Đông Nam Á: Tây Phương hoàn tất kế hoạch cho một NATO Á Châu

08 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 9875)

Đông Nam Á: Tây Phương hoàn tất kế hoạch cho một NATO Á Châu

 

Để phù hợp với xu thế toàn cầu được thể hiện trong các khu vực chiến lược quan trọng khác trên thế giới, Hoa Kỳ và các đồng minh trong Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)- một tập thể của tất cả lực lượng quân sự Tây Phương quan trọng (bao gồm nguyên tử) và đế quốc thực dân ngày xưa - đang ngày càng tăng sự hiện diện quân sự tại Đông Nam Á với trọng tâm đặc biệt trên Eo Biển Malacca vô cùng quan trọng về phương diện địa chính trị.

Eo Biển đó là một trong những tuyến hải hành quan trọng nhất trên thế giới và trấn ải chiến lược có tầm vóc lớn.


Vào tháng Sáu năm 2008, trong một bài tiểu luận mà tờ báo The Times ở London dành cho George Robertson và Paddy Ashdown - người đầu là một cựu Tổng Thư Ký NATO và hiện là Tước Robertson của Port Ellen [một thành phố trên Đảo Isla thuộc về Ái Nhĩ Lan], người sau là một cựu sĩ quan tình báo và tổng trấn của Tây Phương tại Bosnia vào đầu thập niên này và xuýt nữa lại đóng vai trò đó tại Afghanistan cách đây hai năm - họ đã tiếc nuối phần nào với thực tế là "Lần đầu tiên trong hơn 200 năm chúng ta đang tiến vào một thế giới không hoàn toàn bị thống trị bởi Tây Phương." [1]


Thực tế cũng cho thấy rằng, lần đầu tiên trong nửa thiên kỷ, những thành viên sáng lập của NATO ở Âu Châu và Bắc Mỹ đang phải đối diện với một hành tinh không phải phần lớn hoặc hoàn toàn dưới sự kiểm soát của họ.


Với sự xụp đổ của Liên bang Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết và mạng lưới đồng minh của họ trên khắp thế giới cách đây một thế hệ, tiềm năng tái lập sự thống trị không đối thủ trên toàn thế giới của Tây Phương dường như là một lựa chọn khả thi hơn bất cứ lúc nào kể từ Thế Chiến Thứ Nhất.


Như Đế Quốc Anh xưa kia đã làm trong việc phối trí các tiền đồn hải quân và quân sự của họ nhìn xuống các điểm giao thông hàng hải để theo dõi và kiểm soát các tuyến đường vận chuyển quan trọng và ngăn chặn đối phương di chuyển nhân viên quân sự và trang thiết bị, Tây Phương bây giờ đồng hình dung ra là phải giành lại lợi thế đã mất và tìm thêm những lợi thế mới ở các khu vực trên thế giới mà trước đây quân sự của họ không thể xâm nhập được.


Đông Nam Á rơi vào trường hợp như vậy. Bị phân chia trong kỷ nguyên thuộc địa giữa Anh, Pháp, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha (với Hoa Kỳ thay thế quốc gia cuối cùng ở Philippines vào năm 1898), khu vực này có một dân số tổng cộng khoảng 600 triệu, tương đương với hai phần ba dân số của Tây Bán Cầu và gần ba phần tư dân số của Âu Châu.


Eo Biển Malacca chạy dài gần 1.000 cây số giữa Thái Lan, Malaysia và Singapore về phía đông và đảo Sumatra của Indonesia về phía tây. Theo Tổ Chức Hàng hải Quốc Tế của Liên Hiệp Quốc, hàng năm có ít nhất 50.000 tàu đi qua eo biển này, vận chuyển 30 phần trăm hàng hoá mậu dịch trên thế giới bao gồm dầu từ Vịnh Ba Tư đến các quốc gia Đông Á quan trọng như Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn. Khoảng 20 triệu thùng dầu đi qua Eo Biển Malacca mỗi ngày, một số lượng sẽ chỉ gia tăng với sự tiến triển hơn nữa của Thế Kỷ Á Châu.


Khi Hoa Kỳ khơi chiến với Iraq vào năm 1991, nếu không kể đến danh nghĩa bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Kuwait và tố cáo bịa đặt về trẻ sơ sinh bị ném ra khỏi lồng nuôi ở thủ đô quốc gia này, một trong những mục tiêu chính là để chứng minh cho một thế giới đơn cực mới là Washington đã đặt bàn tay của họ trên vòi dầu hỏa toàn cầu. Như thế họ kiểm soát dòng dầu hỏa chảy từ Vịnh Ba Tư lên phía bắc và phía tây đến Âu Châu và qua phía đông đến Á Châu, đặc biệt là đến bốn quốc gia nhập khẩu dầu hỏa nhiều nhất sau Hoa Kỳ: Nhật Bản, Trung Quốc, Nam Hàn và Ấn Độ. Ba quốc gia đầu nhập cảng dầu hỏa từ Vịnh Ba Tư chủ yếu bằng tàu chở dầu qua Eo Biển Malacca.


Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ đã cung cấp một bản vẽ tuy cô đọng nhưng đầy đủ chi tiết cho Ngũ Giác Đài để hành động:


"Trấn ải là các dải đất hẹp dọc theo tuyến đường biển toàn cầu được sử dụng rộng rãi. Chúng là một phần tối quan trọng của an ninh năng lượng toàn cầu do khối lượng dầu lớn được buôn bán thông qua các eo biển hẹp. Eo Biển Hormuz ra khỏi vùng Vịnh Ba Tư và Eo Biển Malacca nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương là hai trong số trấn ải chiến lược nhất thế giới. Các tuyến hải hành quan trọng khác bao gồm: Bab el-Mandab nối Biển Ả Rập với Hồng Hải, Kênh Đào Panama và Ống Dẫn Dầu Panama nối Thái Bình Dương với Đại Tây Dương, Kênh Đào Suez và Ống Dẫn Dầu Sumed nối Hồng Hải với Địa Trung Hải; và Eo Biển Thổ Nhĩ Kỳ/Bosporus nối Hắc Hải và vùng biển Caspian với Địa Trung Hải." [2]


Hoa Kỳ đã di chuyển quân sự của họ vào Hắc Hải và Trung Á cũng như vào Vịnh Ba Tư, và hai năm trước, Ngũ Giác Đài khánh thành Bộ Chỉ Huy Hoa Kỳ ở Phi Châu chủ yếu để bảo đảm nguồn cung cấp và vận chuyển dầu trong vùng Vịnh Guinea của Phi Châu và vùng Mỏm Phi Châu.


Eo Biển Malacca là kênh chính nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Cực đông nam của nó chảy vào Biển Đông, nơi các quần đảo giàu tài nguyên thiên nhiên Hoàng Sa và Trường Sa là chỗ tranh chấp giữa một bên là Trung Quốc và bên kia là một số thành viên của Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN). Quần đảo Trường Sa được khẳng định chủ quyền một phần bởi các quốc gia thành viên ASEAN như Brunei, Malaysia, Phi Luật Tân và Việt Nam cũng như Đài Loan. Quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm đoạt trong một trận hải chiến với Miền Nam Việt Nam vào năm 1974.


Hoa Kỳ điều động siêu hàng không mẫu hạm nguyên tử USS George Washington và khu trục hạm USS John S. McCain đến Biển Đông vào tháng Tám để cùng thao diễn quân sự lần đầu tiên giữa Hoa Kỳ và Việt Nam thống nhất, ba tuần sau khi Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố khi tham dự cuộc họp các Ngoại Trưởng ASEAN tại thủ đô Việt Nam "Hoa Kỳ ... có một lợi ích quốc gia trong tự do hàng hải, tự do đi lại đến các cảng ở Á Châu, và tôn trọng luật pháp quốc tế trong Biển Đông,” và "Hoa Kỳ là một quốc gia trong Thái Bình Dương, và chúng tôi cam kết sẽ là một đối tác tích cực với ASEAN."


Ngoại Trưởng Clinton đến Hà Nội sau khi viếng thăm thủ đô của Pakistan, Afghanistan và Nam Hàn, cả ba quốc gia Á Châu kiên cố nằm trong trong quỹ đạo quân sự Hoa Kỳ. Trong khi ở Nam Hàn, bà ta đến thăm các khu phi quân sự phân chia Nam Bắc Hàn với Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert Gates. Đó là chuyến thăm chung đầu tiên như vậy của Bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng Hoa Kỳ để kỷ niệm 60 năm ngày bắt đầu Chiến Tranh Triều Tiên mà nó đã đưa đến chiến tranh với Trung Quốc trong vòng ba tháng sau.


Bốn ngày sau khi Bà Clinton rời Seoul, Hoa Kỳ phát động tập diễn chiến tranh mang tên Tinh Thần Bất Diệt ở Đông Hải và Biển Nhật Bản chung với với Hàn Quốc, và một tháng sau, thực tập quân sự hàng năm mới đây nhất có tên Người Bảo Vệ Tự Do Ulchi với 30.000 lính Hoa Kỳ và 56.000 lính Nam Hàn, và trong Tháng Chín thực tập chống tàu ngầm ở Hoàng Hải. [3]


Phản ánh về lời tuyên bố của Bà Clinton tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào tháng Bảy, nhà báo và phân tích gia Kazi Mahmoud ở Malaysia viết:


"Washington đang dùng một nhóm khu vực của ASEAN cho một mục đích quân sự lớn hơn và chiến lược này đang trở nên rõ ràng đối với các nhà quan sát do sự thúc đẩy của Hoa Kỳ giành ảnh hưởng lớn hơn ở Á Châu.”


Bằng cách tiếp cận đến những quốc gia như Việt Nam, Lào và ngay cả Myanmar trong thời gian gần đây - ASEAN bao gồm Indonesia, Malaysia, Phi Luật Tân, Singapore, Thái Lan, Brunei, Cam Bốt, Lào, Myanmar và Việt Nam – "Hoa Kỳ đang cổ vũ một chiến lược lâu dài để ngăn chặn cả Trung Quốc lẫn Nga ở Đông Nam Á ... Trước cuộc chiến Afghanistan, Hoa Kỳ có thể dựa vào Thái Lan, Singapore, Malaysia và Indonesia cùng với Brunei trong khu vực. Ngày nay Hoa Kỳ có thêm Việt Nam và Cam Bốt bên cạnh." (Vào tháng Tư, Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương và quân đội Hoa Kỳ đóng ở Thái Bình Dương dẫn đầu thực tập đa quốc gia Angkor Sentinel 2010 ở Cam Bốt.)


Hơn nữa, việc Washington tuyển dụng các quốc gia ASEAN, ban đầu vì lý do tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, sẽ dẫn đến "biến ASEAN thành một ... đoàn quân để chiến đấu cho sứ mạng của Hoa Kỳ ở Iraq, Afghanistan, Yemen và chắc chắn Georgia và Bắc Hàn … Một khi Hoa Kỳ đã đạt được những mục tiêu như vậy, họ sẽ kiểm soát Eo Biển Malacca và các tuyến hải hành trong khu vực." [4]


Đài Loan, một quốc gia không thuộc vào ASEAN mà Hoa Kỳ chính thức hóa vụ bán vũ khí trị giá 6.4 tỉ đô la vào đầu năm nay [5], đang tham gia vào một cuộc tranh chấp lãnh hải tại quần đảo Trường Sa với Trung Quốc và Nhật Bản. Họ bất đồng ý kiến với Trung Quốc về cái mà họ gọi là Quần Đảo Senkaku và Trung Quốc gọi là Quần Đảo Điếu Ngư ở biển Đông Trung Quốc.


Ngày 11 Tháng Mười, Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Gates gặp Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Toshimi Kitazawa tại cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng ASEAN ở Hà Nội, và "các bộ trưởng quốc phòng đã thỏa thuận trong các buổi họp ... rằng quốc gia của họ sẽ cùng nhau đối phó để phù hợp với một hiệp ước an ninh song phương hướng tới sự ổn định trong khu vực ở Biển Đông Trung Quốc bao gồm các Quần Đảo Senkaku, tâm điểm của tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc ..." [6]


Bản thỏa hiệp ở đây là Hiệp Ước Hợp Tác và An Ninh Tương Trợ giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ được ký kết vào năm 1960, tương đương với các thỏa thuận tương trợ quân sự của Ngũ Giác Đài với Úc Đại Lợi, Phi Luật Tân, Singapore, Nam Hàn và Thái Lan trong khu vực Á Châu -Thái Bình Dương. "Họ cũng đang phát triển một mối quan hệ chiến lược thắm thiết với Việt Nam và cố gắng làm việc với Nam Đương và Malaysia, cả hai quốc gia này đã cho biết họ muốn được gần gũi hơn với Washington." [7]


Trong cuộc Đàm Phán Shangri-La giữa các bộ trưởng quốc phòng tại Singapore vào tháng Sáu vừa qua, Bộ Trưởng Gates nói "nghĩa vụ quan trọng của chính phủ Hoa Kỳ đối với các đồng minh, những đối tác và khu vực này là tái khẳng định sự cam kết an ninh của Hoa Kỳ trong khu vực." [8]


Từ tháng Bảy, Singapore và Malaysia là hai quốc gia đóng góp quân lực chính thức cho cuộc chiến của NATO tại Afghanistan. Trong tháng Sáu năm nay, Malaysia và Thái Lan đã tham dự vào cuộc thao diễn hải quân Khối Thái Bình Dương (RIMPAC) hàng năm dẫn đầu bởi Hoa Kỳ, đây là cuộc tập trận lớn nhất trên thế giới (năm nay với 20.000 quân, 34 tàu, năm tàu ngầm và trên 100 máy bay), được tổ chức bởi Hạm Đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ tại Hawaii. RIMPAC 2010 đánh dấu sự tham gia lần đầu tiên của hai quốc gia Đông Nam Á này vào các trò chơi chiến tranh. Các quốc gia tham gia khác gồm có Hoa Kỳ, Úc Đại Lợi, Canada, Chile, Colombia, Pháp, Indonesia, Nhật Bản, Hà Lan, Peru, Singapore và Nam Hàn.


Ngoài việc chiếm đóng Afghanistan với 152.000 lính Hoa Kỳ và NATO, xây dựng một quân đội Afghanistan và lực lượng không quân dưới sự chỉ huy của Tây Phương, và sát nhập Pakistan vào những ủy ban chung với Hoa Kỳ và NATO [9], Washington cũng đang củng cố quan hệ đối tác chiến lược quân sự với Ấn Độ. Tháng Mười năm ngoái quân đội Hoa Kỳ tham gia vào trò chơi chiến tranh Yudh Abhyas (huấn luyện cho chiến tranh) gần đây nhất và lớn nhất kể từ năm 2004 với đối tác Ấn Độ. Thao diễn quân sự Yudh Abhyas 2009 đặc biệt có 1.000 quân, hệ thống hỏa tiễn chống xe tăng Javelin của Hoa Kỳ và lần đầu đầu tiên xử dụng chiến xa bọc thép Stryker của Hoa Kỳ ngoài chiến trường Afghanistan và Iraq. [10]


Hoa Kỳ cũng đã tổ chức thao diễn hải quân hàng năm có mã danh là Malabar với quốc gia đông dân thứ nhì trên thế giới này và trong bốn năm qua đã mở rộng thành một cuộc thao diễn đa quốc gia với sự tham gia của Canada, Úc Đại Lợi, Nhật Bản và Singapore.


Malabar 2007 được thực hiện trong vịnh Bengal, ngay phía bắc của Eo Biển Malacca, và bao gồm 25 tàu chiến từ năm quốc gia: Hoa Kỳ, Ấn Độ, Úc Đại Lợi, Nhật Bản và Singapore.


Ngày 28 tháng Chín vừa qua, Ấn Độ và Nhật Bản tổ chức các cuộc đàm phán đầu tiên giữa hai quân đội của họ ở New Delhi với mục đích "nhằm xem xét tình trạng hiện tại của các cam kết, hợp tác quân sự và các vấn đề an ninh quân sự ..." Nhật Bản do đó trở thành quốc gia thứ chín mà quân đội Ấn Độ đã có cuộc đối thoại song phương, theo sau Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Úc Đại Lợi, Bangladesh, Do Thái, Malaysia và Singapore. Đồng thời, Tư Lệnh Không Lực Ấn Độ, tướng Pradeep Naik, trong một "chuyến thăm thiện chí kéo dài ba ngày", đến Nhật Bản để gặp gỡ các đối tác Nhật Bản, Tư Lệnh Lực Lượng Phòng Không của Tham Mưu trưởng Kenichiro Hokazono. [11]


Ngày 14 tháng Mười, Ngũ Giác Đài khởi xướng cuộc Tập Đổ Bộ (Amphibious Landing Exercise, PHIBLEX) song phương mới nhất và Hợp Tác Sẵn Sàng Nổi và Đào tạo (Cooperation Afloat Readiness and Training, CARAT) ở Phi Luật Tân, với sự tham gia của hơn 3.000 lính Hoa Kỳ và sáu tàu và máy bay.


Hoa Kỳ sẵn sàng can thiệp nếu trận Hải Chiến Quần Đảo Hoàng Sa vào năm 1974 hay cuộc đụng độ Trung Quốc-Việt Nam trên Quần Đảo Trường Sa vào năm 1988 có cơ hội tái phát bùng nổ giữa Trung Quốc và các quốc gia khai có chủ quyền khác.


Ngày 13 Tháng Mười, lần đầu tiên Nam Hàn tổ chức một cuộc tập trận Chủ Động An Ninh Chống Bành Trướng (Proliferation Security Initiative, PSI) được thành lập bởi Hoa Kỳ để hoạt động ngăn chặn hải quân và được khởi xướng bởi Tổng Thống George W. Bush vào năm 2003 với trọng tâm ban đầu chuyên cho Á Châu nhưng tạm thời đóng vai trò phạm vi toàn cầu. [12]


Để kết thúc cuộc tập trận, vào ngày 22 tháng Mười, có thêm sự tham gia của 14 quốc gia bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Úc và Nhật Bản, họ đóng góp một khu trục hạm được trang bị với hỏa tiễn điều khiển từ xa, máy bay tuần tra trên biển và máy bay trực thăng chống tàu ngầm.


Sáu năm trước, Đô đốc Thomas Fargo, lúc đó là chỉ huy trưởng lực lượng Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, thúc đẩy một Chủ Động An Ninh Hàng Hải Khu Vực được mô tả như là "phát xuất từ Chủ Động An Ninh Chống Bành Trướng (PSI)" có mục đích "điều động thủy quân lục chiến Hoa Kỳ với tàu có tốc độ cao để bảo vệ Eo Biển Malacca ..." [13] Nhưng cả Indonesia lẫn Malaysia phản đối kế hoạch để lực lượng quân đội Hoa Kỳ đóng quân ở ngoài khơi của họ.


Vào tháng Giêng năm 2009, NATO thông báo kế hoạch cho Hải Đội Sẵn Sàng NATO 1 (Standing NATO Maritime Group 1, SNMG1, đó là một phần của lực lượng đáp ứng khẩn cấp NATO với số quân có thể lên đến 25.000 lính dành cho các nhiệm vụ toàn cầu) tham gia vào “cuộc điều động dài sáu tháng trên Biển Ả Rập, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương" và đi qua “các vùng như Eo Biển Malacca, Java và Biển Đông, một vùng trên thế giới mà các hải đội NATO không tuần tiễu." [14] Hiện nay tàu chiến NATO cũng đang tuần tra Ấn Độ Dương, nơi mà Ngũ Giác Đài phân chia giữa Bộ Chỉ Huy Trung Ương, Bộ Chỉ Huy Phi Châu và Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương của họ. [15]


SNMG1, nhóm hải quân NATO đầu tiên đi vòng quanh lục địa Phi Châu hai năm trước, đã được chuyển hướng đến Vịnh Aden để tham dự vào Hoạt Động Cung Ứng Đồng Minh của NATO bắt đầu vào tháng Tư năm 2009 và đã kết thúc trong tháng Tám với Chiến Dịch Lá Chắn Đại Dương vẫn đang còn hiệu lực. Cũng vào tháng Tư năm ngoái, nhóm hải quân NATO này với tàu chiến từ Canada, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, đã đến Karachi, Pakistan "để thi hành thực tập hải quân kéo dài hai ngày chung với Hải Quân Pakistan ở miền Bắc Biển Ả Rập" [16] trên đường đến Singapore. Theo NATO, "Việc điều động tàu chiến ở Đông Nam Á thể hiện giá trị cao mà NATO đặt vào mối quan hệ của họ với các đối tác khác trên toàn thế giới ..." [17]


Giống như Hoa Kỳ đã kích hoạt lại những liên minh quân sự từ thời chiến tranh lạnh trong khu vực Á Châu -Thái Bình Dương trong thập niên đầu của thế kỷ này, [18] các đồng minh NATO chính của họ cũng làm như vậy.


Ngay sau khi Washington điều động siêu hàng không mẫu hạm nguyên tử USS Abraham Lincoln với "F/A-18C Hornet, F/A-18E/F Super Hornet, C-2A Greyhound, MH-60R Seahawk và máy bay trực thăng Seahawk MH-60S và các máy bay chiến đấu khác"[19] đến Cảng Klang Cruise Centre ở Malaysia trong tháng này, các bộ trưởng quốc phòng của Tập Thể Năm quốc Gia Phòng Vệ (Five Power Defence Arrangements, FPDA) được đề xuất bởi Vương Quốc Anh, với các thành viên là Anh, Úc, Malaysia, Tân Tây Lan và Singapore - đã gặp nhau ở thủ đô của Singapore trong Hội Nghị Bộ Trưởng Quốc Phòng Thứ 13 của FPDA.


Các Bộ Trưởng Quốc Phòng ... đã ban hành Chỉ Thị Khái Niệm Thực Tập FPDA trong hội nghị. Chỉ thị này có mục đích hướng dẫn sự phát triển của những thao diễn FPDA trong tương lai và các hoạt động để tăng cường khả năng hành động trong nhóm và tương tác giữa các lực lượng vũ trang của năm nước thành viên.


"Nó cũng nhằm mục đích nâng cao khả năng của FPDA trong việc thi hành những cuộc hành quân quy ước và không quy ước..." [20] Sau đó, năm bộ trưởng quốc phòng rời Singapore để tham dự lễ khai mạc của cuộc Thao Diễn Bersama Padu 2010 tại căn cứ không quân Butterworth ở tiểu bang Penang của Malaysia vào ngày 15 tháng Mười. Cuộc thao diễn quân sự tiếp tục cho đến ngày 29 tháng Mười và bao gồm "13 tàu và 63 máy bay từ năm quốc gia thành viên FPDA làm việc cùng nhau trong một môi trường nhiều mối đe dọa." [21]


Nhóm FPDA được thành lập vào năm 1971 tại đỉnh cao của Chiến Tranh Lạnh, và cũng như với các nhóm quân sự tương tự - nổi bật nhất là NATO - đã không những tiếp tục mà còn bành trướng trong thời kỳ hậu Chiến Tranh Lạnh.


Theo Bộ Quốc Phòng Úc, Bersama Padu 2010 là một cuộc thao diễn dài ba tuần [bắt đầu vào ngày 11 tháng 10] với mục đích tăng cường an ninh khu vực trong vùng.


Là một phần của Nhóm FPDA, cuộc thao diễn sẽ xảy ra tại nhiều địa điểm trên toàn Bán Đảo Malaysia cũng như Biển Đông. Nó bao gồm bốn tàu chiến của Úc và tám máy bay chiến đấu F/A-18 đa chức năng. Trung tướng Úc Mark Evans, Tư Lệnh Hành Quân Hỗn Hợp cho biết "các quốc gia FPDA chia sẻ lợi ích chung trong việc bảo an và sự ổn định trong khu vực, và cuộc thao diễn sẽ tăng cường khả năng tương tác của các lực lượng kết hợp giữa không quân, lục quân và hải quân của các quốc gia thành viên." [22]


Tất cả năm thành viên FPDA đều tham gia vào cuộc chiến của NATO tại Afghanistan như một phần của cuộc thao diễn chưa từng có trong lịch sử về khả năng tương tác chiến đấu bên cạnh khoảng 45 quốc gia khác. Anh Quốc có số quân lớn thứ hai được bổ nhiệm vào Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế của NATO, ước tính khoảng 9.500 quân lính, và Úc với số quân 1.550 người, nhiều nhất cho bất kỳ quốc gia nào không thuộc NATO. [23]


Afghanistan là chiến trường đào tạo cho đoàn viễn chinh toàn cầu NATO.
Và đối với một NATO Á Châu đang nhanh chóng thành hình, đó là đoàn quân đang được chuẩn bị để đối đầu với Trung Quốc trong Biển Đông và các nơi khác.



Nguồn: Rick Rozoff, Media Monitors Network
Cymbidiaum, X-Cafe chuyển ngữ

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn