Vùng Đất Chết

04 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 156245)

Vùng Đất Chết


Trần Ngọc Toàn
img1

 Từ nhỏ đến lớn tôi đã được nghe nhiều chuyện ma.Thực sự, tôi không tin có ma và chắc chắn không sợ ma.Vào thập niên 1940, chúng tôi ở trong khu đất của ông Nội tại Ấp số 4, mặt nhà nhìn về hướng Đông là khu Mã Thánh.Từ đó, tôi đến trường Sơ Cấp Đa Nghĩa trên đường Hai Bà Trưng. Sau ngày mẹ tôi đột ngột qua đời, năm 1949, ba tôi giao 4 anh em tôi cho người cậu ruột đang làm việc và có căn cư xá ở ty quan thuế ĐàLạt, nằm trên đĩnh núi nhìn về xóm Lò Gạch ở phía Nam, trên đường Yagut ở phía Tây. Khu Domaine DeMarie nằm ở phí Đông Bắc.Từ đó, khi dời qua trường Tiểu Học Dalat, tôi phải đi ngang bệnh viện cao hai tầng,qua cửa “nhà xác” có khi còn thấy chân người chết qua khe hở của cánh cửa, rồi lội tắt xuống đường Hai Bà Trưng, qua cầu đúc rồi lội bộ lên dốc Nhà Làng. Tuy mới 10 tuổi nhưng vào ngày nghỉ học tôi cứ một mình lội bộ xuyên qua khu “nhà thương thí”, băng qua đường Phan Đình Phùng rồi băng núi qua những nấm mộ trên khu Mã Thánh để thăm mộ của Mẹ tôi. Khi về ở đầu dốc Prenn, ngày nghỉ tôi thường lang thang một mình trong khu rừng,giáp với trường Adran . Không những thế tôi còn một mình đi sục sạo vào những ngôi biệt thự bề thế bỏ hoang trong khu rừng vắng không một bóng người.Tôi kể dài dòng như thế để nhấn mạnh rằng tôi không sợ ma,ngay cả ban đêm. Cho đến một ngày……

 Từ sau ngày Tiểu Đoàn 6 TQLC dựng ngọn cờ vàng ba sọc đỏ lên kỳ đài Cổ Thành Quãng Trị đổ nát, suốt mảnh đất cằn cỗi từ phía Bắc sông Mỹ Chánh lên đến La Vang, tử thi của hai bên chiến tuyến nằm la liệt và lẫn lộn. Trên một ngọn đồi thấp, dưới chân rặng núi Trường Sơn phía Đông,giữa lùm cỏ tranh cao ngang ngực,nguyên một tiểu đội lính cộng sản Miền Bắc chết gục ngay tại chỗ với đội hình bố trí vòng tròn. Các xác chết đã rữa nát, thoạt trông quân phục và vũ khí như còn nguyên, nhưng khi dùng đầu cây thọt vào tất cả sụp đổ xuống thành một đống tro xám xịt.

 Rải rác trên con lộ đá, từ ngoài quốc lộ 1, Bắc Mỹ Chánh dẫn vào Trường Sơn, trên những cánh đồng cỏ tranh và đồi sim lúp xúp chạy lên tận Động Ông Đô, hàng trăm chiến sĩ vô danh của lực lượng Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến ngả xuống trên đường tiến quân, đẩy lui quân cộng sản xâm lăng từ bên kia sông Bến Hải. Trận đánh dữ dội ngày đêm với bom đạn, hỏa tiễn của cả hai bên, từ trên núi, đại pháo 130 122 và 100 ly từ ngoài biển với hải pháo đủ tầm cỡ của Đệ Thất Hạm đội Hoa Kỳ dội vào.Từ các pháo đội 155 đến 175 ly ở các vị trí tác xạ phía Nam Mỹ Chánh, từ trên không trung, các phi tuần chiến đấu cơ ngoài biển bay vào và từ Đà Nẵng bay lên, các trực thăng võ trang với những ổ đại liên khạc đạn như rồng phun, phóng lựu đạn bấm nổ từng tràng bằng điện, suốt cả tháng ngày dài, xen với từng lọat bom nổ không ngừng từ các pháo đài bay B52 dội xuống.

 Bây giờ, cây trên các ngọn núi phía Đông Trường Sơn đã trơ truị,tan tác do bom đạn và thuốc khai quang màu vàng. Buổi sáng, giữa cảnh núi rừng u tịch, không ai còn nghe tiếng chim kêu hót ríu rít và tiếng côn trùng rả rích quen thuộc cũng không còn nữa. Chỉ còn lại không gian lặng thinh, chết lặng. Có người cố đứng im hàng giờ để nghe ngóng. Hình như chỉ còn tiếng gió rung lá cỏ tranh xào xạc khô khan và ngột ngạt. Vùng đất chết ngập tràn mùi tử khí như đang nằm im lặng chờ bom đạn tiếp tục dội xuống, từ một nơi nào đó để làm loang lổ thêm mảnh đất khô cằn sỏi đá. Bom đạn đánh bật lên từng gốc cây, chém gãy từng cành lá khẳng khiu. Ác quỹ chiến tranh đã có mặt nơi đây, đang quay cuồng múa may trên một diện tích nhỏ hẹp, suốt một khoảng thời gian dài.

 Cỏ cây và sinh vật quanh đây đều như nín thở nghe ngóng, chờ đợi.Khi mảnh đất khô cằn này được cuốc lên, lẫn trong sỏi đá nay là mảnh bom đầu đạn và hàng vạn mũi tên thép nhỏ bắn xuống từ những quả bom nổ lưng chừng trên không, mở nắp.

 Từ ngày ngừng bắn, do hiệp định Paris năm 1973, Tiểu Đoàn 4 TQLC được điều động chuyển vị trí phòng ngự ở phía Nam sông Thạch Hãn, Quảng Trị, từ mặt biển ở Chợ Cạn qua bến Mỹ Thủy, rồi lên vùng núi ở La Vang, lui đến căn cứ trên các ngọn đồi cỏ trọc, phía Đông sông Mỹ Chánh vào sâu tận chân dãy núi Trường Sơn. Tiểu đoàn phải rải cả 4 đại đội tác chiến, với quân số tham chiến bắt buộc phải trên 750 tay súng, suốt dọc phòng tuyến giáp ngay với quân cọng sản Bắc Việt. Thực ra,phòng tuyến đã thành hình từ lúc có lệnh ngưng bắn thực thi hiệp định năm 1972. Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 147 TQLC được tăng cường một đại đội địa phương quân 1010 từ Huế lên.Quân số không hơn 60 người do tình trạng tham ô nhũng lạm.Tôi buộc lòng phải sử dụng đơn vị tăng phái này để bảo vệ trục lộ rải đá từ Quốc Lộ 1 vào chân núi, do quân du kích cọng sản trở lại hoạt động. Không ai mong mỏi gì hơn từ một đại đội ĐPQ biệt lập. Vào giữa năm 1973, lợi dụng tinh thế đình chiến, việt cộng đã khai mào trở lại các hoạt động du phá hoại sau lưng phòng tuyến của TQLC ở Quảng Trị. Ban đêm chúng luồn các tổ tiền sát pháo binh vào sâu và ém dấu trên một vài đỉnh núi cỏ trọc để theo dõi hoạt động của TQLC cũng như gọi pháo bắn phá gây xáo trộn.Những khẩu pháo 130 ly của VC kéo vào từ Miền Bắc được đấu kín trong hầm đào sâu vào chân núi. Vài quả pháo cũng đủ làm cho xáo trộn đời sống vốn chưa bình thường của dân hồi cư và gây hoang mang, lo sợ lên vùng giới tuyến. Các toán viễn thám của TQLC được gởi lên vùng núi sục sạo tìm kiếm đã bắn hạ cả toán tiền sát pháo VC nằm trên một đỉnh núi.Ngoài ra, chúng còn dùng dân chúng địa phương gài mìn và lựu đạn trên trục lộ tiếp tế của TQLC từ QL1 vào căn cứ Barbara ở phía Đông Trường Sơn.

 Phía Hoa Kỳ, tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, chính quyền Mỹ đã xoa tay thỏa mãn với số tù binh được trao trả cuối năm 1972. Báo chí truyền thông lăng xăng vui vẻ với các bài tường thuật,hình ảnh tạo xúc động đến đổ nước mắt cho quần chúng Mỹ. Một thứ quần chúng đã quá mệt mỏi, chán ngán về cuộc chiến tranh Việt Nam,kéo dài lê thê, không lối thoát và không thể chiến thắng. Những anh hùng mệt mỏi của chiến tranh đã quay về với gia đình và quê hương còn lúng túng trong những bộ quân phục mới nguyên và cấp bậc mới truy thăng cáu cạnh. Thế là xong rồi. Hết chiến chinh!

 Từ bờ biển Mỹ Thủy, TĐ4TQLC được điều động về khu nhà lợp lá trên cánh đồng hẹp, ngay phía Đông QL 1, dưới Hải Lăng, để tạm nghỉ dưỡng quân chờ lên núi. Đêm hôm ấy, người lính gác ngoài chỗ ngủ cuả Tiểu Đoàn Trưởng, giửa khuya tịch, nghe tiếng cấp chỉ huy nói từng câu tiếng Anh rõ mồn một. Anh không hiểu gì nhưng biết là tiếng Mỹ. Được biết cấp chỉ huy mới du học Mỹ về từ năm ngoái nhưng anh ta lấy làm lạ sau ông lại nói tiếng Mỹ khi nằm mơ.Trong buổi nhậu nhẹt khô nuớng,trung sĩ nhất Quân nói khề khà:“…Tụi mầy bù trất. Đại Bàng ổng nói ổng gặp thằng phi công Mỹ trên là White. Hai người nói qua lại mấy câu thì nó biến mất…”. Quân chặc lưỡi nhìn quanh, nói “ĐM quanh đây cũng đầy máy bay Mỹ bị bắn rớt trong Mùa Hè Đỏ Lửa năm 72 đó…” Đêm ấy, khi vừa nhắm mắt ngủ, tôi chợt thấy xuất hiện một người lính Mỹ mặc đồ bay màu xám, mang cấp bậc thiếu tá và bảng tên White. Chỉ vài câu hỏi qua lại thì người sĩ quan phi công Mỹ này biến mất. Sau này, khi đến thăm thủ đô Hoa Thịnh Đốn, từ Quantico đến Bức Tường Đá Đen tôi đã tìm thấy tên của thiếu tá lục quân James White trên bảng khắc 58 ngàn chiến binh Mỹ tử trận và mất tích tại cuộc chiến Việt Nam. Mấy ngày sau, Tiểu đoàn tôi được lệnh lên núi bàn giao vị trí cho Tiểu Đoàn Trâu Điên do Thiếu Tá Trần Văn Hợp chỉ huy.Thiếu Tá Hợp nguyên gốc dân làng Dâu Tây Nghệ An Hà Tĩnh ở Dalat, xuất thân từ trung học Trần Hưng Đạo năm 1963 và theo học khóa 19 Võ Bị .Tôi rất quý mến Hợp do tình thân từ ĐàLạt và cùng trường Võ Bị Đà Lạt. Hợp cầm quân chiến đấu từ chức vụ Trung đội trưởng lên đến Tiểu Đoàn Trưởng TĐ2 Trâu Điên vào năm 1972.Tuy là khóa đàn em nhưng Hợp và Đinh Xuân Lãm Khoá 17 cùng được thắng cấp Trung Tá cùng ngày 1/1/1975 với tôi. Sau ngày mất nước,Hợp bị tù đưa ra Bắc và chết ở Hoàng Liên Sơn năm 1979. TĐ4 TQLC lên bàn giao với hai cánh quân chiến thuật Cánh B với hai Đại đội và Bộ Chỉ Huy nhẹ do Thiếu Tá Phạm Văn Tiền tiểu đoàn phó dàn quân hai bên ngọn núi cao dựng đứng là một căn cứ cũ của Mỹ tên là Barbara. Người ta bây giờ, có thể thấy rỏ trục lộ bằng đất quanh co của đường mòn HCM,với xe và pháo cùng quân lính CS xuôi ngược Nam Bắc ngày đêm.Từ cao độ này, người ta cũng nhìn rõ bằng mắt thường các vị trí đóng chốt quân của quân CS rải rác dưới thấp được ngụy trang che dấu để giữ bí mật. Trong khi, các “chị nuôi VC” cứ trưa trưa ra suối tuột quần rửa ráy vội vã dưới cả trăm con mắt của lính tráng hai phe. Cánh A của tiểu đoàn cũng gồm hai đại đội tác chiến còn lại với đại đội chỉ huy và công vụ dàn trải mặt phía tây trên địa hình núi rừng trùng điệp âm u. Đại đội CH do đại uý Trần Kim Tài chỉ huy đảm trách cùng bộ chỉ huy tiểu đoàn phòng thủ vòng tròn trên lưng chừng ngọn núi, ở khúc quanh kế cận con lộ đá dẫn từ QL1 vào núi. Đại đội CH và CV gồm bộ chỉ huy TĐ và các đơn vị yểm trợ như trung đội súng cối 81 ly,trung đội quân y với bác sĩ Long,trung đội truyền tin, biệt kích, quân xa….Bộ chỉ huy TĐ đặt dưới quyền điều động trực tiếp của Thiếu Tá Nguyễn Tri Nam xuất thân khoá 22 Võ Bị, là sĩ quan hành quân và huấn luyện, hành sử như một tham mưu trưởng thay mặt tiểu đoàn trưởng từ lệnh hành quân đến việc bổ sung quân số, tiếp liệu, tiếp tế, tản thương cùng phi pháo yểm trợ khi cần. Toàn bộ ban chỉ huy bỏ túi xúm xít làm việc trong một căn hầm chống pháo kích mỗi bề độ 3 thước. Căn hầm được lính dùng cuốc xẻng đào bới vào lưng núi, với một máy điện Honda nhỏ cung cấp điện giữa vùng rừng núi cô tịch.Tôi nằm ngủ cũng trong một căn hàm nhỏ khác kế cận, được trang bị thêm một máy truyền tin AN/PRC25.

Một đêm, vào cuối tháng 10 năm 1974, trăng luỡi liềm lên nửa chân trời phía Đông. Sương mù lãng đãng dưới chân núi như đêm ở Đà Lạt,quấn quít quanh dướí chân các ngọn núi nhấp nhô như những giải lụa trắng bay vướng vất trên không trung.Sau cuộc lấn chiếm bất thành của VC trên phần đất của TĐ6 TQLC, phía Nam sông Mỹ Chánh, địch quân bên phòng tuyến của TĐ4 TQLC như cố làm ra vẻ yên tĩnh.Thỉnh thoảng trong đêm, trên trục lộ giao thông rải đá,một trái hỏa châu nổ bụp trên không toả ánh sáng vàng chao đảo, chiếu lòa rừng cây vắng lặng. Không một tiếng côn trùng rả rích. Không một tiếng sinh vật sống về đêm. Vùng đất chết này đã trơ trụi, sống sượng và khô khan đến nghẹt thở.

Nửa đêm về sáng, thiếu tá Nam chạy vào hầm ngủ của tôi lay gọi. Tôi ngồi dậy hỏi “VC pháo kích hả?” Nam đáp“ Dạ không. Nhưng mà “Đại Bàng” phải ra ngoài này xem.Tôi ngạc nhiên nhìn Nam vì thường ngày Nam lúc nào cũng vui vẻ, tươi tĩnh. Sao? Bên phía thiếu tá Tiền có gì không? “ Dạ Không. Đại Bàng cứ ra đây xem”.Tò mò tôi mặc vội quần áo trận đi ra cửa hầm.Trời đêm thật lạnh. Sương mù đã nhận chìm cả núi đồi xuống vùng thâm u. Phía tay trái, dưới chân đồi,bên vọng gác kế đường đi, ngọn nến vẫn còn lập lòe trên đầu gói poncho bọc xác người lính bị vướng mìn chết chưa kịp di tản. Nam lay mạnh cánh tay mặt của tôi, nói giọng lạc hẳn đi: “816 nhìn xuống con đường cái bên tay mặt có thấy gì hay không?” (816 là danh xưng truyền tin của TĐT). Tôi quay ngoắt lại, định thần nhìn lom lom xuống con đường trải đá phía dưới. Trong ánh sáng nhạt nhòa mờ ảo của ánh trăng lưỡi liềm, giửa giải sương mù váng vất, trên con lộ đá uốn quanh dưới chân đồi, một đoàn quân lặng lẻ nối gót nhau đi theo hàng một. Không một tiếng động.

Người lính nào cũng mang băng vải vết thương quanh người. Có người băng trên đầu. Có người mang băng trên ngực. Người lết chân cũng mang băng trắng. Kẻ đeo cánh tay gãy lủng lẳng.Tôi còn nhận ra người lính Mỹ Đen lê lết, kẻ mặc áo rằn ri, người mặc đồ bộ binh và cả lính mặc đồ chính quy của VC.Cứ hàng một họ lặng lẽ đi về hương núi Trường Sơn.Đột nhiên, tôi chợt nhớ ra và dồn hơi hỏi lớn:” Đứa nào gác dưới đường đó? Có thấy gì không?”. Từ dười chân đồi có tiếng đáp lại: “Dạ không có gì 816”. Không có gì? Tôi quay lại nhìn xuống con đuờng.Tất cả đều biến mất trong thinh không tĩnh lặng. Cảm giác rợn người chạy suốt trên lưng của tôi khi Nam lên tiếng “Chắc các oan hồn người chết hiện lên đó 816”. Sáng ngày hôm sau, Nam xin phép lên xe chạy về Chợ Mỹ Chánh mua trứng vịt và nhang đèn về cúng âm hồn dươi con đường chạy ngang Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn…

Trần Ngọc Toàn

* Ngày 25 tháng 3 năm 1975, tại Thuận An, Huế, Thiếu Tá Nguyễn Tri Nam xuất thân Khoá 22 Võ Bị Đà Lạt, Tiểu Đoàn Phó TĐ 4TQLC đã tử trận.
img2

Sách đã xuất bản của anh Trần Ngọc Toàn:

 . Dòng Sông Trước Mặt (1971)

 . Vào Nơi Gió Cát (1990)

 . Vết Thương Việt Nam (1995)

 . Chiến Tranh Và Tình Yêu (1999)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn