Đàlạt, Nhớ…

04 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 153556)
img1


ĐÀ LẠT, NHỚ...

Đà Lạt:Thuở Ban Đầu


Đàlạt:”Thuở Ban đầu” chỉ giới hạn trong tâm cảnh nhỏ hẹp của người viết, với những kỷ niệm của một thời cắp sách. Đàlạt,”Thuở Ban Đầu” nói lên nhũng cảm nghĩ riêng, kỷ niệm riêng và hoàn cảnh riêng được ghi lại như những mẩu tâm tình vụn vặt để chia xẻ với những ai đã từng một thời ở Đalạt, để nhớ....NTND

Tôi lên học ở Đàlạt khi vừa tốt nghiệp lớp kỳ thi vào lớp đệ thất trường Nữ Trung Học Trưng Vương được một năm. Lúc đó tôi vẫn còn rất ngơ ngác. Đàlạt đối với tôi còn xa lạ, nhưng có nhiều thứ để thích thú, nhiều nơi để đi thăm và nhiều người để học hỏi...Đàlạt dưới cái nhìn của bố tôi - sau khi đã từ giã đất Bắc để di cư vào Nam tìm tự do, sau khi đã sống ở Sàigon vừa đúng một năm - là một thành phố rất yên tĩnh, gần thiên nhiên và khí hậu trong lành. Thực thế! Ai mà không biết Đalạt là nơi nghỉ mát nên thơ, phong cảnh hữu tình và dân tình hiền hoà. Chọn nơi đây làm chỗ định cư thật là lý tưỏng. Gia đình tôi rời Saigon lên Đàlạt là do những ý kiến ấy của ba tôi: “Đất lành chimđậu".

Trường Trần Hưng Đạo

Tôi đặt chân đến trường Trần Hưng Đạo khi ba tôi bắt đầu nhận nhiệm sở mới tại đây. Chức Hội kế viên mà ông nhận khác với ngành dạy học của ông, nhưng vì với kinh nghiệm về kế toán, ông làm việc với tất cả thích thú. Chúng tôi thực sự bắt đầu cuộc đời học sinh Trung học ở nơi đây. Hiền hoà dễ thương, Đalat đã cho tôi nhiều kỷ niêm nên thật khó mà không lưu luyến khi phải rời xa...Chúng tôi ở ngay trong trường. Tôi còn nhớ, nhà chúng tôi ở là một trong hai "villa" ở đầu cổng trường. Nếu tôi nhớ không lầm thì nhà ông Bửu Vụ, Tổng Giám Thị, ở ngay đầu con đường nhỏ cong cong chạy lên con dốc nho nhỏ, quẹo về phiá tay măt. Cách đó chừng nửa “block” là căn nhà thứ hai, nơi chúng tôi ở. Từ dưới đường đi lên nếu đi bộ thi có thể đi thẳng vào cổng trường, ở ngay chính giữa hai căn nhà, bước lên mấy bậc thang làm bằng gạch đá. Rất đơn sơ, nhưng vững chãi.

Khi chúng tôi được chuyển vào trường Trần Hưng Đạo là lúc thầy Nguyễn đình Phú còn làm Hiệu Trưởng. Sau Thầy Nguyễn đình Phú là thầy Hoàng Khôi. Thầy có ba người con gái. Chị Thanh là chị cả, học ở trường Couvent des Oiseaux, chi thứ hai là chị Bình và chị út là chị Hoà. Những anh chị nào học tại trưòng trong thời gian này hẳn còn nhớ. Chị Thanh sau này đi tu. Chi Bình học trên chị Hòa một lớp, chị Hoà lại học cùng lớp với anh tôi, và trên tôi một lớp. Sau thầy Hoàng Khôi đến thầy Kỳ Quan Lập làm Hiệu trưởng. Thây Kỳ Quan Lập “đẹp lão” và có hai 'cô con gái” trắng trẻo và xinh xắn, dễ thương. Một cô sau này là phu nhân của giáo sư Trương Văn Hoàn mà tôi vừa đưọc biết trong kỳ hội ngộ năm 2010, tôi đưọc gặp cả hai “ông bà” và cũng biết thêm là sau này giáo sư Hoàn cũng lên làm Hiệu Trưởng. Tôi vì rời trường kể từ ngày sang Bùi Thị Xuân khi Trần Hưng Đạo trở thành trường cho nam sinh nên tôi không biết ai vào thời điểm đó. Bây giờ sau mấy chục năm dài, “quả đất tròn - hay nói cho đúng hơn là “duyên” đưa đẩy - ôi lại được gặp gỡ tất cả. Không gì sung sướng cho bằng được gặp lại những bạn bè xưa nơi đất khách, chẳng khác nào “cửu hạn phùng cam vũ”- nắng hạn gặp mưa rào - Được dịp hàn huyên chuyện cũ, học hỏi thêm điều mới lạ, tưởng không còn gì quý hơn. Tôi chợt nhớ đến hai chị nữa cũng học trên tôi một lớp và cùng lớp với người anh thứ hai của tôi, là chị Cẩm Vân, con ông Bửu Vụ và chị Phùng Thăng em ông Bửu Vụ, vị Tổng Giám Thị của trường Trần Hưng Đạo. Chị Cẩm Vân tính tình vui vẻ, cởi mở. Chị Phùng Thăng hiền, ít nói, da trắng hơi xanh và dễ thương. Tôi còn được biết chị của Công Tằng Tôn Nữ Phùng Thăng là Phùng Khánh khá đẹp, nước da trắng hồng. Mới đây khi nhắc đến Đalat, chị Phương Thu có cho biết chị Phùng Khánh đi tu - là Sư Cô Trí Hải - rất nổi tiếng và đã viên tịch. Sư cô là một bậc nữ cao tăng đạo hạnh, rất được sự kính nể của mọi người, không riêng gì Phật Tử. Cuộc đời quả là có lắm cái không ngờ, có những điều không biết trước được mà lại rất hay. Không hiểu sao lúc ấy tôi “hiền” thế. Nhớ lại hồi còn nhỏ, lúc học tiểu học, tôi thường bị bạn bè “bắt nạt” tuy ... chẳng đến nỗi nào. Ai không biết có thể nghĩ là tôi “khờ” nhưng tôi biềt là tôi không “khờ”, chỉ vì tôi ít nói và không “đối phó” thôi. Bây giờ “nhìn lại mình“ lòng thấy vui vui...

Thực ra, những kỷ niệm của tôi về Đàlat cũng không có gì đặc biệt hay sâu sắc cho lắm; mà chỉ là những hình ảnh bàng bạc, xa xôi. Nhưng với tôi rất đáng trân trọng vì đánh dấu tuổi niên thiếu của tôi. Cho đến nay, trải qua mấy thập niên, tôi vẫn thấy yêu quý chuỗi ngày vị thành niên ấy. Tôi vẫn chưa quên những buổi đi du ngoạn cùng gia đình vào dịp cuối tuần, khi thì đi ngắm thác Gougah, Pongour, thác Prenn v.v... vừa để thưởng ngoạn, vừa đi “picnic” .Có khi đi cùng gia đình đến Tùng Nghĩa nơi có nhiều người Nùng ở. Tôi được biết người Nùng rất thông minh. Họ vốn sinh truởng ở vùng đồi núi miền Thượng Du Bắc Việt. Họ di cư vào Nam và sống tập trung ở Tùng Nghĩa, gần Đalạt. Họ trồng trọt các thứ rau để sinh sống. Chúng tôi mang cảm giác thoải mái khi đi thăm Tùng Nghĩa, và nhân tiện mua những rau trái tươi tốt đem về. Thuở nhỏ, mỗi lần đi xe hơi tôi hay bị chóng mặt nên lắm khi tôi phải nằm ở ghế đàng sau mới đỡ. Mỗi lần ba tôi và gia đình đi chơi xa về, tôi lại ngủ vùi - một cách hạnh phúc- trong tiếng động cơ êm êm của chiếc xe “La Frégate”, mặc cho người lớn nói chuyện, tôi cứ điềm nhiên nằm ngủ say sưa cho đến khi về nhà vào lúc ban khuya.

Trường Bùi thị Xuân

Đến khi sang học ở trường Bùi thị Xuân, vào năm đệ tứ, thì tôi đã bắt đầu “lớn”, thường cùng cậu em trai kém tôi sáu tuổi dắt nhau đi học, có khi đi đường tắt thì phải băng qua các vườn rau, phía bên trong - mà giờ đây tôi chỉ nhớ mang máng - Có khi chúng tôi đi học - đi và về - bằng con đường nhựa chính, chúng tôi đều phải đối diện với mấy anh nam sinh Trần Hưng Đạo. Thế là lại có một màn chọc ghẹo. Lúc đó tôi thuờng đội nón che mặt để khỏi nhìn. Có anh chàng còn gọi cả tên tôi. Không biết phản ứng ra sao, tôi bao nhỏ em trai tôi “Hà nhổ nước miếng đi”. Đó là cách phản ứng duy nhất mà lúc đó mà tôi nghĩ là “thượng sách”.. Chả biết cậu em tôi có làm không nhưng tôi cứ làm bộ thản nhiên bước như không nghe thấy gì. Vì là con gái, lại nhút nhát, e lệ nên thấy “con trai” chọc ghẹo “em gái thằng N. dễ thương quá” thì phải “tỏ thái độ” để chứng tỏ mình“ không hưởng ứng “. Tuy nhiên, dù biết họ “xạo”, nhưng trong lòng cũng thấy vui vui. Cũng may, dạo ấy chuyện “nhổ nước miếng” xuống đường không bị coi là “thô tháp”. Bây giờ nghĩ lại, tôi không khỏi buồn cười.

Khi tôi bắt đầu lớp đệ tam thì mẹ tôi mở tiệm. Cuộc đời học sinh của tôi lại chuyển sang một giai đoạn mới, khung cảnh mới, cũng có nhiều cái hay mà tôi thích thú. Nhũng năm dạo chơi lang thang trên ngọn đồi trường THĐ không còn nưã và thay vào đó là một chuỗi những sinh hoạt mới trên phố. Tôi đi đi về về, khi ở nhà, khi ở tiệm để đi học cho tiện. Nhất là những ngày cuối tuần me tôi thưòng cho tôi ra tiệm. Tôi có dịp ngắm phố xá sinh hoạt vào ngày cuối tuần, đông vui nhộn nhịp hơn ngày thường. Dưới ánh nắng vàng trong, người đi bộ tấp nập trên đường phố. Những cô, những bà ấm áp trong tấm áo len màu sắc trông thật thắm tươi, đầy ánh hạnh phúc.

Hình ảnh nổi bật nhất vẫn là những sĩ quan trường Võ Bị Quốc Gia - mà nếu tôi còn nhớ trước đó đươc gọi là trường “Võ Bị Liên Quân" - Dáng dấp oai hùng trong bộ quân phục màu Khaki vào mùa hè và màu cỏ úa vào mùa đông. Các sinh viên sĩ quan thưòng đi "bát phố" vào những ngày thứ bẩy và chủ nhật với một tác phong nghiêm trang. Lúc đó trong đầu óc đã bắt đầu biết nhận xét, tôi chỉ biết thán phục là mấy ông sĩ quan này thật xứng đáng vì văn võ song toàn ...Ở dưới phố tôi cũng có dịp quan sát những ngưòi dân tộc thiểu số nhẫn nại mang trên vai những "gùi" lan ra phố bán. Nhớ những con dốc quen thuộc rất đặc biệt của Đàlạt.

Ngoài những dốc Minh mạng, dốc Phan đình Phùng, Hàm Nghi còn có con dốc gần trường, thường gọi là “dốc Bùi Thị Xuân - con dốc của học trò - khá cao mà tôi phải gò lưng đạp cố, hay có khi phải xuống xe, dắt xe đi bộ lên dốc để khỏi thở hổn hển. Tôi nhớ cả gánh hàng quà trước cổng trường BTX. Tôi vốn "xuất thân" từ trường Trần Hưng Đạo, hậu than của truờng Bảo Long, vốn dĩ gồm cả nam lẫn nữ, cũng như trường Quang Trung, trước là trường '"Phưong Mai", -cũng cả nữ lẫn nam - của những năm đệ thất, đệ lục, đến hết năm đệ ngũ thì khăn gói sang học truờng Bùi thị Xuân, tên cũ là trường Quang Trung.Trường nằm trên một mảnh đồi, yên tĩnh thóang mát, trước mặt là những đồi thông nên thơ...giờ thì tôi chỉ nhớ mang máng. Ngôi trưòng Bùi Thị Xuân với dãy nhà lớp quét vôi màu hồng, nếu nhìn từ cổng vào thì chỉ thấy phía cạnh của trường. Những kỷ niệm của tôi về trường cũng chỉ còn mang máng... Còn sau đó và bây giờ không biết có thay đổi gì nữa không, kể từ ngày tôi đi...

Tôi vẫn không quên những buổi trưa Đàlat nhũng ngày còn học đệ thất, đệ lục ngây ngô ấy; bây giờ nghĩ lại...sao mà êm đềm quá! Bề ngoài tôi như ngây ngô nhưng trong tâm hồn tôi đầy những mơ mộng mà bây giờ tôi thấy "có lý". Vì lúc đó tâm tôi thật sự an lạc, và đầu óc tôi chẳng nghĩ gì cả, chỉ biết "enjoy" cảnh thiên nhiên, lặng lẽ nhưng thú vị. Lặng lẽ, tôi thưởng thức từng hơi thở của Đàlạt, từng nhịp đi của thời gian trong không gian yên tĩnh ấy. Ngôi nhà gia đình tôi cư ngụ nhìn ra hai hướng, khá đặc biệt. Mặt trước nhà có những cửa sổ nhìn ra một phong cảnh bao quát, rộng rãi: Trưóc mặt, phía xa xa là ngọn đồi khá cao, ở duới chân đồi là con đường trải nhựa. Con đường này nằm chính giữa, chia cách ngọn đồi với thung lũng phiá dưới, nơi đây có dân chúng cư ngụ như một ngôi làng. Có những căn nhà nho nhỏ yên tĩnh ẩn náu dưới những vườn cây vắng vẻ. Mặt sau của nhà thì sinh hoạt hoàn toàn khác hẳn; như là nột thế giới riêng, thế giới học đường. Hồi ấy trường còn chế độ nội trú, với những căn nhà bếp, nhà ăn riêng biệt. Trường còn có cả tài xế và những ngườii nấu bếp v.v... Ngoài giờ học, anh em tôi thường lang thang đi dạo ngắm cảnh thiên nhiên. Chúng tôi đi chơi tung tăng tìm những sinh hoạt lành mạnh trong những đám cỏ hoa. Chúng tôi lập một khu vườn nho nhỏ ngay phiá nhà. Chúng tôi chỉ biết sống, sinh hoạt, vui chơi trong cái nhận thức lúc đó của tuổi thơ.

Có những buổi trưa thật vắng vẻ, yên tĩnh, có tiếng gà gáy xa xăm như "phất phơ buồn tự thời xưa thổi về" trong thơ Huy Cận. Trên ngọn đồi nhỏ của trường Trần Hưng Đạo anh em chúng tôi say sưa "đuổi bướm hái hoa" theo đúng nghĩa. Ông anh tôi "đầu têu" cho các em, khám phá những khu mới lạ quanh vùng. Ấp Hà Đông là tên gọi của thung lũng trước mặt nhà và xa xa bên kia con đường nhựa xe chạy là một dãy đồi cao mà dân Đàlạt gọi là "Mả Thánh" mà tôi chẳng dám “bén mảng” đến. Cạnh con đường cong dẫn đến cổng trường là cái hồ nhỏ có tên là “Hồ Vạn Kiếp”. Anh Nam tôi thường hay xuống đó câu cá...Những con cá cơm nhỏ trắng tinh lóng lánh màu bạc sau đó đưọc làm sạch sẽ để nấu canh chua, với dưa và cà chua. Ngon thật ngon.

Hình Ảnh Cũ

Thế rồi sau những năm tháng học hành với biết bao kỷ niêm khó quên ở cả hai trường, một ngày kia tôi cũng phải rời Đalạt trong nỗi nhớ nhung. Tôi quên sao được những buổi sáng mù sương, khi những cánh hoa anh đào bị phủ lấp một lớp dày đặc và khi những cánh hoa mimosa vàng tươi cũng không thoát khỏi bị phủ lấp dưới màn sương trắng đục. Tôi quên sao được những buổi chiều tĩnh lặng chỉ nghe tiếng gió hú từ những rặng thông mà nao nao buồn; hay những ngày ướt át khi cắp sách co ro đến trường. Và lại càng không quên những buổi trưa với nắng hanh vàng và khoảng trời xanh lung linh sáng thêm bởi những cánh mimosa màu vàng tươi, trong cái lạnh se se của thờì tiết miềm cao nguyên. Buổi trưa Đàlạt ! Khi đi ngang qua các lớp học ở trên đồi, tôi nghe tiếng đàn của thầy Phạm đình Tín văng vẳng xa đưa, tâm hồn tôi cảm thấy lâng lâng bay bổng.Tôi chạnh nhớ đến hai câu thơ của một thi sĩ tiền chiến: “Ôi nắng vàng sao mà nhớ nhung, Có ai đàn lẻ để tơ chùng”...Tôi đã hít thở không khí trong lành ấy của Đàlạt mà lòng nghe ấm áp.

Xa Đalat ờ vào tuổi mới lớn, mới bắt đầu biết nhớ nhung, vương vấn, tôi mang tâm trạng của một người chưa định hướng. Cho nên mỗi bước chân đi, tôi đã mang theo những hình ảnh thật đep về núi đồi, hoa cỏ, phố xá. So sánh với các bạn tôi,cùng lớp cùng tuổi thì nhiều ngưòi còn nghịch ngợm, “tinh quái” hơn tôi. Cái nghịch ngợm dễ thương mà tuổi học trò khó tránh khỏi.

Tôi cảm thấy tiếc và khó tìm lại được đúng hoàn cảnh và tâm trạng như. Nếu người ta không bao giờ “tắm hai lần trong cùng một giòng sông” thì người ta khó bắt gặp cùng một tâm trạng của chính mình trong những buổi chiều khác nhau. Quá khứ của tuổi thơ êm đềm như thế mà mỗi khi nhắc lại tôi không khỏi cảm thấy bâng khuâng, bùi ngùi. Và tôi lại càng thông cảm hơn với tâm trạng của nhà thơ, khi:

"Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,
Chập chùng sống lại những ngày không"...

Tuổi thơ của tôi quả thật là "những ngày không". "Không" vì vô tư lự, không buồn khổ cho nên cũng không có gì đặc biệt. Nhưng trong cái "không" ấy lại là "có" cho tôi rất nhiều. Và cái "có" ấy là cả một ý nghĩa khá sâu sắc, thay đổi tùy theo hoàn cảnh, không gian và thời gian. Đúng là những ngày xưa thân ái với những vần thơ giản dị, mộc mạc nhưng chân thành. Với tôi, những vần thơ ấy mang nhiều ý nghĩa mà ngay từ thời còn đi học tôi đã yêu. Từ những vần thơ lục bát chân phương của Nguyễn Bính trong “Lỡ Bước Sang Ngang” cho đến những câu thơ thất ngôn trang trọng của những thi sĩ tiền chiến ...
Thơ chưa đủ, tôi còn hí hoáy chép những bài nhạc thịnh hành hồi ấy, toàn là nhạc tiền chiến tôi mê. Từng lời ca, từng giai điệu, tất cả đều làm tôi cảm xúc. Nhất là khi nhớ về một quá khứ êm đềm mà giờ đây không tìm thấy được. Tôi còn nhớ ngày mới lớn ở Đalạt tôi đã nghe quen những bài ca như bài “Tình Quê Hương” của nhạc sĩ Việt Lang đã để lại một ấn tượng khá sâu sắc trong lòng tôi, và tôi vẫn còn yêu thích cho đến tận bây giờ.
Những bài ca dành cho Đalat thì nhiều lắm và thật dễ thương. Từ những bản thịnh hành như “Hoài Thu”, với lời lẽ nhí nhảnh và âm điệu rộn ràng, đầy âm thanh và màu sắc, khiến ai đã từng lên Đalàt không khỏi một lần lưu luyến....Cho đến những bài ca tha thiết như “Thương về Miền Đất Lạnh” với những lời kể lể tâm tình, da diềt, khiến ngưòi nghe không khỏi thấy lòng bồi hồi.

Tôi chưa có dịp về lại Việt Nam để ghé thăm Đalạt, thăm lại nơi thân yêu ngày xưa tôi đã sống, đã thở. Tôi quên sao được những kỷ niệm êm đềm, đầy mộng mơ ấy, mà ngày nay nếu tôi có nhớ lại cũng là đề nâng niu, trân quý...Tôi yêu Đàlat nơi tôi chưa phải trải qua sóng gió của cuộc đời, từ lúc mới bước chân vào bậc Trung học đệ nhất cấp.Tôi yêu Đàlạt vì tình Đàlạt trong như dòng suối, hiền như nước Hồ Xuân Hương, não nùng như tiếng gió hú ban đêm...

Kỷ niệm của tôi về Đàlat chỉ mang mang như thế, như cơn gió thoảng. Nhưng không hiểu sao “cơn gió” ấy cũng đủ sưởi ấm lòng tôi mỗi khi nghĩ về Đàlat, vì nó đã đánh dấu một quãng thời gian mơ mộng của tôi ở tuổi vị thành niên, từ nhừng năm đệ thất đệ lục cho đến khi tôi đã bắt đấu biết viết lưu bút ngày xanh, biết nâng niu thơ TTKH, thơ Nhất Tuấn như bao nhiêu nữ sinh khác cùng thời. Đó là quãng thời gian không sóng gió, yên bình và nên thơ của thuở học trò:

"Ôi êm ái là thời gian cắp sách ,
Ôi vui tươi là lúc hãy còn thơ.
Đời đẹp đẽ như trong một giấc mơ,
Và thắm đượm như một mùa Xuân mới...”

May mắn cho tôi khi xa Đàlạt từ thuở còn thanh bình. Mặc dù đất nước sau này đã trải qua một cơn giông tố phũ phàng khắp mọi miền, không riêng gì Đà Lạt thân yêu; và mặc dù tôi không sống trong ảo tưởng, nhưng ít nhất là tôi đã không phải nhìn thấy sự biến động ở ngay tại Đalat êm đềm của tôi, như nhiều người từng chứng kiến. Vì tôi không còn ở Đalat trong “cơn gió bụi” ấy nên những kỷ niệm về Đalạt của tôi vẫn còn trong sáng và nguyên vẹn, ít nhất là trong tâm tưởng. Nói thế để thấy Đà lạt vẫn bất diệt trong tôi. Dĩ nhiên tôi cũng không thoát khỏi thoát khỏi “trải qua một cuộc bể dâu” để mang tâm trạng đau lòng về ”những điều trông thấy” ở chung quanh.

Bây giờ, cuộc đời trôi giạt, bạn bè bốn phương lại được gặp gỡ nhau. Tình học đường lại được tiếp nối qua các kỳ Hội Ngộ. Cách đây hơn một năm, tôi đã có dịp gặp lại vài bạn. Rất vui mừng. Những bạn cũ mà tôi gặp lại là Mỵ Hương và Diệm Quỳnh. Mỵ Hương vẫn đẹp như xưa, vẫn giọng nói ấy, nụ cười ấy dù có thêm một vài nét chín chắn trên gương mặt. Diệm Quỳnh của tôi cũng vẫn dể thương, đôn hậu và khả ái. Nhưng vẫn chưa “hả” vì gặp nhau ngắn ngủi quá, đã kịp tâm tình gì đâu? Tôi đã có dịp nói chuyện với Xuân Ninh, có dịp quen thêm chị Tuyết Hồng lớp đàn chị, và gặp ngay sự huởng ứng nồng nhiệt và sự gắn bó thân ái nơi chị. Hội ngộ kỳ tới là cả một sự náo nức trong tôi, Lần này biết sớm hơn, có chuẩn bị hơn, tôi tin rằng gặp nhau lần này sẽ thật vui . Kỷ niệm đẹp nhất trong đời là tình bằng hữu. Một người bạn chưa đủ mà cần có cả một “vòng” bạn hữu mới thêm phong phú. Bạn mới, bạn cũ tất cả đều nối kết lại để có được một tình thân bền chặt, bây giờ và mãi mãi về sau.

Hẹn sẽ xin nói chuyện thêm một dịp khác, vì Đalat bằng xương bằng thịt bây giờ chắc hẳn đã khác. Nhưng Đàlạt trong tâm tưởng thì mãi mãi còn trong tôi. Và tôi nghĩ đó cũng là tâm tư chung của tất cả những con ngưòi Đàlạt, ngày xưa và ngày sau. Quên làm sao được “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”...
Nguyễn Thị Ngọc Dung
Vancouver ngày cuối năm 2011

 

TIN GIỜ CHÓT img2
Orange County, Huê Kỳ:
Đồng trưởng ban tổ chức đại hội BTX-THĐ Đặng Kim Tuyến & Nguyễn Quốc Quân vừa công bố cho hay là: Tính đến 12 giờ trưa hôm nay (giờ miền tây Huê Kỳ), 26 tháng tư - 2012, tức là đúng một tháng trước ngày Đại Hội, số người ghi danh tham dự Đại Hội đã vượt quá con số 450. Thư ký tòa soạn ĐS/BTX-THĐ yêu cầu hai vị đồng chủ tịch cho biết con số cụ thể là bao nhiêu thì hai vị đồng trưởng ban chỉ cười to trong điện thoại mà bảo rằng..."biết vậy được rồi... đừng nhiều chuyện...chúng tôi còn lắm chuyện phải lo".

Montréal, Canada:
Cũng trong ngày hôm nay, 26 tháng tư - 2012, anh Trương Sỹ Thực gọi điện thoại cầm tay đến tòa soạn ĐS/BTX-THĐ cho biết rằng: Sau khi tham dự Đêm Hội Ngộ 26 tháng 5 - 2012, sẽ có 205 người bước chân lên thuyền vào sáng hôm sau để bắt đầu chuyến hải hành du ngoạn trên biển.
Anh Trương Sỹ Thực còn thòng thêm: Con số hai lẻ năm là con số chưa chắc chắn. Hỏi tại sao thì trưởng ban du thuyền cho biết: nhiều người chưa ghi danh du thuyền vì chưa sắp xếp được công việc, có thể sẽ ghi danh vào phút chót để tham dự nếu chờ lần đại hội tới e rằng đi không được vì chống gậy leo lên thuyền rất khó...
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn