ĐÀ LẠT ĐẦU THÁNG TƯ 1975

04 Tháng Năm 201512:00 SA(Xem: 6264)


ndc2-large-content













ĐÀ LẠT ĐẦU THÁNG TƯ 1975
 
 Nhà giáo NGUYỄN ĐÌNH CƯỜNG của các trường Trung Học tại Đà Lạt xưa kể lại chuyện “Đà Lạt mấy ngày đầu tháng tư 75”:
 “Cuối tháng 3-75, sau cuộc thất thủ Ban Mê Thuột, cùng với tình hình sôi sục từ Quảng Trị trở vào, Đà Lạt đã giao động cực độ. Cho đến khi quốc lộ 20 Đà Lạt - Sài Gòn bị cắt ở Long Khánh thì thành phố hiền hòa thơ mộng đó đã lên đến mức cao nhất của sự hốt hoảng. Một chiếc Molotova hỏng, kéo từ mặt trận Bảo Lộc về, được trưng bầy ngay ở một góc đường gần bùng binh trước bến xe đò đi Sài Gòn, không làm giảm sút được sự hốt hoảng đó.
 Một số giới chức quân sự, hành chánh các cấp cao thấp đã cho gia đình di tản trước về Sài Gòn. Độ mười ngày trước cuối tháng ba (ngày 20, 21 gì đó), vào khoảng 2 giờ chiều, giáo chức và học sinh Trung Tâm Giáo Dục Hùng Vương bỗng nhốn nháo, xao động khi có vài binh sĩ tới đón mấy đứa con của một giới chức cao cấp trong thành phố ra về một cách vội vã.
 Dân chúng cũng đã đua nhau thu dọn nhà cửa để chạy về Sài Gòn bằng đủ mọi phương tiện. Những chiếc xe hàng, xe chở gỗ, xe du lịch, xe lam ba bánh, xe máy dầu hai bánh... đều đắc dụng trong lúc này. Tại trụ sở Hàng Không Việt Nam ở nhà ga xe lửa Đà Lạt và tại phi trường Liên Khương người người chen lấn, vô ra tấp nập, trò chuyện ồn ào với khuôn mặt đầy căng thẳng, lo âu. Tại phi trường Cam Ly dành cho phi cơ quân sự, tình trạng cũng tương tự. Những tin đồn thiệt và thất thiệt lan tràn mạnh mẽ.
 Rồi vệc phải đến đã đến. Chiều tối mùng 1 tháng 4, các giới chức và cơ sở hành chánh Đà Lạt cùng với Tiểu Khu Tuyên Đức và các quân trường Võ Bị Quốc Gia, Chiến Tranh Chính Trị... di tản về ngả Đơn Dương Phan Rang. Khoảng bẩy giờ tối hôm đó, người dân Đà Lạt còn ở lại thấy lửa đỏ bốc cao ở Ty Dân Vận Chiêu Hồi trên đường Nguyễn Trường Tộ, ở phía sau Tòa Hành Chánh và ở Ty Cảnh Sát Quốc Gia. Đêm đó vẫn còn nhiều người dùng xe máy dầu, xe hơi đủ loại, lao vùn vụt về phía Trại Hầm nối theo đoàn di tản. Suốt đêm các tiếng nổ liên hồi từ kho đạn ở Cam Ly, ở Võ Bị đã làm tăng thêm sự lo sợ sẵn có trong lòng những người ở lại, trong đó có tôi, vì nhà tôi mới sinh cháu trai đầu lòng trước đó đúng một tuần! Mọi người hình như đều cùng chung ý nghĩ: Giờ phút cuối cùng đã tới!
 Sáng mùng 2 tháng 4, thành phố vô chủ! Những người ở lại vẫn ngơ ngác, bơ phờ, túm tụm từng nhóm ở khắp các khu phố, xã ấp... bàn tán xôn xao. Đường phố rải rác quân phục, vũ khí vứt bừa bãi. Bắt đầu có nhiều toán người, y phục dân sự, võ trang đầy mình đi hôi của ở các căn nhà vô chủ. Các sạp bán hàng ở dưới chợ Đà Lạt được chiếu cố tối đa. Tiếng súng hoặc lẻ tẻ, hoặc từng tràng vang vọng đây đó. Tại trại Tiếp Vận trước Ty Thủy Lâm, đường Phan Bội Châu, từng đoàn xe đủ loại ra vô... dọn dẹp. Có những xe hàng chất đầy đồ đạc lỉnh kỉnh như tủ lạnh, bàn ghế, máy chữ, giường chiếu... thôi thì đủ thứ tạp lục. Một vài em bé độ 11, 12 tuổi, đeo trên vai cỡ ba, bốn khẩu súng M-16, băng đạn quấn đầy thân hình nhỏ bé, loay hoay tí toáy một khẩu khác trong tay mà mũi súng cứ vô tình hướng vào những người xung quanh. Các tiếng la hét gọi nhau ơi ới. Nghe nói tình trạng lại còn... hào hứng hơn nữa tại trường Võ Bị, Chiến Tranh Chính Trị và ở nhiều cơ quan khác. Quả thật là một hình ảnh tổng hợp chân xác của sự hỗn độn cực độ. 
 Độ một giờ chiều hôm đó có tiếng loa phóng thanh trên một chiếc xe jeep chạy khắp các khu phố loan đi thông cáo của Ủy Ban Nhân Dân Tự Quản Thành Phố Đà Lạt kêu gọi mọi người tái lập trật tự, tập trung vũ khí, đồng thời ra lệnh cho các quân nhân công chức chế độ cũ ra trình diện tại khu Hòa Bình. Thế là trên các ngả đường dẫn tới đó, lẻ loi hoặc từng nhóm, người ta, than ôi trong đó cũng có tôi, cùng nhau đi ‘‘trình diện’’. Mọi người vừa đi vừa bàn tán, trong lòng đầy nghi hoặc.
 Quanh khu Hòa Bình lố nhố đầy người, nhất là ở trước rạp chiếu bóng. Người ta vây quanh hai cái bàn kê tại đó để ‘‘trình diện’’ với hai thanh niên, đeo băng tay mầu đỏ, làm công tác ghi danh vào mấy quyển vở học trò. Bên cạnh đó là một đống súng ống đủ loại. Tiếng người nói chuyện ồn ào chen lẫn với những tiếng súng nổ từ xa...
 Con đường vòng quanh khu Hòa Bình lúc này tấp nập người đi và xe cộ đủ loại. Khá đông thanh niên đeo băng tay đỏ, vai mang súng, hoặc đi bộ, hoặc chở nhau trên những chiếc xe máy dầu Honda, Suzuki... chỉ chỏ, hò hét ầm ĩ...
 Đêm mùng 2 trôi đi một cách nặng nề. Nhà nhà xúm nhau quanh những chiếc máy thu thanh theo dõi tin tức. Nghe tiếng nói của các xướng ngôn viên đài Sài Gòn, đài Quân Đội hay những bản nhạc quân hành quen thuộc, lòng tôi cứ lịm đi, tâm tư chĩu nặng, bàng hoàng tự hỏi “Sự đổi thay đã đến rồi sao?! Sự sụp đổ như vậy đó sao?!”
 Đây đó vẫn đì đùng tiếng súng, lúc lẻ tẻ, lúc từng tràng. Đêm đó một tòa nhà của Domaine de Marie bốc cháy do một bọn người tới đó cướp phá rồi thiêu hủy. Khoảng 2 giờ chiều ngày mùng 3, tại ngay bùng binh trước nhà Thủy Tạ, một nhóm thanh niên đeo băng tay đỏ (lại băng tay đỏ!) thổi còi, cầm súng, bắt các người đi xe máy dầu hai bánh phải dừng lại để họ kiểm soát. Xe nào không có giấy tờ hợp lệ là bị giữ tại chỗ. Số xe này khá nhiều và sau đó các khổ chủ mang giấy tờ tới các cơ quan tìm kiếm thì chỉ được trả lời là không biết! Rác rưởi dẫy đầy khắp nơi nhất là quanh chợ, mùi xú uế nồng nặc. Thành phố vẫn vô chủ!”
 Nhà giáo cho biết thêm là khoảng 3 giờ chiều lại có tiếng loa phóng thanh kêu gọi nhân dân tới khu Hòa Bình để nghe đại diện chính quyền mới nói chuyện lúc 4 giờ và mãi đến sáng mùng 6 mới có tiếng loa phát đi thông báo của một ủy ban lãnh đạo mới kêu gọi mọi người giữ gìn trật tự, và đe dọa trừng trị các phần tử phá hoại. Thế là Ủy Ban Nhân Dân Tự Quản âm thầm giải tán. Bấy giờ Đà Lạt mới hết tình trạng vô chủ.
 Nhà giáo NGUYỄN ĐÌNH CƯỜNG vượt biển tháng 6-1977 tới Indonesia cùng vợ và con trai 27 tháng, hiện định cư tại Los Angeles, California, Hoa Kỳ từ tháng 1-1978 cho tới nay, nhà giáo bùi ngùi tâm sự:
 “Khó mà có thể quên được những kỷ niệm về thành phố cao nguyên này. Kể từ tháng 4 năm 75 đến nay thế mà thấm thoắt đã 35 năm trời rồi. Nhanh thật! Nhưng hình ảnh của Đà Lạt những ngày tháng cũ, êm đềm như nước mặt hồ, vẫn mãi in sâu trong lòng người viễn xứ. Xin gửi về Đà Lạt bao niềm thương nỗi nhớ!”
 
(Trích: “ĐÀ LẠT NGÀY THÁNG CŨ”
Soạn giả: LS. Ngô Tằng Giao)
Nguồn: Internet/chuyển bởi TNT
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn