Thư Gửi Các Bạn Mình…2 * Hoàng Kim Châu

16 Tháng Mười Hai 201412:00 SA(Xem: 6491)

Thư Gửi Các Bạn Mình… (2)  


Những ai đến Houston vào mùa hè, nhằm tháng bảy - tám - chín cũng than về cái nóng khắc nghiệt nơi đây. Nhiệt độ thường trên 100, ẩm và nóng rất khó chịu. Hơn hai mươi năm làm thân chim bỏ xứ tìm về trú nơi đây, riết rồi cũng quen. Quen cảnh quen người. Quen cả cái nóng cái lạnh hai mùa của miền đất mênh mông bạt ngàn. Quen với cả cái dễ ghét dễ thương của đất trời và người bản địa sớt chia cho. Hè đã đi qua gần hai mùa trăng và hiện tại là ngày tháng của cái lạnh từ phương bắc tràn về khắp thành phố. Người ta lôi ra từ các tủ đựng quần áo trong nhà, nào là quần áo, nón mũ dày vớ khăn quàng…để khoác vào thân cho ấm từ đầu đến chân. Nếu tính theo lịch thì đầu tháng mười một vẫn còn mùa thu. Nhưng ở đây đã bắt đầu thời tiết của mùa đông. Đầu tháng đã chớm lạnh với dưới 60 độ. Một tuần sau nhiệt độ xuống thấy rõ, dưới 50. Tuần tới giáp Lễ Tạ Ơn sẽ là 28 -30 độ, độ đông đá. Cho nên các bạn mình khi đến thành phố này, nên mang theo áo quần ấm kẻo bị cảm lạnh thì chẳng đi đây đi đó được…

chiec_la_cuoi_cung-large-content

Chả thế mà, những ngày cuối ở Houston, vợ chồng anh chị Lộc & Bích Liên đụng phải cái lạnh đầu mùa khiến anh chị phải than vì không mang theo đủ áo ấm và như trên đã nói, cái lạnh ở đây khá khắc nghiệt như để đối kháng lại với cái nóng cũng “khắc nghiệt” không kém của những ngày hè. Nhưng anh chị Lộc & Bích Liên cũng đã có cách để chống cái lạnh ở Houston là, trước khi anh chị rời Houston đã mời (lại mời) chúng tôi, gồm anh chị Hiệp – An, Thuyên – Hường và vợ chồng Châu Đen đến một quán ăn có khả năng làm cho thực khách hết lạnh, chẳng những thế, lại còn toát cả mồ hôi trong khi ngoài trời nhiệt độ xuống 45. Anh chị mời chúng tôi dùng món “Hot Pot” là món ăn rất được ưa chuộng vào mùa lạnh. Ngồi quanh cái “lẩu” đang sôi tỏa ra hơi ấm và từ cả vị cay của soup khiến cho thực khách toát cả mồ hôi. Chúng tôi đã được sưởi ấm từ trong bụng cho đến ngoài da thịt. Cám ơn anh chị Lộc & Bích Liên.

chau_012__2_-1-large

Xin nói thêm một chút nữa về món “Hot Pot” ở Houston như để giới thiệu cùng các bạn mình. Khi ghé đến Houston vào mùa lạnh thì cũng nên kéo đến dùng thử món này xem có khoái khẩu như Châu Đen nói đến hay không. Tại đây có khoảng chục quán mang tên “Hot Pot”. Nào là Little Sheep Mongolian Hot Pot, Hot Pot City, Tân Tân Hot Pot…Châu Đen và gia đình cũng thường ghé Mongolian Hot Pot hoặc Tân Tân Hot Pot. Anh chị Lộc & Bích Liên cho ăn ở Hot Pot City. Hôm cuối tháng 10 Châu Đen có đưa vợ chồng Ngô Văn Hồi đến thử món Mongolian Hot Pot nằm trên đường Westheimer, vợ chồng “Hồi Hủ Lô” cũng chịu lắm vì lạ miệng.

chau__x-large

Trong “Thư Gửi Các Bạn Mình” kỳ trước Châu Đen có nhắc đến quán cà phê “Ông Già” và hẹn sẽ đề cập đến trong thư sau. Nay sẵn đang quảng cáo không công cho các món “Hot Pot”, Châu Đen cũng xin nói đến quán cà phê Ông Già luôn để các bạn mình khỏi thắc mắc.

Cách đây khoảng chục năm, sau khi dự một buổi họp mặt của anh chị em cựu sinh viên đại học Đà lạt cho đến gần một giờ sáng. Khi chia tay ra về thì có mấy người bạn rủ đi uống cà phê. Quán này mở cửa cho đến hai ba giờ sáng, lúc đó nằm trên đường Buffalo Parkway và chưa có cái tên cúng cơm “Ông Già”. Nếu đi từ khu Bellair đến đó cũng phải mất ít nhất là 30 phút. Vào giờ đó (một hai giờ sáng) quán vẫn còn đông khách, đặc biệt là khách Việt Nam và đa số là các em sinh viên vì quán tọa lạc gần khuôn viên đại học Houston. Khoảng từ những năm cuối thế kỷ 20, khu vực Bellair phát triển mạnh và các cơ sở thương mại dịch vụ từ khu downtown và vùng phụ cận đều kéo dồn về đây. Chỉ vài năm sau, quán sá mọc lên như nấm hè gặp mưa và quán cà phê trên đường Buffalo Parkway cũng dời về địa điểm mới, bên trong khu vực nhà hàng Kim Sơn Buffet với bảng hiệu là “Cà Phê Ông Già” viết bằng chữ Việt Nam. Người Việt Nam ở các nơi khác đến ít có ai biết được rằng đây là một quán cà phê không do người Việt làm chủ. Thật vậy, chủ của quán cà phê này là một người Mỹ gốc Đức. Theo chỗ tìm hiểu của Châu Đen, chủ quán này di dân sang Mỹ khá lâu và cũng đã làm đủ thứ nghề. Ông ta biết được nhu cầu uống cà phê của giới trẻ, nhất là giới sinh viên Việt Nam nên sau vài năm thử “làm ăn” tại khu vực Buffalo Parkway, ông ta đã “move” về khu thương mại Việt Nam để lấy khách người Việt ghiền ngồi quán. Những ngày trong tuần, nhất là cuối tuần, quán “Ông Già” lúc nào cũng đông nghẹt và dĩ nhiên toàn là khách Việt Nam. Giá cả cũng OK với một tách capuchino nóng hai đô la rưởi, một tách trà hai đô, một basket “dầu cháo quẩy - beignets” ba đô, cà phê sữa nóng, cà phê đá…Nếu chỉ có như vậy thôi thì chẳng có gì đáng nói. Chuyện đáng nói ở đây là chuyện “Ông Già” chủ quán. Rất nhiều người tại thành phố Houston đã từng năm lần bảy lượt đưa bạn bè đến đây nhâm nhi tách cà phê và ăn những chiếc “beignets” còn nóng hổi có rải một lớp đường bột trên mặt. Ngồi quán cà phê một hai tiếng đồng hồ để hàn huyên trăm sự là chuyện rất thường bất luận sáng trưa chiều tối. Nhưng đối với quán “Ông Già” sống nhờ người Việt Nam không hoàn toàn như thế. Buổi sáng ít khi ông ta có mặt tại quán vì ít khách, chỉ một hoặc hai nhân viên đứng bên trong quày pha chế và tính tiền, vào buổi chiều và tối thì lúc nào ông ta cũng có mặt để trông coi quán. Chưa bao giờ thấy ông ta bố thí cho “ẩm khách” một phần tư nụ cười “chào đón ”. Mặt ông ta lúc nào cũng nhăn nhó khó chịu với những “ẩm khách” ngồi lâu. Dĩ nhiên ông ta không dám mời khách ra đi. Nhưng ông ta cứ chằm chằm quan sát nếu thấy có một trong những khách đang ngồi trong bàn có mang theo một loại thức uống nào đó như trẻ em mang theo một lon coca hay các vị nữ nhi đem theo một ly chè vào quán cùng với người thân thì ông ta bảo cho những người này biết là họ không được ngồi vào bàn. Điều này có ghi rõ ràng trên giấy dán bên ngoài các cửa như là một “policy” của quán vậy. Chưa hết, nếu “ẩm khách” xử dụng một cách “phung phí” đường hoặc napkin thì ông ta cũng có những cái nhìn tỏ ra không hài lòng. Ông quan sát kỹ các “ẩm khách” bên trong và ngay cả những người ngồi bên ngoài hành lang thuộc quán của ông. Châu Đen xin kể câu chuyện đã chứng kiến. Vào buổi tối có một đám khoảng bảy tám người vào quán trong đó có một vị tu sĩ. Sau khi các vị khác kêu cà phê, trà nóng…thì vị tu sĩ không kêu thức uống gì cả. Chờ khoảng năm phút sau, Ông già tiến tới bàn và nói vị tu sĩ này không mua thức uống nên không được ngồi bàn. Nghe thế, mọi người đều đứng dậy và kéo nhau ra khỏi quán, các thức uống còn để lại nguyên trên bàn. Nhiều bạn của Châu Đen cũng thề là không thèm đến quán “Ông Già” nữa. Vì vậy quán “Ông Già” dạo này hơi ế. Mấy lần ghé vào khu Kim Sơn Buffet thấy quán cũng vắng khách. Thực ra đây là một địa điểm rất thuận lợi cho cả “Ông Già” lẫn “ẩm khách” nhưng suy ra cho cùng – điều nên nhớ là – ông ta là người gốc Âu Châu. Sở dĩ Châu Đen phải nói như thế vì cũng đã trải qua một số kinh nghiệm về cách đối xử của hầu hết các chủ quán tại dân Âu Châu. Trong rất nhiều chuyện đáng kể, Châu Đen xin kể một chuyện rất điển hình khi Châu Đen du lịch tại Pháp. Khi đến thăm nhà thờ nổi tiếng Sacré – Coeur thì trước khi leo lên gần trăm bậc cấp, Châu Đen muốn uống một ly cà phê cho tinh thần sảng khoái nên ghé vào quán ở dưới chân nhà thờ cách một con đường nhỏ, ngồi đây có thể nhìn lên toàn cảnh của nhà thờ. Châu Đen gọi một ly cà phê, khi anh bồi bàn mang cà phê ra thì thấy có bà vợ của Châu Đen cũng ngồi ghế. Anh ta nói với Châu Đen rất trịnh bằng tiếng Pháp rằng: “ Không uống cà phê thì khỏi ngồi ghế…”. Châu Đen hỡi ôi nên vội nốc cạn ly cà phê rồi nắm tay bà vợ băng qua đường để lên các bậc cấp vào thăm những điều bí mật của Sacré – Coeur mà Châu Đen đã từng biết qua sách vở thời còn đi học với các bạn mình.
Giấy ngắn tình dài. Hẹn các bạn mình thư sau

 Châu Đen

 952_thumb_paris_historic__montmartre__louvre_museum_special_package_1335332754-large-content

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn