Trường Em Trường Anh

04 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 156391)
  TRƯỜNG EM TRƯỜNG ANH…

 Trong một buổi trà đàm của một nhóm các bạn BTX và THĐ, tạm gọi tên là các ông bà
A,B,C… Cuộc trà đang đến hồi thấm giọng. Bỗng ông A lên tiếng:
- Tôi thấy trong bài "Lá thông reo" anh TN.Tòan đã nói rất đúng..
Ông B hỏi lại:
- Rất đúng là đúng chuyện gì?
- Ngay vào đầu bài anh ấy viết: “ phải nói ngay rằng các cựu nữ sinh BTX phải gọi tôi là một trong
những ĐÀN ANH chứ không phải là ĐÀN CHỊ của...
Bà C ngắt lời:
- Cứ cho là như vậy thì có gì quan trọng mà đúng với sai?
Ông A:
- Có chứ...nếu chị cũng công nhận ' Đàn anh' là đúng thì hội ta phải được gọi là hội cựu học sinh THĐ và BTX thay vì BTX và THĐ..."
Bà C ra giọng mát mẻ:
- Y anh muốn để THĐ trước chứ gì...nếu không có lý do nào hay hơn thế thì thật là nhỏ mọn....
Ông B ngả giọng cười bênh phụ nữ:
- Thôi anh ơi, ra đời trước mà đi học sau thì cũng làm em thôi, vả chăng anh không biết anh đang ở đâu và thời đại nào hay sao..?
Bà C cười vẻ rất hài lòng với ý kiến của ông B. Ông A cũng cười hòa bình nói:
- Tôi hiểu rồi, anh muốn nói đến không gian và thời gian của ladies first chứ gì? Cũng được thôi, thế nhưng muốn có thêm lý do khác thì cũng có chứ không phải là không.
- Anh cứ nói ra cho chúng tôi nghe thử
- Xét về lịch sử thì Tướng Trần Hưng Đạo cao niên hơn Tướng Bùi Thị Xuân rất nhiều, còn xét về lịch sử cận đại của riêng thành phố Dalat thôi thì cái tên trường Trần Hưng Đạo cũng ra đời trước trường Bùi Thị Xuân ít nhất là hai năm vì hai biến cố có tính chính trị...
 Bà C hơi có dáng đăm chiêu, hình như bà chưa từng nghe qua cái tên trường ra đời vào năm nào thì làm sao bà biết được trước hay sau bao nhiêu năm.,Bà chuyển trường lên Dalat học ở Bùi Thị Xuân những năm chót vào giữa thập niên 60, coi như cũng là những nữ sinh kỳ cựu của trường, thế mà cái anh TNT kia lại bắt đầu câu chuyện từ đầu những năm 51 thì hóa ra mình vẫn còn ...quá trẻ hay sao, nghĩ tới đây lòng bà bỗng rộn lên một niềm hân hoan khó tả khiến bà chợt mỉm cười. Cả hai ông đều bắt gặp nụ cười bí ẩn của bà. Ông B không nhịn được quay sang hỏi:
- Chị nghĩ gì mà cười vậy?
Bà C định nói “các ông nhớ chuyện quá xa…đồng nghĩa với...các ông đã quá già…”
nhưng bà kịp dừng lại và chuyển sang ý khác:
- Tôi đang chợt nghĩ không biết những điều anh “nói có sách, mách có chứng” hay muốn bịa ra để hù tụi tôi chơi.
Ông A vẻ rất tự tin:
- Chả có sách nào cả. Tôi chỉ dựa vào bộ nhớ của tôi thôi.,Bởi vì đó là thời gian có tôi trong cuộc.
-" Đừng lang thang nữa - ông B dục- nếu có anh trong cuộc thì hãy vào chính đề đi.
- Vâng tôi xin kể.......năm ấy là năm 1952 tôi đang học lớp sixièmme ở trường Sainte Marie (một trường tư thục theo chương trình pháp) thì bạn tôi anh C.T,Phương rủ tôi về học ở trường Trung Học Việt Nam là trường công mới mở ở Tây Hồ.Tôi cũng muốn lắm, nhưng vì cũng mới chuyển sang S.M được hơn một năm nên bố tôi không cho. Ngày ấy tôi cũng có nghe đến trường Bảo Long (là con trai vua Bảo Đại) ở gần hồ Vạn Kiếp bên ấp Hà Đông,và một trường nữa cũng là trường công có tên công chúa Phương Mai (con gái vua BĐ). Trường Phương Mai đang được xây cất gần bên Đồi Cù gần ấp Hà Đông. Mùa hè năm 1953 tôi lại được nghe bạn bè báo tin trường Trung Học Việt Nam ở Tây Hồ được chuyển về trường Phương Mai lúc này đã xây xong.
- Có nghĩa là Trung Học Việt Nam biến mất, chỉ còn lại hai trường công lập mang tên của Hoàng Tử và Công Chúa mà thôi phải không?
- Vâng, đúng như chị nói.Thế nhưng ngôi vị Hoàng Tử và Công Chúa cùng với sắc lệnh “Dalat là thủ phủ của Tây Nguyên, của Hoàng Triều Cương Thổ” cũng không tồn tại được bao lâu thì xụp đổ...vì biến cố liền năm sau đó.
Cả hai ông bà bạn đều nói:
- Biến cố 54 phải không?
- Đúng thế - ông A gật đầu nói tiếp - tháng 7-1954 Hiệp định Genève được ký để chia hai đất nước.Ngày ấy chúng ta còn quá nhỏ, chẳng hiểu ất giáp gì ngoài cái kết quả từ vĩ tuyến 17 trở vào vẫn thuộc quyền vua Bảo Đại, vẫn còn người Pháp bảo hộ. Vua Bảo Đại, nay đổi danh xưng là Quốc Trưởng Bảo Đại mời ông Ngô Đình Diệm về làm thủ tướng. Cũng trong mùa hè 54 này nhiều người dân miền Bắc di cư vào Nam....một phong trào di cư lớn chưa từng có.Vì cuộc di cư này, dân số Dalat đã tăng gấp đôi số cũ. Nhiều học sinh di cư đã xin vào học trường Phương Mai và tôi…,ông A nhìn hai người bạn cười giả lả… tôi cũng di cư từ trường Sainte Marie sang trường Phương Mai dịp này...
Bà C hỏi ông A:
- Tôi tò mò muốn biết tại sao dịp này anh mới chuyển trường? Có phải vì cô Bắc kỳ di cư nho nhỏ nào không ?
- Làm gì có tài đó, tôi rời bỏ trường tư chỉ vì học phí tăng cao mà kinh tế gia đình thì tới hồi eo hẹp
Ông B:
- Chị đừng cho anh ấy có cơ hội nói vòng vo, anh A , vắn tắt lại cho
- Vâng, tôi xin vắn tắt. Như vừa nói sau hiệp định 54 Quốc Trưởng Bảo Đại giao cho ông Diệm lo việc nước. Còn ông cùng gia đình qua Pháp nghỉ ngơi. Mùa hè 1955, dưới quyền trông coi của ông Diệm, toàn cõi Miền Nam dấy lên phong trào phế Đế và bài Pháp. Phong trào nhanh chóng lớn mạnh biến thành các cuộc biểu tình xuống đường bôi xóa triệt hạ các tàn tích của người Pháp, tất nhiên phong trào cũng bôi luôn mọi hình ảnh ông Bảo Đại.Thành phố Dalat cũng nằm trong dòng thay đổi ấy. Tôi còn nhớ ở Dalat có một cửa tiệm của người Việt lấy tên bảng hiệu là Saigonnaise, bên cạnh lò bánh mì Vĩnh Chấn cũng bị vết sơn bôi xóa be bét.
Bà C hỏi:
- Saigonnaise cũng được kể là tiếng Pháp hay sao?
- Ông chủ này là dân Sàigòn, lên Dalat làm ăn, đặt tên cửa hiệu là Sagonnaise ,có nghĩa là dân Sàigòn cũng như dân Paris gọi là Parisien
- Còn dân Dalat thì gọi là gì?
- Dân Dalat gọi là Dalatois. Như chị thì phải gọi là Dalatoise - cả bọn cùng cười- ông A nhấn mạnh: đừng hỏi tôi vì sao...tôi không biết, chỉ biết thầy Pháp văn của tôi nói vậy.
Ông B thở dài tỏ ra sốt ruột.Ông A biết ý, nói tíêp:
- Biến cố lịch sử của năm đó dẫn tới kết quả là Bảo Đại bị truất phế, chính sách bảo hộ của người Pháp cũng tiêu luôn. Dalat xinh đẹp của chúng mình. Thủ phủ của Hòang Trìều Cương Thổ thì sao nhỉ? Nhiều luật lệ cũ bị bãi bỏ như giấy laisser passer, các địa danh hay tên đường bằng tiếng Pháp, và điều có liên quan tới mình là đầu niên học 1955, trường Bảo Long được đổi tên thành trường Trung
Học Trần Hưng Đạo và trường Phương Mai được đổi thành trường Trung Học Quang Trung.
Ông A tạm dừng ở chỗ này, ông với tay cầm tách trà lên nhắp một ngụm, nhìn bà C mỉm cười. Bà C thản nhiên nói:
- Tất nhiên rồi....vua bố bị truất phế thì hoàng tử hay công chúa gì đi nữa cũng phải bị phế luôn, nhưng
...ý anh muốn nhắc nhở tới năm 1955 là năm sinh của trường Trần Hưng Đạo chứ gì, yên tâm, tôi sẽ ghi nó vào bộ nhớ.
- Thời gian này - ông B góp ý - tôi cũng vào học Quang Trung. Cả hai trường Trần Hưng Đạo và Quang Trung vẫn giữ thể chế mix, nghĩa là trường thu nhận cả nam lẫn nữ. Nhưng rồi sau chia ra nam riêng, nữ riêng cho nên mới có Bùi Thị Xuân ra đời..
- Anh nói có lý - ông A bổ sung thêm - tuy nhiên tôi nghĩ biến cố nội bộ của trường Quang Trung năm 1956 mới là nguyên nhân chính của sự ra đời của trường Bùi Thị Xuân. Nếu anh đã vào Quang Trung chắc anh cũng biết hay ít nhất anh cũng nghe kể lại... ông A thấy ông B đang trầm ngâm không lên tiếng nên ông nói tiếp - chỉ vài tháng sau vụ truất phế, dân chúng suy tôn cụ Dịêm lên làm Tổng Thống, đúng như các cụ nói quan tân chế độ tân, trường Quang Trung được bổ nhiệm một hiệu trưởng mới thay cho hiệu trưởng tiền nhiệm (là cụ PhạmVăn Nam, bố (?) của chị Vân Cương lớp tôi), tôi xin lỗi các anh chị tôi không nhớ nổi tên cụ hiệu mới này, tôi cũng không nhớ rõ ngày tháng của biến cố mà tôi sắp kể ra đây, nhưng tôi chắc chắn thời gian đó là đầu năm học lớp đệ tứ của tôi (1956). Hôm ấy, một ngày đẹp trời, sân trường Quang Trung đang giờ ra chơi nhộn nhịp. Chúng tôi bỗng thấy thầy L.P từ trong phòng Giáo Sư bước nhanh ra ngoài hành lang, dầu tóc hơi rối, hai tay đang vò một tờ giấy đưa lên cao, ông nói thật to: “sao có thể làm việc sai quấy như vậy được!”. Theo sau thầy P là thầy Đ và cô Đ. Hai thầy có vẻ giằng co, cô Đ thì can ngăn hai thầy. Những học sinh đứng gần hành lang phòng Giáo Sư đều trông thấy cảnh ấy. Lập tức đông đảo học sinh tụm lại, họ có dự cảm lẽ phải ở bên thầy P nên họ đã đứng về phe thầy. Họ nhanh chóng biến thành một tập thể lớn và đang làm một cuộc biểu tình chống lại ông Hiệu Trưởng. Có người báo văn phòng đã gọi cảnh sát. Đoàn biểu tình lập tức cử người cắt đường dây điện thoại. Đoàn biểu tình dự tính xuống đường để đi về phía tòa tỉnh.Nhưng đoàn chưa ra khỏi cổng trường thì đã bị an ninh chặn lại và rồi các đại biểu sở giáo dục đãvào phủ dụ anh em học sinh và hứa sẽ giải quyết mọi việc ổn thỏa. Biến cố ngày ấy đã lắng xuống trong êm dịu. Kết quả là cuối hè năm đó, chúng tôi được thông báo sang năm học mới 57-58, tất cả nam sinh ở Quang Trung sẽ chuyển sang học bên trường Trần Hưng Đạo, tất cả nữ sinh bên Trần Hưng Đạo sẽ chuyển qua học ở Quang Trung,và cũng trong năm học này Quang Trung được đổi tên thành trường Nũ Trung Học Bùi Thị Xuân. Tóm lại, năm 57 là năm ra đời của trường Bùi Thị Xuân.
Bà C nhìn ông B hỏi:
- Anh cũng là học sinh Quang Trung thời ấy, anh có biết biến cố này không?
- Không, hôm ấy tôi không có lớp, nhưng hôm sau tôi có nghe kể lại, đại khái diễn biến ngoại cảnh cũng giống như anh A vừa kể, còn dư âm ....hoa lá cành...bên trong câu chuyện thì lung tung lắm, lớp đệ ngũ tuổi mười ba như tôi diễn biến đó không quan trọng bằng tôi bị mẹ phạt cúp lương cuối tuần.
Cả ba người cùng cười, ông A nói:
- Tôi cũng giống anh thôi, chỉ hai ba hôm sau là chuyện đó trở thành cổ tích. Nhưng sự phân ra trường nam riêng nữ riêng của Trần Hưng Đạo và Bùi Thị Xuân hai năm sau vẫn chưa ổn định. Bằng chứng là năm học 58-59 lớp đệ nhị nữ Bùi Thị Xuân chỉ có hơn 10 người, trường đã gởi các chị sang học chung lớp tôi ở Trần Hưng Đạo. Cuối năm học này Dalat có mở khóa thi Tú Tài phần I, nhưng chỉ phần thi viết thôi. Những học sinhđậu thi viết phải xuống Saigon để thi vấn đáp. Thêm nữa những học sinh đậu tú tài I năm đó, muốn tiếp tục học tú tài phần 2 phải xuống Sàigòn vì Trần Hưng Đạo chưa có lớp Tú Tài 2. Nữ thì vào Gia Long hay TrưngVương, nam thì vào Chu Văn An hay Petrus Ký. Tôi xin chuyển vào Chu Văn An và thế là tôi bắt đầu xa trường... xa Dalat kể từ năm ấy...
Bà C vừa đứng dậy vừa nói:
- Cảm ơn các anh đã cho tôi nghe một khúc " tiền sử " của trường Bùi Thị Xuân. Chuyện của anh đã đến hồi cảm...cúm rồi. Để tôi đi lấy thêm nước rồi chúng ta chuyển đề tài khác nhé....

Nguyễn Đức Thiêm
(GG. 21-09-2011)

img1
Niên khóa 1957-1958, nữ sinh BTX sang học trường THĐ. Phía sau từ trái sang phải: Võ Thị Thủy Tiên, Nguyễn Thị Hoa, Thái Thị Thu, Đinh Thị Ngọc, Trần Thị Nga, Nguyễn Thị Liên, Nguyễn Thị Tuyết Hồng. Giữa: Ngô Thị Liên, Đào Thị Hải, Nông Kim Yến, Nguyễn Thị Kỳ Diệu, Ngô Thị Mỹ, Nguyễn Thị Ngọc Diệp. Trước: Ngọc Dung, Ngô Kim Liên, Xuân Nương, Cô Mộng Ngọc (GS Pháp văn và GS hướng dẫn), Thu Thủy, Ngọc Lan.


img2 img3
Một số nữ sinh BTX đi picnic 1958 Ban nhạc “The Mambo” Quang Trung 1956
img4 img5
Giáo sư và học sinh lớp dệ tam THĐ 1957 Trong lớp học NK 1956-1957 Quang Trung

img6

img7
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn