Chốn Cũ Dấu Yêu

04 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 149510)
img1

Chốn Cũ Dấu Yêu 
Linh Phương 

 Bao nhiêu năm lưu lạc nơi xứ người, xa rời thành phố Dalat được nghe lại câu thơ hay bài hát cũ cũng đủ gieo vào hồn tôi những hình ảnh đẹp tuyệt vời của một thành phố có rừng thông suối ngàn bát ngát hương hoa với những buổi sáng mù sương cảnh vật chìm trong tỉnh mịch, hoàng hôn buông rủ bên hồ Xuân Hương thật thơ mộng. Lời của bài hát: “Ai lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa, cho tôi bớt mơ mộng chiều chiều nhìn mây trôi xa xa” của nhạc sĩ Hoàng Nguyên vào thập niên 60 đến bây giờ vẫn còn gợi trong tôi những ấn tượng khó quên. Bên này cách xa nửavòng trái đất, nghìn trùng xa cách nhưng kỷ niệm vẫn mãi khắc trong tâm khảm.Từ thờithơ ấu cho đến khi trưởng thành, Dalat quá quen thuộc với tôi. Thành phố bé tí và hiền hoà đã đi vào đời con bé khi còn lên năm lên sáu, ghi đậm nét trong ký ức một cảnh thần tiên, kỳ ảo. Dalat ngày xưa đẹp như một bức tranh, mà họa sĩ đã ghi trên nền lụa,bằng những màu sắc linh động, có hoa Anh Đào khoe sắc thắm, có đồi thông và bãi cỏ non xanh tận chân trời, và giờ đây tôi cứ ngỡ chỉ có trong chuyện cổ tích mà cô giáo đã kể.

Tôi tìm về thăm nơi chốn cũ sau mười năm xa cách. Khi chiếc xe đưa mình về lại chốn cũ, băng ngang qua Định Quán lòng tôi nôn nao và xao xuyến quá đỗi, mong sao cho chóng hết những đoạn đèo ngoằn ngoèo cao vời vợi để nhìn thấy bóng hình dấu yêu của Đalat thuở nào. Gió mang lại hương thơm của núi rừng, cái nóng hâm hấp khó chịu của vùng đồng bằng bỗng chuyển sang dịu mát se lạnh, các cửa xe đã được kéo xuống thấp để đón mời chúng tôi cùng khách phương xa tận hưởng hít thở không khí trong lành, tôi cảm nhận được mùi gỗ thông thoang thoảng lướt qua, là mùi quyến rũ của Dalat mà không nơi nào có được. Xe từ từ vào thành phố, những đổi thay đã làm tôi thấy bỡ ngỡ và xa lạ, cảnh cũ giờ đây không còn nữa. Mang trong lòng nỗi tiếc nuối khôn nguôi và chán chường khó tả. Những hàng cây hoa Anh Đào hai bên lề đường đã bị phá bỏ. Những căn nhà mọc chen chúc không thứ tự, nằm cạnh sườn đồi, những mái ngói đỏ rực xây cao vót theo lối kiến trúc “tự phát”ngày nay tạo nên bộ mặt mới lạ hoàn toàn. Dalat của tôi không thể như thế! Ước gì nó mãi mang một vẻ huyền diệu,đơn sơ của những năm tháng xưa cũ mà mình vẫn nâng niu yêu quý. Đối với tôi Dalat giờ đây chẳng còn gì thu hút và hấp dẫn, hay là mình còn mang theo cái chủ thuyế thoài cổ, và thầm tiếc: “phải chi nó đừng như thế này nhỉ”. Chiếc xe dừng trước ngõ, con đường Hai Bà Trưng giờ đang sửa sang tu bổ nên gập ghềnh và bụi bặm. Đây rồi! căn nhà nhỏ mà tôi đã sống, nó vẫn im lìm cùng thời gian năm tháng, giếng nước trước sân nhà phủ một lớp rêu xanh và vẫn còn đó cây mận đang trổ bông lung lay trước gió.Tim tôi đang xúc động vì qúa bồi hồi, nỗi vui buồn lẫn lộn, hòa với tiếng chào mừng xôn xao cuống quýt của những người ra đón. Tôi nghẹn ngào không thốt được nên lời khi thấy bóng cha già giờ mái tóc bạc phơ, tay chân gân guốc và khô cằn, chạy đến ôm hôn người mà nước mắt chảy dài. Trải qua một đêm không đầy giấc vì mãi chuyện trò hàn huyên với người thân, sáng thức dậy muộn màng, muốn tận hưởng hơi ấm trong chăn, nằm để nghe tiếng mưa rì rào đổ trên mái ngói và gõ nhịp đều đặn vào khung cửa sổ. Gịong hát êm đềm của Vũ Khanh từ phòng bên vọng sang : “ Tung cánh chim tìm về tổ ấm, nơi sống bao ngày giờ đầm ấm”. Bài hát hay và hợp với tâm trạng của tôi. Công việc đầu tiên là leo lên thăm căn gác nhỏ ấm cúng của hai chị em tôi với biết bao kỷ niệm buồn vui trong đời.

Khung cửa sổ hẹp hình vòng cung này tôi như mơ hồ thấy bóng dáng con nhỏ bạn cùng lớp, ngủ cùng phòng là Nguyệt có đôi mắt tròn to và đẹp đang ngồi rủ tóc mơ màng, gục bên trang giấy trắng viết thư cho người hùng Võ Bị sắp rời xa mái trường mẹ để lên đường chiến đấu. Rồi tôi cũng nhớ có những đêm trăng sáng hai đứa ngồi ôn bài, bất chợt nhìn thấy mấy anh chàng THĐ bên kia đường đang dõi mắt lên căn gác nhỏ huýt sáo chuyện trò trong bóng tối, ánh sáng lập loè của những điếu thuốc vụt sáng tỏa dưới hàng rào bông bụp, làm hai con bé phân tâm học không vô được chữ nào. Căn phòng giữa trên gác ba tôi làm nơi thờ phụng tổ tiên, căn cuối là giang sơn của anh Hai, lúc nào cũng vang tiếng nói cười, lên xuống rộn ràng với đám bạn đến nhà ôn thi Tú Tài 1. Tôi nhớ rất rõ trong đám có anh Trần Văn Hợp ở ấp Hà Đông cao lêu nghêu và hiền lành, đã gởi mình nơi rừng núi Vĩnh Phú. Anh Cát “Ga xe lửa” thì mập tròn, Phát người Bắc Kỳ, Lạc ở Trại Mát, anh Cừ Hoàng Diệu đi Hướng Đạo rất vui tính, nay đã ra người thiên cổ . Và còn nữa, trong đó có một anh học trò thành thị luôn ăn mặc chải chuốt, áo quần thẳng nếp, gọn gàng bảnh bao và hơi điển trai mà tôi ghét nhất, các bạn đoán ra ai không? Chính là ông xã của tôi đấy! Năm ấy tôi còn ngồi lớp đệ thất, còn bé tí nên hay theo anh nũng nịu để đòi đưa đi ăn tối ở đình làng nơi xóm đường trên mỗi khi có gánh hát cải lương về diễn. Kỷ niệm gom đầy trong tiềm thức tôi không bao giờ quên. Căn dưới nhà mợ tôi buôn bán tạp hóa, thật khổ cho tôi vì ngoài giờ học phải phụ đứng bán hàng, mấy anh chàng sinh viên trọ học và học sinh bên trường THĐ cứ tìm cách xuống mua thuốc lá, giấy bút… để chuyện trò vu vơ, đôi khi tôi còn nhận những lá thư viết nắn nót làm quen kẹp trong tập sách học trò.Tôi còn nhớ hai chị Thạch và Quyến từ Tùng Nghĩa cùng gia đình đến ở thuê căn nhà cuối, giữa chúng tôi có nhiều kỷ niệm khó quên và về sau vì hoàn cảnh các chị phải chuyển lên Ban Mê Thuột. Tôi cũng nhớ hình bóng thân thương của mấy đứa bạn cùng lớp, Xuân Thu, N.Cầm, H.Lang, Liên ... hay keó đến nhà tôi gần chùa Linh Quang vào những giờ nghỉ học, sau khi vào nhà cất cặp vở vào một góc, lấy một chén muối ớt trong bếp, cột túm áo dài, bỏ guốc leo lên hai cây ổi trước sân nhà hái xuống ăn thật ngon lành. Tôi mang một hoài bão sẽ có một ngày gom nhặt, chắc chiu từng kỷ niệm hình bóng để viết một hồi ký về chốn cũ dấu yêu, nơi đã in dấu trong tim, nhiều lắm những nhớ thương, này là con phố nhỏ, nghĩa trang buồn, đồi Cù bên Hồ Xuân Hương, con dốc chùa Linh Sơn, khu Domain De Marie và cả ngôi trường Bùi Thị Xuân yêu mến. Trước ngày từ biệt để trở về laị Mỹ, tôi lên thăm lại trường xưa, nhìn chiếc cổng trường lòng buồn không sao tả nỗi. Chính nơi đây đã một thời cho tôi nhiều kỷ niệm. Mỗi buổi tan trường con bé ôm cặp chờ ba chạy xe gắn máy đến đón với gương mặt lúc nào cũng vồn vã tươi vui mặc dù ông luôn bận rộn. Tôi tìm kiếm trên tầng lầu, cái lớp học ngày xa xưa ấy bây giờ đang im lìm lạnh lẽo đìu hiu vì học sinh đang nghĩ hè. Tôi chỉ muốn một mình ngồi đây để thả hồn về dĩ vãng để nhớ từng khuôn mặt bạn bè thầy cô giảng dạy cho mình từ khi mới vào Đệ Thất, có bà hiệu trưởng Nguyễn Văn-Đãi rất nghiêm nghị và quý phái, bà giám thị làm lũ con gái sợ vô cùng, nhớ nhất là những năm Đệ Tứ, Đệ Tam “niên học 64-65” giáo sư phụ trách là cô Thanh Lam, dễ thương và hiền, giờ học Anh văn cô Thu Tâm vui nhộn hẳn lên . Các cô giáo người Huế trẻ đẹp và hiền lành làm tôi thương nhớ mãi. Tôi thấy đâu đây bóng dáng dịu dàng của cô Cẩm Anh đang đứng trên bục gỗ giảng thơ bà Huyện Thanh Quan: “Bước tới đèo Ngang bóng xế tà. Cỏ cây chen đá lá chen hoa...”. Cô là người Bắc, giọng nói ngọt ngào và truyền cảm đến giờ tôi vẫn không quên. Khi nhắc đến cô Cẩm Qùy chắc các bạn sẽ không bao giờ quên, cô phụ trách môn hội họa vào các năm đệ ngũ và đệ tứ, cô dễ dãi và rất có duyên, tôi mê môn này mặc dù tôi không có năng khiếu. Tôi thích nhất là đề tài cô cho đem về nhà vẽ tự do, được dịp cầu cứu anh Nh. vẽ dùm.

Tôi cũng tìm thấy những tà aó dài trắng với áo len xanh đang tung tăng trước sân trường, quấn quít cười đùa dưới những hàng cây xanh che bóng mát, trong đó đã có bạn bè cùng lớp như H.Tuyết , K.Đính, Thành, Hợi, Huế, Thuận, Hoà, Xuân, Nguyệt, Ký, Thu, Lâm Tuyết, Ngọc Mai v.v . Tôi nhớ hết từng khuôn mặt và tên của từng bạn nhưng không sao kể cho hết. Kỷ niệm còn giữ mãi trong ta nhưng bạn mình thì mỗi đứa mỗi ngã.Thời gian như một con sông mà đời người là con thuyền trôi lững lờ theo dòng nước, rồi đổ ra cửa biển, đại dương bao la nào ai biết đâu là bờ bến. Trong đám bạn tôi có người đi trước kẻ sau như Phan Thi Mai đã bỏ mình trong lần vượt biển, Phạm T. Lợi, N. Cầm cũng đã nằm xuống vĩnh viễn. Bạn bè trôi dạt bốn phương trời, về chốn cũ chỉ thấy vỏn vẹn dăm ba đứa, lần lượt đi thăm Ngọc Huyền, T.Lang, Liên, Bạch Tuyết. Gặp nhau vui mừng. Bỗng dưng mắt tôi mờ đi khi thấy thấp thoáng trước mắt hình ảnh của Nguyễn thị L. là người bạn học chung lớp cùng ngồi ở dãy bàn đầu. Tôi không thể nào quên được cảnh sau 75 khi miền Nam bị mất vào tay CS, xã hội đổi thay, L. bị bệnh tâm thần, lang thang bến xe với vóc dáng xanh xao tiều tụy, ôm thùng cà rem đi bán dưới trời mưa phùn lạnh giá của trời Đalat vào Thu. Có những người bạn rời trường ra đi biền biệt chẳng biết ở phương nào. Rồi bỗng một hôm tôi lang thang ra phố gặp một khuôn mặt rất quen đã hơn 30 năm không thấy bóng dáng, người con gái Huế với mái tóc thề, có cuộc sống lặng lẽ và khép kín, ít thấy nụ cười trên khuôn mặt chị, tôi mừng quá vồn vã hỏi thăm, nhà chị ở ngả tư nơi có quán bún bò Huế - Nguyễn Th. Th. học cùng lớp nhưng lớn tuổi hơn nên xưng hô là chị, rất ngại ngùng khi tiếp chuyện vì biết tôi bên Mỹ về thăm nhà. Hỏi ra tôi thật ngỡ ngàng vì chị và tôi giờ đây hai hoàn cảnh khác biệt, chị với tôi không cùng chung chính kiến, chị là người của chính quyền CS với chưc vụ cao, có nhà to cửa lớn, đi làm có xe đưa đón tận ngõ. Tôi và chị đã có hai con đường cách biệt.Chúng tôi phải quay lưng bỏ chạy vì sợ hãi chế độ đã ngược đãi mình vì chồng tôi bị giam cầm trong trại đến 7 năm. Ai có ngờ đâu dòng đời đổi thay, người bạn rất thân thiết đã từng ngủ chung giường, ăn cùng mâm khi hai đứa cùng học chung suốt bốn năm dài. Tôi bước đi, mang trong lòng nỗi xót xa, thương cho chị thật tình… Tôi quay về Saigon tìm thăm nhóm bạn học với Nguyệt, Ký Con, Thu, Lâm Tuyết. Những khuôn mặt cũ giờ đây theo dòng thời gian năm tháng tóc đã bạc màu nhưng khi nhận ra nhau vẫn còn thân thiết như ngày nào. Năm mươi năm trôi qua như một giấc mộng, phải không các bạn? Đã có biết bao mất mát, bao nhiêu đổi thay, nhưng chắc chắn có một điều không bao giờ mất và cũng không đổi thay đó là tình bạn thân thương từ những ngày cùng học chung dưới mái trường B.

Và cuối cùng hôm nay, lớp chúng tôi đã liên lạc nhau nhờ có H.Tuyết và Thành
đã tìm kiếm các bạn trên mạng internet, cho nhau email để tâm sự kể lại những
 kỷ niệm thời còn cắp sách học chung dưới mái trường xưa. Chúng tôi giờ đây đã
có thêm bạn là K.Anh chung group rất thân thiết và dễ thương. Lũ chúng tôi mong đợi
đến ngày Đại Hội BTX-THĐ vào tháng 5/2012 sẽ có dịp tái ngộ cùng bạn học cũ và
 thăm các thầy cô sau nửa thế kỷ chưa lần gặp mặt.

Lynh Phương

img2

Lớp Đệ Tam trong một buổi Picnic: Hàng ngồi từ trái: Mai - ? – Châu – Ngô Thị Vy Kỳ - Thảo – Thuận. Hàng đứng: Kim Đính – Thái Thị Yến – Lê Thị Thành – Phạm Thị Lợi – Cô Thanh Lam – Hùynh Thị Tuyết – Tôn Nữ Hoàng Lan – Trần Thị Lang - ? – Bùi Thị Nguyệt – Phan Thị Tuyết. Phía sau: Ngô Thị Lý – Hoàng Thị Xuân – Cô Thu Tâm – Thanh Dung.

Đố Dzui Để Chọc

Xin quý độc giả mở trang đặc san có tựa đề “Hạnh Phúc Khung Trời Đalạt”
để xem hình ảnh của những “Đôi Uyên Ưởng” xứ “Hoa Anh Đào” và trả lời 4 câu hỏi sau đây:
 1. Xin kể tên của ba anh em ruột có vợ là học trò BTX, HOẶC ba chị em ruột
có chồng là học trò Trần Hưng Đạo (kể cả trường Phương Mai, Bảo Long và Quang Trung)
 2. Trong số những “Cặp BTX-THĐ”, có mấy “Cặp” cùng học trường Phương Mai
 3. “Cặp”nào nhỏ tuổi nhất ? (Tuổi thật chứ không phải tuổi trong ảnh)
 4. Có bao nhiêu người trả lời đúng 3 câu ‘Đố Dzui Để Chọc”
 (Cho phép sai số 10 người)
 a/ Những ‘Cặp” có hình trong ĐS không được dự thi 
 b/ Hạn chót trả lời dự thi là ngày 30 tháng 6 – 2012 
 c/ Các câu trả lời xin gửi về Ban Báo Chí ở chaulangbian@yahoo.com 
 d/ Năm (5) người trả lời đúng nhất và sớm nhất sẽ nhận được quà kỷ niệm của Ban Báo Chí.
**** Năm 2010 có 5 người trả lời đúng mục này.

img3 Grenouillère

Chỗ xưa em ngồi chờ ta
Lung linh con nước bóng tà dương xanh
Áo dài đôi vạt mong manh
Ta đong đưa thấy yến oanh bên đời
Tuổi hồng còn mãi rong chơi
Lạnh câm bàn ghế rã rời đợi mong
Hôn em khói thuốc hôi nồng
Cà phê giọt đắng cũng bồng bềnh trôi
Cỏ vẫn xanh bên kia đồi
Ta hôn mê nuốt những lời liêu trai
Em về tóc lượt quên cài
Để ta ngơ ngẩn dặm bài tình xa
Saint Benoit

Em đi về Saint Benoit
Dưới chân em bỗng cỏ hoa rủ sầu
Giọt mưa rơi mưa rơi mau
Đôi hàng thông cũng nát nhàu tương tư
Mắt em ai vẻ nhân từ
Nụ cười Di Lạc có từ thuở nao
Anh vô thường dưới trăng sao
Dấu chân Từ Thức lối nao tìm về
Guốc-vông-sách-vở- tóc- thề
Em qua lối thấp cận kề hư vô
Theo em nhịp gõ chân hờ
Nghe trong tuổi đá cũng mờ vàng phai


Phong Châu
img4
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn