Ngày Xưa Thân Ái

04 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 133323)
NGÀY XƯA THÂN ÁI

img1

 Tôi nhớ đã đọc ở đâu đó trong một bài viết không rõ xuất xứ “Tuổi thanh thiếu niên là thời gian đẹp nhất một đời người”. Tuổi mới lớn đầy niềm tin và hoài bão, chất chứa những dự định, những khai phá lớn lao trong tâm tưởng, đồng thời có những bất cần, khinh bạc với cuộc đời.

 Khi mới nhớn tuổi mười lăm, mười bảy
 Làm học trò mắt sáng với môi tươi
 Ta bước đi chân vẫn dạo bên người
 Ngoài cặp sách trần ai xem cũng nhẹ
(Thơ Đinh Hùng)

 Với tâm thế như vậy, chúng tôi đã vào trường trung học Trần Hưng Đạo với những háo hức khám phá những chân trời mới. Trường Trần Hưng Đạo là trường nam trung học công lập lớn nhất của Cao Nguyên Trung Phần lúc bấy giờ. Trường được kiến trúc rất độc đáo, những phòng học được xây cất từ lưng chừng đồi với một dãy hai tầng một lầu một trệt chạy dài đến đỉnh đồi theo thứ tự từ văn phòng là dãy lớp Đệ Thất, Đệ Lục, kế đến là hội trường, tiếp đó là dãy của các lớp Đệ Ngũ, Đệ Tứ, Đệ Tam, cuối cùng là dãy của các lớp Đệ Nhị, Đệ Nhất. Cách xây dựng các dãy lớp giống như quá trình phấn đấu của học sinh từ lớp thấp nhất - Đệ Thất - đến lớp cao nhất là Đệ Nhất, có sự thăng tiến đi lên theo từng cấp học.
 Bên cạnh con đường nhựa chạy đọc từ văn phòng lên hết dãy lớp Đệ Nhất vòng qua nhà hoang là sân bóng đá, nơi mà chúng tôi đã quần thảo trong những trưa nắng gắt hay những chiều êm ả. Cạnh sân bóng là hồ Vạn Kiếp trong xanh, lá phổi của vùng rau Ấp Hà Đông, không hiếm những buổi chiều chúng tôi bơi lội, nghịch ngợm thả mình trong làn nước mát. Trường có một lối đi nhỏ bằng ciment, ngang khoảng hai mét, bên cạnh sân cờ và sân bóng rổ, dọc từ văn phòng lên đến các lớp Đệ Nhị, Đệ Nhất hai bên trồng cây khuynh diệp. Những tầng cây như chiếc vòm xanh che mát cả khoảng đường. Những ngày mưa bão tháng 7 tháng 8 những ngọn cây cao vút quằn quại, vật vã tưởng như chạm vào nhau, và con đường đầy những lá thông và lá khuynh diệp bay. Những ngày của tháng 12 Noel hay Tết tây trời trở lạnh, buổi sáng đi học mây phủ quanh trường không rõ từ đất bốc lên hay từ trên trời bay xuống. Trường lung linh trong màn sương mỏng, chúng tôi lãng mạn gọi là ngôi trường trên mây…

 Cạnh bãi để xe là dãy hàng quán bán bánh kẹo của ông cai trường. Nhưng với chúng tôi, có một món ăn độc đáo được khai sinh từ trường Trần Hưng Đạo và chắc ít nơi có: bánh mì bò bía. Ổ bánh mì chứa những sợi sắn dây, cà rốt hấp chín, thêm một ít tôm khô, lạp xưởng kèm theo tương ớt, tương đen. Cắn một miếng vị ngọt của sắn, cà rốt theo sau vị cay cay của tương ớt tạo nên một hương vị khó tả. Với chúng tôi đó như là một món điểm tâm đặc biệt nhất và ghi dấu suốt thời gian chúng tôi học ở trường.
 Và các bạn học của tôi từ lớp Đệ Thất đến Đệ Nhất, cùng học với nhau bảy năm là những L.K.Thắng, học giỏi trong tất cả các năm học, đều tất cả các môn, nói chuyện như một ông cụ non hiện định cư ở Úc, thỉnh thoàng về Đà Lạt tập hợp lớp dùng một bữa tiệc chay thi vị, vui vẻ. H.M.Toàn học tiếng Anh rất giỏi, trong những buổi tiệc cuối năm Đệ Nhất, Toàn phỏng vấn các bạn bằng Anh Văn, không ai đáp lại được và Toàn tự trả lời cũng bằng tiếng Anh. Toàn về một lần tháng 12.2004 và sự quan tâm, giúp đỡ của Toàn khiến tất cả các bạn cảm động, T.T.Dân hình dáng và nói năng như một nhà hiền triết, rất thận trọng khi phát ngôn, là cây thơ của nhóm, chăm chỉ trong công việc như con ong thợ hút mật. Còn những bạn bảy năm khác như T.D.Quyền, N.A.Ngọc, N.Q.Trực…hôm nay công việc đã ổn định, đã lên chức ông nội, ông ngoại, nhưng tính cách như ngày mới vào trường.
 Đặc biệt lớp tôi có khoảng 6 bạn người dân tộc từ Lạc Dương lên học từ năm 1962. Suốt trong những năm các bạn học tại lớp, những Sin Tè, Le mur Ha Krong… đã lập thành một đội bóng chuyền vô địch toàn trường. Không cần tập luyện, cứ có giải bóng chuyền các bạn lại ra sân và thắng như chẻ tre bởi vì gần như chiều nào các bạn cũng giải trí, thư giãn bằng cách chơi bóng chuyền tại buôn làng hay nơi các bạn trọ học. Các bạn phát âm ngoại ngữ rất chuẩn, các thầy dạy Pháp văn thường kêu các bạn đọc những từ khó làm mẫu cho cả lớp.

 Có một người bạn không thể không nhắc đến là H.C.Định. Năm Đệ Thất B chúng tôi học cùng nhau, Định rất nghịch, thỉnh thoảng giờ ra chơi lại đến khoèo chọt các bạn từ sau lưng, hay hất cặp của các bạn nhất là tôi, khiến tất cả rơi tung tóe dưới đất rồi chạy vụt đi, tôi có muốn chạy theo trả đủa cũng không thể vì Định rất nhanh. Thoạt đầu chúng tôi rất ghét nhau, nhưng khi Định chuyển nhà đến đầu đường Phan Bội Châu, cùng đi học, cùng sở thích về sách vở, điện ảnh… thì cả hai bắt đầu một tình bạn thân thiết. Nhớ những lần cùng học thi Tú Tài 1, Tú Tài 2 hay những bữa đi nhậu, bù khú với nhau tại Pleiku năm 1973-1975. Định rất khéo tay hay làm, đã từng làm một bếp nấu ăn bằng hai lon Guigoz gửi cho tôi lúc đang học tập tại Tuy Hòa. Tóm lại Định là bạn học, bạn lính, bạn láng giềng và trên hết là bạn thân nhất của tôi.

 Những buổi trưa trời mưa không về được, trên hành lang lớp Đệ Nhất, tôi đã trò chuyện với N.B.Khoách về Krishnamurti, Jean Paul Sartres, Albert Camus mở ra một tình bạn văn chương. Lớp trưởng N.Q.Quân luôn tiếu lâm, vui vẻ, đem cả tinh thần Hướng Đạo vào những sinh hoạt của lớp và trong cách hành xử ngoài xã hội. Đ.K.Nhu, người bạn chưa bao giờ học cùng lớp (tuy cùng ban) từ một học sinh chăm chỉ trở thành một người khác hẳn sau hơn 30 năm gặp lại, mê uống rượu vang đọc thơ Quang Dũng một cách hào sảng. Lê.V.Hung vui vẻ, hòa đồng, ngoại hình và tính cách của Hung thể hiện đúng như công việc của Hung trong suốt những năm qua là một nông dân. B.H.Phước đi lính sớm nhất trong nhóm bạn. Phước lúc nào cũng trào lộng nhìn sự việc qua lăng kính hài hước chua cay nhưng vẫn hàm ý xây dựng. N.H.Đức, trưởng ban TCVN tạo nên một Ban Du Ca, trình diễn ở hai trường Trần Hưng Đạo và Bùi Thị Xuân còn được nhớ đến nhiều trong các hoài niệm của cựu học sinh Trần Hưng Đạo.

 Đặc biệt năm Đệ Nhất 1968-1969, lớp tôi có khoảng hơn 10 nữ sinh Bùi Thị Xuân qua học lớp Đệ Nhất B1 vì trường nữ Bùi Thị Xuân không có ban B (Toán). Tuy cùng học với nhau chỉ một học kỳ nhưng các bạn có nhiều điều đáng nhớ. N.Giang học giỏi nhất trong số nữ sinh, làm bài thơ nổi tiếng “Bọn Hắn” để đáp trả sự phá phách, nghịch ngợm của nam sinh. H.An vẫn tính cách nói năng chậm rãi, từ tốn. L.T.Phụng chu toàn trong mọi công việc, nhất là trong công tác thủ quỷ của nhóm. Và H.Mai sau nhiều năm không gặp từ đám tang của phụ thân, lien lạc với lớp thường xuyên, nói năng nhẹ nhàng khoan thai, là người bạn thân ái tạo niềm tin cho người đối diện. Đáng quý là những bạn nữ từ lúc nhóm ái hữu cựu học sinh Trần Hưng Đạo 1962-1969 hình thành khoảng 1990 đến nay vẫn sinh hoạt đều đặn , nhiệt thành và có mặt đầy đủ trong các buổi họp mặt.

 Hơn 40 năm qua, chính xác là 42 năm, trường Trần Hưng Đạo xưa đã trở thành Đại Học Yersin. Dãy nhà học vẫn còn đó, được tân trang mới hơn, đẹp hơn. Cảnh cũ còn đó nhưng hồn xưa đâu rồi? Thay đổi rõ nét nhất là hồ Vạn Kiếp trong xanh xưa kia nay đã thành khu đất xây dựng và trồng hoa, trên diện tích mới những mái ny lông che phủ, ngăn tầm mắt không thể thoải mái nhìn ngắm thảm cỏ xanh tươi, hàng cây ven hồ ngày xưa.

 “Cho tôi lại ngày nào, trăng trên đầu ngọn cau”
 (Ca khúc Kỷ Niệm của Phạm Duy)

Vâng, cho chúng tôi lại ngày cũ, dù trong khoảnh khắc, để trở lại là những nam sinh, nữ sinh Trần Hưng Đạo trong những tình cảm thân ái gần gũi “làm học trò mắt sáng với môi tươi” để thỉnh thoảng “hồn lơ đãng mộng ra ngoài cửa lớp” và nhất là được thở, được sống trong không khí hào sảng, trầm hùng của Bạch Đằng Giang muôn năm cũ.

Phùng Ngọc Tường
img2 img3


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn