ĐẢO
PHỤC SINH, CHÍ LỢI - CHILE
Huyền
Anh giới thiệu ở đây một hải đảo lẻ loi giữa Thái Bình Dương, cách xa bến bờ đất liền muôn vạn dặm, được mệnh danh là "The Ultimate Destination" - giấc mơ tối thượng của nhiều người sau khi đã mòn gót giầy đi khắp các phương trời.
*
Cách đây hơn 1000 năm có khoảng 200
người đàn ông đàn bà và trẻ nhỏ đã theo một thủ lãnh trên vài chiếc thuyền khá to rộng vững vàng. Họ rời quê hương Polynesia như một trốn chạy, nương sóng gió trên cuộc hải trình trôi dạt tìm vùng đất mới. Đảo đầu tiên của cuộc dấn thân miệt mài dài đăng đẳng chỉ là một vùng đất trơ trọi, cằn cỗi. Lên bờ, nhóm dân lạc loài dâng lễ tạ ơn thần thánh cùng tiên tổ đã giúp đỡ qua bao khăn khó. Họ đặt tên cho đảo là Rapa Nui, có nghĩa là Đảo Lớn Rapa / Xa Vắng.
Do mang theo được nhiều giống rau cây, hoa trái đậu hạt và một số gia súc, mọi người cùng ra tay
khẩn hoang khai triển. Ngành khảo cổ đã tìm ra nhiều vật dụng chứng tỏ khả năng biết tận dụng trí thông minh để sinh tồn của dòng giống dân can
đảm đảo Rapa Nui, là như
khi hạn hán các giống hoa mầu được gieo gặt trong các hang động đá mát mẻ, những cây quả như chuối, bắp, đậu được trồng ven sườn đồi có các vách đá che chắn, rồi nhiều đồ vật thông dụng, cả lưỡi câu cá đã được gọt dũa bởi xương người chết..
Nằm
trên phía đông nam của mênh mang Thái Bình Dương, Rapa Nui được tạo thành từ 800.000 năm trước, có diện tích 163 km2 với chiều dài rộng 24.6
km - 12.3 km. Đảo đặc biệt nổi danh với khoảng 900 tượng Moai khá nguyên vẹn cao từ 4 đến 10 mét, nặng từ 12 đến 75 tấn, được tạc với loại
đá basalt xám, là chất nham thạch cô đặc của ngọn núi
lửa thần thánh Rano Raraku.
Một trong những điều bí ẩn lâu dài là người ta không
hiểu tại sao một dân tộc bán khai mà có khả năng khắc chạm, vận chuyển, dàn dựng trên bệ cao những tượng đá khổng lồ như vậy ?
Trên
khu vực khai thác tượng Moai, một trong những công trình dang dở trong số trên dưới 400 tượng còn nằm trong vách núi thần có chiều dài 21 thước
và ước lượng nặng đến 270 tấn. Không tượng nào giống nhau do được khắc theo hình nét của cha ông và các nhà lãnh tụ đã khuất núi, với tin tưởng
linh hồn bất tử của người qua đời sẽ là thần hộ mạng có khả năng bảo vệ
thân nhân.
Đa
số các tượng đều nằm trên một bệ tháp/ ahu cũng bằng nham thạch, mà dưới đất đôi khi là mồ mả tiền nhân. Những bệ ahu to cao làm nơi thờ phượng dành cho các Moai khổng lồ là hình ảnh của thần thánh và
các lãnh tụ tài ba, những bệ thấp nhỏ/ anus tiki dùng đặt tượng tiên tổ. Hầu hết các tượng Moai đều đứng gần bờ biển quay lưng với đại dương,
như muốn che chở dân cư và hải đảo qua bao giông bão cùng các điều không tốt lành hay ma quái bằng những đôi mắt nhìn canh giữ khắp nơi. Mat'a kite u'rani = Những cặp mắt nhìn từ trời.
Chỉ
thấy một số ít tượng Moai đội nón đá nham thạch mầu đỏ hay đôi mắt được
nạm bằng vỏ sò và san hô trắng, do tùy theo cấp bậc trên dưới của các thủ lãnh. Từ thuở xưa dân đảo Rapa Nui đã có truyền thống sống tụ tập đại gia đình, rồi theo tăng trưởng được họp thành nhiều bộ tộc/ vai'hu với các đại diện/ matato'a cho từng nhóm và cùng bầu lên một vị vua đảo/
maké maké nắm quyền cai trị với những tổ chức và quy luật. Đảo cũng được các nhà ngôn ngữ học
chú ý, khi khám phá ra nhiều phiến đá và thanh gỗ chạm khắc mẫu tự Oceanian/ Châu đại dương độc nhất rongo-rongo, gồm 120 nét dấu mang hình
rùa cá, chim muông, thú vật, dáng người, các lằn kẻ ngang dọc cho hàm số.
Vào
năm 1722 khi nhà hàng hải Jacob Roggeveen xứ Hòa Lan, người Âu châu đầu
tiên tình cờ đi ngang qua hòn đảo lẻ
loi này, ông bèn ghi dấu trên bản đồ và do hôm ấy nhằm ngày lễ Phục Sinh/ Pâques/ Easter Sunday, ông đặt tên cho đảo theo tiếng nước mẹ "Paasch-Eyland" = Ile de Pâques/ Easter Island/ Isla de Pascua. Ngoài ra
theo sử liệu, Rapa Nui còn có một tên khác theo ngôn ngữ Polynesia là "Te pito o te henua" = Cái rốn của trái đất.
Những
năm sau khi Jacob Roggeveen ghi dấu và tên đặt cho Rapa Nui, nhiều đợt người Âu châu đã đổ bộ lên khám phá đảo, họ rất ngạc nhiên khi thấy một số lớn các tượng Moai bị ngã nằm ngổn ngang, gẫy dập. Theo tìm hiểu, khoảng năm 1600 một tai ương đã xẩy đến cho dân tình gây ra chết chóc, hạn hán, mất mùa, gia thú bị thiệt hại nặng nề và chim muông cũng bỏ đảo
bay đi. Thế nên dân Rapa Nui, sau khi tế lễ cúng bái dâng
cầu với thần thánh tiên tổ dưới chân các tượng Moai mà kết quả không được như ý nguyện, họ bèn nổi giận xô đổ rất nhiều..

Khi mới được khám phá số dân trên đảo được khoảng 4000 người, từ những thế kỷ trước có lúc lên đến 10000. Sau càng lúc càng kiệt hụt rất nhiều. Một giả thuyết cho rằng để vận chuyển những tượng Moai khổng lồ, thổ dân Rapa Nui đã phải đốn nhiều cây to dùng cho việc lăn vần các tượng mang đặt chung quanh đảo. Lâu ngày rừng cũng thành đồng vắng làm thiếu nhiên liệu, cộng thêm những năm hạn hán mất mùa gây đói kém, sinh ra giả thuyết cho rằng dân Rapa Nui vì quá đói nên
lúc ấy đã phải ăn thịt lẫn nhau. Cả có thời điểm vì tranh chấp nên các bộ tộc nổi lên chống giết, tàn sát nhau rất nhiều.. Và tệ hại nữa là do dân Rapa Nui bị nhiễm các bịnh dịch nguy hại truyền từ những người Âu châu đến khai thác, dùng đảo làm nơi
tạm chứa nhiều đợt nô lệ trên đường đổi chác buôn bán những con người mang số phận hẩm hiu này. Lại chính dân Âu châu cũng đã từng bắt nhiều người đảo Rapa Nui mang bán cho xứ Peru. Hoặc có thể do những giao động của sóng ngầm El Nino, cả các cơn tsunami đã gây thảm họa trên môi trường sống của đảo. Tất cả tạo nên bao huyền thoại khiến Easter Island trở thành một bí ẩn vừa xa vừa lạ cho bao người.
Đảo
Phục Sinh nằm cô lập lẻ loi nhất thế giới, cách nơi gần nhất Pitcairn Island 2075 km, đảo kế tiếp là Tahiti 4050 km, xa bờ lục địa mẫu quốc Chile gần 4000 km. Và cũng là một trong
những đảo rất vắng cư dân. Nếu năm 1877 số dân chỉ còn khoảng hơn 100 người, do nghịch cảnh trong quá khứ, do một số người đã bỏ đảo theo những tầu thuyền đi sinh sống trên lục địa Chile, thì sau này được chính
phủ khuyến khích, một số khá đông đã về lại nơi chốn cũ. Và đáng kể là dân Rapa Nui đã luôn tìm đủ mọi cách để gìn giữ các truyền thống cha ông, từ chối sự xâm nhập của nền văn minh thời buổi "hoàn cầu hóa" đang được diễn tiến khắp nơi. Ngày nay với số dân 5800, nhưng người chính gốc
bản tộc Rapa Nui chỉ chiếm khoảng hơn một nửa. Hanga Roa là thành phố duy nhất trên đảo Phục sinh, chỉ thấy rất ít hàng quán và vài con đường lộ trải nhựa dọc ngang qua dăm cơ sở hành chánh, thư viện, nhà bảo tàng,
một cửa tiệm ghi
bảng hiệu Internet cạnh mái trường nhỏ vang tiếng trẻ nô đùa trên khoảng sân dưới bóng cây cành. Thấp thoáng là những căn nhà nhỏ gọn gàng
giữa mảnh vườn xanh mát cỏ hoa. Hanga Roa tràn đầy nét an lành, dung dị giữa trời biển bao la và tiếng sóng vỗ đều trên ghềnh đá.

Lý
do chính khiến Easter Island là "The Ultimate Destination" - giấc mơ cuối cùng của nhiều người không phải chỉ do đảo ở xa xôi cách trở quá, mà cũng vì chính phủ Chile lẫn dân cư Rapa Nui không muốn biến chốn xa hoang vắng này thành một nơi xô bồ với hàng loạt những hàng quán, khách sạn, khu thương mại, du lịch tập thể, sân bay to rộng với từng đợt
phi cơ vận chuyển ồ ạt đổ khách thập phương. Từ gần 20 năm trước, cuốn phim "Rapa Nui" của Kevin Costner đã là một mở đầu quan trọng dẫn đến "Le rêve ultime des voyageurs". Muốn đến đảo Phục Sinh du khách phải lấy
máy bay từ thủ đô Santiago, và khi đến đảo cũng không hề có những hotels khang trang hay resorts lịch lãm bên những bãi cát trắng ngần và nước biển xanh trong vắt đón chào. Một cách khác là đến thăm Rapu Nui với du thuyền.
Gia
đình Huyền Anh chọn chuyến World Cruise với ship Amsterdam của Holland-America Line vì thuyền ghé đảo Phục Sinh qua cuộc hành trình
transpacific. Khởi hành từ Miami đến các đảo Caribbean Sea, thăm Trung Mỹ, xuyên Panama canal.. Rồi từ lục địa Nam Mỹ xứ Peru, thuyền lênh đênh 5 ngày mới thấy hải đảo mong chờ. Sau lại bập bềnh sóng nước thêm 5
ngày nữa mới cập bến Papeete của thơ mộng Tahiti...