TẦNG ĐỊA NGỤC THỨ 6 * Phạm Mai Hương

25 Tháng Chín 201412:00 SA(Xem: 9000)

TẦNG ĐỊA NGỤC THỨ 6

( Thương tặng em tôi)

Bệnh viện Nhân Dân 115 với khuôn viên rộng bát ngát, bao gồm bệnh viện Trần Ngọc Minh và Quân Y Viện Quân Lực VNCH có trước năm 1975. Mặt chính giáp ranh với đường Sư Vạn Hạnh, nhộn nhịp người ra vào. Hai bãi đậu xe chật kín với sự kiểm soát nghiêm ngặt. Những chiếc xe cứu thương chừng 15 phút lại dừng trước phòng cấp cứu chuyển bệnh nhân nặng đến. Bác sĩ, y tá tất bật làm việc với tầng suất cao. Những đoàn sinh viên thực tập đầy khắp hành lang với khuôn mặt ngây thơ, ham học hỏi.

Bệnh viện gồm 4 khu : A,B,C,D. Khu A là mặt chính có chiếc sảnh rộng làm nơi nhận, khám chữa bệnh. Từ đêm khuya, người bệnh từ các tỉnh đổ về chờ đến 5 giờ sáng, lấy số thứ tự và ngồi chờ đến phiên khám. Có hôm đông đến cả ngàn người nói lên uy tín lừng lẫy của bệnh viện.

Phía bên phải là dãy nhà cao 5 tầng dành riêng cho bệnh nhân VIP và doanh nhân, với sự chăm sóc chu đáo và tiện nghi không kém các nước tiên tiến trên thế giới.

Khu D nằm cuối cùng, có một cổng phụ mở ra con đường hẻm nối đường sư Vạn Hạnh và Thành Thái. Con đường im ắng và dịu mát nhờ hàng cây cổ thụ cao vút lâu năm. Tòa nhà của bệnh viện chạy dài phía bên tay trái đường, bên phải là trường Đại Học Y Khoa Phạm ngọc Thạch và Viện Điều Trị Bệnh Tim. Cuối đường có vài căn nhà của dân

Dọc hai bên đường, các kiosque thuốc tây nằm san sát nhau, ngoài thuốc men bày bán, cửa tiệm bày thêm tả lót dành cho người bệnh không di chuyển được, ghế ngồi, xe lăn…. . Trên vỉa hè, người quẩy gánh, người đẩy xe bán hàng rong: trái cây, thức ăn, quần áo, chiếu, xô,,,,Sự mua bán giao dịch trong im lặng, không rao bán, chào mời, trả giá chanh chua như những nơi buôn bán khác.

Con đường hơi tấp nập vào khoảng 9 giờ, trước vỉa hè của ngôi trường dại học, xuất hiện một dòng người xếp hàng chờ nhận phần ăn miễn phí. Những người bệnh nằm được phát trước phiếu ăn miễn phí nên người nhà cứ nhẩn nha chờ đến phiên, không xô đẩy chen lấn. Ngoài phần thức ăn mặn có cả phần thức ăn chay ngon và tinh khiết. Thực phẩm được đựng trong một chiếc xe Toyota gọn gàng, sạch sẽ. Người phát chẩn với khuôn mặt phúc hậu làm việc trong sự từ tốn, nhẫn nại, dù trời nắng gắt hay mưa tuôn gió lớn. Cuối đường có vài căn nhà lớn làm quán ăn, bán thuốc tây…

Một hẻm nhỏ nằm cạnh ViệnTim dẫn vào khu dân cư phía trong. Đó là một khu đô thị được thu nhỏ. Nhiều khách sạn và những dãy nhà trọ xây dành cho người trị bệnh ngoại trú. Thấp thoáng trong khoảng sân rộng của một ngôi nhà trọ, bóng dáng những người xanh mướt với chiếc đầu không còn tóc do ảnh hưởng xạ trị và hóa trị, buồn và lặng lẽ giống trại tập trung thời Đức Quốc Xã,

Cạnh chiếc ba rem chắn ngang như ngăn cách với thế giới bên ngoài là tấm bảng: Cấm trẻ em vào bệnh viện nói lên sự nghiêm ngặt khác thường bởi đây là Khoa Ung Bướu và Y Học Hạt Nhân gồm một tòa nhà một tầng. Căn phòng chính rộng dành tiếp đón bệnh nhân. Phía trước là chiếc bàn nhỏ dành cho y tá để nhận hồ sơ, một quầy thu viện phí, chừng hơn chục dãy ghế đầy kín người ngồi chờ khám. Sát mép tường, những chiếc chiếu cùng túi hành lý được xếp gọn báo hiệu sự ăn ở lâu dài của người nuôi bệnh. Một chiếc bể cá khá lớn với những chú cá thảnh thơi lượn nhanh để làm cảnh không khớp với khung cảnh chung quanh. Bác sĩ, y tá ít hẳn hơn so với những khu khác, đa phần là lao công, điều dưỡng và hoàn toàn không có bóng dáng của sinh viên thực tập

Phía bên phải là căn phòng xạ trị. chỉ có một dãy ghế dài kê sát tường. Diện tích căn phòng không rộng nhưng mỗi mét vuông dường như đều có chủ, bởi sát với tường nhà, trên chiếc chiếu có người nằm nghỉ, đó là những người bệnh điều trị ngoại ở xa, họ không có người quen ở tạm và không có tiền thuê nhà trọ hay khách sạn, họ nằm nghỉ trên sàn bệnh viện. Ban ngày, người nhà chỉ được ngồi và im lặng để không bị ảnh hưởng đến người khác. Hai căn phòng nhỏ đối diện luôn đóng cửa dành cho bệnh nhân VIP với giá tiền gần một triệu đồng một ngày. Một căn phòng sau dãy ghế dành cho bác sĩ điều trị với những chiếc máy tính hiện lên hình ảnh của bệnh nhân trong phòng xạ tri. Phòng xạ trị khá lạnh, bức tường khá dày có ngóc nghách, hạn chế bớt ảnh hưởng tia phóng xạ. Chiếc cửa thép dày, khép chậm chạp với bảng báo hiệu có đèn chiếu đỏ: đang phát tia. Trong phòng chiếc máy xạ trị lạnh lẽo với chiếc giường dài với hai chiếc máy trên cao. Cạnh tường là những chiếc kệ đưng vật dung đơn giản nhu mặt nạ che mặt bằng nhựa ….

Dãy ghế không quá chục người ở phòng chờ ngẫu nhiên hình thành một sợi dây đồng cảm. Họ nhỏ to truyền nhau kinh nghiệm, người bày uống thuốc nam như lá đu đủ uống với lá sả, thân cây xương rồng có 5 khía, thân cây sầu riêng, trái mãng cầu xiêm xay thành sinh tố…kẻ chuyền tay những lọ thuốc của quân đội nằm hạn chế sự phát triển của tế bào ung thu.. Người ta dặn dò nhau phài ăn thức ăn nào để lấy sức xa trị, khuyên nhau kiêng ăn thịt nhất là thịt bò vì sự bồi dưỡng cho cơ thể người bệnh cũng chính là bồi bổ cho tế bào ung thư….. Cách ăn mặc của họ cũng đa dạng nhưng phần đông để che bớt sự bệnh tật của mình, họ cố ăn mặc lịch sự, tươm tất. Một cô gái trẻ mới trên 30 tuổi với mái tóc giả cắt ngắn, nét mặt tươi tắn:

-Con cháu mới 2 tuổi nên cháu bắt buộc phải vượt qua căn bệnh này. Cháu làm việc không ngơi tay để không còn thì giờ nghỉ đến bệnh tật. Mỗi lần xạ trị về, cháu ăn vào là nôn ra nhưng nôn xong, cháu cố ăn lại, phải có sức mới chịu được.

Cặp vợ chồng cùng tầm ngang tuổi cô gái:

-Chồng cháu bệnh đã hơn mười năm. Lúc ở quê tụi cháu chữa bằng thuốc nam. Bây giờ phát bệnh lại phải lên xạ trị, cháu chỉ mong kéo dài vài năm để chờ các con mau lớn.

Người thiếu phụ mân mê mái tóc dài, mượt của mình ngậm ngùi nghe lời chia sẻ:

-Mình xạ trị đến tia thứ 10 thì tóc bắt đầu rụng, chị nên cắt tóc từ bây giờ đi. Cứ nhìn thấy tóc rụng như lá mùa thu mà chảy nước mắt.

Họ an ủi lẫn nhau, biết mình còn may mắn được xạ trị hoặc hóa trị bởi nếu không được điều trị thì đồng nghĩa với cái chết cận kề vì bệnh viện quá tải không cần lưu bệnh để kiếm tiền.

Bên phải là vài phòng nhỏ dành cho bệnh nhân hóa trị. Thuốc đưa từ từ vào người kéo dài nửa ngày. Ảnh hưởng sau đó là rối loạn huyết áp, chóng mặt, những cơn nôn thốc tháo đến mật vàng, mật xanh nên dãy phòng vệ sinh được xây đối diện, gồm 4 phòng đóng kín dành cho nhân viên bệnh viện, 4 phòng còn lại chia 2 phần nam và nữ. Cơ sở vật chất ít ỏi so với cả trăm người kể cả người nuôi bệnh nên nhà vệ sinh xuống cấp, bồn cầu sứt mẻ, vòi nước không nguyên vẹn… Ban ngày còn đỡ vì có lao công don dẹp, vào đêm khuya, chỉ vài người không ý thức, nguyên phòng hóa trị phải chịu mùi hôi hám. Ai đó ao ước:

-Người làm từ thiện đừng đi đâu xa, vào đây xây thêm nhà vệ sinh thì công đức chắc chắn sẽ lớn hơn xây chùa.

Đi cuối sảnh phòng chờ khám, rẽ tay phải là phòng lưu trú bệnh lớn nhất. Căn phòng khá rộng, trần cao, có khoảng gần 20 giường bệnh được trải tấm ra giường màu cháo lòng, nhếch nhác. Giường kê sát tường cạnh chiếc tủ con cá nhân. Giữa phòng, trên tường cao treo một chiếc tivi, cạnh đó trang trí tờ áp phích hình của tay đua Lance Amstrong, người lừng danh thế giới về tài đua xe đạp và chống chỏi bệnh ung thư. Phía dưới cạnh công tắc điện có một tấm bảng nhỏ màu trắng viết chữ xanh với nội dung: coi chừng kẻ gian móc túi, lấy điện thoại, tiền bạc hay đổ nước mắm…

Đây là căn phòng hội tụ mọi sự thống khổ ở trần gian: gần cửa ra vào, một em bé với khuôn mặt khờ khạo, vô tư cười với chiếc đầu trọc lóc. Đối diện là cô gái chưa tới đôi mươi mà khuôn mặt biến dạng bởi chiếc bướu to che khuất cả con mắt cứ tưởng như người hai đầu. Vị sư già ung thư xương tới giai đoạn ba nhưng khuôn mặt vẫn thanh thoát. Một nhóm bác sĩ vào thăm cô giáo của mình vừa mổ ung thư vú... Căn bệnh không chừa một ai và cũng không một lời báo trước…

Người bệnh không bắt buộc mặc đồ bệnh viên. Thân nhân của họ nằm ngồi la liệt trên giường bệnh, ghế xếp hay chiếc chiếu trải dưới đất. Người ta ăn , ngủ trên phạm vi hai, mét vuông quanh giường bệnh.

Tôi không dám nhìn xung quanh bởi cảm giác không diễn tả được bởi người bệnh không rên la đau đớn, không vết mổ máu me mà chính là những làn da nám đen, đầu không sợi tóc, ánh mắt thất thần đối diện với bản án tử thần treo lơ lửng. Khuôn mặt của người bệnh như cam chịu số phận không may, hằn lên vẻ khổ não: tại sao lại là mình? Tại sao??

Tôi bước lại gần. Trên giường đứa cháu gái mới vừa tốt nghiệp đại học nằm ngủ say bên cạnh mẹ tưởng như mọi sự đều bình an. Tựa sát chiếc ghế bố, người em rễ đang chập chờn nhắm mắt. Cảm giác có người đến gần, em tôi mở mắt, ánh mắt sáng lên nhận ra người thân, thoáng cười. Ơn trời, em bệnh nhưng sao em không than thở hay rên đau. Em bình tâm trước mọi vật, lặng lẽ cười, ít nói. Dường như em chẳng dính dáng gì với cảnh vật xung quanh

Cảnh vật ở phòng lưu trú trong khu điều trị ung bướu thật đúng như lời người em rễ ví von : không khác gì tầng địa ngục thứ sáu!

Ngày xưa người bệnh được đưa đến nhà thương để chữa trị với lòng thương yêu, ngày nay người ta được chữa bệnh tại bệnh viện và cách chữa trị tùy theo viện phí được đóng vào.


Tháng 7 năm 2014

Phạm Mai Hương

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn