KISSINGER và “TRẬT TỰ THẾ GIỚI” * THANH TUẤN

08 Tháng Mười Hai 201412:00 SA(Xem: 6894)
03/12/2014 22:03 GMT+7


TT - Thế giới dường như đang hỗn loạn hơn: khủng bố xuyên quốc gia, nhiều khu vực dường như không có chính phủ, trong khi có
những quốc gia như một thực thể đang bị đe dọa.
a1dQkji0
Cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger - Ảnh: Washington Post
Trật tự thế giới, quyển sách thứ 17 của cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, tìm cách lý giải những vận động này.
Tháng 7-1971, Henry Kissinger lên một chiếc máy bay ở Islamabad (Pakistan) rồi đột ngột biến mất.
Tuyên bố chính thức từ Washington khi đó nói Kissinger bị ốm vài ngày nhưng thực tế thì cố vấn an ninh Mỹ đã bí mật lên đường tới Bắc Kinh để chuẩn bị cho chuyến thăm lịch sử của Nixon vào tháng 2-1972 - chuyến thăm đã thay đổi hoàn toàn
lịch sử quan hệ hai nước và làm rúng động trật tự Đông - Tây khi đó.
Suốt cuộc đời mình, Kissinger đã đạt được rất nhiều bước ngoặt đối ngoại. Dù đó là cú bắt tay lịch sử với Trung Quốc năm 1972, đạt được hòa hoãn với Liên Xô, lật lại sự thù địch giữa Ai Cập - Israel sau cuộc chiến khốc liệt Yom Kippur hồi năm
1973.
Frank Shakespear, người đứng đầu cơ quan thông tin Mỹ (USIA), từng nói Kissinger có thể gặp sáu người cực thông minh với quan điểm cực kỳ khác biệt nhưng vẫn có thể thuyết phục họ rằng ông có quan điểm giống y hệt họ.
Ở tuổi 91, ông vẫn là người được các tổng thống, các ngoại trưởng Mỹ tìm đến khi Washington gặp những khó khăn đối ngoại. Rất gây tranh cãi (đã có rất nhiều nhóm muốn đưa ông ra tòa án quốc tế) nhưng ông được coi là ngoại trưởng xuất
chúng nhất của lịch sử Mỹ. 
Nhưng khi lịch sử đã lùi 43 năm, người từng thực hiện chuyến thăm lịch sử tới Trung Quốc giờ đang nói về nguy cơ chiến tranh Trung - Mỹ như một quy luật thường lặp lại giữa các cường quốc cũ và mới khi trật tự của quan hệ quốc tế đang
vận động hình thành.
Cuốn sách mới nhất của ông (cuốn thứ 17) có tựa đề World Order (Trật tự thế giới) đặc biệt đề cập tới sự vận động của trật tự này. 
Điều đặc biệt về World Order là cách Kissinger diễn giải rành mạch sự định hình của trật tự thế giới hiện tại và các quy luật của nó với căn nguyên từ hòa ước Westphalia 1648, sau cuộc chiến 30 năm từng khiến gần 1/4 dân số châu Âu diệt
vong.
Trong cuốn sách hơn 400 trang, ông nhận định rằng “một trật tự bị sụp đổ thường không phải từ thất bại quân sự hay là thiếu cân bằng nguồn lực (điều này thường xảy ra sau đó), mà là do không hiểu được bản chất và quy mô của các thách
thức mà nó đối mặt”. 
Kissinger thừa nhận sự nổi lên của Trung Quốc là thách thức nghiêm trọng đối với trật tự quốc tế trong thế kỷ 21, y như cách nước Đức từng đe dọa trật tự ở châu Âu và dẫn tới hai cuộc thế chiến trong thế kỷ 20.
Trong cuốn sách mới, ông trích lại nghiên cứu của Harvard chỉ ra rằng trong lịch sử 10/15 lần có sự cạnh tranh giữa một cường quốc mới và một cường quốc cũ, kết cục của nó là chiến tranh. Ông thừa nhận dù hai ông Obama và Tập Cận
Bình đều tuyên bố muốn xóa bỏ căng thẳng giữa hai siêu cường cũ - mới nhưng thực tế không thể hiện được điều này. 
Khi nói về căng thẳng ở biển Đông, ông không hề lạc quan khi cho rằng “sớm hay muộn một trong những căng thẳng này sẽ dẫn tới đối đầu. Tôi không muốn Trung Quốc và Mỹ giống như Đức và Anh hồi năm 1914, nhưng tôi không nghĩ
chúng ta có thể cưỡng lại điều này chỉ bằng cách đưa quân tới dọc biên giới Trung Quốc.
Câu hỏi thật sự là: liệu chúng ta có thể tạo được khoảng trống giữa chúng ta và Trung Quốc... với sự hiện diện của quân đội từ xa mà chúng ta có thể cạnh tranh (với họ được) bằng một số luật chơi được xác định rõ”. 
Nhưng tiến sĩ Kissinger, một người Cộng hòa, lại khá “nhẹ nhàng” với nước Nga khi nói vai trò của Nga vô cùng quan trọng trong lịch sử. Ông chỉ ra rõ nước Nga từ thế kỷ 17 tới thế kỷ 20 đã đóng vai trò cực sống còn khi ngăn chặn sự bành
trướng của vua Charles XII của Thụy Điển rồi sau đó là Napoleon và Hitler. 
Dưới đây là một số trích đoạn ông trao đổi với tạp chí Đức Der Spiegel về cuốn sách. 
“Trở thành siêu cường với sự khôn ngoan và tầm nhìn xa”
* Khi chúng ta nhìn thế giới hôm nay, dường như nó đang hỗn loạn hơn bao giờ hết... Trật tự thế giới đang bất ổn hơn? 
- Dường như là vậy. Hỗn loạn do vũ khí hủy diệt hàng loạt và khủng bố xuyên biên giới đang đe dọa chúng ta. Rồi có hiện tượng các khu vực gần như không chính phủ như Libya chẳng hạn và các khu vực này có ảnh hưởng rất lớn đối
với tình trạng bất ổn hiện nay. 
Quốc gia với tư cách là một thực thể đang bị đe dọa ở rất nhiều khu vực trên thế giới. Nhưng cùng lúc, rất nghịch lý, đây là lần đầu tiên chúng ta thật sự có thể nói về trật tự thế giới. 
* Ý ông là sao? 
- Phần lớn lịch sử thế giới, cho tới tận gần đây, trật tự thế giới thực tế chỉ là trật tự khu vực. Giờ là thời điểm đầu tiên mà các khu vực có thể tương tác với nhau trên thế giới. Điều này khiến một trật tự mới cho thế giới toàn cầu hóa là cần
thiết. Nhưng hiện không có một luật lệ nào được mọi người chấp nhận. Có quan điểm của Trung Quốc, có quan điểm của Hồi giáo, của phương Tây, và trên góc độ nào đó là quan điểm của Nga. Và các quan điểm này không phải luôn 
đồng nhất. 
* Trong cuốn sách, ông thường xuyên nhắc tới hòa ước Westphalia năm 1648, kết thúc chiến tranh 30 năm, như là điểm mốc cho trật tự thế giới.
 Tại sao một hòa ước cách đây hơn 350 năm vẫn còn ý nghĩa tới giờ? 
- Hòa ước Westphalia có được sau khi gần 1/4 dân số Trung Âu bị giết hại vì chiến tranh, bệnh dịch và chết đói. Hòa ước dựa trên sự cần thiết của thỏa thuận giữa các nước thay vì sự vượt trội về đạo lý nào đó, các quốc gia độc lập quyết
định sẽ không can thiệp công việc nội bộ nước khác. Điều đó tạo ra cân bằng quyền lực mà giờ chúng ta đang thiếu. 
* Chúng ta có cần một cuộc chiến 30 năm nữa không để có trật tự thế giới mới? 
- Đó là câu hỏi rất hay. Chúng ta đạt được trật tự thế giới nhờ hỗn loạn hay là sự sáng suốt? Một người sẽ nghĩ [mối đe dọa] của vũ khí hạt nhân, biến đổi khí hậu và khủng bố là đủ để chúng ta có một tầm nhìn chung. Vì vậy, tôi hi vọng chúng
ta đủ khôn ngoan để không rơi vào một cuộc chiến 30 năm nữa. 
* Nói cụ thể hơn: phương Tây nên phản ứng thế nào với việc Nga sáp nhập Crimea? Ông có sợ rằng điều này đồng nghĩa với biên giới
 trong tương lai sẽ không còn là bất khả tranh cãi nữa? 
- Crimea chỉ là hiện tượng chứ không phải nguyên nhân. Hơn nữa, Crimea là trường hợp đặc biệt. Ukraine trong một thời gian là lãnh thổ của Nga. Chúng ta không chấp nhận chuyện một nước có thể thay đổi biên giới và lấy một tỉnh của
nước khác.
Nhưng nếu phương Tây trung thực với bản thân mình, họ phải thú nhận rằng chính họ đã có những sai lầm. Việc chiếm Crimea không phải là bước tiến để chiếm thế giới. Nó không giống như Hitler đưa quân vào Tiệp Khắc. 
* Vậy thì đó là gì? 
- Chúng ta phải hỏi câu này: ông Putin đã chi hàng chục tỉ USD cho Olympic mùa đông ở Sochi. Thông điệp của Olympic là Nga là đất nước đã phát triển, gắn liền hơn với phương Tây qua văn hóa và họ muốn trở thành một phần của
phương Tây.
Vì vậy, rất khó hiểu chỉ một tuần sau khi kết thúc Olympic, ông Putin lại chiếm Crimea và bắt đầu cuộc chiến với Ukraine. Ai đó phải tự hỏi tại sao việc đó xảy ra? 
* Như vậy ông nói phương Tây ít nhất có trách nhiệm cho việc leo thang căng thẳng? 
- Đúng vậy. Châu Âu và Mỹ đã không hiểu ảnh hưởng của những diễn biến, từ chuyện thỏa thuận hợp tác kinh tế của Ukraine với EU cho tới đỉnh cao là các cuộc biểu tình ở Kiev. Các sự kiện này, ảnh hưởng của nó, đúng ra cần được trao đổi
với Nga. Điều này dù vậy không có nghĩa là phản ứng của Nga là đúng. 
Ông có vẻ cảm thông rất nhiều cho ông Putin. Nhưng chẳng phải ông ta đang làm đúng những gì ông đang cảnh báo - tạo hỗn loạn ở miền đông Ukraine và đe dọa chủ quyền (nước khác)? 
- Đúng là thế. Nhưng Ukraine luôn có tầm quan trọng đặc biệt với Nga. Việc không nhận ra điều đó chính là sai lầm (của phương Tây và Mỹ). 
* Việc chiếm Crimea của Nga buộc EU và Mỹ phản ứng bằng việc áp lệnh cấm vận? 
- Thứ nhất, phương Tây không chấp nhận chuyện sáp nhập, một số biện pháp phản ứng là cần thiết. Nhưng không ai ở phương Tây đưa ra kế hoạch rõ ràng nào về chuyện khôi phục Crimea. Không ai (trong phương Tây) muốn chiến đấu ở
 miền đông Ukraine. Đó là sự thật.
Ai đó (phương Tây) có thể nói chúng tôi sẽ không chấp nhận điều này (chuyện chiếm Crimea), và sẽ không coi Crimea như là lãnh thổ Nga theo luật quốc tế - giống như chúng ta từng coi các nước Baltic là độc lập suốt thời kỳ Liên Xô. 
* Vậy việc tương tác với ông ta (Putin) có ý nghĩa gì không? 
- Chúng ta phải nhớ rằng Nga là nhân tố quan trọng của hệ thống quốc tế và đóng vai trò quan trọng trong các cuộc khủng hoảng khác như chương trình hạt nhân Iran hay Syria. Việc này vì vậy quan trọng hơn là leo thang căng thẳng mang
 tính chiến thuật. Mặt khác, điều quan trọng là Ukraine vẫn duy trì là một quốc gia độc lập và họ có quyền lựa chọn về liên minh kinh tế thương mại. Tôi không nghĩ rằng họ sẽ đương nhiên trở thành thành viên NATO. Cả anh và tôi đều biết
rằng NATO sẽ không bao giờ bỏ phiếu đồng thuận để chấp nhận Ukraine gia nhập. 
Ông vẫn nói như thể một siêu cường mà vẫn quen mọi thứ phải theo ý mình. 
- Không, nước Mỹ không còn có thể chi phối được nữa và nước Mỹ cũng không nên như vậy. Sẽ là sai lầm nếu nghĩ thế. 
* Trong cuốn sách, ông viết rằng trật tự thế giới “nên được vun trồng chứ không phải áp đặt”. Điều đó là sao? 
- Điều đó có nghĩa là người Mỹ chúng tôi sẽ vẫn là yếu tố quan trọng nhờ sức mạnh và giá trị của mình. Anh trở thành siêu cường không chỉ bằng sức mạnh mà bằng cả sự khôn ngoan và tầm nhìn xa. Nhưng giờ thì không có quốc gia nào
 đủ mạnh, đủ khôn ngoan để một mình tạo lập trật tự thế giới. 
* Chính sách đối ngoại Mỹ có còn khôn ngoan và quyết đoán vào lúc này?
- Chúng tôi vẫn có niềm tin rằng nước Mỹ có thể thay đổi thế giới không chỉ bằng sức mạnh mềm mà bằng cả sức mạnh quân sự thật sự. Châu Âu không còn niềm tin đó. 
THANH TUẤN
Đọc thêm 1 :

Kissinger cảnh báo: "Chúng tôi cần trật tự thế giới mới".


Kissinger cảnh báo: "Chúng tôi cần trật tự thế giới mới"; Ukraine nên quên Crimea và NATO!
Kishinger
... "Cho dù có thể gọi Kissinger bằng nhiều cái tên: chiến lược gia, cố vấn an ninh, cáo già… cùng nhiều thán từ tài năng, trí não, thông thái… nhưng nổi danh hơn cả là chuyên gia giải cứu. Ông ta cứu Mỹ trong thế thua của chiến tranh Việt Nam, ông ta cứu Israel và Mỹ trong chiến tranh với Ai Cập 1972, ông ta nhúng tay vào Serbia 1999, vào Gruzia 2008, Syria 2013 và hiện nay là Ukraina. Không lạ, ông ta vẫn dùng phi cơ riêng thường xuyên đến Nga bàn thảo những vấn đề quan trọng sau cánh cửa đóng kín.
Kissinger nói với tờ Der Spiegel: "Không có các quy tắc toàn thể được chấp nhận. Có quan điểm của Trung Quốc, quan điểm Hồi giáo, quan điểm phương Tây và, ở một mức độ, quan điểm của Nga. Và chúng thực sự không phải là luôn tương thích."
Đọc thêm 2 :

Kant và Hegel: hai mô hình tư duy

Bùi Văn Nam Sơn

SGTT.VN - Luận điểm cơ bản (xem từ: Văn hoá hiện đại): các nền văn hoá chỉ trở thành hiện đại khi con người nhận ra sự đa dạng và sự hữu hạn của chính mình và sống phù hợp với nhận thức ấy. Đồng thời, điều này lại đòi hỏi nền văn hoá phải có một cấu trúc cơ bản để giúp con người dễ dàng nhận ra hai tính chất trên. Như đã thấy, cấu trúc ấy chính là sự phản tỉnh.
Sự phi – tập trung hoá và… quan hệ quốc tế
image001
Triết gia Đức Georg Hegel (1770 – 1831). Ảnh:
Henry Kissinger, trong quyển Bàn về Trung Quốc (On China) mới đây đưa ra nhận xét khá chính xác: “Quan niệm phương Tây hiện đại về quan hệ quốc tế được hình thành từ thế kỷ 16 – 17, khi cấu trúc của xã hội Âu châu thời Trung cổ bị phá vỡ thành một nhóm các nhà nước với sức mạnh tương đương và nhà thờ Thiên Chúa giáo phân chia thành nhiều giáo phái khác nhau. Ngoại giao để cân bằng quyền lực các bên không phải là sự lựa chọn mà là điều tất yếu. Không nhà nước nào đủ mạnh để áp đặt ý chí của mình; không tôn giáo nào giữ được đủ quyền lực để có thể duy trì tính phổ biến. Khái niệm quyền tự quyết và bình đẳng về mặt pháp lý giữa các nhà nước trở thành cơ sở của công pháp quốc tế và ngoại giao”. Rồi Kissinger so sánh: “Cách hiểu của người Trung Quốc về trật tự thế giới rất khác biệt với phương Tây”, vì những nét đặc thù của quốc gia này.
Độc lập với các quan điểm và kết luận khác của Kissinger trong quyển sách, nhận định trên đây xác nhận sự khác biệt giữa một nền văn hoá nhất phiến, độc tôn theo kiểu truyền thống, tiền hiện đại và nền văn hoá đã được phi – tập trung hoá, tạo điều kiện khách quan cho tư duy và cung cách hành xử hiện đại. Tuy nhiên, đằng sau những nguyên nhân lịch sử và địa chính trị, cần kể thêm yếu tố phản tỉnh ở bề sâu trong văn hoá Âu châu.
Mô hình Kant
Xin trở lại với cống hiến lịch sử của Kant dưới mắt Heinrich Rickert: “Kant là nhà tư tưởng đầu tiên ở châu Âu đã tạo ra được những cơ sở lý luận khái quát nhất, giúp mang lại những câu trả lời khoa học cho các vấn đề văn hoá hiện đại. Ba quyển phê phán của ông đúng là “phê phán” theo nghĩa biện biệt, vạch ranh giới, tương ứng với tiến trình tự trị hoá và dị biệt hoá của văn hoá, một tiến trình vốn đã hình thành từ thời cận đại nhưng chưa có được sự diễn đạt lý luận trong triết học trước Kant”. Ta đều biết ba sự “biện biệt” nổi tiếng của Kant theo kiểu lưỡng phân (chia đôi) giữa: vật – tự thân (bản tính và bản chất đích thực của đối tượng nhận thức) và hiện tượng (vật xuất hiện ra cho ta), giữa cái khả niệm (chỉ có thể suy tưởng chứ không thể nhận thức) và cái khả giác, giữa cái đang là (cái chân) và cái phải là (cái thiện). Đặc biệt, sự phân biệt giữa vật tự thân (không thể nhận thức được) và hiện tượng (lĩnh vực duy nhất có thể nhận thức được) không chỉ đánh dấu sự hữu hạn của nhận thức con người, mà chính qua đó, lại mở ra lĩnh vực mênh mông của sự tự do, khi con người làm theo tiếng gọi của mệnh lệnh luân lý nội tâm, không bị giản lược và khống chế bởi cái “đang là”.
Mô hình Hegel
Các triết gia tiếp sau Kant chế nhạo và công kích Kant đã quá “rụt rè, nhút nhát”! Khi Fichte muốn xoá bỏ “vật tự thân”, ông có tham vọng xoá bỏ luôn sự phân biệt giữa nhận thức (luôn có điều kiện) và tư duy (vô điều kiện, tha hồ bay bổng) vốn là môi trường của siêu hình học tiền –phê phán. Hegel còn đi xa hơn, khi cho rằng các sự phân đôi của Kant là cứng nhắc, thiếu “biện chứng” và dõng dạc tuyên bố: “Vượt bỏ những sự đối lập đã trở nên cứng nhắc ấy (của Kant) là mối quan tâm duy nhất của lý tính”. Hegel xem các sự phân đôi ấy là sản phẩm của sự phân ly và tha hoá, đánh mất cái toàn thể viên mãn. Vì thế, nhiệm vụ cao cả của triết học hiện đại là phải khắc phục sự tha hoá, vượt qua sự phân ly bằng nỗ lực khổng lồ của một sự “hoà giải” tối hậu. Thế nhưng, ai cũng thấy rằng việc hoà giải để khắc phục sự phân ly ắt phải tiền giả định một sự thống nhất nguyên thuỷ. Chỉ có thể “tái hợp” những gì vốn đã hợp nhất từ căn nguyên. Mô hình “nhất thể – phân ly – hoà giải” này luôn có sức gợi cảm và hấp dẫn lớn lao, bởi nó là phiên bản thế tục nhưng còn mang đầy âm hưởng thần linh của “huyền nhiệm sáng tạo” trong hầu hết những cảm thức tôn giáo. Mô hình này cũng nhất thiết phải mang tính chất triết học lịch sử, nghĩa là, có tính tự sự như một câu chuyện kể về một sự thống nhất nguyên thuỷ, nay bị phân ly và tha hoá đi, do đó cần tái hoà giải trong một “tổng hợp đề”. Đó là lý do khiến J. F. Lyotard, tác giả tiêu biểu của trào lưu hậu – hiện đại, mệnh danh mô hình ấy là một “đại – tự sự” huyễn hoặc. Thêm nữa, tiến trình hiện đại hoá văn hoá ở các nước khác nhau không nhất thiết dựa theo một mô hình lịch sử duy nhất, miễn là hội đủ các đặc điểm cấu trúc của văn hoá hiện đại.
“Hoà giải” hay “hoà bình”?
Hoà giải như là sự kết thúc tha hoá không thể được hoàn tất một lần cho tất cả, trong khi đó, hoà bình là hoàn toàn nằm trong tầm tay của con người và, theo Kant, là điều con người phải làm, khi tự xét mình như một hữu thể luân lý.
Như giữa quả cam và quả táo, khó có thể so sánh mô hình của Kant và của Hegel theo kiểu “hơn kém”, bởi lẽ đơn giản: đây là hai mô hình khác nhau về nguyên tắc. Mô hình “nhất thể –phân ly – hoà giải” của Hegel hoàn toàn xa lạ với Kant. Sự lưỡng phân, theo Kant, không phải là sự tha hoá “bắt nguồn” từ một sự thống nhất nguyên thuỷ nào cả. Với ông, thật không thể hình dung một trạng thái hay một thời kỳ lịch sử nào trong quá khứ hay tương lai, nơi đó vật tự thân và hiện tượng, cái khả niệm và cái khả giác, cái đang là và cái phải là (đã hoặc sẽ) hợp nhất với nhau! Vì thế, Kant không xem hiện đại hoá như một “đề án” phải thực thi như cách hiểu của Habermas theo truyền thống Hegel, trái lại, chỉ như một sự “khai minh” về thực trạng. Nói cách khác, Kant phản tỉnh về văn hoá hiện đại từ “thân phận con người”, trong khi Hegel tư duy về hiện đại trong viễn tượng vượt bỏ thân phận hữu hạn ấy. Trong viễn tượng chính trị, sự hữu hạn của lý tính con người dẫn đến sự khác biệt cơ bản giữa ý tưởng về hoà giải với thực tại nơi Hegel hay hoà giải trong thực tại nơi các môn đồ của ông với ý tưởng về bảo vệ và kiến tạo hoà bình.
Hoà giải như là sự kết thúc tha hoá không thể được hoàn tất một lần cho tất cả, trong khi đó, hoà bình là hoàn toàn nằm trong tầm tay của con người và, theo Kant, là điều con người phải làm, khi tự xét mình như một hữu thể luân lý. Nếu tính hiện đại liên quan mật thiết với tinh thần khai minh và không (còn) ảo tưởng, thì Kant, như nhiều tác giả nhận định, tỏ ra “hiện đại” hơn Hegel!
(còn tiếp)
Bùi Văn Nam Sơn

Nguồn: Internet/Chuyển bởi BH 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn