Mùa thu nơi đây...
Từ khi văn chương và thơ nhạc được dùng để diễn tả tâm tình cùng ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, mùa thu đã luôn bàng bạc đến như sương như khói, lãng đãng tỏa ngát nét thanh tú trên văn đàn, thêm bao phong phú trữ tình và sắc hương cho cuộc đời. Cổ nhân từ ngàn xưa đã để lại bao áng thơ tuyệt mỹ, có khi để tỏ nỗi ngậm ngùi cho chỉ một cánh lá vàng rơi, hay khi bàng hoàng xúc động vì một ánh trăng thu xuyên qua cành trúc gầy bên song cửa. Mùa thu luôn mê hoặc và làm thổn thức hồn người, với cảnh sắc lung linh huyền ảo của những bình minh vương vấn sương lan, những hoàng hôn phủ nét mơ màng lên chập chùng ánh đỏ sắc vàng mầu lá thắm. Cảnh thu tha thiết đến nao lòng người đi giữa gió thu bâng khuâng lá đổ, gợi nhớ những mùa thu chốn cũ đã theo dòng đời và qua đi trong cuộc đời này, đã thành những niềm riêng được giữ gìn trong sâu thẳm ngăn tủ ký ức, suốt khoảng đời sau. Yêu làm sao những giây phút yên ả giữa trời thu mênh mông. Mong manh sao những khoảng khắc thu nhẹ nhàng đến. Rồi lặng lẽ qua đi.
Mỗi dịp thu về gia đình hai cánh cò bay thường dành thời gian cho một chuyến đi xa ngắm cảnh sắc. Thu Bắc Mỹ, thu Âu Châu, thu quê hương, thu muôn phương, thu chơi vơi đâu đó giữa cuộc đời này. Mùa thu năm nay lại theo sóng nước Saint Lawrence River, cho chuyến aller-retour từ Montréal tỉnh nhà đến Québec City -thủ đô của Province Québec.. Rồi thuyền lướt trên Gulf of Saint Lawrence, ghé bến cảng thành phố các Canada Maritime Provinces. Sau, theo sông đổ ra biển rộng, cho khách thăm nước Mỹ qua vài tiểu bang nên thơ vùng East Coast ven Đại Tây Dương.
Montréal, mùa thu đến chậm và thật khác với những thu qua. Các ngày tháng hè rực rỡ nóng ấm đã khác thường kéo dài.. Rồi những cơn gió giá lạnh chợt ào ạt ùa về, làm bao hàng cây thành phố và những rừng phong trùng điệp không kịp theo biến chuyển. Lá thu không thể thong thả đổi mầu từ ngát xanh sang vàng thắm, rồi óng ả đỏ au, uyển chuyển lả rung theo từng đợt thu phong làm say đắm lòng người, thu hút biết bao du khách đến ngẩn ngơ giữa cảnh sắc trời thu Bắc Mỹ. Mùa thu năm nay, khách xa và người dân miền đông duyên hải đã bồi hồi nhìn các hàng cây phong thành phố, trong vườn nhà, khắp núi đồi và thênh thang bao cánh rừng xa phải héo hắt bạt ngàn lá úa, rồi lả tả rụng rơi.
Québec, "Kebec, Nơi dòng sông thu hẹp lại", thủ đô của tỉnh bang với thành xưa, hào sâu và nhiều dấu ấn của một thời huy hoàng văn hóa Pháp trên phố cổ, bên những con đường lát đá vang tiếng gõ đều nhịp móng bước ngựa thồ. Mùa thu xứ lạnh tình nồng bao năm qua vẫn luôn đón khách tấp nập đến ngắm sắc thu rực rỡ trên rừng phong miền đông Bắc Mỹ. Ngay từ bến cảng chốn Hạ thành ven khúc sông nhỏ, khách xa đã xuýt xoa khen vẻ uy nghi của Hôtel Château de Frontenac, tọa lạc trên khoảng đất rộng đồi cao nơi Thượng thành, cùng nhiều dinh điện cổ chung quanh.
*Province Nova Scotia. Thành phố Sidney:
Thuyền vào cảng Sidney Harbour của Nova Scotia -New Scotland /Nouvelle-Écosse, là một trong 3 tỉnh bang nhỏ nhất Canada -xứ sở to rộng nhì địa cầu với gần 10 triệu km2, sau nước Nga. Nova Scotia có khoảng 1 triệu dân trên diện tích 55.284 km2 -gồm cả vùng Cape Breton và 3.800 đảo nhỏ chung quanh, với nhiều vịnh sâu được bao bọc bởi sóng nước Atlantic và trên 5000 hồ, cho Canada đứng hạng nhất thế giới về số lượng nước ngọt trong lành tinh khiết. Được thành lập bởi quan quân hoàng gia Anh năm 1785, Sidney rất nhỏ với chỉ khoảng 32.000 dân, nhưng thường được các chuyến du thuyền trên vùng biển East Coast ưa thích chọn để đổ khách vì vẻ an lành, cảnh sắc thiên nhiên tinh khôi. Thuyền chưa cập bến mà mọi người đã được thích thú ngắm chiếc Big Fiddle /The Largest Fiddle in the World, đứng thanh tao ven bờ nước soi mình trên gợn sóng, giữa tiếng nhạc réo rắt mang âm điệu Irish và Scottish của các nhạc sĩ mặc quốc phục cổ truyền, cùng nhau tấu lên cường điệu đón chào.
Bến cảng và trung tâm phố thị rất gần cận, cho khách thả bộ trên công viên, bước theo con đường lát đá cong dài ven bờ nước, ngắm trời thanh cảnh đẹp êm đềm. Khu trung tâm với vài ba đường thương mại khá đông vui, lẫn nhiều hàng quán cửa đóng then cài. Những thập niên sau này, nhiều hầm mỏ than và sắt thép của Nova Scotia bị sa sút nặng nề. Để ngăn cảnh cư dân phải rời tỉnh nhà ra đi tìm nơi chốn nào cho công ăn việc làm khả dĩ, Chính phủ liên bang và tỉnh bang đã tìm nhiều phương cách, như tổ chức các dạng kỹ nghệ nhẹ và nhiều chuyên ngành kỹ thuật tiên tiến tin học, vi tính.. Cũng như gắng phát triển tiềm năng du lịch thư giãn trên toàn vùng Maritime Provinces.
Năm 1939, Thế chiến ll diễn ra rất kinh hoàng và sôi động bên trời Âu. Nhu cầu cho than đá, than đốt và sắt thép rất cao. Canada với nhiều quặng mỏ đã luôn tận dụng mọi khả năng cung cấp. Nguyên liệu cần phương tiện chuyên chở, nhưng đa phần thuyền tầu Canada không thích hạp cho hải trình xa trên sóng gió đại dương. Dù vậy dân quân xứ lạnh vẫn không nề hà nguy hiểm, cả bắt buộc phải dùng nhiều nhân công chỉ mới vào độ tuổi 14, 15. Mối đe dọa lớn nhất không tránh được trên Atlantic là nguy cơ bị trúng bom thủy lôi, hay bị oanh tạc bởi máy bay Đức. Suốt cuộc Thế chiến, có 177 đoàn tầu rời cảng Sidney, mỗi đoàn gồm khoảng 14 thuyền tầu lớn. Chỉ trong tháng 4/1940 đã có đến 20 tầu bị đánh đắm.. Để khi tàn chinh chiến, cho số lượng 48 đoàn cùng 126 thuyền tầu Canada bị trúng đạn nổ tan tành trên Atlantic. Và phận người đã thật thê thảm khi bị thương tích, đói khát, bơ vơ ngày đêm giữa biển cả bao la..
Viện bảo tàng nhỏ vinh danh Alexander Graham Bell -sinh năm 1847 tại Vương quốc Anh, từ trần năm 1922 tại Canada. Ông A.G. Bell mang 2 quốc tịch, là một kỹ sư, nhà phát minh và chế tạo máy móc khoa học, Giáo sư Đại học Boston.. Alexander Graham Bell cũng là người khai sinh ra máy điện thoại năm 1875. Và xứ lạnh tình nồng đã rất hãnh diện có Công ty Điện thoại Quốc gia mang tên "Bell Canada".
*Province Nova Scotia. Thủ đô Halifax:
Halifax rộng 5495 km2 với khoảng 400.000 dân, là hải cảng to rộng hàng đầu trên vùng Atlantic Canada, có nhiều cơ quan quan trọng công và thương mại tư nhân đặt trụ sở nơi đây như Department Of National Defence, hai Đại học lớn Saint's Mary và Dalhousie, Halifax Shipyard.. Thủ đô của Nova Scotia cũng luôn được danh tặng là một trong 4 thành phố cho đời sống tốt đẹp nhất trên Canada -mà bao năm qua luôn nằm trong danh sách các nước đáng ngưỡng mộ. Nova Scotia được hóa công ban tặng nhiều tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, hầm mỏ, khí gas, thạch cao, muối.. cả khá mạnh về nông nghiệp. Nhiều rừng trồng thông bạt ngàn cho xuất cảng khắp nơi vào mỗi mùa Giáng Sinh. Biển lạnh Atlantic quanh vùng dồi dào tôm cá, luôn giúp ngư dân các làng chài Nova Scotia thu thập tốt đẹp.
Thuyền đỗ bến cảng Halifax, cho khách trên boong tấm tắc khen thủ đô của Nova Scotia thật xinh tươi, khu phố chính ngay tầm nhìn rất tân tiến, cảnh quang toát lên nét an bình thịnh vượng.
Canada xứ lạnh tình nồng, thanh bình hòa hoãn cùng đại đồng thế giới, từ bao năm qua luôn mở vòng tay rộng đón tiếp nhiều thế hệ di dân, và hàng loạt người trước sau phải ngậm ngùi từ bỏ quê mẹ ra đi. Trên công viên ven bến cảng, được dựng bức tượng đồng có cảnh một gia đình nhỏ rất tiêu biểu, dắt díu nhau tìm đến bến bờ tự do, và tấm bảng tạc "The Emigrant. The pain of separation he overcame, with faith and hope his heart aflame".
St. Mary's Basilica xây năm 1820, ngày 13/9/1984 đã được hân hạnh đón tiếp Đức Giáo Hoàng Jean-Paul ll
Khách viếng Halifax qua các chuyến hải hành được chiều đãi với bến cảng tân tiến của thủ đô, có phố cổ và khu phố mới cạnh nhau ngay phía bên kia đường. Không quá to rộng, Halifax làm vui lòng khách thăm qua vẻ khang trang của các con đường nhỏ khá rộn rã xe cộ và hàng quán trên phố thị. Ngắm nhiều tượng đài trên các công viên tươi mát, ghi ơn danh nhân và kỷ niệm những chiến công cùng diễn biến qua từng thời kỳ tranh giành phần đất hải đảo, giữa các vương quyền trời Âu xưa. Thấy cả một khoảng đất xanh um cây cỏ điểm nhiều nấm mộ đá cũ, là một phần của khu nghĩa trang ngày cũ.
Được du khách chú ý nhất thủ đô, Thành trì Halifax là một trong 4 cổ thành theo tháng năm được xây dựng vững vàng to rộng, trên ngọn đồi cao cho tầm nhìn xuống bến cảng ven bát ngát biển khơi. Khởi công từ năm 1749 với tên Fort George, để bảo vệ hải đảo chiếm trị được từ hoàng gia nước Anh, cùng các vị trí chiến lược của Hải Quân Đế chế trên vùng biển Atlantic.
Thiên nhiên Nova Scotia, đặc biệt vùng ven biển Bắc Mỹ còn giữ được vẹn toàn cảnh sắc tinh khôi, nguyên bản, thường được chọn là chốn thư giãn tuyệt vời với khí trời tốt lành, những bờ cát dài nước trong veo như ngọc bên trùng điệp vách núi đá hùng vĩ, được chạm khắc bởi sóng gió từ muôn triệu năm cho ra đủ dạng hình thù. Halifax cũng là lựa chọn hàng đầu của những chuyến du thuyền trên vùng Canada Maritime Provinces và America East Coast vào 2 mùa xuân và thu.
Mấy ai trong chúng ta mà không ít nhiều biết đến thảm cảnh của chuyến du thuyền định mệnh Titanic năm 1912, hay từng một vài lần nghe cô Céline Dion tha thiết "Every night in my dream I see you, I feel you.. Near, far, wherever you are I believe that the heart does, go on.. Love can touch us one time, and last for a lifetime.. And you're here in my heart and my heart will go on, and on..". Céline Dion hát cho cuộc tình lỡ, có khoảng thời gian của một ánh sao băng giữa cô tiểu thư Rose và chàng nghệ sĩ trẻ lang bang Jack Dawson. Phim Titanic với đạo diễn James Cameron, do Leonardo DiCaprio và Kate Winslet xuất sắc thủ 2 vai chính được trình làng năm 1997, đoạt doanh thu kỷ lục đứng đầu thế giới qua các thời đại của Nghệ thuật thứ 7, cả nhận biết bao giải thưởng quan trọng, nhất là 11 tượng vàng Oscars. Cho Cameron lừng lẫy để tiếp tục với phim Avatar -lại là một thành công như chưa từng có. Riêng DiCaprio và Winslet đã được ái mộ từ ngay cuốn phim Titanic, để luôn giữ vị trí siêu sao Hollywood cho đến tận nay.
"Each man stood at his post while all the weaker ones went by, and showed once more to all the world how Englishmen should die"
Du thuyền Titanic với hơn 2224 hành khách cùng thủy thủ đoàn, khoảng hơn 2 giờ sau khi va chạm với một tảng băng trôi, đã gẫy đôi và chìm xuống đại dương mang theo hơn 1500 người bạc mệnh.. Sau, một số di hài được gia đình mang về quê hương lo hậu sự. Và do Nova Scotia nằm trên miền đông Atlantic khá gần nơi Titanic đắm sâu, nên có 171 nạn nhân được chôn cất trong 3 nghĩa trang của Halifax. Fairview Lawn Cemetery là nơi an nghỉ của 121 người dưới thảm cỏ xanh và tấm bia tạc mầu đá xám. Không biết có phải một tấm bia mộ ghi tên J. Dawson mất ngày 15/4/1912, đã cho đạo diễn James Cameron ý tưởng để thành hình chuyện phim về một cuộc tình, đã nồng nàn bộc phát để vội lỡ làng trên vùng biển lạnh Atlantic..
Peggy's Cove,
Xa phố thị, một phong cảnh rất "carte postale" nổi danh khắp vùng Provinces Maritimes, được dùng để đăng tải trên các trang giới thiệu nét đẹp thanh thoát của Nova Scotia qua một làng dân chài ven bờ đá. Peggy's Cove luôn thu hút để níu chân khách vì vẻ đẹp mộc mạc xinh tươi giữa thiên nhiên trong lành, chốn đồng quê từ bao thế hệ dân chuyên nghề đánh cá, sống lẻ loi giữa thiên nhiên bát ngát ven biển cả mênh mông. Ngày trước ngôi làng ven vịnh mang tên St. Margarets Bay -từ nhà thám hiểm hàng hải Pháp Samuel de Champlain, đặt theo tên mẫu thân, bà Marguerite. Peggy's Cove nổi danh nhất với ngọn hải đăng Peggys Point Lighthouse xây năm 1868, một tháp kiểu cổ điển mầu trắng sáng với trạm canh cao sơn sắc đỏ.
Những ngọn hải đăng của Nova Scotia nổi tiếng xưa cổ và đặc biệt đẹp, xây vững vàng trên bờ đá hướng ra đại dương giữa cảnh sắc thanh thoát. Có những tours du lịch Lighthouse Route cho khách ròng rã theo suốt dọc bờ biển dài, qua nhiều tỉnh thành và làng thôn, ngắm các tháp đứng lẻ loi giữa thênh thang biển trời, ban đêm rọi ánh sáng giúp thuyền tầu xa định hướng, như từ bao thế kỷ qua. Nhất là Sambo Island Lighthouse, ngọn hải đăng xưa cổ nhất Bắc Mỹ, từ 1758.
Tên Peggy's Cove, như một chuyện cổ tích được truyền miệng rất lâu đời từ các ngư dân nơi đây. Rằng khoảng hơn 200 năm trước, vào một đêm giông to bão lớn, có chiếc thuyền buồm chở đông người từ ngoài khơi bị sóng đánh trôi dạt vào, đụng phải ghềnh đá Halibut Rock gần St. Margarets Bay. Thuyền vỡ tan tành khiến không ai sống sót.. Ngoài một bé gái được tìm thấy nằm trong hốc đá ven bờ. Em còn quá nhỏ để nhớ lại chuyện gì, kể cả tên mình, nên một gia đình đã nhận nuôi và đặt tên em là Peggy -nickname của Margaret. Khi khôn lớn cô Peggy lập gia đình với một cậu trẻ trong làng, và mọi người hay gọi cô là Peggy of the Cove.
Nhà văn William deGarthe, là nghệ nhân, họa sĩ và điêu khắc gia nổi danh của Halifax, đã dàn dựng nên cốt truyện cho tác phẩm This is Peggy's Cove, kể lại tích xưa này, với nhiều hương hoa thêm thắt, cho độc giả có cái nhìn thơ mộng pha lẫn chút huyền thoại về Peggy of the Cove.
William deGarthe, 1907-1983, người gốc Phần Lan sống nhiều năm ở Peggy's Cove, cũng dùng tài nghệ vẽ nên nhiều bức tranh cảnh đẹp thiên nhiên của Nova Scotia, rất được khách ưa thích khi ghé thăm Gallery mang tên ông. Trên một bờ đá granite dài, deGarthe đã tạc hình ảnh đời sống hàng ngày của 32 ngư dân làng chài Peggy's Cove cùng toàn thể gia đình họ, được che chở bảo bọc bởi một thiên thần dang hai tay và xòe đôi cánh rộng. Tác phẩm đá tạc mang tên Fishermen's Memorial Monument.
Có nhiều loại cá ngon và giống tôm hùm trên biển lạnh Canada, và toàn vùng East Coast xứ Mỹ, do sống trong môi trường hoàn toàn thiên nhiên nên cho hương vị đặc biệt ngon, luôn được ưa chuộng khắp nơi khi xuất cảng vì phẩm chất hảo hạng. Khách xa khi thăm Halifax và các làng chài đều được tha hồ thưởng thức, để hết lời xuýt xoa lời khen ngợi. Khách cũng dễ dàng thấm nhận vẻ tươi mát của thiên nhiên rạng ngời, trong lành hiếm quý, cũng như bị quyến rũ bởi cảnh sắc của làng thôn Halifax, khó tìm thấy ở các nơi khác ngoài vùng Peggy's Cove. Giới có thẩm quyền và ngư dân nơi đây cố tình giữ cho nét quê mộc nguyên bản được tồn tại như từ nhiều thế kỷ trước. Việc xử dụng đất đai luôn bị kiểm soát khắt khe và các phát triển bất động sản đều bị cấm đoán.
*Huyền Anh, BTX-69
Gửi ý kiến của bạn