MẠ TÔI – MỘT BÓNG ĐI VỀ MỘT DẤU XƯA

26 Tháng Mười 201610:01 CH(Xem: 3256)
MẠ TÔI – MỘT BÓNG ĐI VỀ MỘT DẤU XƯA
images (21)
Đầu tháng 9, nhân dịp nghỉ lễ, tôi về Dalat thăm mạ tôi. 
Mạ tôi giờ đã 90 tuổi, vốn là một người khỏe mạnh, lanh lợi nhưng với thời gian mạ yếu dần, như một cỗ xe cũ kỹ, tuy không bị bệnh nan y nhưng tim mạ cũng đã mỏi mệt, đập không đều nữa, phổi cũng dễ nhiễm lạnh với sự thay đổi thời tiết.
Mạ nhận ra tôi với đôi mắt màu xám xanh, nụ cười vẫn còn lúm đồng tiền, nhưng rồi mạ lại chìm vào giấc ngủ, miệng lẩm bẩm mơ hồ:
-Đi đâu? Về đâu?
Một cảm giác bất an khiến tôi liên tưởng cảnh mạ tôi đứng trơ trọi giữa khoảng hư không trống rỗng không biết đường về. Tôi vỗ vai mạ :
-Mạ niệm “ A Di Đà Phật “ đi
-A Di Đà Phật…
Đứa em trai thấy tôi thắc thỏm bèn giải thích:
-Mạ hát theo bản nhạc có câu “ Đi đâu về đâu”
Lúc khỏe mạnh, mạ tôi rất thích nghe nhạc Huế do Quang Lê, Hoàng Oanh hát. Anh tôi để đĩa nhạc tự động quay tua, mạ tôi nằm nghe, buồn miệng hát theo. Mạ thuộc từng lời của bài ca, thậm chí có lúc dĩa nhạc bị lỗi, mạ lại nhắc:
-Lại vấp rồi.
Tôi không cãi lời em nhưng tự hỏi : có bản nhạc Huế nào có bốn chữ “ đi đâu ? về đâu?’ khi mà mạ thích nhất là bản Đêm tàn Bến Ngự. Sâm lại nói:
-Chờ mạ khỏe một tí. Em đưa mạ về Sai gòn khám lại.
Buổi tối tôi ôm mạ ngủ, mạ ngủ say nhưng trong hơi thở có tiếng rít như tiếng hen của đứa cháu ngoại tôi. Sáng ra, tôi vừa trông mạ vừa xếp dọn tủ sách của ba tôi. Đến chiều, người chị dâu vào thăm, hoảng hốt:
-Mạ bị sao rồi?
Người mạ tôi lạnh ngắt. miệng run lẩy bẩy, tay chân co quắp. Hoảng hốt chúng tôi đưa mạ lên phòng cấp cứu, may Sâm đi dạy có phụ huynh và học sinh làm bác sĩ trên bệnh viện nên mạ được cấp cứu ngay, mạ được đo nhịp tim, thử máu, chích thuốc , gắn ống thở oxy.. và sau đó được chuyển qua phòng hồi sức.
Bệnh viện Đa Khoa Lâm Đồng mới vừa được xây dựng, cơ sở khang trang. Mạ được đưa vào phòng hồi sức. tất cả anh chị em tôi ngồi ngoài hành lang nhìn vào, giờ mới thấy thương mạ đơn độc một mình. Buổi tôi, người nhà được vào thăm trong 30 phút nhưng chỉ một người, phải thay nhau vào. Mạ mặc bộ quần áo xanh bệnh viện, dây nhợ ràng quanh, mạ cười trả lời: 
-Mạ nhớ con là ai không ?
-Đứa nào hả ? Mạ hay quên..
Người cháu trai ghé mình trên chiếc băng dài kê sát tường, tôi nằm bên cạnh trong ghế bố với chiếc mền mà đứa em trai mới đem lên. Hai cô cháu nằm chập chờn, nửa muốn biết tin tức của mạ nửa lo sợ y tá kêu tên bệnh nhân báo chuyện không hay. Tiếng người nuôi bệnh rầm rì :
-Mấy chị cẩn thận nghe. Tụi xì ke biết trước phòng hồi sức, người nhà thường mang theo tiền để khi cần là có tiền mua thuốc hay phải đem theo tiền nuôi người bệnh nên buổi khuya, tụi nó đem theo kim tiêm, nó dí vào người cấm không cho la rồi lấy tiền hay điện thoại. Người ta bị hoài à.
Tiếng xe băng ca chạy trên nền xi măng trong đêm vắng nghe rầm rầm hơn ban ngày, chuyển người bệnh từ phòng cấp cứu vào hay đưa người bệnh nặng sắp mất ra về. Tôi nằm nghe, nhìn mà thắt ruột.
Buổi chiều bác sĩ Hoa, bác sĩ khoa sản qua thăm, thấy cảnh chị em tôi ngồi vất vưởng, bác sĩ bèn xin cho mạ tôi vào phòng yêu cầu cũng trong khoa hồi sức nhưng người nhà được phép vào trông nom.
Theo chân hộ lý tôi đẩy mạ vào phòng yêu cầu số 1. Căn phòng có 2 giường của bệnh nhân và 2 giường của người nuôi bệnh. Tôi hơi chững lại nghe tiếng niệm Phật «  Nam Mô A Di Đà Phật » vọng từ một máy phát nhạc. Một cô gái chăm người bệnh hỏi :
-Dạ, bác đạo gì ?
_Đạo Phật.
-Vậy em mừng rồi. Em để tiếng niệm Phật được không chị.
-Tốt chớ. Chị cũng đang tính mua một máy niệm Phật cho mạ chị đây.
Người bệnh kia là cụ bà trên 80 tuổi, bà bị tai biến hơn 20 năm, bà là một Phật tử thuận thành, ăn chay từ lúc còn rất trẻ. Thường ngày bà vẫn niệm Phật. Giờ, bà bị tai biến lần 2, bà không còn nhận biết mọi chuyện, thức ăn chay đưa vào mũi cũng do người nhà nấu và xay nhuyễn. Cô con gái thành thạo trong việc nuôi mẹ. Tôi thán phục và học theo.
Mặc dù lúc mê lúc tỉnh nhưng mạ cảm nhận có con cái bên cạnh, nụ cười tươi hơn và đôi mắt sáng dần lện ;
-Mạ ! Đứa nào đẹp trai nhất nhà.
-Cẩn.
-Vợ Cẩn tên gì ?
-Cúc.
Cúc đẹp không ?
-Cũng được thôi.
-Vậy mà hôm trước dám kêu xấu hoắc. Con về méc Cúc cho coi.
-Bậy nà. Xấu đâu mà xấu. Cũng được thôi.
Đôi khi, mạ lại lẩm bẩm :
-Đi đâu ? về đâu ?
Bỗng :
-A Di Đà Phật.
Mạ để tai nghe tiếng niệm Phật và niệm theo. Tiếng niệm Phật làm ấm căn phòng khiến mọi người thấy bình tâm. Mạ đương thời là con người mạnh mẽ, suốt đời mạ không hề đi coi bói, việc gì mạ tự làm theo đúng lương tâm mình. Tôi hay nhắc mạ :
-Khi nào đi ngủ mạ nhớ niệm Phật nghe.
-Mạ nhớ chớ,
Cậu Chín tôi chê :
-Mạ mi không biết đi chùa, không biết niệm Phật.
Tôi chỉ biết an ủi, tự nhủ : cuộc đời của mạ sống tốt, đức độ, cứu giúp mọi người còn tốt hơn nhiều người hàng ngày vào chùa tụng kinh. Nhưng thâm tâm vẫn mong mạ sẽ có duyên nhiều với đạo.
Tiếng niệm Phật của mạ khiến mọi người ngạc nhiên và thích thú, trừ lúc mê và khi con cháu vây quanh, mạ lớn tiếng niệm Phật. Cô gái nuôi mẹ bên cạnh khen :
-Mạ chị có phước, 90 tuổi mà còn niệm Phật được
Tôi an ủi :
-Mạ em suốt đời theo Phật thì giờ tuy không biết gì nhưng vẫn theo Phật vì cây theo hướng nào thì khi ngả sẽ theo hướng đó.
Cô gái vẫn ấm ức :
-Em biết vậy nhưng em vẫn thương mạ em lúc cuối đời mà không còn sáng suốt để niệm Phật.
-Biết đâu bác đang niệm Phật mà em không hay.
Mấy hôm sau, bà cụ giường bên trở bệnh, bác sĩ cho về để người nhà chăm sóc giây phút cuối. Tôi lấy điện thoại đặt dưới gối mạ, mở tiếng niệm Phật. Đôi lúc mạ quên :
-Đi đâu về đâu.
Nghe tiếng nhắc :
-Mạ ! A Di..
-Đà Phật.
Giờ mạ đã về nhà. Mạ lại cười vui, hát theo bài hát Huế của chiếc đầu máy bởi mấy đứa em trai chưa hiểu sự nhiệm mầu của tiếng niệm Phật. Tuy vậy, những lúc không còn tiếng nhạc, mạ lại niệm :
-A Di Đà Phật.

Tháng 9 /2016
Phạm Mai Hương
__._,_.___
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn