Ý Nghĩa Lễ Phục Sinh
Mục Sư Nguyễn Thỉ
Trong bài Tín Điều Các Sứ Đồ, chúng ta đọc: "Tôi tin Giê-xu Christ là Con độc sinh của Đức Chúa Trời và Chúa chúng ta. Ngài được thai dựng bỏi Thánh Linh, sinh bởi nữ đồng trinh Ma-ri, chịu thương khó dưới tay Bôn-xơ Phi-lát, bị đóng đinh trên thập tự giá, chịu chết và chôn. Ngài xuống âm phủ, đến ngày thứ ba, Ngài từ kẻ chết sống lại..."
"Đến ngày thứ ba, Ngài từ kẻ chết sống lại!" Đó là niềm tin của chúng ta và là điều chúng ta kỷ niệm hằng năm trong lễ Phục Sinh cũng như hằng tuần trong ngày Chúa Nhật. Phục sinh là một trong những giáo lý quan trọng nhất và đã được Thánh Kinh Tân Ước nhắc lại nhiều lần. Sứ đồ Phao-lô đã dành trọn chương 15 của lá thư ông gởi các tín hữu tại Cô-rinh-tô để nói về giáo lý nầy. Có lẽ lúc bấy giờ một số người nghi ngờ hay có cái nhìn không đúng vào sự phục sinh nên Phao-lô giải thích và nhấn mạnh cho các tín hữu thấy rõ tầm quan trọng và cần thiết của giáo lý phục sinh.
Lời mở đầu chương 15 cho thấy điều đó: "Hỡi anh em, tôi nhắc lại cho anh em Tin Lành mà tôi đã rao giảng và anh em đã nhận lấy cùng đứng vững vàng trong đạo ấy và nhờ đạo ấy anh em được cứu rỗi, miễn là anh em giữ lấy y như tôi đã giảng cho, bằng không thì anh em dầu có tin cũng vô ích" (ICô-rinh-tô 15:1-2)
Lời mở đầu nầy cho thấy giáo lý phục sinh là một phần quan trọng của Phúc Âm. Đây không phải là điều mới lạ với các tín hữu tại Cô-rinh-tô vì Phao-lô viết, "Tôi nhắc lại". Tuy nhiên hai điều quan trọng là: (1) Đứng vững vàng. (2) Giữ lấy. Nếu không, niềm tin của người tín đồ sẽ trở thành vô ích.
Đây cũng là những lời cho chúng ta: giáo lý phục sinh không phải là một điều mới, vấn đề là chúng ta có tin và sống với niềm tin đó hay không. Để đứng vững và giữ lấy niềm tin nầy, Phao-lô cho thấy năm điều về sự phục sinh:
I. Bằng Chứng Phục Sinh (câu 1-11)
Sự phục sinh của Chúa Giê-xu thường bị tấn công bằng những giả thuyết sau:
1. Chúa không thật sự chết, chỉ ngất xỉu rồi sau đó tỉnh dậy (the swoon theory)
Giả thuyết nầy không thể đứng vững vì một người bị trận đòn chí tử, đội mão gai, bị đóng đinh vào tay và chân, bị treo giữa trời suốt 3 giờ đồng hồ, cuối cùng bị ngọn giáo đâm suốt qua tim. Một người như vậy không thể nào ngất xỉu rồi tỉnh lại trong khí lạnh của hang đá được!
2. Các môn đồ lấy trộm xác của Chúa
Đây chính là tin các thầy tế lễ và các trưởng lão bảo những người lính canh tung ra sau khi đã đút lót tiền bạc cho họ (Ma-thi-ơ 28:11-15). Rõ ràng là những người lính nầy dù nhận được tiền vẫn nói lên sự thật nên chúng ta mới biết được điều nầy. Ngoài ra, trước ngôi mộ có lính canh và tảng đá lớn chận ở ngoài mà các môn đồ lúc đó thì quá sợ hãi (Giăng 20:19), việc đánh cắp xác không thể nào xảy ra được.
3. Các môn đồ và các phụ nữ đến lầm một ngôi mộ khác
Việc nầy cũng không thể xảy ra vì chỉ mới qua một cuối tuần ngắn ngủi và ngôi mộ được nói rõ là "tại nơi Ngài bị đóng đinh" (Giăng 19:41), các môn đồ không thể lầm được.
4. Ảo giác của các môn đồ
Ảo giác có thể xảy ra cho một hoặc hai người tại những chỗ khác nhau, trong khi đó sứ đồ Phao-lô khẳng định là "cùng trong một lần, Ngài hiện ra cho hơn năm trăm anh em xem thấy" (I Cô-rinh-tô 15:6a).
Chúa Giê-xu đã thật sự sống lại và bằng chứng là Chúa đã hiện ra cho nhiều người: Sê-pha (Phi-e-rơ), Gia-cơ, mười hai sứ đồ, năm trăm người cùng một lúc (c. 5-6). Cuối cùng Phao-lô cho biết là ông cũng đã được chính Chúa hiện ra với ông mà ông coi đó là một đặc ân, kể mình như một thai nhi sinh thiếu tháng (c. 8). Điểm chính Phao-lô muốn nói là, phục sinh là một kinh nghiệm bản thân của ông. Phao-lô cho biết: "Tôi sống không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi" (Ga-la-ti 2:20).
Chúng ta cũng cần được đối diện với Chúa phục sinh như Phao-lô để thật sự đứng vững vàng và giữ niềm tin đó. Mỗi chúng ta cần nói được như lời bài hát: "Nếu hỏi chứng cớ Chúa sống đâu nào, rằng Chúa sống trong lòng nầy!" Gia-cốp sau nhiều năm không thấy mặt con, ông nghĩ Giô-sép đã chết cho đến khi ông thấy xe cộ Giô-sép gởi về để đón ông. Dù chưa gặp lại con, ông nói: "Thôi, biết rồi, Giô-sép, con trai ta hãy còn sống!" Với những bằng chứng về sự sống lại, chúng ta cũng nói được như vậy: "Tôi biết Chúa tôi đang sống, Chúa đang sống trong tôi!"
II. Tầm Quan Trọng Của Phục Sinh (câu 12-20)
Lý luận của Phao-lô trong phần nầy hơi dài dòng nhưng để nhấn mạnh một điểm quan trọng: nếu Chúa Giê-xu không sống lại thì chẳng còn gì để nói nữa! Vấn đề của người Cô-rinh-tô lúc bấy giờ là không tin có sự sống lại và có những người chủ trương rằng không có sự sống lại (c. 12b).
1. Nếu không có sự sống lại thì Chúa Giê-xu cũng không sống lại (c. 13)
Nếu Chúa Giê-xu không sống lại thì:
(1) Phao-lô giảng dạy luống công, c. 14a.
(2) Đức tin người tín đồ vô ích, c. 14b.
2. Nếu không có sự sống lại thì Đức Chúa Trời không làm cho Chúa Giê-xu sống lại (c. 15a)
Nếu Đức Chúa Trời không làm cho Chúa Giê-xu sống lại mà Phao-lô rao giảng như vậy thì ông là người làm chứng dối cho Đức Chúa Trời (c. 15b).
3. Nếu không có sự sống lại thì Chúa Giê-xu không sống lại (câu 16)
Nếu Chúa Giê-xu không sống lại, hai điều sau đây sẽ xảy ra:
(1) Đức tin của chúng ta vô ích, chúng ta vẫn còn sống trong tội lỗi, c. 17.
(2) Những người đã chết sẽ phải hư mất đời đời, c. 18.
4. Nếu không có sự sống lại thì Chúng ta chỉ có hy vọng về đời nầy mà thôi và như vậy chúng ta là những người đáng thương nhất trên đời!
Không có sự sống lại thì Chúa Giê-xu không sống lại và nếu Chúa Giê-xu không sống lại thì sự giảng dạy (kể cả bài viết nầy) luống công, đức tin của quý vị đang đọc bài nầy trở thành vô ích. Không có sự sống lại nghĩa là người giảng nói dối, người tin không được tha tội, quý vị sẽ hư mất đời đời và tất cả chúng ta là những con người đáng thương nhất trần gian! Nói tóm lại, Chúa Giê-xu không sống lại là không có gì cả.
Sau những lý luận đó, Phao-lô bắt đầu câu 20 bằng chữ "nhưng": "Nhưng bây giờ Đấng Christ ĐÃ từ kẻ chết sống lại." Có thể nói, đây là chữ NHƯNG "lớn" nhất trong Kinh Thánh vì những gì sau chữ "nhưng" nầy đã thay đổi tất cả. Chúa Giê-xu đã thật sự sống lại: Chúa ĐÃ từ kẻ chết sống lại, đây là một SỰ KIỆN, không phải suy luận hay dự đoán. Như vậy, chúng ta thấy sự sống lại là thật (1-11), sự sống lại là chuyện phải có, không có không được (12-20). Nhưng sự sống lại xảy ra như thế nào?
III. Phương Cách Phục Sinh (câu 35-49)
Độc giả có thể đồng ý với Phao-lô là có sự sống lại, nhưng làm sao sống lại được khi thân thể đã tan thành tro bụi hay rữa nát trong lòng biển? Họ đặt câu hỏi: "Người chết sống lại thể nào, lấy xác nào mà trở lại?" (c. 35).
Có ba câu trả lời cho câu hỏi nầy:
1. Chết là điều cần thiết để sống lại (c. 36)
Quan sát thiên nhiên, chúng ta thấy mọi sự vật đều đi qua tiến trình từ chết đến sống. Sự sống lại không thể xảy ra nếu không qua bước đầu tiên là cái chết. Gieo hột giống xuống đất, ta biết là hột giống phải bị hư hoại, rữa nát, rồi mầm sống mới từ đó vươn lên. Phải chấp nhận sự chết, ta mới kinh nghiệm sự sống lại. "Vật gì ngươi gieo, nếu không chết đi trước đã thì không sống lại được" (c.36).
2. Hình thể lúc gieo và hình thể lúc mọc là hai hình thể khác nhau (c. 37-38)
Nói cách đơn giản là cũng giống như thực vật, ta gieo cái hột nhưng mọc lên là cái cây, đó là hai hình thể khác nhau, phát xuất từ cùng một nguồn. Con sâu biến thái thành con bướm cũng là hai hình thể khác nhau của cùng một côn trùng. Sự chết và sống lại cũng vậy, thân thể lúc chết và thân thể lúc sống lại khác nhau. Chúa Giê-xu sau khi sống lại vẫn có thịt xương (Lu-ca 24:39), nhưng Ngài có thể đi vào nhà khi cửa vẫn đóng (Giăng 20:19). Đó là sự khác nhau giữa thân thể trước và sau phục sinh. Sứ đồ Giăng cho biết, trong ngày cuối cùng "biển đem trả những người chết mình chứa" (Khải 20:13). Sống lại với một thân xác khác là điều sẽ xảy ra dễ dàng, trong nháy mắt (c. 51-52).
3. A-đam và Chúa Giê-xu tiêu biểu cho tiến trình phục sinh (c.45-49)
Thân xác chúng ta đang có đến từ A-đam còn thân xác chúng ta sẽ có đến từ Chúa Giê-xu. Nếu chúng ta đang mang thân xác như A-đam, chúng ta cũng sẽ mang thân xác như Chúa Giê-xu (c. 49).
Trong các chuyện khoa học giả tưởng, muốn di chuyển từ nơi nầy đến nơi kia cho nhanh, con người được tan biến thành ánh sáng và khi đến nơi, ánh sáng đó kết hợp lại trở thành người. Trong đầu óc tưởng tượng, con người còn có thể nghĩ đến điều đó, đây chắc chắn là việc quá dễ dàng đối với Chúa toàn năng.
Vì phục sinh là thật, là chuyện phải có và có thể thực hiện dễ dàng nên chúng ta có hy vọng.
IV. Hy Vọng Phục Sinh (câu 50-57)
Phục sinh sẽ xảy ra dễ dàng nhưng đây là một huyền nhiệm mà chúng ta chỉ có thể hiểu trong cái nhìn tâm linh (c. 50). Đây là những hy vọng của chúng ta trong cái nhìn đó:
1. Một số người sẽ vẫn còn sống trong ngày Chúa trở lại: "Chúng ta sẽ không ngủ hết" (c. 51a).
2. Dù còn sống hay đã chết, tất cả đều sẽ được biến hóa, nghĩa là mang một thân thể mới: "Hết thảy đều sẽ biến hóa" (c. 51b). Thân xác bệnh tật, già nua, hư hoại nầy sẽ không còn.
3. Sự chết sẽ không còn (c. 54).
4. Sự chết đến từ tội lỗi: "Cái nọc sự chết là tội lỗi" (c. 55), nhưng Chúa Giê-xu là Đấng chiến thắng (c. 57) cho nên phần thắng chắc chắn về phía chúng ta.
Tất cả những điều trên là chân lý nhưng mang tính cách lý thuyết và trừu tượng, ứng dụng vào đời sống, ta phải nhìn vào:
V. Thực Tế Phục Sinh (c.58)
Đây là câu thường được trích để khích lệ chúng ta hầu việc Chúa, nhưng bối cảnh của lời khuyên nầy chính là sự việc Chúa phục sinh. Vì sự phục sinh là điều có thật, là sự việc phải xảy ra, là điều Chúa có thể thực hiện dễ dàng, nhanh chóng vì Chúa đã chiến thắng và là hy vọng của chúng ta, cho nên có ba điều chúng ta cần làm:
1. Vững vàng
Dao động về đức tin, nghi ngờ, đặt câu hỏi... là những điều dễ xảy ra khi đối diện với hoàn cảnh và thực tế chung quanh. Người tin Chúa cũng không thoát khỏi điều nầy, tuy nhiên có một cách giúp chúng ta không nao lòng, đó là ghi khắc và nắm vững vào niềm tin phục sinh. Một con tàu có thể đứng yên, không bị dao động dù sóng gió dập dồi nhờ cái neo; niềm tin vào sự phục sinh chính là cái neo cho linh hồn chúng ta giữa cuộc đời phong ba của giáo lý giả mạo và đạo đức suy đồi.
2. Chớ rúng động
Rúng động là ngược lại với vững vàng. "Chớ rúng động" hàm ý bảo chúng ta đừng để cho bất cứ một sức mạnh nào làm cho mình thay đổi lập trường, niềm tin hay lòng kiên trì. Chúng ta sẽ không nao lòng nhưng kiên trì khi biết rằng Chúa của chúng ta đã chiến thắng và chúng ta đang ở về một phía với Ngài.
3. Làm công việc Chúa cách dư dật
Vững vàng và không rúng động là tiêu cực, trên phương diện tích cực, niềm tin phục sinh thúc đẩy chúng ta phục vụ Chúa càng thêm. Lý do thúc đẩy chúng ta phục vụ là chúng ta biết đây là một đầu tư đúng. Những lúc chúng ta bỏ thì giờ để làm một việc gì đó nhưng cuối cùng mới biết đó là việc không cần thiết hay chẳng mang lại lợi ích gì, chúng ta cảm thấy tiếc những thì giờ đó vô cùng, chúng ta gọi đó là "công dã tràng." Nhiều việc ở đời nầy sẽ trở thành công dã tràng nếu chúng ta không chọn đúng điều phải làm. Riêng trên phương diện phục vụ Chúa, tất cả thì giờ, tiền bạc, sức lực của chúng ta dâng cho Chúa sẽ không bao giờ trở thành vô ích vì Chúa của chúng ta đã sống lại. Chúng ta phục vụ cho một đối tượng sống.
Có những người xếp hàng hàng tiếng đồng hồ để mua vé nghe một buổi hòa nhạc, có người bỏ cả ba ngày ngủ ngoài đường để được nhìn mặt một tài tử, có những bạn trẻ bằng lòng lái xe hàng giờ đồng hồ để gặp mặt người yêu trong vài phút... Nếu hỏi những người đó có đáng hay không, họ sẽ trả lời là có vì đó là điều họ đeo đuổi. Chúng ta cũng cần đặt cho mình những câu hỏi tương tự: Những thì giờ, tiền bạc, sức lực tôi đã sử dụng cho những mục đích nào đó có đáng hay không? Nếu tôi dành tất cả để hầu việc Chúa thì câu trả lời chắc chắn là "chẳng phải là vô ích đâu!" Chúng ta không phải là dã tràng, chúng ta tin vào một Chúa sống, phục vụ Chúa hết lòng chúng ta sẽ không bao giờ thất vọng.
Một vị tướng Nga tin vào chủ nghĩa của mình, suốt đời hy sinh cho chủ nghĩa đó. Khi chủ nghĩa thất bại, ông đã tự tử với dòng chữ: "Tôi đã hy sinh suốt cả cuộc đời vô ích!" Chúng ta tin Chúa Giê-xu phục sinh và vì vậy sẽ làm tất cả cho Chúa vì biết chắc chắn rằng công khó của mình sẽ không bao giờ vô ích!
Mục Sư Nguyễn Thỉ
Trích: Thông Công