Đà-Lạt, kỷ niệm ban đầu.
Nguyễn Đỗ Lâm Viên
Hà Nội-Đà Lạt, 1954.
Hiệp định Genève chia đôi đất nước được ký ngày 20 tháng 7 năm 1954 khi Chương mới 12 tuổi. Hồi đó Chương mới đỗ xong bằng Tiểu học ở Hà Nội trong kỳ thi đầu tháng 6. Cậu học trường tiểu học Lý Thường Kiệt, còn gọi là trường Sinh Từ và nhà cậu ở phố Hàng Bột. Mỗi ngày đi học cậu phải đi qua con đường sát Văn Miếu Quốc Tử Giám. Hồi đó, cậu còn quá nhỏ để hiểu biết về tình hình chính trị, quân sự rất nghiêm trọng đang diễn ra trên đất nước. Cậu chỉ thấy bố cậu ngày nào cũng xem tờ nhật báo Tia Sáng và bàn bạc với mẹ cậu về công việc làm ăn, buôn bán. Thỉnh thoảng có những ông bạn của bố cậu, hoặc những ông chú, ông bác đến chơi và bàn bạc về thời sự ở ngoài phòng khách. Hình như đề tài chính của các vị hồi đó, mà Chương nghe lóm được, là về trận chiến Điện Biên Phủ, việc chia đôi đất nước, vấn đề di cư vào Nam hay ở lại Hà Nội v…v…
Khoảng ba tuần sau, ông anh cả của cậu, hồi đó 24 tuổi và là Trung Úy Ngự Lâm Quân ở Đà Lạt, đã bay ra Hà Nội với ý định đón cả gia đình vào đây. Mấy ngày đêm liên tiếp, anh đã thuyết phục bố mẹ di cư vào nam. Bố Chương, một nhà thầu khoán công chánh, thì lừng khừng vì còn dở dang nhiều công tác xây dựng và thật sự thì ông có cảm tình với phía Việt Minh mà ông cho là có công lấy lại được nền độc lập nhờ đó đất nước thoát khỏi sự đô hộ của người Pháp. Mẹ cậu thì phân vân không biết quyết định ra sao. Cho đến khi ông anh cậu đưa ra tấm hình của một thiếu nữ khá đẹp và nói với các cụ là anh đã quen và muốn cưới cô đó, nếu các cụ không vào nam để cưới vợ cho anh thì anh có thể sẽ sống độc thân suốt đời. Mẹ Chương vốn vẫn mong ước trưởng nam của mình có gia đình, có con trai để nối dõi tông đường, nên khuyến dụ bố cậu cứ vào nam lo việc gia đình cho con trai đã rồi sẽ tính sau. Trong một bữa cơm chiều chỉ có bốn người, bố mẹ Chương, ông anh cả và cậu, ông anh đưa vấn đề ra “biểu quyết”, ông cho biết là bà cụ và ông đã quyết định di cư, ông cụ thì còn lừng khừng như muốn ở lại, còn Chương thì sao. Không ngờ mình lại quan trọng đến thế, và vốn vẫn mong ước được đi xa, nhất là vào Đà Lạt, một thành phố rất đẹp mà cậu đã thấy qua những hình ảnh ông anh gửi về, Chương hào hứng nói muốn di cư. Bố cậu cuối cùng phát biểu “Ừ thì đi, nhưng nếu vào đó mà chán là tao về lại ngoài này à.” Sau đó bố mẹ cậu lo thu xếp trong bí mật mọi công việc, tiền bạc, y phục và những thứ linh tinh, để chuẩn bị vào nam. Căn nhà hai tầng của các cụ ở phố Hàng Bột được bán lại trong sự kín đáo cho ông chú ruột thứ ba của cậu. Ông chú này có một cửa tiệm bán vải ở phố Hàng Đào và nhất định ở lại vì bà vợ có mấy người em đi kháng chiến sắp về. Ông anh và mẹ Chương dặn đi dặn lại cậu là không được tiết lộ cho bất cứ ai biết về dự tính của gia đình vì người của Việt Minh đã bắt đầu len lỏi về hoạt động trong lòng Hà Nội và họ đang dùng đủ mọi thủ đoạn để ngăn cản những ai muốn di cư.
Một buổi sáng, mới ngủ dậy, ông anh cả nói nhỏ với bố mẹ Chương và cậu là chiều nay sẽ rời nhà để đến một nơi an toàn, chuẩn bị lên đường. Sau đó ông anh cậu, trong y phục dân sự, ra đi với một ông chú họ trên một chiếc xe Citroen traction mầu đen để lo công việc. Trong khi bố mẹ Chương có vẻ bồn chồn, ưu tư, lưu luyến thì lòng Chương lại khấp khởi vui mừng. Cậu chỉ mang theo một cái cặp với mấy cuốn sách học của chương trình lớp nhất để chuẩn bị thi vào đệ thất mà thôi. Quần áo của Chương được để chung trong valise với ông bố. Sau bữa ăn trưa là cậu đã y phục chỉnh tề như sắp đi học, ngồi ngay ở chiếc ghế bên cửa sổ cùng với ông chú ruột và nhìn ra đường để canh chừng lúc ông anh về.
Khoảng 3 giờ chiều hôm đó, chiếc xe hơi của ông chú họ trở lại dừng trước nhà, Chương vội vàng mở cửa chính. Ông anh cậu bước vào nhà rất nhanh và xách hai chiếc valise ra xe trước. Lập tức bố mẹ cậu và cậu cũng ra theo, chui ngay vào hàng ghế sau xe, ông anh đóng sập cửa lại, leo lên ngồi ghế trước và ông chú liền lái đi chớp nhoáng trước con mắt ngạc nhiên, sững sờ của những người hàng xóm.
Chiếc xe lái tới cổng sắt một dinh thự có lối kiến trúc Pháp thật uy nghi. Ông anh cho biết đây là Biệt điện của Quốc Trưởng Bảo Đại. Sau khi ông xuống đưa một tờ giấy cho người lính gác, cổng sắt bèn được mở ra cho chiếc xe chạy vào. Ông đại úy chỉ huy trưởng Biệt điện này, từ văn phòng bước ra, bắt tay anh cậu và mời cả nhà vào văn phòng nói chuyện một lúc. Trong văn phòng, Chương thấy hai bức hình Quốc Trưởng Bảo Đại và Hoàng Hậu Nam Phương khá lớn được treo trang trọng trên tường. Sau đó một ông trung sĩ được gọi tới để dẫn mọi người vào một căn phòng có bốn chiếc giường ở tầng dưới Biệt điện, có lẽ là phòng vãng lai của các sĩ quan, công chức thuộc văn phòng Quốc Trưởng mỗi khi đi công vụ. Mọi người lớn thở phào nhẹ nhõm vì bây giờ mới thật sự an toàn. Họ nói về một số vụ bắt cóc người gần đây đã xẩy ra ở Hà Nội, về những khu chợ trời bán đủ loại đồ đạc mọc lên ở nhiều nơi, về một số nhân vật nổi tiếng, về những nhà giầu trong thành phố đã di cư, linh tinh đủ thứ chuyện.
Buổi tối cả nhà đi xe hơi đến nhà hàng Phú Gia bên bờ hồ Hoàn Kiếm để ăn bữa tối cuối cùng trước khi giã từ Hà Nội. Đây cũng là lần đầu tiên Chương được bước chân vào cái nhà hàng sang trọng này. Nhân viên phục vụ mặc đồng phục sơ-mi trắng dài tay, thắt nơ đen ở cổ thật lễ phép và lịch sự khác hẳn những tiệm ăn bình dân mà cậu thường được bố dẫn vào mỗi tháng khi cậu học giỏi, đứng hạng nhất, hay nhì ba trong thông tín bạ và có tên trên bảng danh dự. Ăn xong, ông chú họ còn chở cả nhà đi một vòng quanh Hồ Gươm, qua các phố Hàng Đào, Hàng Quạt, Hàng Ngang, Hàng Bông, lúc này các cửa tiệm đều đã đóng, rồi qua vườn hoa Canh Nông, trường Albert Sarraut và cuối cùng mới về lại Biệt điện.
Vào trong phòng, người lớn vẫn còn rì rào nói chuyện, Chương nghe lóm được một lúc thì mắt díp lại và cậu chìm vào giấc ngủ với nguyên cả bộ quần áo đi chơi vì ông anh đã dặn cả nhà cứ mặc sẵn như vậy để sáng sẽ đi sớm. Nửa đêm hình như trời đổ mưa khá lớn, nhưng Chương vẫn ngủ say.
Cậu đang ngon giấc thì bà mẹ đã đánh thức dậy để lên đường. Nghe nói mới gần 4 giờ sáng. Cả nhà cậu bước ra sân sau Biệt điện, ở đó đã có sẵn một chiếc xe camion nhà binh đang nổ máy, loại xe chở binh lính đi hành quân vẫn thường chạy ngang nhà cậu. Trời vẫn mưa rả rích nên xe có căng bạt ở trên nóc và hai bên hông. Bố cậu đỡ mẹ cậu bước lên xe, ông anh thì đỡ cậu. Trên xe còn có thêm vài người lính có đeo súng. Chương thấy sờ sợ vì không khí có vẻ gì nghiêm trọng quá. Rồi chiếc xe chuyển bánh, ra khỏi cổng sắt
Biệt điện. Vì ngồi trong xe bít bùng, lại tối om om, nên thỉnh thoảng Chương cố nhìn ra ngoài qua khe hở của tấm bạt, chỉ thấy đường phố âm thầm vắng lặng và những ngọn đèn lù mù trong màn mưa. Chiếc xe chạy lên cầu Long Biên trên dòng sông Hồng. Sau đó xe chạy loanh quanh một đoạn đường dài nữa và tới phi trường Gia Lâm. Gia đình Chương xuống xe cùng các người lính. Xung quanh Chương thấy lố nhố nhiều người, kẻ đứng, người đi, ai cũng có vẻ bận rộn. Ông anh hướng dẫn cả nhà vào quầy của khu phi cơ quân sự. Ông đưa giấy tờ cho một cô đầm, hai người nói với nhau toàn bằng tiếng Pháp. Sau đó một người hạ sĩ quan Pháp dẫn cả nhà Chương qua một cái cổng có lính Pháp gác để ra sân bay. Bây giờ trời đã gần sáng và Chương thấy có nhiều chiếc phi cơ đang đậu. Ông anh cho biết là giấy tờ của Ngự Lâm Quân cho phép gia đình được đi nhờ phi cơ nhà binh Pháp. Đây cũng là lần đầu tiên bố mẹ Chương và cậu được đi phi cơ. Người hạ sĩ quan Pháp dẫn mọi người tới tận cửa phi cơ. Mọi người bước lên một cái thang nhỏ vào lòng phi cơ. Hóa ra đây là một phi cơ chở lính nhẩy dù, bên trong trống trơn không có ghế ngồi như những phi cơ thương mại mà chỉ có hai bên hai hàng ghế sắt gắn sát lườn máy bay, không có chỗ tỳ tay và mọi người ngồi trên đó dựa lưng vào thân máy bay. Hành lý mang theo để ngay trước chỗ ngồi. Ở phía trên gần phòng lái đã có một nhóm lính Pháp ngồi rồi, họ đang xì xào nói chuyện. Gia đình Chương loay hoay tìm chỗ ngồi ở phía sau, chẳng có nệm gối gì cả và cũng không có thắt lưng an toàn luôn! Chương đếm được tất cả có 25 người lính Pháp và 5 người của gia đình cậu. Lòng phi cơ vẫn còn rộng chỗ. Rồi hai sĩ quan phi công người Pháp bước lên, dơ tay chào mọi người và đi vào buồng lái. Một lúc sau phi cơ mở máy, Chương nhìn qua cửa sổ thấy cánh quạt quay tít, rồi tiếng bánh xe lăn trên phi đạo, thân phi cơ rung rinh, máy rồ mạnh hơn, phi cơ lăn bánh nhanh hơn rồi cất cánh lên cao. Ông anh cậu nhắc mọi người nhìn qua cửa sổ để thấy Hà Nội trên cao một lần chót. Chương hơi thấp nên không thấy được nhiều chỉ nghe ông anh kêu :“Cầu Long Biên đó, Hồ Gươm kia kìa chú thấy không ạ?” Khi phi cơ đã bình phi, ông anh ngồi gần một người lính Pháp hỏi chuyện. Một lúc sau ông nói lại cho ông chú và bố mẹ cậu biết là nhóm lính đó được đi nghỉ phép ở Đà Lạt, trong đó có một số người thoát chết ở Điện Biên Phủ và sắp được về nước.
Chương đang lơ mơ ngủ gật thì nghe giọng ông anh nói : “Nhìn dẫy Trường Sơn kìa, mình bay ngang miền Trung rồi”. Cậu mở mắt, quỳ lên ghế sắt, nhìn qua khung cửa sổ phi cơ thì thấy một dải núi ở dưới xa xa xen lẫn màu nâu đậm của đất và mầu xanh của rừng cây. Rồi Chương lại nhắm mắt ngủ tiếp. Cậu bỗng thấy máy bay rung động mạnh và hình như hơi nghiêng đầu về phía trước, có lẽ đang từ từ hạ cao độ. Nhìn ra ngoài cửa sổ cậu thấy phi cơ hạ thấp dần, rồi những rừng cây xanh ngắt, những con đường đất đỏ như mầu gạch và cuối cùng bánh phi cơ chạm mặt đất, lăn từ từ rồi dừng hẳn. Một lúc sau phi cơ im tiếng máy, cửa mở ra, một luồng gió lạnh tràn vào thay thế cho cái không khí ngưng trệ trong lòng phi cơ trước đó. Chương cảm thấy thật dễ chịu. Mấy người lính thượng đẩy một cái cầu thang có bánh xe bên dưới tới sát cửa phi cơ. Những người lính Pháp lịch sự nhường gia đình cậu xuống trước. Mẹ cậu được ông anh dìu xuống cầu thang, bố cậu dắt cậu và ông chú họ xuống cuối cùng xách theo hai cái valise. Phi trường này không có nhiều phi cơ và hành khách như Gia Lâm. Hầu như chỉ có chiếc phi cơ nhà binh chở gia đình cậu vừa hạ cánh và ở xa xa cuối phi đạo có một chiếc bà già sắp cất cánh thì phải. Ông anh cho biết đây là phi trường Liên Khàng cách Đà Lạt 30 cây số. Hồi đó người ta gọi như vậy chứ không phải là Liên Khương như sau này. Cảm giác đầu tiên mà mọi người đều nhận thấy là không khí thật mát mẻ dễ chịu nếu so sánh với không khí Hà Nội mà Chương mới lìa xa. Lần đầu tiên cậu được thấy một cánh rừng xanh lung linh trong ánh nắng thu vàng. “Đẹp tuyệt!” dù chỉ mới 12 tuổi, cậu đã thốt nên câu tán thán đó, khiến bố mẹ cậu bật cười.
Mọi người bước vào phòng đợi trong một căn nhà toàn bằng tôn, không lớn lắm,có một cái quầy phụ trách phi cơ dân sự với hai người đang làm việc và một quầy cho phi cơ quân sự chỉ có một người hạ sĩ quan Việt đang hí hoáy viết. Người đi lại trong phòng cũng thưa thớt.
Cả nhà đang bước ra cửa thì một người lính vừa bước vào và chào anh cậu đồng thời nói là đã có xe đợi ở phía ngoài. Mọi người lên một chiếc command car, loại xe này lớn hơn xe jeep một chút và có cần máy truyền tin cong cong trên mái vải bạt. Khi mọi người đã ngồi yên đâu đó, người lính tài xế rồ máy và chiếc xe chạy trên một con đường nhỏ trải nhựa bên trong phi trường trước khi ra quốc lộ. Con đường đèo ngoằn ngoèo, mà ông anh cho biết tên là đèo Prenn, hai bên là rừng thông xanh ngắt trùng trùng điệp điệp. Thỉnh thoảng có những khoảng trống cho thấy cả một vực sâu và những dẫy đồi núi xa xa in hình trong khung trời xanh có điểm những vầng mây trắng. Chương cứ suýt soa “Đẹp quá, đẹp quá!”. Là một cậu bé sinh ra ở Hà Nội, rất ít khi được đi chơi xa, có bao giờ cậu được nhìn thấy tận mắt một khung cảnh núi rừng bao la hùng vĩ như vậy đâu. Tất cả đều quá mới lạ, quá tuyệt vời đối với cậu.
Rồi chiếc xe chạy ngang một đọan có tiếng thác reo, ông anh chỉ tay xuống một dòng thác bên dưới, đó là thác Prenn. Chiếc xe chạy tiếp một đoạn đường đèo quanh co nữa là đến một khu đã có lác đác những ngôi biệt thự bên đường, hoặc cách xa đường và ẩn hiện trong rừng cây. Ông anh cho biết đây là đường Prenn. Chiếc xe lên đến đầu một ngọn dốc, rồi rẽ về phía trái, đi thêm một đoạn và ngừng trước Hotel du Parc. Cả nhà xuống xe, người tài xế giúp mang hành lý vào phòng đợi chính của khách sạn. Cũng lại là lần đầu tiên Chương được bước vào một khách sạn, mà lại là một khách sạn sang trọng cho du khách ngoại quốc và Việt Nam; đây cũng là nơi cư trú của một số sĩ quan Ngự Lâm Quân độc thân, trong đó có ông anh của cậu. Khách ra vào cũng khá đông lúc này. Có nhiều người ngồi ở những bộ salon trong lobby.
Sau khi tới quầy quản lý lấy chìa khóa, anh cậu nhờ hai người bồi trẻ tuổi mang hành lý và dẫn cả nhà lên một chiếc cầu thang rồi đi theo một đoạn hành lang nữa mới tới căn phòng. Chương bước tới gần cửa sổ nhìn ra ngoài, cậu thấy một hàng thông thật lớn bên lề đường và phía xa kia còn một tòa nhà nữa khá lớn nằm trên một sườn đồi thấp. Ông anh cho hay đó là khách sạn Palace mà phía trước là Hồ Đà Lạt ở khuất bên dưới (thủa đó hình như chưa có tên hồ Xuân Hương).
Trong khi Chương vẫn ngồi bên cửa sổ nhìn ra ngoài đường phía dưới, thì bố mẹ và anh cậu nằm nghỉ trên hai chiếc giường kê song song trong phòng. Một lúc sau ông anh cậu nhìn đồng hồ tay, thấy đã hơn 5 giờ chiều, bèn lên tiếng mời bố mẹ chuẩn bị đi ăn tại Câu lạc bộ sĩ quan. Cả nhà lại ra khỏi phòng, xuống lầu, và ra chỗ đậu xe leo lên một chiếc xe jeep và anh cậu tự lái. Trên đường anh vừa lái xe vừa chỉ chỏ những công thự như dinh Thị Trưởng, dinh của Quốc Trưởng Bảo Đại, biệt thự của Đại tá Nguyễn Tuyên, chỉ huy trưởng Ngự Lâm Quân v…v… trước khi tới một biệt thự khác xa hơn là Câu lạc bộ Sĩ quan Ngự Lâm Quân. Gia đình Chương bước vào cửa, anh cậu gặp một số bạn bè sĩ quan và giới thiệu bố mẹ và cậu với mọi người. Ai cũng ngỏ lời chào mừng vồn vã. Ông Trung sĩ quản lý ra mời gia đình cậu vào ngồi ở một cái bàn trong góc phòng ăn. Sau đó những người lính mang thức ăn ra bầy lên bàn với cung cách rất lịch sự, lễ phép.
Sau bữa ăn, trước khi về khách sạn, anh cậu còn lái xe một vòng qua nhà Thủy tạ, cầu Ông Đạo, lên một con dốc dẫn tới chợ, bây giờ đã gần tối nên chỉ có thưa thớt người. Quanh chợ Chương thấy có nhiều dẫy cửa tiệm và một bến xe ngựa. Rồi ông anh lái xuống một con đường dốc được gọi là đường Maréchal Foch, vòng qua khu nhà đèn, Petit Lycée, tới đường Yersin có doanh trại Ngự Lâm Quân, ngang qua trường Nazareth, nhà thờ chính tòa, cuối cùng mới trở về khách sạn. Những ngày sau đó anh cậu phải đi làm. Một hôm bố cậu dẫn mẹ cậu và Chương đi loanh quanh khách sạn để khám phá Đà Lạt. Ba người xuống lầu, đi bộ ra ngoài đường, ngang qua khách sạn Palace, rồi xuống nhà Thủy Tạ ở bên này hồ mà phía bên kia có ngọn đồi không cao lắm với những khóm thông và cỏ xanh tươi. Rồi cả ba người lững thững leo lên một con dốc dẫn lên nhà thờ, hôm nay Chương mới thấy rõ tượng một con gà ở trên nóc nhọn. Rồi sau đó họ về lại khách sạn nghỉ ngơi. Những ngày sau đó cả nhà không phải chạy xe vào tận Câu Lạc Bộ sĩ quan để ăn trưa và tối nữa mà đã có người giao cơm tháng đến tận phòng.
Tuần sau, vào một ngày nắng đẹp, ông chú họ tới dẫn bố Chương và cậu đi nộp đơn thi vào lớp đệ thất trường Trung Học Phương Mai, nghe nói là mới thành lập. Ông cũng nộp đơn xin thi cho hai con trai của ông luôn. Thật may mắn cho Chương và hai người em họ là vào Đà Lạt kịp thời để nộp đơn thi. Nơi nhận đơn là ở ngay ty Tiểu học tại con đường Missions (Nhà Chung) bên hông nhà thờ gần trường tư thục Trí Đức. Những ngày sau Chương lấy mấy quyển sách trong chiếc cặp của cậu mang theo từ Hà Nội, để bắt đầu học ôn chuẩn bị thi vào đệ thất. Hai tuần sau nữa Chương và hai cậu em họ cùng đến ngay trường Trí Đức đó để thi. Thí sinh không đông bằng kỳ thi Tiểu học ở Hà Nội mấy tháng trước. Có bốn bài thi về luận văn, toán, sử-địa, cách trí với thời gian hai tiếng cho mỗi bài; thi hai môn buổi sáng, hai môn buổi chiều. Chương làm bài rất khá. Thông cáo cho biết là sẽ lấy 80 học sinh cho hai lớp Đệ Thất của trường.
Chỉ một tuần sau đã có kết quả. Một buổi sáng, khoảng 10 giờ, từ khách sạn, bố Chương dẫn cậu xuống đường, thuê một chiếc xe ngựa để lên trường Phương Mai. Chương rất khoái vì đây là lần đầu cậu được đi xe ngựa. Chiếc xe chạy lọc cọc ngang nhà Bưu Điện, xuống con dốc trước nhà thờ, qua cầu Ông Đạo, rẽ vào con đường ven hồ, ngang qua con đường ven sân cù, ông đánh xe ngựa cho biết là vua Bảo Đại hay chơi golf ở đây. Xe ngựa leo lên một con dốc nhỏ, Chương thấy hiện ra một ngôi nhà hai từng mới xây xong với mái ngói đỏ, quét vôi mầu hồng, phải chăng vì trường mang tên công chúa Phương Mai. Cũng có một nhà chơi ở phía trước dẫy lớp học. Chương đếm được 10 phòng, 5 phòng trên lầu và 5 phòng ở dưới. Ngôi trường chưa có cổng và nằm phía trái khu đất mới được bạt phẳng, mầu đất còn vàng tươi, chưa có cây cối. Trả tiền ông đánh xe ngựa xong, hai bố con đi tới văn phòng đặt ở giữa dẫy dưới lầu. Danh sách thí sinh trúng tuyển được dán ở tấm bảng kê phía trước. Hai bố con chăm chú đọc và cùng reo lên “Đỗ rồi”! Chương đứng thứ 20 trên 80 thí sinh trúng tuyển chính thức, phía dưới còn một danh sách dự khuyết khoảng mười người. Hai người em họ của cậu cũng đỗ hạng 15 và 25. Vui quá, hai bố con ra về, và vì muốn xem thêm phố phường Đà Lạt, nên bố Chương đề nghị đi bộ, cậu hoan hỷ đồng ý ngay. Nhà cửa hai bên đường còn thưa thớt. Hai bố con đi xuống dốc chùa Linh Sơn, rẽ trái để ra chợ ở trung tâm thành phố, các sạp ở bên trong, phía ngoài là những người buôn bán lẻ, những hàng gánh bán linh tinh đủ thứ như rau, quả, mì quảng, xôi... Khu chợ này không lớn và đông như chợ Đồng Xuân Hà Nội. Đặc biệt có bến xe ngựa với những con ngựa mầu nâu, đen, hay trắng ngà, không sạch sẽ lắm và chúng phóng uế rất bừa bãi, tự nhiên. Một dẫy nhà buôn bán sau chợ có một hiệu thuốc tây, một nhà nhẩy đầm tên La Croix du Sud. Bên một con dốc, tới một dẫy khác có tiệm ăn Mékong, tiệm Saigonnais, tiệm Winh Hoa. Bố dẫn Chương vào một tiệm tầu ăn mì, buổi trưa nên khách khá đông, tiếng nói chuyện, tiếng bồi bàn ồn ào, hỗn độn. Ăn xong hai bố con lại đi tiếp, nhìn sang phía bên kia đường có tiệm bánh mì Winh Chan, nhà hàng Pháp Chic Shanghai, vài tiệm bán tạp hóa, thuốc bắc, trụ sở hãng hàng không Cosara…
Rồi hai bố con đi xuống một con dốc, phía bên trái là một thung lũng nhỏ trồng rau, giữa có một con đường dẫn tới một ngôi nhà mà người ta gọi là nhà Quản Đạo. Ngang qua cầu Ông Đạo, đúng ra là một cái đập nước nhỏ, nhìn về phía phải cũng có một khu trồng rau với một lạch nước chảy ở giữa, lạch nước này từ bên hồ lớn ở bên trái cầu chẩy ra. Đi lên một con dốc nữa, Chương thấy hiện ra nhà thờ lớn thật uy nghiêm. Cuối cùng hai bố con mới về tới khách sạn.
Hai tuần sau ông anh Chương được cấp cho một biệt thự trên đường Canivey (Lê Lai) gần khu Cam Ly hạ và cả gia đình dọn về đó. Khu này khá xa trung tâm thành phố và trường Phương Mai.
Một ngày thứ hai đầu tháng 10 năm 1954 trường Phương Mai khai giảng. 8 giờ sáng hôm đó học sinh các cấp lớp từ đệ tứ xuống đệ thất xếp hàng ngay ngắn trong sân để làm lễ chào quốc kỳ. Lá cờ mầu vàng với ba sọc đỏ được treo trên một cái cột gắn trên tầng hai chênh chếch 45 độ. Một anh học lớp Đệ Tứ đứng trên bực tam cấp dẫy dưới dơ tay bắt nhịp cho học sinh hát bài Quốc Ca. Sau đó thầy Hiệu trưởng Phạm Văn Nam ban huấn từ, cuối cùng các học sinh vào lớp học. Lớp của Chương là Đệ Thất A nam nữ học chung. Bốn bàn phía gần cửa ra vào dành cho nữ sinh, còn tất cả là nam sinh. Chương học chung với hai cậu em họ.
Giáo sư Việt văn và Công Dân năm đó là thầy Phạm Văn Phúc; phụ trách môn Pháp văn là thầy Trịnh Huy Tiến; môn Anh Văn là thầy Nguyễn Lệnh Tuấn, sau đó là thầy Vũ Hải Thuần; dậy Toán, Vạn vật và Hội họa là cô Đỗ Hoàng Hoa; dậy Địa lý là cô Nguyễn Khoa Diệu Liễu; dậy Sử Ký và Công Dân Giáo Dục là thầy Nguyễn Trọng; dậy Lý Hóa là thầy Vũ Chứ. Tình cờ chỉ có cô Diệu Liễu là người Huế còn các thầy cô kia là người Bắc cả. Những giờ học đầu, mỗi lần cô Diệu Liễu đọc bài cho học sinh viết, nhiều khi cô đọc “chấm phết”, Chương nghe không quen giọng Huế của cô nên tưởng là “chấm hết” và cậu buông bút nghỉ tay, thì liền đó cô lại đọc tiếp. Cậu thắc mắc hoài, tại sao đã “chấm hết” rồi mà còn viết tiếp vậy. Vì ở Hà Nội các thầy cô gọi dấu đó là “chấm phẩy”!
Thời gian đầu, buổi sáng Chương được đi học bằng xe jeep cùng với ông anh đi làm, buổi chiều cậu phải đi bộ về. Thời khóa biểu xếp học cả hai buổi, nên các buổi trưa Chương phải ở lại trường vì nhà ở xa. Cậu thường được mẹ thổi xôi để mang đi ăn trưa. Ăn xong cậu lang thang trên đồi cù với vài người bạn cùng ở lại trưa như cậu, hoặc ngồi học và làm bài ở trong lớp. Cũng có khi cậu chơi pingpong với các bạn trong nhà chơi, mà vì hồi đó chưa có bàn nên học sinh vẽ phấn trên sàn nhà chơi một hình chữ nhật, ở giữa dùng hai hòn gạch và một thanh gỗ làm lưới. Vậy mà mấy cậu học sinh nhỏ chơi rất hào hứng.
Vào dịp gần tết, trong trường có văn nghệ, Chương thấy các chị lớp lớn, đệ ngũ, đệ tứ gì đó, tập múa trong nhà ông cai trường. Mấy cậu học sinh nhỏ đứng ngoài cửa sổ ghé mắt vào xem bị các bà chị đuổi đi chỗ khác chơi.
Năm Đệ Thất Chương học cũng khá và được bảng danh dự cả năm. Nhưng đến hè năm 1955 thì bố Chương mang cả nhà xuống Nha Trang vì ông tìm được việc làm trong sở Công Binh dưới đó. Và thế là Chương phải giã từ Đà Lạt trong luyến tiếc, nhớ nhung dù lúc đó cậu mới 13 tuổi. Trước đó ông anh cậu phải đổi ra sư đoàn 15 đóng ở Ninh Hòa, vì Ngự Lâm Quân đã bị giải thể và sáp nhập vào Quân Đội Quốc Gia sau cuộc Trưng cầu Dân ý truất phế Quốc Trưởng Bảo Đại và suy tôn Thủ Tướng Ngô Đình Diệm lên làm Tổng Thống.
58 năm đã trôi qua*, biết bao nhiêu thăng trầm biến đổi trong lịch sử đất nước và trong cuộc đời, nhưng hình ảnh và kỷ niệm về Đà Lạt những ngày đầu tiên đó vẫn còn đậm nét trong ký ức của Chương .
“Ôi! Đà Lạt ơi…Nghe chăng niềm nhớ”.*
__________________________________________________
* Bài viết từ năm 2012.
** Lời cuối ca khúc Nhớ về Đà Lạt của Hoàng Trọng.
Gửi ý kiến của bạn