Mạ tôi - Chiếc "xe dép" đời 1927

17 Tháng Giêng 201710:52 CH(Xem: 3490)
42697
Mạ tôi - Chiếc "xe dép" đời 1927 
Người ta có thú tìm những chiếc xe cổ để chứng minh sự giâu có của mình : xe hơi Citroen Traction đời 1937,  Volkswagen Beetle 1302 đời 1970,  Mercedes-Benz 220S đời 1957, “Mẹc” 190SL mui mềm của thập kỷ 50…. xe gắn máy BMW, Mobylette, Honda Cub C70, xe đạp Peugeot, Mercier…người ta mua về sơn sửa lại bởi máy móc , nước sơn sau bao năm tháng cũng phai mòn và họ trân quý giữ gìn những chiếc xe ấy hơn người thân. 
Gia đình tôi may mắn có đựơc chiếc " xe dép" đời 1927. Anh em chúng tôi yêu quý bảo vật ấy vô cùng , chăm chút từng li từng tí nhất là khi chiếc xe cùng hiệu đời 1925 không còn nữa. Chiếc " xe dép " đời 1927 của gia đình tôi chạy tốt gần 90 năm, nay bắt đầu trục trặc ốm đau. mới 3 tháng mà nằm cấp cứu đến 2 lần. Lần này trái tim mệt mỏi không đủ sức bơm máu đi khắp nơi, nhịp tim chưa đến 30 và huyết áp không bắt được. Bác sĩ báo:
-Bà cụ đã 90. Chúng tôi cũng cố hết sức nhưng người nhà cũng cần chuẩn bị tinh thần.
Chống chọi một mình trong phòng hồi sức tích cực 2 hôm, mạ được chuyển qua khu cấp cứu nội A chuyên trị tim mạch. Nằm trên băng ca trong thang máy, mạ hỏi: 
- Cái bóp của mạ đâu? 
- Mạ cần bóp để làm gì ?
 - Mạ trả tiền cho bác sĩ. 
Câu trả lời cho biết mạ đã khỏe bởi tính mạnh mẽ, rõ ràng. Buổi tối phòng cấp cứu khu nội A  như trại dưỡng lão, 6 giường bệnh dành cho các cụ trên 80, mạ cao niên nhất 91 tuổi. 
Các cụ nằm im không trở mình nổi, có cụ càm ràm con cháu không cho mình ăn. Sợ mạ buồn Cẩn lấy điện thoại mở nhạc Huế cho mạ nghe. Chừng 10 phút sau những người đi nuôi bệnh ngồi dậy nhìn mạ vừa hát vừa nhịp chân mà dây trợ tim, thở oxy, theo dõi huyết áp còn gắn chung quanh. 
Hôm sau mạ qua phòng bệnh. Phòng khá rộng chỉ có 1 người bệnh và thân nhân. Bác sĩ đưa ống nghe vào ngực khám, mạ lạnh nên giật mình:
 - Khỉ nà. 
- Bác sĩ mà mạ dám kêu là con khỉ nghe.
 Đôi mắt xanh xám áy náy: 
- Thiệt không 
- Thiệt. Bác sĩ nói tui tuổi con cọp không phải con khỉ 
- Bác sĩ có giận mạ không
 - Không, ai mà giận người đễ thương như mạ. 
Một tối mạ khó chịu, tay chân bức rức giật sợi dây chuyền thuốc, phải thay ven. Hai bác sĩ  sang khám:
-Người già thường bị chết một phần não. Ở nhà, bà cụ cũng có lúc khó chịu như ở đây thôi.
Sau một đêm mạ ngủ không ngon giấc :
- Tối qua mạ quậy ghê quá 
- Mạ có làm gì đâu 
- Có mà, mạ quậy ghê quá 
- Nói bậy, mạ hiền như ông Phật , có quậy chi đâu. 
Ghê chưa, tự tin chưa.
Trong những gì còn sót lại của ký ức mạ thích nhất là hình ảnh thời còn bán hàng ở chợ Đông Ba. Để mạ nằm im chuyền thuốc, tôi vừa cầm tay mạ, thủ thỉ:
-Mạ nhớ không. Ngày xưa mạ đẹp lắm, nhất chợ Đông Ba. Lúc đó mạ mới 16 tuổi, mạ với dì Ni xin ông gác chợ bán hàng xén, mạ bày kim chỉ, xà bông..mà ngày đó mạ khéo tay, mạ đan thuê cho người ta. Len còn dư, mạ đan mũ, vớ cho con nít. Một hôm mạ lượm được một chiếc nhẫn. mạ nghe người ta nói; thử vàng bằng lửa, mạ đốt lên biết là vàng thật nên làm thành 2 chiếc đưa cho ba để ba đem đi hỏi mạ làm vợ…
Đôi mắt màu xanh xám trở nên mơ mông với nụ cười lúm đồng tiền 
Có lúc mạ than: 
- Ông trời kỳ ghê. Già mà còn cho đau. Lúc trẻ đau còn có sức chịu đựng chứ già đau, khổ quá. 
Mỗi lần cho mạ ăn, phải dỗ: 
- Mạ, thuốc bổ bác sĩ cho riêng mạ đây.
 - Răng mà bác sĩ lại cho mạ 
- Tại mạ kêu bác sĩ là con khỉ. Từ trước tới giờ chưa ai dám kêu vậy. 
Ăn hoài không hết, mạ càu nhàu: 
- Răng mà nhiều rứa. 
- Thì thuốc bổ mà . Lúc nãy là bổ phổi giờ là bổ tim. Mà đâu phải ai cũng được bác sĩ cho đâu. Chỉ có bà Huệ có mái tóc trắng như bà tiên, có lúm đồng tiền sâu mhư cái giếng mới được 
Mạ lại chúm chím cưới, nụ cười thật hiền 
- Giờ mạ 91 tuổi , mấy năm nữa mạ 100 tuổi
 - 9 năm 
- Vậy mạ ráng sống 100 tuổi nghe 
Mạ trầm ngâm: 
- Sống 100 tuổi mà khỏe thì sống, chớ đau ốm thì sống làm chi cho buồn.
Buổi tối ở bệnh viện thật đáng sợ, phải mở tivi suốt đêm nghe hết tin tức, nhạc rồi phim nhưng nếu tắt thì tiếng bệnh nhân khóc la, tiếng loang xoảng rớt đồ đạc còn ghê rợn hơn ngôi nhà ma ở dưới đèo Prenn. Tôi ôm mạ nhắm mắt, canh chừng 3 tiếng để mở dây nước tiểu mà không dám nhìn chung quanh. Mỗi lần mạ trở mình rên đau, tôi vỗ nhẹ vào lưng, giả vờ lẩm bẩm:
-Mạ rên hoài sao con ngủ được .
Mạ lại nằm im. Thấy thương vô cùng.
Hạnh nói:
-Chị ôm mạ ngủ nên mạ ngủ yên. Chắc mạ có cảm giác an toàn ấm áp hơn 
Mạ tôi, chiếc xe dép đời 1927, máy móc đã cũ lắm rồi nhưng vẫn túc tắc chạy trên con đường duơng thế. Anh em chúng tôi có người đã vào tuổi thất thập cổ lai hy, tuổi xưa nay hiếm nhưng diễm phúc còn mạ để chọc cười. Hạnh phúc thay !
Dalat 8/1/2017
 
Phạm Mai Hương
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn