Thơ Việt Trang

04 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 167013)
THƠ VIỆT TRANG

img1


















Việt Trang là bút hiệu của Bác Phạm Gia Triếp, thân phụ của sáu anh chị em đều là học sinh trường Trần Hưng Đạo và Bùi Thị Xuân gồm Phạm Gia Việt (THĐ 61-69), Phạm Gia Hoàng (THĐ 63-70), Phạm Gia Quyền (THĐ 68-75), Phạm Thị Mai Trang (BTX 61-69), Phạm Thị Mai Hương (BTX 65-72), Phạm Thị Mai Chi (BTX 69-76). Bác Phạm Gia Triếp từng là trưởng ty thông tin Đalạt thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa. Bác viết văn và làm thơ nói về Đàlạt.Tác phẩm thơ của Bác gồm các tập: Hương Xưa, Chừng Nghe Chiếc Lá Nhẹ Chao Nghiêng, Nhớ Huế Ngàn Năm, Một Cõi Đi Về Một Dấu Xưa. Văn: Địa Phương Chí Đà Lạt được biên soạn năm 1965 gồm lịch sử, địa dư, hành chánh, tôn giáo, giáo dục… và con người Đa Lạt…Đặc San BTX-THĐ được phép trích đăng vài bài thơ theo thể Đường luật và trích hai mục trong cuốn Địa Phương Chí của Bác.

Đường Bên Thành Phố

Đá ngủ từng hàng lặng xếp ngang
Đường bên thành phố ngủ mơ màng
Nhà cao nhà thấp như gần gũi
Người xuống người lên chẳng rộn ràng
Sợi nắng đong đưa chừng hạ tới
Giọt mưa lành lạnh ngỡ đông sang
Đây không gió bụi không xe ngựa
Thơ nhạc ru đời hương thảo lan


Đường Lên Phố Lạnh

Không chiếc xe nghèo vẫn tới nơi
Đường lên phố lạnh nép lưng trời
Ngày đông nắng lụa xanh hoa cỏ
Đêm hạ mưa sương trắng lũng đồi
Bạn quý tìm nhau khuây khỏa bạn
Đời vui cúi mặt ngẩn ngơ đời
Ơ hay mây gió lang thang mãi
Thì tiếng thơ còn chuyện giỡn chơi



Đà Lạt Vào Hạ

Vào hạ mà không một tiếng ve
Và không phượng nở điểm sơn khê
Sáng gieo giọt nắng mù sương đọng
Chiều phả làn mưa gió lạnh về
Đồi vắng thì thầm thông ngọc bích
Hồ xa mơ mộng sóng pha lê
Người ơi, từ mấy phương trời lại
Thành phố ngàn hoa chẳng biết hè




Đà Lạt Vào Thu

Mới đó mà thu trở lại rồi
Gió bâng khuâng trải nắng thầm rơi
Mây vương núi biếc lưng chừng nhạn
Sương sớm mong manh lan muộn nở
Mưa chiều lành lạnh cúc chưa cười
Thu mênh mông lắm đâu hò hẹn
Một chút buồn vơ đổi ít vui



Đà Lạt Vào Xuân

Chim hoàng oanh phổ nhạc trên cành
Đà Lạt vào xuân xuân rất xanh
Thấp thoáng hoa đào non điểm ngọc
Long lanh suối bạc nước đan mành
Mây hồng tha thướt bay êm ả
Nắng mới xôn xao đến ngọt lành
Cảnh trí nên thơ còn giục giã
Tiếng thơ hòa điệu nét đan thanh


Đà Lạt Vào Đông

Thu muộn vừa đi đông lại sang
Trời pha thêm nắng gió thêm vàng
Cành đào lá rụng đang ươm nụ
Khóm liễu đêm dài đứng gội sương
Vài sợi mây lam rừng bát ngát
Đôi bờ lối mộng cỏ mơ màng
Nôn nao đợi một mùa xuân tới
Chợt thoáng hương ngàn viếng thảo trang


Sau đây là hai đoạn trích trong cuốn Địa Phương Chí Đà Lạt: Hành Chánh và Giáo Dục của nhà thơ Việt Trang (1965):

Hành chánh: Dân số Đà Lạt được 59.634 người chuyên về canh nông và chăn nuôi (95,7%).Thành phần gồm có:
 - Đồng bào miền Trung và miền Nam đến lập nghiệp từ lâu
 - Đồng bào Bắc Việt định cư từ 1954
 - Đồng bào Thượng
 - Ngoại kiều
Sắc thái tuy phức tạp nhưng không có mâu thuẩn về chính trị, tôn giáo, kinh tế…Dân số tại trung tâm thị xã chiếm 1/3 tổng số với mật độ trung bình là 600 người/ cây số vuông.
Đàlạt là một đô thị tại Cao Nguyên Trung Phần đặt dưới quyền điều khiển của một Thị Trưởng,chức vụ này được ấn định do sắc lệnh 57-A-10-1956. Hiện nay Đàlạt được sát nhập vào tỉnh Tuyên Đức do tỉnh trưởng Tuyên Đức kiêm chức vụ Thị Trưởng.
Bên cạnh chính quyền có Hội Đồng Thành Phố gồm 10 đại biểu chính thức và 4 đại biểu dự khuyết do các hội viên Hội Đồng Khu Phố chọn định. Hội Đồng Khu Phố do đồng bào địa phương bầu cử. Nhiệm kỳ của Hội Đồng Thành Phố và Hội Đồng Khu Phố là 2 năm.
Hội Đồng Thành Phố trong các buổi họp do vị Thị Trưởng chủ tọa để thảo luận các vấn đề liên hệ đến quyền lợi của thành phố hoặc đệ đạt những ý kiến, nguyện vọng của nhân dân.
Đàlạt chia làm 10 khu phố. Mỗi khu phố có một Hội Đồng Dân Cử với nhiệm kỳ hai năm. Hội Đồng Dân Cử Khu Phố đặt dưới quyền điều khiển trực tiếp cùa vị Thị Trưởng, có nhiệm vụ quanlý về địa hạt hành chánh và các vấn đề thuộc địa phương.
Hội Đồng Dân Cử Khu Phố tuyển chọn các vị hội viên gồm một chủ tịch, một thư ký, một thủ quỹ đảm trách thường trực công việc gọi là Hội Đồng Hành Chánh Khu Phố.
Các khu phố lại chia ra thành nhiều Ấp Tân Sinh

Khu phố I gồm các ấp: An Hòa, Đa Hòa, Hồng Lạc, Chi Lăng, Cô Giang, Võ Tánh, Ánh Sáng
Khu phố II gồm các ấp: Đa Trung, Đa Cát, Đa Thuận, Lạc Thành, Nam Thiên, Vạn Thành, Du Sinh
Khu phố III gồm các ấp: Bạch Đằng, Nguyễn Siêu, Cao Bá Quát, Thánh Mẫu, Thống Nhất
Khu phố IV gồm các ấp: Đa Lợi, Tây Hồ, Sào Nam
Khu phố V gồm các ấp: Phước Thành, Tùng Lâm, Cựu Binh Sĩ
Khu phố VI gồm các ấp: Trung An, Tây Thuận
Khu phố VII gồm các ấp: Xuân An, An Lạc, Du An, Saint Jean
Khu phố VIII gồm các ấp: Tân Thành, Tân Lạc
Khu phố IX gồm các ấp: Đa Thiện, Hà Đông, Nghệ Tĩnh
Khu phố X gồm các ấp: Tự Tạo, Đa Phước

Giáo Dục: Đàlạt có nhiều cơ sở giáo dục đủ cung ứng nhu cầu học tập của con em cư dân Đàlạt Trường công lập
Bậc trung học có hai trường
. Trung học Trần Hưng Đạo có 23 lớp, 32 giáo sư với 1250 học sinh
. Trung học Bùi Thị Xuân có 21 lớp, 30 giáo sư với 990 học sinh

Bậc tiểu học: Các trường tiểu học và sơ học có 20 trường, 152 lớp
. Tiểu học phổ thông có 13 trường, 116 lớp
. Tiểu học cộng đồng có 2 trường, 22 lớp
. Trường sơ học có 4 trường , 11 lớp
. Trường Nữ Công Gia Chánh; 1 trường, 3 lớp
 Số học sinh bậc tiểu học là 7998
 Số giáo viên tiểu học là 148

Trường tư thục
Có 8 trường trung học là: Việt Anh, Bồ Đề, Thăng Long, Trí Đức, Minh Đức, Vinh Sơn, Adran, Văn Học với tổng số học sinh là 5020
Có 8 trường tiểu học với 65 lớp
Có 9 trường sơ cấp với 26 lớp
Số giáo viên: 92
Số học sinh: 3919

Trường chuyên nghiệp
Chỉ có một trường là La San với 4 lớp, 13 giáo sư và 90 học sinh. Trường chuyên dạy các môn: gò, hàn, rèn, mộc và điện
Ngoài ra các trường Yersin, Petit Lycée, Couvent Des Oiseaux, Domaine De Marie, Nazareth, Franciscaines, Adam…không thuộc sự kiềm soát của học vụ

Bậc đại học có Viện Đại Học Đàlạt thành lập năm 1958 với đầy đủ các phân khoa thuộc nhân văn, khoa học, sư phạm, thần học. Đặc biệt Trường Chính Trị Kinh Doanh được mở vào năm 1964 đã thu hút nhiều ngàn sinh viên khắp Miền Nam.

img2
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn