Quê hương của Bác Sĩ Yersin * Mai Thái Lĩnh

24 Tháng Mười Hai 201312:00 SA(Xem: 17342)

Quê hương của Bác Sĩ Yersin

 

Chỉ còn độ 10 ngày nữa TP Đà Lạt sẽ tổ chức kỷ niệm 120 năm hình thành và phát triển ĐL (thật ra là 120 năm ngày bác sĩ Yersin đặt chân đến Đà Lạt).
Bài viết này nhằm để ghi nhớ ngày kỷ niệm đó.

Mai Thái Lĩnh

Trong hơn hai thập niên gần đây, ở nước ta đã có nhiều công trình tìm hiểu về tiểu sử của bác sĩ Alexandre Yersin, về những cuộc thám hiểm của ông trên vùng cao nguyên Nam Trung phần, về những phát minh của ông trong y học – nhất là việc phát hiện ra trực khuẩn gây bệnh dịch hạch (Yersinia pestis) mở ra khả năng khống chế căn bệnh quái ác này.

Thế nhưng, cho đến nay, dường như người Việt còn hiểu biết rất ít về quê hương của ông – nơi ông được sinh ra và lớn lên …

Nơi sinh của Yersin

Theo tiểu sử chính thức do Viện Pasteur Paris công bố, bác sĩ Yersin là người Pháp gốc Thụy Sĩ, “sinh ngày 22 tháng 9 năm 1863 tại Lavaux gần Aubonne – bang Vaud, Thụy Sĩ” (né à Lavaux près d’Aubonne – Canton de Vaud, Suisse, le 22/09/1863).[1]

Nhưng Lavaux là gì? Một thị trấn, một làng quê hay chỉ là một xóm nhỏ?

Ngày nay, chúng ta biết rõ hơn về nơi sinh của Yersin nhờ công trình của Henri H. Mollaret (1923-2008) – bác sĩ y khoa, đồng thời cũng là một nhà sinh học, một chuyên gia về bệnh dịch hạch của Viện Pasteur Paris. Mollaret đã bỏ ra nhiều công sức để tìm hiểu tiểu sử của bác sĩ Yersin. Trong cuốn Alexandre Yersin hay người chiến thắng bệnh dịch hạch,[2] Mollaret cho biết Yersin được sinh ra tại “xưởng thuốc súng Lavaux” (Poudrerie de Lavaux) ở gần Aubonne – cách Morges khoảng 10 km.

Tại sao Yersin lại được sinh ra tại một xưởng thuốc súng?

Cha của Yersin là Jean Marc Alexandre Yersin – một nhà giáo nghèo. Người ta không rõ lai lịch ông nội của Yersin vì bà nội của Yersin (Françoise-Suzanne Yersin) bị người yêu bỏ rơi ngay sau khi mang thai. Bị gia đình đuổi ra khỏi nhà, bà đã đến sinh sống tại thành phố Morges, mở một cửa hiệu bán kim chỉ và một mình nuôi con khôn lớn. Có thể nói từ khi chào đời, Jean Marc Alexandre chỉ biết đến mẹ và được khai sinh theo họ của mẹ (Yersin). Là một học sinh xuất sắc thời tiểu học và trung học, ông đã theo học hai năm cao đẳng ở Genève trước khi nhận công việc giảng dạy tại trường trung học Aubonne. Là một nhà khoa học “bẩm sinh”, ngoài công việc dạy học ông dành trọn thời gian cho nghiên cứu khoa học – nhất là trong lĩnh vực côn trùng học (entomologie). Nhiều công trình nghiên cứu của ông đã được đăng trên các tạp chí khoa học tại bang Vaud (Thụy Sĩ) cũng như tại Pháp. Ngày nay, một bộ sưu tập về côn trùng của ông vẫn còn được lưu giữ tại Bảo tàng thành phố Genève.

Mẹ của Yersin (Fanny Isaline Moschell) xuất thân từ một dòng họ theo đạo Tin Lành gốc ở miền Nam nước Pháp, từ cuối thế kỷ 17 đã phải rời bỏ quê hương để sang lánh nạn tại Thụy Sĩ để tránh chính sách đàn áp tôn giáo của vua Louis XIV.[3] Cũng nhờ vào lai lịch này, Yersin đã được nhận vào quốc tịch Pháp vào năm 26 tuổi.

Vào khoảng năm 1862, cha của Yersin được bổ nhiệm làm quản đốc (intendant) xưởng thuốc súng của vùng Romandie (tức Suisse romande, vùng Thụy Sĩ nói tiếng Pháp). Vào lúc này, cha mẹ ông đã có hai người con: con gái đầu lòng tên là Émilie và kế đến là một người con trai mang tên Franck (về sau trở thành mục sư Tin Lành).

image

Hình 1: Bản đồ vùng phụ cận Aubonne. La Vaux nằm ở hướng nam – đông nam của thị trấn Aubonne

Một số tài liệu của Thụy Sĩ về xưởng thuốc súng Aubonne (Poudrerie d’Aubonne) tìm thấy trên Internet cho biết xưởng này được xây dựng vào năm 1853 để thay thế cho một xưởng cũ đặt tại một địa điểm khác bị đánh giá là không an toàn. Xưởng thuốc súng mới được đặt tại một thung lũng nhỏ gần thị trấn Aubonne có tên là Lavaux. Chúng ta có thể nhìn thấy Lavaux trên bản đồ vùng Aubonne – được ghi là La Vaux chứ không phải là Lavaux (hình 1). Địa điểm này nằm ở phía nam – đông nam của thị trấn Aubonne, cạnh một dòng sông nhỏ cũng có tên là Aubonne. Phát nguyên từ dãy núi Jura ở phía tây Thụy Sĩ, sông Aubonne băng ngang qua phía đông thị trấn Aubonne và thung lũng La Vaux và chảy vào hồ Léman.

Tại xưởng thuốc súng, gia đình của Yersin được phân một căn nhà lớn có hai tầng lầu (hình 2).[4] Chính tại nơi đây, Yersin đã được sinh ra và mẹ ông đã đặt tên cho ông là Alexandre John Emile Yersin.[5] Tên riêng Alexandre là để tưởng nhớ đến cha ông – vừa đột ngột qua đời ở tuổi 38 vì xuất huyết não (hémorragie cérébrale), ba tuần lễ trước khi Yersin chào đời.

Theo Wikipedia bản tiếng Pháp, Aubonne là một thị trấn nhỏ, vào năm 1860 chỉ có 1.734 người, ngày nay tuy dân số tăng gần gấp đôi nhưng cũng chỉ xấp xỉ 3 ngàn người (theo thống kê tháng 12 năm 2011 là 2.978 người). Về mặt hành chính, Aubonne là trung tâm của xã Aubonne – một xã (commune) nằm trong quận Morges (district de Morges), một quận của bang Vaud. Chính vì lý do đó, trong các tiểu sử hiện nay (vd: Wikipedia bản tiếng Anh và tiếng Pháp) nơi sinh của Yersin cũng được ghi là Aubonne (ý nói xã Aubonne). Về bang Vaud (canton de Vaud), trước năm 1975 có một số tài liệu dịch là “hạt Vaud”, nhưng chính xác hơn phải gọi là “bang Vaud” (canton de Vaud), vì Thụy Sĩ là một Liên bang (Confédération) bao gồm 26 bang.[6]

image

Hình 2 : Ngôi nhà trong xưởng thuốc súng – nơi bác sĩ Yersin chào đời (nguồn: J.-H. Penseyres)

Xưởng thuốc súng tại La Vaux hoạt động mãi đến năm 1996 mới đóng cửa. Nhưng địa điểm này vẫn còn được lưu giữ như một di sản văn hóa có giá trị quốc gia. Nhìn vào ảnh chụp toàn cảnh (Hình 3), chúng ta thấy địa điểm đặt xưởng thuốc súng là một thung lũng nhỏ, phía xa là hồ Léman và bên kia hồ là một rặng núi thuộc dãy núi Alpes nằm trên lãnh thổ của nước Pháp.

image

Hình 3 : Thung lũng La Vaux – nơi đặt xưởng thuốc súng

Morges – nơi Yersin sống thời niên thiếu

Mặc dù được sinh ra tại La Vaux, có lẽ Yersin không có nhiều kỷ niệm về xưởng thuốc súng và cũng không gắn bó với thị trấn Aubonne. Việc cha ông đột ngột qua đời đã khiến cho gia đình ông không thể tiếp tục ở lại nơi này. Mẹ của Yersin phải chuyển chỗ ở vì căn nhà tại xưởng thuốc súng bị đòi lại. Bà đã mua lại ngôi nhà số 22 đường Lausanne – thành phố Morges, cách Aubonne khoảng 11,5 km đường bộ.[7] Như vậy, chỉ vài tuần sau khi Yersin chào đời, gia đình ông đã dời đến Morges, nói cách khác là trở về thành phố mà bà nội và cha ông đã từng cư trú trước đây.

image

Hình 4 : Đường Lausanne (Rue de Lausanne) chạy song song với đường bến thuyền (Quai Igor-Strawinski)

Tại ngôi nhà trên đường Lausanne (thường được gọi tên là Maison des Figuiers – Ngôi nhà của những cây sung), bà Fanny mở một ký túc xá (pension) dành cho nữ sinh, với độ hơn một chục học sinh nữ từ Đức hay từ các bang khác của Thụy Sĩ đến trọ học. Ngoài những giờ học chính khóa tại trường, các nữ sinh lưu trú được bà Fanny dạy thêm về phép lịch sự, nhạc, họa, nấu nướng , v.v. – tương tự như các môn “nữ công gia chánh” ở nước ta. Là một đứa trẻ mồ côi cha, Yersin sống khá khép kín giữa một môi trường phần đông là nữ giới. Ngay từ nhỏ, ông tỏ ra không có cảm tình với phái nữ, thường gọi các nữ sinh trọ học là những “con khỉ cái” (les guenons). Chỉ có hai người phụ nữ mà ông yêu mến và thân thiết suốt đời là mẹ ông (bà Fanny) và người chị (Émilie). Những lá thư mà ông gửi đều đặn cho mẹ và sau đó là chị (sau khi mẹ ông qua đời) ngày nay trở thành nguồn tài liệu quý giá giúp cho các nhà viết tiểu sử hiểu thêm rất nhiều về nhà bác học nổi tiếng là “cô độc”, “xa lánh người đời” này.

Có thể nói suốt thời tuổi trẻ – cho đến năm 21 tuổi, Yersin gắn bó với Morges nhiều hơn là với La Vaux – Aubonne. Và nếu hiểu quê hương là nơi để lại nhiều kỷ niệm nhất của thời niên thiếu trong cuộc đời của một con người thì phải xem Morges mới thật sự là “quê hương” của Yersin.

image

Hình 5 : Phố đi bộ ở trung tâm thành phố Morges ngày nay

Morges là một thành phố nhỏ, thủ phủ của quận Morges (district de Morges) – một trong 19 quận của bang Vaud (từ 2008 đến nay, chỉ còn có 10 quận). Vào năm 1860 (3 năm trước khi Yersin chào đời), thành phố này chỉ có 3.627 người. Dân số của thành phố hiện nay đã tăng cao, nhưng cũng chưa đạt được đến con số 15 ngàn (thống kê tháng 12 năm 2011: 14.896 người). Thành phố nằm trên bờ phía bắc của hồ Léman, và ngay từ thời Yersin còn cư trú, đã là một thành phố cảng với thuyền bè tấp nập: những thuyền buồm chở hàng hóa cũng như những chiếc tàu thủy chạy bằng hơi nước dùng để chở khách. Mặc dù vào thời đó, tiện nghi còn rất kém (chưa có nước máy, chưa có điện, chưa có điện thoại mắc đến từng nhà), phương tiện du hành đường bộ chủ yếu là xe hỏa và xe ngựa chở khách (diligence, stagecoach), nhưng ngành du lịch đã bắt đầu phát triển. Điều đáng chú ý là đường Lausanne – nơi cư trú của gia đình Yersin cư trú, là một con đường chạy song song với bến thuyền dọc bờ hồ Léman (trên bản đồ hiện nay đường bến thuyền có tên là Quai Igor-Strawinsky).

Hồ Léman và dãy núi Alpes

Từ nhỏ cho đến cuối bậc trung học, Yersin vẫn học tại Morges. Mãi đến năm 19 tuổi, ông mới rời Morges để đến Lausanne hoàn tất chương trình phổ thông và sau đó, theo học năm đầu của ngành y khoa. Lausanne là thủ phủ của bang Vaud và là thành phố lớn thứ 4 của Thụy Sĩ. Dân số ngày nay là 129.383 người (2011), nhưng vào năm 1880 (vài năm trước khi Yersin đến trọ học) dân số chỉ có 29.356 người. Trong thực tế, Morges chỉ cách Lausanne 13,5 km (tính theo đường bộ), cho nên có thể nói cho đến năm 21 tuổi Yersin vẫn sống quanh quẩn xung quanh thành phố quê nhà, nghĩa là trong địa phận của bang Vaud. Vào thời đó, trường cao đẳng tại Lausanne (thường được gọi là Ancienne Académie) chưa có khoa Y hoàn chỉnh cho nên đến tháng 10 năm 1884, ông phải sang Marburg (Đức) và sau đó qua Paris (Pháp) để tiếp tục hoàn tất chương trình y khoa.

image

Hình 6 : Lausanne – nơi Yersin hoàn tất bậc trung học và theo học năm đầu đại học y khoa

Tóm lại, trong 21 năm đầu tiên của cuộc đời, Yersin sống ở vùng Morges-Lausanne, một vùng có liên quan đến hai “kỳ quan thiên nhiên” nổi tiếng: hồ Léman và dãy núi Alpes.

Trước hết là hồ Léman. Ngày nay, trên thế giới, người ta thường gọi hồ này là hồ Genève (Lac de Genève, tên trong tiếng Anh là Lake of Geneva), nhưng trong tiếng Pháp và đối với những người dân sống ở xung quanh (kể cả ở Thụy Sĩ và Pháp), hồ này thường được gọi là hồ Léman.

Hồ Léman là hồ tự nhiên lớn nhất của Thụy Sĩ và Pháp (diện tích mặt nước 582 km²), chỉ nhỏ hơn một chút so với hồ nước lớn nhất vùng Trung Âu, tức hồ Balaton ở Hungary (592 km²). Hồ có hình trăng lưỡi liềm, nằm ngay trên dòng chảy của dòng sông Rhône – một con sông lớn của châu Âu chảy ngang qua hai quốc gia Thụy Sĩ và Pháp. Bắt nguồn từ băng hà Rhône (glacier du Rhône) – ở độ cao trên 2 ngàn mét, dòng sông này chảy len lỏi theo những thung lũng trong dãy núi Alpes thuộc Thụy Sĩ (Alpes suisses, Swiss Alpes), và nhập vào hồ Léman ở một điểm gần làng Le Bouveret (thuộc xã Port-Valais, bang Valais) – hiện nay là một điểm du lịch hấp dẫn du khách. Ở phía cuối hồ về phía tây-nam là thành phố Genève, thành phố lớn thứ hai của Thụy Sĩ. Từ Genève, dòng sông Rhône chảy một quãng ngắn (chừng 16 km) trước khi rời đất Thụy Sĩ để đi vào đất Pháp, đến thành phố Lyon thì chuyển hướng về phía nam để chảy vào Địa Trung Hải.

image

Hình 7 : Hồ Léman (tức hồ Genève)

Hồ Léman có tổng dung tích 89 tỷ m3 nước, cao độ trung bình là 372 m so với mặt biển. Chiều dài tính theo trục thẳng là 73 km, chiều rộng tối đa là 14 km. Độ sâu tối đa gần 310 m – nghĩa là đáy hồ chỉ cao hơn mặt nước biển khoảng 62 m. Phần lớn chiều dài của hồ làm thành biên giới tự nhiên của hai quốc gia Thụy Sĩ và Pháp: đường chu vi chạy vòng quanh hồ dài 156 km, trong đó 113 km nằm trên bờ thuộc địa phận Thụy Sĩ và trong tổng diện tích mặt nước, có 41% thuộc lãnh thổ của Pháp.[8]

Như chúng ta thấy trên bản đồ, Morges nằm trên bờ phía bắc của hồ Léman, gần với Lausanne (cách 13,5 km) so với Genève (cách 52,5 km). Nhìn về phía nam là hồ Léman và xa xa là dãy núi Alpes trùng điệp. Đối diện với Lausanne là Évian-les-Bains – thành phố nghỉ mát miền núi nổi tiếng của nước Pháp.

image

Hình 8 : Ngọn Mont Blanc nhìn từ Morges

Từ Morges, vào những lúc thời tiết tốt, người ta có thể nhìn thấy rõ ngọn Mont Blanc (Bạch Sơn) – ngọn núi cao nhất của dãy Alpes (4.810 m). Điều đáng chú ý là ngôi nhà của gia đình Yersin nằm trên đường Lausanne, song song với bến thuyền chạy dọc bờ hồ Léman. Trong lá thư đề ngày 8-4-1879 gửi cho người chị của ông là Émilie – lúc đó đang theo học ở Đức, Yersin kể rằng ông thường trèo lên căn gác sát mái nhà để nhìn ngắm cảnh rạng đông. Vì thế, hình ảnh của dãy núi Alpes và ngọn Mont Blanc phía bên kia hồ Léman có lẽ đã in dấu trong tâm hồn ông ngay từ những ngày còn thơ ấu. Mặt khác, như Giáo sư Jacques-Henri Penseyres đã lưu ý, Morges là một thành phố cảng trên hồ Léman; nghề chuyên chở đường sông và nghề chài lưới là những đặc điểm gắn liền với Morges. Đó có thể là lý do khiến Yersin chọn Nha Trang làm điểm dừng chân trong gần nửa thế kỷ cho đến tận cuối đời. Trong một bài viết công bố vào năm 2011, vị giáo sư đã từng làm việc tại thành phố Morges này nhận xét: “Lần đầu tiên đến Nha Trang vào năm 2006, chúng tôi hiểu ngay rằng Yersin đã tìm thấy nơi đó một chút gì của quê hương ông: nước, mặt trời, những ngọn núi, những người dân chài và những chiếc thuyền buồm…”[9]

Có thể nói suốt thời niên thiếu, Yersin đã luôn luôn nhìn thấy một hồ nước khổng lồ ở phía trước cũng như dãy núi Alpes hùng vĩ phía bên hồ. Đó là chưa kể đến dãy núi Jura ở phía sau lưng (hướng tây-bắc) của Morges, hoặc dãy núi Alpes nằm ngay trên phần đất của Thụy Sĩ ở phía đông của Lausanne (thường được gọi là Alpes thuộc bang Vaud – Alpes vaudoises).

image

Hình 9 : Bến thuyền tại Morges. Bên kia hồ là dãy núi Alpes

Mặc dù sống xa Thụy Sĩ trong phần lớn cuộc đời, vùng Morges-Lausanne vẫn còn in dấu ấn sâu đậm trong tâm trí của Yersin. Thỉnh thoảng, trong các bài viết hay thư từ của ông, người ta vẫn có thể tìm thấy hình ảnh của quê hương:

Trong chuyến thám hiểm vùng cao nguyên Nam Trung phần – tháng 6 năm 1893, khi trèo lên ngọn núi Tadoum (tức Ta Dung – nằm ở ranh giới của hai tỉnh Dak Nong – Lâm Đồng ngày nay), ông viết: “Ngọn núi đó nhìn từ xa trông giống như một cái mũ lớn nhọn đầu dựng trên cao nguyên, khi đến gần lại bày ra một “mê lộ” với những đỉnh cao và những thung lũng sâu, dưới đáy của các thung lũng là những dòng nước chảy xiết gầm gừ và lạnh buốt. Người ta tưởng chừng đang ở trong dãy núi Alpes”.[10]

Tháng 5 năm 1898, sau một chuyến lên cao nguyên Lang Bian để chuẩn bị cho việc Toàn quyền Paul Doumer trực tiếp lên khảo sát vùng đất này, ông viết cho mẹ: “Con vừa trở về từ Lang Bian và con chỉ ở đây khoảng 7 hay 8 ngày trước khi trở lại trên đó để hộ tống ông Toàn quyền – vì ông ấy đã phải hoãn chuyến du hành lại một chút. Ở Lang Bian, nhiệt độ trung bình vào mùa này là 18°. Thật là tuyệt vời, người ta tưởng như đang ở vùng núi Alpes vào mùa hè.”[11]

Cách đây 120 năm, vào ngày 21 tháng 6 năm 1893, trong một chuyến thám hiểm, Yersin đã đặt chân đến cao nguyên Lang Bian. Từ thung lũng sông Da Tam (dòng nước có thác Prenn nổi tiếng), trèo lên một điểm ở đầu ngõ vào Đà Lạt ngày nay, nhìn thấy toàn bộ vùng đất sau này được đặt tên làDalat và xa xa là dãy núi Lang Bian, ông tưởng chừng như nhìn thấy quê hương của mình. Vào ngày 28 tháng 6 năm 1935, nói chuyện với các học sinh của trường trung học Yersin tại Đà Lạt, ông nhắc lại cảm tưởng của “lần đầu gặp mặt cao nguyên Lang Bian” 42 năm trước:

“Các bạn làm tôi nhớ lại lần khám phá ra cao nguyên Lang-Bian – vào tháng 6 năm 1893, trong một chuyến thám hiểm được tiến hành nhằm mục đích khảo sát một vùng núi ở Nam Trung kỳ – một vùng mà cho đến lúc ấy vẫn còn hoàn toàn xa lạ. Cảm tưởng của tôi rất sống động khi, vừa ra khỏi khu rừng thông, tôi đi đến bờ của cao nguyên rộng lớn trơ trụi và mấp mô đó – bị chế ngự bởi ba ngọn núi của dãy Lang-Bian. Những gợn sóng nhấp nhô của cao nguyên gợi nhớ đến một mặt biển xao động bởi một cơn sóng khổng lồ – như đôi khi chúng ta có thể nhìn thấy trên bờ biển miền Trung Việt Nam khi cận kề một cơn bão lớn. Làn gió mát khiến tôi quên đi sự mệt nhọc và tôi chợt nhớ đến niềm vui mà tôi đã từng cảm thấy lúc trèo lên, chạy xuống hết tốc lực trên những ngọn đồi xanh cỏ – khi còn là một cậu học sinh trung học.”[12]

Vào lúc phát biểu những ý tưởng này, Yersin đã 72 tuổi. Rõ ràng khung cảnh hùng vĩ mà thơ mộng của cao nguyên Lang Bian đã gợi nhớ đến những vùng đồi núi ở Thụy Sĩ và những kỷ niệm tuổi thơ của ông.

Vào năm 41 tuổi (tháng 9 năm 1904), Yersin quyết định chọn Nha Trang làm nơi định cư lâu dài. Những tưởng nhà bác học tài ba này – một người sinh ra và lớn lên từ một quốc gia “lục địa”, đã quyết định từ bỏ núi rừng để đến với biển cả. Thế nhưng trong thực tế, mặc dù cư trú cạnh bờ Biển Đông, Yersin vẫn không hoàn toàn từ bỏ cao nguyên và rừng núi. Trong gần bốn thập niên, ngoài thời gian làm việc tại Viện Pasteur Nha Trang và trại chăn nuôi tại Suối Dầu, ông vẫn thường xuyên lui tới những cơ sở thực nghiệm được thiết lập tại vùng cao nguyên xung quanh Đà Lạt như: Dran (Đơn Dương), Djiring (Di Linh) hay Tiểu Lang Bian (Le Petit Lang-Bian, tức xã Xuân Thọ ở vùng phụ cận Đà Lạt ngày nay). Gần hơn nữa là núi Hòn Bà (cao 1.574 m) cách Nha Trang khoảng 47 km đường bộ, là nơi Yersin thành lập một trạm thực nghiệm từ năm 1917. Căn nhà gỗ (chalet) mà ông xây dựng tại đây cũng là nơi ông thường xuyên lui tới trong những năm cuối đời. Không trở về Pháp, cũng không trở về quê hương Thụy Sĩ, Yersin chọn mảnh đất Suối Dầu – gần Nha Trang và gần đỉnh Hòn Bà, để làm nơi yên nghỉ cuối cùng.

image

Hình 10: Căn nhà gỗ của Yersin trên đỉnh Hòn Bà – tranh màu nước (nguồn: J.-H. Penseyres)

Cuốn tiểu sử của Henri Mollaret và Jacqueline Brossollet viết về Yersin được kết thúc bằng câu : “Ông yên nghỉ như ông đã từng thích sống: một mình, hoàn toàn một mình”. Nhưng phải chăng trong cuộc sống “cô đơn” mà “hạnh phúc” đó, “nhà bác học – nhà thám hiểm – con người tiền phong”[13] Alexandre Yersin đã luôn tìm thấy niềm vui, nguồn an ủi, sự giải tỏa những ưu tư phiền muộn trong những nét đẹp của thiên nhiên: núi cao, rừng cây, những bãi cỏ xanh, dòng nước mát lạnh, tiếng suối róc rách và tiếng chim muông? Cùng với biển cả, núi rừng cao nguyên là môi trường thân thiết đối với ông – một con người luôn đi đầu trong tìm tòi, khám phá, luôn tìm cách hoàn thiện công việc của mình một cách thật sự nghiêm túc, thật sự khoa học, nhưng cũng luôn tìm cách xa lánh những tiếng vỗ tay, những cuộc tiếp tân chiêu đãi. Một con người luôn cố gắng đáp ứng tính chính xác của khoa học, nhưng cũng biết say sưa chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tự nhiên.

Đà Lạt, viết nhân kỷ niệm 120 năm ngày bác sĩ Yersin đặt chân đến cao nguyên Lang Bian

( 1893 – 2013)

M.T.L.

[1] Service des Archives de l’Institut Pasteur, Repères chronologiques : Alexandre Yersin (1863-1943):http://www.pasteur.fr/infosci/archives/yer0.html

[2] Henri H. Mollaret et Jacqueline Brossolet, Alexandre Yersin ou le vainqueur de la peste, Fayard, Paris 1985.

[3] Theo tài liệu của Viện Pasteur, tổ tiên bên ngoại của Yersin có một người tên là Etienne Doumergue gốc ở giáo phận Uzès (nay thuộc tỉnh Gard, vùng Languedoc-Roussillon), vì không muốn bỏ đạo đã trốn sang Sezegnin, thuộc vùng Gex ở biên giới nước Pháp. Các thế hệ sau đó dời sang Chancy, Cartigny – thuộc địa phận của Genève.

[4] Jacques-Henri Penseyres, La vie d’Alexandre Yersin en 20 tableaux, Morges, 22 septembre 2013:

http://www.vetsuisse.unibe.ch/unibe/vetmed/content/e3086/e3102/e373880/LaviedAlexandreYersin_evocationen20tableaux_versdef22.09.2013corrimages_ger.pdf

[5] Theo tài liệu của Viện Pasteur Nha Trang. Một số tài liệu khác (vd: Wikipedia) lại ghi là Alexandre Emile Jean Yersin.

[6] Trong tiếng Pháp, “canton” thường để chỉ một “tổng”, nhưng trong trường hợp của Thụy Sĩ, dùng để chỉ một “bang”. Trước khi gia nhập vào Liên bang, các bang của Thụy Sĩ là những “quốc gia”riêng biệt, có nghị viện riêng và cơ quan hành pháp riêng.

[7] Theo giáo sư Jacques-Henri Penseyres, căn nhà này nằm ở vị trí của số 11 đường Lausanne hiện nay, nhưng ngôi nhà cũ đã bị phá hủy vào năm 2010.

[8] Jean-François Bergier, “Lac Léman”, Dictionnaire historique de la Suisse:

http://www.hls-dhs-dss.ch/textes/f/F8657.php

Tham khảo thêm: Wikipédia bản tiếng Pháp.

[9] Jacques-Henri Penseyres, La destinée d’Alexandre Yersin à la lumière de son origine suisse:

http://www.adaly.net/2011/11/18/la-destinée-d-alexandre-yersin-à-la-lumière-de-son-origine-suisse/

[10] Alexandre Yersin, “Sept mois chez les Moïs”, in Variétés sur les pays Moïs, Gouvernement de la Cochinchine, Saigon, 1935, p. 182.

[11] Thư của Yersin gửi cho mẹ, 12-5-1898 (Tài liệu của bác sĩ Henri Mollaret tặng thành phố Đà lạt). Trong thực tế, chuyến khảo sát của Toàn quyền Decoux đã phải hoãn lại đến năm sau – tức tháng 3 năm 1899.

[12] Noël Bernard, Yersin: Pionnier – Savant – Explorateur 1863-1943, La Colombe, Paris 1955, p. 77.

[13] Nhan đề cuốn tiểu sử của Yersin do Noël Bernard viết: “Yersin, người tiền phong – nhà bác học – nhà thám hiểm”. Noël Bernard (1875-1971) là bác sĩ y khoa, nhà sinh học, đã từng kế nhiệm bác sĩ Yersin trong chức vụ Giám đốc Viện Pasteur Sài-Gòn (1919-1922) và sau đó là Giám đốc của các viện Pasteur tại Đông Dương (1923-1935), Giám đốc của các viện Pasteur tại hải ngoại (1938-1958).

Nguồn: BVN-Internet

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn