Khánh Bánh Bò & Không Lông Sư Tổ

04 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 151311)
“KHÁNH BÁNH BÒ” và “KHÔNG LÔNG SƯ TỔ”

Phan Công Tôn

img1 img2

Ngày nào năm xưa Tôn còn bé tí teo…và ngày này năm xưa Tôn là Thiếu Tá TQLC

 Trong tháng 11/2011, một hôm chị Phan Kim Dung gọi tôi. Chị Dung đang ở HuntingtonBeach, California, còn tôi đang sống ở tiểu bang Utah. Chị Dung nói: “Tôn ơi! Chị cho em biết tin này: Tháng 5 năm sau (2012)cựu học sinh Phương Mai-Quang Trung-Bùi Thị Xuân-Trần Hưng Đạo sẽ tổ chức cuộc hội ngộ ở Cali, có cả đi cruise nữa. Em có thể gọi Cường, Thắng hoặc Thuận để hỏi thêm chi tiết. Hoặc khi nào có tin tức gì thêm, chị sẽ báo cho em biết …”
 Tôi nhớ lại, khoảng tháng 12 năm 1992, vợ chồng chúng tôi lái xe đi Cali chơi (từ SaltLake City, thủ phủ của Utah, phải tốn khoảng hơn 12 tiếng lái xe). Nhân dịp này, chúng tôi có cơ hội tham dự buổi họp mặt cựu học sinh PM-QT-BTX-THĐ tại nhà anh chị Trần Trung Lương ở San Jose.
 Đối với cá nhân tôi, đây là lần đầu tiên tôi được tham dự một cuộc hội ngộ với bạn cũ,trường xưa mà phần lớn các anh chị hoặc bạn bè đã hơn 37 năm mới gặp lại. Dĩ nhiên đây là lần gặp mặt đáng ghi nhớ, thật là vui và thật nhiều cảm động. Dịp này tôi được gặp lại thầy cô Nguyễn Đức Hiếu (cô vừa qua đời năm 2011), các anh ở các lớp lớn hơn như: Trần Trung Lương, Phạm Kim Quy (người bắt nhịp cho cả trường hát quốc ca lúc làm lễ chào cờ vào mỗi sáng thứ Hai), Nguyễn Văn Thành (tự “Thành Bắp Sú” khi làm Nghị Viên tại Đà Lạt); các chị cùng lớp như: Phan Kim Dung (với cái ‘chết tên’ Dung Judo), Chung Thị Phỉ Túy, Vũ Thị Thư, Hoàng Anh … và các bạn cùng lớp như: Nguyễn Văn Vân, Tôn Thất Khoát, Ngô Văn Thắng, Vũ Hữu Ứng, Nguyễn Đình Hùng (Hùng Già) v.v…
 Sau khi được chị Dung báo tin, tôi đã gọi và nói chuyện với Nguyễn Đình Cường B, Ngô Văn Thắng và Phùng Thuận. Riêng Phùng Thuận, còn gởi cho tôi (qua email) một số chương trình liên quan đến Đại Hội như chương trình Đi Du Thuyền, Đêm Hội Ngộ, Đêm Tạm Biệt,chương trình thực hiện Đặc San… Coi chương trình này, tôi mới “chới với” vì nó “đụng độ” với một chương trình mà tôi đang chuẩn bị và sẽ thực hiện. Số là, nhóm tù “cải tạo” thuộc Trại Thanh Cẩm của chúng tôi đã thực hiện một Đại Hội lần đầu tiên vào năm 2008, và một Ban Tổ Chức cho Đại Hội Thanh Cẩm (lần thứ 2 và cũng là lần cuối cùng) đã thành lập trong tháng 8/2011 để chuẩn bị cho Đại Hội vào 2 ngày: 26 và 27 tháng 5/2012 tại California.
 Năm 2008, anh em đã nhờ tôi thiết lập danh sách anh em cùng trại (còn sống tại hải ngoại, đã chết trong trại, chết tại Việt Nam sau khi được thả,chết trên đường vượt biên, chết tại hải ngoại v.v…), viết bài cho Đặc San và làm MC trong đêm Đại Hội. Và Đại Hội năm 2012 sắp tới, anh em cũng offer cho tôi cái job như năm 2008, do đó tôi cũng đang bận lu bu. Đặc biệt là 2 ngày của Đại Hội Thanh Cẩm (26 và 27 tháng 5 năm 2012) tôi cũng bị “kẹt”, tuy nhiên tôi sẽ cố gắng thu xếp để đến tham dự Đêm Hội Ngộ của BTX-THĐ vào đêm 26 tháng 5/2012 tại Emerald BayRestaurant.
 Tôi rất mong cho mau đến ngày gặp lại các bạn cũ PM-QTBTX-THĐ. Đặc biệt mới đây, vào ngày 12 tháng 12/2011, qua bạn Trần Ngọc Toàn cho tin, tôi thật bất ngờ bắt lại liên lạc với chị Nguyễn Tuyết Hồng, một người bạn từ thời Quang Trung,và cũng là người bạn cùng làng Xuân An, ĐàLạt với tôi (ở cách nhau chỉ có 6, 7 cái nhà). Sau hơn 50 năm mới biết được tin tức của nhau nhưng chỉ mới “gặp” lại nhau qua email và điện thoại; và dĩ nhiên, rất nôn nao mong đến ngày được nhìn lại cái “dung nhan mùa Đông” của nhau …
 Hôm nọ, khi nói chuyện với chị Dung Judo, chị cứ nhắc tôi viết một bài để gợi lại những kỷ niệm “một đời không quên ”thuở còn học chung tại Phương Mai và Quang Trung. Tôi xin đóng góp qua bài viết này để ghi lại hai kỷ niệm sau đây:

 1. “Khánh Bánh Bò”:

Tết đầu tiên (lớp Đệ Thất trường Phương Mai), trường tổ chức văn nghê. Lớp Đệ Thất chúng tôi có rất nhiều “nữ danh ca ”đóng góp rất nhiều tiết mục vào chương trình của toàn trường; ngoài ca, múa lớp chúng tôi còn đóng góp thêm với một vở kịch vui. Lê Văn Khánh thủ diễn vai chính của vở kịch này: một anh Ba Tàu bán bánh bò. Khánh đã biểu diễn vai này qua giọng một anh Ba Tàu nói lơ lớ tiếng Việt thật là xuất sắc. Cả trường, kể cả học sinh và các thầy cô, ai cũng khen; và từ đó Khánh bị đặt cho cái chết tên “Khánh Bánh Bò” suốt những năm ở Trung Học! (Và ngay cả mấy năm sau, khi đổi qua học ở Trần Hưng Đạo, toàn nam sinh, cái tên “Khánh Bánh Bò” vẫn còn đó!)
 Thuở còn đi học, Khánh thon thả, dong dỏng cao, (chứ không phải mập phệ như sau này với cái tên Khánh Voi hay Khánh Mập!) và là một trong những cầu thủ xuất sắc (môn bóng tròn) của Trường Phương Mai và Quang Trung!
 Thầy Vũ Hải Thuần, giáo sư Anh văn của Trường, rất “khoái” những cú đá độc đáo của Khánh. Thầy Thuần gần như bị liệt một phần bên trái, chạy “cà xịch cà đụi”, vậy mà trận banh nào Thầy cũng ra cổ võ.
Khánh đá vai trung phong,thường xuyên làm bàn cho Đội.Nhưng, cái độc đáo hơn là Khánh có cú đá “rót dầu” (mà Thầy Thuần không tiếc lời ca tụng). Khi nào Khánh có banh, ngay cả đang ở ngoài vùng cấm địa; mọi người đều thích thú khi nghe tiếng Thầy Thuần la tướng: “Khánh Bánh Bò! ‘Dzótdzầu’ vào! ‘Dzót dzầu’ vào!”
Và cú đá “rót dầu” độc đáo của Khánh Bánh Bò lửng lơ treo trước khung thành đối phương, tiếp theo đó Trần Văn Ba (một cầu thủ xuất sắc khác, cặp bài trùng với Khánh) không bỏ lỡ cơhội, đã tung lưới!

 2. “Không Lông Sư Tổ”:
 Đó là vào khoảng đầu năm Đệ Lục (Phương Mai), vào một buổi chiều, tôi đã hẹn với mấy đứa bạn sẽ chạy vào đá banh “lén” tại sân banh trong Collège d’Adran. Đang chuẩn bị đi thì một ông hớt tóc dạo (ông “Bắc kỳ di cư” từ trong làng Saint Jean đi qua), ổng hỏi tôicó muốn cắt tóc không? Sáng nay ba tôi mới nhắc, “tóc dài rồi, con liệu mà hớt đi”. Sợ chạy ra tiệm hớt sẽ bị trễ giờ đá banh nên tôi đang lưỡng lự; thấy vậy, ông hớt tóc dạo đi thêm một đường “quảng cáo”: “Cậu yên tâm, tôi cắt khéo lắm, mà còn nhanh nữa. Nhưng cậu chỉ trả có phân nửa tiền so với đi cắt ở hiệu!” Nghe bùi tai, tôi đồng ý để ổng hớt tóc.
 Khi ổng hớt xong, tôi yêu cầu: “Nhờ bác tém cái lông mày của con một chút!” Vì lông mày của tôi rất rậm, nên lúc nào hớt tóc, anh thợ hớt tóc ngoài tiệm cũng “tém” cho nó gọn lại. Lần này, chắc vì ngôn ngữ bất đồng, ông hớt tóc dạo “Bắc kỳ di cư” tưởng “tém” tức là “cạo” hay “gọt”, nên ổng cạo béng đi một bên lông mày của tôi. Khi tôi nghe tiếng cạo rồn rột kỳ cục quá, vội chạy vô nhà lấy cái gương soi mặt đem ra ngắm.
Trời ơi! Một bên, toàn bộ lông mày đã bị cạo sạch trơn; bên kia, lông mày vẫn còn y nguyên; nhìn vô gương, thấy nó kỳ cục quá chừng chừng! Lần đầu tiên trong đời, tôi được nhìn thấy cái mặt của một người chỉ có một bên lông mày. Trông nó “quái đản” và “không giống ai” cả! Tôi nghe khổ sở và bật tiếng khóc!
 Ông thợ hớt dạo thấy tôi khóc càng thêm quýnh quáng,cứ vỗ về và tìm cách an ủi tôi! Một lúc sau, ổng đưa ý kiến và lý luận: “Cặp lông mày bên để, bên gọt nom không được cân đối. Thà rằng, ta gọt nốt bên kia, nom sẽ bình thường lại! ”Như kẻ sắp chết đuối vớ được cái phao, tôi đồng ý với ổng, để cho ổng “gọt nốt” phía lông mày còn lại. Khi ổng gọt xong, có nghĩa là cả hai hàng lông mày đã “đi chồ khác chơi”, nhìn vào gương, tôi muốn chết phức cho rồi! Cái mặt không có cặp lông mày: nó giống như con quỷ chứ không phải là người ta!Ông thợ hớt dạo thấy tôi khóc càng thêm quýnh quáng,cứ vỗ về và tìm cách an ủi tôi! Một lúc sau, ổng đưa ý kiến và lý luận: “Cặp lông mày bên để, bên gọt nom không được cân đối. Thà rằng, ta gọt nốt bên kia, nom sẽ bình thường lại! ”Như kẻ sắp chết đuối vớ được cái phao, tôi đồng ý với ổng, để cho ổng “gọt nốt” phía lông mày còn lại. Khi ổng gọt xong, có nghĩa là cả hai hàng lông mày đã “đi chồ khác chơi”, nhìn vào gương, tôi muốn chết phức cho rồi! Cái mặt không có cặp lông mày: nó giống như con quỷ chứ không phải là người ta!
 Sau khi tắm xong, tôi bay lên phòng riêng của tôi trên gác. Tôi đành bỏ buổi đá banh. Nằm ẹp trên giường. Cáo bịnh. Không dám xuống nhà ăn cơm tối.
 Sáng hôm sau đi học! Mới tới sân trường, đám bạn thân đã bu lại. Thấy tôi là lạ, khang khác làm sao ấy! Tụi nó hỏi tùm lum một hồi, cuối cùng vỡ lẽ, biết là tôi bị cạo cả hai hàng lông mày; thế là tụi nó bèn hô hoán lên cho “cả làng” cùng biết!
Khi tôi vào lớp, bao nhiêu cặp mắt tò mò chú mục vào tôi. Bấy giờ tôi mới biết và rất thấm qua câu người ta thường nói: “ngượng chín cả người”, lúc đó tôi mới biết được là nó “ngượng” như thế nào và nó “chín” ra làm sao!
 Giờ đầu là giờ của thầy Tiến, sau khi điểm danh xong, như thông lệ, thầy hỏi: “Hôm nay trong lớp có gì lạ không? ”Cả lớp nhao nhao, nhất là mấy bàn của các chị ở cuối lớp, hầu như đồng thanh trả lời: “Thưa thầy có ạ!” Thầy với vẻ mặt bình thường, lại hỏi: “Có gì mà lạ, nói xem nào!” Cả lớp cứ như tranh nhau trả lời: “Thưa thầy, anh Tôn không có lông mày ạ!” Thầy cũng chưa biết ất giáp gì, lướt nhìn một vòng lớp rồi dừng lại khi nhìn vào tôi, rồi nói: “Anh Tôn. Đứng lên xem nào!” Tôi thẹn thùng, từ từ đứng lên. Mặt tôi lúc đó chắc đang bừng đỏ vì tôi cảm thấy hai gò má như nóng ran và hai lỗ tai đang lùng bùng, không ghi nhận nỗi những tiếng nói, tiếng cười của bạn bè trong lớp.
 Thầy nhìn tôi đăm đăm, lộ vẽ kinh ngạc rồi hỏi: “Mặt anhra làm sao thế?” Trong thế chẳng đặng đừng, tôi đành phải kể sơ về ông thợ hớt tóc dạo và tác phẩm để đời của ông đang hằn trên nét mặt của tôi …

 Nghe xong thầy Tiến cũng bật cười làm cả lớp lại có dịp cười thỏa thích. Chưa chịu dừng ở đó, từ “xóm nhà lá” của Lê Quang Đàm, Chu Duy Toàn, Đào Tạo, Trương Tiến Hách, Hùng Già … phía đằng sau và bên trái của tôi giọng ai đó oang oang: “Thế là, thằng Tôn nó trở thành ‘Không Lông Sư Tổ’ mất rồi!!!” Một vài tay khoái chí, đấm bàn đùng đùng và cả lớp tiếp tục cười bò ngặt nghẽo!
Mặc dù thầy Tiến đã ra dấu cho tôi ngồi xuống nhưng cái không khí của lớp học vẫn chưa trở lại bình thường, vẫn còn nghe những tiếng cười khúc khích, vẫn còn nghe những tiếng nói lao xao … Tôi cảm thấy quá xấu hổ, nếu biết độn thổ, chắc tôi đã độn thổ để “biến” mất, để thoát khỏi cái quê xệ mà đám bạn bè đang chụp vào mình!
Cái điều làm tôi cay cú nhất là thằng bạn “khỉ gió” nào ở phía sau đã đặt cho tôi cái tên mới và từ đó, tôi bị dính liền với cái chết tên: “Không Lông Sư Tổ!

Thay lời kết

Kỷ niệm về đời học sinh, nhất là có liên quan đến các bạn khác (cùng lớp) thì còn rất nhiều, đặc biệt là những bạn có những “nickname” (mà bọn tôi gọi là đặt “chết tên”). Ở đây, qua bài viết này vì sợ quá dài, nên tôi chỉ nhắc phớt qua một số “nickname” của bạn bè (và ngay cả của vài vị Giáo Sư nữa).
Về Giáo Sư, tôi còn nhớ: Cô Đỗ Hoàng Hoa, dạy Vạn Vật, có tên là “Cô Hoa Ve Sầu”. Các Thầy thì có: “Thầy Đĩnh Cao Bồi”,“Thầy Đĩnh Già”, “Thầy Đờ Phồn” (thầy tên là Nguyễn Khoa Phồn, đi học ở Pháp về, dạy Pháp văn; đặt cho thầy tên Đờ Phồn có lẽ muốn ám chỉ tên “De” của Pháp như “De Gaulle” vậy mà!).
Ngoài ra, còn có các Thầy Cô khác (không có nickname) mà tôi còn nhớ như các Cô: Nguyễn Văn Đãi, Nguyễn Xuân An và các Thầy: Phạm Văn Nam (có thời làm Hiệu Trưởng), Nguyễn Trọng, Tạ Tất Thắng, Phạm Văn Phúc, Vũ Hải Thuần, Vũ Chứ, Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Đức Hiếu, Lê Phỉ, Nguyễn Viết An,Phạm Văn Đồng, Quyền Văn Long (Huấn Luyện viên Thể dục,Thể thao), và đặc biệt là ông Giám Thị Nhân (cựu Trung Sĩ giải ngũ) và ông Cai trường (Bác Cai Khôi) …
Về nữ sinh có tên của các chị như: “Dung Judo” (rất nổi tiếng vì mới thuở đó mà chị đã có Ceinture Bleu về Nhu Đạo),“Bích Đen”, “Bích Trắng” hay “Bích Cộng Đồng” (con của chủ nhà sách Cộng Đồng), “Huệ Đen”, “Huệ Trắng”, “Hạnh Bắp Rang”, “Hòa Ông Cò” (chị Tuyết Hòa, con ông Cò Dần ở Đà Lạt lúc bấy giờ) …
Về nam sinh: ngoài “Khánh Bánh Bò” và “Không Lông Sư Tổ” còn có “Hùng Già” (Nguyễn Đình Hùng), “Nghĩa Phẹt”(Nguyễn Đức Nghĩa), “Cường A”(Nguyễn Đình Cường), “Cường B” (Nguyễn Đình Cường), “Trứ Con Gái” (Nguyễn Công Trứ, về sau là Bác Sĩ), “Phùng Thộn”(Phùng Thuận), “Lực Cao Bồi”(Ngô Đắc Lực), “Pháp Giây Chằng” (Vũ Pháp, cháu cụ Vũ Chứ), “Tùng Y Cờ Léc” (Ngô Thiện Tùng, anh này không phát âm được chữ Y như Tây phá tâm, mà cứ đọc là Y Cờ Léc) …

Tôi muốn trở lại kỷ niệm của “Khánh Bánh Bò” và “Không Lông Sư Tổ”. Khánh và tôi “có duyên” với nhau vì tích lũy được nhiều cái “cùng”:
. Cùng học chung với nhau từ Phương Mai, Quang Trung và Trần Hưng Đạo Đà Lạt.
. Cùng đi chung Khóa 9 Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức (Nhập khóa ngày 7 tháng 10 năm 1959).
. Cùng tình nguyện gia nhập Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến (Tháng 12 năm 1960).
. Cùng đi Mỹ một lượt, học Khóa Căn Bản TQLC ở Quantico, Virginia năm 1963-1964
. Cùng ở lại Việt Nam sau ngày 30-4-75.
. Cùng đi “tập trung cải tạo” ở miền Bắc.
. Cùng chung một “trại tù cải tạo” năm cuối cùng.
. Cùng được thả ra khỏi trại tù một ngày (Cuối năm 1984).
Khi ra tù, mạnh ai nấy “binh” đường vượt biên. Khánh đã bị bầm dập qua nhiều chuyến vượt biển không thành, tôi cũng đã từng “bỏ của chạy lấy người” 3 lần và lần thứ 4, thật may mắn:
. Cùng một chuyến ghe vượt biên với Khánh từ Rạch Giá tới Thái Lan trong tháng giêng năm 1987.
. Cùng đến Mỹ vào hạ tuần tháng 8 năm 1987.

Nhưng sau đó Khánh và tôi đã có những cái “không cùng”:
. Không cùng sống chung tại một tiểu bang: Khánh sống ở Virginia, tôi sống ở Utah.
. Không cùng đi về Quân Khu IX một lượt (“Quân Khu Chín” tiếng lóng của Nhà Binh là Chín Suối,là Chết). Khánh đã qua đời tại Virginia ngày 27 tháng giêng năm 2009, tức là ngày mồng 2 Tết năm Kỷ Sửu.

 Tuổi của chúng ta bây giờ (năm 2012), chỉ có một số ít “còn trẻ” (tròm trèm “Sáu Bó),phần lớn đều tròm trèm “Bảy Bó” hoặc hơn! Nhìn quanh, đã thấy biết bao nhiêu bạn bè rơi rụng!
 Chỉ có một số rất ít bạn bè, cùng sống chung trong một tiểu bang hoặc khác tiểu bang nhưng có những liên hệ qua gia đình hay bà con nên vẫn còn giữ liên lạc hoặc thỉnh thoảng gặp được nhau. Đa số, đã mất liên lạc với nhau từ mười, hai ba chục năm hoặc hơn; thậm chí có rất nhiều người chưa có dịp gặp nhau từ khi rời mái nhà trường cho đến bây giờ, có nghĩa là đã hơn 50 năm chưa hề gặp lại!
 Qua những Đại Hội của bạn cũ, trường xưa; đó là dịp để các ông cụ, các bà cụ có dịp gặp và thăm nhau. Ngoài việc mong gặp lại để nhìn cái “dung nhan mùa Đông” của nhau, điều quan trọng hơn, khi gặp lại nhau, qua câu chuyện thể nào cũng nhắc lại những kỷ niệm buồn vui từ thuở còn học chung với nhau dưới mái trường Phương Mai,Quang Trung, Bùi Thị Xuân,Trần Hưng Đạo.
 Qua câu chuyện, sẽ dẫn đưa chúng ta trở về với cung thương ngày cũ, để thấy lại chính mình đang tung tăng cắp sách đến trường, đang nô đùa thật hồn nhiên với bạn bè trong khung trời Đà Lạt mộng mơ của một thuở nào xa, xa lắm …

Phan Công Tôn
img3
Khánh Bánh Bò” và “Không Lông Sư Tử” đang cắp túi đến trường đai học “tị nạn” Phanat Nikhom – Thailand 1987
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn