MẠ TÔI: CHUỖI NGỌC MÀU ĐÔI MẮT

18 Tháng Chín 20181:36 CH(Xem: 2665)

MẠ TÔI: CHUỖI NGỌC MÀU ĐÔI MẮT

( Luôn nhớ mạ và thương tặng anh chị em tôi)

Thưở sinh thời, mạ là người phụ nữ mặn mà thích làm đẹp. Tuy không se sua cầu kỳ nhưng biết chăm chút dáng dấp bên ngoài chỉnh chu.

Lúc nhỏ, mạ mua chiếc quai nón màu tím khá nhiều tiền khiến ông ngoại tuy không rầy la nhưng suýt xoa. Lấy chồng, chiếc nhẫn cưới là sinh lễ duy nhất được làm từ miếng vàng mạ nhặt được ngoài đường nên sau này ba để mạ sắm sửa đồ trang sức tuỳ thích.

Nữ trang của mạ thay đổi theo thời gian nhưng thường có 4 món chính : chiếc vòng đeo cổ, đôi bông tay, vòng tay và nhẫn.

Mạ có  nhẫn cưới vàng ta móp méo, chiếc nạm hột cẩm thạch màu xanh, chiếc vàng tây có chạm trỗ ; Chiếc lắc và chiếc đồng cồ có 12 hột kim cương giả đính xung quanh; chiếc kiềng vàng, vòng cẩm thach, sợi dây chuyền; đôi bông đeo tai làm duyên con gái vòng tròn xuyên qua lỗ , bông kẹp hình hoa mai, đôi hoa mai đính kim cương,

Ba mất, mạ không thiết tha đến việc làm đẹp nên số nữ trang không còn, phần do mạ không thích giữ bán để chi dùng hoặc mất lúc nào không hay. Tiếc nhất sợi dây chuyền Trang mua tận Thái Lan có tượng Quán Thế Âm Bồ Tát, cái lắc của Lâm Yến, chiếc nhẫn của Mai Hoành….

Tuổi 91 mạ ra đi, để lại cho các con trai phước đức của mình và tặng cho con gái 3 di vật:  vòng đeo cổ cẩm thạch, nhẫn và một chiếc bông tai.

Bông hoa tai nhỏ đính hạt kim cương giả, cọng dài và giữ lại bởi một ống nhỏ. Đôi bông làm mạ vướng víu khi trùm khăn hay rửa mặt nên mạ tháo ra nói với Phương:

-Con lấy đeo đi con.

-Thôi mạ cứ giữ đi.

Mạ tháo cất vào tủ, lại lấy ra đeo rồi tháo ra gói trong tờ lịch để trong túi và đánh mất. Một sáng, Việt lượm được trong sân một chiếc  tìm mãi không ra cái thứ hai. Phương nhận chiếc bông tai làm kỷ niệm. Cái mất kia có lẽ theo Chi về cõi hư vô.

Chiếc nhẫn bằng vàng 18 cara có hột màu xanh đã lỗi thời. Trang cho mạ trong đợt ba mạ đi Mỹ chơi. Khi mạ đau nằm phòng cấp cứu, chiếc nhẫn được tháo ra và gởi lại Trang khi về tang mạ. Chiếc nhẫn móp méo đã cũ kỹ.

Chuỗi cẩm thạch đeo cổ, mạ dành cho Hương, cô con gái cục mịch ít chưng diện. Mạ nhớ điều đó như in; sau này mạ lẫn, mấy đứa cháu giả vờ xin, mạ lắc đầu nhỏ nhẹ :

-Không được, nội hứa cho cô Hương rồi.

Chuỗi ngọc gắn bó với mạ hơn nửa thế kỷ nên mạ quý và là di vật có nhiều kỷ niệm gắn bó với gia đình

***

Chuỗi ngọc cẩm thạch ấy ban đầu của thím Tư Cúp.

Năm 1950 lên Dalat, ba mạ ở trọ nhà ông Hai Dĩ cùng với chú thím Tư Cúp. Ba làm công chức được cấp căn nhà số 8 Trần Nhật Duật. Ba cho chú Tư Cúp miếng đất trống phía sau nhà, chú cất nhà và ở đó đến nay. Tình giao hảo giữa 2 gia đình luôn đằm thắm

Chú Tư có tên Mạnh, chú có nghề hớt tóc (người ta gọi là coffeur : cúp phơ). nên đổi tên chú Tư Cúp, chú cắt tóc cho sinh viên sĩ quan trường Võ Bị Dalat.

Thím Tư là trẻ mồ côi nên khi làm vợ, thím luôn thương yêu, kính nể chồng. Thím cao, mảnh mai. Khuôn mặt thím hình trái soan với làn da trắng xanh, đôi mắt to với mái tóc dài búi sau gáy. Thím Tư hiền lành chẳng to tiếng với ai bao giờ. Hai giờ sáng thím đã ra chợ lớn (chợ Dalat) bán cá cho đến trưa chiều mới về, nghỉ ngơi cho đến chiều tối để sớm mai lại ra chợ.

Thím hiền đến nỗi khi chú Tư lỡ có con với một người đàn bà ở giá. Thím không ghen mà còn chu cấp cho người đàn bà ấy nuôi con và sau này các con thím còn cưu mang hai mẹ họ. Sau năm 1975, khi thím bị ung thư phải về Saigon chữa trị. Chú Tư Cúp khăn gói vào bệnh viện ăn ở trong đó một thời gian dài cho đến ngày thím qua đời.

Khoảng thập niên 60 thế kỷ trước, mỗi người phụ nữ sắm cho mình chuỗi cẩm thạch thay chiếc kiềng lỗi thời như  bà Huyền, mẹ cô Kim Hương, bác Tư, mẹ chồng cô Lơi… thím Tư cũng có một chuỗi không biết mua từ lúc nào, khi có việc cần thím bán cho mạ và lúc thím có tiền muốn chuộc lại thì mạ đã yêu thích và gắn bó với chuỗi ngọc ấy nên khuyên thím mua chiếc khác.

Mạ đeo chuỗi ngọc trai trên 50 năm, chuỗi ngọc hợp với màu mắt của mạ lên nước bóng đẹp. Chuỗi có chừng tên 60 hột tròn màu xanh cẩm thạch, hột chính giữa to bằng đầu ngón tay, những hột hai bên nhỏ dần đều được sâu lại bằng sợi cước cứng và cuối cùng là vòng sắt nhỏ để gắn vào nhau.

Theo thời gian chuỗi cẩm thạch không còn nguyên như trước.

Từ lúc nhỏ, chúng tôi thường lục tung giường nệm để tìm những viên ngọc lăn lóc khắp nơi bởi sợi dây cước đứt thình lình. Khi mạ còn nằm ngủ trên giường còn dễ kiếm, hôm nào bị đứt ở phòng khách hay bếp tìm mới cực. Có viên trốn nơi nào tìm không ra. Khi mất nhiều hột, sợi dây ngắn mạ ra tiệm vàng mua vài hột thêm vào.

Mạ để các viên cẩm thạch trên bàn sắp thành 2 hàng với độ lớn xuống bé giống nhau rồi dùng sợi cước mới xâu lại. Về sau Việt, Hoàng, Lâm…thay mạ làm. Đứa con nào của mạ cũng đều đã cầm xâu chuỗi. Ai cũng trân quý vì biết mạ yêu thích nó.

Nhiều khi không muốn làm phiền con, mạ bỏ chuỗi ngọc vào tủ cất :

-Chuỗi ngọc của mạ đâu rồi?

-Đứt rồi

-Sao mạ không nói để con xâu lại.

Trang về Việt Nam, cẩn thận đem ra tiệm vàng nhờ xâu lại và làm luôn cái vòng bằng vàng cho chắc nhưng rồi sợi dây lại đứt. Mạ thủ thỉ :

-Hương lấy vòng chuỗi ngọc của mạ đeo đi. Mạ cho Hương đó.

-Thôi! mạ cứ đeo đi. Nó đứt rồi phải không.

Chị ra Kim Hoà Luân mua thêm mấy viên về xâu lại cho mạ. Mạ nhìn Hương làm:

-Con đếm xem có đủ sinh lão bệnh tử không?

Hương ngạc nhiên nhìn mạ: cả đời mạ không hề coi bói toán mà nay lại nghĩ đến chuyện này nhưng không cãi. Chị xâu đủ 54 hột làm xong còn dư mấy hột, chị gói lại bỏ tủ để dành nếu mạ làm đứt thì có cái thay thế.

Một hôm Liên , vợ Hoàng, đứng ngoài ngõ bị tên ăn cướp giật mất sợi dây chuyền nên cả nhà không sợ mất của mà sợ mạ bị cướp té phiền :

-Mạ cho Hương mượn chuỗi ngọc để đi ăn đám cưới.

Đôi mắt xám xanh của mạ ánh niềm vui :

-Ừ. Con đeo đi.

Hương đưa Hạnh Quyền giữ, dặn :

-Chị không có ở nhà, khi nào mạ thích, em đưa mạ đeo không thì tội.

Về thăm mạ, chị hỏi :

-Mạ đeo lại chuỗi ngọc không. Con trả mạ.

Mạ cười hiền :

-Thôi mạ cho con rồi, con đeo đi.

Khi mạ quên luôn chuỗi ngọc cẩm thạch thì mạ không còn lưu luyến cõi trần gian.

Hương đem chuỗi ngọc về lại nhà. Chuỗi ngọc không đồng nhất màu xanh biếc như mây trời mà các hột đậm nhạt khác nhau; các hột không còn to nhỏ theo thứ tự mà những hột gần móc xích bằng nhau. Chị không đeo bởi ít khi đi ra khỏi nhà, vả lại ở cái đất Sai Gòn này lỡ bị giựt, rớt lăn lóc khắp nơi mất cũng uổng.

Mỗi sáng, niệm Phật, chị lấy chuỗi ngọc của mạ ra lần đủ 2 vòng được 108 biến. Không biết có linh nghiệm như chuỗi tràng hạt mà chùa đã chú nghiệm cho chị không nhưng mỗi sáng cầm chuỗi cẩm thạch chị cảm nhận mạ ở quanh đó. Viên ngọc như đôi mắt xanh xám của mạ tìm con mỗi khi chị về thăm, mạ muốn chị cạnh mình còn chị lại mải lên nhà Cẩn, xuống nhà Quyền qua nhà bạn. Đôi mắt lanh lợi, ranh mãnh khi đọc bài thơ tình của anh học trò năm 16 tuổi

Đến bến đò ngang dạ thấy buồn

                Nhìn dòng Hương chảy giữa trời thương

                Mênh mông một dãy bờ vô tận

        Bóng chiếc thuyền qua dạ vấn vương

Đôi mắt buồn rầu bối rối, tự trách mình không nhớ rõ tên con. Đôi mắt thẩn thờ dọ hỏi: ba đi đâu mấy ngày không về ăn cơm.

Bỗng dưng muốn khóc, chị mong ngày nào đó, Cẩn, em chị, sửa soạn lại góc nhà, trưng bày bộ sưu tập của hắn. Chị sẽ đặt chuỗi ngọc của mạ nằm cạnh chiếc máy ảnh cũ của ba, tô chén sành nung thô sơ của ông nội, khay đựng trầu của thím Hai… để mọi người trong nhà ngắm nhìn như thấy lại ba mạ mà trân quý tình anh em.

30/8/2018

Phạm Mai Hương

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn