CHÀO NHAU Ở GIỮA CON ĐƯỜNG/Đám táng thầy Ngọ

20 Tháng Tám 201512:08 CH(Xem: 5380)

CHÀO NHAU Ở GIỮA CON ĐƯỜNG

 Phan thị Thu Hằng

 

Từ sau Noel năm rồi, khi biết mình bị ung thư dạ dày và con trai út bị ung thư tủy sống, Thầy Phan Văn Ngọ đã hết sức lo lắng, nỗi lo mà bất cứ người già bệnh nặng nào như Thầy cũng phải lo. Căn bệnh tiến triển từng ngày. Cảnh nhà túng bấn theo từng ngày. Ngày Tám tháng Năm năm nay, người con trai út kiệt sức, buông tay trước. Thầy Ngọ, ngồi xe lăn tiễn con, nước mắt giàn giụa. Cũng may, nhờ có sự tiếp sức kịp thời của cựu học sinh các Trường Trung Học Thầy từng dạy trước và sau năm 75 ở Đà Lạt như trường Trần Hưng Đạo, Bồ Đề, Bùi Thị Xuân…(trong đó nhiều học sinh không trực tiếp học với thầy, nhiều học sinh đã lên chức ông-bà, nhiều học sinh đang định cư ở Canada, Mỹ, Úc). Ngoài ra suốt từ tháng Tư tới tháng Tám, các cựu đồng nghiệp, bằng hữu, họ hàng, các bạn đọc tạp chí Tự Do Magazine, Báo Trẻ Florida, Báo Trẻ Dallas…cũng thường xuyên nối vòng tay nhân ái, giúp Thầy Ngọ và gia đình đủ tài lực và tinh thần đương đầu cùng nghịch cảnh.

 

Nhiều học trò cũ đến thăm Thầy tại tư gia số 84D- Xô Viết Nghệ Tĩnh- Phường 7, Đà Lạt đều chung nhận xét nhà Thầy ‘chả ra làm sao’ với nghĩa lạnh lẽo, bài trí lôi thôi, chắp vá. Đi từ đằng trước ra đằng sau chỉ thấy bàn thờ người con trai út và ‘bộ xương khô ba chục ký lô’ của Thầy, không chuyền nước biển thì cũng nằm dán người trên ghế dựa hay trên giường. Trung tuần tháng Bảy, Thầy xuống sức rất nhanh. Khẩu phần ăn uống cả ngày chưa bằng khẩu phần của con chim sẻ. Con, cháu, dâu, rể, không ai bảo ai đều về Đà Lạt thăm nom người bệnh. Biết không còn thọ bao lâu, thầy gấp rút cho sửa lại nhà, nới rộng cửa, tráng lại sân để: ‘Lúc quan tài khiêng vào khỏi lúng túng. Phá vườn, tráng xi măng để lúc dựng rạp kê bàn, học trò đến có chỗ ngồi rộng rãi, khô ráo’.

 

Đầu tháng Tám Thầy từ chối ăn uống, thôi chích thuốc giảm đau, buông theo những trận nôn mỗi lúc một nhiều. Bốn người con gái, một người con trai, thay nhau nâng giấc Bố.  Với người này, Bố dặn quần áo không đốt, mỗi đứa chọn một món làm kỷ niệm. Còn đâu cho người nghèo. Cho cả cái xe lăn. Với người khác Bố dặn tiền mọi người ủng hộ, sau khi làm đám, còn bao nhiêu phải lập quỹ khuyến học, quỹ từ thiện, không được chia nhau tiêu xài. Nghe đâu có thiên tai, có người đau ốm ngặt nghèo, nhất là đau ung thư như Bố và em, thì lấy tiền đó giúp…Với người kia Bố bảo cúng dường sữa và nước cho chúng sinh, ‘nhất là cho người Đà Lạt để họ có sức sống, có sinh hoạt’. Ngày mùng Sáu tháng Tám là sinh nhật Thu Nguyệt, con gái út. Buổi sáng, bố tự tay trao hoa, chúc mừng con gái. Buổi chiều, 4 giờ 45 phút, hai mắt bố mở to, nhìn thẳng, hơi thở nhẹ dần rồi dứt hẳn. Hai giờ chiều ngày hôm sau, đội tẩm liệm đến. Toàn thân Bố vẫn mềm, thần sắc tươi đẹp như đang sống. Mẹ, bước thấp bước cao, được con cháu dìu tới bên quan tài. Nghiêng mình nhìn mặt chồng, bà ngạc nhiên hỏi con cháu : ‘Ông đau cái gì mà phải vào đây nằm’.

Trong hai ngày sau đó, cựu học sinh các trường, đông nhất là trường Trần Hưng Đạo (THĐ) liên tục đến viếng. Khéo sao, cựu THĐ các khóa 61, 62, 63, 65, 66 đều cùng đi một tấm liễn đỏ dát vàng bốn chữ ‘Vãng sanh cực lạc’.

 

Cựu THĐ khóa 68 đi đôi câu đối:

Thầy về tiên cảnh hồn thanh thản.

Trò ở dương gian dạ ngậm ngùi.

Riêng khóa 68 thì đi bốn câu thơ:

Trần gian là quán trọ.

Tạo hóa lẽ huyền vi.

Thế nhân là lữ khách.

Dừng bước rồi ra đi.

Tất cả cựu học sinh đều tóc bạc, dãi dầu. Tất cả đều đốt hương, cúi đầu thành kính trước linh cữu Thầy. Quanh bàn trà, họ quên hết mọi khác biệt. Ngoài ôn chuyện trường xưa lớp cũ và kể thành tích nhất quỷ nhì ma thời học thể dục với Thầy, họ thủ thỉ tâm tình, cho nhau số phone, hỏi thăm ai còn ai mất. Nhiều anh thú thật tuy ở chung thành phố nhưng không dễ gặp đủ mặt anh tài. Vì thế vừa nghe tin Thầy Ngọ mất là họ rủ nhau đến viếng, vì biết thế nào cũng gặp ‘một đống tụi nó’ tại đó.

 

Lực lượng cựu học sinh Bùi Thị Xuân cũng khá đông. Tới sớm nhất là các chị niên khóa 65. Sau đó là niên khóa 66, rải rác vài chị lớn niên khóa 64, 63. Đông nhất là ‘hậu bối’ sau 75 như các lớp niên khóa 82, 85, 86 (lúc này trường Bùi thị Xuân không còn là trường nữ mà gồm cả nam lẫn nữ. Còn trường nam Trần Hưng Đạo thì bị giải thể). Có lẽ vì xuất thân từ ngôi trường con gái nên các cựu Bùi Thị Xuân không viếng thầy bằng liễn đỏ mà bằng vòng hoa tươi. Ngoài hoa của các cựu BTX- Đà Lạt, cựu BTX- Sài Gòn cũng gửi hoa tươi về viếng. Các thầy cô cũ của hai trường Trần Hưng Đạo, Bùi Thị Xuân như Cô (Tạ Tất) Thắng, Cô (Đoàn Huy) Long, Thầy Đôn, Thầy Mạnh Hùng, Thầy Lạc…không quản đường xa, đến thắp hương cho người đồng nghiệp. Thầy Ngô Quang Nhân hơn chín mươi tuổi, mệt nặng, không đi được, anh Nghĩa, con trai thầy đi thay. Vợ chồng Thầy Uyên ở Sài Gòn gọi điện chia buồn. Bào đệ, bào muội cô Luông, cô Chanh thay chị đi viếng… Thường ngày Thầy Ngọ và gia đình sống rất ‘nhòa’. Hàng xóm quen với hình ảnh đôi vợ chồng già đi đâu cũng có nhau. Ông cụ rắn rỏi, khỏe mạnh lái xe đi chợ phom phom. Bà cụ mập mạp, phúc hậu, hay mua bánh ngọt quán cô Hoa. Bây giờ thấy học trò đi viếng đám đông đúc suốt hai ngày, họ mới biết ông cụ từng là một nhà giáo kỳ cựu, ‘gõ đầu’ nhiều thế hệ học trò các trường trung học Đà Lạt. Bình thường, ở gần nhà có đám, hàng xóm phải đinh tai điếc óc vì tiếng kèn đám ma, tiếng khóc than, cả tiếng bài bạc ó ré, nhậu nhẹt cãi lộn om xòm (của đám canh xác ban đêm). Nhưng với đám ma này, ngõ 84 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh rất yên ả. Học trò đi xe đến, có tay bắt mặt mừng, có hàn huyên tâm sự, có chia buồn mặc niệm nhưng đều rất trang trọng, sẽ sàng. Ngay cả  các cựu tù chính trị trại Đại Bình, các võ sư Aikido cũng vậy. Ai cũng nhẹ nhàng, chừng mực…

Trước khi về đài hỏa táng Du Sinh, xe tang chở linh cữu Thầy Phan văn Ngọ đi qua những ngôi trường thầy từng cộng tác. Theo sau xe tang, nhiều học sinh lái xe gắn máy chầm chậm. Thay vì thả tiền giấy, những cánh hoa tươi được rải dài theo gió…Biết Thầy tha thiết với cựu học sinh Trần Hưng Đạo, Bùi Thị Xuân (người đầu tiên gửi tịnh tài giúp thầy là anh Trần Trọng Sơn- cựu tuyển thủ đội bóng đá THĐ niên khóa 63- 70 và chị Thanh Thủy, cựu học sinh BTX niên khóa 65- 72. Người đội mưa đêm đến thăm thầy trước khi mất cũng là nhóm cựu học sinh BTX và anh Vĩnh Thảo- cựu học sinh THĐ), gia đình đã để anh cả Mai Thái Lĩnh- thay mặt cựu học sinh hai trường viết và đọc bài ai điếu vĩnh biệt Thầy ở đài hỏa táng. Thay mặt gia đình, chị Hằng, con gái thầy, cũng ứng khẩu đáp từ (đáng tiếc quên phần cảm tạ khách đi đưa). Hình ảnh con đường xe tang đi qua, hình ảnh con đường của thi sĩ Bùi Giáng, khéo gợi nhớ con đường thầy đi dạy mỗi ngày trong mấy chục năm liền (1964- 1992), con đường có đủ hỷ nộ ái ố bi lạc dục của một đời nhà giáo thanh bần, khiêm tốn, con đường giúp những bàn chân non tơ nhiều thế hệ nối nhau đi những bước vững vàng vào đời. Con đường ấy, bây giờ đã đến lúc dừng…

Trước khi quan tài được thả xuống bên dưới, nhiều cựu học sinh chen nhau rắc hoa, thổn thức cúi đầu: ‘Chào Thầy (nhau) ở giữa con đường. Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau’

 

Tháng 8, 2015

PTTH
THD 68-75 02
DT ThayNgo07-2THD 68-75 01DT ThayNgo06-1DT ThayNgo05-1DT ThayNgo04DT ThayNgo01DT ThayNgo03DT ThayNgo02

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn