Du Ca Nguyễn Đức Quang

04 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 158256)


DU CA


NGUYỄN ĐỨC QUANG

img1

 Bên giòng sông Đà, dưới chân núi Tản, đất Sơn Tây, Cụ Nguyễn Đức Trung đặt một cái tên rất bình thường cho cậu con trai áp út của mình là Nguyễn Đức Quang. Lúc nhỏ Quang đã phải theo chân bố mẹ đi nhiều nơi vì bố của Quang là một giáo chức. Có lần Quang theo cha đến tận vùng gần biên giới Việt Hoa lạnh lẽo. Trước hiệp định đình chiến Genève 1954 ba tháng, Quang theo bố mẹ vào Sàigòn với đứa em út Nguyễn Đức Vinh, bỏ lại người anh cả và ba người chị. Bốn năm sau Quang lại lẽo đẽo lên đường theo bố ra tận Côn Đảo. Cuộc đời giáo chức của Cụ Nguyễn Đức Trung luôn di chuyển đây đó cũng là chuyện bình thường nhưng đối với việc học hành của Quang thì gặp trở ngại vì ngoài Côn Đảo lúc đó chưa có trường trung học. Vì vậy mà cậu con trai đất Sơn Tây có cơ hội lang thang dong chơi trên đảo là một địa danh lịch sử đầy máu và nước mắt. Năm 1959 Cụ Nguyễn Đức Trung đổi về Đalạt. Từ đó Quang được đi học tiếp những năm trung học rồi lên đại học.
 Ở Đàlạt Quang bắt đầu tham gia sinh hoạt Hướng Đạo ở thiếu đoàn Lê Lợi để thỏa mãn khát khao mạo hiểm của mình trước khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ của vùng đất xưa Hoàng Triều Cương Thổ. Đêm trại đầu tiên trong cuộc đời Hứớng Đạo ở chốn rừng sâu Lâm Viên có thác đổ, có suối róc rách, bên ánh lửa bập bùng dưới lớp sương mù lạnh giá, các Hướng Đạo Sinh cùng đơn vị với Quang vô cùng thích thú khi nghe Quang dùng chiếc harmonica nhỏ biểu diễn nhiều bản nhạc vui tươi lành mạnh. Quang là một Hướng Đạo Sinh đã thể hiện được tài lãnh đạo của mình với các bạn đồng tuổi nên từ một đội sinh, đội phó rồi đội trưởng của đội Voi, Quang đã trở thành một “Đội Trưởng Nhất” phụ tá cho các Trưởng để điều khiển Đoàn. Quang là một Hướng Đạo Sinh giỏi, đạt được đẳng hiệu “Hướng Đạo Hạng Nhất” mà rất ít Hướng Đạo Sinh thời đó đạt được.Với óc mạo hiểm và tính gan dạ, một lần Quang đã làm cho các Trưởng Hứớng Đạo Lâm Viên cùng các nhân viên của Ty Cảnh Sát và An Ninh Quân Đội được huy động để lùng sục cả đêm trong các khu rừng rậm quanh Đàlạt tìm kiếm các Hướng Đạo Sinh do Quang đưa đi trại bị thất lạc (1).
 Năm hai mươi tuổi, Quang là một huynh trưởng dìu dắt các em sói con Bầy Ngàn Thông với ước vọng hướng dẫn cho đàn em trở thành những công dân tôt biết phục vụ và cống hiến cho tha nhân. Bạn của Quang hầu hết là những Hướng Đạo Sinh, học cùng trường nên ngoài những sinh hoạt Hướng Đạo, họ thường gặp nhau để vui chơi ca hát, dung oạn và tham gia các cuộc cứu trợ bão lụt thường xảy ra tại Miền Trung Việt Nam. Cũng trong thời gian này Quang có một người bạn gái đang sinh hoạt bên Nữ Hướng Đạo. Hai người yêu nhau tha thiết mà bạn bè ở Đàlạt, đặc biệt là học sinh trường Nữ Bùi THị Xuân và trường Nam Trần Hưng Đạo không ai mà không biết. Nhưng cuộc tình bỗng dưng tan vỡ! Lý do? Làm sao lý giải được chuyện tình yêu! Đàlạt đã trở nên một thành phố quá nhỏ dưới con mắt của Quang khi Quang bước chân vào ngưỡng cửa đại học. Chiến tranh gây nhiều thảm cảnh đã đánh động tâm thức của Quang và một số bạn bè thân thiết khiến họ cùng nhau đi tìm con đường “Khai Phá”(2) và thực hiện ước vọng phục vụ tha nhân. Nhóm anh em này thường rời Đàlạt để đi “giang hồ”. Nơi họ lựa chọn là thủ đô Sàigòn, ở đó có nhiều cơ hội giao tiếp với nhiều thành phần thanh niên - sinh viên - học sinh cùng nhiều sinh họat phong phú và sinh động hơn Đàlạt - “Thành Phố Êm Đềm”

img2

 Quang là “Chim Đầu Đàn” cùnganh em về Sàgòn sinh hoạt làm quen với một số đàn anh trong lãnh vực họat động thanh niên mà cần phải kể đến các anh Hoàng Ngọc Tuệ, Trần Văn Ngô, Đỗ Ngọc Yến, Đỗ Quý Toàn, Hồ Ngọc Nhuận, Hà Tường Cát, Trần Đại Lộc, Lê Đình Điểu… đang thực hiện các chương trình Công Tác Hè và CPS (3). Nhóm của Quang nhận nhận thực hiện các trại Suối Thông 1 và 2 để dựng nhà cho đồng bào Thượng ở Tuyên Đức, tham gia trại Thạnh Lộc Thôn ở Bình Dương, trại Cam Lộ ngoài Quảng Trị và các chương trình xây trường xây nhà tại Quận 8… Ngoài việc đổ mồ hôi để làm việc, nhóm do Quang hướng dẫn đã dùng lời ca tiếng hát lành mạnh như các bài dân ca, các bài ca nhận thức, trò chơi, lửa trại để dấy lên không khí vui sống và làm việc cho mọi người. Thời gian đó nhóm lấy tên là Ban Trầm Ca rất được các bạn trẻ khắp nơi mến mộ. Được các đàn anh khuyến khích và giúp đỡ phương tiện, Trầm Ca đem tiếng hát hay đúng hơn là “Tiếng Nói” của mình đến với mọi tầng lớp quần chúng, đặc biệt là giới Thanh Thiếu Niên. Nhóm cũng được giúp đỡ và tạo điều kiện đểm ở được 8 khóa huấn luyện “Thanh Ca Tác Động” khắp bốn vùng chiến thuật ở Huế, Đàlạt, Sàigòn, Vĩnh Long mà các thành viên tham dự khóa là những tác nhân họat động rất tích cực cho Phong Trào Du Ca sau này. Nơi nào cần là Trầm Ca có mặt. Chiến tranh càng ngày càng lan tràn, không nơi nào được an toàn nhưng Trầm Ca vẫn “Dấn Thân Lên Đường”. Nhiều lần họ “ăn bờ ngủ bụi ”để có mặt khắp nơi , từ các khuôn viên đại học, sân trường trung học, các quân y viện,, quân trường, trại sinh viên học sinh cho đến các trại tù binh CS và trung tâm chiêu hồi…có lúc đến sinh hoạt với những đơn vị sắp sửa hành quân…
 Quang là người duy nhất trong nhóm sáng tác, mỗi khi có một bài camới thì anh em lại mình trần ngồi quanh trong garage của dược sĩ Hoàng Ngọc Tuệ để tập hát. Cái garage đầy kỷ niệm này là chỗ ăn chỗ ở chỗ sinh hoạt của nhóm, cũng là chỗ mà bạn bè thân hữu thường đến thăm viếng trò chuyện và đền ghị hoặc rủ rê làm việc này việc nọ. Ngoài anh Tuệ là chủ căn nhà số 114 Sương Nguyệt Anh ở phía trước, người thường ghé thăm và giúp ý kiến cho Trầm Ca cũng là người “quảng cáo không công” và chạy tìm phương tiện cho nhóm là anh Đỗ Ngọc Yến. Anh em Trầm Ca đi đến đâu là anh Yến cũng đi đến đó, cũng nhiều lần “ăn bờ ngủ bụi” và ca hát dọc các quốc lộ chờ thông đường bị đắp mô trên quốc lộ 1 ra Trung, quốc lộ 4 về Miền Tây hay quốc lộ 20 lên Đàlạt. Có lần đang ca hát trong một quân trường gần phi trường Phú Bài ở Huế thì bị ăn pháo, may mà không ai hề hấn gì. Vẫn đi và vẫn hát.

img3

 Quang viết nhạc trong garage nóng hầm hập, viết trên đường đi làm công tác xã hội, viết khi ngồi chờ thông đường bị đắp mô, viết ở Suối Thông, Thạnh Lộc Thôn, Cam Lộ, Tuy Hòa, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Vĩnh Bình, Cần Thơ…Quang viết lời các bài ca rất hiện thực về con người và đất nước trong chiến tranh với những “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ, Chiều Qua Tuy Hòa, Người Anh Vĩnh Bình, Bầu Trời Quê Hương Ta, Đường Việt Nam, Bọn Lái Buôn Khắp Nơi, Nỗi Buồn Nhược Tiểu, Ruồi Và Kên Kên, Tiếng Rống Đàn Bò…” hòa lẫn tiếng đạn réo, tiếng bom rơi, tiếng la khóc kêu than cùng với máu và nước mắt. Tuy sống trong không khí ngột ngạt như thế nhưng Quang vẫn mang niềm lạc quan và hăng say làm việc và bước tới với “Đoàn Ta Ra Đi,Hy Vọng Đã Vươn Lên, Về Với Mẹ Cha, Đuốc Hồng Tuổi Trẻ, Ngồi Quanh Đây Chúng Ta Cùng Hát…”. Không dừng ở đó, Quang còn viết nhạc tình với “Cần Nhau, Chỉ Tại Anh, Khôn Hồn Có Cánh Thì Bay, Vì Tôi Là Linh Mục, Bên Kia Sông…”. Sáng tác đầu tay của Quang là bài “Gươm Thiêng Hào Kiệt ”cảm tác từ hành động dũng cảm của vị thánh bổn mạng của Phong Trào Hướng Đạo Thế Giới đã xã thân cứu dân lành vô tội. Đó là Thánh George. Khi sinh hoạt trong toán tráng sinh Sóng Việt ở Sàigòn, Quang viết bài “Sóng Việt” để làm bài ca chính thức của Toán và bài “Đoàn Ta Ra Đi” mà sau này làm bài ca chính thức của Phong Trào Du Ca. Sức sáng tác của Quang thật phong phú, Quang sáng tác không biết mệt. Đến đâu cũng có bài hát mới. Quang đã nói thay cho anh em chúng tôi. Quang đích thực là Chim Đầu Đàn của nhóm. Những khóa huấn luyện “Thanh Ca Tác Động” được tiếp tục mở với nhiều bạn trẻ nam nữ tham dự càng ngày càng đông là động cơ thúc đẩy nhóm tiến tới việc thành lập một Phong Trào. Đó là Phong Trào Du Ca chính thức được thành lập sau hai đêm trình diễn của Ban Trầm Ca tại hai giảng đường lớn của Viện Đại Học Đàlạt là Spellman và Thụ Nhân chung với nhạc sĩ Phạm Duy cùng sự hiện diện của các nhà thơ Đỗ Quý Toàn, Trần Dạ Từ, Viên Linh, nhà văn Nhã Ca… và một số người viết báo, làm văn học nghệ thuật từ Sàigòn lên. Bạn bè của Trầm Ca đa số đều là sinh viên phân khoa Chính Trị Kinh Doanh Đàlạt đứng ra tổ chức hai đêm trình diễn này. Một đêm trời giá rét phủ đầy sương có sáu thanh niên và một thiếu nữ mặc bà ba màu đen, mặt căng đầy nhựa sống hát cho cả nghìn người nghe. Dân chúng Đàlạt cũng kéo đến để nghe Trầm Ca hát. Đặc biệt là sự hiện diện của Linh Mục Viện Trưởng Nguyễn Văn Lập, các giáo sư và nhân viên của viện.
 Công việc ngày càng chồng chất lên mọi người, một mặt lo kiện toàn tổ chức Phong Trào, một mặt tiếp tục đi ca hát sinh hoạt và huấn luyện. Du Ca như một hấp lực lớn cuốn hút sự tham gia của Thanh Thiếu Niên khắp miền trung, cao nguyên và miền tây với những “Con Sáo Huế, Áo Nâu, Lòng Mẹ, Trùng Dương, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, Sông Hậu, Hồ Gươm, Áo Xanh, Giao Chỉ, Đà Nẵng, Kiên Giang, Biên Hòa, Mùa Xuân, Phù Sa, Đồng Vọng…” (4).
 Các nhạc sĩ sáng tác đến với Phong Trào ngày càng đông vui. Kèm theo đó cũng có những tác động níu kéo từ bên ngoài. Nhưng vì lý tưởng theo đuổi, Quang và anh em không nao núng, đã giữ cho Phong Trào tính cách trong sáng và thực hiện đúng chủ trương đề ra. Nhờ quan tâm đến việc đào tạo nhân sự nên khi lớp Du Ca tiền phong rời Phong Trào vào quân ngũ hoặc làm việc nơi xa thì đã có đàn em tiếp nối.
 Có thể nói Du Ca là một Phong Trào tự phát mà khởi thủy là do nhu cầu thưởng ngoạn tự nhiên của đám đông được lựa chọn và có ý thức, nhất là của những người Trẻ Việt Nam. Khi cuộc chiến càng ngày càng leo thang thì lý tưởng chỉ là thứ chữ nghĩa phù phiếm được tung hê bởi các phe nhóm được mạ bằng vàng giả, ngụy trang thành những ý thức hệ xanh đỏ mà Tuổi Trẻ Việt Nam không có tiếng nói. Trong lòng Tuổi Trẻ Việt Nam chất chứa u uất, phẩn nộ lẫn đắng cay. Du Ca đã là lối thoát cho họ. Họ banh áo ngực ra để hát. Họ phát biểu bằng những lời ca của Quang. Quang là người đã đưa họ ra sân đất nóng cháy ở các công trường để cùng nói cùng hát. Họ cười tươi và xắn tay áo lao vào công việc chứ không còn ngồi thở dài nguyền rủa bóng tối. Quang và anh em trong nhóm đôi khi ngồi nhớ lại, không khỏi ngạc nhiên về việc làm của mình. Quang rất tự hào về công cuộc mình đã làm.
 Đường còn dài. Còn nhiều việc phải thực hiện. Bao nhiêu ước vọng còn trước mặt. Nhưng rồi số phận của những cánh chim Du Ca hòa cùng số phận của cả dân tộc. Chim lìa đàn xa tổ. Bóng tối vây quanh. Miệng không được nói. Môi không còn cười. Tiếng hát im bặt như cổ máy bỗng dưng ngưng chạy. Tức tửi, tan hoang và đổ vỡ! Người lên rừng sâu, kẻ xuống biển thẳm. Quang cũng không ngoại lệ!
 Sau những ngày tù tội và thấy được mặt trái của những khẩu hiệu, con đường sống vẫn thôi thúc nên Quang ra khơi vượt sóng để được làm người, được nói và được hát. Có một điều mà trước đó Quang chưa nhận ra khi nhất định phải “xin chọn nơi này làm quê hương dẫu cho khó thương… xin chọn nơi này làm quê hương dẫu đang khó khăn…xin chọn nơi này làm quê hương dẫu chưa ấm êm”. (5)
 Sau này, có lẽ Quang cũng nhận thức được những gì đã xảy ra trong gần nửa thế kỷ qua trên một “quê hương khót hương”, một “quê hương khó khăn”, và một “quê hương chưa ấm êm” nên Quang chọn cho mình một nơi – không phải là quê hương – để có ít ra là - một chút dễ thương, một chút thoải mái và một chút ấm êm…

img4
 Những bài ca của Quang đã trở thành tài sản chung của nhiều người. Có dịp là họ họ hát – hát say sưa và nhiệt tình trong hội trường, ngoài công viên, bên lửa trại bập bùng khắp cõi trời Âu Úc Mỹ. Còn Quang thì vẫn mang đàn đi hát và sáng tác - hát với tất cả trái tim Việt Nam ngày nào. Đến đâu Quang cũng được chào đón như một sứ giả của lòng nhiệt thành và hăng say của thế hệ Thanh Niên Việt Nam đã có cơ hội làm chứng nhân của một thời kỳ lịch sử mà Quang đã cất lên được “Tiếng Hát Tự Do” (6)

 Những bài ca của thế kỷ 20 vượt thời gian và không gian. Quang tiếp tục sáng tác trong suốt thập niên đầu của thế kỷ thứ 21. Nếu tính từ sáng tác đầu tay của Quang khởi từ 1961 thì cho đến nay– 2011, vừa tròn nửa thế kỷ. Sức sáng tác không hề thuyên giảm vơi những Đứng Bên Tôi, Mùa Thu Lại Đi, Tình Tôi Con Dốc Nhỏ, Tôi Có Một Một Tình, Trên Đồi Arlington, Về Con Phố Xưa,Về Đây Nhé, Về Đồi Hoang, Tôi Chờ Điều Ấy…(7)
 Hành trình Du Ca “Sáng Tác – Đi - Hát” của Quang quả thật là một sự kiện phi thường trong dòng lịch sử nền âm nhạc hiện đại Việt Nam.
 Là một Hướng Đạo Sinh, là một Huynh Trưởng, giờ đây Quang là người “Đã Đến”- “Đã An Nghỉ”. Cầu chúc Quang được sớm vãng sanh Tịnh Độ, nơi đó Quang sẽ gặp người vợ thân yêu đã cùng nhau chia sẻ hạnh phúc cùng khổ đau và Quang sẽ chỉ hát những bài ca trữ tình cho một thính giả, đó là vợ của Quang – chị Minh Thông.

 Hoàng Kim Châu
 Ban Trầm Ca

 (1) 13 trại sinh (Nội san Nguyễn Trãi)
 (2) Tên tập nhạc của NĐQ
 (3) Chương trình Phát Triển Sinh Họat Học Đường
 (4) Tên những Toán Du Ca
 (5) Bài “Xin chọn nơi này làm quê hương” - NĐQ
 (6) Bài “Tiếng Hát Tự Do”- NĐQ
 (7) Những sáng tác sau này của NĐQ

 

Nguyễn Đức Quang (THĐ 64) đã vĩnh viễn ra đi ngày 27 tháng 3 – 2011. Tại Hoa Kỳ, Úc Đại Lợi, Pháp và Việt Nam, bạn bè và thân hữu đã tổ chức Lễ Tưởng Niệm để nhớ một nhạc sĩ đã có những đóng góp lớn lao cho nền âm Việt Nam. Ban Trầm Ca cũng là sáng lập viên Phong Trào Du Ca Việt Nam gồm Nguyễn Đức Quang, Hoàng Kim Châu (THĐ 63/HK), Trần Trong Thảo (THĐ64/VN), Mai Thái Lĩnh (THĐ 64/VN), Nguyễn Quốc Văn (THĐ 64, tử trận 1968) và Đỗ Thị Phương Oanh (GS/QGÂN/ Pháp).Nhân giỗ 100 ngày, ba thành viên Trầm Ca Trần Trọng Thảo, Mai Tháí Lĩnh và Hoàng Kim Châu đã tổ chức tại Sàigòn Đêm Hát Nhạc Thập Niên 30-60-90 (hát chui). Trong buổi sinh họat này, ngoài việc nhắc lại chặng đường Du Ca và sáng tác của Nguyễn Đức Quang, ba anh đã hát một số nhạc phẩm của Nguyễn Đức Quang với khoảng 150 thính giả. Tại Hoa Kỳ, tuyển tập “Người Du Ca Muôn Thuở” được giới thiệu vào tháng10-2011 tại trụ sở báo Ngườì Việt. Tuyển tập trên 400 trang gồm bài của nhiều tác giả, trong đó có Nguyễn Quang Tuyển (THĐ63), Hoàng Kim Châu (THĐ 63), Mai Thái Lĩnh (THĐ 64) và Trần Trọng Thảo (THĐ64). Muốn có Tuyển Tập xin liên lạc Quang Nguyễn ở điện thoại 206.841.2728 hoặc quangseattle2@hotmail.com

img5



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn