Tôi Tập Làm Thơ Haiku * Thiên Hương

04 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 36973)
Tôi Tập Làm Thơ Haiku

Thiên Hương

moc_lan_3_2_13_121-large-content














H
ôm trước, một người bạn gửi một bài thơ Hai-ku, thấy hay hay tôi cũng bắt chước làm vài câu…
 
Sáng sớm ngày đầu thu
Tiếng chim non đầu nhà lảnh lót
Cho chiếc lá vàng rơi.....
 
Mưa sao lại hắt hiu
Trời sao chợt dâng mây ủ rũ
Buồn ngỡ hết lại đầy

Ơ kìa nắng đã lên
Leo lắt chút niềm vui chợt đến
Đời như lại hồng lên... 
 
Viết xong, gật gù khoái chí, thấy tự hào lắm. Nhưng khi bạn tôi đọc, cô ấy bảo, chưa đạt được tinh thần Haiku… Tức quá, vào web searched những bài về Haiku…
Về hình thức thì Haiku gồm 3 câu và 17 âm, không phải 17 chữ, chia làm 5,7,5.[1]
Xem lại mấy câu thơ của mình. 5, 7, 5 … . 5, 7, 5 … rồi lại 5, 7, 5 có gì sai trái đâu, sao lại bảo chưa phải là thơ Haiku nhỉ….
Lại đọc tiếp:
“Haiku không phải là một phim bộ dài dòng mà là một tấm ảnh chụp lấy một khoảng khắc, một trừu tượng, một tư duy, nên nhiều khi vài chữ cũng đủ.“ 1
Lại xem lại bài thơ, có chụp lấy một khoảng khắc, một trừu tượng, một tư duy đấy. Thế thì tại sao….
"Trên cành khô
Chim quạ đậu
Chiều tàn mùa thu" [2]

Trong bài thơ của Basho, ba câu, mười chữ, một cảnh mùa thu, một chiếc cành khô, một con quạ đậu, một buổi chiều tàn… Chỉ vỏn vẹn mười chữ, nhưng vẫn là thơ, vẫn đủ gợi lên được hình ảnh lặng lẽ, khô khan và buồn bã của những ngày thu héo hắt sắp bước vào mùa đông buồn thảm…
Đọc lại bài thơ của mình, chín câu, ba mươi sáu chữ mà cũng chỉ vẽ lên được một buổi sáng thu với chút nắng hồng lên… Thừa chữ mà thiếu hồn, hình như vậy, nói đúng hơn, chắc chắn là vậy, vì lạm dụng ngôn từ, vì hình ảnh nghèo nàn, buồn nhỉ…
Người bạn góp ý sửa lại câu thơ….
 “Sáng đầu thu
Tiếng chim non đầu nhà
Chiếc lá vàng rơi.....” 
Chỉ ngắn gọn thế thôi, thế là đủ cho một buổi sáng thu, có cả tiếng chim ca, cả chiếc lá lìa cành….
Người bạn lại bảo…
Làm haiku là làm vài câu ngắn ngủi, nguệch ngoạc vài nét không cần chú trọng đến vần điệu, cấu trúc, chủ yếu là ghi lại vision, về sự vật/sự việc một cách hiện thực, đơn giản, "as is", không mô tả cảm xúc (do đó không dùng tĩnh từ và trạng từ), không mô tả quá khứ và vị lai của sự vật/việc, nhìn ngay lúc đó nó như thế nào thì mô tả lại nhu thế “Tả” chứ không “diễn tả”
Dùng những từ thật đơn giản dễ hiểu, không dùng metaphor (ẩn dụ ?) . Đề tài của haiku thường là thiên nhiên và những mùa trong năm, thí dụ tả mùa xuân hạ thu đông, không dùng chữ xuân hạ thu đông trong bài, nhưng được quyền dùng hình ảnh hoa anh đào, ve sầu, lá vàng, tuyết. Giống như một rock garden vay, những tảng đá lớn nhỏ xếp theo hình thể gì, tạo cho người thưởng ngoạn cảm tưởng nghe một thác nước đổ, ngắm một rừng lá thông phủ kín mặt đất, v.v..” [3]
Trở lại internet, chính nghĩa của Haiku cũng chỉ là để diễn đạt…
Chữ "hai" trong "haiku" là chữ "bài" Hán Việt có nghĩa là trình bày, diễn đạt; "bài ưu" trong tiếng Hán Việt nghĩa là "phường tuồng", và người Nhật đọc là "haiyu" dùng để chỉ các diễn viên kịch nghệ hay điện ảnh. Chữ "ku" là chữ "cú" Hán Việt, nghĩa là "câu nói/viết". "Haiku" như vậy có nghĩa là "câu nói/viết để trình bày, diễn đạt”…
Fu ru i ke ya - Trong ao xưa
Ka e ru to bi ko mu - Con ếch nhảy vào
Mi zu no o to - Tiếng nước khua” [4]
 
Ba câu, mười từ…. một ao nước, một tiếng nước khua do chú cóc tạo nên…
Chỉ cô đọng trong vài chữ, cảnh vật đã được diễn tả đầy đủ. 
Nhưng có phải thơ vẫn là như thế, không cần dông dài mà luôn đủ ý khi diễn tả cảnh vật.
Thụy Khê cũng nói “Thơ là thể cô đọng nhất của văn chương. Theo Jakobson: thi ca là một phát ngôn nhắm vào thể cách phát biểu (un énoncé visant l'expression). Do đó, chúng ta có thể coi thơ như một sự kết tinh trong cách biểu đạt tư tưởng bằng ngôn từ. [5].

Nhưng nếu chỉ để diễn tả, đâu cần phải mượn đến Haiku, thơ Việt nam mình cũng nhiều bài hay lắm chứ, rất cô đọng mượt mà, vẫn dồi dào xúc tích như những bài Đường luật của Bà Huyện Thanh Quan….
Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen lá, lá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú,
Lác đác bên sông rợ mấy nhà.
[6]

Các bài Cảnh Thu của Bà Huyện, ba chùm thơ Thu ẩm, Thu Điếu, Thu Vịnh của Nguyễn khuyến; Gió Thu của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư, v.v… cũng vẽ nên những cảnh thu man mác trong vài câu thơ ngắn gọn. Xem thơ như đứng trước những bức tranh tuyệt bích vờn chải lại được hết cái hồn thơ man mác của mùa thu… Những hạt mưa lất phất trên những tàu tiêu, trên cây cổ thụ với biển sóng trắng xoá (BHTQ). Một chiếc ao con, một chiếc thuyền câu bé tẻo teo, những chiếc lá vàng bay vèo trong gió (NK). Tiếng lá khô xào xạc, con nai vàng ngơ ngác (LTL). 

Về Xuân thì Xuân Ý của Huy Cận cũng nhẹ nhàng mà đủ ý….
Đêm vừa nhẹ, gió vừa mơn
Cây chen ánh nguyệt trải vờn bóng xanh [7]

Hay Ông Đồ Già của Nguyễn Đình Liên cũng vẽ lên đuợc một ngày xuân với một ông đồ già dưới cơn mưa bụi bay.
Vậy thì đâu cần phải Haiku, khi cần diễn đạt cảnh sắc, các thơ tự do, thơ thất ngôn, lục bát, v.v của Việt nam … vẫn hoàn thành nhiệm vụ diễn đạt thật tuyệt vời và xuất sắc. Thơ Haiku gọn quá, ngắn quá nên không gợi nên những rung động sâu thẳm như những lời thơ của Xuân Diệu, hay những lời nhạc của Đoàn Chuẩn Từ Linh qua Thu Quyến Rũ, Lá Đổ Muôn Chiều…
Nhưng như vậy thì tại sao Haiku lại nổi tiếng như thế, và tại sao bây giờ lại nhiều người tìm đến Haiku đến thế….

Cô bạn tôi bảo: “Haiku là một loại thơ thiền, để thực hành thiền dễ dàng nhất. Thiền là một cách giúp tìm sự bình an trong tâm hồn do việc tập nhìn mọi sự việc đơn giản thuần khiết. ” 
Như vậy Haiku nổi tiếng nhờ tính thiền của nó: 
"Nhiều chuyện
làm nhớ lại
Hoa anh đào" [8]
Theo Hạ Thanh bài thơ này rất thiền vì đã nêu lên vấn đề vô thường và “nói theo ngôn ngữ nhà Phật, hoa anh đào là biểu tượng của sự vô thường trong cuộc đời.” [9]
Trong những tháng ngày hiện tại, học thiền bỗng trở nên một trào lưu sâu rộng. Có lẽ cuộc sống quá phức tạp, quá máy móc, cám dỗ vật chất quá nặng nề, nhu cầu mỗi lúc một nhiều, lại không còn phải lo toan nhiều về miếng cơm manh áo, sự dư thừa về vật chất đưa đến sự thiếu thốn về tâm hồn, và áp lực từ môi trường sống khiến cho con người mệt mỏi hơn, cần xoa dịu về tinh thần nhiều hơn. Và như thế, nhiều người đã tìm đến thiền như tìm một hướng đi để giải thoát…. Và như thế, Haiku trở nên thịnh hành. 
Tôi xem lại những câu Haiku của mình…

Nhánh hoa đào sót lại
Nở nụ hồng rạng rỡ nắng mai
Xuân về ngát thinh không
Dao trì xanh ngăn ngắt
Dáng sen bình nhiên nở dịu dàng
Hương thiền dâng chất ngất
Rặng liễu xanh bờ ngõ
Sáo trúc chiều thoảng vút trời cao
Cúc nở vàng bỡ ngỡ
Ngoài hè cành khô rũ
Lửa trong nhà ấm áp tâm can
Đời chợt là sương khói..... 

Vẫn còn thiếu sót một cái gì đó…. Bài thơ vẫn dư chữ và thiếu ý…. Vẫn không đạt được triết lý Sabi của cái nét đẹp mỹ thuật của thơ Haiku. Nó không có cái “vẻ đẹp tao nhã, u huyền”, cũng không tạo được cái “vẻ đẹp trầm lắng, man mác làm miên man lòng người nhưng không xa cách cuộc đời.” Có phải vì tôi đã sử dụng quá nhiều tính từ, và trạng từ trong những câu thơ của tôi. 
Ngồi xuống, thử viết thêm vài câu

Trong đêm đen
Đóa hoa quỳnh đang nở
Sáng long lanh 
Sáng sớm nay
Hàng cây khô trụi lá
Chim vẫn hót
 
Chiều xuống dần
Nắng chợt tắt bên hiên
Sương ướt vai…
(04/04/05)
Vẫn thấy gượng ép thế nào, đọc lại những dòng thơ của bạn tôi ….
tich tac
tiếng đồng hồ trên tường
trong đêm đơn
------------
Căn phòng đêm
ngọn nến lung linh
mùi trầm toả
 --------------------
tháng ba
tràng hoa giáng sinh
còn trên
khung cửa xám [10]
Gọn hơn, mà đủ nghĩa hơn. Những chữ thật giản dị mà sao tôi không viết ra được. Tại sao thơ của tôi luôn nặng về ngôn từ, có vẻ chải chuốt nhưng lại rỗng hoác buồn tênh… Tại sao, và tại sao…
Buổi trưa, tôi rời căn phòng làm việc bước ra đường. Những hàng cây đã bắt đầu chớm lá vàng, những cơn gió nhẹ đã bắt đầu thổi những chiếc lá vàng nhỏ xíu. Những chiếc lá xoay xoay, xoay xoay. Nhớ đến những người bạn ở bên kia quả địa cầu đang hớn hở khoe mùa xuân đến. Nhìn những chiếc là vàng rơi, nghĩ tới những ngày sắp đến, ngày đã dần ngắn lại ở xứ Úc này. Tự dưng, lòng thấm thía hai chữ vô thường của tạo hóa. Và tôi chợt hiểu ra tại sao mình chưa thể làm được những bài thơ Haiku đúng nghĩa…
Thơ Haiku, bản chất của nó, như bạn tôi nói “chỉ ghi lại sự vật một cách hiện thực, đơn giản, "as is", không mô tả cảm xúc, không mô tả quá khứ và vị lai của sự vật/việc, nhìn ngay lúc đó nó như thế nào thì mô tả lại nhu thế.“

Thơ của tôi còn dùng quá nhiều tính từ và trạng từ, còn gượng cứng vì tôi đã bỏ cảm xúc của mình vào nhiều quá. Tâm còn quá vọng động, còn quá mải mê trong BẢN NGÃ (self) của mình nên chưa đạt được tính thiền, chưa cảm nhận được hai chữ VÔ THƯỜNG của đời sống. VÔ THƯỜNG tự nó không có gì là buồn hay là vui. Mọi việc đều Tùng duyên khởi. Xuân đi trăm hoa tàn, xuân đến hoa lại nở. Hoa thích ứng theo sự thay đổi của bốn mùa. Tàn hay nở cũng không quá hoan hỷ mà cũng không quá ưu sầu.
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai [11]

Hiện tượng hoa tàn, hoa nở được mô tả với “một tâm tư bất động, khách quan, không gán ghép, không đánh giá gì sự vật cả, cho nên thiền sư không dùng trạng từ, cũng không dùng tĩnh từ trong các câu của mình … Chỉ nhìn sự vật biến thiên chứ không bình luận. …
Bốn câu, hai chục chữ, mà đã có tới sáu động từ và không một tĩnh từ hay trạng từ nào cả. Rõ ràng đó là một cách tả chân rất khách quan hơn cả thứ văn thơ hiện thực hiện đại. Phải là một tâm tư tịch nhiên vắng lặng mới có thể dùng được thứ ngôn ngữ có vẻ như lạnh lùng mà lại nên thơ như vậy.” [12]

Trong khi đó, tôi lại nhìn cảnh vật dưới cặp kính màu hồng hay đen tùy theo lúc vui hay buồn. Mô tả cảnh vật luôn như trong mấy câu Kiều của Nguyễn Du
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ!
Tâm chưa tịnh nên thơ còn vọng động. Cây đào nở hoa mà mãi run rẩy vì gió đến thì hoa mãi lâu tàn sao được. Tâm còn chưa yên nên thơ còn khúc khuỷu xuống lên với những trạng từ và tính từ…. Lòng còn xao xuyến nên nhìn vật chưa thấy được bản thể thì làm sao tả chân được sự vật.

Chưa nhận ra được tính vô thường của sự vật, chưa xác định được cái thật có, hay nói chung chưa hiểu tường tận được hai từ Như Thị thì làm sao an nhiên tự tại. 
Chỉ một chút gió thu lay lắt hay vài chiếc lá vàng vu vơ, hồn đã chùng xuống theo những tiếng thở dài. Chỉ vài hạt mưa cũng làm đôi mắt nâu nhòe nhoẹt nước mắt. Biết đến khi nào vật có hoặc không cũng không làm xao động tâm thức, hoa nở hoặc tàn cũng không làm héo úa thời gian, nước chảy mây trôi cũng không làm tâm hồn dậy sóng…..
Tâm chưa an, nên những vần thơ viết lên chưa thể là Haiku. Lại còn quá gượng ép vay mượn ngôn từ tìm tiếng diễn tả, cái tâm chưa thoát, lòng còn vẩn đục thì thơ thế nào êm ả. Cứ mãi đi tìm bản chất, cứ mãi phân tích hiện tượng nên nẻo thiền càng lúc càng xa diệu vợi.

Nhứt thiết hữu vi pháp,
Như mộng huyễn bào ảnh,
Như lộ, diệc như điển
Ung trụ Như Thị quán!!! [13]

Hãy quẳng hết ưu tư, quẳng hết những âu lo phiền muộn, nhìn hoa để chỉ thấy hoa, nhìn nắng để chỉ thấy nắng. Nhìn vạn vật với Như thị quán, lòng sẽ an nhiên và như thế liệu tôi có viết nổi vài câu haiku hay không…. 
Nhắm mắt lại, và thử lần nữa nhé, không biết đã được chưa…. 
Mưa đã dứt
Người khách trên đuờng
Bước chân đi
 
Nắng đang lên
Đường phố nở hoa
Chim sẻ hót
 
Cánh đồng cỏ
Đàn bò tha thẩn
Bướm lượn bay….
 
và lại nữa…
 
Trên đài sen
Đức Phật nhìn xuống
Mỉm cười…
 
Trong bình hoa
Đóa hoa hồng nở
Khói hương bay….

Thiên Hương
Melbourne
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn