BA TÔI, THÁNG NGÀY LẬN ĐẬN

07 Tháng Tám 201510:46 CH(Xem: 5105)

BA TÔI, THÁNG NGÀY LẬN ĐẬN

Kính tưởng nhớ anh Thịnh và kính tặng dì Liên Chung cùng gia đình.

Ông nội tử nạn trên đường đi công vụ để lại bà  nội mới 34 tuổi, 7 đứa con và cái thai 8 tháng tuổi chờ sinh..

Năm đó, ba mới hơn mười tuổi là con trai thứ hai trong gia đình. Phần lo bà nội sinh em bé, phần chưa nguôi nỗi nhớ ông, ba thi rớt vào lớp Đệ Thất trường Quốc Học. Ba  học lại, năm sau mới đậu nên dù học giỏi, có phần thưởng suốt 6 năm học nhưng khi đậu xong tú tài một, ba phải lên đường nhập ngũ.

Ba vào quân trường Thủ Đức ở tận miền nam. Các bạn gọi ba là lính babilac vì dáng ba nhỏ con giống nội. Nội sốt ruột nghe các bạn cùng trường có con nhập ngũ bảo nhau:

-Kỳ ni, tui phải gởi tiền cho con, nó viết thư xin, trong đó cực quá, phải ra ngoài ăn thêm.

Vậy mà khi tết sắp đến, nội nhận lá thư bảo đảm của ba gởi về kèm theo một ngân phiếu với số tiền mười ngàn đồng, một số tiền khá lớn. Trong thư ba viết:“…con gởi về cho mạ số tiền ni, mạ may quần áo và sắm đồ ăn Tết cho các em. Mạ nhớ may quần áo cho em Thủy và Liên, tụi nớ là con gái phải có đồ mới mặc với người ta. Tiền ni là do con trừ tiền mua quân trang và quân dụng có dư gởi về… Mạ ơi! Người ta nói trên thế giới có nhiều kỳ quan nhưng kỳ quan lớn nhất là Mạ…”

Học ở quân trường Thủ Đức xong, ba lên Đalạt học thêm 6 tháng ở trường Chiến Tranh Chính Trị và được về làm văn phòng tại phòng Tâm Lý Chiến đóng ở Huế. Ba đi lính chưa được bao lâu thì đến năm 75. Ba đi học tập cải tạo ở trại Cồ Tiên.

Nơi ba học tập nằm trong một khu rừng rậm. Ban ngày, ba trồng cây, vào rừng đốn củi; đêm về học tập hay sinh hoạt. Vốn có khiếu văn nghệ, ba cùng các bạn đàn ca cho nguôi nỗi nhớ nhà.

Cứ vài tháng nội lại xin phép nghỉ lên thăm ba. Nội vẫn còn được đi dạy, mỗi tháng được tem phiếu: 18 kg thực phẩm (thường chỉ có vài ký gạo còn kèm bo bo, bột mì…) và  một năm nửa ký thịt. Nội chờ khi thăm nuôi mới mua thịt làm ruốt sả, kho thịt bới cho ba. Ba nhận quà, luôn miệng hỏi chuyện nhà:

-Mạ bới thịt cho con để làm chi, sao không để ở nhà cho các em ăn.

-Ở nhà các em có ăn, mạ mới bới cho con.

-Mạ đi dạy, lương tiền bao nhiêu mà răng mạ có tiền mua thịt cho con?

-Ừ! Thì mạ có tiệm buôn bán thêm nên có đồng ra đồng vô.

Một  hôm trong trại cải tạo có ông quản giáo đi công tác ở một đơn vị đóng trước nhà nội. Ba viết thư rồi nhờ ông:

-Cán bộ đi công tác, đi ngang qua nhà, cho tui gởi lá thư cho mạ tui.

Ông quản giáo nhận lời ghé nhà bà nội nhằm lúc  nhà chuẩn bị ăn cơm trưa. Ông ngạc nhiên nhìn mâm cơm chỉ có dĩa rau muống luộc, tô nước rau và một chén nước chấm:

-Sao tôi thấy bà đi bới cho anh Thịnh có thịt đầy đủ, lại nghe bà buôn bán nhưng sao nhà ăn cực vậy.

Nội phân trần:

-Nhà tui tới 8 miệng ăn mà  tui chỉ đi dạy. Con trai lớn của tui làm ở hợp tác xã, được phân coi ruộng rau muống. Hàng ngày cắt rau giao cho hợp tác xã, còn dư thì đem về nhà ăn. Tui thương con đi học tập cực khổ nên để dành tem phiếu thăm nuôi. Sợ cháu không nhận, tui phải nói có buôn bán.

Ông quản giáo thương cảm:

-Tôi nói cho bà hay: cậu Thịnh ở trong trại không thiếu thốn đâu, bà không phải lo bới xách nữa, để dành cho các em đi.

 Nghe lời ông, bà nội chỉ đi thăm. Gần ba năm học tập cải tạo, ba về lại nhà.

Niềm mừng vui trở thành nỗi lo cơm áo bởi bữa cơm chỉ toàn rau muống. Ba nghẹn ngào biết nội bớt phần thịt của các em đem cho ba. Thực ra, đồng vô đồng ra của nội chỉ là một thúng bánh nậm, bánh bột lọc. 3 giờ sáng nội dậy bắt bánh, luộc xong, nội ôm thúng đi bán quanh xóm đến 9 giờ về, chuẩn bị đi dạy.

Được hai ngày ở nhà, ngày thứ ba, ba đi một mạch từ sáng đến 11 giờ tối mới về, nội hỏi:

-Con đi mô mà giờ ni mới về?

 -Dạ, con đi bán bánh mì.

-Sao con không nghỉ mấy ngày cho khỏe.

-Dạ, con ăn xong ở không cũng thấy buồn, con phụ mạ một tay.

Ba cũng lanh, ba biết lò bánh mì ở đường Nguyễn Công Trứ có con là học sinh của nội nên tới đó xin nhận bánh đem bán. Người chủ tiệm tốt bụng cho ba bán xong trả lại vốn, không bắt đặt cọc tiền. Mỗi tối, ba ôm sọt bánh mì len lỏi các con đường thơ mộng mà ngày xưa khi còn đi học ba thường làm thơ nay trở thành con đường mưu sinh. Được vài tháng thì đến Tết, ba để dành được một số tiền kha khá, đưa cho bà nội và nói như lúc còn ở quân trường :

-Mạ mua quần áo Tết cho các em nhất là Thủy và Liên, còn lại mua đồ ăn Tết.

Vài tháng sau, bột mì không nhập khẩu được nên mắc mỏ; ổ bánh mì còn nhỏ xíu khó tiêu thụ, có hôm ba đem cả sọt bánh về ăn thay cơm. Ba đành bỏ nghề bán bánh mì vào rừng kiếm củi

Trời còn tối mịt mù, bà nội thức dậy nấu cơm bỏ vào lon guigoz  để ba ăn trưa. Ba vác chiếc dao cán dài  theo người ta vào rừng, chọn cây hơi lớn đủ sức mình, chặt rồi vác về. Vài ngày, ba nghỉ một bữa, sang nhà hàng xóm mượn cưa về cưa thành khúc, chất thành hàng, kêu người đến bán. Việc làm nặng nhọc lại ăn uống kham khổ, người ba đã nhỏ lại, khô đét. Nội nói với ba:

-Thôi con à, nghề này không khá! Người ta nói phá sơn lâm đâm hà bá. Con đi vô rừng mạ cũng sợ, có chuyện chi thì khổ. Mạ ban ngày đi dạy, lại dậy sớm nấu cơm cho con nên cũng mất sức theo. Thôi con kiếm việc khác đi.

Ba nghe lời bà nội xin đi làm thuê cho người ta. Ba thồ hàng bằng xe bò từ nơi mua ra chợ. Công việc tưởng chừng nhàn nhã vì chỉ việc ngồi trên lưng bò hay đi thong thả theo. Nhưng không hiểu sao con bò của ba lại ương bướng không như những con bò khác, nó đi vài bước rồi dừng lại. Ba lấy roi quất vào mông thì nó đứng luôn. Mọi người trong đoàn đã về nhà nghỉ ngơi mà ba chưa tới nơi. Một hôm ba vất roi, ngẫm nghĩ:

-Răng mà mình ác quá, nó cũng khổ như mình, đã thồ nặng lại còn bị đánh, mà chỉ được mấy cọng cỏ khô.

Nghĩ tới nghĩ lui, ba bàn với nội:

-Thôi, con không làm nữa, thấy nhẫn tâm quá.

Ba đi học tập về đang còn trong thời gian quản chế nên ngoài việc mưu sinh hằng ngày còn phải làm lao động công ích không lương: đào thủy lợi trên sông Hương, trồng cây, làm đường… Nhà bà nội đến sáu người con trai tuổi lớn nên sợ dư lao động sẽ đi kinh tế mới, bà nội bèn bán một chiếc tủ gỗ đôi được 200 đồng đưa cho ba để ba vô Nam tìm công việc làm ăn.

Ba đi khắp nơi, làm đủ mọi nghề. Ba đến tận mũi Cà Mau nơi nổi tiếng” đĩa  lội như bánh canh, muỗi kêu như sáo diều”, ăn cơm phải ngồi trong mùng sợ muỗi đốt. Cuối cùng, ba trở về Huế:

-Mình không vốn liếng lại không có nghề, đi mô cũng chỉ làm công cho người ta, chỉ kiếm đủ miếng ăn bỏ vô miệng, chi bằng trở về Huế, có nhà cửa cũng đỡ.

Nội bán căn nhà trước, dọn xuống nhà dưới ở. Số tiền bán nhà mua được chiếc xe xích lô và dư được một ít tiền. Ba và bác cả thay nhau đạp đủ tiền chi dụng trong nhà và nuôi các chú đi học. Chú Dũng đậu vào đại học Nông Lâm ở Saigòn, chú út Hùng lên cấp ba. O Thủy, o Liên đã lập gia đình.

Được vài năm, xe xích lô trở chứng hay hư nên ba bán và mua lại chiếc xe đạp. Ba trở thành ngưởi đạp xe thồ. Bấy giờ, ba gần 30 tuổi, tính tình ba vui vẻ, ăn nói có duyên nên nhiều người yêu mến. Một người quen trong họ nói với nội:

-Tui có người cháu gái, cũng hiền lành, để tui làm mai cho con chị.

Ba cưới vợ xong được bà ngoại cho 2 chỉ vàng làm vốn. Ba xoay qua nghề bán đồ gỗ. Ba mua giường tủ  để trong nhà, ai cần thì bán lại. Thời đó, bộ đội rất thích đồ gỗ của Huế, bao nhiêu họ cũng mua và chở ra Bắc nên kiếm tiền cũng đỡ.

Cuộc sống dần ổn định, ba làm đủ mọi nghề để nuôi vợ con, khi đi vào rừng tìm trầm, buôn trầm, rồi làm khăn giấy bỏ các nhà hàng. Khi Cuộc sống mình bắt đầu an nhàn, ba lại vướng vào căn bệnh ung thư quái ác .

Ba vào bệnh viện Huế chữa trị. Ba chịu đựng những cơn vật vã  hóa trị, xạ trị…, chịu khó uống thêm nước lá đu đủ với sả. Nội dạy ba niệm Phật. Lúc khỏe, buổi sáng ba tụng kinh Pháp Hoa, buổi tối tụng kinh Vô Lượng Thọ. Lúc cơn đau hành, ba chảy nước mắt:

-Mạ ơi! Đau quá, làm sao mà niệm Phật nổi.

Hơn ba năm cầm cự, 28 Tết, bác sĩ cho ba về nhà, ba thủ thỉ với nội:

-Con ráng sống qua cái Tết, để lúc tội mấy đứa nhỏ.

Mồng hai Tết, ba mất. Khi ấy,con trạc tuổi ba lúc ông nội qua đời.

Ba ơi! Giờ tụi con khôn lớn, anh cả sắp cưới vợ, nội với mạ con sắm lễ xuống nhà gái, các cô chú tham dự lễ không thiếu một ai, chỉ vắng bóng ba. Ba ơi!Cuộc đời ba sao quá lận đận

Phạm Mai Hương

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn