Lời Xin Lỗi Muộn Màng

04 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 140540)
Lời Xin Lỗi Muộn Màng

Gửi đến N Nguyễn của Ngũ 4 ngày xưa


 Dạo này sao tôi hay nhớ đến N,nhớ lạ lùng và đôi khi nửa đêm chợt thức với một nỗi ân hận triền miên.

 Đã bao nhiêu năm rồi, nhưng hìnhảnh của N với mái tóc hơi rối xõa dài xuống lưng, gương mặt buồn bã, dáng đi nặng nề, bước lững thững trên sân trường hiện về trong tâm, thật vẫn còn rõ nét.

 Ngày ấy, chúng tôi còn bé lắm, mới học đệ ngũ (lớp tám bây giờ). Lớp học trên tầng hai của dãy nhà bên phải của ngôi trường ngói đỏ, tường đỏ và một sân trường đất đỏ với những hàng cây khuynh diệp rợp lá xanh rì rào, rì rào. Ngày ấy,mười ba, mười bốn, nhưng chúng tôi không lanh như đám trẻ hiện giờ. Quanh quẩn với gia đình, bạn bè trong trường,ngắm nhìn thầy cô giáo với ánh mắt vô cùng ngưỡng mộ và kính phục. Ngày ấy,giờ ra chơi của chúng tôi còn loanh quanh mấy món nhảy dây, ô quan, đánh chuyền,v.v... Thi thoảng tụ nhau ra nhà bác cai trường ăn chè, hay đi mua quà vặt. Những giờ học trống chạy ra sân chơi đuổi bắt, có lúc lên cơn liều, nghịch ngợm chui qua rào đi hái những quả dâu rừng hay lén qua bên Giáo Hoàng Chủng Viện … ăn cắp hoa,thấy các Cha là chạy trối chết. Ôi, cái thời con gái, ăn cắp hoa nhưng không bao giờ nghĩ mình là dân ăn cắp. Cái thời chuyền tay những quả ô mai, những quả tắc thơm lừng, chuyền tay nhau những bông ngọc lan nồng nàn. Đêm về dấu những bông lan vào tóc, để sáng ra nghe hương tóc ngọt ngào. Tuổi thơ mềm và thơm như những câu chuyện cổ tích.

Ngày ấy, trong lớp có hai bạn cùng tên N,một N Trần làm lớp trưởng với cái giọng nói ồm ồm, đầy uy quyền. Và N Nguyễn, ở ây tôi sẽ gọi N Nguyễn là N cho gọn. N lúc ấy lớn hơn chúng tôi khoảng ba hay bốn tuổi. N không chơi với cái đám con nít lóc nhóc của chúng tôi. Chúng tôi cũng không gọi N và vài người bạn lớn tuổi khác trong lớp là chị. Đám lớn tuổi ấy thường hay tách riêng ra khỏi đám con nít chúng tôi, nhưng trong lớp quan hệ vẫn thật bình thường, không thân cũng không xa lạ,không quấn quít cũng không ơ hờ.

 Năm ấy, N Trần và tôi lại hay ngồi cuối lớp. Không hiểu sao hai đứa từ lớp tám trở đi cứ ôm cái bàn cuối mà bám trụ.N Trần là lớp trưởng, tôi là lớp phó, lothêm cái vụ trưởng ban học tập và lo cho lớp học tổ. Có lẽ vì vậy mà N trở thành đối tượng và gần gũi hơn. Lúc ấy N hay nghỉ học, lại học yếu. N ngồi bàn chót dãy bên trái, N Trần và tôi ngồi bàn chót dãy bên phải. Nhìn qua thấy N nhiều lúc nhìn lên bảng với đôi mắt thất thần, gương mặt càng ngày càng xanh xao, mái tóc dài lòa xoà biếng chải. N Trần và tôi hay thăm hỏi.Dần dà nên khá thân, N kể ở với ba, và hiện giờ ba N đang bắt N lấy chồng. Lấy chồng? Hai chúng tôi tròn xoe mắt, thật là một điều không thể tưởng tượng được. Nnói, N không ưng nhưng ông già bắt ép dữ lắm. Rồi N nghỉ học ít lâu. Lúc N đi học lại,bạn bè xúm xít giúp N chép lại số bài vở những ngày N vắng mặt. N nói, ông già bắt làm đám cưới, nhưng N không chịu ở với chồng nên sau đám cưới trốn nhà chồng chạy lên DL. Ông già N đánh N mỗi ngày vì chuyện này. Và chúng tôi thương N, nhỏ những giọt nước mắt cùng với những giọt nước mắt của N, xót xa theo N. Bạn bè trong lớp cùng ái ngại khi các cô giáo gọi N lên bảng mà N không thuộc bài. Lo ngay ngáy cho N vào những lúc có giờ làm bài kiểm tra, xúm xít phụ N làm bài tập ở nhà,v..v…

Ít lâu sau, N bảo N đau ruột thừa, nhưng bác sĩ không cho mổ, chỉ đưa vào bụng N chai nước để hút mủ. Chúng tôi xót xa thấy N chịu đựng biết bao nhiêu đau đớn.Đám con nít chỉ biết nhìn N và không biết làm sao để giúp N ngoài chuyện bài vở.

 Rồi một hôm, không nhớ vì sao chúng tôi biết là N chẳng bệnh gì hết, N …có bầu chứ chẳng có cái chai nào trong bụng. Cái đám nhỏ chúng tôi chợt nổi giận vì bị lừa dối. Lúc đó, chỉ biết ghét N vì N lừa chúng tôi, nên tất cả lạnh nhạt với N,thả ra những lời trêu chọc, nói móc, nói khoáy. N chỉ biết lủi thủi vào lớp, cặp mắt hoe đỏ vì những lời châm chọc của đám bạn bè. Đám chúng tôi đã trở mặt nhanh như chớp, từ những đứa trẻ thân thiện thành đám bạn quái ác của N. Có lẽ chúng tôi đã giận dữ, vì tất cả các lớp khác, các cô giám thị đều biết N có bầu, mà chúng tôi vì tin N, vẫn nghĩ N chỉ mang cái chai trong bụng để hút mủ ruột thừa. N lúc đó trở thành một kẻ dối trá và lường gạt bạn bè và chúng tôi nhìn N với cặp mắt thật coi thường và ghẻ lạnh.

 Rồi một ngày không thấy N đi học.Nghe nói ban Giám hiệu đã kêu N xuống và cho nghỉ học vì N đã có gia đình và lại có thai. Cả đám con nít lúc đó vui mừng vì thấy N bị trừng phạt đích đáng, vì N đã bị loại trừ khỏi đám học sinh chúng tôi,chúng tôi xa được N như tránh được một cái gai vậy.

Chúng tôi quên N, lớn dần lên với những bận rộn học hành thi cử, với những công việc bộn bề của đời sống.

Tôi cũng quên N, nhưng khi mang thai đứa con đầu lòng, tôi bắt đầu nhớ đến cô bạn học hồi xưa và hiểu dần ra những đớn đau,những lẻ loi N phải gánh chịu. Thương N,tôi bắt đầu giận và ghét chính tôi. Ngày xưa ấy chúng tôi còn bé quá, làm sao hiểu được những nỗi đau của thân phận đàn bà.Có lẽ trong thâm tâm N, N không muốn lừa dối chúng tôi. Trong thâm tâm N, N cũng chưa muốn lấy chồng, N lấy chồng vì bị gia đình ép buộc, thời ấy chuyện ấy gần như bình thường. N vẫn muốn cắp sách đi học như chúng tôi, N vẫn muốn có bạn bè để chia sẻ. Muốn gần gụi, N không thể thú thật mình thật sự có chồng và sắp sửa có con. Trong lúc N bị sức ép từ gia đình, từ ban giám hiệu thì chúng tôi lại tạo thêm những sức ép từ phía bạn bè. N bỏ học,bạn bè không ai liên lạc. Không ai biết N ra sao.

 Mấy chục năm đã trôi qua, tôi càng lúc càng không thể quên dáng N lủi thủi vào lớp. Dáng N lặng lẽ cam chịu nghe những lời móc khoáy của chúng tôi với cặp mắt hoen đỏ.

 Dáng N đi lững thững trong sân trường với chiếc cặp cắp xéo che ngang bụng. Trời ơi sao lúc ấy chúng tôi có thể nhẫn tâm đến vậy với cô bạn cùng lớp với mình. Sao chúng tôi đã có thể làm ngơ trước hoàn cảnh đáng thương ấy, và tệ hơn nữa chúng tôi còn đẩy bạn vào sâu trong đớn đau với những câu trêu chọc đầy ác ý và cười cợt trên nỗi đau của bạn.

 Giá lúc ấy, chúng tôi hiểu biết hơn,chúng tôi có thể chia sẻ, ủi an N với những tình bạn ngọt ngào thì chắc N sẽ đỡ khổ,đỡ tủi thân hơn. Giá lúc ấy, chúng tôi bao dung hơn, sâu sắc hơn thì có lẽ bây giờ tôi không ray rứt.

 N ơi, giờ N ở đâu, hi vọng cuộc sống của N sau ngày thôi học dễ chịu hơn khi N biết chấp nhận cuộc sống của mình và hoàn cảnh của mình. Xin lỗi N vì những ngày cuối cuộc đời học sinh của N, chúng tôi đã không để lại cho N những kỷ niệm đẹp của bạn bè. Xin lỗi N vì khi N lặng lẽ nghỉ học chúng tôi vẫn không nghĩ đến N với những tình cảm đẹp.

 Mấy chục năm, chỉ mong gặp lại N một lần để nói những lời xin lỗi muộn màng. N ơi, mong N tha thứ cho cái đám con nít ngày xưa không hiểu chuyện. N ơi,hi vọng N nếu ở đâu đó có đọc những dòng này sẽ biết là đám bạn nhỏ hồi xưa vẫn thương và nghĩ đến N. Chúng mình vẫn là bạn học cũ của ngôi trường vôi đỏ,vẫn là những con người của Đà lạt dễ thương.

 N ơi,tha thứ cho chúng tôi nhé.
 Mong N luôn hạnh phúc và nhiều may mắn, và mong tất cả chúng ta cùng đủ và luôn nghĩ đến nhau với những bao dung dịu dàng, để cùng tha thứ cho nhau những lỗi lầm vụng dại.

Thiên Hương

Australia

img1

Đệ Tứ 1966, Từ trái:Hiền-Vân-An-Liễu Đông-Minh-Cô Hường-Tuyết-Hiếu

img2 Hình như có cô nàng đang đọc thư tinh?

img3 Lớp Đệ Lục 3 NK 1964-1965 picnic thác Prenn img4


Lớp Đệ Tứ 3 NK 1964-1965
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn