CHUYỆN PHONG THỦY

18 Tháng Mười Hai 20219:40 CH(Xem: 1158)

CHUYỆN PHONG THỦY

Đã ba năm, chị Trang không về Dalat thăm nhà vì dịch bệnh Cô Vít. Chị sốt ruột và thương anh em bèn viện trợ một thùng hàng. Mọi người được phần quà đồng đều: kẹo bánh, thuốc men…Cẩn đặc biệt thêm một chiếc nhẫn đeo tay: nhẫn làm bằng vàng 18 cara có cẩn viên ngọc màu xanh lục nằm giữa hàng chữ Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, hai bên có huy hiệu quân đội Việt Nam Cộng Hòa và trường Võ Bị, bên trong khắc chữ K25.

-Viên đá màu xanh quá đẹp, em đeo vừa khít. Em mạng Thổ không hạp màu lục, chắc em đổi viên đá khác.

-Thích thì giữ lại mà đeo, đổi làm gì. Nghe chuyện phong thủy của nhà mình nè.

          ***

Bà cố nội tôi trước làm vợ của viên tả quân thời Nguyễn, con gái của cố là quý phi thứ 14 của vua Thành Thái. Sau này, bà cố lấy ông cố sinh ra nội tôi nên nội được học hành tử tế. Nội giỏi chữ quốc ngữ, chữ  Hán đã có thời gian làm thầy giáo ở Pleiku. Nội nghiên cứu triết lý Kinh Dịch với các thuyết Âm Dương, Ngũ Hành, Can Chi, xem sách phong thủy Tả Ao …Khi về lại Huế, an cư tại làng An Cựu, nội trở thành nhà tướng số: bấm số tử vi, coi ngày tháng tốt xấu, tìm đất tốt để chôn người chết.

Anh em chúng tôi khi sinh ra, ba viết tên, ngày giờ sinh gởi về cho Huế để nội làm lá số tử vi. Nội vẽ chi chít những điểm và đường nối nhau và ghi chú nhiều từ tiếng Hán trên tờ giấy dó, bền chắc, khổ lớn. Đến giờ, những lá số tử vi đổi màu vàng ố, được lưu giữ nơi chiếc cặp da đen cùng với cuốn gia phả gia đình.

Anh Hoàng, người con thứ tư ra đời, nội đắc ý:

-Đứa ni tốt có sao Thiên Di chiếu mệnh. Đi xa làm ăn thuận lợi, số giàu có.

Mãi gần 10 năm sau, mạ sinh Cẩn, nội gật gù:

-Đứa ni tốt hơn, hắn có 3 đứa con 2 gái 1 trai. Hậu vận khá lắm

Cuối cùng đến út Hoành, nội khen:

-Đứa ni tốt nhất, giàu có nhất nhà.

Mười đứa còn lại chắc làng nhàng nên nội không bàn đến. Người ta nói lập lá số tử vi không quan trọng bằng lời chú giải bởi ba người trên so với người ngoài không bằng ai nhưng khá giả nhất nhà và Cẩn có đúng 3 con: 2 gái 1 trai.

 Làng Vĩnh Xương, huyện Phong Điền của dòng họ nhà tôi hàm ơn nội bởi giòng họ Phạm có huông con trai chưa tới 40 tuổi đã mất nên nhiều chi trong họ không còn; nội xem thế đất và cho dời nhà thờ họ lên. Quả nhiên con trai trong họ sống thọ đến tuổi 80.

Nội coi ngày giờ cho người trong làng khi cưới hỏi ma chay, ngày tốt xấu để khai trương buôn bán tuy nhiên cuộc sống của nhà nội vẫn nghèo. Khi ba và cô chú lớn khôn, nội dành nhiều thời gian để tu học Phật pháp

Tuổi thọ thanh nhàn chung hưởng mãi

Câu kinh tiếng kệ phước hà sa

 ( Phạm Như Mai tự vịnh)

 Và trở thành cư sĩ tại gia. Hình ảnh của nội mà chúng tôi nhớ nhất: dáng người cao, gầy trong chiếc áo tràng màu khói lam chiều.

Năm Tân Tỵ, nội đau nặng, con cháu ở nơi xa về thọ tang. Nội mê rồi tỉnh lại; mọi người nóng lòng muốn về lại nhà bởi đã tháng chạp cận Tết. Nội nói yếu ớt:

-Các con ráng chờ vài ngày.

Ngày phép của công chức có chừng nên ba mạ và cô chú đành từ biệt nội. Mọi người ra đến phi trường Phú Bài nhưng máy bay không cất cánh vì mưa bão; hôm sau nội mất đúng ngày Phật Thích Ca Thành Đạo.

Mọi người ở làng Vĩnh Xương chờ đón nội về an táng ở ngọn đồi cát trắng tận Rú bởi cách đây hơn 500 năm, cụ tổ đời thứ 1 từ Thanh Hóa vào lập nghiệp đến nay là đời thứ 20. Ngôi mộ của ông Tổ hình tròn giống chiếc đĩa, đường kính chừng 20 mét, cao hơn nửa mét, chung qung không có xi măng hay đá bo, người làng dùng cào, cuốc xoay quanh khiến ngôi mộ bằng phẳng đẹp, chung quanh hơn 400 ngôi mộ con cháu.

Nội không thuận ý mà cất công tìm đất chôn cách nhà rất xa. Đất nằm trên ngọn đồi nhỏ từ núi Ngự Bình lên cao thuộc phường An Tây; đường đi vào có lũy tre, chung quanh cây côi xanh mướt, không gian mát đẹp như trong rừng thông  Dalat. Người làng đi tiễn tấm tắc khen đất tốt.

Không biết mất bao lâu để mộ táng kết chỉ biết năm sau, chú tôi là Quận trưởng quận Tuy Phước-Bình Định bị chết trong cuộc tấn công vào đồn đúng đêm Noel hưu chiến; vài tháng sau vào tết Mậu Thân, dượng tôi, rễ của nội, bị chôn tập thể không tìm thấy xác; mười năm sau đó, tất cả con cháu của nội trong biến cố 1975: thất nghiệp, tù tội, thất học …

Chúng tôi ngẫm sự đời than với đứa em bạn dì:

-Chị có điều không hiểu: tại sao ôn nội chị là thầy địa lý chọn đất để chôn, mảnh đất đẹp nhưng sao không thấy mả phát. Bên ngoại đi vượt biên người nào thoát người đó, tụi chị trầy vi tróc vẩy, thậm chí còn bị tù mà không lọt 1 đứa. Sau này nhờ phước nhà sui gia mà 2 đứa mới đi được

Hắn thủng thẳng trả lời:

-Xưa nay thầy pháp, tướng số ít người giàu có vì thứ nhất phạm thiên cơ bất khả lậu; thứ hai những người có tâm địa không tốt tham tiền nhà không phúc vẫn tìm đấy tốt chôn, xem ngày giờ hạch sách thân chủ. Mả phát không phải chỉ hưởng quan tước, giàu sang mà còn là văn học, phúc đức… biết nội chị chọn đất theo hướng nào.

Hắn lại cười:

-Cuối đời ôn theo Phật lấy câu : tâm bình thường là đạo nên tụi chị sống an nhàn là đúng rồi. Biết chừng nhờ mả ôn phát mà tụi chị được vậy chứ không thì “ đi ăn mày Tàu” rồi!

12.12.2021

Phạm Thị Mai Hương

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn