Với thời gian, nhiều nhóm dân bedouin khác cũng tìm đến miền đất ven biển trên vùng Vịnh Persian nơi đây sinh sống, lập nên xóm làng rồi bầu lên một thủ lĩnh nhằm khẳng định chủ quyền miền đất khổ công gầy dựng. Để sau, không thể tránh được bao cuộc xâm lấn cùng chiếm đoạt thường xẩy ra giữa các sắc dân. Vào cuối thế kỷ 18, bộ tộc Milh đã khá đông đúc dân sống quây quần theo tổ chức và luật lệ, dưới quyền cai trị của một vị Sheikh mà gia tộc đã luôn được tín nhiệm qua nhiều thế hệ, cùng đặt tên mới Abu Dhabi, để nhớ lại chuyện dừng bước chân du mục để lập nghiệp của bao thế hệ tiền nhân.
Hoàng gia Anh từ thế kỷ 19, như với Ấn Độ cùng nhiều thuộc địa khác, đã mang sức mạnh đến áp đảo các tiểu quốc vùng Vịnh Persian, với lý do để bảo vệ thương thuyền của British East India Company từ Ấn Độ, chuyên chở biết bao hàng hóa quý cũng như ngọc ngà châu báu về mẫu quốc trước nạn hải tặc tung hoành. Người Anh cũng ép buộc các vị lãnh đạo Arab phải ký kết nhiều nhượng bộ, rồi dần đặt các tiểu quốc dưới chế độ thực dân bóc lột.
Vào thời vùng lên giành chủ quyền trên toàn thế giới của các sắc dân bị trị, Anh quốc dần phải rút quân ra khỏi nhiều thuộc địa, nhưng do tiềm năng dầu hỏa vừa được khám phá trên Vịnh Persian, và do các tiểu quốc Arab còn nghèo, lạc hậu lại rất thưa dân, nên vẫn còn dễ dàng cho hoàng gia Anh nắm bóp trong tay, và năm 1939, Sheikh Shakbut Bin-Sultan Al Nahyan phải ký kết văn bản nhượng quyền khai thác dầu cho người Anh.. Để từ năm 1958, khi thùng dầu thô đầu tiên được bơm hút lên, và tiếp tục với nhiều dàn khoan khác được mau chóng đặt trên mặt biển, cho nguồn lợi nhuận chia chác giúp Abu Dhabi xây dựng lên những toà nhà khang trang, nhiều khu phố cũ sơ sài được thay hình đổi dạng, cuộc sống của người dân dần cải thiện. Abu Dhabi được ước tính có đến 100 tỉ thùng dầu thô -là 8,6 tổng lượng thế giới, và 5% lượng khí đốt toàn cầu.
Nếu các vị Sheikh đầu tiên của thời “vua dầu hỏa” rất bảo thủ, cẩn thận giữ trong quỹ đa phần nguồn lợi thu hoạch từ dầu thô được Anh quốc xuất cảng đi khắp thế giới, cả rất e dè trong việc tân tiến hoá tiểu quốc.. Thì Sheikh Zayed Bin-Sultan Al Nahyan, theo lời hứa từ Luân Đôn năm 1968 là sẽ rút khỏi các quốc gia vùng Vịnh Persian vào năm 1971, đã có sáng kiến mời gọi các tiểu vương quốc quanh vùng sát nhập thành một khối thịnh vượng chung.. Để một United Arab Emirates /UAE, gồm 7 Tiểu vương quốc Ả Rạp Thống nhất được thành hình và tuyên dương nền độc lập năm 1971, đặt thủ đô tại thành phố Abu Dhabi của Tiểu vương quốc to rộng và quan trọng nhất. Nhằm vinh danh vị lãnh đạo sáng suốt, ngày nay rất nhiều dinh điện, đền Hồi giáo, bảo tàng viện.. được mang tên Sheikh Zayed.
Và sau, với Sheikh Khalifa Bin Zayed Al Nahyan -sinh năm 1948, qua căn bản kiến thức và trình độ học hỏi được từ người Anh, đã nêu cao việc dùng ngân quỹ quốc gia để phát triển tưng bừng toàn diện đất nước, cả luôn giúp 6 Tiểu vương quốc trong Khối Arab thống nhất -ít được lộc trời dầu hỏa hơn, cũng như cho đầu tư đúng phương cách theo từng thời thế, nên được tín nhiệm và ủng hộ để trở thành vị lãnh đạo kế tiếp của Abu Dhabi. Sheikh Khalifa cũng có tầm nhìn rất xa rộng, ý thức rằng dầu hỏa hay khí đốt sẽ không mãi còn là nguồn lợi chính, nên đã nhanh chóng cho chuyển hướng, khôn khéo khuếch trương các ngành thương mại, tài chính, kỹ nghệ và công nghiệp tiên tiến, thiết kế và xây dựng đại quy mô, phân phối hàng hoá, tổ chức các cuộc hội thảo và sự kiện quốc tế, kêu gọi mọi giới doanh nhân.. Nhất là ngành du lịch với đủ thú tiêu khiển -kể cả môn trượt tuyết, cùng các khách sạn dạng 6 hay 7 sao, thu hút du khách đến bao trung tâm thương mại thật to rộng và thanh lịch như chưa từng có nơi đâu của Abu Dhabi và Dubai, mà sự sa hoa thật vô đối cho thú mua sắm quá độ thời nay.. Để đạt kết quả rất khả quan với 64% tổng thu nhập của UAE vào những năm sau này, khi dầu hỏa rớt giá trên thị trường.
Tiểu vương quốc Abu Dhabi cũng rất chú trọng về phương diện văn hoá, nhiều viện bảo tàng được thành lập với biết bao tác phẩm quý hiếm được đem về từ khắp nơi. Cả việc giao hảo với Mỹ để mở New York University, hay với Pháp để có La Sorbonne, và Musée du Louvre Abu Dhabi -khánh thành năm 2017 với sự hiện diện của Tổng thống Emmanuel Macron. Cả vượt kỷ lục qua đền thờ đấng Allah với Sheikh Zayed Grand Mosque vĩ đại nhất thế giới, được xây dựng trên một khoảng đất ven thủ đô, có 80 mái vòm và hơn 1000 cột trụ. Mang ảnh hưởng kiến trúc của Taj Mahal -ngôi đền mộ chứng tích tình yêu trên xứ Ấn, tổng thể đền Hồi giáo Sheikh Zayzed có mầu trắng mát của đá cẩm thạch dùng trên khắp các mặt tường và sàn sân rộng, tô điểm bởi từng dàn hoa lá khắc cẩn bằng nhiều loại đá mầu tươi thắm. Thật rực rỡ hàng trăm chùm đèn treo khổng lồ bằng pha lê trong vắt hay thủy tinh muôn mầu óng ả ánh vàng ròng, từ nghệ thuật gia truyền của nghệ nhân đảo Murano trên sóng nước Venise. Đền Hồi giáo Sheikh Zayzed có sức chứa trên 40.000 tín đồ, gian chính rộng thênh thang trải tấm thảm bằng len quý dệt tay lớn nhất mọi thời đại, được cho là chốn hợp quần thế giới /“unites the world”.
Cũng được nhiều khách thăm là The Emirates Palace Hotel *6 sao, đồ sộ và thanh lịch cùng ngời sáng ánh vàng với phí tổn trên US$3 tỉ, có cả máy bán vàng, chỉ cần phớt thẻ là từng thỏi rơi ra lả tả như lá thu bay. Thấy hay quá, do.. cả đời “cò” chưa mua được tí vàng choé nào, ngoài hôm nọ dự tiệc do ông thuyền trưởng biệt đãi 350 khách trong ballroom của Emirates Palace có linh đình rượu thịt và màn văn nghệ với các cô vũ công biểu diễn điệu múa ômêli ngàn lẻ một đêm, và do xứ Abu Dhabi này vốn giầu vàng, đâu dâu cũng thấy lung linh ánh vàng -khu gold souk bán vàng đủ dạng cân theo.. kílô, nên mọi người đều được mời chiếc bánh ngọt rắc bột vàng óng ánh, nghe bảo là làm tốt da!