Hoài Niệm Về Ngôi Trường Bị Xóa Tên

04 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 161191)
Hoài Niệm Về Ngôi
Trường Bị Xóa Tên

img1


Năm 2008, trong một chiều trở về với Dalat, hương thông non chớm nở ngào ngạt suốt dọc đường đèo quanh co vào Thành-phố. Thoạt thấy bóng dáng thủy tạ trong hoàng hôn suơng mờ … lòng thấy rộn ràng như gặp lại người tình xa cách bấy lâu!
Nhà đó rồi nhưng không nở vội-vàng rời xa thành-phố thân thương này !
Ngồi một mình trên đồi thông trơ trụi, chỉ còn một gốc thông già khẳn khiu không khỏi chạnh lòng gợi nhớ một thuở xa xưa …
Khi tốt nghiệp vào đời tuổi còn quá trẻ, lại được điều về một trường nằm ở một góc xa thành phố, đìu hiu trên một ngọn đồi lác đác một vài chòm thông.
Những dãy nhà trải dài cong cong theo con đường nhỏ với những gốc hoa đào đang nở rộ : đó là khu trường nội trú của các em nghĩa tử quốc gia: Trường Bảo Long.
Từ cổng trường đi vào, bên trái là trụ biến điện rêu phong , ngừng chân ở một sân nhỏ, một dãy nhà dài là nhà ăn và khu nội trú. Lên bậc cấp cao là văn phòng nhà trường, sau lưng văn phòng là một ngọn đồi xoai xoải trống không! Xa xa là một giếng cạn đã lâu đời không có nước, tiền cảnh cho một ngôi biệt thự nguy nga nhưng tường long mái tróc như đã bị hoang phế từ lâu !.
Tôi được bố trí trú ngụ ở tầng lầu của một ngôi nhà biệt lập, tầng dưới là lớp học.Hình như các giáo sư được điều về đây cũng đều ở trong những dãy nhà ven đồi này

Buổi Chào Cờ Đầu Tiên
Trời cuối thu Dalat quá lạnh, phần vì không quen lạnh lại được quấn mình trong chăn ấm nệm êm, trời bật sáng từ hồi nào không hay biết !
Tôi xuống sân nhỏ thì đã thấy hai hàng học sinh tuổi độ 14 -15 không có đồng phục, mặc mặc áo len đủ màu, nét mặt vui tươi gò má đỏ hồng.Tôi đứng vào hàng các giáo sư: đâu chỉ có 5 người, tôi mới chỉ biết cô Thanh, cô Tứ.
Thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Phú cũng vừa mới đến nhiệm sở. Đứng cạnh học sinh là thầy tổng giám thị Bửu Vụ, thầy Chiếu làm văn phòng và ông Cai Phú. Sau gần một tuần tôi mới biết có chừng ấy thôi.Cô Tứ là người rất tốt bụng, thường chỉ dẫn cho tôi mọi điều khi còn bỡ ngỡ trong nghề ở một ngôi trường xa lạ .

Những Lớp Học Của Tôi Ở Trường Bảo Long
Vào niên học 1955, tôi được phân công hai lóp đệ ngũ và đệ tứ môn Việt văn và Sử Địa, một tuần chỉ có 12 tiếng vào buổi sáng. Trường chỉ có hai lớp đó và có khoảng 50 em.
Phòng học của lớp đệ tứ nằm tầng dười căn nhà tôi trú ngụ. Các em rất ngoan, tựa hồ như ít nói, nghe tôi giảng bài say sưa như những điều xa lạ, nhất là
những đoạn trích dẫn truyện của Tự Lực Văn Đoàn. Các Em lại thích nghe những chuyện về con người và khung cảnh Hà Nội mà tôi đã có dịp sống qua trong đời sinh viên . Những cái nhíu mày như thắc mắc, những suy tư thơ ngây hiện ra nét mặt, những nụ cười hồn nhiên nhưng trong đó có cái gì làm cho tôi xúc động! Có lẽ là ít được nghe những lời tâm tình thân mật của người thân như thầy trò hôm nay.
Sau giờ cơm tối , các em được dạo chơi trên đồi cỏ xác xơ vàng, các em nữ thì thường tụm lại chuyện trò, co ro cho đỡ lạnh; các em trai thi đánh đáo đánh bi trên con đường đất dọc theo dãy nhà ven sườn đồi .
Buổi chiều, tôi không có giờ nên thường ngao du khắp vùng với chiếc xe vespa, chiếc máy ảnh, trở về căn phòng trú ngụ ở trường vào khoảng xế chiều.
Mỗi khi thấy xe tôi đậu ở gốc đào, các em biết tôi đã về nên hay tìm đến chuyện trò …
Qua những buổi “ tâm tình ‘“ này, tôi cảm thấy các em rất đáng thương, không có một Hình ảnh nào trong tâm hồn về một mái ấm gia-đình!
Thấy tội nhất là lúc hoàng hôn xuống dần mà có em còn ngồi thừ bên gốc thông, trên bục cửa mà sững sờ, tầm mắt nhìn vô - cực - xa - xăm!

Khai Sinh Trường Trần Hưng Đạo
Dạy ở trường Bảo Long chưa hết niên học, gần kỳ nghỉ hè tôi nhận được công điện màu vàng gọi khẩn về trình diện Bộ Giáo Dục ở Saigon. Không kịp chào từ biệt các Em tôi dùng xe vespa chạy thẳng về Saigon.Tôi được thông báo là trường Nghĩa Tử Quốc-Gia Bảo Long sẽ giải thể:Các em có gia đình ở Dalat thì được tiếp tục học trường mới, các em gái chuyển về nội trú Gia Long Saigon; các em trai không có gia đình người thân thì được chuyển về trường Thiếu Sinh Quân ở Vũng Tàu .
Hà Nội di tản vào Nam đang mượn một dãy lầu của trường Petrus Ký làm lớp học .
Niên-học 1956-57, trường Bảo Long được thay tên trường là Trường Trung Học Trần
Hưng Đạo, nhận học sinh nam các cấp.
Trường Quang Trung chỉ dành cho nữ sinh và đổi btên thành Nữ Trung Học Bùi Thị
Xuân. Như vậy Dalat có hai trường lớn dành cho nam sinh và nữ-sinh riêng biệt.

Thủy Chung Với Trường Trần Hưng Đạo Sau mười năm dạy học ở Saigon, Võ Bị Đalat, tôi được biệt phái trở về lại chức vụ cũ ở trường sư phạm cộng đồng Long Annhưng tôi xin ở lại Đalat về Trường Trần Hưng Đạo là trường đầu tiên bước vào nghề dạy học của tôi .
Trở lại ngôi trường cũ, cách hơn mười năm đã thấy đổi khác rất nhiều: có thêm hai dãy lầu và một dãy lớp học thấp kề cận dãy nhà ven đồi. Cái giếng cạn vẫn còn, tòa lâu đài nguy nga sau cùng đồi lại càng thê thảm, đổ nát gần hết, trơ lại những bức tường hoen ố rêu phong.
Nam sinh đều đồng phục áo sơ mi trắng, quần khaki xanh đi vào trường từng chuỗi dài của các lớp cấp hai và cấp ba.
Tôi không được phụ trách môn chính mà chỉ dạy môn công dân và sử địa cho hai cấp.
Tôi không hiểu lý do? Tôi không sử dụng được văn bằng tôi có, đành phải đem “ bán phổi “ ở các trường tư thục trong địa bàn Dalat !
(lý do này tôi sẽ nói đến một bài khác: “ Nghề làm hiệu- trưởng của trường công và tư tại Dalat “)

Những Kỷ Niệm Đẹp Về Trường Trần Hưng Đạo
Các lớp học do tôi phụ trách nói chung rất ngoan. Đặc-biệt có một lớp đệ nhị cấp mà tôi nhớ nhiều nhất là lớp toàn là học-sinh dân-tộc thiểu số! Mỗi khi vào lớp điểm danh xong thiếu đường “ méo “ cả miệng cà lăm luôn! nào là Lơ-Mu-Hà-Krong, Lơ-Mu Hà-Sa, K’ Nock, K’ Nia …. Lớp học rất im lặng,tôi chỉ nghe tiếng tôi giảng bài như giảng vào sa mạc thinh-không ,
Những bộ mặt lạnh như tiền, không nói không cười, nghiêm túc đến phát sợ! Có khi muốn cho lớp linh hoạt vui lên môt tý , tôi đã nói đến những tập tục vui lạ của xứ này xứ nọ, những chỉ có tôi cười mà thôi!… tất cả như những tượng đá, có hỏi đến đích danh may ra mới có câu trả lời trong chờ đợi! Nhưng tôi đã nhận được sự phản hồi tình cảm rất sâu sắc với những mẫu chuyện nhỏ sau đây:

 * Con chim két với chiếc lồng tre
Gần ngày Tết, có một số em người dân tộc xin nghỉ sớm hơn một vài ngày để về quê ăn Tết. Vì các buôn làng của các em này ở rất xa, bên kia dãy núi Langbiang!
Các em phải băng rừng hai ngày một đêm mới đến nhà. Thế mà sau Tết trở lại trường có một em tên là Ha Sa xách đến nhà biếu tôi một con chim két mỏ đỏ trong chiếc lồng tre đơn-sơ mà em đã xách nó suốt mấy trăm dặm đường vì biết tôi thích nuôi chim !

 * Cắm trại đêm tại sân trường trước ngày niên lễ
Cuối đông nhưng trời không lạnh lắm, trường tổ chức đêm trại vui chơi trước khi nghỉ Tết.Thôi thì đủ các trò chơi kèm theo những phá phách kinh hoàng, ăn uống cháo chè suốt đêm!
Sáng ra có một em ở gần trường đến khóc nói với tôi: “ Đêm hôm qua các bạn mò vào nhà em bắt mất hai con gà mái đẻ của mẹ em nấu cháo ! “
Tôi phải đi quyên góp trả tiền gà. Tôi không được dự phần mà còn chịu tiền nặng nề hơn cả. Đêm đó tôi đã không ở lại trường mà trở về nhà vào nửa khuya, lại biết thêm một chuyện tày trời trong đêm qua: một số học sinh núp trong bóng tối bất mản phát ra nhiều lời xúc phạm đến hiệu trưởng! lại là lớp của tôi hướng-dẫn!!

 * Chương Trình “Gà Của Ta”
Trong khi cả nước phát động phong trào chấn hưng kinh tế; chính-sách “Người Cày Có Ruộng” nhằm cung cấp ruộng đất cho nông dân, chính sách “làm chủ xe lam, xe taxi ‘ ‘ “ … nhà trường cũng có những hoạt động nhỏ cho học sinh tham-gia ,
Tôi đề ra “Chương trình GÀ CỦA TA” đượcnhà trường chấp thuận với sự hỗ trợ của các đồng nghiệp có kinh nghiệm nuôi gà công nghiệp; đó là giáo sư Nguyễn Vĩnh Lạc , Nguyễn văn Thái. Các giáo sư Đặng Ngọc Ấn, Nguyễn Đình Cường phối hợp tổ chức . Mỗi em được mua giá gốc hai con gà con của trại gà SCALA. Tự nuôi và báo cáo hằng tuần cho giáo sư hướng-dẫn. Sau hai tháng đem gà đến thi đua nhận thưởng.Giải thưởng chẳng có gì nhưng dạy cho các em biết lo cho kinh tế gia đình, rèn luyện kỹ năng chăn nuôi và nhất là đặt trọn vẹn sự tin tưởng ở các em, tự mình trung thực với mình không dối trá thay đổi gà mua ở chợ là chính !

 * Lễ Giỗ Đức Trần Hưng Đạo
Hằng năm có tổ chức lễ giỗ Đức Trần Hưng Đạo, tổ chức nghi lễ cỗ truyền do Anh Phan Thái chủ lễ áo mão chỉnh-tề. Cả một khu đồi đầy màu sắc cờ tứ linh, cờ đuôi nheo, lính hầu ăn mặc theo lối xưa. Ba hồi chuông trống ngân vang, trang nghiêm , oai hùng nhớ lại những trang sử hiển hách của Hưng Đạo Vương mà nhà trường được mang tên ngài.

Trường Trần Hưng Đạo Sau 1975
Sau biến cố 1975, các giáo sư di tản mọi nơi lục tục kéo về , lúc đó Phạm Phú Thành được tín nhiệm tiếp quản nhà trường, điều động phân công cho các giáo-sư: người được quyền đứng lớp vì không dính dáng đến lính tráng như Đoàn Huy Long, Giản,Nguyễn Trí (sau tự thiêu chết), hoặc có công với “cách-mạng” hoặc là “nằm vùng”.Còn một số khác như Phạm Tạo, Đặng Ngọc Ấn, Huỳnh Tấn Đó và tôi không được lên lớp mà chỉ lo những công việc tạp dịch như quét dọn, vệ-sinh nhà cầu …Tôi và Phạm Tạo về nằm nhà chờ đợi đi học tập vì ở phường, tôi và Tạo ngày ngày trên loa vẫn kêu tên đi trình diện .
Buồn cười nhất là Phạm Tạo cứ thúc giuc tôi chuẩn bị “ba-lô” đi trình diện “ đi sớm về sớm!”. Vì nghe nói chỉ đi tập trung học tập 10 ngày rồi trở về nhiệm sở! Nhưng tôi vẫn không tin, trốn chui trốn nhủi, may mắn được một ông miền Bắc chi viện (ông Hồ Phú Diên rất quý trọng trí thức Miền Nam,sau bị đưa về Phan Rang và bị xe bò cán chết). Nhờ tôi giúp đở khi tiếp quản khu “petit lycée” và tôi ở lại đó suốt ngày đêm. Công an đến nhà vẫn không bắt được tôi.Khi các dợt tập trung chở đi học tập ở Sông Mao chấm dứt, tôi thoát được. Phạm Tạo từ 10 ngày kéo ra thành 4 năm !!
Chẳng bao lâu Phạm Phú Thành bị cho thôi việc (có lẽ vì có bà con với Phạm Phú Quốc!) nhà Trường trao lại cho một anh chi viện miền Bắc: Lê Cảnh Tuân .
Cuối cùng ,công-an Dalat lên danh sách những giáo-sư, giáo viên ở các cấp, các bác sĩ như B/s Giác, B/s Khiêm, B/s Liễn,các kỹ-sư, trắc họa viên sở địa dư …còn sót lại, cùng một số giáo viên công nhân viên thuộc loại gia-đình “cách-mạng”, con liệt sĩ (lầm đường lạc lối !) tập trung đưa vào trại cải tạo thiết lập ngay ở Chi-lăng (vốn là trại cải huấn cũ).
Giáo sư Trần Hưng Đạo có Huỳnh Tấn Đó, Lê Văn Hà, Lê Văn Duy, Trương Văn Hoàn,Tạ Tất Thắng, Nguyễn Nhân Bằng… và tôi .May mắn trại này do bộ đội quản lý nên không bị đày ải lao động, hơn nữa vì trong đó có cả thành phần con cái thân quen gia đình cách mạng.
Sau khóa học một tháng, một số đưa tiếp đi trại Sông Mao, còn ra các ban ngành trong Dalat đến nhận người về.
Riêng các giáo viên (không còn gọi là giáo sư nữa) các cấp thuộc ngành giáo dục tập trung quản chế hai năm tại trường Hoàng Diệu (Việt Anh cũ). Giáo sư Trần Hưng Đạo nay có thêm Đặng ngọc Ấn mà không có Tạ tất Thắng ! Ngày ngày tập trung tại trường, không được lên lớp dạy, chỉ được phân công: Trương Văn Hoàn , Huỳnh tấn Đó ,Lê Văn Hà , Lê Văn Duy nhận sổ hàng mua khăn, vải, đồ phụ tùng xe đạp theo tiêu chuẩn cho giáo viên dạy lớp, còn ra chia nhau đi chợ sắp hàng mua nước mắm, cá,thịt, rau, gạo… về phân chia từng phần cho giáo viên hằng ngày của trường sở tại ...Chúng tôi là thành phần bị quản chế nhận trợ cấp 40 đồng và 15 ký gạo hằng tháng !

Trường Trần Hưng Đạo Điêu Tàn
Trường vẫn do cán bộ miền Bắc quản- lý nhưng không hoạt động. Tôi vẫn còn duyên với Trần Hưng Đạo nên thường được gọi lên trong công việc sắp đặt lại phòng thí nghiệm hóa lý, thư viên còn sót lại. Thiết kế lại mạng lưới điện cho ngôi nhà gần cỗng trường, máy bơm nước và những việc linh tinh khác. Các dãy nhà lầu sau đồi, các khoảng đất chung quanh bị dân “nhập-cư” chiếm từng miếng đất làm nhà, tất cả cửa lớn nhỏ đều bị cạy lấy đi hầu hết. Các phòng học trống không hoang tàn.
Cán-bộ không làm gì được đành trở về ty giáo dục, trường giao cho một xí nghiệp dùng các phòng học để nuôi heo! Vì không còn cửa che chắn=, gió lạnh lùa vào heocon heo mẹ lần lượt chết, một phần vì vắng vẻ heo bị trộm ôm đi gần hết !!
Xí nghiệp heo Trần Hưng Đạo tan rã, trở lại cảnh hoang phế càng thê thảm !
Đến những năm gần đây, Nguyễn Quang Tuyến, một học sinh cũ của Trần Hưng Đạo làm ăn khấm khá cùng với một số nguời có “dù che” mua lại Trường Trần Hưng Đạo giữ lại nguyên vẹn cổng trường như xưa,bên cạnh phía tay phải mở ra một khu đất rộng , xóa bỏ một số nhà ven con đường cong cong, xây dựng những dãy nhà tráng lệ nguy-nga… đặt bảng tên là Đại Học Yersin.
Trường Trung Học Trần Hưng Đạo cho nam sinh lớn nhất Dalat kể từ đó bị xóa tên!

Tinh Thần Trần Hưng Đạo - Nghĩa Thầy Trò
Sau những năm mãn hạn quản chế , một số giáo sư cũ của THĐ được đi dạy lại,
Một số không được dạy, thay đổi làm những nghề khác mưu sinh: Huỳnh Tấn Đó mở tiệm thuốc đông y, một số lớn về làm vườn, chăn nuôi heo … tôi vẫn còn nặng nợ với giáo dục nên được thành phố giao cho thiết kế xây dựng các phòng thí nghiệm các môn học: lý, hóa, sinh, nghe nhìn với tên gọi là Trung Tâm Thí Nghiệm Thực Hành cùng với anh Vàng Huy Lập do ủy ban thành phố cử theo dõi, mục-đích để phục vụ cho các thầy cô trong những tiết thực hành.
Trong hai năm Trung Tâm TNTH đã hoàn tất đi vào hoạt động, gặp lúc giảm biên chế giáo viên, cán bộ các cấp, tôi được ra khỏi ngành mưu sinh bằng các nghề tự do.


 • Em Trần Hưng Đạo Mà Thầy !
Xe bốn bánh của tôi bị tịch thu, di chuyển làm ăn bằng chiếc xe đạp cũ hư lên hư xuống hoài. Vốn là đồ phụ tùng, nhất là vỏ ruột chỉ bán theo tiêu chuẩn cho cán bộ công nhân viên, người dân thường phải mua giá chợ đen!
Một hôm đang đi, xe phình ra nổ rồi xẹp lép, tôi phải dẫn vào một góc nhỏ có người vá ruột, sửa xe cạnh đó. Người thợ sửa xe lúi húi cạo vá trong một lát thì xong, tôi chuẩn bị tiền để trả thì người thợ sửa xe ngẩn đầu cười rất tươi trên guơng mặt lấm lem :
“ Em, Trần Hưng Đạo đây mà Thầy !” và không chịu nhận tiền .

• Thầy Yên Tâm - Có Em đây!
Các hồ ao trong thành phố Dalat, dù một dòng suối cũng đều do nhà nước quản lý.
Hồ Xuân Hương bị cấm câu cá. Tôi lại thích câu cá phải đi thật xa ở các hồ ao nhỏ, cỏ rác hoang vu trong tận cùng những hốc núi Tuyền Lâm cùng với một số người câu cá để cho gia đình khi cá tôm tươi là thức ăn của người khá giả, của cán bộ công nhân viên nhà nước chứ người dân đâu có đủ tiền mà mua! Phải tự xoay xở kiếm thức ăn tươi sống.Tôi cũng trong lớp người đó .
Một hôm bị một toán công an ùa đến lấy hết cá, tịch thu cần câu… bỏ lên xe chạy về thành phố sau khi ra lệnh: “ Phạm pháp, chỗ này cấm câu! Ngày mai lên công an thành-phố đóng phạt 100.000 lấy giấy tờ và đồ câu về !”. Tôi và các bạn nhìn khắp nơi chẳng thấy bảng “cấm câu” ở đâu cả trong một xó rừng vắng vẻ thâm u này!
Tôi làm đơn lên công an tỉnh khiếu nại, liền được một trung úy công an tiếp đơn sau khi mời ngồi. Anh này tỏ vẻ rất lịch sự, mời uống trà rồi đọc đơn khiếu nại của tôi.Chẳng nói gì, vẫn mời nước và hỏi chuyện làm ăn sinh sống của tôi ra sao.
Rồi ra cửa gọi một anh công-an: “ Đồng chí lấy xe đưa ông này qua công an thành phố “rồi dặn dò gì đó, tôi chỉ nghe anh công an nói to: “rõ”. Trung úy công an quay lại tôi:“Em Trần Hưng Đạo đây Thầy! mọi việc không có gì, Thầy yên tâm theo xe qua thành phố rồi bắt tay đưa tôi ra xe.

 * Rọ Cá Cho Thầy
Tôi lại đi câu cá thật xa, vào tận những buôn người dân tộc cuối đường lên Suối Vàng Suối Bạc. Trời đã quá trưa, tôi vội buông câu chờ cá thì có một anh người dân tộc đi qua nhìn tôi rồi la lên: “Thầy T.!” rồi nắm chặt tay tôi. Tôi nhìn ra là Ha Ra: “có phải Ha Ra đó không?”
 - Dạ, em học Thầy ở Trường Trần Hưng Đạo năm đệ nhị.
Rồi liếng thoắng nói: “ thôi, Thầy cuốn câu theo em về nhà chơi cho biết”.
Lâu lắm, ở nơi xó rừng này mà gặp học trò thật qúy nên tôi vui vẻ cuốn cần dẫn xe theo Ha Ra về nhà gần đó. Một gian nhà nhỏ, có bày hàng quán bán linh tinh. Rồi em ấy lấy ra một hủ rượu, một dĩa cá khô nướng mời tôi nâng chén nhậu. Thầy trò vui vẻ kể nhiều chuyện xưa cũ đến xế chiều, tôi từ giã ra về. Ha Ra nói: - Thầy chẳng cần câu làm gì, hôm nào theo em đi tát đìa trong hai tiếng tha hồ bắt cá lớn nhỏ đủ cả. Cứ 15 - 20 ngày em đi tát đìa bắt được cả thúng cá, vừa để ăn, vừa trọng lại bán cho nguời trong buôn khi họ cần, hoặc phơi khô để dành mưa gió…
Đưa tôi ra xe, không quên móc vào xe tôi một rọ tre với con cá lóc thật lớn: Em biếu Thầy đó, khỏi cần câu mà !
Tôi thực-sự xúc-động, ân nghĩa Thầy trò thật qúy hiếm biết bao trong lúc khó-khăn này.

 *Thưa Thầy,l Em Là K’ NocK đây!
Tôi được giấy phép tiếp xúc với Việt kiều và người nước ngoài để chụp hình, quay video. Có một dịp tôi hướng dẫn hai sinh viên người Pháp muốn chụp một số hình ảnh ngưòi dân tộc để làm bộ ảnh thi ra trường do một người bạn ở Pháp giới thiệu.Tôi dẫn họ lên buôn Măng-lin trên đường lên Suối Vàng , cách Dalat một cây số.Tôi vào buôn muốn gặp Trưởng làng để xin phép. Đứng trước mặt tôi là một thanh niên mạnh khỏe :
 - Thưa Thầy, Em là K’NOCK, học-trò Trần Hưng Đạo, nay là trưởng làng ở đây.
Rồi em K’NocK cho tôi hay các em khác cùng lớp như Lơ Mu Hà k’ rong ,làm trưởng phòng thông tin văn hóa quân Lạc Dương, Lơ Mu Hà Ra làm giáo viên trường Lạc dương…và vui vẻ hướng dẫn cho tôi cùng các sinh-viên nước ngoài chụp sinh hoạt,nhà cửa, con người trong buôn không chút e dè.
Khi ra về còn gửi cho tôi túi xách do người dân tộc trong buông dệt, vòng đồng truyền thống của người dân-tộc hay deo …Tôi tự nghĩ đây quả là ân đức vô lượng của nghề dạy học .

*Tách Nước Trà Tình Nghĩa

Trong giai đoạn tôi bị quản chế cùng với các bạn ở trường Hoàng Diêu (tức là Trường Việt Anh cũ) thường được anh cán bộ giáo dục miền Bắc đang quản lý trường Trần Hưng Đạo điều về trường quét dọn sắp đặt lại những chai lọ trong phòng thí nghiệm,sắp xếp lại số sách còn sót lại không ai thèm lấy, linh tinh đủ loại ngổn ngang...Có một trưa, tôi mãi lau chùi tủ kệ mệt nhoài … buông tay ngồi nghĩ vẩn vơ thì thấy ông cai Phú bưng vào cho tôi một chén trà còn nóng: ‘Thầy nghỉ tay, mời Thầy uống nước đã’ Tôi đở chén nước, nhìn ông mà nghẹn lời …chỉ muốn ôm chầm lấy ông !

Thay Phần Kết
Hoàng hôn đã xuống tự bao-giơ! Tôi lững thững bước vào Thủy Tạ, nơi đã để lại những kỷ niệm một thời khi còn là giáo sư trường Trần Hưng Đạo sau buổi dạy chiều thường cùng các bạn bè ngồi nhâm nhi tách cà phê ngắm hoàng-hôn kéo dài cùng sương mù phủ trên mặt hồ lặng sóng .
Nay cũng đã trở về ngồi lại khung bàn cũ ngày xưa mà tưởng nhớ đến trường xưa, ngày ngày lên xuống qua những con đường dốc uốn khúc, băng qua khu phố sầm uất, thanh thản di qua đồi Mả Thánh quen thuộc, qua những vườn rau cải, những khu vườn dâu tây thơm ngát ngọt ngào…mà nhớ đến các bạn đồng-nghiệp nay kẻ mất người còn, phiêu lạc khắp mọi nơi… chóp trường Lycée còn đó, mái ngói nha địa dư còn đó, đỉnh nuí Langbian ẩn hiện trong sương, mà dấu tích ngôi trường Trần Hưng Đạo chỉ còn trong tâm-tưởng.Tôi lặng người đặt tách cà phế xuống bàn mà miệng còn nghe đắng…!

img2img3
Đệ Nhất A NK 62-63 với GS hướng dẫn Lê
Thành Châu và GS Trần Phương Thu

lênguyễndalat
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn