

Bình Định, quê hương của các nhà Anh Hùng Áo Vải Tây Sơn
Nằm trên miền Trung của vùng eo nhỏ dải đất hình chữ S quê hương, với diện tích 6054 km2 và hơn 1.5 triệu
dân, chia thành 10 quận. Bình Định được biết đến như một vùng đất võ nghệ, của nhiều anh hùng và danh tài
hào kiệt, có huyện Tây Sơn là đất tổ của vị anh hùng áo vải Nguyễn Huệ /hoàng đế Quang Trung, do gia tộc
Tam Kiệt đã cư ngụ trên vùng đất Bình Định từ thế kỷ 17. Trên một khuôn viên thênh thang rộng, có nền ngôi
nhà cũ của thân sinh ra Tây Sơn Tam Kiệt là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, nay được xây dựng để
trở thành chốn ghi ơn công đức tiền nhân qua Bảo tàng viện Quang Trung. Rất bề thế và trang trọng với
nhiều tòa nhà theo kiểu cung điện và đình chùa, chất chứa các sử liệu, ấn tích, minh họa, án thờ.. dẫn giải
thân thế cùng sự nghiệp nhà Tây Sơn và nhiều danh tướng thân cận.. Lừng lẫy qua bao chiến công bách
thắng, nhà Tây Sơn đã từng mang binh đến Quảng Nam đánh tan quân nhà Nguyễn năm 1774, tiến công
ra Bắc diệt Trịnh năm 1786, hạ thành Đồ Bàn của Chiêm Thành, chiến thắng trận Rạch Gầm và Xoài Mút
gần vùng sông Tiền thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, tiêu diệt quân Xiêm và làm tiêu tán quân binh chúa
Nguyễn, khiến quân Xiêm phải "Sợ quân Tây Sơn như sợ cọp", và Nguyễn Ánh phải đau đớn bầy tỏ cùng
xâm lược Pháp "Chúng tôi vừa bị thua trận, tất cả quân lính đều tan vỡ".
*Bảo tàng viện Quang Trung *Tây Sơn Tam Kiệt *Giếng nước của gia tộc họ Nguyễn
Để đời cho hậu thế ca tụng là trận đánh Gia Định lần thứ tư năm 1782 khi Nguyễn Huệ mang thủy binh Tây
Sơn vào miền Nam, chống Nguyễn Phúc Ánh đã cầu viện cùng hợp tác với người Pháp và với cả nước Xiêm
để xin thêm binh lính. Trong Trận Gia Định Nguyễn Huệ đã đích thân tổng chỉ huy nhóm đại thủy và lộ quân
nhà Tây Sơn tại sông Ngã Bảy ở Cần Giờ, tiêu diệt toàn bộ quân binh nhà Nguyễn, dù chúa Nguyễn Ánh đã
cho gần 400 chiến thuyền cùng 5 tầu chiến Pháp chỉ huy bởi viên quan Pháp tên Manuel /Mạn Hòe. Chiến
thắng vẻ vang của Nguyễn Huệ đã làm lung lay triều Nguyễn, và Manuel đã tử trận trong chiếc chiến thuyền
cháy rụi của ông.


*Hoàng đế Quang Trung và Bắc cung hoàng hậu Lê Ngọc Hân trong buổi tế lễ Trời *Trận thủy chiến Gia Định
Nguyễn Huệ được Nguyễn Nhạc phong làm Bắc Bình Vương năm 1787, nhưng qua năm sau ngài tự xưng
vương, lên ngôi Hoàng Đế lấy niên hiệu là Quang Trung trước khi tiến quân ra Bắc Hà. Với các tướng tài
ba như Ngô Văn Sở, Ngô Thì Nhiệm, Phan Huy Ích.. Vua Quang Trung đã chiến thắng vẻ vang trong những
trận Hà Hồi, Ngọc Hồi, nhất là trận Thăng Long chỉ trong vòng 6 ngày mà đã đánh bại những Tôn Sĩ Nghị,
Sầm Nghi Đống.. -do Lê Chiêu Thống sang cầu viện nhà Thanh, vua Càn Long đã cho các tướng tài mang
nhiều vạn quân sang nước ta.. Chiến thắng, hoàng đế Quang Trung đã oai dũng đem đoàn hùng binh tiến
vào thành Thăng Long trước bao tiếng reo mừng. Chiến lược xuất thần của vua Quang Trung khiến quân
Thanh tan rã, chết như rạ, hàng chục ngàn thân xác phơi thây khắp chiến địa, được gom chôn trong 12 hố
sâu rộng, cao như những gò đống khổng lồ ven một khu rừng có nhiều cây đa, nên được đặt tên là Gò Đống
Đa. (*Ngày nay tại phố Tây Sơn, phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội có một công viên ghi dấu tích
xưa và tượng Nguyễn Huệ oai phong lẫm liệt). Nhà Tây Sơn theo những chiến công hiển hách mà thăng hoa,
từ tài ba và mưu trí cao, điều binh khiển tướng xuất chúng của hoàng đế, lực lượng Tây Sơn không chỉ bách
thắng mà còn rất được lòng dân do lương thiện, bình đẳng, biết giúp đỡ dân lành..
Sự nghiệp nhà Tây Sơn huy hoàng theo ý chí của vua, quan và quân nhằm đuổi giặc thù thống nhất giang
sơn Đại Việt. Vua Quang Trung mang hoài bão xây dựng, tổ chức lại đất nước trên nhiều phương diện, từ
phát triển kinh tế và ngoại giao đến các ổn định nông công thương, ban phát đất đai đến tầng giới dân nghèo,
mở hải cảng cho thuyền tầu xứ bạn, khuyến khích các ngành nghề, canh tân và dản dị hóa quy luật thuế..
Vua cũng luôn truyền hịch nhằm làm phấn khởi lòng dân quân "Từ hơn hai mươi năm nay, tất cả các nước lớn
nhỏ đều chịu ơn đức của nhà Tây Sơn. Trong thời gian đó Trẩm đã chiến thắng khắp trong Nam ngoài Bắc là
ở lòng trung thành của hai phủ Qui Nhơn và Quảng Ngãi. Nơi đâu Trẩm đã đem quân đến là quân thù đều bị
đánh cho thất bại và tan tác. Nơi đâu Trẩm đã mở rộng chiến tranh là quân Xiêm và quân Thanh tàn bạo đều
phải quy hàng..".
Thế nhưng lòng người đã không thoát được mệnh trời. Buổi chiều ngày 16 tháng 9 năm 1792, khi đang
ngồi lo toan việc nước bỗng dưng vua Quang Trung lảo đảo rồi ngã mê man bất tỉnh.. Đến giữa khuya vua
băng hà, sau khi ở ngôi hoàng đế chỉ được 4 năm, 1788-1792, hưởng dương 39 tuổi. Triều đại nhà Tây Sơn,
quốc hiệu Đại Việt, từ lúc lập kinh đô trên Phú Xuân vùng Bình Định, từ người anh cả Nguyễn Nhạc năm 1778,
qua Nguyễn Huệ rồi đến Nguyễn Quang Toản để tàn lụi năm 1802, tất cả sự nghiệp chỉ được 24 năm.
Trong chỉ từng năm ấy, cuộc khởi nghĩa Tây Sơn lãnh đạo bởi ba vị Anh hùng áo vải cùng dân quân đã chiến
thắng để chấm dứt cuộc nội chiến Trịnh-Nguyễn phân tranh, giữa hai nhà Trịnh phía Bắc và họ Nguyễn trong
Nam. Tây Sơn Tam Kiệt cũng thành công trong việc lật đổ nhà Hậu Lê. Riêng hoàng đế Quang Trung đã đánh
bại các cuộc xâm lược nước Đại Việt của quân Xiêm từ miền Nam, của nhà Đại Thanh từ phía bắc. Công lao
của nhà Tây Sơn và hoàng đế Quang Trung lịch sử đã ghi nhận chiến công hiển hách và các quy củ nhằm cải
tổ và xây dựng nước Đại Việt.. Nhưng ý trời lại khác. Các nhà sử học vẫn nêu vấn đề là, nếu hoàng đế Quang
Trung không băng hà ở tuổi đang dũng mạnh và hào khí bừng bừng, thì thời cuộc toàn cõi nước Việt đã có thể
thay đổi để đi đến vinh quang như ước vọng của nhà vua đến mức nào ?
Sau khi vua Quang Trung thất lộc, hoàng hậu Lê Ngọc Hân có làm bài tế Ai Tư Vãn và Tế vua Quang Trung rất
tha thiết, tỏ niềm đau đớn không của chỉ riêng bà mà là nỗi sửng sốt và bàng hoàng của quân tướng và toàn
dân trước một vị anh hùng vắn số. Hoàng hậu Lê Ngọc Hân mất chỉ 7 năm sau hoàng thượng, ở tuổi 29.
*Án thờ Đô đốc Bùi Thị Xuân và phu quân là Thiếu phó Trần Quang Diệu, hai danh tướng nhà Tây Sơn
Thời hoàng đế Quang Trung có đôi vợ chồng son sắt luôn cùng chung chí hướng, hết lòng phụng sự vương
nghiệp qua phong trào Tây Sơn. Ngài Thiếu phó Trần Quang Diệu và Đô đốc Bùi Thị Xuân đã cùng chia gian
khổ từ buổi đầu bên Người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, cũng như cùng vui hưởng những chiến công lẫy
lừng suốt cuộc chinh chiến tô điểm nước Đại Việt và làm nên nghiệp đế của Nguyễn Huệ. Nhưng thật thảm
thương, sau khi hoàng đế băng hà, triều đại Tây Sơn suy yếu trước nhiều khăn khó.. Tháng 11 năm 1802,
một số quan tướng nhà Tây Sơn, gồm cả hai danh tướng Bùi Thị Xuân và Trần Quang Diệu cùng cô con gái,
đã bị đem ra pháp trường hành hình tại Phú Xuân.
Nói đến Bình Định người ta còn hay nhắc đến câu vè "Ai về Bình Định mà coi, Con gái Bình Định múa roi đi
quyền.."Hôm thăm Bảo tàng viện Quang Trung mọi người được thưởng thức màn múa trống trận, biểu diễn
Võ Trận Đại Việt và Sa Long Cương, nói lên tính khí mạnh mẽ mà người phụ nữ Bình Định còn giữ vững, từ
niềm tự hào là hậu duệ của các danh nhân, của hoàng đế Quang Trung nhà Tây Sơn, và nhất là của nữ tướng
Bùi Thị Xuân ngày trước.
*Để soạn bài Qui Nhơn, nhất là về Nhà Tây Sơn và vua Quang Trung, các tài liệu được dùng đều từ Internet,
Wikipedia.