Stop and Go - Việt Trang

12 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 152871)

BÀI THƠ “ STOP AND GO "


ong-do-contentDuy Việt- Huỳnh Chùm bề ngoài có dáng vẽ một nghệ sĩ lớn, râu tóc dài như một lãng tử, anh có tài viết thư pháp rất đẹp . Gia đình anh thật hạnh phúc, ba người con trai đều thành đạt . Trước năm 75 anh là một dân biểu của tỉnh , nay anh mở quán café trên đường Lý Tự Trọng ( đường Tự Do cũ ) , quán của anh cũng là nơi gặp gỡ của nhiều người yêu thơ. Trước hôm khai trương, tôi ngồi uống với Duy Việt, Nguyễn Đức Minh, Tâm Giao cũng để mừng anh Phong Vũ về thăm quê nhà, Duy Việt nói:

 -Dalat là thành phố ngàn hoa nên tôi muốn đặt tên Quán Hoa, ý các anh nghĩ sao.

Mọi người bàn ra tán vào. Anh Phong Vũ lên tiếng :

-Thằng con tôi ở Mỹ qua thăm, nó kể có một quán cà phê bên đó lấy tên “ Stop and go”.

“Stop and go”. Thật đang ngạc nhiên, không ngờ ở đất nước lấy vật chất làm đầu mà có người nghĩ đến một cái tên, có vẻ như lấy trong lời dạy của Phật hay lời khuyên của một thiền sư. Mọi người mỗi ý

“Stop and go” có đơn giản như lời mời gọi : hãy dừng chân lại đây nguời lữ khách, uống tách cà phê nóng cho ấm lòng trước khi ra đi ngoài trời bão tuyết

“Stop and go”. Nghe gần như sinh ký, tử quy. Ta dừng lại trên cõi đời này vài giây, vài phút , vài ngày..hay trăm năm rồi cũng sẽ ra đi, đi về cõi vĩnh hằng hay về lòng đất mẹ

“Stop and go”. Khi tên cướp Vô Não chặt đầu 999 người và hắn tính chặt đầu mẹ ruột cho đủ 1000 thì Đức Phật xuất hiện, Vô Não nghĩ đến việc giết ngài thay vì giết mẹ, hắn cầm dao đuổi theo Đức Phật nhưng không làm sao đuổi kịp , hắn kêu :

-Cù Đàm ! Sao ông không dừng lại

Đức Phật trả lời từ tốn:

-Ta dừng lại từ lâu rồi , còn nhà ngươi sao không dừng

Câu nói khiến tên cướp “ ngộ “ Hắn buông đao và trở thành con của Phật

“Stop and go”.Dừng cái tâm lăng xăng. Dừng cái tâm ác. Dừng tâm phân biệt . Ra đi . Đi về đâu. Ra đi như thế nào . Ra đi phải nhẹ nhàng , nhắm mắt buông tay , không vương vấn điều gì, vợ chồng, con cái, nhà cửa ruộng vườn. Nhắm mắt buông tay nhẹ như hơi thở.

Càng phân tích lại càng hay. Tôi bảo với Duy Việt :

-Cái tên nghe hay hay, có ý thiền, hay Duy Việt lấy tên đó đi , sau này biết đâu thu hút được khách tây ba lô.

Lúc ấy những người nước ngoài có khuynh hướng thích đi du lịch đến Việt Nam, Chỉ cần một ba lô khoác vai họ có thể đi khắp nước và được mọi người gọi chung là tây Ba Lô chẳng kể họ mang quốc tịch gì.

Duy Việt đồng ý,. Tôi hứa với:

-Vài ngày nữa tôi sẽ tặng anh bài thơ Stop and go

Cuộc đàm đạo ấy ám ảnh tôi một thời gian, tôi khám phá nhiều điều từ ba từ đơn giản ấy. tôi thấm được lý nhân duyên, sự vô thường hơn bao giờ hết. tôi đặt bút viết bài thơ

“Stop and go”.

Trần gian là quán trọ

Tạo hóa lẽ huyền vi

Thế nhân là lữ khách

Dừng lại rồi ra đi

Bài thơ khiến nhiều người ưa thích. Duy Việt và Song Nguyên không hẹn mà đều viết trên một tờ giấy trắng trang trọng vì cả hai đều viết thư pháp đẹp xem như một công án phải tự suy ngẫm, Bài thơ vượt khỏi đất nước khi Duy Việt cho in bài thơ trên chiếc áo Pull bán cho du khách để quảng cáo cho quán của mình và Dalat.

Mai Trang, con gái tôi ,viết bài thơ ấy vào cuốn sổ điếu tang nhạc sĩ Phương –Lê Uyên- vài năm sau, con tôi bắt gặp bài thơ được đăng báo trên một tờ tạp chí bêm Mỹ nhưng lấy tên … Cô gái là một cựu học sinh trường nữ trung học Bùi Thị Xuân, con tôi gọi điện hỏi:

-Sao bạn lại lấy bài thơ của ba tôi.

Cô gái đáp: chính cô sáng tác dựa vào kinh Phật.

Vậy hở. Bản chất của bài thơ Stop and go mà, dừng lại ở người này rồi ra đi đến người khác



 Trích trong Tuyển Tập "Một Bóng Đi Về Một Dấu Xưa", Việt Trang 2010

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn