Về Đalạt

04 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 153961)

Về Đà Lạt


 Forget Me Not Dalat

 Tối qua mình gọi điện thoạiđến hãng xe đò Phương Trang lấy vé đi Đà Lạt. Người bán vé cho biết, cứ việc ra bến khoảng mười lăm phút thì có một chuyến. Sáng thức dậy, mấy chị em ra phố mua ít khoai lang, vài ổ bánh mì, vài cái bánh giò để ăn sáng và mang theo ăn dọc đường. Từ hôm về Việt Nam đến giờ hình như mình không thấy thèm ăn một món gì cả. Chuyến này Thy không thể đi cùng với mình về ĐàLạt. Cô nàng phải ở lại Sài Gòn chờ Bi và Dung từ Đà Nẵng vào rồi về Mỹ trước, chỉ có Nhàn từ Châu Đốc lên từ tối qua để cùng mình và My đi Đà Lạt. Đón taxi đến Nguyễn Trãi.Bến xe đã khá đông người, có vài chuyến đã khởi hành rồi. Mua vé xong, nhân viên hãng xe tập trung hành lý vào một chỗ sát lề đường chờ xe tới. Mình không mấy an tâm vì rất sợ nạn cướp giật nên không dám đi đâu, chỉ đứng một chỗ canh hành lý. Chuyến xe khởi hành chín rưỡi. Chiếc bus hiệu Hundai rộng rãi, chỗ ngồi thoải mái, khác hẳn những chiếc xe đò năm xưa, hồi bảy lăm, mà mỗi lần về Sàigòn hành khách bị chất như cá hộp. Vừa ngồi yên, mình đã giật thót mình vì âm thanh của chiếc micro đang được một nhân viên dùng tay đập nhiều lần thử giọng. Chú nhân viên phục vụ mặc đồng phục, mặt mày trịnh trọng giới thiệu hãng xe, giới thiệu tên nhân viên phục vụ, tuyến đường đi, nơi dừng chân nghỉ ngơi... Anh chàng đọc một hơi không ngừng nghỉ với giọng Bắc phát âm lẫn lộn phụ âm l,n thật buồn cười. Sau màn giới thiệu, xe từ từ lăn bánh. Từ những màn ảnh nhỏ trong xe, hành khách bắt đầu theo dõi những bài ca, những bản nhạc xập xình của những ca sĩ trong nước. Ngồi sát cửa sổ,đưa mắt nhìn xe cộ, khách bộ hành qua lại.Thành phố mới sáng đã ồn ào, nhộn nhịp với xe nhiều đến độ chóng mặt. Qua Thủ Đức, xe ra khỏi thành phố, qua cầu sông Sài Gòn. Dòng sông xưa giờ thay đổi thật nhiều, trên sông cũng có những căn nhà nổi cũ kỹ, che chắn sơ sài, vẫn là những mảnh đời trên sóng nước, nghèo nàn cơ cực, không khác gì những dòng sông ̉ miền Bắc, miền Trung mình đã đi qua và cũng để lại trong mình nỗi ngậm ngùi, cảm xúc. Xe đến Biên Hoà rồi qua Hố Nai, Trảng Bom... ở đâu cũng thay đổi nhiều. Cũng may, những vườn cao su thẳng tắp, xanh tươi vẫn còn đây, vẫn cho mình ước mơ được chạy nhảy giữa những hàng cây xanh lá, vẫn cho mình cảm giác vui vui khi nhớ lại mỗi lần ngang qua đây là thử đếm xem có bao nhiêu hàng cây, sau đó chịu thua vì xe chạy nhanh quá. Đến ngã ba Dầu Dây, dọc hai bên đường nhiều quán bán trái cây như chuối, mít... Mình không thấy chôm chôm, có lẽ mùa này ở đây đã hết. Nhớ ngày xưa mỗi khi có dịp về Sài Gòn, hai lượt đi về, xe đều ngừng ở nơi này. Chuyến đi thì mua chôm chôm, mít sấy, chuối khô mang về Sài gòn làm quà biếu. Lúc về cũng mua lỉnh kỉnh đủ loại trái cây như chôm chôm, sầu riêng, đu đủ, chuối... có khi còn mua cả mít tươi mang về. Từ khi nhà mình chặt mấy cây mít đi mới thấy tiếc, nên nếu có dịp là mua về ăn cho đỡ thèm. Qua khỏi Long Khánh, đến Dốc Mơ, Gia Kiệm, qua một chặng xa là đến Định Quán. Những hòn đá chồng ngày xưa của mình vẫn còn đấy. Vào thuở bé mỗi lần đi qua mình đều trầm trồ, ngạc nhiên khi thấy những tảng đá với những hình thù ngộ nghĩnh, quá sức to lớn với đôi mắt của mình dạo ấy nhưng giờ đây đi nhiều nơi, biết nhiều chỗ, những hòn đá to lớn ở Định Quán như nhỏ đi trong mắt mình. Rồi xe đến vùng Phương Lâm ngút ngàn chuối, đu đủ... Chẳng mấy chốc xe đến Ma – Ra - Gui, Đa Oai; nơi đây nhắc mình nhớ lại lần xe bị hư trên đèo Chuối, mình và Hiệp phải đón xe be chạy xuống đây vào nhà thờ xin ngủ nhờ. Số người đến nhà thờ đông quá. Hai chị em phải gõ cửa một cơ quan xin tạm trú. May quá! lại gặp nhỏ Hương, bạn của My đang làm ở công ty thực phẩm nơi đây. Thế là vừa được ăn, vừa được ở qua đêm để sáng mai đón xe về Sài Gòn. Những chuyến xe trong thời gian sau bảy lăm hư hỏng dọc đường là chuyện thường xuyên xảy ra, nghĩ đến mình còn sợ, một lần xe lật ở gần cầu Lệ Uyên ở Tuy Hòa, tưởng không còn nhìn thấy mặt trời... một lần hư xe trên chặng đường Quảng Ngãi – Đà Nẵng phải ngồi chờ sửa xe đến khùng trong cái nóng khủng khiếp của miền Trung. Trên những nẻo đường đi qua trong những tuyến đường dài đã thấy biết bao cảnh lật xe, xe nằm ụ dọc đường vì thiết bị cũ kỹ thiếu an toàn. Ôi những chuyến xe trên những nẻo đường đất nước sau tháng tư bảy lăm chắc nhiều người không thể quên.
 Xe của tụi mình từ từ bò lên đèo Chuối. Đèo Chuối năm xưa thật nhiều chuối, giờ chỉ thấy rải rác. Mình không đoán nổi tại sao chuối rừng đã mất đi nhiều như vậy. Người ta chặt cây hái lá đi bán? Hay là chúng tự hủy sau nhiều năm thiếu chất dinh dưỡng. Mình vẫn có những lẩm cẩm khi tự đặt ra những câu hỏi mà chính mình cũng không biết trả lời. Bắt đầu lên đèo là khí hậu đã thấy khác, trời lạnh lạnh. Nhỏ Nhàn và My lôi áo len ra mặc. Chú phục vụ báo là xe sắp dừng lại để hành khách nghỉ ngơi ở điểm dừng chân củ xe đò Phương Trang nằm sát trên đèo Chuối. Công ty xe khách nàylàm việc thật quy mô và có nhiều xephục vụ trên nhiều tuyến đường. Họxây nhà hàng ở những trạm dừngchân. Xe ngừng, tụi mình xuống xenối đuôi vào nhà vệ sinh. Hành khách vào nhà vệ sinh phải cởi giày dép của mình ra mang dép của công ty. Nhiều người khen công ty làm việc chu đáo sạch sẽ. Riêng tụi mình thấy ngán ngẩm cho chân vào đôi dép mà không biết bao nhiêu người đã mang. Không muốn nhưng “ phép vua thua lệ làng” nên đành phải chịu. Sau đó ba chị em lượn một vòng quanh những quầy bán đặc sản bày bán đủ thứ: trà, mứt, mật ong, khoai dẻo, chuối khô...cho đến trái cây tươi, vật lưu niệm. Sau khi vận động cho đôi chân đỡ mỏi, mấy chị em vào cửa hàng ăn. Thiên hạ đồn không sai, ở đây thức ăn rất ngon, tụi mình đã có một bữa ngon miệng với cơm sườn nướng, tôm nướng, canh chua cá kho tộ.

 Khoảng gần hai giờ, hành khách lên xe tiếp tục cuộc hành trình. Xe lên đèo Bảo Lộc ngoằn ngoèo nhưng nhờ đường tốt nên xe vượt lên đèo khá nhanh.Trên khoảng đường đèo này vẫn không thay đổi mấy, chỉ có đoạn gần qua hết đèo, ngày xưa cómột am nhỏ, trước am có một tượng Phật Bà giờ được xây lớn hơn, đẹp hơn. Gần đến Bảo Lộc đã xuất hiện những vườn trà và cà phê... trải dàitừ đồi xuống thung lũng, chạy dài đến Di Linh. Đang là mùa thu hoạch nên trên những vườn trà bạt ngàn, lố nhố nhân công vai mang gùi, đầu đội nón lá đang hái trà. Trà, cà phê được phơi đầy sân. Nhìn mọi người tấp nập phơi, trở...mình nghĩ, dân chúng của Di Linh, Bảo Lộc có một cuộc sống khá giả hơn những vùng mình đi qua. Qua Di Linh, Phú Hiệp,Đại Ninh rồi đến Tùng Nghĩa, vùng đất lành nuôi dưỡng mình hằng bao nhiêu năm đây rồi. Dọc hai bên quốc lộ, nhà cửa san sát nhưng mình không tìm ra một nét thân quen xưa, chợt buồn man mác! Kỷ niệm xưa sống lại trong mình mãnh liệt, lũ học trò thân thương, một vài bóng“tùng” chợt thấp thoáng. G. với dáng gầy, lênh khênh, nụ cười hiền hòa và tình yêu tha thiết của G. dành trao.D. với những tối đưa đón đến trường trong những buổi dạy bổ túc...và còn biết bao nhiêu bạn bè thương mến nơi đây. Nhớ ơi là nhớ! Mình cứ tưởng như mới ngày nào còn trẻ trung, tràn đầy niềm tin và hy vọng. Tưởng như mới ngày nào đây nhìn đời toàn bằng màu hồng... Tưởng như thời gian làm ta chai sạn, khô khan hết còn cảm xúc.Thế nhưng nước mắt lại lặng lẽ rơi...Nếu không có cuộc đổi đời? Mình sẽ ra sao đây nhỉ? Có còn nguyên vẹn thương yêu với người yêu dấu? Có phải xa cách trùng dương để có ngày trở lại ngỡ ngàng với bao vật đổi sao dời? Chiếc xe vượt qua mà mình vẫn còn ngoái lại. Hẹn Tùng Nghĩa mai mốt đây ta sẽ dành cho em trọn một ngày thăm viếng.

 Xe vẫn phom phom tiến về ĐàLạt. Ngang qua trường trung học Đức Trọng xưa. Ngôi trường này ngày xưa lúc nào cũng được sơn phết như mới, giờ cũ kỹ rêu phong nhưng lại dễ thương hơn nhờ những hàng phượng bao quanh tỏa mát.Qua Liên Hiệp xe đến Liên Khương nơi có phi trường nhỏ chỉ chuyên chở những khách nội địa. Ở Liên Khương còn có một cái thác thật đẹp nhưng hôm nay đã thay đổi nhiều.Từ trên đường nhìn xuống không còn thấy nước tung bọt trắng xóa như xưa nữa. Nhìn dòng nước khô cạn thấy mà đau lòng. Đến Bồng Lai cũng vậy, dòng suối trong xanh len lỏi chảy qua những khe đá, hai bên bờ cây cối xanh um thơ mộng, giờ trông tiêu điều xơ xác. Biết nói gì đây, quê hương ngày ta trở lại sao xuống dốc thế này? Thác Liên Khương ơi! Có biết rằng ta đã tự hào về em biết bao nhiêu ở ngày xưa không hở? Hồi ấy mỗi lần có người đến viếng thăm Đà Lạt là ta phải giới thiệu cho bằng được thác Liên Khương và dòng suối Bồng Lai dễ thương, huyễn hoặc như bồng lai tiên cảnh này. Giờ thì ... còn đâu Bồng Lai xưa, tiên cảnh cũ?

 Xe lại chạy qua những vườn cây xanh trái, những ruộng lúa. Vùng này Định An, còn có những vườn trồng hoa cúc, hoa vạn thọ rực rỡ, tươi sắc, những vườn hồng dòn, hồng dẻo...cung cấp cho những hàng bán lẻ, những hàng bánh mứt của Đà Lạt. Cuối xã Định An mình bắt đầu thấy những bảng quảng cáo đón chào khách viếng thăm thác Prenn, thăm Đà Lạt. Cuộc hành trình dài gần ba trăm cây số đã gần đến đích. Mình đang xích gần đến thành phố thân yêu và Đà Lạt đang dàn chào những người con xa xứ trở về bằng hai hàng thông xanh chạy dài từ Prenn đến sát thành phố. Hạnh phúc làm sao ta lại được đi giữa những hàng thông vươn cao ngạo nghễ. Thông dọc hai bên đường, thông vươn dài đến những thung lũng xa xa. Thật vui! Lâu quá lâu rồi mình lại nghe được tiếng rì rào của ngàn thông, nghe tiếng reo vi vu trong gió, xào xạc trong bạt ngàn thông xanh. Nắng chiều dọi xen qua những kẽ lá thông lung linh... Nắng nhảy múa như nỗi reo vui trong lòng mình lúc trở lại quê xưa. Đoạn đường đèo khúc khuỷu quanh co sau bao nhiêu năm nhìn lại vẫn không thay đổi bao nhiêu. Vẫn những mốc gỗ sơn trắng đỏ ở những khúc quanh, vẫn còn những đoạn đường vương nhiều hoa dại, dây leo tô điểm thêm những duyên dáng trên đường đến vùng cao. Đoạn từ Prenn lên Đà Lạt còn giữ được vẻ đẹp thiên nhiên có lẽ vì cây ở đây không bị chặt phá nhiều. Qua hết đèo Prenn, đến phần đất “bót” Nguyễn Tri Phương xưa, thành phố Đà Lạt đã thấp thoáng, con đường NguyễnTri Phương nhà cửa mọc lên san sát, xây cất đủ kiểu không còn dáng vẻ xinh đẹp cuả những ngôi biệt thự kiểu Pháp ngày nào. Tới ngã ba cây xăng Kim Cúc xe ngang qua nhà hàng Palace, nhà thờ con gà, xuống đường Bà Triệu rồi đổ khách xuống đoạn cuối ở Phan Đình Phùng. Ở đây có xe nhỏ đưa khách về tận nhà nhưng tụi mình vẫn ngồi trên xe, tài xế đưa tụi mình về khách sạn của Thuận ở đường Bùi Thị Xuân.

 Xe đến Khách sạn vào khoảng sáu giờ rưỡi. Vợ chồng Thương lăng xăng đưa hành lý lên lầu. Mùa này khách không nhiều lắm nên Thương dành cho bọn mình hai phòng, một phòng đựng hành lý và một phòng cho ba đứa ở. Bữa đầu tiên ở đây Thuận cho tụi mình ăn cơm với các hiên, rau muống luộc. Bữa cơm đạm bạc nhưng thật ngon. Vừa ăn vừa chuyện trò nhắc nhở chuyện xưa. Ngày xưa mình và Thuận dạy cùng trường. Hai vợ chồng cùng quê với mình. Dạy được một thời gian ở Đà Lạt mình bị cho thôi việc vì làm giấy tờ đi Mỹ.Thuận vừa dạy học vừa buôn bán thêm để tăng thu nhập cho gia đình. Cô bé xuống Tùng Nghĩa mua thịt heo mang lên bỏ mối. Thỉnh thoảng cô nàng tạt qua nhà cho tụi mình cái giò heo, vài củ khoai, trái bắp … Ở cái thời bao cấp ấy, thịt thà là món ăn quý hiếm, cô bé đã san sẻ cho mình, giúp đỡ mình trong lúc ngặt nghèo, vì lúc ấy mình vừa mất việc, lại mới sanh con nhỏ. Trong hoạn nạn mới thấy chân tình, những tình cảm ấy mình không bao giờ quên được. Vợ chồng mình thương và rất quý gia đình Thuận. Hai gia đình mình vẫn giữ mối giao hảo từ trước đến nay. Giờ Thuận rất khá giả, có hai khách sạn cho thuê,có xe hơi, đất cát cũng khá nhiều nhờ tính cần cù chịu khó và mạnh dạn dám bung ra kinh doanh khi thị trường nhà đất có những năm lên cơn sốt. Con cái Thuận cũng rất ngoan. Bé Liên ra trường đại học và cũng đã có gia đình. Mai đang năm thứ ba, cậu út đang học cấp hai. Nghĩ đến Thuận mình cũng thấy an ủi. Ít ra cũng có những người bạn mà lúc đói nghèo, hoạn nạn vẫn không thay lòng...

 Buổi tối, Dung và Phúc đến thăm. Dung không thay đổi mấy, có lẽ tại mình mới gặp Dung một vài tháng trước khi nàng qua Mỹ du lịch. Phúc thì thay đổi khá nhiều, bệ vệ giống như một mệnh phụ phu nhân.Tụi mình cười đùa, chuyện trò vui vẻ. Trước khi về hai chị em dặn dò mình đi ngủ sớm để sáng mai đến chở đi ăn sáng.

 Tắt đèn lên giừờng ngủ, cảm giác buồn buồn khó tả. Cùng ở trong thành phố xưa mà bây giờ như xa cách không cùng. Tự dưng nhớ quá căn nhà xưa, nhớ căn phòng ngủ cuả mình thuở ấy quá. Giường bên, hình như My cũng đang trằn trọc như mình...

 Ngày...tháng ...năm...

 Vẫn như những buổi sáng ở Sài Gòn, mình dậy sớm ra ban công nhìn xuống đường ngắm xe, ngắm người đi phố sớm. Con đường Bùi Thị Xuân lúc xưa là đường Võ Tánh. Sau bao nhiêu năm đường phố thêm nhà, thêm nhiều khách sạn. Bên kia đường là chủng viện Don Bosco. Mình không biết hiện nay là cơ quan nào nhưng bề ngoài vẫn y như xưa, không có gì thay đổi. Dung đến với Phúc có thêm vợ chồng Thảo - Hải đi cùng. Xe đi hướng về Đa Thiện, hai bên đường hàng quán mọc lên quá nhiều. Đi ngang qua ngôi nhà đỏ của Ông Bửu Trọng, không còn nhận ra con đường rẽ vào nhà mình. Ở đây thay đổi bắt chóng mặt. Ngưng xe ở một quán nhỏ trên đường Phù Đổng, tụi mình ngồi ở một bàn thấp lè tè bên ngoài. Vợ của Liệu chỉ bán hai món: bún riêu và mì Quảng. Mình chọn bún riêu. Rau ngon quên cả việc cấm kỵ. Nước bún tuyệt vời. Vậy là món ăn đầu tiên ở quán ăn tại Đà Lạt đã không làm mình thất vọng.

 Ăn xong, Hải đi làm, tụi mình nhờ Dung gọi taxi đi thăm mộ. Khu Mả Thánh đã bị giải tỏa, đa số mộ cũ đã được thân nhân bốc mộ đi, chuyển đến ngọn đồi giữa ấp Thánh Mẫu và Đa Thiện. Chúng mình đi loanh quanh một chặp mới tìm ra mộ bố và em mình. Tự dưng cảm thấy choáng váng mặt mày, đầu đau như búa bổ phải ngồi xuống lấy tay xoa nhẹ vào thái dương và mát sa lên da đầu. Thầm khấn với bố với em mình đã về thăm như đã hứa. Có cảm giác em như đang ở bên mình, hình như em chưa siêu thoát. Mộ bố và em khá sạch sẽ, có lẽ vẫn được thường xuyên thăm viếng. Những nụ hoa hồng nhỏ, những nụ hoa vàng lấm tấm trên mộ làm cho ngôi mộ thêm dễ thương. Em rất yêu hoa. Hẳn em hài lòng với ngôi nhà em đang trú ngụ? Nơi miền xa xăm ấy có hai bố con gần gũi nhau, dù sao cũng đỡ hơn anh hai. Không biết anh đang ở nơi nào? Một hải đảo xa xôi? (nghĩ đển mà hy vọng anh còn sống) hoặc giờ này hồn anh đang lang thang trên khắp nẻo đường đất nước, đang bay bỗng đến những miền đất lạ xa như ước mơ của anh. Anh mê du lịch hơn tất cả mọi điều! Cũng mong anh thường xuyên đến thăm hai người thân yêu đang nằm yên nơi này cho ấm áp. Ngồi bên cạnh nơi yên nghỉ của bố và em rất lâu vì mình không biết bao giờ mới trở lại thăm lần nữa. Tẩn mẩn nhổn hững cành cỏ dại trên mộ mà nhớ em quá đỗi. Sau đó thắp nhang cho bố, cho em, cho những ngôi mộ chung quanh. Cũng không quên ghé thăm mộ ba mẹ Dung, thăm mộ bác Bảo, bác Tứ. Mộ phần của ba mẹ Dung đẹp. Chỉ riêng mộ bác Tứ cỏ giăng chằng chịt, vươn cao hơn cả bia mộ. Đứng bên mộ bác Tứ, niềm xúc động trào dâng, không khác gì khi mình bên mộ bố mình và em. Nhớ ngày giã từ Đà Lạt, đi gần như trốn chạy, chỉ bác trai đưa tụi mình ra bến xe. Bác khóc nức nở như đưa tiễn những đứa con ruột thịt. Xe lăn bánh, nhìn lại bác vẫn đứng đấy, dáng gầy cô đơn nhìn theo... Mình chợt oà khóc và biết đây là lần cuối cùng được trông thấy bác .Giờ này hai bác cũng đã ở một nơi thật bình yên. Cầu mong bác cũng vẫn là người bạn láng giềng thân thiết nhất của bố mình nơi cõi khác ấy...

 Khu Mả Thánh nằm không xanh à bác Tứ bao nhiêu nên sau khi đi thăm mộ tụi mình ghé thăm Đức con bác. Hai vợ chồng Đức xây một căn nhà khá lớn phía vườn sau nhà cũ, sát cạnh đường đi. Tâm, con út bác đang ở căn nhà cũ. Vợ Đức ở nhà giữ mấy trẻ con hàng xóm. Cuộc sống chắc cũng thong thả. Rời nhà vợ chồng Đức, tụi mình ghé thăm chùa Linh Giác nhưng không có ai ở chùa nên đành phải đi về.

 Buổi chiều tụi mình đến nhà Phúc, Vị dẫn hai đứa đi ăn, mua sắm đồ đạc. Hai đứa dẫn xuống khu Ánh Sáng ăn bánh bèo. Chiếc quán nhỏ, bàn ghế thấp chủm nhưng... bánh bèo tôm chấy, bánh ít ram, bánh nậm, bột lọc trong quán đều ngon. Ăn bánh xong, mấy dì cháu lang thang ra Hồ Xuân Hương. Đang ngồi ngắm cảnh thấy một bà bán đậu hũ đi ngang qua, tụi mình vội vàng ngoắt lại. Lại có dịp ăn món đậu hũ ưa thích. Bà bán đậu hũ ngày nay cũng không khác gì những bà bán đậu ngày xưa, vẫn đôi quang gánh, một bên là chiếc nồi đựng đậu hũ, một bên là chiếc kệ nhỏ, phần trên úp vài cái chén, phần dưới để một cái chậu nhỏ chứa nước rửa chén. Khách ăn xong bà nhúng những cái chén dơ vào trong chậu, tráng sơ sơ, rồi lấy giẻ lau khô úp vào chạn chén. Ngày xưa mình đã từng thắc mắc... chiếc khăn lau qua bao nhiêu lần bẩn như vậy mà sao khi ăn vào mình vẫn không bị bịnh? Còn thau nước rửa chén, thỉnh thoảng mình có thấy bà hàng thay nước khi bà dừng lại ở một căn nhà nào đó. Nói chuyện vệ sinh, về ăn uống ở Việt Nam thì dù qua bao nhiêu năm vẫn không thay đổi mấy nhưng...nói theo thói quen của nhiều người “có chết chóc gì đâu”... bởi thế mấy dì cháu đều vui vẻ dùng thêm chén thứ hai.

 Chiều xuống, mặt hồ lung linh gợn sóng...trên hồ một chiếc thuyền con và người thợ câu đang nhẹ nhàng buông lưới, dáng điệu thong dong nhàn tản...người Đà Lạt lúc nào cũng mang cái dáng dấp hiền hoà, thong thả thật dễ thương ấy. Khoác tay nhau tụi mình thong thả dạo quanh hồ trong cái se lạnh của phố núi vào đông. Yêu làm sao cái không gian quen thuộc vừa tìm lại....Đà Lạt ơi ta đang ở bên em!

Forget Me Not Dalat
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn