Những Quả Xoài Xanh

04 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 153028)

NHỮNG QUẢ XOÀI XANH

Truyện Của Nguyễn

“ Xin gửi đến những người làm nghề giáo trước kia, nay được lưu dung cho đứng lớp…Chúng ta đã đi qua những tháng ngày đáng nhớ: Dalat đã có những ngày đáng nhớ…”

 1.
 Cô giáo đến nhận nhiệm sở trường X Dalat năm 1965. Cô giáo văn chương ngẩn ngơ và ngây ngất trước một Đalat đẹp tinh khiết, trước hàng ngàn tà áo dài xanh xen lẫn trong sương mù đỉnh dốc như thực,như ảo… Rồi mùa Noel 65 với bài nói chuyện: “ Tuổi trẻ và tình yêu” trong căn nhà trú mưa của trường nữ trung học, hàng ngàn các cô nữ sinh lớp lớn, lớp nhỏ lặng như tờ nghe cô giáo say sưa thuyết giảng.Cô giáo giảng văn cho học sinh cấp III với Đoạn Trường Tân-Thanh, Cung Oán Ngâm Khúc, Hoa Tiên… làm say mê bao nữ sinh.Lần đầu tiên, những tâm hồn trong trắng đó chạm vào thế giới ảo diệu của văn học Việt Nam. Một bạn gái nữ sinh thời 65-66 nói với tôi: “Cả lớp nín thở khi nghe cô giảng Cung Oán Ngâm Khúc”. Sau này, khi tôi có dịp đi thăm cố cung Huế, tôi mới hiểu do đâu Cô giáo giảng Cung Oán Ngâm Khúc hay đến như vậy. Giảng hay đến nỗi, những người học trò ngày ấy, đến nay đã trên tuổi 60 vẫn còn như ngất ngây khi nói về cô giáo của mình. Xem cố cung Huế hoang phế, mốc meo lạnh tanh trong chiều tím như thấp thoáng có bước đi của lắm oan hồn, mới mơ hồ nghe được nhịp con tim thổn thức của nàng cung nữ ngóng đợi quân ân. Cảnh nào tuyệt vọng trong cô đơn hơn khi cung nữ hằng đêm thấp thỏm mong chờ, chợt có làn gió thoảng qua mành trúc, nghe như tiếng người đi đến, nàng vội vàng trở dậy: “… dốc bình phấn mốc, tô làn má rêu!” Ôi, ước mơ tàn lụi của tuổi xanh giam mình trong cung cấm vàng son! Tôi tưởng tượng như hàng ngàn cô gái Huế đều mang trong tâm hồn mình nổi sầu âm-u đó. Nhìn cô giáo dạy văn hao hao gầy, tôi lại mường tượng chất giọng đó rung lên theo nhịp kinh-cầu của nàng cung nữ ngày nào. Tôi lại thấy cô giáo, khi giảng ngâm khúc này, sầu dâng lên ngấn lệ,cô thương cảm cho thân phận của nữ nhi người-trăm-năm cũ.Và như thế đó; cô giáo văn ngày ấy như có ma thuật dẫn dắt bao cô nữ sinh khóc cười cùng nhân vật văn chương. Những cô gái ngày ấy, nơi đâu đó,nay có ru con mình bằng ước mơ: “Câu cẩm tú đàn anh họ Lý, nét đan-thanh bậc chị chàng Vương”; nơi đâu đó có còn ai khi ngóng trông chàng , vội oán trách: “ Giết nhau bằng cái u sầu, độc chưa ?”
 Ngày ấy tôi cũng dạy văn, cũng dạy Cung Oán, Kim Vân Kiều, Hoa Tiên cho học sinh trung học Văn-học, Việt Anh… cho sinh viên trường Võ Bị Dalat, nhưng tôi tin chắc không có thầy giáo nào dạy Cung Oán hay hơn các cô giáo mẫn-cảm dạy văn. Bởi rằng chỉ có người đàn bà mới cảm thông và khắc sâu trong tâm-khảm nỗi cô-đơn, tuyệt vọng của người đàn bà; và chỉ có người đàn bà mới cảm nhận được cái xót xa tận mức của cô đơn!
 Bởi vậy, tôi tin cô giáo đã thành công khi chuyển tải hết những cảm xúc văn chương đến cho các nữ sinh của mình…
 Người như thế đó mà không còn được cầm phấn lên lớp giảng văn chương nữa! Bao năm rồi cô không còn dạy văn, cô xa rời thành phố Dalat, nơi chốn bao năm Cô cùng học trò mình thả thuyền mơ chơi vơi cùng bao thế hệ áo dài xanh bơi trong mênh mông văn chương. Giờ đây, hàng ngày, hàng tháng đã hơn hai mươi năm rồi,giữa phố xá Sài Gòn ồn ào – Cô chẳng thấy,chẳng nghe gì chung quanh, ngoài những ngày xưa ấy, Cô như vang vang nghe tiếng cười trong xanh rộn rã ở sân trường, như nghe tiếng kẻng giờ ra chơi… thế giới ấy vẫn còn bên cô, vẫn theo hàng ngàn tà áo xanh đi khắp nẻo đời…
 Kiều nương xưa ! Nàng cung nữ sầu! Nay đâu ?... tiếng đàn bầu buồn u uất, tiếng tì bà lơi theo nhịp phách ở bến Tầm- Dương; ca- dao lục bát, điệu lý đò ngang… tất cả đã cùng các em đi đến những nơi đâu? Cô giáo dạy văn như người lái đò chiều hôm, gác mái chèo nhìn qua bờ bến bên kia, đã bao khách thương hồ nhẹ gót lan toả khắp nơi, chỉ còn mỗi một mình người lái đò đang ru hoàng hôn đời mình dần dần vào giấc ngàn thu… 

 2.
 Cô giáo dạy văn mang những cảm xúc văn chương như định mệnh ấy đi vào đời – cảm xúc như những dây đàn căng trước gió mưa của cuộc sống, cảm xúc nhân- sinh trong giai đoạn này, trước muôn ngàn oan trái, chứng kiến bao nỗi đau thương, bao khuôn mặt ẩn nhẫn cúi đầu câm nín …
 Sau mùa hè đỏ lửa 72, sau những sắp xếp nỗi chìm của các phe phái, sau các màn kịch cắm cờ, giành dân lấn đất … những ngôi trường nơi thành phố ấy, thầy cô giáo và đám trẻ ngơ ngác trước thời cuộc xoay chuyển từng ngày. Mỗi sáng mai thức dậy là một loạt tin tức thực thực hư hư về chiến sự bày ra trên mặt báo được xe Minh Trung đưa lên; xen lẫn vào đó đám người mê kiếm hiệp, quên đời, ngóng chờ tờ Minh Báo Hồng Kông ngày hôm qua xem Lệnh Hồ Ca Ca đã đi đến đâu ? Bao tin tức chiến sự xấu đi, sau mỗi đêm hỏa châu rập rờn cùng tiếng ì ầm đạn pháo.Trong lớp học lại có vài em vội vã nghỉ học; có em gái rấm rức khóc vì hay tin ở ngoài quê có người thân chết trong bom đạn; có em nữ sinh lớp lớn mắt hoe đỏ vì hay tin người yêu đã nằm yên ngoài chiến trận… Cô giáo thảng thốt đón nhận, lắng nghe và lo lắng nhìn đàn em áo xanh quay quần ngóng đợi…
 Và rồi, trước ngày hè 73, trường tiểu học An Hữu và Song Phú ở Cai Lậy, Cái Bè trong giờ các em đang ra chơi thì những quả pháo 122 ly trong rừng pháo ra rơi lạc xuống sân trường. Nghe đâu, buổi sáng định mệnh tang thương ấy, mấy mươi em gái trai tan xác… Thời chinh chiến, hàng ngày, nơi đây nơi đó, những cái chết oan trái đã thành bình thường. Nhưng ở đây, lúc bấy giờ, trước đàn trẻ thơ vô tội thì những xác chết oan nghiệt kia là vũ khí sắc bén để hạch tội kẻ thù. Nhiều tờ báo chạy tít lớn, nhiều phóng sự và hình ảnh đưa ra những khía cạnh gây xúc động lòng người. Ai cũng nghẹn ngào khi nhìn cảnh tượng mấy em gái nhỏ đang đánh đáo, kéo dây trong giờ chơi nay tan tác máu xương… nhất là hình ảnh ba em gái gục chết bên tường rào sân trường trên tay còn nắm chặt quả xoài xanh cắn dở dang và gói muối ớt đỏ thẫm còn vung vải hòa lẫn trong vũng máu!! …
 Sau đó, chính quyền miền Nam dùng các cuộc mít-tinh phản đối, đả đảo để làm vũ khí tuyên truyền. Sở giáo dục tỉnh thành nào cũng rầm rộ tổ chức mít-tinh… mọi phương tiện đều dùng để lên án “phía bên kia”. Trong khi ở các vùng quê thì cùng nhau giành dân, lấn đất, đêm cắm cờ mặt trận, ngày nhổ đi thay vào cờ vàng sọc đỏ… Chẳng có ngôn từ nào nói cho hết cái thời người ta đem sự sống còn của cả một dân tộc vào một trò cá cược lạ lùng !!
 Định mệnh lại một lần nữa đưa đẩy cô giáo chúng ta! Chính quyền thành phố Dalat lúc bấy giờ cũng tổ chức mít-tinh ở sân vận động cạnh hồ Xuân Hương, cô giáo dạy văn lại được trường giao đọc cảm tưởng trước mấy ngàn học sinh các trường trung học trong thành phố. Buổi mai hôm ấy, trời âm u buồn, bão tố ở nơi nào đó trên biển đông, Dalat cũng chia sẻ một phần ủ rủ. Trời như xuống thấp hơn, mây và sương oằn xuống trong từng cơn gió quái tê cóng lạnh. Hàng ngàn em học sinh trai gái lặng lẽ nghe những bài diễn văn hô hào đả đảo, dài dòng chán ngấy. Rồi khi cô giáo lên đăng đàn, cô mảnh khảnh trong chiếc áo len màu sậm và chiếc khăn quàng tím than, cô mỏng manh như một dấu chấm than giữa cuộc đau thương oan nghiệt! Cả đám học sinh áo xanh sậm của cô đứng ở giữa, cô đăm đăm nhìn xuống đám học trò thân thương của mình, hàng ngàn ánh mắt trong veo đang chờ đợi cô…
 Im phăng phắc, mây và sương như sà xuống thấp hơn, thấp hơn nữa trong giá buốt để thương cho thân phận con người trong bom đạn: “… Các em ơi! Cô cũng như các em, đã từng là là những bé gái sáng hôm ấy nhoẻn miệng cười chào cha mẹ, ông bà rồi tung tăng nhảy chân sáo đến trường. Trên đường đi, các em gái ấy líu ríu kể cho nhau nghe bao chuyện vui buồn ngớ ngẩn của tuổi mới lớn; khoe nhau trong cặp sách đang dấu cái kẹo, mấy thẻ tre, mấy viên sỏi đánh đáo… rồi có gói muối ớt, mấy trái me chua, vài quả ổi sẻ, vài trái xoài xanh… Các em ơi! Thế giới dù có bao la đến mấy, dù trăm ngàn tính toán đến đâu, thì thế giới ấy cũng không bằng một góc nhỏ trong chiếc cặp của thế giới trẻ thơ… Ngồi trong lớp học, chúng ra dấu với nhau, chúng khẽ mỉm cười trong ánh mắt bi ve, chúng chờ tiếng trống báo giờ ra chơi…
  Tiếng trống vang lên, sân trường vỡ òa trong tiếng cười nắc nẻ, chỗ này đánh nẻ, chỗ nọ kéo co, nhảy dây… Còn có mấy cô bé làm bộ già rọm tụ đầu vào nhau rù rì kể chuyện… Mươi em bé xúm xít hít hít, hà hà bên mấy trái xoài xanh, trái cốc, trái ổi, chùm ruột và một gói muối ớt, chúng nhóp nhép cười cười nói nói nước miếng chua ngọt ừng ực nuốt vội nơi mấy chiếc miệng xinh xinh…
 Các em ơi! Một tiếng nổ tai ác xé toạt không gian hạnh phúc đơn sơ của tuổi thơ! Những chiếc miệng xinh mới đó thì nay đã há hốc, tan xác, mắt vẫn còn mở choàng ngỡ ngàng nhìn lên trời xanh thăm thẳm; có em tay vẫn còn cầm chặt quả xoài xanh, quả cốc, quả ổi đang cắn dở; gói muối ớt đỏ trắng lấm tấm bắn tung nơi nào, những hạt lấm tấm đỏ trộn lẫn với dòng máu vô tội vỡ òa ra lênh láng!
 Ôi! Các em gái của cô ơi! Hãy tưởng tượng mà xem, những quả xoài xanh vẫn còn nắm chắc trong bàn tay non dại. Nào… nào trẻ thơ nào có tội tình gì cho cam !!”
 Cô không đọc nên lời, vai cô rung lên, cô òa ra khóc như một người mẹ khóc con, một người chị thất lạc em gái trong mù mịt đất trời… Cô nấc lên mấy tiếng “… nào … nào có tội tình gì …” thì vỡ òa ra, cả ngàn tiếng nấc sụt sịt của các nữ sinh các. Bọn học sinh trai thì mắt đỏ hoe, cúi đầu xấu hổ vì cố che dấu mình yếu đuối.
 Cô giáo đứng đó, nước mắt chảy dài trên má, khăn quàng màu tím than phất phơ bay trong gió lạnh. Hình tượng các em gái nhỏ vô tội chết oan khiên trong một cuộc chiến lạ lùng! Cô phát biểu không một lời trách móc ai, lên án ai, tuyên truyền cho ai… Cô phát biểu như một tiếng nấc vô vọng của những thân phận yếu đuối giữa một trận chiến tranh tàn khốc. Chỉ thế thôi! Chỉ có thế, nhưng âm vang của nó còn hơn cả ngàn lời hoan hô, đả đảo. Phải chăng, xin ai đó trả lời, chiến thắng sẽ vinh quang hơn khi chiến thắng nằm trên một núi xương khô?
 Tôi chỉ nghe kể lại cảnh tượng này và nghe nói, sau buổi lễ, cô bị ban tổ chức mít-tinh chê trách cô không lên án kẻ chủ mưu pháo kích vào trường. Cô chỉ muốn trả lời khúc ngâm Cung Oán là oán thương cho thân phận người đàn bà trong cung cấm chứ nào phải oán trách đấng quân vương bỏ mặc cho thân phận bẻ bàng? Dẫu rằng….. 

 3.
 Cơn bão dữ lùa qua, bao số phận đổi thay. Gió tạm yên dịu qua cơn sốc lớn, trên một cuộc sống lềnh bềnh xác chết và rơm rác, số phận dịch chuyển… Người ta vội chiếm cái sẽ có thể không là của mình, vội bỏ qua một bên cái chắc sẽ là của mình và như thế đó trường nam Y vào số phận cho cỏ mọc dây leo. Trường nữ X thì nay các cậu nam sinh tóc ngắn đã đan xen trong lớp áo dài xanh ngày nào – các tà áo dài óng ả được thay thế bằng các cặp áo quần “bình dân không giai cấp”. Bắt đầu một vở kịch lớn, ai ai cũng cố áo quần lùi xùi, dáng đi khúm núm… sân khấu và kịch sĩ là cả một nửa đất nước đang tập tành vào vai. Sự thật dù ở khía cạnh nào cũng trở nên khó nghe, lố bịch, chỉ có đóng-cho-tròn-vai là được xưng tụng.
 Khó khăn đấy, nhưng muốn tồn tại, phải làm quen với những nghịch lý, phải tìm cho ra quy luật của một nền văn hóa khác với mình !!
 Các thầy cô giáo ở Đalat, gốc lính thì vào trại tập trung cải tạo; một số được cho nghỉ dạy vì vốn là gốc lính nhưng đã giải ngũ, nay cho về vườn kiếm việc làm khác; một số được lưu giữ lại trường hoặc chuyển trường với hai chữ: “Giáo viên lưu dung”. Người ta xác định rõ, là lưu dung chứ không phải lưu dụng (lưu dụng là giữ lại để sử dụng; còn lưu dung là dung tha cho mà giữ lại). Có vài người đặc biệt không lưu dung mà ung dung ở lại trong vai trò lãnh đạo vì họ là người bên kia đã cài sẵn trong lòng “địch”.
 Cô giáo của chúng ta là giáo viên lưu dung, cô lủi thủi âm thầm như kẻ bên lề; lúc gió bão con gà mẹ chỉ lo xoè cánh rộng ủ các con , mắt ngơ ngác nhìn mây chì cuồn cuộn trong gió!!
 Tôi còn nhớ, sau mấy năm đi học tập cải tạo trở về, nhìn thành phố như xiêu vẹo, ngơ ngác chưa hòa nhịp được trong đời sống mới. Đâu đâu cũng rực màu cờ đỏ, cổng chào; đâu đâu cũng muôn năm và vĩ đại… Đã quen sống trong trại nhỏ có rào kẽm bao bọc, có quản giáo dắt thành hàng đi tới đi lui như bầy vịt con theo vịt mẹ; nay ra sống trong cái trại lớn, không có hàng rào mà như có ngàn ánh mắt vô hình theo dõi, như người quen trong bóng tối ra ngoài ánh sáng, tôi bỡ ngỡ, xa lạ và lo sợ… Cái cảm giác đất trời xám xịt, hoang vắng… đâu đâu cũng tiếng loa đinh tai nhức óc với thứ nhạc rầm rập áp đảo vẫn mãi còn đeo đẳng tôi trong những giấc mơ dữ nữa khuya. Tôi thảng thốt sợ hãi những ngày tháng ấy, không phải vì áo cơm mà như người hốt hoảng thấy mình mất bóng, thấy mình lừ lừ cùng mọi người, xếp hàng cuộn vào chiếc máy vô tri khổng lồ ầm ì nuốt chửng.
 Để khỏi đi kinh tế mới, một số người xin vào các tổ hợp và hợp tác xã sản xuất trong thành phố. Tôi và một số cô thầy giáo cũ xin vào hợp tác xã Z và tổ hợp M. Có lần tôi hỏi chồng cô giáo dạy văn, anh là giáo sư hóa học trên đại học rằng ở tổ hợp M có nhiều soude dư dùng, họ muốn bán, anh có làm xà phòng được không? Nếu được thì anh em mình sản xuất để cải thiện cái ăn. Anh trả lời chắc chắn làm được và thế là chúng tôi lên kế hoạch nhỏ sản xuất xà bông để cô giáo và học trò cô là vợ tôi, đem ra chợ bán lẻ mua gạo.
 Tôi đi giao hàng ở Miền Tây, mua về một can dầu dừa, một chiều tôi mua mươi ký soude, đạp xe chở qua nhà anh ở gần Trường X để xem anh tổ chức sản xuất. Tôi vốn dốt khoa học, nên cùng với con trai anh ngồi trố mắt nhìn anh pha pha, chế chế, nấu rồi khuấy… và cuối cùng một thau chất sền sệt như chè đậu nếp được anh đổ vào một khuôn bằng tôn sắt anh làm sẵn có 20 cây xà phòng dài cỡ 30 phân. Mấy chú cháu nín thở nhìn thầy phù thuỷ của giả-kim-thuật đang làm phép biến chất bột trắng trắng và dầu dừa thành bo bo, bột mì và có thể có chút thịt cá tươi !! Cháu con trai lớn của cô giáo tò mò sờ tay vào thành hộp khuôn, anh trợn mắt bảo ngồi im. Mấy chú cháu ngồi im chờ đợi cái ước mơ có ít cơm cá thành hiện thực. Gần sâm sẩm chiều hôm, cái khuôn bí hiểm đã nguội mà ước mơ cầm một cục xà phòng về khoe và tặng vợ cũng không thành hiện thực. Chất nhão sền sệt vẫn không đông. Cô giáo đi đâu đạp xe về, nhìn thấy mấy chú cháu ngồi im, nhìn thấy nhà giả-kim-thuật đang trầm ngâm suy tư bèn lảng xuống bếp. Đến khi chạng vạng tối, tôi sờ vào thành khuôn còn ấm ấm, thầy nghiêm trang bảo: “Hãy kiên nhẫn! Trên nguyên tắc thì nó phải thành xà phòng thôi, điều lạ là sao không đông cứng lại phải chờ“. Tôi và hai cháu trai, vét một chút chất sền sệt nhớt ở đáy thau ra rửa tay, các cháu cười nắc nẻ (như Archimède reo lên Eureka vì tìm ra sức đẩy của nước) khi thấy đám bột trắng xốp của xà phòng hiện ra trong lòng tay!
 Tôi bèn đạp xe về và hẹn mai kia đến xem thành quả hợp tác sản xuất.
 Mấy ngày sau tôi đến, xà phòng đã đưa ra khỏi khuôn, các thỏi hình vuông dài nằm thỏng thượt trên bao bố ở nền nhà. Ôi! nhà khoa học hình như chưa có kinh nghiệm thực tế: cây xà phòng chỉ thẳng khi nằm im trên nền nhà, còn cầm lên thì nó oằn xuống như sợi bún, như miếng sương sâm! Thầy giả-kim-thuật buồn rầu, vớt vát: “Nếu cắt ngắn lại khoản sáu phân thì chắc nó cũng tạm tạm cứng, giống cục xà phòng”. Tôi nhìn anh, nhìn chị và mấy cháu, thấy mà thương vị thầy hóa học lý thuyết có bao giờ phải quơ quào với nợ áo cơm ? – Rồi chúng tôi cố thêm mấy lần lấy soda, dầu dừa về thử nghiệm pha pha, chế chế, thêm bột cao lanh, bớt đi ít dầu… khuấy tới, khuấy lui… và nó cũng ỉu xìu, èo uột !! Hai nhà sản xuất tạm dừng sản xuất, còn hai nhà tiếp thị tiêu thụ thì sao? Hai cô trò Trường X làm gì với sản phẩm gần giống như xà phòng đã sản xuất? Sau đó mấy tuần, có một hôm, vợ tôi đạp xe ra chợ mua cám heo trở về, nói với tôi :
 -Thương cô quá anh à, em gặp con H… bạn học, bán chạp phô dưới chợ, nó nói : “Cô giáo gởi tau mươi cục xà phòng nhờ bán hộ mà mi coi để trong thúng trưa trời nóng là nó nhão ra, răng mà bán chừ? Còn mấy cục tui với bà chia nhau mua giúp cô, thấy cô xách giỏ lát có mấy mươi cục xà phòng mềm ỉu nhờ học trò cũ mỗi đứa mua giúp vài cục mà thương quá!” – Anh biết không, em đâu có dám nói với bạn là xà bông đó là do anh và thầy làm. Khi em chở cám qua ngõ dốc Hàm Nghi gặp cô đạp xe đi đâu về, cô gọi em bảo qua nhà lấy bớt xà phòng về giặt giũ cho lũ nhỏ, chứ chẳng biết bán cho ai. 

 Ở thành phố ấy, bao năm nay, những người dạy học không giàu sang gì nhưng với đồng lương của mình thì gia đình, vợ con mặc, học hành… Còn bây giờ, tất cả mọi ngưới chỉ quay quắt một việc là gia đình sẽ có gì để ăn, các con sẽ được học hành ra sao, sẽ có gì để may mặc… được tồn tại ra sao ?. Trời đất, cỏ cây hình như cũng bị lùa vào một thời cơm-áo-gạo-tiền, cái sự được ban phát cho đủ ăn mặc và cho tồn tại như một loài động vật, nó khẩn thiết đến độ chẳng ai nghĩ được cái gì khác ngoài hai cuốn sổ: sổ hộ khẩu và sổ lương thực. Mỗi gia đình như gia đình cặp thỏ trắng với bầy con ẩn dưới hang tối trong rừng… quây bầy con nhỏ vào lòng, trao tráo mắt trong đêm đen mà lắng nghe từng bước đi rầm rập ngoài cửa hang, chúng lo sợ thợ săn và chó săn!! Chợt nhớ đến câu trả lời phỏng vấn của một nhà văn Nga về hạnh phúc trong thời Xô Viêt là: “Không hạnh phúc nào lớn hơn ở nơi này, bằng khi đêm xuống nghe tiếng gõ cửa, mở ra thấy người gõ cửa không phải là công an”. Ôi, hạnh phúc quả là đơn giản biết bao cho bầy thỏ trắng được sống trong khu rừng không có cáo và sói!!

 Những ngày tháng ấy, buổi sáng mờ sương, tôi đạp xe ra hồ Đội Có vớt bèo thồ về cho heo ăn, hai con heo do một cô học trò thương cho Thầy Cô nuôi rẻ để chứng tỏ rằng có việc làm trong thành phố. Có hôm tôi ngồi xem mấy chàng trai trẻ đứng bên cầu ống nước gần nhà Hướng Đạo ở bờ hồ câu cá. Họ có một cách câu cá lạ lùng, họ rải một ít bột cám trên mặt nước, xong dùng cây cần cứng như que củi dài hơn sải tay, cước lớn sợi dài khoảng hơn hai sải, đầu sợi cước cột một chùm lưỡi câu khoảng bảy tám cái, gắn xoay hình hoa thị. Họ không gắn mồi vào lưỡi như câu cá bình thường ở trong Nam mình, mà ném giật vun vút khi chùm lưỡi chìm xuống hồ. Tiếng vun vút chụp giật, tiếng rít gió xé ghê rợn… Xoẹt, xoẹt… thi thoảng có chú cá rô phi, cá chép bị lưỡi câu móc xé đầu, xé bụng bị kéo giật lên máu loang trên bờ cỏ… Tôi bỡ ngỡ nhìn và hỏi các bạn trẻ . Họ cười thản nhiên:
 - Chú không biết cách câu giật vun vút vui tai này à? Ối giời ạ, ở ngoài quê chúng cháu, hợp tác xã nông nghiệp nào mà chả có ao cá Bác, chờ cuối năm thì tát cạn , tính điểm chia phần. Ôi trời ạ! Hơi đâu mà chờ cuối năm, chờ đánh kẻng tát ao, chia phần cho rách việc! Đây là cách ai dạn tay thì cải thiện, ai ngoan ngoản thì húp gió !!Hi hi!! Chúng cháu đi làm về, qua ao, ngó trước sau chẳng có ai, giả vờ rửa cái chân, cái cuốc … thế là thả chùm lưỡi xuống giật phứa nó mươi phát, chụp được chú trắm, chú mè nào là bỏ vào túi, tối đến có cái để chén . Cứ giật phứa! giật tuốt là được, có khó gì đâu chú. Ha ha... giật tuốt !!Giật tuốt! Cái gì cũng vậy, có khó gì đâu chú, chụp được, vớ được là giật lấy tuốt! Giật tuốt, giật tuốt!
 Tiếp sau hai từ “Giật tuốt ! Giật tuốt ”, các cậu quật cần vun vút, luỡi chùm xoàn xoạt xé mặt nước… một con cá chép màu hồng bị xé toát mảng bụng hất lên bờ cỏ giẫy đành đạch và máu trào ra trong nền nắng nhạt.
 -Chú cho rằng tụi này lấy cắp à ? Ôi, chán chê gì chú ơi, chúng ăn cắp cả vạn lần hơn mà vẫn sống nhăn răng, sống phây phây, sá gì vài con trắm, con mè ?
 Tiếng rơi tõm tõm của chùm lưỡi câu khi cắm phập xuống mặt nước, tiếp theo là tiếng xé gió véo véo của cây cần giật mạnh lên vun vút.Thi thoảng, một chú cá bị lưỡi câu móc xé toạt lưng, bụng, bị giật bắn vào lề cỏ giẫy đành đạch, há mồm trợn mắt nhìn trời xanh như muốn hỏi vì đâu nên nỗi ?
 Tôi nhìn hai cậu cười ha hả, quật vun vút phá tan cái yên ả của buổi sáng bên hồ xanh, mây trắng… Tôi chợt nhớ đến anh bạn dạy văn trường Y, Anh B.T rất mê câu cá, nói với tôi về thú câu cá, giọng Huế nhẹ và mượt mà: “Nì, cái thú câu cá không phải chỉ là câu được cá, mà lắng nghe cho được, trong trí tưởng tượng, sự mon men của chú cá dưới mặt nước trong xanh, êm ả, quanh mồi câu… lắm lúc chờ đợi, thổn thức… như chờ bước đi của người yêu tới nơi hẹn hò”.
 Cái thời của Lã Vọng ngẩn ngơ câu không lưỡi, không mồi; cái thời của những người như bạn tôi nhìn sợi cước mong manh sóng sánh bóng dưới mặt hồ, tim rộn ràng như ngóng đợi người yêu; và nay, thì cái thời của “ giật tuốt, cướp tuốt”… mọi thú vui cao nhã nay chỉ còn dồn vào giác quan: đầy bụng, đầy mồm, ngập răng…!!
 Như thế đó, từng bước, từng bước một thứ văn hóa “cơm-áo-gạo-tiền, thứ văn hóa ngó-trước-ngó-sau” và “giật-tuốt” đã tràn vào chiếm ngự !! Lạ thật, chỉ hai mươi năm chia cắt mà hai miền khác biệt đến thế sao? Có lẽ, ngoài hơi thở là giống nhau, còn họ và ta khác nhau mọi thứ. Những người như Mai, Loan trong Nửa Chừng Xuân, Đoạn Tuyệt, như Thu trong Bướm Trắng, như … trong Gió Đầu Mùa ở nơi đâu? Mà chỉ thấy toàn Chí Phèo với Xuân Tóc Đỏ trong một thời buổi đảo điên! Hay những người xưa cũ ấy ta chưa được gặp. Chắc họ cũng ngỡ ngàng cho một cuộc đời lạ, chắc họ cũng như ta quấn quanh mình một áo choàng sợ hãi chỉ cầu mong được tồn tại. Họ cũng ngậm ngùi trốn nhũi đâu đó để cho qua phận người, nay ta chỉ gặp những người xem tất cả chúng ta là một lò toàn các ông Bá Kiến, mà đã là Bá Kiến thì hoặc là đứng đó để bị ăn đòn anh Chí Phèo hay bỏ của chạy lấy người !!
 Rồi như thế, tôi đã thấy thành phố Dalat êm ả thay đổi vì cái thời : “giật tuốt! giật tuốt!”, đã cưỡng bức và thay thế cho văn hóa sinh hoạt cũ; cái thời: “Lắng nghe sự êm ả của lòng mình và của đất trời dần dần tàn lụi. Thiên nhiên không có chỗ cho chân không! Quyền lực mới ùa vào lấp chỗ trống và mang theo đông đảo lớp người “giật tuốt! giật tuốt!” tràn vào chiếm lấy những gì có thể chiếm được, lấy được .Trước khí hậu và đất đai trù phú như Đalat thì họ “chi viện” cho một văn hóa mới theo cách “giật phứa, giật tuốt” , chi viện cho cán bộ lãnh đạo, chi viện cho một văn hóa sống mới theo cách “giật phứa, giật tuốt !!... Mười người mới vào vừa ổn là về quê kéo vào mười người khác, và mười người mới lại … Cứ thế, chỉ trong vòng mười năm, số mới đã xấp xỉ bằng dân bản địa, khi dân bản địa bỏ chạy đi nơi khác cũng không ít… Một tầng lớp mới hả hê tỏa ra khắp nơi thay thế cho đám người: “Bỏ của chạy lấy người”. Đó là nguồn cơn đổi thay từ gốc mọi chuẩn của Đalat hôm nay, nơi mà người đi xa trở lại thấy mọi sự đều khác lạ, chỉ có đỉnh núi Bà là còn nguyên như cũ.
 Một thời buổi mới đã tràn ngập Đalat xưa, thay đổi rất lớn vì thái độ bỏ phứa, giật tuốt dưới mọi dạng thức, nó như vết dầu loang, tràn vào thay thế cho nếp sống êm đềm lắng nghe nhịp đập của đất trời… Còn nhớ, Amicis trong Grand Coeur “nhìn vào hành vi ứng xử của người dân đi trên đường, ta có thể biết được nền giáo dục của quốc gia đó”. Cứ xem sinh hoạt của một xã hội thì sẽ hiểu ngay văn hóa nào đã tạo dựng nên nó.Từ hành vi “giật tuốt” cho đến trò chận đường đánh thầy, người tình chặt người yêu từng khúc bỏ vào bao bố ném thùng rác, hiệu trưởng mua dâm nữ sinh, nữ sinh đánh hội đồng và xé toạt áo quần bạn học rồi quay phim đưa lên mạng, sát thủ cướp của giết người tuổi vị thành niên… tất cả chỉ là hệ luận tất yếu từ một nền giáo dục mấy mươi năm chứ chẳng phải chuyện một ngày… Tôi biết và yêu đất Bắc trước kia qua Tư Lực Văn Đoàn, sau này qua Sáng Tạo của những người di cư 54. Tôi yêu ngôn ngữ dịu dàng trau chuốt, tôi yêu cả bề dày văn hóa, học thuật lẫn con người kẻ sĩ Bắc Hà. Nhưng nay, trong giai đoạn đầu tiên ấy - nơi này, các phẩm chất ấy nơi đâu rồi ? Đâu đâu cũng gặp toàn anh Chí, anh Xuân Tóc Đỏ vênh váo !!
 Một nền giáo dục lạ, một nền văn hóa lạ đã thay thế, và dĩ nhiên để tồn tại thì mọi sinh vật buộc phải thích nghi với môi trường sống mới: con chim cánh cụt dùng cánh ngắn để bơi trong nước; cánh dài thướt tha như chim én sẽ là thừa thải trong thế giới chim cánh cụt!! Đó là bi kịch của thân phận một lớp người trong một giai đoạn! Làm sao thích nghi mà không bị đồng hóa? Tồn tại mà vẫn giữ cho được phẩm cách con người? Lạ lùng thay, có thời buổi nào nhiều người hốt hoảng lơ láo, bỏ của chạy lấy người, sẵn sàng bỏ mạng sống để vượt ngàn biển khơi … bỏ chạy mà không thấy mình là người bại…và một bọn người thì hăm hở xông xáo vào một hồ nước đầy cá lúc nhúc, nghênh ngang ném từng chùm lưỡi thèm khát và quyền lực vun vut, vun vút, giật tuốt, giật tuốt: “Chết mày này !!! Tao giật phứa, không trúng đuôi thì cũng trúng mắt !!”
 Một thời có biết bao sự kiện phong phú đến thế, lá cây rừng nào đủ để ghi cho hết, tài năng nào đủ sức gánh vác làm kẻ biên niên ? 

 4.
 Vết chém treo ngành ngày 30 tháng 4 ngọt và sắc quá! Lưỡi kiếm vừa lướt qua, thịt da còn liền mí, mới đầu chưa ai thấy được nổi đau ghê rợn của nó. Rồi thời gian, rồi vài ba năm sau, trên vết chém ngọt đó đã sưng tấy, máu mủ tươm ra, người ta mới giật mình thấy: “Hỡi ơi! Ta đã mất mát nhiều đến thế sao!”. Cả thành phố bao lâu nay thiêm thiếp gà gật ngủ, mới choàng tỉnh, mới thấy mình bị“giật tuốt” khá nhiều thứ, “giật tuốt cả đất trời mơ mộng của tôi rồi sao?
 Những tháng năm đó, trong giới những người đi dạy ở thành phố đã thấy lắm cảnh trái ngang. Tôi đã thấy bạn dạy học với tôi ở B nay lầm lủi vác quang gánh bốc xếp cám gạo ở nhà máy xay góc chợ Đalat; tôi đã gặp một anh bạn dạy Anh văn, sau bốn năm đi cải tạo trở về ngơ ngác như điên như khùng, bởi về đến nhà thì vợ đã lấy cậu học trò của mình, cậu ấy làm lơ xe đò Đalat-Nha Trang và vợ thầy là người buôn chuyến chạy gạo nuôi ba con nhỏ dại; tôi đã gặp các cô giáo bị cho nghỉ việc về bán áo quần cũ ở lề đường, làm thợ thêu… Và ngoài những người thất thế đó, tôi cũng đã gặp những người bạn cũ, mắt họ ngời lên:“Ngày ấy trong tôi bừng nắng hạ, mặt trời chân lý chiếu trong tim” (thơ Tố Hữu). Họ hân hoan trong nắng hạ nên tránh gặp, tránh nhìn những người đang tê tái trong hoàng hôn đông giá!!
 Trở lại chuyện cô giáo ở đầu câu chuyện. Cô giáo lưu dung sau bao cay đắng “hàng thần lơ láo” ở trường cũ, nay bị chuyển qua trường khác; không được dạy văn cấp ba, cô xuống đứng lớp cấp hai và đổi về trường ở ngoại ô. Cô được học cách dạy văn không cần giảng rộng, không cần cảm xúc, mà cần nhất là không sai những gì sách giáo khoa đã viết. Không thêm, không bớt. Cô không còn có Đoạn Trường, Cung Oán, Hoa Tiên để mà mơ màng tình yêu đích thực. Biết tính mẫn cảm của cô giáo dạy văn, nên có người bạn cũ khuyên cô đừng dạy văn nữa. Cô không nghe theo vì làm sao bỏ nghề cô đã yêu mấy mươi năm rồi .… Rồi, một lần nữa, định mệnh văn chương lại trêu ngươi cô giáo dạy văn. Ở trường cấp hai, khi cô giảng bài đọc thêm môn văn, có bài về “Mỹ Ngụy thả bom cày xới làng quê”. Một em học sinh được cô gọi đứng lên đọc bài đọc thêm cho cả lớp nghe: “Những em bé gái sơ tán bị bom thù phủ lên tan xác, trong khi cặp sách vở vẫn còn ôm ghì trong vòng tay thơ dại…”
 Thôi em , đừng đọc nữa !!
 Cô giáo như thấy cảnh chết chóc của bao trẻ thơ non dại trong trận chiến tàn khốc bày ra trước mắt, lớp học lặng như tờ, mấy mươi đôi mắt bi ve đăm đắm nhìn cô giáo xanh gầy thất thần trong từng cơn gió lạnh đầu đông lùa vào khung cửa… Cô ngồi đó, trước đám học trò nhỏ dại, cô rả rời thẩn thờ, nghẹn ngào chẳng biết vì đâu, và vì đâu mà hai hàng nước mắt ràn rụa nhoà trên đôi mắt mệt mỏi, chán chường… Cô nhớ đến những trái xoài xanh ngày nào, hay nghĩ đến hàng triệu mái đầu xanh vô tội lùa vào một trò chơi tai ác ? Cái chết của trẻ thơ, dù ở đâu, dù bất cứ ly do gì đều là tội ác của người lớn !!!
 Cô chẳng giảng một lời, cô chỉ nấc lên và vở òa trong nước mắt, như biết bao đau khổ, oan nghiệt nén xuống, nay có dịp vỡ òa ra..…
 Những ngày tháng ấy, thật là hiếm hoi có một bài giảng văn bằng nước mắt trong lớp học… Rồi sự việc cũng đến tai ban giám hiệu, rồi cũng đến tai trưởng bộ môn Văn của sở giáo dục. Trong cuộc họp bộ môn Văn khối trường trung học thành phố tại trường X, cô giáo lưu dung ngồi yên một góc, cố thu mình nhỏ hơn, nhỏ hơn nữa, trước cái nhìn xăm xoi của các anh chị đang sống trong “mặt trời chân lý”. Anh trưởng bộ môn giọng Huế thơn thớt nói: “…Chúng tôi không quên trước kia, ngày ấy cô gào lên: “Ôi! Những quả xoài xanh…”, rồi cả ngàn học sinh thút thít khóc trước các luận điệu… trước sự đóng kịch tài tình của cô… mục đích là chi rứa? Cô gây căm thù, cô làm cho nhân dân… Cô nghĩ sao khi bây giờ cô được lưu dung mà còn vờ vĩnh rỏ nước mắt giả dối trong lớp học…”
 Cô giáo đứng yên đó, mắt thẩn thờ nhìn hoang ra khung cửa sổ, ra sân chơi quen thuộc của ngôi trường cô đã gắn bó mươi mấy năm, ngoài ấy có hàng liễu rủ bông đỏ rún rẩy trong gió đông tê tái lạnh. Tay cô mân mê cuốn sổ lương thực mà mới khi sáng cô lên phòng đời sống được ký cho mua thêm mấy lạng bột ngọt và nửa cân đường… Cô mông lung nghĩ đến các con, nghĩ đến dàn su su chiều nay sẽ hái vài trái um với chao cho chồng con ăn. Lại cái giọng Huế mướt như nhung và cay như ớt hĩm ấy tiếp tục đay nghiến: “Cô nọi răng lạ rứa! - Mô phải cái chết mô cũng như cái chết mô! Đâu phải dạy văn chương là chỉ truyền cảm xúc, ảnh tượng của văn thơ cho học sinh là đủ?... Cô nhợ cô là giáo viên lưu dung! Cô phải hiểu, dạy văn là phải có tính giai cấp, tính quần chúng, tính chiến đấu cho lớp trẻ!! Bọn trẻ bị sát hại, bị mất mạng là vì ai? Đạt được điều gì?... Đọ đọ, đâu phại chị rủ ra mờ khọc ủy mị như kiểu nhựng trại xoài xanh ngày trước kia nạ …”
 Cô giáo vẫn đứng yên như một tượng đồng hoen rỉ, mắt vô hồn nhìn xa xa… Cô không nghe gì hết, không thấy gì hết… Cô nhìn xuống nhà trú mưa của hoc sinh, nhớ bài nói chuyện của cô lúc mới về trường: “Tuổi trẻ và tình yêu”. Cô thoáng như thấy cả ngàn tà áo xanh rờm rợp, lung linh vào ra trên sân trường ngày nào… Cô lẩm bẩm như trong mơ:
 - Mới đó mà đã hơn 15 năm rồi! Mười lăm năm xót xa trong cuộc đời Kiều nhi !
  - Xin cô phạt biệu lớn lên! Anh tổ trưởng bộ văn môn dằn giọng.
 Mọi người quay xuống nhìn. Cô lặng lẽ ngồi xuống và xếp cuốn sổ vào giỏ, lặng lẽ chẳng chào ai, chậm bước ra khỏi phòng, tay cầm chặt cuốn sổ lương thực như đang đi trong giấc mộng du… mặc cho cả phòng họp ngỡ ngàng.
 Rồi tôi nghe người ta kể lại, cô “bị” cho nghỉ dạy văn, cô “được” cho dạy toán lớp 6, cô phải nhờ chồng dạy cho cô môn toán hàng đêm để sáng mai lên lớp. Rồi cô giáo phải xin nghỉ và rời xa thành phố Đalat, nơi cô rất đỗi yêu thương - và nơi đó đã có một thời thật đáng nhớ.

Nguyễn 

Đàlạt 09.10.2011
img1

Lớp Đệ Nhất A vui trại tất niên 1966
img2

Một góc Lớp Đệ Nhất A – 1966

CƯỜI CHO DZUI

Trúng Tuyển

Gánh xiếc cần tuyển một người dạy sư tử. Các ứng viên đua nhau khoe thành tích:
- Tôi có 30 năm huấn luyện thú ở Nga
- Tất cả thú dữ trong đoàn xiếc của Anh đều qua tay tôi
- Các con thú dữ dằn nhất khắp thế giới đều phải khuất phục tôi
Chủ gánh xiếc không yên tâm về thành tích của các ứng viên. Cuối cùng, một ứng viên được chấp thuận với thành tích đơn giản nhât:
- Tôi đã có vợ 20 năm nay. Quê vợ tôi ở Hà Đông

THƠ TRẦN VĂN LƯƠNG

Dạo:
Sương mù phố núi về đâu,
Ngàn năm chốn cũ bóng câu đậm sầu.

Cóc cuối tuần:

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn