TƯỞNG NIỆM CÔNG ĐỨC CỦA CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ
CHÍ TÍN
(LTS: Mùa Giáng Sinh đang tới, xin giới thiệu môt bài viết của Cao Đài Giáo về Chúa Giê Su Ki Tô)
Hằng năm, trên hoàn cầu thế giới, phần đông nhơn loại đều làm đại lễ kỷ niệm Đức Chúa Giê-su Ki-tô giáng trần. Cao Đài Giáo cũng xem ngày này thiêng liêng như ngày lễ Phật Đản nên các thánh thất, thánh tịnh đều làm lễ tưởng niệm công đức của Đấng Chúa Cứu Thế, Đấng đã hy sinh mạng sống, chịu đổ máu để chuộc tội cho thiên hạ và chỉ nẻo về nước Thiên Đàng cho con người được sống với Đức Chúa Trời, tức là Ngọc Hoàng Thượng Đế tá danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ này.
Không những làm đại lễ kỷ niệm mà chúng ta còn ý thức sứ mạng cao quý của Ngài để noi theo gương Ngài, làm theo lời dạy của Ngài trong tinh thần tự giác, giác tha. Thay vì mê ngủ trong đêm đông lạnh giá, chúng ta hãy thức tỉnh tâm linh, tìm đường trở về cùng Thượng Đế và hãy đem hột giống tốt lành của Đạo gieo rải khắp nơi hầu làm tròn sứ mạng của một dân tộc được chọn trong thời kỳ này.
Nếu chỉ hành lễ kỷ niệm suông mà không ý thức được sứ mạng Thượng Đế đã giao cho dân tộc chúng ta, là chúng ta làm buồn lòng Ngài cũng như không làm đẹp dạ các đấng giáo chủ, đạo tổ mỗi khi chúng ta thiết lễ kỷ niệm các đấng và nhất là đối với những bậc Tiền Khai Đại Đạo trong Tam Kỳ Phổ Độ:
“Đành rằng người tiếp nối đi sau dĩ nhiên có bổn phận là nhắc nhở tôn thờ. Điều quan trọng để nhớ ơn và thể hiện tinh thần. Người tiếp nối phải làm thế nào để người ra đi không hờn tủi vì chưa ai biết đến cái kỳ vọng để đạt đến tiêu đề thâm diệu của tâm hồn mình qua những việc đã làm lúc hiện tiền. Đó mới chính là bổn phận của những ai đi sau.” [1]
Huống chi, đối với một Đấng Chúa cứu thế của muôn loài, con một Đức Chúa Trời mà sự hy sinh vô tiền khoáng hậu của Ngài tự cổ chí kim chưa hề thấy đặng người thứ hai, nếu chúng ta vô tình trước sứ mạng cao cả của Ngài thật là một điều vô ý thức vậy.
Chúa Giê-su Ki-tô là một vì thiên sứ cũng như các hàng giáo chủ, Tam Giáo Đạo Tổ ở Á Đông. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trước Ngài 658 năm, Đức Lão Tử trước ngài 600 năm và Đức Khổng Tử trước Ngài 551 năm, đều thừa thiên lệnh của Đức Chí Tôn Thượng Đế giáng trần khai các mối đạo Thích, Lão, Nho để giác ngộ người đời hồi đầu hướng thiện mà trở về cùng Thượng Đế Cha Trời.
Khác hơn các Đấng ấy, Chúa Giê-su chịu hy sinh xuống thế trong gia cảnh nghèo khó, không như thái tử Sĩ Đạt Ta[2] sanh ra trong lầu son điện ngọc của hàng vương giả. Chúa Giê-su chịu làm con của một người thợ mộc tầm thường, không danh vọng, không quyền tước. Ngài lại chịu sanh ra một cách cơ cực nằm trong máng cỏ ở hang đá giữa đêm đông giá lạnh lùng vì cha mẹ Ngài không tìm ra được nhà trọ. Lúc bé thơ cha mẹ Ngài phải bồng Ngài đi trốn tránh vì vua Hê-rô-đê muốn tìm giết Ngài. Đến tuổi trưởng thành đi truyền đạo, phải chịu lắm gian lao, vô cùng khốn khổ mà Ngài vẫn vững một lòng thiết thạch tin nơi sứ mạng Chúa Cha đã giao phó để dìu dẫn các bầy chiên đang lầm lạc. Cuối cùng, Ngài thọ nạn, chịu kẻ nghịch hành hạ cơ thể đau đớn mà vẫn không rên siết oán than, không thù nghịch loài người bạc bẽo và phản bội.
Xót xa nhứt là chúng xử tội một Đấng Cứu Thế bằng cách hèn hạ tủi nhục nhất chỉ dành cho những kẻ tội đồ trộm cướp, là đóng đinh Ngài trên thập tự giá. Tội gì? Chỉ vì Ngài xưng mình là con của Đức Chúa Trời và truyền ra lời dạy của Đức Chúa Trời. Hỏi vậy, trên thế gian này từ cổ chí kim, đã thấy được người thứ hai chưa? Ôi thật là cao cả thay cho đức hy sinh cùng tột! Thật là vinh quang hiển hách cho Đức Chúa Giê-su Ki-tô. Cái chết của Ngài làm sáng danh Ngài đời đời kiếp kiếp. Tất cả nhơn loại trên thế gian, chí đến kẻ thù Ngài, cũng đều khâm phục và yêu thương kính trọng Ngài vô biên!
ÔN HỌC KINH THÁNH TÂN ƯỚC
1. Của cải vật chất ở thế gian phải hư hoại, khi chết bỏ lại hết. (Không khác thuyết vô thường hữu hình hữu hoại của Phật Giáo.)
“Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, nơi kẻ trộm khoét vách và lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, nơi trộm cắp không đào ngạch và lấy đi được. Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó.” (Mát-thêu 6 : 19-20)
“Không ai có thể làm tôi hai chủ,[3] vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được.
“Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: Đừng lo cho mạng sống lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang không? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học, chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết, ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? […] Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai, ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.” (Mát-thêu 6: 24-34)
“Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào nước Trời. Thầy còn nói cho anh em biết, con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào nước Thiên Chúa.” (Mát-thêu 19: 23-24)
“Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được.” (Lu-ca 16 : 13); “Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?” (Mát-thêu 16: 26)
Vậy Chúa dạy hãy làm phúc bố thí cho kẻ nghèo, vì việc lành là của đời đời, là kho báu trên trời (Lu-ca 11: 41; 12: 33), không khác nào Phật dạy phải bố thí, hay Đức Cao Đài Thượng Đế dạy làm công quả lập đức vậy. Chúa lại dạy cách bố thí như sau:
“Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo.” (Mát-thêu 6: 3-4)
2. Về sự thương yêu, khoan dung và tha thứ
“Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Gioan 13: 31-35)
Đức Chúa Trời tá danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát trong Tam Kỳ Phổ Độ cũng dạy: “Thầy là Cha của sự thương yêu.” Thầy còn dạy: “Nếu các con không đủ sức thương yêu thì đừng ghét nhau, nghe à!”
“Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thóa mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Ki-tô.” (Ê-phê-xô 4: 31-32)
“Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.” (Mát-thêu 6: 14-15)
Chúa không chứng sự cúng kiến nếu chúng ta còn bất bình nhau:
“Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.” (Mát-thêu 5: 23-24)
“Còn Thầy, Thầy bảo anh em: Đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì anh hãy cho; ai muốn vay mượn, thì anh đừng ngoảnh mặt đi.” (Mát-thêu 5: 39-42)
“Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? […] Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mát-thêu 5: 47-48)
3. Xét mình đừng xét người
“Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em đấu ấy. Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại nói với người anh em: ‘Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn’, trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em.” (Mát-thêu 7: 1-5)
“Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta…” (Mát-thêu 7: 12)
4. Đức bác ái
“Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi. Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được. Ơn nói tiên tri ư? Cũng chỉ nhất thời. Nói các tiếng lạ chăng? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư? Rồi cũng chẳng còn. Vì chưng sự hiểu biết thì có ngần, ơn nói tiên tri cũng có hạn. Khi cái hoàn hảo tới, thì cái có ngần có hạn sẽ biến đi. Cũng như khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con. Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi. Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.” (I Cô-rin-tô 13: 1-13)
*
Đức Chúa Giê-su Ki-tô đến thế gian cũng vì sứ mạng, lãnh lịnh của Đức Chúa Cha Trời, để cứu thế.
Các bậc giáo chủ, đạo tổ ngày xưa giáng trần cũng thừa thiên lệnh, để cứu dân độ thế.
Ngày nay, Đức Chí Tôn mở Đạo cũng vì đức háo sanh muốn tận độ chúng sanh, chọn dân tộc Việt Nam để trao sứ mạng Tam Kỳ Phổ Độ mà Đức Giê-su cho là vinh hạnh lớn lao, một hãnh diện to tát. Chúa dạy:
“Hỡi dân tộc được chọn! Hỡi dân tộc được thương yêu! Này chư hiền, quốc gia này còn tan tác là dân tộc này chưa vừa ý trong sứ mạng của Thượng Đế Chí Tôn. Một hân hạnh lớn lao, một hãnh diện to tát. Chư hiền được đem ra từ một dân tộc của một quốc gia trong muôn vàn quốc gia mà Đại Từ Phụ điểm nhuận.
“Trách vụ cam go chỉ giao cho người chí khí. Mọi thử thách sẽ định giá cho thành quả của sự vụ mai sau.
“Ta nói với chư hiền: Chính sự giày vò của tâm tư, sự nhọc nhằn của thể xác, sự gò ép, sự chết chóc sẽ điểm đạo cho hàng Thiên mạng.
(...) “Hỡi dân tộc được hiến dâng! Đừng mê ngủ, đừng say đắm, đừng mơ màng trong bóng tối đêm đông. Hãy bừng tỉnh, hãy đợi chờ ánh xuân quang đến khi không ai ngờ đến.”
(...) “Cái lạnh lùng, nó ru ngủ con người trong mê dại để rồi đi vào cõi chết. Chỉ có những kẻ tỉnh mới thoát khỏi quyến rũ của giá lạnh đêm đông.”
(...) “Chư hiền nên lưu ý: Sứ mạng vẫn là sứ mạng. Kẻ được chọn vẫn là kẻ được chọn. Nên lấy quá khứ để làm đà tiến, đem hiện tại để làm phương tiện, lấy tương lai làm cứu cánh. Càng bão tố phũ phàng càng biểu dương tinh thần của kẻ vững lèo vững lái. Sự nhứt tâm trong sứ mạng, sự đoàn kết trong thực hành sẽ giúp chư hiền vượt qua muôn ngàn thử thách. Đừng dại dột phân tranh trên phi cơ khi gió loạn. Ngoại cảnh phũ phàng, nội bộ điên nguy sẽ đua nhau nhận chư hiền đắm chìm trong phong đô hỏa ngục.
“Hỡi chư hiền! Hãy thương những người đi trước chư hiền, vì đó mới có vết chân đi trước. Hãy thương những bậc đi sau chư hiền, vì đó mới có vết chân đi sau. Nhạc trùng dương không bao giờ dứt, vì mọi làn sóng cứ kế tục theo nhau ngày đêm chẳng cách ngăn rời rạc.
“Cuối cùng, Ta muốn nói với chư hiền về Thiên mạng vi nhơn là hãy làm con chiên khôn ngoan hơn là người chăn chiên u tối.
“Giá rét nào không trở lại mùa Đông, sứ mạng nào không trao cho người đã chọn.
Việt Nam ơi! Hồng Lạc ơi!
Đấng Thượng Đế, Đức Cao Đài đang ngự trị.[4]
CHÍ TÍN
Mùa Giáng Sinh 1974
--------------------------------------------------------------------------------
[1] Thánh thất Nam Thành, 23-8 Canh Tuất (22-9-1970).
[2] Nhưng sau này thái tử Sĩ Đạt Ta lại lìa bỏ ngôi báu, vào rừng tu khổ hạnh biết bao gian khổ.
[3] Ý nói phải làm tôi một mình Chúa, còn của cải thì dùng nó chứ đừng làm tôi tớ nó.
[4] Thánh thất Bàu Sen, 23-11 Đinh Mùi (24-12-1967).
(Nguồn: Thánh thất Bàu Sen's blog)