Tháng Ngày Còn Nhớ

04 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 174730)

THÁNG NGÀY CÒN NHỚ …

Để tưởng nhớ bạn thân Nông Kim Yến & Nguyễn Kim Phượng

 img1

 Năm 1954 chúng tôi cùng vào học trường Phương Mai (Công Chúa Phương Mai là con gái Vua Bảo Đại),trường nam nữ học chung . Là một nhóm gồm 5 đứa bạn chơi rất thân tuy khác lớp: Kim Yến và Vân Cương một lớp, còn Vương Tiểu Căn, Phỉ Tuý và Kim Dung cùng một lớp. Chúng tôi đều là dân Bắc Kỳ di cư trừ Phỉ Tuý là người Đàlạt .

 Thời đó chúng tôi thường bị gọi là “Ngũ Quỷ” vì ưa nghịch ngợm và đùa giỡn trong trường. Có lần bị thầy hiệu trưởng Phạm Văn Nam; Thầy rất nghiêm khắc gọi từng đứa lên văn phòng hỏi han rất nhẹ nhàng: Ở trong lớp có biết chị nào nghịch nhất không?

Sợ quá, đứa nào cũng chối: dạ không ạ! Rồi lúc ra chơi, xúm lại kể cho nhau nghe, thì ra Thầy dùng một câu hỏi chung cho cả bọn. Hú hồn.

 Trong trường, Nông Kim Yến nổi tiếng học giỏi, đã mấy lần được phần thưởng của Tổng Thống. Tôi và Kim Yến nhà ở gần nhau nên hàng ngày đi học cùng và luôn luôn đi trễ, nhưng không bao giờ bị đứng ngoài cổng vì có lối bếp nhà bác cai trường là bác Khôi. Tụi tôi được bác Khôi “che chở” vì là khách quen thường xuyên ăn quà nhà bác. Có những chiều mưa đi học về, hai đứa mải mê chuyện trò vẩn vơ quên cả giờ giấc , cứ lội theo giòng nước mưa chảy từ Ngã Ba Chùa xuống dốc Phan Đình Phùng, về được đến nhà thì quần áo ướt mem, lạnh run cầm cập.

 Vì học chung với nam sinh ,quen xem nhau như bạn cùng phái nên chúng tôi đùa nghịch rất tự nhiên. Tuy vậy cũng có một số nữ sinh thùy mị, ra chơi chỉ đứng một chỗ nói chuyện thầm thì với nhau hoặc ngồi làm dáng, mơ mộng ngắm trời mây .

 Thỉnh thoảng trường cũng tổ chức đi Picnic bên bờ hồ Xuân Hương, thác Cam Ly hay Prenn. Nam sinh có thầy Lê Phỉ, thầy Quyền Văn Long dạy Thể dục trông coi. Nữ sinh chúng tôi có các cô Nhung , cô Xuân An đi cùng .

 Năm 1955 Cụ Ngô Đình Diệm về nước chấp chánh và là vị Tổng Thống đầu tiên của nền Đệ Nhất Cộng Hoà tại Miền Nam Việt Nam. Khi vua Bảo Đại bị truất phế nên sau đó trường Phương Mai được đổi tên thành trường Quang Trung, nam nữ vẫn học chung cho tới mùa hè năm 1957, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đặc biệt cho học sinh Cao Nguyên Trung Phần đi dự trại hè Nha Trang. Chúng tôi được chọn đi và không phải đóng tiền. Ban hướng dẫn gồm Thầy Nguyễn Trọng, Thầy Lạc và Cô Giỏi (Hai vị này là giáo viên tiểu học đi theo để trông nom học sinh).

 Nhóm chúng tôi gồm: Song Xuân, Quỳnh Nga, Kim Phượng, Kim Yến, Kim Chi, Thành , Xuân Ninh, Mỵ Hương và Kim Dung kết thân với nhóm nữ sinh Ban Mê Thuột người Rađê rất dễ thương và lịch sự, đã cho chúng tôi mượn “xà rông” mặc đi biển chơi. Các chàng Hải Quân chắc thấy mấy cô nữ sinh Đà Lạt má hồng trông hây hây, nên cứ đi theo hỏi han này nọ, làm chúng tôi lại nổi máu nghịch ngợm bảo nhau nói tiếng lóng giả là tiếng Rađê để trêu ghẹo lại.

 Thầy Trọng thương quý học trò của Thầy nên tổ chức trại hè rất chu đáo, Thầy rộng rãi mời cả mấy nhà thầu nấu ăn cho trại sinh và tổ chức xin tàu của Hải Quân chở tất cả gần 200 người đi chơi bờ biển Đại Lãnh và ra đảo Bích Đầm tắm biển. Trại hè Nha Trang năm đó kéo dài một tuần lễ, chúng tôi là các học sinh ở khắp miền Cao Nguyên Trung Phần như Đà Lạt, Ban Mê Thuột và Pleiku đã kết tình thân rất nhanh và có những ngày hè với nhau thật vui sướng, đầy kỷ niệm khó quên .

Ngày vui nào rồi cũng đến lúc phải chia tay. Chúng tôi có một đêm lửa trại bế mạc thật ý nghĩa. Phần văn nghệ phong phú với các tiết mục ca hát, múa và kịch. Nam sinh Đà Lạt có màn múa “Châu Pha Vũ Khúc” rất vui nhộn vì các “ vũ công” đều đóng khố và vẽ mặt vằn vện, nhảy múa theo tiếng trống ,tiếng khèn. Nữ sinh Ban Mê Thuột cũng có màn múa đũa thật vui và đặc biệt. Ngày trở về chúng tôi chia tay nhau ở ga xe lửa Nha Trang thật cảm động và bịn rịn. Nữ sinh ôm nhau khóc sụt sùi , nam sinh thì bắt tay nhau thật chặt như không muốn rời. Lúc xe lửa chuyển bánh là tất cả đồng thanh la lên: “hẹn ngày tái ngộ”. Nhưng sau đó vì thời cuộc khó khăn nên không bao giờ chúng tôi được đi trại hè để gặp lại nhau thêm một lần nào nữa .

 Trường Quang Trung sau mùa hè 1957 có nhiều thay đổi. Thầy Hiệu Trưởng Phạm Văn Nam về hưu nên thầy Nguyễn Viết An lên thay, không lâu lại tới cô Đỗ Hoàng Hoa. Rồi chuyện thầy Đĩnh và thầy Phỉ có sự bất đồng với nhau …, thêm một biến cố lớn không hay xảy ra giữa một nam và một nữ sinh trong trường nên Bộ Quốc Gia Giáo Dục đã quyết định tách trường làm hai, nam nữ sinh học riêng. Nam sinh chuyển qua trường Trần Hưng Đạo, còn nữ sinh ở lại, trường Quang Trung đổi tên thành Bùi thị Xuân. Tôi, Nông Kim Yến và Phỉ Túy cùng các nữ sinh khác may mắn được học dưới ngôi trường đã từng mang ba tên khác nhau. Bây giờ tuổi đời chồng chất, tất cả chúng ta đã trở thành ông bà Nội Ngoại hết rồi. Mỗi người một hoàn cảnh, người còn kẻ mất. Thỉnh thoảng có dịp gặp nhau thì vui mừng, ôn lại những kỷ niệm thời học sinh dưới mái trường thân yêu.

Dù thời gian qua mau, chúng ta là những cựu học sinh Bùi Thị Xuân và Trần Hưng Đạo chắc hẳn không bao giờ quên được thời thanh xuân nơi thành phố ĐàLạt mộng mơ thuở nào …

Phan Kim Dung

img2Chị Nông Kim Yến, hàng đầu bên trái
Phương Mai niên khóa 1955-1956

img3

Nữ sinh lớp đệ nhất A THĐ niên khóa 1962-1963 picnic ở hổ Than Thở: Bích Lan, Lê Thị Huệ, Nguyễn Ngọc Lan, Phan Thị Yến, Oanh Trảo, Xuân Ninh, Phú Hậu, Minh Phi, Nguyễn Thị Tịnh, Bích Liên, Bạch Tuyết

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn