Đêm Ấy, Trên Cao

04 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 151765)
Đêm Ấy, Trên Cao…

img1


Hoàng Kim Châu thân,
 Đalat năm nay đón Tết Nhâm Thìn lạnh khác mọi năm, anh đào vào tết ta mà vẫn còn lấm tấm hạt gạo với vài cánh hàm tiếu màu tím tái.
 Nhận mail Châu gửi, mình đọc giữa lúc trời đất Cao nguyên vào mùa gió bấc cuối đông lao xao hoa dã quỳ vàng vung vãi màu trên nền chân trời mây chì tê tái lạnh.
 Cậu bảo mình năm nay bên ấy, nước Mỹ xa xôi mà mình chưa từng đi tới, trời lạnh lạ. Tuổi xế chiều, lòng trĩu nặng tình cố hương mà lại se lạnh trong màu hoàng hôn xa xứ thì buồn hiu hắt quá!! Cậu nói, nếu cho đi lại từ đầu, sẽ không phung phí biết bao thời gian ở ngày tháng cũ. Mình nghĩ, chắc rồi cũng sẽ như xưa thôi, nhưng ta sẽ không vội vàng, sẽ nhẩn nha sống chậm lại, thưởng thức thật tròn đầy những phút giây đắm say trong cuộc sống. Chúng ta đã vội vã bương tới để rồi bỏ sót, lãng phí biết bao nhiêu!! Ta sẽ sống như chú bò nhẩn nha nhai lại từng ngọn cỏ đã gặm được trên lối đi, không vội vã bương rừng vượt suối tìm cho được một cánh đồng cỏ non như trong mơ ước.
 Ừ nhỉ, giá như được trở lại ngày ấy, chúng mình sẽ nhẩn nha góp nhặt, gói trọn từng cảm xúc, từng xót xa… để cho tất cả ngập tràn những kỷ niệm thân thương. Sẽ sống chậm lại, sống đầy hơn trong từng khoảnh khắc, không vội vàng bương bổ, sầm sập chạy hụt hơi cho đến bây giờ…tóc bạc, mắt mờ và được gì nào? Ta đã đến nơi trời chiều loang loãng bóng đêm thâu, nơi ta như nghe văng vẳng tiếng cú gọi sao khuya của đêm đen vô cùng!!
 Mãi hụt hơi chạy gần bảy mươi năm để đến cái đêm vô tận này sao Châu? Chúng ta hãy chầm chậm nhai lại những ngày tháng cũ đã vụt bay qua. Giây tơ thân xác giờ đây đã chùng, cung đàn sống nay đã lạc điệu; chỉ nhờ vào trí nhớ miên man mà nắn nót cung đàn gần năm mươi năm cũ.
  Rơm rớm, hoài nhớ lại những tàn phai…
 Mình muốn cùng Châu nhớ lại đêm ấy trên cao… cái thời mà hàng tỉ tỉ tế bào thanh xuân của tuổi đôi mươi rạo rực, rần rật, cuồn cuộn chảy trong suối huyết quản của mấy cậu con trai trường Trần Hưng Đạo trước mặc - khải - về - nhan - sắc - đàn - bà.
Đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, trường Trần Hưng Đạo là Thiếu Lâm Bắc Đẩu trong thế giới trung học của Đalat, là “thế giới đàn ông” ở một góc thành phố ngàn hoa. Thuở ấy, chúng mình nghĩ về các cô, các nàng là nhìn về phố, nhìn về Nga – Mi – Bùi - Thị - Xuân xa xôi và bí hiểm!
Vẩn vơ trong óc, trong giấc mơ, trong sức sống đôi mươi luôn có hình bóng các tỉ tỉ, muội muội ngập tràn, ám ảnh… Bây giờ nhớ lại, quả là bởi đâu “ Dieu créa la femme” Thật xa lạ huyền hoặc mà làm lòng ta rộn ràng đến vậy?
Còn nhớ, năm 60, mới vào lớp đệ tam trường Trần Hưng Đạo tờ báo xuân được thầy Hài dạy công dân hướng dẫn, mình cùng Lân, Lục Cận, Hùng điếc Đơn Dương và Trương Đức Bảo, Vàng Huy Liễu đạp xe xuống nhà cô Tôn Nữ Kim Phượng, giáo sư dạy vẽ nhờ cô vẽ cho bìa báo. Mấy thằng ngố khiếp sợ trước không gian trang nghiêm, sang trọng, cách biệt của ngôi biệt thự nhỏ nằm trên triền đồi hoa mận vào thu nở trắng xóa. Phía dưới là hồ Mê Linh tỉnh lặng, cả rừng thông cao in bóng dưới mặt hồ như bao nhiêu mái tóc đen dài đang chụm đầu vào nhau thì thầm to nhỏ. Thưở ấy, từ Chi Lăng vào đến hồ Than Thở, Thái Phiên bạt ngàn rừng thông, thản hoặc vài ngôi biệt thự núp bóng bên lối đi, thiên nhiên choáng ngợp màu xanh vi vu ôm phủ xuống sự nhỏ bé thân thương của con người. Còn nhớ bốn đứa ngồi ngoài phòng vẽ của cô, kính vây quanh, ánh sáng trong veo ngập tràn vườn mận trắng, chảy dài xuống mặt hồ vươn vất vài lọn mây trắng… trên giá vẽ cô cài một bức tranh lụa vẽ dở dang. Ngoài kia rừng thông xào xạc, vi vu trong gió lao xao. Bà người làm đem ra mấy tách trà nóng bảo các cậu chờ, cô đang hong tóc chốc nữa sẽ ra. Mấy tiểu-tăng Trần Hưng Đạo ngây say trong khung cảnh đẹp thanh khiết, không dám thở mạnh, cười to, có cảm giác mình quá phàm tục trước cảnh tiên. Lục Cận cuộn tròn tờ bìa báo vẽ nháp, cậu ta xấu hổ muốn dấu nhẹm đi. Nơi ấy, ngan ngát mùi hương hoa, cái gì cũng toàn bích, cao xa và kiêu kì… ngay cả làn gió bên khung cửa sổ phòng cô đang hong tóc tạt qua cũng thơm ngát hương hoa chanh, hoa bưởi vươn vấn đâu đó…
Rồi cô khoan thai bước ra, cả bọn trố mắt đứng lên như trời trồng miệng lí nhí chào. Cô mặc cặp đồ trong nhà sa tanh trắng, khoát robe ngoài áo lụa vàng ngà dài xuống chân, mượt mà, tha thướt. Thắt lưng áo khoác hững hờ cài, bên ve áo khoác thêu một cánh hoa lan ý-thảo màu tím nhạt. Mái tóc đen vừa gội xõa dài đến thắt lưng, đen óng ả, vài lọn tóc ôm đôi vai thon thả, thanh tao, xõa ra trước che thật duyên dáng vóc ngọc ngà. Cô đẹp dịu dàng thanh thoát. Ngày ấy tôi vẩn vơ nghĩ, chắc tiên nữ trong bao truyện thần kỳ cũng chỉ đẹp đến vậy, nàng tiên đứng trước mặt chúng tôi hiền dịu dàng mà nghiêm trang, mắt miệng cho ta cảm gíac đang cười, đang định nói với mình điều gì. Sau này,đọc Kim Dung, mình thấy cô Kim Phượng chính là hình ảnh Tiều-Long-Nữ của Dương-Quá, là tiên cô ở cõi tiên lạc xuống trần. Cả bọn lí nhí nhờ cô vẽ giúp bìa tờ báo tên Lan Rừng; cô lấy tờ croquis, tay cầm bút chì tựa khung cửa sổ, mắt đăm đắm nhìn vào khung giấy trắng, đôi bàn tay nuột nà như búp sen trắng hồng bay quanh trang giấy mà ngọn bút vẫn chưa đặt lên nền giấy trắng. Bên ngoài khung kính, gió lao xao nắng trong veo nhảy múa trên từng bông hoa mận. Bốn đứa ngây say đứng nhìn, không thấy cả đất trời luân chuyển mà chỉ thấy tiên cô áo trắng đang là một với cái đẹp trong tranh. Tà áo và trang giấy trắng là một, bàn tay cô và nét hoa biểu lộ trên trang giấy là một… Chỉ đến khi cô lên tiếng, giọng Huế nhẹ như gió thoảng qua cung tơ mới làm cả bọn giật mình tỉnh mộng: “Mấy em xem thế này được chưa?”. Trên nền giấy trắng, cô phác họa một cánh lan hài, vươn lên trên nền mấy chiếc lá xòe ra, rủ xuống… nét vẽ nhẹ như mây chiều. Cô tiếp: “vì in typo, cô vẽ ba màu chồng lên làm nền cho đỡ tốn kém, cô sẽ cho màu và đầu tuần sau cô đưa cho các em”.
Cả bọn líu ríu chào cô ra về, đường về mấy chiếc xe đạp như nặng nề hơn, hồn phách lãng đãng nơi đâu, chẳng ai nói với ai lời nào. Xuống dốc nhỏ, cạnh hồ Mê Linh, cả bọn dừng xe nhìn lên trên đồi, biệt thự của cô ló dạng sau đồi hoa mận, cô ở trên cao đó, còn mấy cậu con trai như mất hồn lủi thủi trở về, một nửa hồn kia bỗng dại khờ.
Khoảng năm ấy, các thầy trẻ về trường khá đông: Thầy Trương Văn Hoàn, thầy Trương Toàn, thầy Lạc, thầy Bằng, thầy Anh, thầy Khuê và thầy Lan, thầy Châu (triết). Đây là thời cực thịnh của Trần Hưng Đạo. Các dãy ABC, nhà chơi, khu văn phòng, khu phòng thí nghiệm… đã xây xong.Trường Trần Hưng Đạo đã qua nhiều đời hiệu trưởng cho đến ngày xóa sổ tháng 4/75.Trường nhìn qua bên kia là đồi Mả Thánh; gần hơn, phía trước làhồ Vạn Kiếp, bên trái là khu vườn dâu. Mộ thầy hiệu trưởng Kỳ Quan Lập nằm trên Mã Thánh hướng nhìn về trường Trần Hưng Đạo. Nay thì, Mã Thánh bị giải tỏa sạch để dự trù san ủi thành một sân vận động lớn của thành phố; ngôi mộ của thầy Kỳ Quan Lập đã được dời đi nơi khác; nay hồ Vạn Kiếp đã được san ủi trồng rau; trường xưa nay đã không còn tên tuổi. Sau 75 thì cả ngôi trường đã chuyển qua nhiều thứ khác nhau, kể cả văn phòng hiệu trưởng trở thành lò sấy và chà sát quần jean Malaysia và chỗ thầy Bửu Vụ phạt cấm túc học sinh thành hầm nước soude ngâm cho bạc màu vải quần bò xuất khẩu. Rồi cuối cùng bảng tên trường màu đỏ nằm trên khung màu vàng tam giác hướng ra Mã Thánh cũng bị đục ra giật sập để chặt cây, xây một khối bê tông đồ sộ .
Biết làm sao được Châu? Vạn sự giai-không!
img2
Còn nhớ, mùa thu năm 61 vào lớp đệ nhị chuẩn bị hè 62 thi tú tài I, tụi mình đã trở thành một lũ gà tồ, cao ngồng mặt đầy mụn và bể giọng ‘lớ ngớ dư tay, dư chân…biết len lén nói thầm với nhau ngoài rạp Ngọc Lan đang chiếu phim Angélique nuy một nửa hết sẩy!! Rạo rực nghĩ về đàn bà và thế giới dung tục đã và đến: khắc vẽ bậy bạ trên bàn học, lấy than nguệch ngoạc ở nhà xí… Sáng thứ hai nào trên sân chào cờ thầy Bửu Vụ cũng nhịp nhịp cây roi nói như quát: “Đựa mô? Đựa mô? Tụi bây đục cái đầu ra mà rựa cho sạch!!…” và lần nào, tên bạn Huỳnh Chùm cũng bị thầy hăm he là đầu têu… Góc sau dãy Acủa trường, bên bờ rào chủng viện, có một ụ đất cao đựơc đùn lên che lấp một hầm nước bỏ trống. Hầm tròn có cầu thang sắt bước xuống, đường kính trên 5 m và vách tường xi măng cao trên 5 mét. Đó là phòng triễn lãm thế-giới-bản-năng vô-thức, libiđo của đám “nhất quỷ” bước vào tuổi lắm ước mơ thầm kín. Đó là trung tâm báo chí bằng đủ loại hình ảnh vẽ than và phấn của lắm tác giả vô danh, “hầm quỷ” là thế giới dung tục của tụi trai mới lớn cấp ba, bọn đàn em cấp hai ở dưới dãy C B chỉ nhìn lên mà ngưỡng mộ!!

Rồi một sáng mai, cả đám nhị-tam đang tụ nhau bên hàng thông cao cạnh đường đá giữa nhà chơi và dãy C (thất-lục) tiếng kẻng báo đến giờ học mà cả đám vẫn lặng im nhìn về phía văn phòng: một mái tóc đen xõa dài bay theo gió, khăn quàng dài màu kem, áo dài trắng, áo len trắng… Tất cả đều như phất phơ bay theo gió từ đỉnh đồi lùa xuống, một cặp mắt đen to thẳm thẳm, long lanh bở ngỡ ngước nhìn. Cô giáo dạy văn cấp hai Nguyễn Thị Hoàng đang nhẹ gót bước vào Thiếu Lâm Trần Hưng Đạo, bóng hồng lạc giữa quần tăng. Cả bọn lớp lớn bị hớp hồn đứng ... ngây, còn các lớp nhỏ thì lao xao bên các khung cửa sổ nhìn tóc gió lao xao. Đi sau cô giáo mới một khoản là các thầy già trẻ, đạo mạo veston-cà-vạt chậm rãi, vẻ như thờ ơ, đi rẽ vào các lớp.

Trường giao cho cô Hoàng và thầy Lan (triết) hướng dẫn tờ báo xuân cuối năm 61. Chắc Châu còn nhớ, Đalat vào cuối đông trước Noel, gió bấc hun hút, thổi trong nắng và cả bạt ngàn rừng thông như tỉnh dậy sau những ngày mưa phùn buốt giá, đứng dậy chào đón nắng trong và gió bấc khô lạnh; nắng gió quấn quýt, ôm ấp, phì phò thở…
Đalat trở mình thức giấc: Dã quỳ vung vãi màu vàng tươi ngập ánh nắng, các bờ kè vách đá chen chúc hoa bìm bìm tím phai lưỡi vàng, chen margueritte trắng, màu hồng mơ mởn của từng cụm tầm xuân… Đalat như cô gái đôi tám đang yêu, mới biết run rẩy nghĩ đến tình yêu, chớp mắt, hất mái tóc ra sau thẹn thùng nhoẻn miệng cười vô cớ…

Mùa xuân Đalat là mùa cả thành phố rạo rực, cả đất trời cỏ cây rạo rực, đêm đêm nôn nao ngủ không đành mà thức thì vu vơ buồn dưng không trong cô quạnh. Đó cũng là mùa lễ hội. mùa trai gái rạo rực chờ đợi những ánh sao băng kéo từng vệt dài trong đêm đầy sao mà nhắm mắt thầm thì cầu nguyện. Bỗng dưng, các cậu bí mật nhỏ to “hôm qua có đi ngang qua tiệm phở Đắc-Tín, có thấy.. có qua bờ hồ thấy hai nàng họ Từ ở Ty Lao Động bước ra; Nguyễn Vương Thái và Khánh khoe có được cô Thơ trường Trí Đức mời dự Kermesse trước Noel, có thấy thấp thoáng hai nàng họ Quản đẹp e ấp sau lưng mẹ …”rồi T.S. Thực hớn hở vì được mời qua đánh trống cho dàn nhạc văn nghệ ở đỉnh Nga-Mi- Bùi - Thị - Xuân. Ôi thế giới quanh ta ngày ấy sao mà cao xa và diệu kỳ đến vậy, nghe tài hoa danh sắc nơi ấy với Xuân Ninh, Bùi Bạch, Oanh Trảo, Mỵ Nương, Tần, Tảo,Bạch Tuyết, Bích Liên… nơi ấy thiên hoa lộng vũ!!

Rồi T.S Thực thông báo cô Hoàng mời ban báo chí đến nhà cô đêm thứ bảy, trước Noel một ngày, bàn về tờ báo xuân. Nhà cô là một biệt thự nhỏ ở khu B, khu biệt thự ôm sát đường quanh trường Trần Hưng Đạo... nhà thầy Hoàn cũng ở gần đó. Nhà cô ở tầng trên, bước lên bậc đá bên ngoài lên phòng khách có sàn gỗ với một lò sưởi lửa đang bập bùng - Trên bệ lò sưởi một cành cây khô và một bó hoa Mimosa tươi thoang thoảng hương nồng.
Châu còn nhớ? Chúng mình quê và ngô nghê trong không gian ấm cúng tràn đầy màu mật ngọt của một căn phòng nữ nhi. Có bốn anh em được cô mời: Trương Sỹ Thực, Nguyễn Đức Phống, Châu và mình. Trương Sỹ Thực là dân Sài Gòn, đã quen với không khí cởi mở của gia đình có chị gái, Thực nhanh nhẩu sống động, cười nói đầy tự tin, thoải mái với chiếc răng khểnh rất duyên. Tụi mình thì rụt rè, nhút nhát và mình như muốn ngưng thở khi cô Hoàng xuất hiện. Cô mặc lụa mềm màu đen, tóc xõa dài đen phủ vai,cặp mắt đen thăm thẳm trên khuôn mặt trắng ngọc - lan. Một chiếc phu la len màu trắng điệu đàng ôm cánh cổ cao thon, trễ tràng buông xuống, cô cười e ấp bên hai cây nến hồng và lò sưởi ấm áp lách tách nổ! Mình như ngộp thở trong không gian ấm áp và ngọt ngào,tất cả như quấn quýt réo gọi từ đâu đó trong vô – thức hình ảnh ấm êm của hạnh phúc,hình ảnh ước mơ của lắm gã giang hồ lang thang trong gió lạnh mưa bay…
Một chiếc chiếu cói rộng trải trên sàn gỗ sậm màu, cô khép nép ngồi nghiêng nghiêng bên lò sưởi, ánh lửa hồng hắt lên khuôn mặt đẹp đầy ma lực, đầy cuốn hút: mình có cảm giác người ấy, hình dáng ấy cô đơn và réo gọi biết bao nhiêu. Mình còn nhớ, nhìn vào đâu trong căn phòng khách đêm ấy, trong không gian chập chờn ánh lửa hồng nhảy múa từ lò sưởi đó, chúng mình đều thấy run rẩy và lo âu. Bởi đâu như thế ?. Sau này đọc thơ Đinh Hùng trong bài Kỳ Nữ, mới thấm thía:
 Ôi mắt xa khơi! Ôi mắt dị kì
 Ta trông đó thấy cả trời ta mơ ước
 …Ta khẩn cầu từng sớm lại từng đêm
 Chưa tội lỗi đã thấy tràn hối hận ..

Ừ nhỉ, hồi tưởng lại đêm ấy trên cao, sao lúc ấy, tuổi đôi mươi ấy, lại tràn đầy u sầu và xót xa trong cô đơn đến vậy? Chẳng còn nhớ được cô cho ăn gì, cô nói gì…Chỉ còn nhớ màu đen thăm thẳm của ánh mắt, vẻ xanh xao hao gầy được chiếc khăn len màu trắng ôm trọn và ru trong ánh lửa lò sưởi run run khi bên ngoài gió đông hun hút, thỉnh thoảng cánh cửa sổ kính nhịp khẽ khàng như tiếng thình thịch của con tim mấy cậu trẻ tuổi đang thẫn thờ im tiếng. Chỉ còn nhớ Châu và Nguyễn Đức Phống cùng mình tụm lại ngồi đối diện với cô và lò sưởi; nhớ lại ánh mắt đen thăm thẳm như từ đáy sâu âm ỉ một đam mê rực cháy ,nhớ lại hình ảnh cô hững hờ cầm cời than lùa từng thẻ củi cháy đỏ như muốn đốt cháy, thiêu bớt lòng nồng nàn đắm say trong đất trời giá buốt này !!
Cô Hoàng và đám tụi mình lúc ấy tuổi tác và trình độ không cách nhau nhiều nên cô gọi tụi mình là các anh, và cách cô đối xử như các người bạn trang lứa. Cô thoáng nói chuyện làm báo, nói cho có chứ thực ra cô chẳng nghĩ nhiều về chuyện ấy; cô trầm ngâm lắng nghe nỗi cô đơn đang rộn ràng trong gió vi vu ngoài kia trên rừng thông trên ngàn vì sao xôn xao nhấp nháy trong nền trời xanh thăm thẳm.
Nhớ, khi các đốm lửa trong lò sưởi leo lắt tàn, cô thở dài than buồn quá và rủ cả bọn xuống phố uống cà phê.Thực chở Cô bằng xe Goebel, tụi mình đi xe đạp. Chẳng còn nhớ đã uống cà phê nơi đâu, nói chuyện gì…chỉ còn nhớ hình ảnh cô Hoàng xõa mái tóc đen,tay chống cằm nhìn xuống ly cà phê đăm đăm, khăn len trắng ôm lấy khuôn mặt xanh xao u sầu. Đây là nét đẹp ma mị, hun hút thăm thẳm đam mê và thăm thẳm cô đơn.Trên sa mạc hoang vu, chú lạc đà chỉ cần nghểnh mũi lên gió cát là đã cảm thấy trước bão cát đang rầm rập sắp ập tới!! Nét đẹp ấy, nổi cô đơn sâu thẳm trong đáy mắt ấy nghe như có sẵn bão tố sau này, báo trước việc hư hư thực thực trong “Vòng Tay Học Trò” ra đời sau đó. Cô giống như Lam-Phượng-Hoàng của Lệnh Hồ ca ca, mãi đuổi theo bào-ảnh của nỗi cô đơn !!
Nhà Châu ở số 6, mình trọ ở Đại học khu C, hai đứa dắt xe đạp âm thầm đi bên nhau, lòng trĩu nặng bơ vơ vô cớ. Cả hai đi tắt qua đường đất Mã Thánh, sương mù trắng xóa từ các lũng dâng lên, các đỉnh đồi mờ mờ trong sương như đang bềnh bồng trôi. Mộ mả ngày ấy còn lưa thưa, hai đứa ngồi trên bờ đá gần tượng Phật Dược Sư nhìn xuống dưới kia đường Phan Đình Phùng, Hai Bà Trưng tù mù mấy ngọn đèn vàng thoi thóp trong sương bạc trắng xóa.
Rồi qua đêm ấy trên cao, mùa thu 62, một số bạn bè qua Tú tài I, lên lớp Đệ Nhất. Châu và Phống qua ban A, mình và Thực ban B. Đầu năm học, một sớm mai nắng reo trên lối đi, màu áo dài trắng, áo len xanh và tiếng guốc mộc chi chát của các kiều nữ Bùi Thị Xuân qua Trần Hưng Đạo học lớp Đệ Nhất. Các Tỉ-Muội Bùi Thị Xuân lâu nay “Văn kì thanh”, thì bấy giờ “Kiến kì hình” : Những Oanh Trảo, Xuân Ninh, Bích Liên, Bạch Tuyết…Tóc gió nữ sinh xen tiếng guốc mộc chi chát đã đi vào giấc mơ của những chàng mơ mộng .
Mùa thu 63, chúng mình rời Trường Trần Hưng Đạo, vào Đai học Saigon.Từ đây thuở thanh bình đã qua, chiến cuộc như bão lửa đốt cháy rụi tuổi trẻ và một thời mơ mộng. Nguyễn Đức Phống, thủ khoa khóa 22A Võ Bị tử trận; rồi Lê Văn Hùng, Đỉnh, Lạc…nhiều, nhiều nữa những anh em đồng môn Trần Hưng Đạo đã gục ngã trước khi được thấy ngưng cuộc tang thương .

Rừng cây trong phố Đalat bây giờ, như anh em chúng mình, chỉ còn lác đác vài cụm thông già, vài cây anh đào lão sần sùi, nhà cửa mới xây chen chúc cắt xắn mọi góc cạnh của không gian. Bạn bè xưa nay đi đâu hết? Trường xưa nay đã không còn, rừng cây tàn lụi …Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt .
Châu ơi! Đã bảy mươi năm hấp tấp chạy gần đến cuối nẻo đường mới ngộ ra hấp tấp đi đâu chi vội?- Bởi đâu lãng quên bình minh và hoa cỏ bên đường mà nôn nao chạy đến cuối nẻo hoàng hôn, để đến đêm trường vô tận?

Vậy thì, bạn hiền ơi, cùng nhau quay lại nhẩn nha nhai lại những cọng cỏ bên đường ngày tháng cũ …nhẩn nha nhớ lại tiếng guốc mộc chi chát âm thầm đã đi vào giấc mơ thuở nào … rồi: “Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe …

Đàlạt, Tết Nhâm Thìn
Nguyễn Quang Tuyến

img3
Nguyễn Quang Tuyến (THĐ63) đến Houston ngày 18 tháng tư -2012 thăm Hoàng Kim Châu và Nguyễn Vương Thái (THĐ63),Nguyễn Minh Quới (THĐ71), Nguyễn Thị Thảo(BTX 68) và các bạn cựu sinh viên Đại Học Đàlạt.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn