Cô Giáo Của Tôi Thư Anh Vũ

15 Tháng Chín 201412:00 SA(Xem: 5315)


Cô Giáo Của Tôi


image539*Trang tặng

GS Chu Thị Cẩm Anh

 Cho đến nay, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, hình ảnh những ngày tháng đầu tiên bước chân vào cổng trường Trung Học Trần Lục và cả những năm tháng sau đó vẫn in đậm nét trong ký ức của tôi không thể nào quên. Tôi vẫn đinh ninh trong dạ, đây là quãng đời đầy ý nghĩa và đẹp nhất mà tôi từng sống.Đời học sinh, với những rung động thiết tha của tuổi mới lớn, trong trắng và cuồng nhiệt. Chính ở mái trường này, suốt những năm Trung Học, tôi đã được sống trong những vui buồn không dứt bên những bạn bè đồng môn đầy ắp chân tình. Chúng tôi đã sống, lớn lên trong sự giáo dục của các thầy cô đầy tâm huyết. Rồi đến ngày chia tay giã biệt mái trường, biết bao đứa trong chúng tôi đã ra đi mà lòng để lại. Rời xa rồi mà vẫn bâng khuâng tiếc nối thầy cô, bạn hữu... cho đến cả tấm bảng đen, chỗ ngồi bao năm tháng.Trùng trùng điệp điệp kỷ niệm kéo nhau về, sống mãi trong lòng chúng tôi cho đến ngày mái đầu bạc trắng vẫn không nguôi. 
Trong muôn vàn kỷ niệm ấy, có một chuyện đã để lại ấn tượng sâu sắc trong ký ức tôi và mỗi khi nghĩ đến tôi vẫn cảm thấy xúc động trong lòng.Đó là những tình cảm thầy trò đẹp đẽ mà tôi có được khi vừa tuổi lớn, bắt đầu hiểu biết.Người thầy đã đem lại cho tôi tình cảm ấy là Giáo sư dạy Việt văn hai lớp Đệ Thất và Đệ Lục, từ 1956 đến 1958.Cô Chu Thị Cẩm Anh.
 Có lẽ đó là những năm đi dậy đầu tiên của cô vì cô còn trẻ lắm. Khi cô bước vào, tôi cảm thấy lớp học như sáng bừng lên. Một phụ nữ mảnh mai, tươi tắn trẻ trung với giọng nói trong trẻo dịu dàng đã chinh phục ngay được cảm tình của những cậu học trò phần đông từ 11 đến 15, tuổi tác không đồng đều, hầu hết là dân Bắc di cư năm 45. 
Với năng khiếu và ưa thích, môn Việt văn đã làm cho tôi nổi bật trong lớp, còn cô giáo đã hoàn toàn làm cho tôi vững tin không bao giờ ngại ngùng khi đến giờ học môn Việt văn. Tôi say sưa nghe cô giảng bài và ghi chép. 
Tôi chỉ được học cô hai năm đó. Năm lên Đệ Ngũ tôi nghe được tin cô chuyển đi dậy ở Trung Học Bùi Thị Xuân Đà Lạt. Chỉ có hai năm nhưng thầy trò tôi đã có những kỷ niệm khó quên. Mỗi niên học, khi hè về, tôi đều chăm chút làm "Lưu Bút" và người đầu tiên tôi mời ghi chính là cô giáo của tôi.Cô đã vui vẻ viết cho tôi những lời khen, những lời khuyên chân thành và cả những câu chúc tốt đẹp. Khi cô đã chuyển đi, những năm sau đó, tôi vẫn thỉnh thoảng có thư thăm và cô đã viết trả lời bằng những cánh thư dài. Có một năm cô về Sài Gòn và ghé thăm trường, nhờ thầy Tuyến Tổng Giám Thị trao quyển Nhà Văn Hiện Đại của Vũ Ngọc Phan tặng tôi vì không có dịp gặp trực tiếp. Thư cô viết cho tôi tỏ ý rất vui vì được biết tôi có thành tích học tập năm đó khá tốt. Nhưng điều mà tôi sung sướng và trân trọng nhất, là trong thư cô đồng ý nhận tôi là "em tinh thần" theo đề nghị của tôi. 
Thời gian trôi qua, tuổi lớn và việc học đã làm tôi ít liên lạc với cô, nhưng trong lòng tôi lúc nào cũng nhớ tới cô giáo dạy Việt văn năm nào.Mỗi lần thi cử, tôi làm bài môn Việt văn với tất cả tự tin và ưa thích.Cô chính là động lực khuyến khích tôi lúc đó. Có phải chăng vì thế, sau này tôi trở thành nhà văn và chọn nghề viết báo ?
Biến cố 1975 đã thay đổi toàn xã hội, đảo lộn cuộc sống của hàng triệu gia đình.Những năm tiếp đó, tôi có thói quen đi tìm tin tức của những người thân quen.Cô giáo của tôi cũng ở trong số này. Tôi nhớ lại ngôi nhà song thân cô đã ở cùng, trong một ngõ rộng ở đường Nguyễn Kim quận 10 mà tôi cùng bạn bè đến chúc Tết khi còn học cô. Nhưng đã hơn hai chục năm trôi qua, tôi không thể tìm ra ngôi nhà ấy.Vả lại, cô ở luôn Đà Lạt sau khi lập gia đình cùng chồng con thì phải, nên có tìm được nhà song thân cô cũng chưa chắc đã gặp được cô.Trong thập niên 80 mấy lần có dịp đi Đà Lạt, tôi gắng công tìm kiếm tin tức về cô nhưng không ai biết, tôi đã đến trường Bùi Thị Xuân hỏi thăm nhưng không kết quả. Mãi đến thập niên 90, tôi nhờ đứa cháu có dịp đi Đà Lạt đến trường hỏi thăm, được gặp một bà giáo viên đồng nghiệp của cô cho hay gia đình cô đang ở Hoa Kỳ. Bà giáo này cho tôi địa chỉ bà con của cô buôn bán ở chợ Tân Định. Tôi lại tiếp tục đi dò hỏi, cuối cùng cũng có tin tức của cô, nhưng vẫn không rõ địa chỉ.
 Năm 2009 vợ chồng tôi sang Mỹ thăm thân nhân, tôi được anh Hàn, một bạn học Trần Lục cũ hiện đang sống ở Cali, tìm giúp cho tôi địa chỉ cô giáo của tôi. Gia đình cô đang sống tại bang Oregon. Tôi vội vã gọi điện thoại thăm cô, xiết bao xúc động khi nghe được giọng nói trong trẻo ngày xưa. Tôi nhắc lại biết bao chuyện cũ, về "công lao" tìm kiếm cô trong mấy chục năm... chắc chắn đã làm cô xúc động. Cô lại càng sửng sốt khi vài ngày sau đó tôi đã gửi bản photocopy mấy lá thư cô viết cho tôi thuở xa xưa, cô không ngờ tôi còn giữ được. Và đây là dịp đầu tiên sau bao nhiêu năm, tôi được gọi cô bằng tiếng "Chị" êm ái, tràn đầy quý mến.Chị em chúng tôi đã tâm sự hàng giờ trên điện thoại khi tôi ở Hoa Kỳ, và cả những năm sau cô vẫn thỉnh thoảng gọi về Sài Gòn thăm hỏi gia đình tôi. 
Cô giáo của tôi.Tôi nghĩ đến với biết bao trìu mến. Đó là người đã dẫn dắt tôi những bước đầu tiên trên con đường học vấn. Đó là người chị đã cho tôi những niềm tin và an ủi trong đời học sinh. Đến nay, dù đã gần 70 tuổi, tôi vẫn cảm thấy như mình còn nhỏ dại, vẫn thấy xúc động chân thành khi nghe giọng nói thân quen của cô cất lên ở nơi xa xôi hơn nửa vòng trái đất. Tôi cũng rất vui khi được biết cô và gia đình đều bình an trong cuộc sông.
Cô giáo của tôi, chị của em. Xin vô vàn cảm ơn vì em nhận được tình cảm này. 
ANH VŨ (Vũ Quốc Anh) 7.2012
image541
Thầy Phan Đình Công & Cô Chu Thị Cẩm Anh
image543
Các anh: Quy - Tôn - Bùi Tô - Trung Lương - Phan Dzũng (ảnh chụp 04/2014 sau vườn nhà Huệ Thu)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn