Sài Gòn.. để nhớ, để quên

13 Tháng Giêng 20207:28 CH(Xem: 3463)
Sài Gòn.. để nhớ, để quên


         IMG_1467      IMG_1490      IMG_1584    
 
Từ năm 1975 Saigon đã là một nỗi nhớ nhung vô bờ của nhiều thế hệ người yêu Saigon qua bao sáng nắng chiều mưa, nhưng một buổi nào đã phải ngậm ngùi xa cách. Nhớ miên man về con đường thẳng tắp hai hàng cây ven khu công viên bóng mát, từng quấn quýt bàn tay và gót chân tuổi nhỏ trên những vỉa vè rợp hàng me thả lá li ti  vờn bay qua từng cơn gió nhẹ. Nhớ.. và nhớ khôn nguôi.

               IMG_1501     IMG_1478     IMG_1497  

Một trong những biểu tượng của Sàigòn là Nhà Thờ Đức Bà / Vương cung Thánh đường Chính toà Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, được xây dựng năm 1877 để kéo dài trong 3 năm, theo kiểu kiến trúc Roman và Gothic sau khi người Pháp phát triển thành phố Saigon. Các vật liệu, ngay cả nhiều vạn viên gạch đỏ đều được đem sang từ tỉnh Toulouse xứ Pháp, để sau hơn một thế kỷ vẫn giữ được nguyên mầu tươi sắc thắm. Từ gần 2 năm nay, một thông báo cho tin sẽ đóng cửa thánh đường trong vòng 5 hay 6 năm cho việc đại trùng tu toàn diện, từ phía trong đến mặt ngoài. Các buổi lễ nửa đêm Giáng Sinh hay lễ trọng nay đều được cử hành trên khuôn viên mặt tiền, nơi có Máng cỏ Hài đồng truyền thống được dàn dựng mừng Chúa sinh ra đời.

           IMG_1517     IMG_1538     IMG_1512

Mang tên Théâtre Municipal vào ngày khánh thành năm 1900, trên phần nền của một nhà hát cũ dành cho các đoàn ca vũ nhạc kịch từ Pháp sang biểu diễn cho quan quân của đoàn quân đội viễn chinh.  Từ năm 1955 đến 1975, toà nhà cổ kính với 3 tầng và 1800 ghế, thiết kế theo kiểu thanh lịch style flamboyant français trở thành Nhà Quốc hội Việt Nam Cộng Hoà qua hai nền Cộng Hoà từ 1955-1963, và 1967-1975.  Nay dinh điện mỹ miều được dùng làm Nhà hát lớn Sài Gòn /Saigon Opera House. *Phía bên kia đường là Hotel Caravelle với nhiều thay đổi.


    image-05-01-20-09-46-2    image-05-01-20-09-46-4    image-05-01-20-09-46-3    IMG_1523   

Mấy ai xa Saigon mà không lưu luyến nhớ về bao hàng quán cũ. Từ những xóm xưa ngõ nhỏ với quán café đắng hay chè ngọt thân quen, qua xe nước mía cùng lắm hàng quà vặt vỉa hè.. Sang trọng hơn là đường Tự Do rộn rã bước chân người bát phố Catinat, có tiệm kem Brodard, mà từ 1948 vẫn còn đấy, chỉ đổi mới với với hàng chữ Restaurant - Tea House - Pastry.  Riêng La Pagode của giới văn nghệ sĩ trên góc đường Lê Thánh Tôn hay Givral nơi góc Lê Lợi nay đã hoàn toàn mất dấu, thay vào là một trung tâm thương mại và một building bề thế.

            image-05-01-20-09-46-1    IMG_1549    IMG_1526    IMG_1524
                     Nằm bên phía trái Toà Quốc Hội xưa, Hotel Continental vẫn giữ được dáng dấp cũ giữa rất nhiều đổi thay của một
                                                        Sài Gòn dần biến hình đổi dạng, giữa những tân và cổ.


Một biểu tượng của Sài Gòn là toà Bưu Điện Trung tâm Sài Gòn /La Poste Centrale de Saigon được xây dựng  trong những năm 1886-1891, nằm đối diện với  Nhà thờ Đức Bà -hai công trình đặc sắc nhất miền Nam thời Pháp thuộc.  Được thiết kế theo kiểu Renaissance française dưới quyền điều hành của nhiều kiến trúc sư nổi danh người Pháp.  Toà Bưu Điện đẹp trang trọng như một dinh điện qua mầu vôi vàng tươi rất bắt mắt, với những dẫy cửa sổ hình vòm cung và chữ nhật trang trí nhiều chi tiết hoa văn khéo léo. Trên vòm cửa rộng được gắn chiếc đồng hồ to tròn mang kiểu cách thường thấy ở những nhà ga đồ sộ trên nước Pháp.

 

   IMG_1484       IMG_1481       image-12-01-20-08-37-2

Phía trong thật thoáng rộng với mái trần hình vòm cao uốn cong mềm mại qua các khung ô sắt cẩn kính đục vuông vức, cho ánh sáng chiếu nhẹ nhàng khắp mặt bằng phía dưới, đây là một thiết kế  kế độc đáo do thiên tài Gustave Eiffel góp tay hợp tác, như với nhiều công trình trên các thuộc địa thuở Pháp mang chiến thuyền và binh lính sang Á Đông. Khách thăm đều thích thú trước nét cổ kính của các quầy giao dịch bưu tín, chỗ cho khách viết, phòng điện thoại, thùng thư, dẫy ghế gỗ còn lại từ hơn một thế kỷ. Vài năm trước còn thấy một bác viết thuê -người Pháp gọi là écrivain public, ngồi lặng lẽ chờ khách, như các cụ đồ xưa và câu đối đỏ.. Ôi,  
Những người muôn năm cũ, Hồn ở đâu bây giờ ?

 
     image-05-01-20-09-46-5    image-03-01-20-09-32-1    image-03-01-20-09-32-2
*Hôtel de Ville de Saigon, tên thời Pháp thuộc. *Bùng binh Nguyễn Huệ có những cây liễu rũ ngày trước được thay bằng đài phun nước hoa sen, bên phải là thanh lịch Passage Eden, nên trái đồ sộ Trung tâm  Rex. *Hotel Rex bên kia đường, khoảng trống bên trái ngày trước có Thương xá Tax, đã bị phá hủy..

Toà Đô Chính hay Toà Đô Sảnh Sài Gòn, một công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao đẹp hàng đầu trên khắp các thuộc địa Pháp ngày cũ. Và ngay trên xứ Pháp cũng hiếm thấy một công dinh rực rỡ và mỹ miều đến thế. Được khởi công năm 1898 với kiến trúc sư tài ba Frenand Gardès, là một pha trộn giữa nhiều kiểu cách từ vùng Provence và Côte d’Azur thuộc miền Bắc chan hoà nắng ấm của mẫu quốc Pháp, cả mang ảnh hưởng thời Renaissance française sang đến phong cách Roma với hai hình tượng người đắp nổi giữa cảnh người Pháp mang gươm đao đi chinh phục thuộc địa. Sau khi đoạt được thành Đà Nẵng, quân Pháp tiến vào Saigon năm 1859, cùng chiếm thêm nhiều tỉnh thành khác của Nam Kỳ.. Từ đó, nhiều cơ sở hành chính dần được thiết lập cho mộng bành trướng giang sơn của thực dân Pháp.


           IMG_1592        IMG_1563        IMG_1587   
 
Rất thu hút giới trẻ balô trên lưng đến từ nhiều quốc gia, Khu phố Tây nằm giữa các đường Phạm Ngũ Lão, Đề Thám, Bùi Viện.. rất sống động, rộn rã ngày đêm. Vả lại Sài Gòn lúc nào mà chẳng chật như nêm khi người người và xe cộ đã lên đến mức ứ đọng, ngột ngạt với  số dân trên 14 triệu, chưa kể dạng không hộ khẩu được cho là rất đông, đến từ khắp nước với hy vọng kiếm sống, đổi đời..  Thành phố Sài Gòn rộng mở có 12 quận số, và nhiều quận tên như quận Phú Nhuận, Bình Thạnh, Gò Vấp.. Và các huyện, như huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn..

            IMG_1688         IMG_1677          IMG_1647

Phường Tân Định thuộc quận 1 có ngôi nhà thờ tô đậm sắc hồng độc đáo, khiến ai đi qua cũng phải ngước mắt nhìn. Hang đá Bê-lem mừng Chúa giáng sinh vẫn còn, chuông thánh vẫn ngân vang báo tin hai buổi lễ sáng và chiều, nhắc nhở giáo dân đến dâng tiếng kinh lời cầu lên Đấng Cứu Thế, tìm chút bình an giữa một dòng đời nhiều biến chuyển.

   IMG_1597      image-12-01-20-08-37-4      image-12-01-20-08-37-3

Sài Gòn là một nỗi nhớ miên man cho những ai đã từng yêu thương thủ đô ngày ấy. Nào những đêm nhớ trăng Sài Gòn, những ngày bồi hồi nhớ về bao đường xưa lối cũ.. Chao ơi ..con đường Duy Tân cây dài bóng mát.. uống ly chanh đường.. ven Hồ Con Rùa vương vấn những bước chân sinh viên Trường Luật -nay là Trường Đại Học Kinh Tế. Thật yên ả giữa khu trung tâm thành phố, một khúc đường nhỏ được che chắn để trở thành Đường Sách rợp bóng cây xanh, nơi có những cửa hàng xinh xắn trưng bầy nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng quốc gia, hay 100 tựa sách thu hút người mua nhất, cùng nhiều cuộc triển lãm nhỏ về hình ảnh, tranh họa.. bên nhiều quán bánh ngọt café tỏa mùi thơm nồng nàn.

 

    image-12-01-20-08-37-5    image-12-01-20-08-37-1    IMG_1665    IMG_1457  

Trên quận Phú Nhuận tình cờ thấy bảng hiệu tiệm kem Givrals *Since 1950  nằm rất khiêm tốn trên một đầu ngõ nhỏ. Còn đâu là thanh lịch cửa hiệu cũ nơi dập dìu bước chân khách sành điệu trên góc Lê Lợi và Tự Do, hai mặt đường dập dìu tài tử giai nhân của thủ đô miền Nam thuở trước. Sài Gòn còn có cả dạng Văn hoá du lịch và ẩm thực rất thú vị. Người Việt mình lâu nay đã dần bước chân đi xa khám phá khắp mọi miền trên thế giới với nhiều hào hứng. Và niềm vui khi nâng ly đưa chén bát thì vốn có sẵn  trong..dân tộc tính, như người Trung Hoa, khi gặp nhau thì câu đầu luôn là.. Ăn gì chưa.. Uống gì nhé..!  Vậy nên bao kiểu hàng quán từ rất dân dã trên lề đường hè phố, đến nhiều khách sạn theo tiêu chuẩn quốc tế lắm sao và các chefs  luôn đông khách.

     image-13-01-20-22-56-3    image-13-01-20-22-56-2    image-13-01-20-22-56-1    image-13-01-20-22-56
     image-13-01-20-23-03-3     image-13-01-20-23-03-2    image-13-01-20-23-03-1    image-13-01-20-23-03


Được tôn kính là phần lăng mộ quan trọng xưa cổ, bề thế nhất khắp vùng Sài Gòn và Gia Định, với số lượng đông đảo người đến kính viếng nhang khói thờ phụng mỗi ngày. Lăng Ông thờ Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt tọa ngự trên một khoảng đất rộng 18.500 m2 xanh tươi hoa lá và những hàng cây cao cổ thụ trên trăm năm, cho khách viếng sau khi bước chân qua cửa Tam quan có cảm giác rất thanh thản giữa khu phố chợ Bà Chiểu ồn ào sôi động. Năm 1884, việc khởi công giây dựng Lăng Ông nhằm rước hài cốt được cải táng của Đức Thượng Công Lê Văn Duyệt về thờ kính, rất được người dân toàn vùng Gia Định cảm kích. Mộ phần Đức Thượng Công nằm cạnh phần của phu nhân Đỗ Thị, có hình dạng hai gò đất nổi trên một bệ hình chữ nhật, nay là một Di tích Lịch sử và Văn hoá Quốc gia.  *Đức Tả quân Lê Văn Duyệt sinh năm 1763 tại tỉnh Định Tường, thất lộc năm 1832 tại thành Gia Định, nơi ngài đã trụ trì như một vị Tổng trấn tài ba trong suốt 20 năm, cùng ra sức lập nhiều chiến công vẻ vang trong việc khai phá vùng Lục tỉnh, bình định nhiều vùng đất miền Nam, xử trí lớn việc quốc gia khi đối phó với các nước Xiêm La, Chân Lạp, kinh lược hai xứ Nghệ An, Thanh Hoá.. Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt rất được lòng yêu kính của muôn dân thuở ấy.

   IMG_1629    IMG_1610    IMG_1621  
Nếu bộ mặt thành phố Sài Gòn tiến nhanh qua việc giải tỏa nhiều khu vực xưa cũ, để thay vào hàng loạt building cao ngất ngưởng dùng làm cơ sở thương mại hay chung cư, khiến du khách và người Việt hải ngoại đều phải xuýt xoa khen ngợi.. 

 IMG_1552    IMG_1555    IMG_1551    image-12-01-20-08-37-6  
.. thì khi “đi thực tế”, nhiều người phải lên tiếng phàn nàn về tình cảnh xã hội với quá nhiều bấp bênh chênh lệch, thiếu sự an toàn cho dân tình trên nhiều phương diện, cả vệ sinh đường xá và phố thị rất kém, hoặc mức lương bổng hay thu nhập ít oi của người lao động trước sự đắt đỏ của đời sống trên các thành phố lớn đã gây ra lắm vấn đề. Trên những khúc đường khu trung tâm quanh chợ Bến Thành, nơi có từng dẫy hotels thanh lịch đón khách bốn phương, vậy mà những nhếch nhác trên lề đường, hè phố, ống cống lộ thiên.. xem thật đáng ngại. Những vỉa hè Sài Gòn với vô vàn gánh hàng rong luôn là điểm buôn bán và sinh sống của bao phận người khăn khó, dù vẫn thường xuyên bị cảnh cấm cản hay cả dẹp sạch.. Để lại tiếp tục rộn ràng, do trên đôi vai sớm tối nhọc nhằn của những bà mẹ, bà vợ Việt Nam là bao gánh nặng đời sống, gia đình.
Một số người quen luôn sống tại đây cho biết, Sài Gòn không đủ ngân quỹ để chi dụng ổn thỏa cho những nhu cầu thiết yếu về phương diện xã hội, y tế, giáo dục hay chỉnh trang các cơ sở hạ tầng đang xuống cấp nặng nề.  Sài Gòn là thành phố phát triển kinh tế dẫn đầu Việt Nam, mang biết bao lợi nhuận cho đất nước, nhưng phần rất lớn công quỹ được chuyển về thủ đô Hà Nội. Giới có thẩm quyền muốn Hà Nội phải tiến bộ vượt bực, tốt đẹp, quan trọng hơn Sài Gòn, dù biết bao công trình tốn kém cho Hà Nội và miền Bắc đã, đang và sẽ là vô cùng phí phạm, hoàn toàn không cần thiết như báo chí vẫn thường xuyên cho tin, và nêu nhận xét.
 
* Huyền Anh, BTX 69
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn