Chương Trình Trung Học Tại Đà Lạt

04 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 143010)
CHƯƠNG TRÌNH TRUNG HỌC VIỆT NAM

TẠI ĐÀ LẠT
Nguyễn Trọng

 Để tìm hiểu quá trình hình thành trường Nữ Trung Học Bùi Thị Xuân, chúng ta cần đi ngược dòng thời gian để xem chương trình giáo dục Việt Nam ở Đà Lạt bắt đầu từ năm nào, do ai vận động và ai là giáo sư đầu tiên của chương trình này.
Bắt đầu là niên học 1952-1953, khi đất nước chưa bị chia đôi bởi hiệp định Genève (20-7-1954),thành phố Đà Lạt thuộc Hoàng Triều Cương Thổ, tức Cao Nguyên Trung Phần, đặt dưới quyền cai trị trực tiếp của Quốc Trưởng Bảo Đại, nhưng thị trưởng Đà Lạt là một viên chức người Pháp. Du khách muốn tới thăm Đà Lạt vào thời đó phải có giấy thông hành đặc biệt của nhà chức trách địa phương.

Vào thời đó, nền giáo dục ở Đà Lạt chỉ có chương trình Pháp với hai trường trung học nổi tiếng là Lycée Yersin gồm cả nam lẫn nữ, và nữ trung học Couvent Des Oiseaux do các nữ tu Công giáo điều khiển. Học sinh hai trường này đều là con nhà khá giả ở ngay địa phương và từ nhiều nơi khác tới. Đà Lạt hồi đó còn được mệnh danh là một Paris ở Việt Nam.

Chính nhờ sự vận động của hội Phụ Huynh Học Sinh Việt Nam ở Hoàng Triều Cương Thổ mà chương trình Trung Học Việt Nam được thành lập tại Đà Lạt. Người có công nhất trong việc này là Cụ Trần Văn Khắc, người sáng lập Phong Trào Hướng Đạo Việt Nam năm 1930 mà tên tuổi đã gắn liền với lịch sử của Hướng Đạo Việt Nam. Cụ là thân sinh của Giáo sư Trần Phương Thu, hiệu trưởng Nữ Trung Học Bùi Thị Xuân sau này. Giáo sư Phương Thu cũng đã từng là một trong những học sinh đầu tiên của trường Trung Học Việt Nam ở Đà Lạt được thành lập từ năm 1952.

Tôi hân hạnh được là vị giáo sư đầu tiên của chương trình trung học Việt Nam ở Đà Lạt vào năm 1952. Lúc đó tôi đương học Luật ở Hà Nội thì được một viên chức cao cấp ở văn phòng Quốc Trưởng ngỏ ý mời vào Đà Lạt để thiết lập chương trình trung học Việt Nam ở đất Hoàng Triều Cương Thổ.

Trường Trung Học Việt Nam đầu tiên này chỉ có một lớp Đệ Thất và chỉ có một mình tôi là giáo sư dãy đủ các môn. Trường chưa có cơ sở riêng biệt nên được học nhờ ở trường tiểu học Phan Chu Trinh thuộc ấp Tây Hồ, gần khu St. Benoit. Vì vậy người ta mới gọi trường này là trường Trung Học Việt Nam để phân biệt với trường Trung Học Pháp Yersin. Có người còn gọi nó là trường Trung Học Tây Hồ.

Có cái trớ trêu là ông Giám Đốc Học Chánh Hoàng Triều Cương Thổ là một người Pháp nên khi tới “thanh tra” trường, ông có yêu cầu tôi giảng bài bằng tiếng Pháp để ông có thể theo dõi. Tôi đã thẳng thắn từ chối mặc dù tôi có đủ khả năng để làm điều này.Tôi đã trả lời vì đây là trường Trung Học Việt Nam nên tôi không thấy có lý do chánh đáng nào để phải giảng bài bằng tiếng Pháp. Ông Thanh Tra người Pháp đã phải nhượng bộ.

Đó là niên khóa đầu tiên 1952-1953, trường chỉ có một lớp và một thầy. Nhiều khi tôi đã “ngang nhiên” cho học sinh giải tán sớm để thầy trò đi thăm những thắng cảnh của Đà Lạt, lấy cớ là vừa đi vừa dạy học theo kiểu…đức Khổng Tử dậy môn sinh ngày xưa.

Qua niên khóa 1953-1954, trường dọn tạm lên học nhờ trường tiểu học Đoàn Thị Điểm nằm ở ngay trung tâm thành phố Đà Lạt. Lúc bấy giờ trường có ba lớp, một lớp đệ lục và hai lớp đệ thất. Trường có thêm hai nữ giáo sư là bà Nguyễn Khoa Diệu Liễu (phu nhân ông Nguyễn Văn Đãi) và cô Đỗ Hoàng Hoa còn độc thân dù đã đứng tuổi.

Bà Nguyễn Văn Đãi là Hiệu Trưởng chính thức đầu tiên của trường Trung Học Việt Nam, mới được đặt tên là Trung Học Phương Mai, tên của một Công Chúa, con Quốc Trưởng Bảo Đại. Trường sở lúc đó đang còn được xây dở dang ở khu gần Đồi Cù với tòa nhà hai từng gồm mười phòng học và một nhà chơi có mái mà tiếng Pháp gọi là préau. Préau này được dùng làm nơi sinh hoạt văn nghệ, đôi khi trở thành sân khấu với những buổi trình diễn khá thành công. Thời gian này tôi trở thành Trưởng ban Văn nghệ của trường.

Ông Nguyễn Văn Đãi khi ấy đang theo học trường Quốc Gia Hành Chánh ở Đà Lạt mà trụ sở là trường Hiến Binh Pháp ở phía bên kia trường Phương Mai. Sau này, khoảng giữa thập niên 60, ông trở thành Đại Biểu Chính Phủ tại Trung Phần Việt Nam với văn phòng đặt tại cố
đô Huế.

Sau hiệp định Genève tháng 7-1954 rất nhiều người dân được di cư vào Nam và định cư ở Đà Lạt. Số học sinh của trường do đó cũng gia tăng và trường phải mở thêm các lớp đệ ngũ và đệ tứ trong niên khóa 1954-1955. Một vị hiệu trưởng mới được bổ nhiệm là Cụ Phạm Văn Nam, một nhà giáo dục nổi tiếng ở miền Bắc, nguyên hiệu trường Trung Học Chu Văn An, nguyên giám đốc Nha Học Chính Bắc Việt. Giai đọan này tôi trở thành Hiệu Đoàn Trưởng cho tới năm 1957; sau đó tôi chuyển sang ngành báo chí rồi ngoại giao và đi phục vụ ở ngoại quốc.

Sau cuộc Trưng Cầu Dân Ý vào tháng 10 năm 1955 do chính phủ Ngô Đình Diệm tổ chức, Quốc Trưởng Bảo Đại bị truất phế. Trường Phương Mai được đổi tên thành Trung Học Quang Trung cho đến hết niên khóa 1956- 1957. Niên khóa sau trường được đổi tên là Bùi Thị Xuân, dành riêng cho nữ sinh.

Khi nói tới chương trình giáo dục Việt Nam ở Đà Lạt, người ta thường nói tới trường Trung học Quang Trung sau năm 1954, ít ai còn nhắc tới trường Trung học Tây Hồ hay Phương Mai thời trước đó.

Tưởng cũng cần nhắc thêm đến một trường trung học dành cho nam sinh ở khu hồ Vạn Kiếp là trường Bảo Long, tên Thái Tử con vua Bảo Đại, mà sau được đổi thành trường Trung Học Trần Hưng Đạo. Giữa hai trường trung học này có nhiều liên hệ về học vấn, bạn bè. Danh xưng QuangTrung, Bùi Thị Xuân, Trần Hưng Đạo được dùng để chỉ chung học sinh các trường công lập ở Đà Lạt trước năm 1975 mà tinh thần ái hữu vẫn còn thắm thiết cho đến tận ngày nay ở hải ngoại.

Cách nay 4 năm, tôi có về Đà Lạt thăm lại ngôi trường cũ Quang Trung, Bùi Thị Xuân mà bây giờ đã là trường hỗn hợp nam nữ. Các nữ sinh trường này mà tôi gặp trên đường đi học vẫn hồn nhiên, xinh xắn và dễ thương như thế hệ đàn chị của họ hơn 50 năm trước. Thời gian qua thật mau nhưng kỷ niệm vẫn còn tồn tại mãi.

Nguyễn Trọng

Đôi Dòng Về Giáo Sư Nguyễn Trọng

- Sinh năm 1926 tại vùng Tiền Hải, huyện Kim Sơn, tỉnh Phát Diệm. Vùng đất này do đại thi hào Nguyễn Công Trứ khai lập vào năm 1829.
- Học trung học Thanh Hóa cùng với cố Linh Mục Giáo Sư Thanh Lãng, nhà văn Phạm Việt Tuyền và giáo sư Rock Cường dạy Pháp văn tại các trường trung học ở Sàigòn.
- Đang học đại học Luật Khoa Hà Nội thì được tuyển vào Đà lạt để sáng lập Chương Trình Trung Học Việt Nam.
- Giáo sư các trường trung học Phương Mai, Quang Trung và Bùi Thị Xuân Đà Lạt (1952-1956).
- Giáo sư kiêm Hiệu đoàn trưởng trường trung học Hồ Ngọc Cẩn. Giáo sư các trường tư thục tại Sàigòn. Ký giả nhật báo Ngôn Luận và tạp chí Văn Nghệ Tiền Phong (1956-1969)
- Chủ tịch sáng lập Nghiệp Đoàn Ký Giả Việt Nam (1966)
- Thông tín viên Thông Tấn Xã Việt Nam tại Singapour, Mã Lai và Indonesia (1969-1972). Đại diện chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tại Indonesia khi ngoại giao hai nước chưa có đại sứ.
- Thông tín viên đài BBC và hãng thông tấn Reuters ở Sàigòn (1972-1975)
- Đang cộng tác với bán nguyệt san Văn Nghệ Tiền Phong – đặc trách về văn hóa, tôn giáo và du lịch.
img1 Giáo sư Nguyễn Trọng
và học trò Đào Văn Thương & Hoàng Kim Châu
Giáo sư Nguyễn Trọng trước cổng trường xưa img2
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn