República de Cuba
Gần đây, giới truyền thông quốc tế đều đăng tin vui là nước Mỹ đã bãi bỏ cuộc cấm vận dài hạn để cùng nối lại liên hệ với nước Xã hội Chủ nghĩa Cuba. Và vừa qua, một chiếc du thuyền thanh lịch, lần đầu tiên mang nhiều ngàn du khách, đa số là công dân Mỹ, ghé bến cảng thủ đô La Habana và được hân hoan chào đón, mở đầu cho cuộc tái thông thương từ lâu là niềm ước mong của cộng đồng người Cuba trên xứ Mỹ, mà đông nhất ở tiểu bang Florida, cũng như hơn 11 triệu cư dân của đảo quốc, bị sống vào cảnh khó khăn cho việc qua lại gặp gỡ nhau, dù khoảng cách địa lý giữa Cuba và vùng Key West cực Nam nước Mỹ chỉ có 90 miles /145 km trên sóng nước.
Cuba là một quần đảo gồm 2 đảo lớn và nhiều đảo nhỏ, có diện tích chung 110.860 km2 với địa hình cong thon dài, thuộc dạng đất rộng dân đông nhất trong số 25 đảo quốc trên vùng biển Caribbean. Đảo vốn là nơi sinh sống của vài dòng giống dân da ngăm, có mặt từ nhiều ngàn năm trước Công nguyên trên lục địa cận kề, đã theo thuyền tầu trên biển cả tìm đến những đảo thuận lợi để đổi đời, tạo dựng cuộc sống mới từ việc đánh cá, chăn nuôi, trồng trọt lúa ngô, hoa mầu.. Cho đến năm 1492, nhà hàng hải Cristobal Colon, người Ý đầu quân cho hoàng gia Tây Ban Nha, trong chuyến thám thính đầu tiên xuyên Atlantic tìm hải trình thông thương và đất mới, đã khám phá ra nhiều đảo quá đỗi xinh tươi trên mặt biển, khiến ông phải thốt lời khen tặng là không thể có vùng biển nào khác đẹp hơn nổi nơi đây! Rồi Colon ghi dấu dành chủ quyền cho Tây Ban Nha, đặt tên Hispaniola, trước khi tiếp tục cuộc hải hành để thấy một đảo mênh mang rộng khác, nơi có đồi núi đất đai xanh tươi và đông dân, mang tên Cuba từ thổ ngữ cubanácan vàcubao của dân Taino bản tộc, có nghĩa đất rộng hay đất màu mỡ, để Cuba cũng được ghi thêm vào sổ sách chiếm hữu.
Theo thời gian và những cuộc viễn chinh mở mang bờ cõi, Tây Ban Nha dần cho đông đảo binh lính conquistadors cùng súng ống pháo đạn sang "thu phục" thổ dân các hải đảo vùng biển đẹp Caribbean, cũng như ở trên miền đất mới qua nhiều chuyến hải trình chiếm cứ, cả tàn diệt bao sắc dân bản tộc. Cristobal Colon với 4 chuyến xuyên Atlantic nhưng chưa bao giờ đặt bước lên lục địa, do ông chỉ là người khởi xướng đi tìm Tân Thế giới /Mundus Novus, và khi đến vùng biển nhiều hải đảo xinh tươi Caribbean, đã nhầm lẫn cho nơi đây thuộc Á châu, nên đã cho tên là West Indies.. Nhiều năm sau, Amerigo Vespucci, một nhà thám hiểm và phác họa bản đồ Ý làm việc cho hoàng gia Bồ Đào Nha đã nhận ra Mundus Novus là chính đây. Và Vespucci có hân hạnh được nhà họa đồ người Đức Waldseemuller chú ý rồi chuyển tên Amerigo thành America, để dùng trên những bản vẽ trình bầy về lục địa Tân Thế giới bên kia bờ Atlantic, cho hậu thế tên một Bắc và Nam Mỹ tươi đẹp phú cường ngày nay.
Cuba, thuộc địa của Tây Ban Nha trong gần 4 thế kỷ là một hải đảo trù phú với dân cư đông đảo, và những ông chủ da trắng cùng nhiều triệu nô lệ Phi châu được dần mang đến trên những đồn điền thênh thang trồng cây thuốc lá, café, mía mật làm đường, rượu Rhum.. Cùng là trạm ghé cho thuyền tầu Tây Ban Nha qua lại, chuyên chở binh lính, di dân hoặc chiến lợi phẩm thu đoạt được của các sắc dân da đỏ, cả vàng bạc ê hề của các dòng giống dân Aztec vùng Central Mexico, hay Maya ở Trung Mỹ hoặc Inca Empire với nền văn minh nổi trội nhất lục địa Mundus Novus.. Riêng Cuba cũng chịu nhiều truân chuyên bởi tầm nhìn chiếm đoạt do có vị trí tốt đẹp và thuận tiện gần lục địa, từ Anh quốc xa xưa cho đến Mỹ cường mạnh sau này -đã muốn mua lại Cuba từ Tây Ban Nha.
Theo nguồn sóng đòi độc lập, cuộc nổi dậy đầu tiên năm 1868 khởi động từ một luật sư chủ đất đã tiên phong trả tự do cho dân nô lệ, để kéo dài qua 10 năm xung đột giữa các nhóm người đồng ý theo, hay chống lại chủ trương giải phóng phận người cơ cực này, cùng với sự đàn áp mạnh mẽ từ quân lính nước chủ quyền luôn cương quyết giữ vững thuộc địa.. Sau, dù hoàng gia Tây Ban Nha phải cho Cuba nhiều nhân nhượng, nhưng chưa thỏa đáng lòng dân, và nhóm nô lệ tuy được giải phóng nhưng vẫn luôn bị nhiều thua thiệt, để họ âm thầm bàn tính nhiều kế hoạch tổng vùng lên.. Cùng lúc là những phong trào đấu tranh mới của các nhà lãnh đạo như Calixto Garcia, hay José Marti sống lưu vong tại Hoa Kỳ -bị giết hại ngay khi đặt bước trở về Cuba để chỉ huy nhóm phản kháng. Tây Ban Nha đã đáp trả vũ bão với số binh lính vũ trang thật đông đảo đến từ vương quốc mẹ, gây bịnh tật đói khổ, nhất là thương vong cho đến gần nửa triệu dân quân thuộc địa, dù bị cộng đồng Âu châu và Hoa Kỳ lên tiếng cảnh cáo.. Để phải nẩy sinh ra cuộc chiến giữa Tây Ban Nha và Hoa Kỳ. Năm 1898 Hoa Kỳ đem quân đổ bộ lên thủ đô La Habana.. Và đại thắng, khiến Tây Ban Nha phải ký hòa ước cùng cho rút quân dưới thời tổng thống McKinley. Hoa Kỳ thiết lập chính sách bảo hộ 20 năm với Cuba. Vài năm sau, tổng thống Roosevelt lên kế nhiệm, cho bãi bỏ chế độ bảo hộ này, để Cuba được chính thức độc lập năm 1902 với Tomas Estrada Palma là tổng thống đầu tiên, nhưng Hoa Kỳ theo giao ước, đã tự dành điều khoản được can thiệp vào nội bộ Cuba khi có biến chuyển, cũng như thuê vùng đất vịnh Guantanamo làm căn cứ quân sự riêng.
Sau ngày độc lập Cuba gặp vô vàn khó khăn từ nhiều tệ nạn lẫn tình trạng tham nhũng, cả các phe đảng chống đối khi hết tôn vinh lại hạ bệ nhau qua nhiều thời tổng thống với những nội loạn, khiến Hoa Kỳ lại phải mang quân giải quyết, đặt người chỉ huy cho đến khi hết giao ước can thiệp vào nội bộ Cuba năm 1925. Để Cuba tiếp tục bị đối diện với những chao đảo của thời kỳ nhiễu nhương trước đó, khiến tình trạng chung của đảo quốc ngày càng xuống dốc, kinh tế thụt lùi, dân tình đói khổ qua nhiều cuộc chính biến thay đổi tổng thống, mà có ông chỉ tồn tại vài tháng. Vào thời điểm này, Đảng Cộng sản Cuba được tổ chức và phát triển mạnh, dẫn đến cuộc thắng cử với tổng thống Batista năm 1940. Ông cố gắng chỉnh đốn tình trạng bi đát của đất nước, cả giữ được tình hình nội bộ khá yên ổn trong một thời gian, dù đảo quốc luôn gặp nhiều khăn khó trên đủ mọi bình diện.
Năm 1956, Fidel Castro -sinh ngày 13/8/1926, kết hợp với người bạn đồng chí hướng Ernesto Che Guevara và một nhóm thân hữu, đã bàn tính đến cuộc tấn công vào Cuba từ Mexico, nơi Fidel Castro sống sau khi thoát án tù, do việc tham gia nội loạn tại nước nhà chống đối chính quyền đang bị nhiều tầng lớp dân chúng lên án. Fidel Castro cũng được đông đảo giới trẻ Cuba biết tiếng, âm thầm theo dõi và ủng hộ.. Để các nhóm đấu tranh đã cùng nhau theo bước chân Fidel Castro và Che Guevara hùng tiến vào thủ đô La Habana ngày 3/1/1959. Cho kết quả là chỉ một tháng sau, Fidel Castro, trở thành thủ tướng ở tuổi 33. Ông giữ chức vụ này trong 17 năm, để thăng tiến đến danh nghĩa Nhà lãnh đạo tối cao của quốc gia.. Và mãi đến năm 2008 Fidel Castro mới tuyên bố ngưng nhiệm vụ vì lý do tuổi tác và sức khỏe. Ông Raul Castro, là em ruột và người đã chung sức chiến đấu thời trẻ tuổi của Fidel Castro lên tiếp nhiệm.
Ngôn ngữ chính dùng tiếng Tây Ban Nha, Cuba theo chế độ độc đảng, với chủ nghĩa Marxism-Leninism mà đảng Cộng sản đã ghi danh tạc nghĩa bất di dịch trong Hiến pháp. Cuba hay bị nhiều cộng đồng thế giới lên án qua chế độ khắt khe, độc tài cùng bao cuộc bắt bớ giam cầm, hành hạ những nhà chống đối, nhưng Cuba luôn nêu chủ trương nội bộ là tất cả quân dân phải theo pháp luật và mệnh lệnh chung, để không ai có thể gây bất an hay mang hỗn loạn, nhằm giữ an bình cho đảo quốc. Vì vậy du khách luôn an tâm khi thăm toàn đảo, do chưa ai gặp cảnh trấn lột hay cướp giật, nhiễu nhương bao giờ. Người dân sống rất trật tự, tinh thần cao vì đã được uốn nắn trong khuôn khổ bổn phận và trách nhiệm từ bao thế hệ.
Về phương diện văn hóa Cuba được xem như gần Nam Mỹ với tích cách đa chủng tộc của dân tình, từ sắc dân da sậm màu thời xa xưa đến lắm người Tây Ban Nha và Âu châu qua sinh sống thời thuộc địa, hay từ nhiều đợt nô lệ Phi châu bị mang lên đảo làm việc trên những đồn điền bát ngát trồng mía và hoa mầu.. Cả có một dạo qua cuộc Chiến tranh lạnh với Mỹ, khiến Nga và Cuba rất thân thiết, và Cuba nhận nhiều giúp đỡ từ đông đảo chuyên viên Nga sang làm việc, cư trú thường trực trên quốc đảo luôn tràn đầy nắng ấm giữa biển xanh bao bọc khắp chung quanh này. Ngoài ra vào thế kỷ 18, có một số đông người Trung Hoa do loạn lạc đói khổ, đã xung phong tha phương làm phu công xây dựng đường rầy xe hỏa trên Cuba (và cả Canada) để sau đó họ đã xin ở lại, nhằm cho thế hệ kế tiếp một tương lai sáng sủa hơn kiếp cơ cực của cha ông.. Khiến ngày nay khách thăm Cuba đều ngạc nhiên khen nét đẹp lạ của người dân trên phố, với khoảng 50% thuộc giống lai giữa người da trắng và đen , 37% da trắng, và phần còn lại da đen hay có mầu nâu mật là nét pha chung từ dân da đen, vàng, đỏ.
Về tình hình xã hội, khách viếng luôn có lời khen ngợi cho cách tổ chức nước nhà của chính quyền. Như việc cưỡng bách giáo dục, trường học được tổ chức đến tận các thôn làng xa, trẻ em có bổn phận phải đi học đến tuổi trưởng thành, ở trường hay các trung tâm huấn nghệ. Sinh viên hay học sinh đều được phát đồng phục và sách vở cùng dụng cụ cần thiết, được nuôi ăn uống no đủ, và mọi việc liên quan đều miễn phí, kể cả khi Cuba gởi các du học sinh đi tu nghiệp chu đáo tại nước ngoài. Người dân nào cũng có nơi ăn chốn ở, thực phẩm được cung cấp qua chế độ tem phiếu, tuy không dồi dào phẩm lượng thịt cá.. nhưng không thiếu thức ăn căn bản là đậu hạt, ngô cơm, dầu, bột.. Ngành y tế của Cuba được thiết lập hoàn hảo qua nhiều nhà thương tân tiến, phòng bệnh khang trang và không một người dân nào khi đau ốm cần thiết thuốc thang hay giải phẫu mà bị thiếu thốn. Tuổi thọ dân Cuba cao ngang với nước Mỹ và số trẻ sơ sinh tử vong lại có phần ít hơn! Số bác sĩ bình quân cho dân chúng có tỉ số gấp đôi Hoa Kỳ, và Cuba đã gởi đến 25.000 bác sĩ nước nhà cho các công tác từ thiện, giúp đỡ hơn 60 quốc gia trên khắp cùng thế giới. Năm 2005 nước Mỹ bị thiên tai Katrina, Cuba đã gởi 1.586 bác sĩ theo các tổ chức quốc tế sang giúp dân chúng vùng Louisiana, New Orleans.. *Wikipedia. Cuba có những khám phá khoa học tốt đẹp, cả về ngành nha, y, dược, như vừa cho thông tin là đã chế ra loại thuốc chữa bịnh sida thử nghiệm thành công trên loài vật, để nay mai sẽ dùng cho bịnh nhân tại đảo quốc trước khi phổ biến sâu rộng. Mỹ cũng đã mua của Cuba nhiều loại vaccin và lắm dạng thuốc générique. Những năm sau này Cuba lôi cuốn đông đảo khách đến qua dạng "du lịch sức khỏe", cho nhiều dịch vụ cao cấp về nha khoa hay giải phẫu thẩm mỹ, với nhiều trung tâm sang trọng và đội ngũ chuyên gia nổi tiếng xuất sắc, cho kết quả mỹ mãn đến những ai muốn.. tân trang ngoại thất, hay toàn tập! Cả lắm cuộc đại phẫu, chuyển giới tính, thay nội tạng.. do không phải chờ đợi lâu (Canada, Pháp..) hay quá đắt đỏ (Mỹ).
Catedral San Cristobal de La Habana. *Rất được kính yêu với nhiều tượng lớn ở Cuba, được Vatican phong thánh Saint Jean-Paul ll năm 2014, nhưng ngay cả nhiều năm trước đó, hình tượng ngài Jean-Paul ll luôn được hương hoa và đèn nến tôn bái trong nhiều giáo đường khắp trên thế giới. Ngay cạnh Notre-Dame de Paris cũng có dựng tượng đồng của Ngài.
Chế độ cộng sản phi tín ngưỡng, nên trong nhiều thập niên Thiên Chúa giáo -được các linh mục Tây Ban Nha truyền đến từ những ngày xâm lược từ thế kỷ 16, bị cấm đoán, khiến nhiều tín hữu phải giữ đức tin âm ủ trong lòng. Mãi đến năm 1991, theo vài nới lỏng của đảng bộ, người dân mới có thể trở lại trong các thánh đường được trùng tu, chỉnh đốn. Cuba có gần 60% tín đồ, mà đa số thuộc Kitô giáo Roma, được rửa tội nhưng chỉ có thiểu số xem lễ và hành đạo, cả có thêm nhiều nhánh tách riêng như Tin Lành, Cơ đốc Phục lâm.. Khoảng 23% dân vô thần, số còn lại theo ít nhiều dạng tín ngưỡng dân gian từ thời xa xưa hay từ đông đảo dòng giống nô lệ châu Phi. Hai ngài giáo hoàng Jean-Paul ll và Francis cũng đã từng đến thăm La Habana.
Ngày nay với số dân hơn 2 triệu, thủ đô La Habana -được khởi công gầy dựng bởi Diego Velazquez, một cấp chỉ huy conquistador Tây Ban Nha năm 1514, còn mang nét hoài cổ hiếm thấy, là nơi thời gian như ngưng đọng. Điều này rất đúng vì sau ngày dành độc lập Cuba đã phải nếm mùi bao khăn khó, rồi với chế độ Xã hội chủ nghĩa cùng khẩu hiệu lao động vinh quang để tiến lên hàng no cơm đủ áo, thêm cuộc cấm vận của ông hàng xóm rộng rãi giầu mạnh Hoa Kỳ, trên một số phương diện quả là Cuba phải bơi trong sóng gió. Nhưng rồi cũng đến lúc ông Fidel Castro thoái nhiệm, và do chủ tịch Raul khá.. tiến bộ, khi gặp tổng thống Obama dịp tang lễ ông Nelson Mandela năm 2013 bên Nam Phi đã vui vẻ chào hỏi bắt tay.. Để chỉ 1 năm sau thôi là 2 nước đã dễ dàng nối lại liên hệ chung. Cho cả đảo quốc hân hoan đón tiếp hết The Rolling Stones đến ông Obama trong tháng 3 vừa qua. Theo niềm hy vọng tương lai ngày càng tươi sáng, nhiều tòa nhà và dinh thự cùng bao đền tháp cổ, là những kho tàng văn hóa và lịch sử quý báu từ thế kỷ 17, hay qua kiểu dạng baroque của thế kỷ 18, đang được tu chỉnh và tô điểm trên khắp nước.
Nẳm cạnh nhiều dinh thự cổ, hotel Ambos Mundos sơn mầu hồng tươi thắm hàng ngày thu hút nhiều khách viếng trong khu phố lịch sử La Habana Vieja, là một trong những hotel huyền thoại nổi tiếng nhất thế giới, từ năm 1932 khi Ernest Hemingway đến ở thường xuyên trong căn phòng số 511, giữ suốt trong 7 năm liền, do ông "cảm" La Habana từ những giờ phút đầu tiên. Sau, Hemingway mua một căn nhà ở vùng ngoại ô thủ đô Habana để khá thường xuyên cư trú.. Cảnh sắc Cuba cho Hemingway nguồn hứng khởi vô biên để viết nên những tuyệt tác, để nhận giải thưởng Pulitzer, mà For Whom the Bell Tolls và To Have and Have Not, được xem là thành hình trên Habana. Hay The Old Man and the Sea đã lấy bối cảnh trên biển cả Cuba, để khi Hemingway nhận giải cao quý Nobel Văn học, ông đã biếu tặng thành quả này cho dân chúng đảo quốc. Đến năm 1959, do tình hình chính trị phức tạp khiến Hemingway phải rời La Habana trở về Mỹ, sống tại thành phố Ketchum, tiểu bang Idaho.
Khách thăm Cuba, nhất là trên Habana vẫn thấy vui mắt khi gặp nhiều kiểu xe Hoa Kỳ sản xuất trước năm 1960, luôn được sơ sài tu sửa để vòng vo trên phố sá, cả thử cuốc xe Coco-Taxi -như dân cho biết sự tình. Từ những năm cấm vận khó khăn, thiếu phương tiện chỉnh trang nên ngay trước điện Capitol /El Capitolio được chuyển thành Học viện Khoa học, thuộc khu vực sáng giá nhất Habana mà nhiều dẫy gia cư xem chừng rất cần được thay da đổi áo, ở thời buổi hy vọng đã vươn lên theo cuộc mở cửa đón tiếp đông vui quý khách Hoa Kỳ trong tương lai rất gần này.
Người dân Cuba yêu âm nhạc, từ phố phường đến trên bờ biển đâu đâu cũng nghe văng vẳng của nào những âm hưởng nhạc Jazz, Mambo Cha cha cha, Rumba, Salsa.. Các resorts đều cho trình diễn những màn ca vũ nhạc rất đặc sắc. Hàng năm nhiều đại hội quốc tế đa dạng được khai mạc tại Habana, như Festival du film Latino-Americain.. Cuba rất nổi tiếng với những loại cigar ngoại hạng được xuất cảng và bán trong những cửa hàng đẳng cấp, vì ngay trên Habana mà đã thấy 1 điếu cigar có giá bán đến 1 hay 2 tháng lương dân đảo quốc.
Quần đảo Cuba phơi mình giữa sóng nước biển xanh Caribbean, được hóa công ban tặng nhiều hải đảo xinh tươi, vờn lượn sóng vỗ dập dình trên những bờ cát trắng phau rũ bóng hàng dừa cao xanh mát, là chốn du lịch làm đắm say lòng biết bao du khách, và họ vẫn thường quay trở lại bởi Cuba luôn cho khách hài lòng hơn cả những mong đợi. Văn hóa Cuba lại có bề dầy lịch sử ảnh hưởng Tây Ban Nha từ đầu thế kỷ 16, mà còn tồn tại qua bao âm hưởng, sắc mầu, tập tục đến các đền đài, dinh thự, giáo đường.. gây thích thú và thu hút đông khách viếng, nhất là dân châu Âu và người Nga từ nhiều năm qua.
Khác với Hoa Kỳ, Canada và Cuba luôn là bạn, nên với tình hình chung yên ổn và xã hội an lành, người dân thân thiện, lại có nhiều bãi biển thuộc vào hàng xinh tươi nhất thế giới, nên một số nhà đầu tư người Quebec đã rất thành công trong việc xây dựng lắm hotels, resorts 5-sao mỹ miều trên các vùng cát trắng biển trong nổi tiếng của nào những Varadero, Holguin, Santiago, Trinidad, Santa Clara, Cayo Coco.. để quanh năm luôn mời khách qua nhiều chuyến nghỉ khỏe bao trọn gói, mà với chỉ hơn 3 giờ bay là người dân xứ lạnh tình nồng Quebec, vốn co ro trung bình 4 tháng giá rét hàng năm, được hân hoan đáp xuống các vùng nắng ấm biển xanh của Cuba. Với cuộc bãi bỏ cấm vận vừa qua, nhất định nhiều người Mỹ sẽ tìm xem ra sao "xứ cộng sản rất exotic", ở chỉ khuất tầm nhìn từ Key West mà không cần phải lách luật, đi từ một quốc gia nào khác!
Như nhiều người dân Québec ưa chuộng Cuba, gia đình BTX69 cũng hay đến thư giãn trên miền sóng vỗ này, bay qua thăm các thành phố còn giữ được bao nét đẹp thanh cảnh, hay với du thuyền mang mầu cờ Ý (*Mà một lần chủ tịch Fidel Castro đã ghé bước lên thăm thuyền, vào Theater xem chương trình văn nghệ, rồi ngồi nâng ly Champagne với thuyền trưởng dưới trăng sao.. Hơn 10 năm trước Fidel Castro là một ông lão tướng tá dềnh dàng, vai xuôi lưng cong, tóc tai râu ria rườm rà, hai ngón tay cặp điếu cigar to, ông tươi cười vẫy chào du khách..) nên rất quen thuộc để có cái nhìn khá rõ. Như Cuba có hệ thống đường sá cầu cống rất tốt đẹp, nhiều thành phố còn giữ được các kiến trúc cổ mỹ miều Tây Ban Nha xây dựng từ thời thuộc địa, dân tình không hề thiếu đói, họ sống bình thản pha chút nhẫn nhục.. Nhưng thật đáng tiếc là cuộc cấm vận của Mỹ đã gây nhiều khăn khó quá lâu dài, và cũng do chính Cuba một thời gian đã chọn cách đóng cửa dạy dân, cố tự lực tự cường trong eo hẹp.. Nên tình hình chung thuộc dạng dù nghèo mà vui hỏi ai không hé môi cười.. rất bất đắc dĩ! Người dân ngoài việc làm và lãnh tem phiếu thực phẩm đủ dùng, nhưng nhiều nhu cầu thực dụng khác vẫn còn hụt hẫng. Khi trò chuyện với các tài xế taxi hay hướng dẫn viên, họ rất thành thật kể: Trên xứ tôi các bác sĩ, giáo sư đại học hay công nhân đều có mức lương không chênh nhau lắm.. Nhưng quý vị biết nhà cửa thì được phân chia theo đầu người, ở qua ngày thì tạm khá nhưng không thể làm cho tình trạng tốt đẹp hơn do thiếu thốn nguyên liệu, mấy thứ như gỗ, sơn, ciment gạch.. rất hiếm hoi, nên quý vị đừng ngạc nhiên khi thấy đa số các kiến trúc đều xuống cấp và tường ốc, mái ngói nhà dân loang lổ trầy tróc khắp Habana! Như muốn có đôi giầy cũng phải chờ chực xếp hàng cả buổi như kia kìa, gặp size nào cũng phải nhận không kẻo hết, để còn mang đổi chác lẫn với nhau, là phương cách ngầm qua-lại mà chúng tôi phải tự chế thôi! Lắm khi nhiều tháng trời không được nổi cục savon hay cái bóng đèn, nói chi những thứ xa xỉ hơn! Thịt heo bò tôm cá thì mỗi tuần được phát chút ít, áo quần vải vóc cũng vừa đủ. Ai may mắn được thân nhân ở nước ngoài giúp đỡ, nhưng cũng phải theo hạn chế.. Tóm lại do sự cấm vận từ Hoa Kỳ, thêm chính sách gò bó nên chúng tôi tuy có một đất nước thanh bình, cuộc sống tạm an nhưng cũng bao gồm luôn nhiều nhức nhối, ngột ngạt. Nhà nước không quan tâm đến hoài bão và mơ ước to rộng, tốt đẹp hơn của dân tình đâu, từ thời chủ tịch Fidel Castro đến ông em Raul. Việc đổi mới với họ là một chối bỏ khuôn mẫu, thoát ra cái vòng cương tỏa mà họ đã khổ công gò nắn từ bao thập niên qua! Vậy chỉ còn hy vọng là sau hai ông dinosaurus này, thế hệ các nhà lãnh đạo trẻ có số vốn kiến thức rộng, hay thu thập từ nước ngoài qua những chuyến đi học hỏi, có tầm nhìn thoáng rộng sẽ giúp dân tình chúng tôi cởi mở để vươn xa, hòa nhập với thế giới đại đồng...
Trên đường phố Cuba vẫn gặp những nụ cười dễ dàng, lời chào hiếu khách của dân hải đảo -từ ý thức nguồn ngoại tệ dồi dào mà ngành du lịch đem lại, và với sự nới lỏng nhiều luật lệ, người dân có thể là những tiểu thương mời chào hàng tự chế. Khách du lịch như BTX69 chả hạn, luôn nhớ là những quần áo và vật dụng còn mới tốt mà bên Bắc Mỹ với lối sắm sửa tiêu dùng.. quá cỡ, khiến nhiều khi mình không cần nữa, sẽ mang lại bao niềm vui cho người dân Cuba hay ở xứ nghèo nào. Không quên được ánh mắt rạng rỡ của các cô làm phòng trước gói quần áo cho trẻ em và phụ nữ, hoặc vẻ hân hoan của mấy ông làm vườn với cả lô chemise, jacket.. Nhớ lần ra chợ trời đã khệ nệ xách nhiều bọc to rồi đi từng quầy biếu hàng thực dụng lẫn quần áo gom từ con cháu, bè bạn.. để nhìn lắm nụ cười hài lòng, vì dù khách có tặng họ đến bao nhiêu dollars đi nữa cũng khó tìm ra hàng hoá!
Varadero là thành phố biển hút khách nhất Cuba, do được tổ chức rất hoàn hảo với từng loạt nhiều dẫy hotels, resorts, bungalows lịch lãm trải dài trên nhiều cây số bãi cát trắng mịn màng, hướng ra biển xanh nước trong veo mầu ngọc bích. Varadero chỉ cách thủ đô khoảng 2 giờ xe, cho khách có dịp theo các tours tổ chức thăm rất độc đáo La Habana.
Phố sá Varadero xinh xắn, lóc cóc tiếng xe ngựa dưới bầu trời xanh nồng nàn nắng ấm, và những loài hoa. Hoa lá tưng bừng rộ nở trên các công viên, trong nhiều khu rừng nguyên sinh không xa lắm, nhất là rực rỡ làm sao những hàng phượng vĩ mầu đỏ, mầu cam, mầu vàng đẹp mê man mắt ngắm. Tuy không to rộng nhưng Varadero không thiếu những đảo nhỏ xinh, hang động đá, viện bảo tàng hay nhà văn hóa, là nhiều căn nhà đá cổ bề thế được tu chỉnh..
Holguin, lớn rộng thứ 4 Cuba, mang tên Thành phố công viên, do nằm gần phía cuối đảo trên một vùng nhiều núi đồi xanh mướt. Cristobal Colon khi khám phá ra Holguin đã thốt lời khen đây là vùng đất biển đẹp nhất mà mắt người có thể nhìn thấy, và Holguin vẫn giữ được nguyên vẹn nét tinh khôi như từ năm 1492. Những bãi biển đã hút hồn Cristobal Colon ngày trước vẫn lặng lờ sóng nhỏ trên bãi cát trắng phau mịn màng của Playa Esmeralda, Guardalavaca.. Và bơi lội bên cá dauphin trong dòng nước công viên thiên nhiên Bahia de Naranjo luôn cho khách niềm vui khó tả.. Holguin còn nhiều dinh thự vững vàng kiểu thuộc địa cũ và vài viện bảo tàng với lắm di tích cổ quanh khu phố xưa, giữa cuộc sống yên ả của dân tình. Và nhất là nhiều hotels, resorts xinh tươi để đón mời khách viếng.
* Tất cả hình ảnh trong Du hành ký đều từ album gia đình, ngoại trừ theo ghi chú, hay.. nhìn là biết mượn! BTX69 ít cho hình ảnh cá nhân vào bài, do thấy không cần thiết và cả rất dị ứng với các dạng.. facebook này. Bài xứ Cuba, vì khổ chủ làm mất memory card của Habana nên phải dùng photos của.. người có kiểu chụp mà ở đâu cũng có Cò, rất đáng ngại !
Huyền Anh, BTX-69
Gửi ý kiến của bạn