Người Duy Nhất Việt Phong Thánh

04 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 156385)
NGƯỜI DUY NHẤT DÂN VIỆT PHONG THÁNH

TRẦN GIA PHỤNG

img1


1.- CUỘC ĐẢO CHÁNH ÊM THẮM


Khi triều đình xảy ra loạn Quách Bốc năm 1208 (mậu thìn), vua Lý Cao Tông (trị vì 1176-1210) rời kinh thành, lánh nạn ở Quy Hóa (Hưng Hóa ngày nay), con là thái tử Sảm chạy trốn ở thôn Lưu Gia. Sảm được một nhà giàu tại đó sống bằng nghề đánh cá là Trần Lý giúp đỡ. Trần Lý còn gả con gái là Trần thị cho thái tử. Trần Lý tập họp hương binh, đẩy lui được Quách Bốc, rước Lý Cao Tông hồi cung năm 1209 (kỷ tỵ). Họ Trần được phong thưởng, và càng ngày quyền hành càng lớn, nhất là khi thái tử Sảm lên nối ngôi năm 1210 (canh ngọ) tức Lý Huệ Tông (trị vì 1210-1224).

Lúc bấy giờ Trần Lý đã từ trần. Huệ Tông phong cho con thứ của Trần Lý là Trần Tự Khánh tước Chương Tín Hầu, và cho cai quản quân gia. Năm 1216 (bính tý), Huệ Tông lập Trần thị làm hoàng hậu,đưa Trần Tự Khánh lên chức thái uý, và người anh của Trần Tự Khánh, và cũng là anh của hoàng hậu Trần thị là Trần Thừa, lên làm nội thị phán thủ, cai quản mọi việc trong cung.

Từ năm đinh sửu (1217), Lý Huệ Tông bắt đầu bị bệnh cuồng. Khi phát điên, nhà vua tự xưng là Thiên tướng giáng trần, tay cầm giáo và mộc, cắm cờ trên búi tóc, múa may suốt ngày, uống rượu say li bì,không tĩnh táo để làm việc. Việc triều chính hoàn toàn do Trần Tự Khánh quyết định. Năm 1223 (quý mùi), Trần Tự Khánh qua đời. Trần Thừa lên thế Khánh, làm Phụ quốc thái uý. Em họ của hoàng hậu là Trần Thủ Độ được cử làm điện tiền chỉ huy sứ, nắm giữ binh quyền.

Lý Huệ Tông có hai người con gái tên là Thuận Thiên và Chiêu Thánh. Công chúa Thuận Thiên sinh vào tháng 6 năm bính tý (1216), được gả cho Trần Liễu rất sớm, ít nhất là trước năm 1224 (giáp thân). Trần Liễu là con trai đầu của Phụ quốc thái uý Trần Thừa. Như thế Trần Liễu là anh em cô cậu ruột với Thuận Thiên công chúa.

Cũng trong năm đó (1224), Lý Huệ Tông lập người con gái thứ hai là công chúa Chiêu Thánh làm thái tử,rồi nhường ngôi luôn cho Chiêu Thánh, lên làm thái thượng hoàng, ra tu ở chùa Chân Giáo, ngay tại Thăng Long. Việc Lý Huệ Tông chọn cô công chúa trẻ nầy làm thái tử rồi nhường luôn ngôi vua là một dấu hỏi lớn. Từ trước đến nay, trong tập tục của chế độ quân chủ, bao giờ ngôi vua cũng truyền cho con cháu phái nam chứ không chọn nữ giới. Nếu vua không có con trai, thì chọn em hoặc cháu.

Chiêu Thánh sinh vào tháng 9 năm mậu dần (1218), lúc đó mới 7 tuổi (tuổi ta), lên làm vua lấy hiệu là Lý Chiêu Hoàng (trị vì 1224-1225), mọi việc trong triều do hoàng thái hậu Trần thị và Trần Thủ Độ quyết định. Trần Thủ Độ là một người tuy ít học, nhưng rất thông minh, khôn ngoan, độc đoán và gian hùng.Trần Thủ Độ cùng hoàng thái hậu Trần thị âm mưu cướp ngôi nhà Lý, chuyển qua họ Trần. Trần Thủ Đột uyên bố cho tuyển con em các quan trong triều vào làm nội dịch trong cung vua, hầu hạ Lý Chiêu Hoàng,để tạo cơ hội đưa các cháu mình vào cung. Họ Trần đưa ba người cháu vào cùng một lúc để thử thời vận là Trần Bát Cập, Trần Thiêm, và Trần Cảnh.
Trong ba người nầy, Lý Chiêu Hoàng thích đùa giỡn nhất với Trần Cảnh. Trần Cảnh sinh ngày 16 tháng 6 năm mậu dần (1218), con thứ của Trần Thừa, em ruột của Trần Liễu. Như vậy Trần Cảnh cùng tuổi với Lý Chiêu Hoàng. Lý Chiêu Hoàng hay nghịch phá kéo tóc Trần Cảnh. Một hôm, vua Lý Chiêu Hoàng lấy khăn trầu ném cho Trần Cảnh, Cảnh chẳng biết trả lời sao, về kể lại cho Trần Thủ Độ. Độ trả lời: "Nếu thực thế thì họ ta thành hoàng tộc hay diệt tộc đây? "

Không biết Độ đã bày vẽ những gì cho Trần Cảnh, mà khi Lý Chiêu Hoàng ném khăn trầu cho Cảnh mộtlần khác, thì Cảnh trả lời: "Bệ hạ có tha tội cho thần không? Thần xin vâng mệnh." Chiêu Hoàng cả cười và nói: "Tha tội cho ngươi. Nay ngươi biết khôn đó." Trần Cảnh về báo cho Trần Thủ Độ. Độ đoán ý Chiêu Hoàng đã ưng thích Trần Cảnh, liền đóng cửa thành, canh phòng nghiêm mật cung cấm, và thôngbáo cho mọi người: "Bệ hạ đã có chồng." Các quan trong triều đều vâng lời, xin chọn ngày tốt vào chầu mừng.

Ngày 11 tháng 12 năm ất dậu (qua năm 1226), tại điện Thiên An, Lý Chiêu Hoàng làm lễ nhường ngôi cho Trần Cảnh, chấm dứt nhà Lý. Nhà Lý trị vì được hai trăm mười sáu năm, truyền chín đời vua.Trần Cảnh lên làm vua tức Trần Thái Tông (trị vì 1226-1258), lập ra nhà Trần (1226-1400).

2.- THÙ NHÀ

Trần Thái Tông kết hôn với Lý Chiêu Hoàng cũng giống trường hợp như Trần Liễu cưới Lý Thuận Thiên,nghĩa là anh em cô cậu ruột lập gia đình với nhau. Trần Thái Tông lên ngôi, sách phong cho vợ, mà trước đây là vua của ông ta, làm Chiêu Thánh hoàng hậu, và tôn phụ thân là Trần Thừa lên làm thái thượng hoàng năm 1226 (bính tuất), phụ giúp trông coi việc nước.

Anh cả của Thái Tông là Trần Liễu, khi cưới công chúa Lý Thuận Thiên, được phong tước Phụng Càn Vương, nay được vua mới phong làm thái uý, đứng đầu triều đình. Năm 1234 (giáp ngọ), thái thượng hoàng Trần Thừa qua đời, Thái Tông liền tôn anh ruột của mình là Trần Liễu lên làm hiển hoàng, tỏ sự tôn kính khác thường.

Vào tháng 6 năm bính thân (1236), hiển hoàng Trần Liễu phạm một trọng tội. Lúc đó, trời mưa lụt, Trần Liễu chèo thuyền vào chầu, ngang qua cung Lệ Thiên, gặp một cung phi cũ của triều Lý, liền cưỡng dâm.Đình thần hặc tâu, hiển hoàng bị giáng xuống làm Hoài Vương. Trần Liễu chưa nguôi buồn vì bị giáng chức, ngay trong năm sau (1237) thì bị mất vợ.

Nguyên Trần Thái Tông và Lý Chiêu Hoàng ăn ở với nhau được 8 năm thì sinh một trai năm 1233, đặt tên là Trịnh. Chẳng may Trịnh bị yểu tử, có thể từ trần ngay khi mới sinh. Sống với nhau thêm một thời gian nữa, Thái Tông vẫn chưa có con nối dòng. Điều nầy làm cho Trần Thủ Độ cùng vợ là cựu thái hậu Trần thị, mẹ của Lý Chiêu Hoàng và là cô ruột của Thái Tông, lo ngại cho tương lai của nhà Trần mới thành lập. Cả hai liền yêu cầu vua Thái Tông truất phế Chiêu Hoàng vào đầu năm 1237 (đinh dậu), và đưa Lý Thuận Thiên, vợ của Trần Liễu, đang mang thai 3 tháng, vào cung làm vợ Thái Tông. Nói cách khác, hai người thúc đẩy Thái Tông lấy chị dâu của mình làm vợ, và lúc đó người chị dâu lại đang có mang với người anh ruột của nhà vua.

Nếu Trần Thái Tông chưa có con, trong khi chờ đợi có con, tại sao Thái Tông không nhận một người con của Trần Liễu hay của các các anh em ruột khác làm con nuôi, để sau nầy nối dòng, mà Trần Thủ Độ và Trần thị lại phải ra tay một cách bạo ngược như vậy? Phải chăng hai người nầy thù oán hoặc ganh ghét riêng với hiển hoàng Trần Liễu, rồi cố tình ám hại ông ta, từ vụ án cung Lệ Thiên cho đến vụ mất vợ? Sự ganh ghét nầy nếu có, một phần phải chăng do việc Trần Thái Tông quá trọng vọng anh mình, phong cho ông ta làm hiển hoàng, làm cho Trần Thủ Độ ganh ghét? Cũng có thể hiển hoàng Trần Liễu ảnh hưởng lớn đến Trần Thái Tông, làm lu mờ vai trò của Trần Thủ Độ, khiến Thủ Độ không bằng lòng? Những câu hỏi nầy không thể giải đáp vì chẳng còn tài liệu nào để lại về việc cưỡng hôn trên đây.
Trần Thái Tông lúc đó còn trẻ, mới 20 tuổi (tuổi ta), bị chú họ là Trần Thủ Độ và cô ruột là Trần thị áp lực nên phải nghe theo, nhưng trong lòng phân vân, áy náy. Ông liền bỏ kinh thành, đang đêm lẻn trốnlên núi Yên Tử, nơi quốc sư Phù Vân trụ trì.
Trần Thủ Độ là người quyết đoán, đã làm việc gì thì đi tới cùng. Được tin vua lên chùa Phù Vân, núi Yên Tử, Trần Thủ Độ tự thân hành dẫn người lên đón vua về triều. Trần Thái Tông buồn rầu nói: "Trẫm hãy còn thơ ấu, chưa đảm đang được việc trọng đại, vua cha [Trần Thừa] lại vội từ trần, thành ra Trẫm mất người nương tựa, không dám để nhơ nhuốc đến xã tắc." Thủ Độ nài nĩ mời vua trở về, nhưng Thái Tông dùng dằng không chịu. Thủ Độ liền quay qua nói với các quan rằng: "Xa giá vua ở đâu, tức triều đình ở đấy." Ông ra lệnh chuẩn bị xây dựng cung điện để biến Yên Tử thành kinh đô. Quốc sư Phù Vân lo ngại,thưa với vua Thái Tông: "Bệ hạ nên sớm quay loan giá về kinh thành, không nên để họ làm hại đến núi rừng của đệ tử nầy." Nhà vua bất đắc dĩ phải hồi kinh. Tuy lúc đầu Trần Thái Tông tỏ ý không vui về việc gán ghép của Thủ Độ và Trần thị, nhưng sau đó, nhà vua vẫn sống với Lý Thuận Thiên.

Trần Liễu rất tức giận vì mất vợ, liền họp quân dưới trướng, nổi lên chống lại triều đình. Tuy nhiên lực lượng Trần Liễu quá yếu, không làm gì được. Ông liền thay đổi kế hoạch. Nhân khi vua Thái Tông ngự thuyền du ngoạn trên sông, Trần Liễu dùng thuyền nhỏ, giả làm người đánh cá, đến chỗ vua xin hàng.Anh em ôm nhau cùng khóc. Trần Thủ Độ được mật báo, liền đi thẳng đến thuyền vua, rút gươm hô lớn:"Giết thằng giặc Liễu." Nhà vua liền đẩy Trần Liễu trốn vào trong khoang thuyền, rồi nói với Thủ Độ:"Phụng Càn Vương [chỉ Trần Liễu] đến xin hàng đấy." Thấy nhà vua che chở Trần Liễu, Thủ Độ giận lắm, vất gươm xuống sông nói rằng: "Tao thật là con chó săn, biết đâu anh em mầy hòa thuận với nhau hay trái ý nhau." Trần Thái Tông đứng ra hòa giải hai bên, vỗ về Trần Liễu lui binh, lấy đất An Phụ, An Dưỡng, An Sinh, và An Bang giao cho Trần Liễu làm thực ấp, ăn bổng lộc, rồi nhân đó phong Trần Liễu tước An Sinh Vương.

Chiêu Thánh hoàng hậu bị truất phế xuống làm Chiêu Thánh công chúa. Về sau, bà được vua Trần Thái Tông gả cho một đại quan là Ngự sử đại phu Lê Phụ Trần vào đầu năm mậu ngọ (1258). 17

3.- ÂN NƯỚC


An Sinh Vương Trần Liễu đành thủ phận, ôm mối hận lòng chờ đợi thời cơ kiếm cách phục thù. Chưa thực hiện được việc nầy thì hoàng hậu Lý Thuận Thiên từ trần năm 1248 (mậu thân), còn Trần Liễu từ trần vào tháng 4 năm tân hợi (1251). Con của Trần Liễu với bà Thuận Thiên, (trước khi Thuận Thiên lấy Trần Thái Tông), là Vũ Thành Vương Trần Doãn, cháu gọi vua Thái Tông bằng chú ruột, cảm thấy bị thất thế, quyết định đem cả gia quyến chạy sang Trung Hoa tháng 7 năm bính thìn (1256). Trần Doãn bị quan nhà Tống là Hoàng Bính bắt giao trả lại cho Đại Việt. Sử sách ghi lại là Trần Thái Tông đã trọng thưởng viên quan nhà Tống, và ra lệnh tăng cường phòng vệ biên giới, mà không cho biết số phận của Vũ Thành Vương Trần Doãn, vì suốt trong cuộc kháng Nguyên, biết bao người họ Trần góp tay giúp nước, gia nhập quân đội chống ngoại xâm, trong đó có cả người anh em cùng cha khác mẹ với Trần Doãn là Trần Quốc Tuấn, nhưng không có tài liệu nào viết về Trần Doãn cả.

Trần Liễu biểu lộ ý chí phục thù rõ nét trong việc ông chuẩn bị tương lai cho người con thứ của ông là Trần Quốc Tuấn (1226-1300). Khi Quốc Tuấn mới sinh ra, một thầy tướng tiên đoán: "Người nầy ngày sau có thể giúp đời." Đến khi Quốc Tuấn lớn lên, Trần Liễu tìm rước những người tài giỏi về dạy Quốc Tuấn. Lúc sắp mất, Trần Liễu trối trăng với Quốc Tuấn tâm sự của mình và kết luận: "Con mà không vìcha lấy được thiên hạ [đất nước], thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được."

Trần Quốc Tuấn ghi nhận di huấn của cha nhưng không có phản ứng cụ thể. Khi ông lớn lên là lúc nước nhà bị người Mông Cổ đe dọa. Năm đinh tỵ (1257), quân Mông Cổ tấn công nước ta lần thứ nhất do tướng Ngột Lương Hợp Thai (Uriyangqadai) chỉ huy. Quân Mông Cổ từ hướng Vân Nam tiến vào Đại Việt theo đường sông Thao, xuống Hưng Hóa, đe dọa Thăng Long. Vua Trần Thái Tông sai cháu là Trần Quốc Tuấn lãnh đạo nhóm tiền quân ra kháng cự. Quốc Tuấn quân ít, phải lui về Sơn Tây. Vua Thái Tông tự cầm quân đánh trận, cũng thua phải bỏ Thăng Long về Hưng Yên. Thái Tông lo ngại, nhưng thái sư Trần Thủ Độ cương quyết thưa với vua: "Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin Bệ hạ đừng lo! " Quân Mông Cổ không hạp thủy thổ, lâu ngày tỏ dấu hiệu mỏi mệt. Thái Tông liền phản công. Quân Mông Cổ thất bại, phải rút lui.
Trong thời gian nầy, người Mông Cổ xâm chiếm Trung Hoa. Năm 1264, Hốt Tất Liệt (Qubilai) tức Nguyên Thế Tổ (trị vì 1260-1294), đổi quốc hiệu là Nguyên, dời đô đến Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay)năm 1264. Nhà Tống tiếp tục chống cự đến năm 1279 thì mất hẳn.
Sự giao thiệp giữa Đại Việt và Trung Hoa lúc nầy rất căng thẳng vì nhà Nguyên hạch sách khó khăn đủ điều. Nhà Trần chịu triều cống, nhưng vẫn cương quyết bảo vệ nền độc lập nước nhà. Năm 1282 (nhâm ngọ), Hốt Tất Liệt sai Toa Đô (Sogatu) cầm quân đi đường biển xuống đánh Chiêm Thành. Năm 1284(giáp thân), Hốt Tất Liệt sai một cánh quân khác do thái tử là Trấn Nam Vương Thoát Hoan (Togan) tiến xuống bằng đường bộ, nhắm trực chỉ Đại Việt. Trong khi đó, Toa Đô ở phía nam (Chiêm Thành) đánh bọc lên. Đây là lần thứ hai quân Nguyên sang xâm lăng nước ta (1284-1285).

Lúc bấy giờ, Trần Thủ Độ đã mất từ tháng giêng năm giáp tý (1264). Vua Trần mới là Trần Nhân Tông(trị vì 1279-1293). Trần Nhân Tông là cháu nội Trần Thái Tông, con của Trần Thánh Tông (trị vị 1258-1278). Để bảo vệ quyền lợi dòng họ, nhà Trần cho phép bà con anh em trong hoàng tộc thành hôn với nhau. Vợ vua Trần Thánh Tông, hoàng hậu Thiên Cảm, là con gái của Trần Liễu, tức chị con bác ruột nhàvua, và là em của Trần Quốc Tuấn. Việc Thánh Tông phong Thiên Cảm làm hoàng hậu ngay khi vừa lênngôi năm mậu ngọ (1258) có thể để hòa giải với gia đình Trần Liễu. Nói cách khác, Trần Nhân Tông gọi Trần Quốc Tuấn vừa là bác họ, vừa là cậu ruột. Hơn thế nữa, khi vừa lên ngôi vua năm 1279, Trần Nhân Tông liền sách lập con gái lớn của Trần Quốc Tuấn làm hoàng hậu tức Khâm Từ hoàng hậu, nghĩa là Trần Quốc Tuấn còn là nhạc gia của vua Trần Nhân Tông.

Tháng 10 năm quý mùi (1283), Trần Nhân Tông bổ nhiệm Trần Quốc Tuấn làm quốc công, tiết chế thống lĩnh chư quân. Chẳng những nắm binh quyền, Trần Quốc Tuấn còn ảnh hưởng rất lớn về chính trị, vì ngoài thế lực bản thân của ông, ông còn là anh hoàng thái hậu và là cha của hoàng hậu đương triều. Đây chính là cơ hội thuận tiện để Trần Quốc Tuấn thực hành di mệnh của phụ thân. Di mệnh nầy là mối hận thù và hoài bảo lớn lao suốt đời Trần Liễu ấp ủ. Ngoài ra Trần Quốc Tuấn còn mang nỗi buồn về hoàn cảnh của anh ông là Vũ Thành Vương Trần Doãn. Trần Quốc Tuấn đã hành xử như thế nào trong hoàn cảnh nầy?

Chính sử kể lại rằng khi quân Nguyên sang xâm lăng,Trần Quốc Tuấn lúc đó đã nắm hết binh quyền trong tay, đem di mệnh của phụ thân hỏi hai người gia nô thân tín và trung thành là Yết Kiêu và Dã Tượng. Hai người can ngăn: "Nếu thi hành kế ấy, dầu có giàu sang được một lúc, mà tiếng xấu để mãi đến ngàn đời. Đại Vương bây giờ chả phải đã giàu sang rồi ư? Chúng tôi tình nguyện chết già làm ngườinô bộc, mà được như người mổ dê tên Duyệt ở thời Xuân Thu ngày trước, chứ không muốn làm sự bấttrung bất hiếu để cầu may." Quốc Tuấn nghe những lời nầy cảm động ứa nước mắt.

Một lần khác, Trần Quốc Tuấn dò ý con là Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiện: "Cổ nhân giàu có cả thiên hạ [ý nói làm vua], để truyền cho con cháu về sau, việc ấy con nghĩ thế nào? " Quốc Nghiện thưa rằng: "Việc ấy đối với người khác họ cũng không nên làm, huống chi là cùng một họ." Trần Quốc Tuấn rất bằng lòng, lại cũng dùng câu trên để hỏi người con thứ là Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng.Quốc Tảng hăng hái: "Tống Thái Tổ là một người làm ruộng, chỉ nhờ gặp thời vận mà lấy được thiên hạ."Trần Quốc Tuấn giận quá, kể tội Quốc Tảng: "Những người bầy tôi phản loạn chính là do những đứa con bất hiếu mà ra." Ông rút gươm định giết Quốc Tảng, may nhờ Quốc Nghiện can thiệp, xin tha tội.

Những giai thoại trên đây do chính sử của các triều đại kể lại. Chính sử thường vinh danh những hành động và ngôn ngữ trung quân, vì ông vua nào, triều đại nào, cũng đều quý trọng và khuyến khích những kẻ trung thành với chính thể quân chủ. Do đó, cũng có thể chính sử đã thậm khen Trần Quốc Tuấn trong việc hành xử trong gia đình của ông.

Do sự lục đục giữa hai người cha là Trần Liễu và Trần Thái Tông, nên giữa Trần Quốc Tuấn và các anh em nhà Trần Thánh Tông ít nhiều có những lấn cấn riêng tư thầm kín. Không kể Quốc Khang là anh đầu cùng mẹ khác cha, vua Thánh Tông (Trần Hoảng) còn có các em trai là Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải, Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc, Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật.

Trần Quang Khải (1241-1294), người em kế sát Trần Thánh Tông, là một người văn võ toàn tài. Ông được phong làm thái uý năm 1261, tướng quốc thái uý năm 1271, thống lĩnh mọi việc trong nước, và thượng tướng thái sư năm nhâm ngọ (1282). Vào năm đinh sửu (1277), tướng quốc thái uý Trần Quang Khải tháp tùng theo vua Trần Thánh Tông đánh giặc Nhẫm Bà La ở phủ Bố Chánh (Quảng Bình ngày nay). Trong lúc Thánh Tông và Trần Quang Khải, tức là nhà vua và tể tướng, đều vắng mặt, sứ thần nhà Nguyên đến. Thái thượng hoàng Trần Thái Tông triệu Trần Quốc Tuấn đến bảo rằng: "Thái uý cùng quan gia [chỉ nhà vua] đi đánh giặc, ta muốn phong nhà người làm tư đồ, sung vào việc ứng tiếp." Trần Quốc Tuấn trả lời: "Việc ứng tiếp sứ giả, thần không dám từ chối, còn như phong thần làm tư đồ, thì thần không dám vâng chiếu. Huống chi quan gia đi đánh giặc xa, Quang Khải theo hầu mà bệ hạ lại tự ý tư phongchức, thì tình nghĩa trên dưới, e có chỗ chưa ổn, sẽ không làm vui lòng quan gia và Quang Khải. Đợi khixa giá trở về, sẽ xin vâng mệnh cũng chưa muộn."

Một lần khác, nhân lúc Trần Quốc Tuấn từ Vạn Kiếp về Thăng Long, Quang Khải đến thăm, và ở lại đánh cờ. Quang Khải vốn ít thích tắm gội. Quốc Tuấn dùng nước thơm lau rửa cho Quang Khải, rồi nói:"Hôm nay được tắm cho thượng tướng." Quang Khải cười trả lời: "Hôm nay được quốc công tắm rửa cho." Từ đó, hai bên hòa thuận thân mật, đưa đến sự đoàn kết trong lực lượng thuộc quyền của hai ông nói riêng, và quân tướng nhà Trần nói chung, để cùng nhau góp sức chống quân Nguyên.

Tháng 12 năm giáp thân (qua năm 1285), thái tử nhà Nguyên là Thoát Hoan dẫn quân qua ải Chi Lăng (Lạng Sơn), nhắm Thăng Long trực chỉ. Trần Quốc Tuấn lui về Vạn Kiếp (vùng sông Lục Nam gặp sông Thương). Vua Trần Nhân Tông được tin nầy, dùng thuyền nhỏ qua Hải Đông (Hải Dương), cho người vời Trần Quốc Tuấn đến bảo: "Thế giặc mạnh như vậy, ta hãy chịu hàng để cứu muôn dân." Trần Quốc Tuấnkhẳng khái trả lời: "Nếu bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu thần trước rồi hãy hàng."

Quân Nguyên tiến chiếm Thăng Long. Trần Quốc Tuấn rước vua và thượng hoàng chạy vào Thanh Hóa.Khi đi theo phò tá vua, Trần Quốc Tuấn thường cầm cây trượng bằng gỗ, đầu trượng có cắm mũi sắt nhọn, nên nhiều người liếc mắt trông chừng Trần Quốc Tuấn. Người ta nghi ngờ ông có thể sát hại vua.Ông hiểu ý, bỏ mũi sắt nhọn, chỉ cầm cái trượng gỗ để mọi người yên tâm.

Ngoài vấn đề đối xử với các vua nhà Trần, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cũng bỏ qua những ân oán gia đình nhỏ nhặt để phụng sự quốc gia. Nguyên Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư nhờ có công đánh giặc thời Trần Thái Tông, được phong Phiêu kỵ đại tướng quân. Khánh Dư tư thông với Thiên Thụy công chúa nên bị cách hết quan chức. Thiên Thụy công chúa là vợ của Trần Quốc Nghiện, tức bà nầy là dâu của Trần Quốc Tuấn.
Năm nhâm ngọ (1282), được tin quân Nguyên sang xâm lấn bờ cõi, Trần Nhân Tông mở hội nghị ở bến Bình Than (Bắc Ninh), hội họp các vương hầu bàn kế chống giặc. Trong lúc đó, Trần Khánh Dư đang đi bán than, chèo thuyền ngang qua chỗ hội họp. Nhà vua mời Trần Khánh Dư đến tham gia, rồi phong làm Phó đô tướng quân. Trong việc phục chức cho Trần Khánh Dư, quan trọng nhất là không có ý kiến phản bác của Trần Quốc Tuấn. Lúc đó Trần Quốc Tuấn đã giữ chức vụ quan trọng then chốt trong triều đình.Ông không vì tỵ hiềm cá nhân và gia đình mà bỏ qua cơ hội kết hợp nhân tài để cứu quốc.

Về sau, khi quân Nguyên xâm lăng nước ta lần thứ ba (1287-1288), chính Trần Quốc Tuấn đã giao cho Trần Khánh Dư trọng trách giữ mặt trận Vân Đồn. Tại đây, tháng giêng năm mậu tý (1288), Trần Khánh Dư đã phục binh đánh thắng tướng Nguyên là Trương Văn Hổ, tịch thu quân nhu, khí giới rất nhiều, và tiêu hủy lương thực tiếp tế của địch.

4.- ĐỨC THÁNH TRẦN


Sau khi công cuộc kháng Nguyên thành công, triều đình xét định công trạng, vua Trần gia phong Trần Quốc Tuấn làm Thượng Quốc Công, được quyền tự do ban thưởng phẩm tước cho người khác. Đây là một đặc ân hiếm có dưới thời quân chủ, vì chỉ có vua mới có quyền nầy, còn các quan chỉ có quyền tiến cử, hay đề bạt chứ không được quyền tự ý ban thưởng. Tuy vậy Trần Quốc Tuấn rất cẩn trọng giữ gìn,cho đến cuối đời ông chưa hề dùng đặc quyền trên ban thưởng cho bất cứ một ai.
Khi soạn bài văn bia đặt tại sinh từ của Thượng Quốc Công Trần Quốc Tuấn, thượng hoàng Trần Thánh Tông đã kính cẩn gọi ông là "Thượng phụ". Trong lịch sử Trung Hoa, chỉ có ba vị đại quan được vua củahọ gọi là "Thượng phụ": đó là Khương Thượng (Tử Nha) thời Chu Vũ Vương, Quản Trọng thời Tề Hoàn Công, và Khổng Minh thời Lưu Thiện (con Lưu Bị). Trong lịch sử Việt Nam, Trần Quốc Tuấn là người duy nhất được vua của ông tôn vinh "Thượng phụ".

Trần Quốc Tuấn rất quý trọng nhân tài. Ông đã tiến cử nhiều người tài ba để phụng sự đất nước như Phạm Ngũ Lão, Trần Trì Kiến, Trương Hán Siêu, Yết Kiêu, Dã Tượng... Bên cạnh khả năng dụng nhân trong nghệ thuật chỉ huy, Trần Quốc Tuấn rất có biệt tài về dụng binh, tự mình soạn bộ Binh gia diệu lý yếu lược (bốn quyển nói về lý thuyết mầu nhiệm và phương lược cốt yếu của nhà binh) để dạy tướng sĩ,và viết bài "Hịch tướng sĩ văn", lời văn rất hùng tráng để kích thích lòng quân. Ngoài ra, Trần Quốc Tuấn còn soạn bộ binh thư Vạn Kiếp tông bí truyền nay đã bị thất lạc. Ông quả là một nhà tướng văn võ toàn tài.

Chính nhờ vừa có tài dụng binh, vừa có tài dùng người, vừa biết sống hài hòa với cấp dưới, vừa biết trung thành đúng mức với vua, với nước, Trần Quốc Tuấn đã giúp nhà Trần chiến đấu kháng Nguyên thành công rực rỡ. Lúc đầu, trong triều đình nhà Trần có nhiều nghi kỵ đối với Trần Quốc Tuấn vì vấn đề Trần Liễu, nhưng dần dần cung cách xử sự của ông đã thuyết phục được mọi người. Cung cách nầy phân minh rõ ràng còn hơn Quan Vân Trường phò nhị tẩu thời Tam quốc (220-265) bên Trung Hoa. Quan Vân Trường chỉ có một tâm tình duy nhất là trung thành với Lưu Bị, và lo phò tá hai chị dâu qua cơn hoạn nạn cho trọn nghĩa anh em với Lưu Bị. Trong khi đó, Trần Quốc Tuấn lãnh di mệnh của cha là phải phục thù.Trong sự phục thù nầy còn có cả sự cám dỗ về quyền lực và quyền lợi cá nhân. Tình trạng tâm lý của ônglúc đó phức tạp hơn Quan Vân Trường, đó là sự giằng co giữa một bên là tình gia đình và quyền lợi gia đình, còn một bên là lòng trung quân và quyền lợi của tổ quốc. Nếu Trần Quốc Tuấn nhân thời cơ thuận tiện nầy, quyết định đảo chánh, ông sẽ lên làm vua. Trần Quốc Tuấn đủ khả năng để đảo chánh, cũng như để làm vua, nhưng việc nầy sẽ đẩy đất nước đến chỗ chia rẽ, và lâm nguy trong lúc hiểm họa Mông Cổ đang đe dọa đất nước.

Cuối cùng, Trần Quốc Tuấn đã theo đúng cách xử thế của người quân tử trong đạo Nho, ông đã "dĩ trực báo oán ", tức là lấy lòng ngay thẳng để giải quyết oán thù, sống thành thực trung hậu, không làm những điều trái với lẽ thường. Lòng ngay thẳng đã giúp Trần Quốc Tuấn sáng suốt nhận định lỗi lầm đưa đến mối thù hận là do những bậc bề trên, trên cả Trần Liễu và Trần Thái Tông. Chính Trần Thái Tông cũng đã phản ứng lại hành động của Trần Thủ Độ, muốn bỏ đi tu.

Trần Quốc Tuấn đã tách bạch giữa những người lãnh đạo quốc gia và lý tưởng cao cả của kẻ sĩ là phục vụ đại cuộc quốc gia. Những người lãnh đạo có thể sai lầm, nhưng kẻ sĩ không thể vì thế mà bỏ đi lý tưởng của riêng mình. Vào thời đại Trần Quốc Tuấn, lý tưởng đó là lòng trung quân ái quốc, khuông phò xã tắc chống ngoại xâm. Lòng ông thẳng thắn, không gợn một chút manh tâm phản trắc, ông chỉ một mực trung thành với vua với nước. Ông dứt khoát bỏ qua thù riêng, tránh hẳn sự cám dỗ của quyền lực. Ông theo đúng lời dạy của Khổng Tử: "Phú quý thì ai cũng muốn, nhưng không lấy đạo mà được, thì không nhận;bần tiện thì ai cũng ghét, nhưng không lấy đạo mà làm cho khỏi, thì không bỏ." (Luận Ngữ, chương IV,Lý nhân, câu số 5: "Phú dữ quý thị nhân chi sở dục dã, bất dĩ kỳ đạo đắc chi, bất xử dã; bần dữ tiện thị nhân chi sở ố dã, bất dĩ kỳ đạo đắc chi, bất khứ dã."(Trần Trọng Kim, Nho giáo, q. thượng, Bộ Giáo Dục,Trung tâm Học liệu, Sài Gòn, 1971, tr. 91.)

Khi Trần Quốc Tuấn sắp từ trần, vua Trần Anh Tông (trị vì 1293-1313) đến thăm, hỏi Trần Quốc Tuấn:"Thượng phụ một mai khuất núi, phỏng có quân bắc lại sang thì làm thế nào? " Ông trả lời: "Đại để, kẻkia cậy có tràng [trường] trận, mà ta thì cậy có đoản binh; lấy đoản chống nhau với tràng, phép dùng binh thường vẫn phải thế. Còn như khi nào quân giặc kéo đến ầm ầm, như gió, như lửa, thế ấy lại dễ chống. Nếu nó dùng cách dần dà, như tằm ăn lá, thong thả mà không ham của dân, không cần lấy mau việc, thế ấy mới khó trị, thì ta nên kén dùng người giỏi, liệu xem quyền biến, ví như đánh cờ, phải tuỳ cơ mà ứng biến, dùng binh phải đồng lòng như cha con một nhà, thì mới có thể đánh được. Cách ấy cốt phải tự lúc bình thì khoan sức cho dân, để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là cái thuật giữ nước hay hơn cả."
Trần Quốc Tuấn đã xử sự quang minh chính đại đối với các vua nhà Trần là những cựu thù của cha ông,và xử sự ngay thẳng với tất cả mọi người. Điều nầy là một tấm gương sáng về tinh thần đoàn kết quốc gia, khiến cho sĩ chúng thời Trần trên dưới một lòng, cùng nhau sát cánh tạo sức mạnh tổng lực chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập quốc gia. Vì lẽ đó, mà ngay khi Trần Quốc Tuấn còn sống, ông đã được vua Trần gọi là thượng phụ, kính trọng như cha. Khi Trần Quốc Tuấn từ trần tại Vạn Kiếp ngày 20-8 năm canh tý (1300), ông được tặng tước Thái sư Thượng phụ Thượng Quốc Công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương. Riêng việc phong tước "Hưng Đạo Đại vương", tức vị đại vương đã chấn hưng đạo làm người, cho thấy Vua Trần Anh Tông và triều đình lúc bấy giờ nêu cao tinh tuý ý nghĩa công nghiệp của Trần Quốc Tuấn.

Trước khi qua đời, Trần Quốc Tuấn dặn con cháu: "Ta chết thì phải hỏa táng, lấy vật tròn đựng xương, bí mật chôn trong vườn An Lạc, rồi san đất và trồng cây như cũ, để người đời không biết chỗ nào, lại phải[làm sao cho] mau mục." Khi chép đến đoạn nầy, các sử gia soạn bộ Toàn thư nhận xét rằng: "Quốc Tuấn giữ Lạng Giang, người Nguyên hai lần vào cướp, ông liên tiếp đánh bại chúng, sợ sau nầy có thể xảy ra tai họa đào mả chăng. Ông lo nghĩ tới việc sau khi mất lại như thế đấy."

Giải thích như thế chưa diễn tả được tinh thần của một người như Trần Quốc Tuấn.Vấn đề ở đây không đơn giản là sợ người Nguyên phục thù. Nếu ông sợ người Nguyên sang đánh nữa và đào mả ông, ông có thể xin vua Trần cho an táng ở những vùng phía nam, xa biên giới Trung Hoa, hoặc ở một vùng nào đó mà người Trung Hoa không đến được. Điều nầy thiết tưởng vua Trần chấp nhận một cách dễ dàng.

Sau khi hết làm quan dưới triều Trần Anh Tông, Trần Quốc Tuấn lui về trí sĩ ở Vạn Kiếp.Tại đây, vua Trần đã làm sinh từ cho Trần Quốc Tuấn, tức đền thờ ông khi ông còn sống. Điều nầy khiến cho Trần Quốc Tuấn, một người trí dũng song toàn, đoán trước có thể ông sẽ được tôn vinh làm thần thánh sau khi ông từ trần. Đó là điều ông muốn tránh. Việc nầy thấy rõ khi Trần Quốc Tuấn đặt tên nơi mình ở tại VạnKiếp là vườn An Lạc. Hai chữ nầy gợi cho mọi người ý thức về một nơi chốn êm ả thanh bình, cả mặt đờilẫn mặt đạo, mà ông sửa soạn tuổi già để nằm xuống một cách thoải mái lặng lẽ. Ông muốn đi vào cõi thinh không vĩnh hằng, hòa đồng với dòng sống vũ trụ bao la, nên chẳng muốn lưu lại dấu tích gì trên thế gian nầy.

Dầu Trần Quốc Tuấn nghĩ vậy, nhưng hậu thế lại nghĩ khác. Việc ông bỏ qua thù nhà để phụng sự tổ quốc, tài năng văn võ điều hợp lực lượng để kháng Nguyên, cách hành xử trong cuộc sống, và di chúc trước khi từ trần cuả ông, cho thấy ông là người "đạt đạo", và xứng đáng với tinh thần "Hưng Đạo". Đó là điều mà ông được sử sách ca tụng nhất trong số biết bao danh tướng, và biết bao văn nhân thi sĩ hoặc triếtgia của đất nước.

Quảng đại quần chúng tin tưởng Trần Quốc Tuấn đã hiển thánh, và nôm na thân mật gọi ông là "Đức Thánh Trần". Họ còn cho rằng Đức Thánh Trần đã giết Phạm Nhan tại sân Bãi Kiếm, trước ngôi đền Kiếp Bạc (Hải Dương). Ngôi đền nầy được dựng nên từ 1300 là năm Đức Thánh Trần qua đời. Phạm Nhan làmột tên phù thủy Mông Cổ, chặt đầu nầy mọc đầu khác, chuyên hãm hại phụ nữ. Chỉ có Đức Thánh Trần dùng cây kiếm thần của riêng ngài mới giết được Phạm Nhan. Do đó, dân chúng đã thờ Đức Thánh Trần để khắc phục tà ma yêu quái.

Hình tượng Đức Thánh Trần uy nghi bên cạnh phu nhân (Thiên Thành công chúa), hai người con gái(một là vợ vua Trần Nhân Tông, một là vợ Phạm Ngũ Lão), cùng với Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng là hình ảnh quen thuộc trong các đền thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn ở khắp nơi trên toàn quốc. Đặc biệt hằng năm những lễ hội lớn được tổ chức vào ngày giỗ của ông (20-8 âm lịch) tại Kiếp Bạc (Chí Linh, Hải Dương), Bảo Lộc (Xuân Trường, Nam Định), Yên Cư (Yên Khánh, Ninh Bình), Huế,và Sài Gòn.

Trần Quốc Tuấn còn đi vào đạo giáo, trở thành một trong những nhân vật ngang hàng với Liễu Hạnh,Thái Thượng Lão Quân... Giới nầy có câu tục ngữ: "Tháng 8 giỗ cha, tháng 3 giỗ mẹ." Giỗ cha là giỗ Trần Quốc Tuấn vì ông từ trần ngày 20-8, giỗ mẹ là giỗ Thánh Mẫu Liễu Hạnh ngày mồng 3 tháng 3.

Điều quan trọng nhất, Trần Quốc Tuấn là hình ảnh kiêu hùng đầy tự hào của tất cả mọi người dân Việt.Mỗi tôn giáo ở Việt Nam đều có vị thánh riêng của tôn giáo mình. Chỉ Trần Quốc Tuấn là người duy nhất mà bất cứ người Việt nào, theo triết thuyết hay tôn giáo nào trong xã hội Việt Nam, cũng đều tôn là một bậc chí nhân, chí thánh. Chí lý thay!

TRẦN GIA PHỤNG
(Toronto, Canada)
img2
Những tác phẩm của sử gia Trần Gia Phụng đã xuất bản:

1/ Trung Kỳ Dân Biến (Toronto 1996) 2/ Những Câu Chuyện Việt Sử (Toronto 1997) 3/ Những Cuộc Đảo Chính Cung Đình Việt Nam (Toronto 1998) 4/ Những Câu Chuyện Việt Sử, tập 2 (Toronto 1999) 5/ Những Kỳ Án Trong Lịch Sử (Toronto 2000) 6/ Quảng Nam Trong Lịch Sử (Toronto 2000) 7/ Án Tích Cộng Sản Việt Nam (Toronto 2001) 8/ Ải Nam Quan (Toronto 2002) 9/ Những Câu Chuyện Việt Sử,tập 3 (Toronto 2001) 10/ Exposing The Myth of Ho Chi Minh (Toronto 2003) 11/ Quảng Nam TrongLịch Sử, tập 2 (Toronto 2003) 12/ Việt Sử Đại Cương, tập I (Toronto 2004) 13/ Nhà Tây Sơn (Toronto 2005) 14/ Những Câu Chuyện Việt Sử, tập 4 (California 2005) 15/ Việt Sử Đại Cương, tập II (Toronto2006) 16/ Việt Sử Đại Cương, tập III (Toronto 2007) 17/ Việt Sử Đại Cương, tập IV (Toronto 2008).

Ban Biên Tập Đặc San Đại Hội BTX – THĐ 2012 xin thành thật cám ơn sử gia Trần Gia Phụng và xin giới thiệu cùng độc giả các tác phẩm giá trị ghi trên của tác giả Trần Gia Phụng.



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn