VẠN NẺO TRẦN GIAN MỘT NẺO ĐỜI

22 Tháng Mười Một 201511:14 CH(Xem: 4202)

VẠN NẺO TRẦN GIAN MỘT NẺO ĐỜI

 images (21)

Vạn nẻo trần gian một nẻo đời

Phút giây tương ngộ lẫn buồn vui

Mưa chiều nắng sớm trời Dalat

Lau lách mơ hồ gió ngược xuôi ( Việt Trang )

 

SỐ PHẬN NGHIỆT NGÃ.

 

Khu điều trị ung bướu phụ khoa nằm riêng biệt trên lầu 3 khu E bệnh viện Từ Dũ, bao gồm 5 phòng bệnh với chừng hơn chục giường bệnh và 2 phòng dành cho bác sĩ, y tá. Phần hành lang rộng hơn 2 mét đặt những chiếc ghế sát tường dành cho bệnh nhân, hai chiếc bàn dài để bác sĩ tư vấn điều trị.

Bệnh nhân chỉ nằm chừng 3 ngày để chuẩn bị mổ hoặc chuyền hóa chất từ 3 đến  9 ngày tùy theo phác đồ điều trị mà bác sĩ đề ra. Bệnh ung thư chữa mất nhiều thời gian nên bệnh nhân thường gặp nhau tạo thành một sự đồng cảm. Họ san sẻ kinh nghiệm chịu đựng bệnh tật, chuyện tình cảm gia, đình. Người vào đây điều trị ở giai đoạn đầu nên khuôn mặt không khắc khoải vô vọng như những khu ung bướu ở các bệnh viện khác. Họ đau lòng vì mái tóc mà họ yêu quý nhất rụng dần hơn là cơn vật vã hành bởi thuốc.

Phòng 401 chứa chừng 30 người, có một có gái chừng ngoài 20 tuổi, người  Dalat, cô thùy mị, dễ thương hiền lành như những cô gái ở xứ hoa anh đào. Cô vừa mới lấy chồng được một tháng thì phát hiện bị bệnh nên xuống điều tri. Nằm cạnh là một cô gái trạc tuổi ở Thủ Đức, cô đang học đại học chuẩn bị ra trường nay phải xin bảo lưu điểm. Một người đàn bà chừng 60 tuổi cũng gốc Dalat, bà vừa đến tuổi nghỉ hưu chưa kịp thảnh thơi lại vướng căn bệnh quái ác này. Bà nằm giữa hai cô gái, lòng thầm xót:

-Nhìn hai đứa nhỏ mà ứa nước nước mắt, cuộc đời mình dù sao cũng đã hết. Mấy đứa quá trẻ, còn phải lập gia đình rồi sinh con.

Một sáng, cô gái có chồng đi ra phòng trực để lấy thuốc, một cậu thanh niên đội chiếc mũ két bước vào, ngồi ngang giường cô với vẻ tự nhiên. Người đàn bà thầm nghĩ:

-Chắc chồng cô gái.

Anh thanh niên cởi chiếc mũ ra để lộ chiếc đầu trọc. Cô gái học đại học thán phục:

-Anh này thương vợ thật. Vợ hóa trị chưa rụng tóc mà anh đã cạo đầu để chỉ không buồn vì sợ chồng chê xấu.

Anh thanh niên không nhìn mọi người, anh lôi trong túi lấy ra một tập giấy tờ giống như bệnh án. Hai người phụ nữ nhìn nhau:

-Hóa ra anh cũng bị bệnh, chắc anh từ bệnh viện ung bướu qua đây thăm.

Anh thanh niên thấy mọi người chăm chú dõi theo mình, anh nhìn lại:

-Bộ mấy người thấy tui giống con trai lắm hay sao. Tui đi hóa trị thường nằm giường này. Hôm nay tui đi tái khám.

Mọi người nhìn nhau ngỡ ngàng, mới biết đó là một cô gái đồng tính

TỪ BI

Một trưa, khi bác sĩ khám bệnh xong, các bệnh nhân ngồi ờ hành lang chuyền hóa chất. Bỗng từ phía đầu hành lang dẫn vào khu điều trị xuất hiện một nhà sư. Nhà sư cao lớn, mặc áo màu vàng, đeo đôi kính lão, chân mang đôi dép Nhật, chiếc màu đen, chiếc màu trắng. Mọi người ngưng trò chuyện dõi theo. Hình ảnh nhà sư ở bệnh viện chỉ dành cho nữ giới quả khá lạ lùng. Vị sư bình thản đi vào phòng trực và sau đó theo chân một y tá vào từng phòng bệnh. Đứng bên cạnh người bệnh, nhà sư cúi người hỏi thăm và đưa tiền giúp đỡ.

Nhà sư với chiếc áo vàng giản dị, bạc màu bỗng dưng ánh hào quang, thầy làm việc thiện lặng lẽ. Một Phật tử chắp tay: xin cho con được sám hối bởi con đã nghĩ :  chẳng lẽ thầy đi thăm người đồng tu hay có vị thí chủ nào hảo tâm đến mức nhà chùa phải lưu tâm.

BÁC ÁI

Bác sĩ, y tá, hộ lý ở khu điều trị này chừng gần hai chục người. Họ làm việc lặng lẽ, ít to tiếng, cười đùa như những nơi khác. Có một nữ y tá, tuổi gần 50, khuôn mặt không đẹp nhưng thanh thoát, dáng người cô khoan thai, dù công việc dồn dập không làm cô bực tức gắt gỏng.

Trời xế chiều, người nữ y tá ấy xách hai chiếc xô, một chiếc đựng chè đậu đỏ, một  đựng đá viên. Cô đặt chếc xô trên bàn ở hành, đi ngang qua phòng bệnh lên tiếng:

-Ai ăn chè ra lấy

Người bệnh cầm chiếc ca ra đứng chờ, cô y tá từ tốn múc một muỗng đầy đậu, một muỗng nước và xúc một muỗng đá. Động tác chậm rãi cho đến người cuối cùng.

Trưa hôm sau, cô lại bưng một rỗ trái chôm chôm chia cho các người bệnh. Hóa ra cô là một nữ tu sĩ đã từng thực tập ở nhà thờ Domain De Marie Dalat vào thập niên 90 của thế kỷ trước. Ma Soeur làm công việc thiện nguyện song song với vai trò y tá, ngoài việc phân phối những món ăn để người bệnh chống lại cơn buồn nôn khủng khiếp do tác dụng hóa trị, Ma Soeur còn thay nhà thờ giúp những phần ăn miễn phí, phụ thêm tiền viện phí cho những bệnh nhân nghèo hay người phải điều trị lâu ngày. Một người phụ nữ đứng tuổi thưa với soeur:

-Thưa Soeur,  cho con gởi ít tiền mua thêm trái cây.

Soeur cười lắc đầu:

-Thôi, chị để dành mà chữa bệnh. Bệnh này còn chữa trị dài lâu.

Người thiếu phụ phân trần:

-Thưa Soeur, đây là tiền của người nhà bệnh nhân.

-Thôi, chị cứ mang về. Khi nào bệnh nhân ra viện rồi hãy gởi.

Người thiếu phụ nài nỉ:

-Nếu là tiền của một người nào đó muốn gởi. Soeur nhận giúp nghe.

Soeur gật đầu:

-Vậy thì được.

 

NIỀM TIN

Phía trước khu E có một khoảng đất rộng, người ta xây cao lát đá hoa cương. Chung quanh có khá nhiều cây cổ thụ khiến miếng sân mát rượi, làm nơi người nuôi bệnh ngồi nghỉ. Có một tấm bảng ghi thật rõ ràng: nơi tôn nghiêm không được nằm. Bởi phía bên phải của khoảng sân có thờ tượng Đức Bà Hoàng Thái Hậu Từ Dũ. Tượng tạc hình bán thân của bà Hoàng Thái Hậu với khuôn mặt hiền từ. Tượng đặt trên một phiên đá cao một mét,  phía trước ghi tiểu sử và công đức của Đức Bà. Bên cạnh có một thùng tiền từ thiện dành cho người nghèo và một chiếc thùng để nhang đèn.

Khoàng trống trước tượng Đức Bà không lúc nào ngớt người quỳ lạy lễ bái. Những người già cả đến cô thiếu nữ hãy còn thơ ngây, ngay cả các đấng nam nhi cũng một lòng thành kính,  cầu xin ngài giúp đỡ người thân tai qua nạn khỏi.

Trên chiếc ghế đá đặt cạnh đó có hai người phụ nữ, dáng người nông thôn Nam bộ, họ cùng đi nuôi bệnh ở khu E. Một người nói:

-Đây là tượng Đức Mẹ.

Người kia cãi:

-Không, đây là tượng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát.

Có lẽ Đức Mẹ hay Đức Quán Thế Âm Bồ Tát thị hiện hình tượng bà Hoàng Thái Hậu xuống trần cứu người giúp đời.

Tháng 7 năm 2015

 

  Phạm Mai Hương

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn