nay tin từ chính quyền cho đến dân thường đều nói rằng thành phố Đalạt trực thuộc trung ương, nếu vợ chồng Đặng Văn Thành – Huỳnh Bích Ngọc không là người của trung ương thì làm sao nhảy vào Đồi Mộng Mơ và khống chế du lịch Đalạt đến như thế? Báo chí Sàigòn đánh du lịch Đalạt không sai nhưng chỉ đánh vào cái “diện” chứ không đánh vào cái “điểm”. Vậy cái “điểm” ở đâu? Chắc chắn hệ thống báo chí của nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều biết rất rõ “điểm ở đâu”. 

 Viết thêm: Trước khi Ký Bần leo lên Đồi Mộng Mơ thì được mấy mệ cho biết rằng trong nớ có một “nhiếp ảnh gia độc quyền” chuyên dụ khị du khách chụp ảnh mặc trang phục cùa vua quan, thái hậu Tàu cho đến trang phục của Hoàng Châu Cách Cách…là nhân vật trong phim Tàu…Trong chuyến “tham quan” nói trên, Ký Bần cố quan sát xem có thấy “nhiếp ảnh gia” này hay không. Tuyệt nhiên không thấy có người nào cầm máy ảnh ra chận đường mời chụp cả. Họ đang sợ báo chí hỏi thăm sức khỏe. Nhưng Ký Bần vẫn tò mò quan sát thì thấy có một người đàn ông ngồi trên một chiếc cách Trường Thành khoảng mười thước phía bên trái, chắc chắn không phải là du khách, cũng không phải nhân viên của các dịch vụ khác, sau lưng anh ta có một túi của những người chụp hình. Mắt anh ta lấm la lấm lét nhìn quanh quất mọi nơi quan sát. Người thứ hai mà Ký Bần thấy là một chị tuổi trạc ngoài năm muơi trong tay cầm một cuốn album cỡ lớn úp úp mở mở đứng sát Trường Thành. Chị ta đội một chiếc nón lá, hễ thấy ai có mang máy ảnh muốn chụp vế hướng của chị thì chị lấy tay kéo nón xuống che mặt. Theo ý Ký Bần thì anh chàng ngồi ở ghế và cô nàng đứng sát Trường Thành là những người làm “nghiêp vụ chụp ảnh” để phổ biến phong cách Tàu cho du khách Việt Nam…
Kết luận: Chuyện báo chí Sàigòn goánh du lịch Đalạt giống như chuyện “nước đổ dầu vịt”. Xin quý độc giả cứ coi đây như là chuyện “khôi hài rẻ tiền”, có cù lét cũng không cách nào cười được…trừ phi Ký Bần xin phép đổi ba chữ Đồi Mộng Mơ thành Đồi Mông Mợ…
img7 img8 img9
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn