Tanzania, qua các tỉnh làng..
Trong suốt một tháng dành cho chuyến Tanzania Discovery, nhóm bạn 7 người được thăm nhiều National Parks và Game Reserves, rong ruổi trên Tanroads, đến thủ đô Dodoma và qua khá nhiều thành thị lẫn làng thôn.. Để thấy tuy không vướng phải những cuộc tranh chấp tôn giáo hay nội chiến tai hại và dai dẳng như ở nhiều nước bạn khác, nhưng cái nghèo khó và hụt hẫng, thiếu thốn muôn bề vẫn là thứ nghiệt ngã, một bất công đến khó tưởng dành cho đa số cư dân Tanzania, và cả trên nhiều trăm triệu dân chúng của Phi lục.
* Thủ đô hành chánh Dodoma
Du khách khi trò chuyện có nêu ngạc nhiên trước nhiều đền thờ được xây cất rất khang trang giữa bao khu gia cư quá sơ sài vá víu của người dân, thì được nghe giải thích: Các nhà truyền giáo tinh tường đến từ Âu Mỹ đã giảng dậy cho chúng tôi biết vì cuộc đời này chỉ là một trải nghiệm và thử thách theo thánh ý từ trời, vậy ta nên chấp nhận và phải sống tốt lành cùng hết lòng thờ phượng Thượng Đế, do quan trọng là ở niềm hạnh phúc trong chính sự sống vĩnh cửu của đời sau. Bạn thấy đó, khi con người khó có thể hy vọng điều gì hơn ở cuộc sống hiện tại, thì những ước mơ diễm tuyệt hay viễn ảnh nào cũng có thể giúp họ chịu đựng để sống cho qua kiếp này vậy.
Làng Saadani -như trăm ngàn ngôi làng nhỏ của dân vùng xa khác trên xứ sở 52 triệu dân Tanzania, nằm trên con đường mòn dẫn vào Saadani National Park, với vài ngàn dân chủ yếu sống nhờ vào đàn gia súc gà, dê, bò, lợn rừng pha giống và những mảnh vườn nhỏ, hay có thể trồng trọt trên phần đất công của tỉnh bang Bagamoyo. Nhóm khách lạ ngồi uống bia lạnh dưới mái lá quán cóc gây hiếu kỳ, nên những viên kẹo xanh đỏ hay gói chocolat luôn tạo thiện cảm và nụ cười trẻ thơ.
.. Sau những chuyến safaris là tuần lễ thư giãn tại một lodge biệt lập ven biển, được nhàn nhã giữa nắng ấm và biển khơi, trên bãi cát vàng rũ bóng dừa xanh hướng ra bát ngát Ấn Độ Dương.
Kitame, khu nghỉ mát tư nhân nằm hẻo lánh trên một phần đất rộng, cách xa đường lộ hơn 1 giờ xe, và chỉ có 6 palm wood bandas /những căn chòi tiện nghi xây cất với gỗ và lá dừa trên sàn cao hay trên cọc "tree top hut", dành cho lượng khách nhỏ thông qua dịch vụ riêng. Theo xe ra thăm vài tỉnh làng chung quanh, qua con đường mòn nhỏ gập ghềnh đất đá mà 2 bên sống rải rác những người dân lam lũ trên mảnh vườn khô cằn, nhà tranh vách đất sơ sài đến khó thể nào hơn được.
Nhiều lần đi qua khu ruộng muối, thật ái ngại khi dừng xe quan sát, chụp ảnh.. Và càng ngại hơn trước cơ cực của những bàn chân trần và và đôi tay không, dầm bốc giữa làn nước đọng đặc sệt dưới nóng nắng chói chang "bán mặt cho đất bán lưng cho trời". Người bạn đứng gần nói thật nhỏ "Ai bảo ông Trời có mắt chứ tôi cho là không, ông Trời hay các thánh thần hoặc Thượng đế mà bao người vẫn khẩn cầu không thể nào có cặp mắt công bình, nhân ái khi nhìn xuống thế gian và nhân quần xã hội chúng ta được. Tôi đã có dịp đi khắp cùng thế giới, qua biết bao lục địa, thấy biết bao điều thê thảm vì nghèo đói, bịnh khổ, ê hề bất công và bất bình đẳng đến tai quái rồi.. Mà thật ra cũng chẳng cần đi xa để tận kiến, chỉ cần nhìn quanh hay mở tờ báo, xem TV thôi cũng đủ chạnh lòng và ngậm ngùi rồi".
*Mấy lần đi qua đều thấy cậu nhân công vất vả leo đổ đôi gánh trên đống muối cao.. Để nhớ lâu dài ánh mắt buổn đong đầy nỗi nhọc nhằn chịu đựng của cậu.
Cuộc sống ở thành thị và trên vùng biển Tanzania rất sôi động, người dân cần cù chịu khó khăn nắng gió kiếm sống. Những chiếc "xe ôm" có bên VN từ những năm 1970, đều thấy đầy rẫy trên hàng chục xứ Phi Châu mà BTX 69 có dịp ghé bước. Thỉnh thoảng nghe hỏi han mình là người nước nào, khi bảo là Việt Nam họ đều reo Oh.. Viet Nam good.. good, good rice! -Gạo Việt thuộc bậc trung, thường xuất cảng qua các nước Châu Phi, Ả-Rạp,
Phụ nữ Châu lục chuộng kiểu kết tóc đa dạng, từ rất dản dị như thắt bím hay se tóc ngắn thật sát da đầu, đến các kiểu dùng từng lọn dài hay nguyên cả bộ tóc rất đặc biệt bán sẵn để gắn thêm vào. Với họ từ ngàn xưa theo tập tục, phụ nữ có mái tóc dài lại được cầu kỳ chăm sóc là chứng tỏ địa vị cao quý hay sự giầu sang dư dả của gia đình. Quả thật, trên phố chợ thấy những người buôn gánh bán bưng vất vả đều cắt tóc rất ngắn, do tóc soắn khi ra dài không được tết gọn gàng sẽ rất bù xù, xơ xác. Phụ nữ bộ tộc Maasai hay trong các làng thôn nghèo đều cạo trọc, còn trên đường phố ở tỉnh thành lớn, khi các cô bà chưng diện váy áo đẹp thì luôn có kiểu tóc điệu đà rất tương xứng.
* Ghé thăm ngôi làng gần khu thư giãn Kitame, nơi sống tụ tập khoảng 500 người thuộc bộ tộc Zaramo. Họ không biết dùng quốc ngữ Swahili và chỉ ở quanh vùng nhà lo việc trồng trọt, nuôi gia súc. Trẻ em có vẻ không được dậy bảo chuyện học hành, chúng tụ tập chơi đùa, đứa lớn hơn phải ra đồng chăn đàn dê bò hay đi mót củi, hun than..
Hôm thăm làng, thấy đông đảo người kéo nhau ra bờ nước thả lưới, kéo lên một mẻ cá to. Cậu hướng dẫn Evordy lựa mua những con ngon nhất, cả một rổ cua còn bò lổn ngổn về luộc bia đãi mọi người.
Cũng gần Kitame, đến viếng một di sản Hồi giáo có tuổi đời 2 thế kỷ, gần như bị bỏ hoang giữa đồng xanh cây cỏ. Ngài Abdulla xưa là một thương gia Ả-Rạp giầu có, đã đến lập nghiệp cùng ra công xây cất đền thờ đấng Allah đầu tiên cũng như hết lòng truyền giảng Hồi giáo nơi đây. Dạo ấy đền rất tráng lệ và bề thế, thu hút nhiều tín đồ mới cũng như tấp nập người Ả-Rạp sống trong vùng, mỗi ngày bắt buộc phải 5 lần thi hành nghi thức Salat, từ sáng sớm đến đêm khuya: quỳ rạp xuống đất hướng về thánh địa Mecca đọc kinh dâng lời khấn nguyện đến đấng Allah. Sau, theo thời thế, ngai vàng của các vị Sultans sụp đổ bởi nền thống trị của vương quốc Anh, cùng với sự có mặt của các nhà rao truyền Anh Giáo, khiến Hồi Giáo mất dần ảnh hưởng, đền tháp nơi đây cũng tiêu tàn.. Ngày nay chỉ còn vài gia đình theo đạo Hồi sống trong khu vực, và một hậu duệ có nhiệm vụ làm ông từ giữ đền, rất hân hạnh đón khách viếng nghe ông kể về dòng dõi gia phong và thời thế khiến nhiều nhánh đạo cũng theo dòng đời mà chao đảo.
* Thành phố Bagamoyo,
Nằm trên miền đông vùng duyên hải hướng ra Ấn Độ Dương, cách thủ đô kinh tế Dar-es-Salaam và đảo Zanzibar 75km, Bagamoyo là thành phố đã ghi dấu ấn đa văn hóa trong dòng lịch sử của Tanzania. Hải cảng Bagamoyo được kiên cố thành lập vào thế kỷ 18 theo nhu cầu chuyên chở ngà voi, gỗ quý, copra/tinh chất dầu dừa và nhất là thuận tiện cho việc tạm giam đến nhiều triệu người từ tệ nạn nô lệ, để mang sang đảo Zanzibar "Central Slave Market", cũng là hải cảng chuyển tiếp quan trọng cho thương thuyền trên Ấn Độ Dương.
Bagamoyo theo thổ ngữ Swahili "Bwaga-Moyo" mang nghĩa rất nên thơ Lay down your Heart /Để lại con tim, nhưng thực tế thì rất khác, do Bagamoyo là điểm dừng bước của hàng hàng lớp lớp người da mầu bạc phận bị ruồng bắt, gông cùm trói buộc, áp giải đến đây từ nhiều vùng đất Phi lục. Họ bị nhốt trong những khu trại tạm giam trước khi bị tống xuống hầm tầu đem sang đảo Zanzibar không xa, tiếp tục cuộc bán buôn trên thân phận người, chủ yếu là cho miền Tân Thế Giới. Thế nên Lay down your Heart dành cho đoàn người thất thểu đi trên con đường vô vọng xuống bến tầu, được hiểu từ đây là vĩnh biệt. Họ đã mất tất cả "Give up all hope", chỉ còn con tim thổn thức để nhớ lại những ngày thơ thới sống trong an bình trên đất mẹ mà thôi.
*Con đường hun hút dài dẫn xuống hầm tầu... * Hướng ra Indian Ocean, đài tưởng niệm nạn nhân của những cuộc buôn người..
Bagamoyo, được dùng làm thủ đô của German East Africa vào thời Đức sang lập thuộc địa trên nhiều phần đất Phi lục vào cuối thế kỷ 19, cho hải cảng tầm quan trọng nhất vùng duyên hải Đông Phi Châu, trước khi thay thế bằng Dar-es-Salaam. Từ thế kỷ 13, Bagamoyo đã bắt đầu tiếp nhận các thương gia từ những bến bờ xa lạ ghé thuyền trao đổi hàng hóa cùng dần để lại dấu ấn văn hóa, đạo giáo, mỹ thuật.. Và càng khả quan theo thời gian sống chung hòa đồng với nhiều di dân đến lập nghiệp, họ xây dựng lên nhiều khu gia cư, phố thị, đền tháp..
*The Emmaculate Heart of Mary Parish *Congregation Fathers of The Holy Ghost
Còn giữ gìn được đa phần là dấu tích mang ảnh hưởng kiến trúc Ấn Độ và Ả-rạp, đồn trạm lính theo thời chiếm cứ của Đức và Anh, khu nhà tù từng giam giữ dân nô lệ, nhiều đền thờ đạo Hồi và dòng tu Kitô giáo, Bagamoyo Catholic Museum, Bảo tàng vinh danh vĩ nhân David Livingstone.. Ngày nay thành phố Bagamoyo đông đúc dân cư, kỹ nghệ đóng thuyền tầu khả quan, do có nhiều di sản lịch sử nên Bagamoyo được Tổ chức UNESCO phong tặng là một World Heritage Site. Bagamoyo cũng được biết đến như thành phố đã từng gìn giữ thi hài của mục sư Dr David Livingstone trước khi chuyển xuống thuyền sang Zanzibar, cho tầu lớn đem về Vương quốc Anh, an táng trong London Westminster Abbey.
Là một mục sư Anh Giáo vào thời hoàng gia nước nhà lập nhiều thuộc địa trên Phi Lục, Dr Livingstone khi mới 27 tuổi đã là người tiên phong sang Phi Châu truyền đạo, tìm hiểu, học nói thông thạo nhiều thổ ngữ, cả theo các khoa học gia khám phá nguồn gốc sông Nile, và cùng nhóm nhà thám hiểm Âu Châu đầu tiên thấy thác Victoria hùng vĩ. Qua nhiều năm chứng kiến biết bao thảm cảnh đến từ việc ruồng bắt, gông cùm ngược đãi, giam hãm như thú vật đến việc buôn bán bao thân phận giống người da mầu, và cũng từng kinh hoàng tận kiến bọn buôn người tàn sát dã man một lúc đến hơn 400 dân nô lệ chống đối.. Để quá phẫn nộ trước cảnh phi nhân tính, Dr Livingstone đã ngưng việc truyền giáo, tìm đến những làng mạc xa trên nhiều vùng đất Phi lục nhằm hiểu rõ thêm về tệ nạn này, cùng tìm cách ngăn chận thảm họa giáng xuống bao phận người, dù phải đối diện với lắm hiểm nguy, đến nỗi nhiều lần mọi người đều cho rằng ông đã mất tích, hay bỏ thân trong rừng thẳm. Mục sư Livingstone cũng rất tôn trọng và không hề gây ảnh hưởng để lôi cuốn những người dân mộc mạc Phi Châu theo Anh Giáo, mà luôn để họ tiếp tục sống với niềm tin từ đời cha ông. Dr Livingstone cũng ghi chép trong quyển nhật ký tất cả những điều bất hạnh vì tệ nạn bắt cóc biến người thành nô lệ. Sau được mang về Anh Quốc xuất bản và phổ biến rộng rãi, nhằm đánh động lương tâm quần chúng cùng giới hữu quyền. Quyển sách đã cho thanh danh ông bừng sáng, được ngưỡng mộ khắp trời Âu, như một nhà tiên phong trên lĩnh vực khoa học, khám phá, đạo giáo, đấu tranh.
Mang nhiều thứ bịnh nhiệt đới, Bác sĩ / Mục sư / Nhà thám hiểm David Livingstone, 1813-1873, qua đời tại Zambia trong niềm thương tiếc sâu xa của dân những bộ tộc mà ông đã từng sống chung đụng, cùng tận lực giúp đỡ với lòng nhân từ hiếm quý. Danh tiếng tranh đấu qua mục đích xóa bỏ chế độ nô lệ và từ tâm của ông cũng đã vang vọng bay xa, gây niềm tôn kính và cảm phục trên Phi Châu. Những người thân cận da mầu đã lấy quả tim của Dr Livingstone đem chôn dưới gốc một cây cổ thụ. Thân xác ông được ướp muối và thảo dược, bọc vải, để một đoàn đến 60 người liên tiếp thay nhau khiêng trong nhiều tháng, qua hơn 1600km từ Zambia đến Bagamoyo, đem xuống thuyền sang đảo Zanzibar, mang Dr Livinston về vương quốc mẹ. Lịch sử thế giới, và riêng sử học nước Anh luôn tôn vinh Dr Livingstone như một trong những vĩ nhân và anh hùng dân tộc được ngưỡng mộ nhất mọi thời đại. Tên tuổi Dr David Livingstone được vinh đặt cho rất nhiều thành phố, đại lộ và cơ quan công quyền quan trọng trên nhiều quốc gia, nhất là ở Phi lục.
*Theo tài liệu, từ năm 1650 đến 1860, trên các vùng biển Phi Châu có khoảng từ 10 đến 15 triệu người da mầu bị dùng bạo lực bắt cóc, mang đi làm nô lệ trên 3 miền Trung, Nam, Bắc lục địa Tân Thế Giới, và trên các đảo thuộc địa vùng biển Caribbean. Chế độ nô lệ trên thân phận người da đen chính thức được bãi bỏ năm 1873 -năm Dr Livingstone từ trần, nhưng vẫn bị lén lút tiếp tục đến nhiều chục năm sau. Ngày nay, giới truyền thông thế giới vẫn cảnh báo về một vấn nạn nô lệ cũng đáng kinh ngạc và dưới một dạng khác, liên quan đến khoảng 20 triệu trẻ em trai, gái và phụ nữ trên toàn thế giới. Nhiều người và nhiều quốc gia tuy rất ý thức về tệ nạn cho lợi nhuận lớn từ cung-cầu vào thời văn minh tiến bộ này, nhưng rõ ràng là chưa hề tìm ra phương cách nào thỏa đáng để giải quyết.
* Saadani National Park,
Tanzania có rất nhiều National Parks và Game Reserves to nhỏ đặc sắc khác nhau, nhưng đều khiến du khách hài lòng qua những cuộc safaris rất thú vị. Riêng chuyến Tanzania Discovery được tổ chức riêng, đã cho rong ruổi trên Tanroads, qua bao tỉnh thành cùng làng thôn "thăm dân cho biết cảnh tình". Từ Selous, Kikumi.. đến Serengeti và những ngày dài thong dong ngắm thú, nghe réo rắt giọng chim gọi bình minh ngay cạnh lều trong các Wildlife Camps, hay tiếng thú dữ gầm gừ rất gần giữa đêm khuya.. đến vùng núi Kilimanjaro hùng vĩ cao đẹp nhất Châu Phi. Rồi dùng máy bay chong chóng nhỏ qua đảo Zanzibar -được danh tặng là một trong những "thiên đàng hạ giới", xinh tươi như một viên ngọc giữa xanh ngát biển rộng, viền quanh bởi những bờ cát trắng mịn màng.
Nhóm bạn bè đã có nhiều kỷ niệm đẹp qua các cuộc safaris, thăm 7 Công viên Quốc gia và Khu Bảo tồn hoang dã nổi danh nhất trong số 12 điểm trên đầu bảng các danh lam thắng cảnh của Tanzania.. Sau, theo xe về vùng Bagamoyo lịch sử, thăm thêm Vườn Quốc gia Saadani -có viện tích rất nhỏ với chỉ 1062 km2, nhưng rất tiện vì gần thành phố lớn, du khách không cần phải ròng rã theo xe đi xa tìm ngắm thú trên những lối mòn của các savannas.
Khu Bảo tồn Saadani có khá đủ loài thú hoang, hệ sinh thái phong phú giữa rừng xanh đồng cỏ, nhiều giống chim muông, 2 dòng sông Wami và Milgazi uốn lượn qua lắm đồi cao thung lũng thấp nên thơ. Saadani là wildlife sanctuary duy nhất của Tanzania không nằm sâu trong đất liền mà ở cạnh bờ biển, cho khách vừa được vui với chuyến safari trong hoang dã, hay boat safari, lại được thư thản giữa trời xanh nắng ấm trên bãi cát vàng vắng vẻ của những khu nghỉ dưỡng nhỏ ven Indian Ocean.
Giống hươu cao cổ đốm vàng Maasai và đốm đen Rothschild, voi, linh dương cùng lắm loài nai, khỉ.. từng đoàn sống đông đảo nơi đây.
* Giữa đồng cỏ Phi Châu, ngắm chùm hoa vàng gợi nhớ những bụi dã quỳ rực rỡ của Đalạt, khung trời yêu dấu cũ.
Và thấy ..Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt, rọi suốt trăm năm một cõi đi về.
* Huyền Anh, BTX 69
Gửi ý kiến của bạn