Phong Trào Yêu Nước Chống Pháp * GS Nguyễn Lý-Tưởng

11 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 12973)

Phong Trào Yêu Nước Chống Pháp

Phát biểu của GS Nguyễn Lý-Tưởng trên Diễn Đàn PalTalk tối Chúa nhật 15/12/2013

Do Diễn Đàn “Yểm Trợ Khối 8406” thực hiện

Đề tài: “Phong Trào Yêu Nước Chống Pháp Cuối Thế Kỷ 19,

 đầu thế kỷ 20 tại Huế và Miền Trung

 

Kính thưa quý vị,

Kính thưa các bạn trẻ tham gia Diễn Đàn hôm nay,

 

Chỉ còn một tuần nữa là đến tuần lễ Giáng Sinh và tuần lễ tiếp theo là hết năm cũ 2013, bước qua năm mới 2014 rồi. Hết tháng 01/2014 là Tết Giáp Ngọ của Việt Nam chúng ta rồi. Trời lạnh, trong không khí chuẩn bị đón mừng Lễ Thiên Chúa Giáng Sinh, ai ai cũng cảm thấy nhớ nhà, nhớ quê hương Việt Nam. Ngày xưa, khi còn là học sinh ở trường làng, mùa Đông, trời lạnh, trong nhà thường họp nhau nghe kể chuyện đời xưa. Trong gia đình tôi cũng có người tham gia các phong trào tranh đấu chống thực dân Pháp, dành độc lập cho dân tộc nên các bậc cha anh của tôi thường kể cho con cháu nghe về cuộc đời tranh đấu của các nhà cách mạng Việt Nam, về những người yêu nước chống Pháp thời xưa. Những câu chuyện đó đã un đúc chí khí của tôi và đã hướng tôi vào cuộc đời tranh đấu hơn nửa thế kỷ nay. Trong hiện tại, vì tình hình đất nước đang còn đen tối và nhiều bạn trẻ đã và đang dấn thân vào con đường tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam. Con đường của các bạn đó đang đi chẳng khác nào con đường mà các nhà yêu nước, các nhà cách mạng Việt Nam vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 đã trải qua. Hôm nay, tôi muốn kể lại những chuyện “đời xưa” đó để tưởng nhớ những người mà tên tuổi đã đi vào lịch sử cũng như để cảm thông với các bạn trẻ đang dấn thân tại Việt Nam hiện nay.

Đề tài mà tôi trình bày hôm nay là: “Phong trào yêu nước chống Pháp cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 tại Huế và Miền Trung”. Sau phần mở đầu, tôi sẽ dành cho anh Lạc Việt, người điều khiển chương trình hôm nay đặt câu hỏi trước. Sau đó, xin mời các bạn trẻ xa gần đặt câu hỏi liên quan đến đề tài nầy. Nếu hết giờ mà các bạn còn muốn nghe, muốn hỏi nữa thì chúng ta sẽ xin Ban Điều Hành Diễn Đàn dành cho chúng ta thêm một buổi sinh hoạt khác trên Diễn Đàn nầy để chúng ta thảo luận tiếp. Chúng tôi đã dành cả cuộc đời để học hỏi qua sách vở, qua sự tiếp xúc với những nhân chứng trong hàng ngũ cách mạng Việt Nam, qua các chương trinh giáo khoa được giảng dạy ở bậc trung học, đại học. Riêng đối với các bạn trẻ, tôi sợ rằng có khi các bạn chưa biết về lịch sử cách mạng Việt Nam, vì chế độ Cộng Sản không muốn cho các bạn biết, vì chương trình lịch sử được giảng dạy trong các lớp học tại Việt Nam là lịch sử của Đảng Cộng Sản Việt Nam chứ không phải lịch sử tranh đấu của dân tộc Việt Nam. Tại hải ngoại, các bạn cũng không được học về lịch sử Việt Nam như chúng tôi ngày xưa. Vì thế, câu chuyện trao đổi giữa chúng tôi và các bạn hôm nay, theo thiển ý của cá nhân tôi là rất cần thiết cho các bạn.

 

 

 

Kính thưa quý vị,

Kính thưa các bạn,

 

Trong thế kỷ 19, do chính sách cai trị lạc hậu, lỗi thời của các vua nhà Nguyễn, nhất là từ Minh Mạng trở đi, tạo nên thối nát, bất công, kỳ thị tôn giáo, chia rẽ địa phương...làm cho dân tộc ta suy yếu. Lợi dụng tình thế đó, Pháp đã đem quân xâm lược Việt Nam. Khởi đầu là vụ bắn phá Đà Nẵng (1847) dưới thời vua Thiệu Trị, rồi đến mất ba tỉnh Miền Đông Nam Kỳ (1862) dưới thời vua Tự Đức, rồi mất thêm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ (1867). Năm 1883, cuối thời vua Tự Đức, quân Pháp chiếm thành Hà Nội, Việt Nam nhận cuộc bảo hộ của Pháp (hòa ước Quý Mùi 1883). Sau đó, Pháp đem quân chiếm các tỉnh Miền Bắc và toàn bộ nước Việt Nam được đặt dưới quyền cai trị của Pháp (hòa ước Giáp Thân 1884). Ngày 23/5 Ất Dậu (tức đêm 4 rạng ngày 5 tháng 7/1885), Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết chủ trương đánh Pháp thất bại, kinh thành Huế thất thủ, Tôn Thất Thuyết đem vua Hàm Nghi chạy trốn đồng thời nhân danh vua truyền hịch Cần Vương “bình Tây, sát Tả” (đánh Pháp và giết người theo đạo Công giáo) nhân dân vô tội chết oan.

Sau cuộc kháng chiến của cụ Phan Đình Phùng thất bại (1888), đầu thế kỷ 20, các nhà ái quốc Việt Nam chạy qua Tàu, qua Nhật, vận động duy tân, kêu gọi dân chúng đổi mới, tự cường, tạo nên phong trào tranh đấu đòi độc lập khắp nơi trong nước. Tiêu biểu cho giai đoạn nầy là các cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để,v.v…Cuộc Cách Mạng Tân Hợi 1911 ở Trung Hoa do Tôn Dật Tiên lãnh đạo, lật đổ nhà Thanh thắng lợi, gây ảnh hưởng lớn đối với cách mạng Việt Nam. Năm 1930, Nguyễn Thái Học lãnh đạo cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng tại Yên Bái thất bại, phe Cách Mạng Việt Nam bị đàn áp dữ dội, một số bị xử tử, số khác bị tù đày, số còn lại trốn qua Trung Hoa. Trong thế chiến thứ II (1939-1945), các ông Trương Bội Công và Nguyễn Hải Thần đã quy tụ những nhà ái quốc lưu vong tại Trung Hoa thành lập Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội (gọi tắt là Việt Cách) được Đồng Minh (trong đó có Mỹ và Tưởng Giới Thạch) ủng hộ chống lại quân Nhật.

Trong khi các nhà cách mạng Việt Nam nói trên cũng như các đảng cách mạng trong nước như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt, Cao Đài, Hòa Hảo,v.v…không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản thì Nguyễn Tất Thành tức Nguyễn Ái Quốc dựa vào thế lực của Liên Xô, chủ trương biến Việt Nam thành một bộ phận thuộc Quốc Tế Cộng Sản do Liên Xô lãnh đạo mục đích bành trướng chủ nghĩa Cộng sản trên khắp thế giới. Sự bất đồng về chủ nghĩa chính trị giữa Quốc Gia và Cộng Sản khởi đi từ đó.

Sau khi Nhật chiếm Đông Dương năm 1945, vua Bảo Đại tuyên bố độc lập, xé bỏ các hòa ước bất bình đẳng mà các vua nhà Nguyễn đã ký kết với Pháp trong thế kỷ 19 và đứng chung với Nhật trong khồi Đại Đông Á.

Ngày 6 tháng 8/1945, Mỹ thả bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagazaki, sau đó, vua Nhật tuyên bố đầu hàng.

Ngày 19/8/1945, Việt Minh cướp chính quyền tại Hà Nội.

Ngày 25/8/1945, vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị. Chính Phủ Trần Trọng Kim từ chức.

Ngày 2 tháng 9/1945, Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập tại Hà Nội, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời.

 

Kính thưa quý vị,

Kính thưa các bạn,

Tôi vừa trình bày tình hình tổng quát về hoàn cảnh nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam chúng ta vào cuối thế kỷ 19 đến tiền bán thế kỷ 20 và đã nhắc sơ qua các biến cố và tên tuổi những nhân vật lịch sử của Việt Nam chúng ta trong giai đoạn nầy. Sau đây, tôi xin kể chuyện về các nhà cách mạng Việt Nam và phong trào yêu nước chống Pháp cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 tại Huế và Miền Trung như đề tài mà chúng tôi đã đưa ra hôm nay.

 

  1. Khoa Thi Năm Canh Tý (1900) ba vị tân khoa cử nhân kết bạn đồng chí.

 

Ba vị tân khoa cử nhân là Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng và Võ Bá Hạp, từ bỏ danh vọng , không ra làm quan, kết bạn đồng chí, đi làm cách mạng, cứu nước, đánh đuổi thực dân, dành độc lập cho dân tộc. Trong ba người nầy, Võ Bá Hạp là người trẻ nhất (sinh năm Bính Tý, 1876). Người lớn tuổi nhất là Phan Bội Châu (tuổi Đinh Mão, sinh năm 1867) và Huỳnh Thúc Kháng (sinh năm Bính Tý, 1876 cùng tuổi với Võ Bá Hạp). Võ Bá Hạp và Huỳnh Thúc Kháng đậu cử nhân khi 24 tuổi, cụ Phan Bội Châu đậu cử nhân lúc 33, 34 tuổi, lớn hơn hai vị kia gần 10 tuổi. Tôi xin nói về Cụ Võ Bá Hạp trước vì chuyện kết nghĩa xảy ra tại nhà cụ.

 Cụ Võ Bá Hạp tự Nguyên Bích, hiệu Trúc Khê, bút hiệu Xuân Pha và Song Xuân, sinh năm Bính Tý (1876) niên hiệu Tự Đức thứ 29, là người làng Phong Lâm, huyện Gia Lộc, phủ Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương (Miền Bắc) đọc theo giọng Bắc là Vũ Bá Hợp. Cụ là con trai duy nhất của cụ ông Vũ Văn Giáp (1854-1935) và cụ bà Lê Thị Từ Châu. Phong Lâm là một làng nổi tiếng về nghề thuộc da và làm giày dép, hia hài nên vào năm Nhâm Ngọ (1882), niên hiệu Tự Đức thứ 35, cụ Vũ văn Giáp được nhà vua cho gọi vào Huế để truyền dạy nghề thuộc da và phụ trách sản xuất giày dép cho Đại Nội. Cụ Giáp đã chọn một địa điểm gọi là “Xóm Trâu” thuộc xã An Hòa, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên là nơi có lò tể sinh (làm thịt súc vật) để tiện làm nghề thuộc da vì nơi đó có sẵn da sống (chữ Hán “thục” đọc trại ra là “thuộc” nghĩa là chin: da sống được chế biến thành “da thuộc” tức da chin, da khô, dùng làm giày dép, bao bị…) Sau 5 năm làm việc, cụ Giáp được nhà vua ban cho tước Cửu Phẩm Văn Giai.

 Khi vào Huế, cụ có đem theo người em là Vũ văn Bính để giúp cụ truyền nghề cho dân địa phương. Sau một thời gian, ông Vũ Văn Bính đã trở về lại quê hương miền Bắc.

 Năm 12 tuổi, cậu Vũ bá Hợp theo mẹ là Lê Thị Từ Châu vào Huế ở với cha để tiếp tục học văn hóa. Thời xưa, muốn đi thi phải có hồ sơ do làng xã chứng nhận, vì thế cậu Vũ Bá Hợp phải nhờ cụ Hoàng Hữu Quý là một chức sắc có uy tín ở làng Dương Xuân xin cho nhập tịch làng nầy. Từ đó, cậu Vũ Bá Hợp đọc theo giọng Huế là Võ Bá Hạp thuộc làng Dương Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên (Miền Trung). Được gọi là người Huế (tỉnh Thừa Thiên) mà cụ vẫn nói giọng Bắc. Năm Thành Thái thứ bảy (1896), cụ Võ Bá Hạp được 20 tuổi, được ông bà Nguyễn Văn Tiếp, người làng Mỹ Xá, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên mời về nhà dạy học cho con cháu trong nhà. Đến năm 1903, lúc đó cậu Võ Bá Hạp được 27 tuổi, cưới Nguyễn Thị Cân, 18 tuổi, con gái chủ nhà làm vợ.

 

 Phan Bội Châu, Võ Bá Hạp kết bạn.

 

 Phan Bội Châu tên là Phan Văn San, sinh năm Đinh Mão (1867) tại làng Sa Nam, xã Đông Liệt, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, học giỏi, nhưng không chiu đi thi, đã có chí hướng làm cách mạng, mấy lần tổ chức võ trang nổi dậy nhưng thất bại . Sau đó, nghe lời khuyên của bạn bè, muốn làm việc lớn phải có danh phận, có bằng cấp, người đời biết tiếng thì nói người ta mới nghe theo mình. Năm Đinh dậu (1897), Phan Bội Châu từ Nghệ An vào Thừa Thiên, trọ nhà cụ Vũ Văn Giáp (thân sinh của cụ Võ Bá Hạp) gần cầu An Hòa, mở lớp dạy học. Từ đó, Phan Bội Châu và Võ Bá Hạp đã trở thành đôi bạn thân. Phan Bội Châu lớn hơn Võ Bá Hạp gần 10 tuổi, được kể là bậc đàn anh. Hai năm sau, Phan Bội Châu trở về quê quán Nghệ An để chuẩn bị đi thi cử nhân (Hương thí) vào năm Canh Tý (1900) niên hiệu Thành Thái thứ 12. Năm đó, Phan Bội Châu đỗ đầu (giải nguyên) trường Nghệ An, Võ Bá Hạp (24 tuổi) đậu cử nhân ở trường Thừa Thiên, Huỳnh Thúc Kháng (24 tuổi) đỗ đầu cử nhân, Phan Châu Trinh (19 tuổi) đỗ cử nhân (thứ nhì sau Huỳnh Thúc Kháng). Năm 1904 thi hội, Huỳnh Thúc Kháng đỗ đầu tiến sĩ, Phan Châu Trinh đậu Phó Bảng. Những người nầy cùng đỗ cử nhân một khoa, cùng chí hướng, cùng thời nên đã trở thành bạn thân và bạn đồng chí, hoạt động cách mạng với nhau. Phan Bội Châu còn kết thân với nhiều người có tinh thần yêu nước khác lúc đó đang có mặt tại Huế như Khiếu Năng Tĩnh (đang làm Quốc Tử Giám tế tửu tức Hiệu trưởng trường Quốc Tử Giám), Đặng Nguyên Cẩn hiệu Thai Sơn (lúc đó đang làm quan ở Quốc sử quán), Nguyễn Thượng Hiền hiệu Mai Sơn (Tiến sĩ), v.v…

 Cụ Huỳnh Thúc Kháng tên thật là Huỳnh Hanh, tự Giới Sanh, hiệu Mính Viên, sinh năm Bính Tý (1876) tại làng Thạnh Bình, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, cùng tuổi với cụ Võ Bá Hạp. Cụ Huỳnh đỗ cử nhân năm Canh Tý (1900), đỗ Tiến sĩ năm Giáp Thìn (1904), không ra làm quan…Trong những người nầy, Phan Bội Châu và Võ Bá Hạp thân nhau hơn vì đã từng ở chung một nhà. Về sau, khi Phan Bội Châu bị Pháp bắt, đem về giam lỏng ở Bến Ngự Huế (1925), Huỳnh Thúc Kháng ở tù Côn Đảo cũng được về Huế và Võ Bá Hạp ở tù Lao Bảo 10 năm, trở về Huế, ba người gặp lại nhau nên thân nhau hơn.

 

  1. Từ Phong Trào Duy Tân, Đông Du đến Việt Nam Quang Phục Hội

 

Sau khi thi đổ, các cụ Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh, Võ Bá Hạp không ra làm quan. Người thì dạy học, người thì làm thầy thuốc và đã dành thì giờ đi đây đi đó, tiếp xúc với nhân sĩ khắp nơi để vận động cho phong trào cách mạng. Phan Bội Châu đã từng vào Quảng Nam gặp Tiểu La Nguyễn Thành là một trong những người thời đó có tư tưởng tiên bộ, đã từng nghiên cứu nhiều sách gọi là “tân thư” là sách của các nhà tân học Trung Hoa, Nhật Bản, cũng là loại sách nghiên cứu về các chế độ chính trị và chế độ dân chủ của Tây phương như sách của Jean Jacques Rousseaux, Montesquieu, v.v…Nguyễn Thành hiệu Tiểu La được xem như là một lý thuyết gia về chính trị vào thời đó (đầu thế kỷ 20) nên Phan Bội Châu phải từ Huế vào Quảng Nam gặp ông để tham khảo ý kiến. Họ đã thành lập Duy Tân Hội (1904) về sau đổi tên là Việt Nam Quang Phục Hội, và đưa Kỳ Ngoại hầu Cường Để (tức Nguyễn Phước Cường Để, dòng dõi Hoàng tử Nguyễn Phước Cảnh, con trưởng vua Gia Long) lên làm Minh Chủ.

 Phan Bội Châu cũng bí mật vào Nam để liên lạc với giới trí thức qua sự giới thiệu của Tiểu La Nguyễn Thành.

 Thành phần trí thức khoa bảng ở miền Trung như Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh, Võ Bá Hạp, Nguyễn Thượng Hiền, Đặng Thái Thân, đều ủng hộ Phan Bội Châu. Ở Huế, ngoài cụ Võ Bá Hạp, cùng chí hướng với cụ Phan Bội Châu, còn có Lê Ngọc Nghị (vợ là chị của Kỳ Ngoại hầu Cường Để), Lê Minh Châu và em gái là Lê Thị Đàn, Trần Trinh Linh (tức Ngũ Lang là bố vợ của cụ Võ Như Nguyện, con trai trưởng của cụ Võ Bá Hạp)…là những người tích cực hoạt động cho phong trào.

 Phong trào chủ trương kêu gọi trong nước duy tân, đổi mới, bỏ cái học từ chương để theo khoa học thực dụng, gây ý thức tự lực, tự cường, đưa thanh niên qua Nhật du học (gọi là Đông du) hoặc qua Trung Hoa học hỏi tiến bộ của nước người. Phải mở mang dân trí trước mới mong có ngày đánh đuổi được thực dân, giành độc lập được.

 Theo sự phân công của Hội, từ Quảng Nam trở vào do Tiểu La Nguyễn Thành (tức Nguyễn Hàm) phụ trách. ; từ Nghệ Tĩnh trở ra Bắc do Đặng Thái Thân phụ trách; ba tỉnh Bình, Trị, Thiên do Võ Bá Hạp phụ trách. Phan Bội Châu sẽ đến những vùng xa hơn như trong Nam và ngoài Bắc để sắp xếp, tổ chức người phụ trách các vùng đó.

 Hai người có nhiệm vụ hướng dẫn thanh niên trong nước qua Tàu, qua Nhật là Tăng Bạt Hổ và Lý Tuệ (tức Nguyễn Hữu Tuệ). Tăng là kiện tướng trong phong trào Văn Thân 1885 dưới quyền chỉ huy của Mai Xuân Thưởng tại Bình Định. Sau khi phong trào thất bại, ông bí mật đi khắp nơi để hoạt động, đã từng qua Xiêm, qua Tàu, qua Nhật…còn Lý Tuệ (tên thật là Nguyễn Hữu Tuệ) thời đó đang làm đầu bếp thương thuyền, thường đem thanh niên giấu dưới gầm tàu để đưa ra ngoại quốc.

 Ngày 20 tháng Giêng năm Ất Tỵ (1905),Phan Bội Châu ra Bắc để theo Tăng Bạt Hổ sang Trung Hoa (23/5/1905), sau đó, qua Nhật Bản. Qua sự giới thiệu của Lương Khải Siêu một nhà cách mạng Trung Hoa đang sống lưu vong ở Nhật, Phan Bội Châu đã gặp hai nhân vật quan trọng của chính giới Nhật Bản là Bá tước Đại Ôi Trọng Tín và Tử tước Khuyển Dưỡng Nghị, hai người nầy đã từng làm Thủ Tướng nước Nhật.

Phan Bội Châu đã xin họ giúp cho thanh niên Việt Nam qua Nhật du học, đồng thời cũng đưa Kỳ Ngoại hầu Cường Để ra khỏi nước để mưu đồ đại sự, vận động chính trị sau nầy.

Được hai chánh khách nói trên hứa hẹn giúp đỡ, Phan liền tìm cách trở về nước định đưa Kỳ Ngoại hầu Cường Để qua Nhật. Nhưng khi Phan vừa về đến Hà Tĩnh, thì nghe tin Pháp đang có lệnh tầm nã mình và một số bạn bè đã bị bắt, liền ra Hải Phòng và qua Nhật trở lại. Riêng Kỳ Ngoại hầu Cường Để thì đã được Tăng Bạt Hổ đưa qua Nhật vào đầu năm 1906 một cách an toàn rồi.

 

3. Pháp đàn áp phong trào: Cụ Võ Bá Hạp và các đồng chí bị bắt.

 

Khi được tin Phan Bội Châu đi rồi thì Pháp ra lệnh bắt giữ một số người bị tình nghi hoạt động chống Pháp. Phan Bội Châu trước đây đã từng ở trong nhà của Võ Bá Hạp mấy năm nên khi Pháp theo dõi hoạt động của Phan, chắc chắn không bỏ qua đia chỉ nầy. Võ Bá Hạp lại là người đứng đầu phong trào tại ba tỉnh Thiên, Trị, Bình nên anh em thường lui tới, gặp gỡ, hội họp tại nhà ông.

Lính Pháp vào nhà cụ Vũ Văn Giáp thân sinh cụ Võ Bá Hạp, tại làng An Hòa, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, bao vây lục xét. Không có bằng chứng cụ thể nhưng chúng vẫn bắt Võ Bá Hạp đi và tra tấn dã man. Chúng dẫn cụ đi từ Quảng Bình vào đến Quảng Ngãi để đối chất với những người bị tình nghi ở các địa phương. Cụ cam chịu cực hình và không hề khai cho một người nào để anh em khỏi bị liên lụy. Cuối cùng chúng đem cụ về tại nhà giam Quảng Ngãi (gọi là Quảng Ngãi phối sở) và kết án chín năm tù khổ sai vì can tội “thông giao ngoại bang, mưu đồ lật đổ chính quyền bảo hộ”, ý muốn nói đến việc phong trào tổ chức đưa thanh niên Việt Nam qua Trung Hoa và qua Nhật. Cụ cũng bị thu hồi bằng cử nhân…

Khi cụ Võ Bá Hạp bị tù thì cuối năm đó, thân mẫu của cụ, bà Lê Thị Từ Châu, bị bệnh nặng qua đời vào ngày 18 tháng Chạp Mậu Thân (16/1/1909). Gia đình bên vợ, ông bà Nguyễn Văn Tiếp thấy hoàn cảnh cụ Vũ Văn Giáp, vợ chết, con trai độc nhất lại đang bị tù, con dâu chưa có cháu…nên mới thu xếp cho dời nhà từ An Hòa về Bao Vinh, nơi đó vừa gần sông, gần chợ, liên lạc giữa hai gia đình họ Nguyễn và họ Vũ theo đường sông rất thuận tiện. Bà Nguyễn Thị Cân, vợ cụ Võ Bá Hạp ở bên nhà cha mẹ mà vẫn săn sóc cho bố chồng là cụ Vũ Văn Giáp được.

 

Nguyễn Văn Nghĩa, người em nuôi trung thành

 

Gia đình cụ Vũ Văn Giáp có nuôi một cậu thanh niên tên Nguyễn Văn Nghĩa, thường đi theo hầu hạ giúp đỡ cụ cử Võ Bá Hạp, những lúc đến trường thi thì Nghĩa đi theo mang tráp sách vở và lều chõng cho cụ. Khi cụ bị tù, vẫn đi theo để giúp. Một hôm, lính dẫn cụ đến Quảng Trị đối chất, nọc cụ ra giữa sân, chân tay đều bị trói vào cọc, đánh đòn rất dã man. Thấy cụ cử chịu không nổi nữa nên Nghĩa bèn nhảy vào nằm úp lên người cụ, đỡ đòn cho cụ. Bọn lính cố ý đánh nặng tay để cho Nghĩa vì đau mà phải lánh ra. Nhưng Nghĩa quyết chịu đòn thay cho cụ cử Võ…Lính tiếp tục đánh cho đủ số đòn theo hình phạt được áp dụng. Khi chúng nghỉ tay thì Nghĩa cũng đã tắt thở rồi! Bọn lính đem chôn xác Nguyễn Văn Nghĩa ở bên ngoài thành Quảng Trị, gần sân vận động và trường Trung học Nguyễn Hoàng sau nầy.

 

Cô Lê Thị Đàn tử tiết trong tù

 

Lê Thị Đàn, em ruột ông Lê Minh Châu, người xã Thế Lại Thượng, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên là người của tổ chức Việt Nam Quang Phục Hội, phụ trách về tài chánh dưới sự điều động của cụ Võ Bá Hạp. Khi cụ Võ Bá Hạp bị bắt thì cụ Lê Minh Châu, anh của cô cũng bị bắt và một số tài liệu quan trọng tại nhà cụ Lê đã bị tịch thu. Trong số những người làm việc cho Pháp có Đốc Phủ Hinh, người Miền Nam, làm phán sự tại tòa công sứ Thừa Thiên, muốn cưới cô làm vợ, nhưng cô không chịu. Nay vì hoàn cảnh bất đắc dĩ, nên cô phải lấy hắn để tìm cách thủ tiêu các tài liệu quan trọng, cứu anh em còn ở ngoài vòng...Từ đó, người ta gọi cô là cô Đốc.

 

Nhờ thế lực của chồng, cô đã đến các nhà tù tiếp tế cho anh em. Cô thường theo dõi bọn lính dẫn tù đi từ tỉnh nầy qua tỉnh khác để tìm cách ngoại giao, mua chuộc bọn chúng hầu giúp anh em đỡ nhọc nhằn. Có lần cụ cử Võ bị lính dẫn từ Quảng Ngãi ra Quảng Trị, lúc ngang qua địa phận tỉnh Thừa Thiên, cụ quá đuối sức, bước không nổi nữa. Một tên lính thị oai dùng roi mây quất mạnh vào lung của cụ và thét lớn: "Đi nhanh lên!" tức thì cô Lê Thị Đàn xuất hiện, chạy đến giựt chiếc roi mây, vừa đánh vừa mắng tên lính ấy: "Bọn chúng bây là tay sai hạ đẳng của đám mãi quốc, sao dám cả gan vô lễ với quan cử nhân mà mọi người kính trọng?"

 

Có một lần, cô Lê Thị Đàn đến thăm và tiếp tế cho cụ Võ Bá Hạp tại nhà giam Quảng Trị, cô gởi vào cho cụ một vịm cháo. Khi lấy muỗng múc cháo, cụ khám phá ra trong đáy vịm có con dao nhỏ rất sắc bén. Ý cô muốn nhắn với cụ, nếu chịu không nổi thì tự tử, đừng khai cho anh em. Cụ bèn nhắn lại cho cô biết, cứ yên tâm, tinh thần của cụ vẫn vững vàng, anh em không có điều gì phải lo lắng cả.

 

Cô thường có những hành động quá táo bạo làm cho người Pháp nghi ngờ. Sau đó, cô đã bị bắt giam và bị tra tấn cực hình! Nhưng cô đã tỏ ra bất khuất, không chịu cung khai một lời nào. Ngày 16 tháng 3 năm Canh Tuất, niên hiệu Duy Tân thứ tư (tức là ngày 25/4/1910), cô yêu cầu được tắm rửa sạch sẽ, ăn uống đầy đủ và cung cấp giấy mực để khai báo. Nhưng thay vì khai báo về tổ chức hoạt động của phong trào cách mạng, cô đã viết một bài lên án bọn thực dân Pháp và làm mấy bài thơ tuyệt mệnh để lại, rồi dùng dải lụa thắt cổ chết. Bọn quan lại đem chôn cô ở bãi tha ma bên ngoài thành Quảng Trị, gần sân vận động (sau này là trường trung học Nguyễn Hoàng) nơi đã chôn xác ông Nguyễn Văn Nghĩa, em nuôi cụ Võ Bá Hạp.

 

Báo Tiếng Sông Hương, xuất bản ở Dallas, Texas (Hoa Kỳ) năm 1994, Lệ Vân có trích dẫn 3 bài thơ của cô Lê Thị Đàn bằng Hán văn và Đặng Thái Mai đã dịch ra Việt văn như sau:

(Âm Hán)

Huyết khô lệ kiệt, hận nan tiêu,

Trường đoan Hương Giang dạ nhật trào.

Ngô đảng tảo thanh cừu lỗ nhật,

Phần tiền nhất chỉ vị nùng thiêu.

(Dịch ra Việt văn)

Huyết lệ dầu khan giận chưa sờn,

Chiều hôm tê tái nước song Hương.

Nhóm ta khi quét xong quân giặc,

Trước nấm mồ em đốt bó nhang.

(Âm Hán)

Trùng trùng yểm lệ kiến Trưng Vương,

Đề huyết thư quyên chỉ tự thương.

Bang tạ Phật linh như tái thế,

Nguyên nhân thiên tý tý thiên sang.

(Dịch ra Việt văn)

Suối vàng gạt lệ gặp bà Trưng,

Máu thắm hồn quyên khóc thảm thương.

Lạy Phật thân nầy còn hóa kiếp,

Tay xin nghìn cánh, cánh nghìn thương.

(Âm Hán)

Thê lương ngục thất mệnh chung thi,

Hải khoát sa không khốc tự tri.

Tử quốc đáo nùng thiên hữu phận,

Thương tâm quan lũ kỳ nam chi.

(Dịch ra Việt văn)

Lạnh lùng cảnh ngục lúc quyên sinh,

Biển rộng đồng không mình biết mình.

Chết với nước non em tốt số,

Chạnh lòng tủi hỗ lũ trâm anh.

 

Theo lời cụ Võ Như Nguyện cho biết thì khoảng 1930, lúc đó cụ Phan Bội Châu còn bị an trí tại Bến Ngự Huế, cụ đã xây một bia kỷ niệm cô Lê Thị Đàn ngay trong vườn nhà cụ ở. Cụ thường gọi cô là "Bà Ấu Triệu" (bà Triệu nhỏ). Trước năm 1975, nhiều lần chúng tôi đến thăm anh Phan Thiệu Tường, cháu nội cụ Phan Bội Châu, tôi cũng có đọc được mấy câu đối cụ Phan làm bằng chữ Hán và chữ Việt, và bài văn khắc trên bia mộ của cô Lê Thị Đàn như sau: (Trong sách Tự Phán viết về cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, cụ Phan Bội Châu cũng có nói đến chuyện nầy).

Chữ Hán:

1. Sinh nê bất nhiếm hoa quân tử,

 Bão phác vô ngôn thạch khả phân.

 (Gần bùn không bẩn hoa quân tử,

 Ôm ngọc làm thinh đá hiền nhân)

2. Tâm khả huyền ư thiên nhật nguyệt,

 Thân tàng giá dữ Việt giang sơn.

 (Tấm thân trót gả giang sơn Việt,

 Tấc dạ soi chung nhật nguyệt trời)

Chữ Nôm:

1. Tơ nhân sợi nghĩa giây lưng trắng,

 Dạ sắt lòng son nét màu hồng.

2. Câu đối mặt này còn thiếu chữ,

 Dám xin đồng chí góp vài lời.

 

Văn bia: (Phiên âm Hán Việt)

"Nữ liệt sĩ bi đình,

 Nữ đồng bào Ấu Triệu liệt nữ Lê Thị Đàn chi thân, Thừa Thiên phủ, Thế Lại Thượng xã. Duy Tân (Canh Tuất) dĩ quốc sự án hạ ngục, khảo tấn nghiêm cực, thống khổ vạn trạng, nhiên bất khuất. Thị niên tam nguyệt thập lục nhật tự tuẫn dĩ cố, chư đồng chí đa thoát võng giả.

 Ô hô! Liệt hỷ! Minh viết: Thân bất khả lục, chí bất khả nhục, đao nhân nhi tử, Trưng Triệu nhi tục, kỳ tần giả anh, kỳ mật giả danh, nữ kiệt, hà nhạc nhật tinh.

 Liệt nữ tuẫn nghĩa hận chí thập bát niên nguyệt nhật".

 

(Quốc ngữ)

 "Bia cô Ấu Triệu liệt nữ

 Người xã Thế Lại Thượng, phủ Thừa Thiên. Năm Canh Tuất đời Duy Tân vì án quốc sự, bị khảo tấn hết sức khổ nhưng trước sau không khai một lời. Ngày 16 tháng 3 năm ấy, tự tử ở trong ngục, các người đồng chí nhờ đó được vô sự. Than ôi! Nghĩa liệt!

 Lời minh rằng:

 Sống vì nước chết vì nòi

 Bà Trưng Bà Triệu xưa này mấy ai"

Trong sách Tự Phán có ghi lại một bài thơ của cụ Phan Bội Châu "Đề bia Ấu Triệu" như sau:

 Lọ là các cậu, lọ là ông,

 Ai bảo rằng thư chẳng phải hùng.

 Miệng có chào long quên sấm sét,

 Gan đành bỏ mạng tiếc non song.

 Giây lưng một giải bền son sắt,

 Nét máu ngàn thu đậm với hồng.

 Ai hỏi biết chăng thời chớ hỏi,

 Hỏi hòn đá nọ biết hay không?

 

 Hôm cô Lê Thị Đàn tự tử thì cụ Võ Bá Hạp và cụ Đỗ Đăng Tuyển, bạn đồng chí trong tổ chức Việt Nam Quang Phục Hội cũng đang bị giam giữ tại nhà lao Quảng Trị, nghe tin đó, các cụ rất xúc động và cảm thương cho người nữ đồng chí.

 Khoảng tháng sáu năm Ất Dậu (1945), Bảo Đại thứ 20, sau khi Nhật đảo chánh Pháp tại Đông Dương, vua Bảo Đại tuyên bố độc lập, nội các Trần Trọng Kim ra đời, các ông Nguyễn Đôn Dư, Nguyễn Đôn Duyến cùng toàn thể thân hào nhân sĩ và dân chúng xã Thế Lại Thượng đã tổ chức lễ truy điệu và lập bài vị thờ cô Lê Thị Đàn tại đình làng. Cụ Võ Bá Hạp được mời "đề thần chủ" tức là lấy bút chấm một nét cuối cùng trên chữ thần chủ của linh vị người chết. Đó là một hình thức rất trang trọng và cũng rất danh dự cho người được mời đảm trách vai trò đó.

 Cô Lê Thị Đàn chết rồi nhưng vong hồn cô rất linh thiêng, thường theo dõi phù hộ cho anh em đồng chí cũng như con cháu các vị anh hùng cách mạng khi hữu sự. Cụ Võ Như Nguyện có kể lại, năm 1954-1955, khi cụ đang giữ chức Tỉnh Trưởng Bình Định. Một hôm, anh em canh gác phục vụ trong Tòa Hành Chánh và tư dinh tỉnh trưởng đang cầu cơ thì cô Lê Thị Đàn nhập và xưng là Ấu Triệu. Mọi người không biết Ấu Triệu là ai, bèn mời cụ tỉnh trưởng đến xem. Cụ Võ Như Nguyện liền đến đó và khấn:"Thưa cô, cháu là Võ Như Nguyện, trưởng nam của cụ Võ Bá Hạp, xin chào cô. Nay cô đã về đây, có điều gì xin cứ dạy bảo".

 Sau đó, cô đã giáng cơ cho biết "có kẻ tiểu nhân đang âm mưu hãm hại, phải rời bỏ nơi này ngay". Nghe lời cô, cụ bèn làm đơn xin từ chức Tỉnh trưởng Bình Định và trở về Huế ứng cử Dân Biểu Quốc Hội Lập Hiến 23/10/1955. Quả thật sau đó cụ gặp rất nhiều âm mưu hãm hại cụ, nhưng cụ vẫn được bình yên, đã thoát nhiều hoạn nạn và sống bình yên cho đến bây giờ.

 Năm 1957, cụ Lê Ngọc Nghị (bạn đồng chí cùng thời với cụ Võ Bá Hạp), ông Lê Oanh (cháu cô Lê Thị Đàn), ông Nguyễn Văn Lành (cháu ông Nguyễn Văn Nghĩa), cụ Võ Như Nguyện (con cụ Võ Bá Hạp) và một số thân nhân của các bậc tiền bối cách mạng, đã từ Huế ra Quảng Trị tìm mộ của cô Lê Thị Đàn và ông Nguyễn Văn Nghĩa. Nhưng đã gần nửa thế kỷ rồi (1910-1957), trải qua nhiều biến cố chiến tranh, mồ mả thất lạc nên không làm sao tìm được dấu vết.

 

Cụ Đỗ Đăng Tuyển tự tử tại nhà tù Lao Bảo (giáp biên giới Lào và Quảng Trị)

 

 Cụ Đỗ Đăng Tuyển biệt hiệu Hy Đào, bí danh Sơn Tẩu người làng Ô Gia, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam nên cũng gọi là cụ Ô Gia. Năm 1882 (Nhâm Ngọ), cụ làm Quản hiệu sơn phòng tỉnh Quảng Nam. Năm 1885 (Ất Dậu), sau vụ kinh đô Huế thất thủ (thời Hàm Nghi), cụ là một người có mưu lược và rất tích cực trong các phong trào Văn Thân và Cần Vương (1885, 1886) tại Quảng Nam. Phong trào thất bại, cụ ẩn lánh nơi nầy, nơi khác.

 Vào giữa năm 1898 (Mậu Tuất), Thành Thái thứ 10, cụ đã bí mật liên lạc với cụ Võ Bá Hạp để phối hợp hoạt động cho phong trào cách mạng chống Pháp. Năm 1905 (Ất Tỵ), Thành Thái thứ 17, cụ đã tham gia phong trào Đông Du và Duy Tân tại miền Trung.

 Năm 1906 (Bính Ngọ), cụ Võ Bá Hạp bị Pháp bắt thì cụ Đỗ Đăng Tuyển vẫn còn tiếp tục hoạt động bí mật, ngoài vòng pháp luật. Bốn năm sau, vào năm 1910 (Canh Tuất), Duy Tân thứ tư, cụ Đỗ cũng bị bắt tại Quảng Nam và bị dẫn đi các tỉnh miền Trung để đối chất tại dinh Án sát tỉnh với những người khác.

 Tại lao xá Quảng Trị, hai cụ Võ và Đỗ cùng bị biệt giam mỗi người một nơi. Cả hai đều bị tra khảo cực hình, nhưng có điều lạ là lời khai không mâu thuẫn nhau và cũng không liên lụy gì đến người khác. Cả hai cụ đều trả lời: "Không hề quen biết gì với nhau" nên thực dân Pháp không tìm ra được manh mối nào. Dù vậy, cụ Đỗ Đăng Tuyển cũng bị án 12 năm tù về tội: "thông giao với ngoại quốc để chống chính phủ bảo hộ".

 Cụ Đỗ Đăng Tuyển bị đưa đến nhà tù Lao Bảo, giáp giới Quảng Trị và Lào, là nơi giam giữ những người trọng án từ 10 năm trở lên. Mùa Hè rất nóng, mùa Đông rất lạnh, khí hậu khắc nghiệt lại thêm bọn cai tù hành hạ, đối xử quá dã man, nên nhiều người không chịu nổi đã bó xác tại đây.

 Lúc khởi hành từ Quảng Trị đi Lao Bảo, cụ Võ Bá Hạp có làm bài thơ tống biệt trong đó có hai câu:

 Văn chi Lao Bảo ly mị hương,

 Ngả vi Lao Bảo du hào tẩu.

 (Người ta cho rằng chốn Lao Bảo là nơi ma thiêng nước độc

 Tôi cho rằng đó là nơi anh hùng hào kiệt đến vui chơi)

 

và:

 Đãn khuynh Hãn thủy tác biệt tửu,

 Cộng tả bình sinh khối lỗi chi hung hoài.

 (Tôi xin nghiêng dòng sông Thạch Hãn, lấy nước đó làm rượu tiễn biệt

 Và đồng thời bày tỏ nỗi lòng trong sáng, cũng như mối u hoài chất chứa suốt đời tôi).

(Cụ Võ Như Nguyện, người viết gia phả họ Võ cho biết toàn văn bài nầy bị thất lạc, chỉ còn nhớ được mấy câu mà thôi).

 Đến Lao Bảo được it lâu, cụ Đỗ Đăng Tuyển đã tuyệt thực và từ trần ngày 4/4/1911 (tức 7 tháng ba năm Tân Hợi), niên hiệu Duy Tân thứ 5.

 Trong sách "Tự Phán", cụ Phan Bội Châu có bài thơ thương tiếc cụ Đỗ như sau:

 

 Khóc Ô Gia Đỗ Tuyển 

 Đau đời nên phải nhớ tiên sinh,

 Ưu quốc xưa nay bậc lão huynh.

 Tay trắng đỡ liều vai gánh nặng,

 Lòng son đưa trước bọn đầu xanh.

 Bội Châu không bác e vô sự, 

 Lao Bảo nhờ anh mới có danh.

 Tiếc bác lấy gì an ủi bác,

 Vài chung rượu lạt máu thần minh.

 

Sau khi bài nầy được đăng báo (1999) và in vào sách "Thuyền Ai Đợi Bến Văn Lâu" (tác giả Nguyễn Lý-Tưởng) phát hành tại Cali (khoảng 2001), một hôm chúng tôi nhận được một cú điện thoại từ một tiểu bang xa gọi về...Người từ xa tự giới thiệu là con cháu của cụ Đỗ Đăng Tuyển, người làng Ô Gia dưới chân đèo Hải Vân phía Bắc thành phố Đà Nẵng...nhân đọc được bài của NLT viết về cụ Đỗ Đăng Tuyển nên gọi điện thoại hỏi thăm....Tôi có hỏi:"Ở xa làm sao có sách của NLT mà đọc..." Người bạn đó trả lời: "Vùng nầy it người Việt, không có sách báo tiếng Việt nhưng tìm được sách của NLT trong thư viện...". Chúng tôi rất ngạc nhiên "làm sao gặp được con cháu của cụ Đỗ đăng Tuyển?" Trong sách có hình của cụ Đỗ (do cụ Võ Như Nguyện cung cấp)...hình nầy rất hiếm quý...chỉ có những gia đình con cháu các nhà cách mạng mới có, ngoài ra không làm sao có được...Tôi đã gời cho ông bạn đó một cuốn sách có hình cụ Đỗ Đăng Tuyển đẻ làm kỷ niệm.

 

(tiếp theo bài: Phong Trào Yêu Nước Chống Pháp: bổ túc về cụ Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947)

 

-Cụ Huỳnh Thúc Kháng bị tù 13 năm tại Côn Lôn (1908-1921)

-Cụ Huỳnh chủ trương báo Tiếng Dân (1927) tại Huế

-Bút tích cuối cùng của cụ Huỳnh Thúc Kháng viết từ Hà Nội ngày 10/8/1946 gởi cụ Võ Bá Hạp

 

(1) Vụ Trung Kỳ Dân Biến (Dân Miền Trung biểu tình chống sưu cao thuế nặng):

Cụ Huỳnh Thúc Kháng bị lưu đày tại đảo Côn Lôn 13 năm (1908-1921)

 

Trong khi cụ Võ Bá Hạp và các đồng chí trong Phong Trào Duy Tân (về sau là Việt Nam Quang Phục Hội) ở Huế bị bắt thì những người còn lại ở các tỉnh Miền Trung vẫn tiếp tục hoạt động. Do ảnh hưởng của phong trào Duy Tân và Việt Nam Quang Phục Hội chủ trương duy tân, cải cách, đổi mới, chống cường quyền, chống sưu cao thuế nặng...Chỉ trong vòng hai năm sau, 1908 đã xẩy ra một cuộc tranh đấu lớn tại tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Thừa Thiên,v.v....Hàng ngàn người kéo nhau đi biểu tình, khởi đi từ huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam với nhóm chủ xướng là Trương Hoành, Hứa Tạo, Lương Châu…về sau lan dần đến các phủ, huyện, tỉnh miền Trung như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Thừa Thiên, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa,v.v...Dân chúng kéo đến bao vây các cơ quan chính quyền huyện, phủ, tỉnh và tòa công sứ Pháp, yêu cầu trừng trị những quan chức hà hiếp, bóc lột dân, yêu cầu giảm thuế,v.v...Đàn ông cắt tóc ngắn, mặc áo ngắn (áo cộc), đội nón lá, mang theo gạo, thức ăn và nồi niêu để nấu ăn tại chỗ. Gặp ai đi đường mặc áo dài, để tóc dài thì họ xúm nhau lại cắt áo, cắt tóc cho ngắn...Cuộc tranh đấu kéo dài nhiều ngày, người Pháp đã gặp rất nhiều khó khăn. Họ vừa hứa hẹn vừa dùng mưu kế lừa gạt để cô lập những người cầm đầu phong trào, sau đó phải dùng đến quân đội đàn áp mới giải tán được đám dân biểu tình.

 

Những người cầm đầu phong trào hay các nhà trí thức, khoa bảng Nho học đều bị tù đày, bị xử tử. Giáo sư Trần Gia Phụng, tác giả "Trung Kỳ Dân Biến" đã tổng kết vụ này có tất cả 14 người bị án tử hình:

-Trần Thuyết, bị xử tử ngày 18/4/1908 tại Tam Kỳ, Quảng Nam.

-Phan Long Bằng, Nguyễn Khiêm, Phan Vinh bị xử tử vào tháng 4/1908 tại Bình Định.

-Ông Ích Đường bị xử tử ngày 11/5/1908 tại Hòa Vang, Quảng Nam.

-Nguyễn Cương, Nguyễn Dực, Phan Tham, Trần Phước bị xử tử tháng 5/1908 tại Duy Xuyên, Quảng Nam.

-Lê Khiết, Nguyễn Bá Loan bị xử tử tháng 6/1908 tại Diên Khánh, Khánh Hòa.

-Nguyễn Hàng Chi, Nguyễn Khắc Lập bị xử tử tháng 6/1908 tại Hà Tĩnh.

 

(Xem "Trung Kỳ Dân Biến" của Trần Gia Phụng, trang 168)

 

Cũng theo GS Trần Gia Phụng thì ba nhân vật được nhiều tác giả cho là chủ chốt trong vụ nầy là : Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng, khi xảy ra vụ nầy đang ở xa, không hề hay biết. Ông viết:

 

"Thông thường, những nhà viết sử Việt Nam cũng như Pháp đều cho rằng Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp là những lãnh tụ chính của Trung Kỳ Dân Biến 1908.

"Đành rằng biến cố nầy là kết quả tất yếu của phong trào Duy Tân vì hoạt động của phong trào đã nâng cao dân trí, mở mang hiểu biết của dân chúng nhờ đó người dân tự thấy quyền lợi cũng như trách nhiệm của mình rồi nổi lên đòi quyền sống. Thật sự khi xảy ra dân biến, Phan Châu Trinh đang ở Hà Nội, Trần Quý Cáp ở Khánh Hòa, Huỳnh Thúc Kháng đang lo lập thương hội ở Hội An. Cả ba người đều hoàn toàn không hay biết cuộc dân biến đã đột khởi. Họ không phải là những kẻ thực sự đạo diễn cuộc dân biến để hướng nó theo mục đích đã định vì thời gian còn quá sớm so với chương trình dài hạn của ba người".

(Trần Gia Phụng "Trung Kỳ Dân Biến" trang 52, tác giả tự xuất bản, Toronto, Canada)

 

Một vài vị có tên tuổi trong phong trào Duy Tân bị bắt sau vụ kháng thuế 1908 như: Nguyễn Thành, Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh, Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế và Huỳnh Thúc Kháng. (1)

 

Huỳnh Thúc Kháng tên thật là Huỳnh Hanh, tự Giới Sanh, hiệu Mính Viên, sinh năm Bính Tý (1876) tại làng Thạnh Bình, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, đỗ cử nhân năm Canh Tý (1900) đỗ tiến sĩ năm Giáp Thìn (1904), không ra làm quan và hoạt động cho phong trào Duy Tân. Nhân vụ kháng thuế 1908, cụ bị bắt và bị đày đi Côn Lôn cho đến năm 1921 mới được tự do (13 năm tù), trở về Quảng Nam, đến năm 1923, khâm sứ Pháp ở Huế là Pierre Pasquier (sau nầy là Toàn Quyền Đông Dương) mời cụ ra Huế làm việc cho Viện Bác Cổ Huế, nhưng cụ từ chối. Năm 1926, cụ ứng cử vào Viện Dân Biểu Trung Kỳ (đại diện ba hạt Tam Kỳ, Thăng Bình và Tiên Phước tỉnh Quảng Nam) rồi được bầu làm Viện Trưởng viện nầy, họp tại Huế.

 

(2) Cụ Huỳnh Thúc Kháng và báo Tiếng Dân ở Huế (1927)

 

Cụ Phan Bội Châu bị bắt tại Thượng Hải (1/7/1925), bị đưa về giam tại Hỏa Lò (Hà Nội) và bị kết án khổ sai chung thân (13/11/1925). Nhờ sự tranh đấu của mọi giới đồng bào và dư luận quốc tế và nhờ sự can thiệp của Hội Nhân Quyền ở Pháp nên Toàn Quyền Alexandre Varenne đã ký quyết định ân xá và đưa cụ về an trí tại Huế (1926).

 

Cụ Võ Bá Hạp bị bắt năm 1906, bị giam tại Quảng Ngãi, Quảng Trị, Lao Bảo (thuộc tỉnh Quảng Trị, giáp giới Lào). Cuối năm 1914 (Giáp Dần, niên hiệu Duy Tân thứ 8), cụ Võ Bá Hạp được tha về, sống với thân phụ là cụ Vũ Văn Giáp tại nhà mới ở Bao Vinh, làm nghề đông y, chữa bệnh cho dân chúng, ai có tiền thì trả, ai nghèo thì miễn phí, tiếng lành đồn xa nên đồng bào quanh vùng rất thương mến cụ. Năm 1917 (Đinh Tỵ) vua Khải Định cho cụ được khôi phục bằng cử nhân và đề nghị bổ dung cụ vào ngành giáo dục nhưng cụ từ chối.

 

Năm 1926, cụ Huỳnh Thúc Kháng có mặt tại Huế vừa đúng lúc cụ Phan Bội Châu được an trí tại Huế nên ba cụ Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng và Võ Bá Hạp có dịp gặp gỡ nhau, tình bạn ngày xưa càng thắm thiết hơn.

 

Ngày 10/8/1927, Cụ Huỳnh Thúc Kháng cho phát hành báo Tiếng Dân số đầu tiên tại Huế do cụ chủ trương, với lập trường tranh đấu ôn hòa, công khai hợp pháp qua ngôn luận, báo chí, tư tưởng ...rất được mọi giới ủng hộ. Các nhân sĩ trí thức, thanh niên thời đó thường liên lạc, tiếp xúc với các cụ như Bác sĩ Trần Đình Nam, Giáo sư Đoàn Nồng, Giáo sư Tôn Quang Phiệt, học giả Đào Duy Anh, Bác sĩ Thân Trọng Phước, Giáo sư Thái Văn Phan, Giáo sư Phan Kích Nam, Giáo sư Lê Mậu Thành, Phán sự Nguyễn Tấn Quế (tức Nguyễn Văn An), Phán sự Nguyễn Bá Mưu, Tham sự Nguyễn Đôn Duyến, Tham sự Uông Hải Thọ, các ông Lê Võ, Nguyễn Châu Trinh,v.v...Các cụ Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Diệm (sau khi từ quan 1933) cũng thường liên lạc với các cụ Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Võ Bá Hạp...Các cụ thường gặp gỡ nhau bàn luận thời cuộc, viết báo để hướng dẫn dư luận.

 

 (3) Bút tích cuối cùng của cụ Huỳnh Thúc Kháng (bức thư viết ngày 10/8/1946 tại Hà Nội ...gởi cụ Võ Bá Hạp)

 

Trong thế chiến thứ II (1939-1945) trước tình hình thế giới và tình hình đất nước biến chuyển, thanh niên Việt Nam hăng hái tham gia phong trào nầy, đảng phái nọ. Trước khi quân Nhật vào Đông Dương, có tin Kỳ Ngoại Hầu Cường Để ở Nhật sẽ về nước làm vua, thành lập chế độ Quân Chủ Lập Hiến thân Nhật và ông Ngô Đình Diệm sẽ là Thủ Tướng. Những tin tức từ ngoại quốc đưa vào trong nước đã tạo nên một cuộc bàn tán sôi nổi. Những người muốn đứng về phe Nhật để lật đổ Pháp, cởi ách thống trị cho dân tộc thì hy vọng vào vai trò của Kỳ Ngoại Hầu Cường Để; những người đứng về phe Đồng Minh (Mỹ, Tưởng Giới Thạch) thì hy vọng vào các nhà cách mạng Việt Nam đang còn lưu vong ở Trung Hoa như các cụ Trương Bội Công, Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh,v.v...Nhóm thanh niên chịu ảnh hưởng của đảng Cộng Sản Đông Dương thì đặt tin tưởng vào sự lãnh đạo của Nguyễn Ái Quốc (tức Hồ Chí Minh sau nầy)...Năm 1940, trong tình hình đó, cụ Phan Bội Châu qua đời. Phong trào cách mạng Việt Nam mất đi một lãnh tụ có kinh nghiệm đấu tranh. Bộ ba Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Võ Bá Hạp chỉ còn lại hai là cụ Huỳnh và cụ Võ, đồng canh, đồng tuế.

 

Mấy năm sau, khi Nhật vừa đảo chánh Pháp, lá bài Cường Để cũng như lá bài Ngô Đình Diệm bị bỏ rơi, ngai vàng của vua Bảo Đại được củng cố, ông Trần Trọng Kim được Nhật đưa lên làm Thủ Tướng của một nước Việt Nam độc lập trong khối Đại Đông Á thân Nhật (9/3/1945)...Lúc bấy giờ vai trò của Đảng Cộng Sản Đông Dương chưa lộ rõ hình tích, nhiều người còn lầm tưởng họ là những người yêu nước chân chính… Nhưng ngay sau khi Nhật đầu hàng ngày 14/8/1945, Việt Minh cướp chính quyền ngày 19/8/1945, vua Bảo Đại thoái vị ngày 25/8/1945, nước Việt Nam thay đổi chế độ, từ Quân Chủ sang Dân Chủ Cộng Hòa dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, đã thành lập một chính phủ đa số là người của Đảng Cộng Sản. Đề lừa gạt dân chúng và dư luận quốc tế, Hồ Chí Minh đã mời cựu hoàng Bảo Đại và Giám Mục Lê Hữu Từ làm Cố Vấn cho chính phủ. Đầu năm 1946, Việt Minh đã tổ chức bầu cử Quốc Hội, gồm toàn người của họ.

 

Nhưng sau đó, quân đội Tưởng Giới Thạch vào giải giới quân Nhật từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc và quân Anh từ vĩ tuyến 16 trở vô Nam. Các lực lượng võ trang Việt Cách (tức Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội) của cụ Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh từ Trung Hoa, theo quân Tưởng về Hà Nội cùng với sự hiện diện của Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt Quốc Dân Đảng, các giáo phái như Cao Đài, Hòa Hảo và lực lượng Bình Xuyên ở trong Nam, Khu Tự Trị Bùi Chu, Phát Diệm của Công Giáo ờ ngoài Bắc,v.v...đã tạo nên một áp lực của phía Quốc Gia đối với Việt Minh (do Hồ Chí Minh lãnh đạo). Tại Sài Gòn, quân Pháp vào thay quân Anh và tổ chức chính quyền do Pháp lãnh đạo như trước 1945 dưới thời Pháp cai trị. Để đối phó với tình hình trước mắt, Hồ Chí Minh phải nhương bộ phe Quốc Gia, lập chính phủ liên hiệp Quốc-Cộng, mời cụ Nguyễn Hải Thần làm Phó Chủ Tịch Nước, cụ Huỳnh Thúc Kháng làm Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ, Nguyễn Tường Tam (BT Ngoại Giao) Chu Bá Phượng (BT Kinh Tế), Bồ Xuân Luật (BT Canh Nông), Vũ Hồng Khanh (Phó CT Ủy Ban Kháng Chiến tức Bộ Quốc Phòng) và nhường 70 ghế trong Quốc Hội cho phe Quốc Gia...Khoảng đầu 3/1946, Hồ Chí Minh gởi về địa chỉ tòa soạn báo Tiếng Dân ở Huế một điện văn mời hai cụ Huỳnh Thúc Kháng và Võ Bá Hạp ra Hà Nội "giúp nước"...Với cụ Huỳnh thì đây là cơ hội đoàn kết quốc gia chống thực dân Pháp, giành độc lập. Nhưng cụ Võ Bá Hạp thì nghi ngờ, cho rằng đây là cạm bẫy của Hồ Chí Minh nên lấy lý do già yếu mà từ chối.

 

Sau 5 tháng ở Hà Nội, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã viết cho cụ Võ Bá Hạp một bức thư với nhiều ngụ ý, nội dung như sau:

 

 Hà Nội, ngày 10 tháng 8 năm 1946

 Cụ cử Võ (Trúc Khê)

 Tôi ra Bắc một cách thình lình và vội vã, không kịp chuyện trò, đã 5 tháng nay, dầu bận rộn cũng nhớ bạn già, nhưng không có việc gì vui đáng kể.

 Vậy gởi lời thăm cụ cùng các cháu và nhờ Vọng nói với cậu Đệ cùng các cháu rằng tôi có lời thăm.

 Nghe giá gạo quá cao, nhưng đó là cái nạn chung, đường đời đương đi chưa đứng, gắng chịu đợi mùa, không cần nói nhiều.

 (Chữ ký của cụ Huỳnh Thúc Kháng) (2)

 

Chú thích: -Vọng (tức Võ Như Vọng, con thứ cụ Võ Bá Hạp)

 -Đệ (tức Phan Nghi Đệ, con trai cụ Phan Bội Châu)

 

Qua bức thư trên, xin lưu ý mấy chi tiết sau:

a. "Không có việc gì vui đáng kể" (tình hình đen tối, không có gì sáng sủa)

b.Nghe nói giá gạo cao, nhưng đó là cái nạn chung...(giá gạo cao...ý nói cuộc thương lượng giữa Hồ Chí Minh với Pháp đang gặp khó khăn)

c.Đường đời đương đi chưa đứng, gắng chịu đợi mùa (cuộc tranh đấu còn dài, chưa ngả ngũ...phải cố chịu đựng, đợi thời cơ...)

 

Trong thời gian nầy, ông Võ Như Nguyện nhận được thư của người bạn là Phan Kích Nam (Phan Xuân Thiện) từ Hà Nội gởi tay vào cho biết tình hình sôi động, quân Tưởng Giới Thạch sắp rút, cụ Nguyễn Hải Thần đã rời Hà Nội...Công điện ký tên Hồ Chí Minh và Nguyễn Hải Thần gởi vào mời các cụ chỉ để lừa dối mà thôi....Chính cụ Huỳnh Thúc Kháng cũng đã bị mắc lừa...Khi cụ Nguyễn Hải Thần bỏ đi khỏi Hà Nội rồi thì Hồ Chí Minh đưa cụ Huỳnh lên làm Phó Chủ Tịch và sau đó cử cụ Huỳnh làm Quyền Chủ Tịch Nước (bù nhìn) trong thời gian Hồ Chí Minh qua Pháp thương lượng...Võ Nguyên Giáp bí mật phát động một chiến dịch trên toàn quốc bắt cóc, thủ tiêu, đàn áp người quốc gia, máu những người yêu nước không cộng sản đã đổ và các nhà tù đầy ắp những thành phần trí thức và đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt, Công Giáo, Cao Đài, Hòa hảo...Cụ Huỳnh lại được tin ông Võ Như Nguyện, con trai cụ Võ Bá Hạp bị Việt Minh bắt, nhà cửa ở Huế bị niêm phong...nhưng cụ chẳng có biện pháp nào...Ngày 19/12/1946 kháng chiến bùng nổ, cụ Huỳnh Thúc Kháng được Việt Minh đưa vào vùng Liên Khu 5 (Quảng Ngãi) và đã qua đời tại đây ngày 21/7/1947. Sau 1954, ngôi mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng ở Quảng Ngãi thuộc lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa. Năm 1956, cụ Võ Như Nguyện lúc đó đang làm Dân Biểu Quốc Hội VNCH tại Sài Gòn đã vào Quảng Ngãi gặp ông Mai Ngọc Dược (Tỉnh trưởng Quảng Ngãi), vận động xây mộ dựng bia cho cụ Huỳnh Thúc Kháng. Công tác nầy đã được nhân sĩ địa phương nhất là thành phần Nho học ủng hộ. Sau 30/4/1975, chính quyền CSVN tại Quảng Ngãi đã ra lệnh phá hết các di tích ngôi mộ cụ Huỳnh (bia mộ) do cụ Võ Như Nguyện và nhân sĩ trí thức Quảng Ngãi thời TT Ngô Đình Diệm thực hiện để làm lại một mộ bia mới cho đúng với lập trường của chế độ (mục đích xuyên tạc lịch sử). Cụ Võ Như Nguyện có lưu lại những hình ảnh xưa về ngôi mộ của cụ Huỳnh Thúc Kháng như:

-Hình phái đoàn đến thăm mộ cụ Huỳnh bằng đất khi chưa xây cầt (trước 1956)

-Hình khánh thành ngôi mộ sau khi xây xong (sau 1956)...cụ Võ Như Nguyện đang đứng trước mộ nói chuyện với dồng bào

-Hình mộ và bia mộ do chính quyền CSVN xây cất lần thứ I (sau 1975)

-Hình mộ và bia mộ do chính quyền CSVN xây cất lần thứ II (sau 1975)

(Hiện nay các hình nầy đã được cụ Võ Như Nguyện trao lại cho GS Trần Gia Phụng cất giữ làm tài liệu để viết sách...chúng tôi chưa thấy GS Trần Gia Phụng công bố...)

 

(Bổ túc về các nhà Nho yêu nước bị Pháp đàn áp sau vụ kháng thuế tại Miền Trung 1908…)

 

-Cụ Tiểu La Nguyễn Thành (1863-1910) tên thật là Nguyễn Hàm, tự Triết Phu, hiệu Tiểu La nên thường được gọi là cụ Tiểu La, sinh năm 1863 tại làng Thạnh Mỹ, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, từng làm Tán Tương Quân Vụ trogn đội quân Cần Vương (1885) của Nguyễn Duy Hiệu. Năm 111904, cùng Đỗ Đăng Tuyển, Phan Bội Châu thành lập Duy Tân Hội…Năm 1908, sau vụ “Trung Kỳ Dân Biến” (tức vụ kháng thuế), cụ bị Pháp bắt đày đi Côn Lôn và từ trần tại đây vào năm 1910. Cụ là lý thuyết gia của Phong Trào Duy Tân và Việt Nam Quang Phục Hội, đưa ra chủ trương đường lối cho Phong Trào.

 

-Cụ Trần Quý Cáp (1870-1908) tên thật là Trần Nghị, tự Dã Hàng và Thích Phu, hiệu Thai Xuyên, sinh năm Canh Ngọ (1870) tại thôn Thai La, làng Bất Nhị, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, đỗ tiến sĩ năm Giáp Thìn (1904), cùng Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng hoạt động cho Phong trào Duy Tân và Việt Nam Quang Phục Hội. Năm 1906, làm giáo thụ phủ Thăng Bình, Quảng Nam, sau đổi vào huyện Tân Định, tỉnh Khánh Hòa, bị kết tội có liên can trong vụ chống thuế năm 1908 và bị xử tử tại đây vào ngày 15/6/1908.

 

-Cụ Phan Châu Trinh (1872-1926) tự là Tử Can, hiệu Tây Hồ, biệt hiệu Hy Mã, sinh năm Nhâm Thân (1872) tại làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, đỗ cử nhân năm Canh Tý (1900) mới 18 tuổi, đỗ phó bảng năm Tân Sửu (1901) mới 19 tuổi. Năm 1903 được bổ nhiệm thừa biện bộ Lễ tại Huế, sau đó từ chức đi làm cách mạng. Cụ đọc nhiều sách của các nhà cách mạng Trung Hoa là Lương Khải Siêu và Khương Hữu Vi, đọc các sách dịch từ tiếng Pháp ra Hán văn của Montesquieu, Jean Jacques Rouseau, Voltaire, Diderot…Cụ cổ võ cho các tư tưởng dân chủ, dân quyền tại Việt Nam rất sớm. Nhân vụ kháng thuế 1908, cụ bị Pháp bắt và định lên án xử tử. Nhưng nhờ Hội Nhân Quyền ở Pháp can thiệp nên cụ bị đày đi Côn Lôn, đến năm 1911, được sang Pháp. Năm 1925, cụ trở về nước, đi diễn thuyết nhiều nơi và qua đời năm 1926 tại Sài Gòn. (1)

 

-Cụ Đặng Nguyên Cẩn (1867-1923), hiệu Thai Sơn, sinh năm 1867 tại làng Lương Điền, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, đậu phó bảng năm Ất Mùi (1895), làm đốc học Nghệ An, tham gia phong trào Duy Tân, có chủ trương ôn hòa, bị Pháp nghi ngờ nên bị thuyên chuyển vào Bình Thuận. Sau vụ kháng thuế 1908, bị trả về Nghệ An, sau lại bị đày đi Côn Lôn đến năm 1921 mới được tha, qua dời năm 1923.

 

-Cụ Ngô Đức Kế (1878-1929), hiệu Tập Xuyên, sinh năm 1878 tại làng Trảo Nha, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, đậu tiến sĩ năm Tân Sửu (1901), không ra làm quan, mở trường dạy học, lập nhà sách, tham gia phong trào Duy Tân, bị bắt năm 1907. Sau vụ kháng thuế, 1908, bị đày đi Côn Lôn cùng lượt với cụ Huỳnh Thúc Kháng…năm 1921 được tha về, qua đời năm 1929. (2)

 

Việc xây dựng “TỪ ĐƯỜNG PHAN BỘI CHÂU VÀ LIỆT SĨ CÁCH MẠNG”…

 

Năm 1956, dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, khi cải tang ngôi mộ cụ Tăng Bạt Hổ ở cánh đồng xã Thế Lại Thượng, Hương Trà, Thừa Thiên đưa về chôn cạnh hai ngôi mộ của cụ Phan Bội Châu và Võ Bá Hạp tại vườn nhà cụ Phan, Bến Ngự Huế, cụ Võ Như Nguyện và con cháu các bậc tiền bối cách mạng và nhân sĩ ở Huế đã tích cực cổ động quyên góp tiền bạc và xin phép chính quyền xây cất “Từ đường Phan Bội Châu và Liệt sĩ cách mạng”. Sau tết Mậu Thân, 1968, từ đường nầy bị hư hại nặng, người viết bài nầy (Nguyễn Lý-Tưởng) lúc đó là Dân Biểu Quốc Hội (đại diện đồng bào tỉnh Thừa Thiên), đã nhờ nhật báo Sống của Chu Tử tại Sài Gòn lên tiếng kêu gọi đồng bào ủng hộ tài chánh để trùng tu…Số tiền quyên góp được là 70.000 đồng (tương đương 7 lạng vàng) đã được trao tận tay con dâu của cụ Phan Bội Châu (mẹ của hai anh Phan Thiệu Tường và Phan Thiệu Cát) đồng thời chúng tôi cũng có văn thư xin tỉnh trưởng Thừa Thiên cung cấp thêm vật liệu cần thiết như xi măng, sắt để trùng tu từ đường nầy…

 

Những ngày cuối cùng của cụ Võ Bá Hạp

 

Những năm 1946-1947, người quốc gia vừa bị Cộng sản đàn áp dã man, bị bắt cóc, thủ tiêu, tù tội, bị đày đi những nơi rừng thiêng nước độc…vừa bị Pháp tấn công. Nếu đi theo Việt Minh thì sau nầy sẽ bị nhuộm đỏ trong guồng máy lãnh đạo Cộng Sản, nếu theo Pháp thì mang tiếng phản quốc…nên phải tìm về thành phố, nơi quân Pháp đang kiểm soát, tạm chấp nhận giải pháp có một chính quyền để ổn định an ninh trật tự, tánh mạng được an toàn hầu tiếp tục tranh đấu đòi Pháp trao trả độc lập cho Việt Nam qua giải pháp Bảo Đại (lúc đó cựu hoàng đang ở Côn Minh, sau qua Hong Kong)…

 

Tại Huế, cụ Trần Văn Lý (nguyên Tổng đốc Thanh Hóa, Tham tri bộ Hình thời vua Bảo Đại), một người thanh liêm, đạo đức, có lòng thương dân, thương nước…được Pháp yêu cầu đứng ra lập Chính Phủ Lâm Thời tại Miền Trung gọi là Hội Đồng Chấp Chính Lâm Thời…Ở Hà Nội và sài Gòn cũng có Hội Đồng như vậy, đó là tiền thân của chính quyền quốc gia sau nầy. Cụ Trần Văn Lý đã nhân danh Hội Đồng Chấp Chánh Lâm Thời mời cụ Võ Bá Hạp đứng ra làm Hội Trưởng Hội Đồng Tham Nghị Lâm Thời Trung Kỳ để cố vấn cho chính quyền. Lúc đó cụ Võ đã ngoài 72 tuổi, nhưng cũng hy vọng sẽ đóng góp được đôi chút ý kiến xây dựng cho quốc gia, nên đã nhận lời. Về sau, thấy người Pháp không thật lòng, tình trạng chiến tranh càng ngày càng gây nên nhiều nỗi bất công, thối nát…nên cụ đã viện cớ tuổi già sức yếu, không làm được gì, đã xin rút lui. Và sau đó, cụ Trần Văn Lý cũng đã từ chức.

 

Vào mùa Đông năm 1948, có cơn bão tại Miền Trung, mưa to gió lớn, cây cỏ điêu tàn xác xơ…cụ Võ bệnh nặng và qua đời nhằm ngày 12 tháng 10 âm lịch Mậu Tý (12/11/1948), thọ 72 tuổi. Vì tình hình an ninh không thể an táng cụ ở sau núi Ngự Bình nên con cháu và các nhân sĩ địa phương quyết định đưa cụ về chôn tại tại Bến Ngự bên cạnh mộ cụ Phan Bội Châu (1940) và Tăng Bạt Hổ (cải táng năm 1956). Cụ là một nhà cách mạng tranh đấu ôn hòa, không chủ trương bạo động, luôn gần gũi với giới thanh niên trí thức ở Huế. Đám tang của cụ được tổ chức long trọng tại Huế ngày 18/11/1948, có chính quyền Pháp, Việt, các đoàn thể, nhân sĩ trí thức và rất đông đồng bào tham dự. Báo chí trong nước đăng phân ưu, các giới gởi điện tín và câu đối phân ưu. Văn phòng Phủ Tổng Trấn Trung Việt có câu đối như sau:

 Sống không thiết vinh hoa phú quý,

 Chết còn thương nòi giống non sông.

 

Chúng tôi xin kính cẩn nghiêng mình trước vong linh các vị tiền bối cách mạng, những người đã được nêu tên trong sử sách cũng như những người vô danh đã hy sinh cho tự do, độc lập của dân tộc. Tất cả tài liệu trình bày trên đây một phần dựa vào gia phả họ Võ ở Huế và những nhân chứng sống, con cháu của các bậc tiền bối cách mạng. Đặc biệt chúng tôi xin cám ơn cụ Võ Như Nguyện đã cung cấp cho chúng tôi hình ảnh, bút tích và lời xác nhận các sự kiện mà chúng tôi trình bày trên. Chúng tôi cũng mong ước và rất cám ơn các vị thức giả, những ai là nhân chứng còn sống hay con cháu của các bậc tiền bối cách mạng, thấy có điều gì sai, xin bổ túc cho để có tài liệu giá trị cho các sử gia sau nầy hoàn thành lịch sử Việt Nam.

 

(Bài nầy đã được GS Nguyễn Lý-Tưởng, công bố ngày 12/12/1998, đã đăng vào sách “Thuyền Ai Đợi Bến Văn Lâu” xuất bản tại Cali 2001, từ trang 27…đã được bổ túc và trình bày trên Diễn Đàn PalTalk Yểm Trợ Khối 8406 phát thanh về quốc nội vào tối 15/12/2013 từ 7 giờ đến 10 giờ PM giờ Cali)

Chú thích:

(1) cụ Phan Châu Trinh viết tên của mình theo cách đọc ở Miền Trung là Phan Châu Trinh chứ không phải Phan Chu Trinh nên chúng tôi tôn trọng ý của cụ…Xin điều chỉnh lại cho đúng tên của cụ là Phan Châu Trinh.

(2) Quý vị và quý bạn muốn biết thêm chi tiết về vụ kháng thuế tại Miền Trung năm 1908…xin đọc sách “Trung Kỳ Dân Biến” của GS Trần Gia Phụng, xuất bản tại Toronto, Canada năm 1996

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn