BWCA Trại Viễn Thám Minnesota

04 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 174092)
BWCA: Trại Viễn Thám Minnesota - Hướng Đạo Việt Nam

Năm 2011

Bút Ký Của Thanh An

img1

Lời giới thiệu: Thanh An, cựu nữ sinh trung học Bùi Thị Xuân tham gia sinh hoạt Hướng Đạo tại Đàlạt từ thập niên 60. Khi định cư tại Hoa Kỳ, tuy không tham gia sinh hoạt trực tiếp với các đơn vị Hướng Đạo Việt Nam, nhưng Thanh An thường có mặt trong các trại họp bạn HĐVN, đặc biệt Thanh An thường tham gia vào các trại thám du có tính cách mạo hiểm đòi hỏi trại sinh phải có những kỹ năng “sống ngoài trời”cao và trải qua những cuộc tập luyện gian khó trước khi lên đường.

img2



















img-textNgày Một: Ngày Du Hành

 “Dậy đi thôi, dậy đi thôi.” Tiếng thúc dục của ai đó, làm tôi choàng tỉnh dậy, nhìn qua khung cửa sổ, ngoài trời vẫn còn đen thăm thẳm, mọi người lên, xuống, ngược, xuôi, nói, cười rổn rang trong căn nhà trọ. Việc ai nấy nhớ, ai nấy làm, trong chốc lác mọi người đã sẳn sàng leo lên ba chiếc mini van rời thị xã Eagan gần thành phố Minneapolis, tiểu bang Minnesota trực chỉ về hướng bắc đến trại Tuscarora, là nơi chuyển tiếp để lên đường, làm cuộc viễn thám dài trong bảy ngày nơi vùng đất hoang dã, rộng bao la dọc theo biên giới Gia Nã Đại có tên gọi BWCA (Boundary Water Canoe Area of Minnesota)

img3

(Các trưỏng Việt, Hùng, Tuấn và Dũng)
BWCA vẫn còn là nơi mơ hồ trong trí tưởng tượng của tôi, mặc dầu tôi đã làm quen với những hình ảnh sinh hoạt đó trên internet.Vietnamese Scout Expedition 2011là một chương trình thám du được chuẩn bị kỷ càng trong vòng tám tháng của bốn trưởng Hướng đạo (Hùng, Tuấn, Dũng,Việt) cho mười bốn Hướng đạo sinh vào BWCA với mục đích rèn luyện, thử thách và tạo cơ hội cho các em sống thực với đất trời, mây nước, núi rừng, muỗi ruồi, sâu sít, quan trọng hơn là phải sống hùng dũng, hiên ngang trong những điều kiện khó khăn để thoát hiểm, đề sống còn và cũng là cơ hội cho các hướng đạo sinh nhìn lại mình với những ưu, khuyết điểm của thể lực, tánh lực và tâm lực trong tinh thần khai phá, tinh thần đồng đội, nhờ vào đó sẽ trao dồi rèn luyện thêm, để tiếp tục sống trọn vẹn trong cuộc chơi của Hướng đạo.
 Các trại sinh đã gặp nhau nhiều lần trước đây, được huấn luyện theo từng vùng và liên lạc làm việc với nhau rất nhịp nhàng nhờ vào tinh thần hướng đạo cao. Vì thế vào giữa tháng năm, chúng tôi là những trại sinh từ năm sáu đoàn hướng đạo khác nhau ở bắc, nam Cali và Houston, gặp nhau tại Newport Base, nam California, cùngtrải qua một ngày huấn luyện chung để trắc nghiệm tinh thần và thể chất cần thiết cho trạinhư kỷ thuật vác xuồng, chèo xuồng liên tục trên đoạn đường dài tám dặm theo gío ngược, gió xuôi, kỷ thuật cấp cứu khi xuồng bị img4lật, sinh hoạt lành mạnh, vui chơi tập thể, cũng trong thời gian này, mười tám trại sinh chia ra làm hai toán, toán trưởng là Việt và Dũng, mỗi toán có hai đội, tôi trong toán của Việt, đội trưởng Tim, cùng sinh hoạt với Hùng, Dan, Steve, Randall, Brian, Trí. Là ngày cho tôi nhiều niềm vui bên những người bạn mới quen, nhiều thích thú trong thử thách, tinh thần đồng đội thể hiện rất hài hòa khiến tôi nhớ hoài.
 Rời nhà trọ ra đi khi màng sương là đà dưới bước chân, tiết trời vẫn hầm nóng và ẩm thấp, từng xe một bỏ lại sau lưng con đường mới quen, ba chiếc van nối đuôi nhau phom phom trên đường dài, Tuấn lái xe, Hùng kiểm soát lại kế hoạch, Dan, Vina, Vilan thiêm thiếp gật gù với giấc ngủ trong lòng xe máy lạnh thổi rì rào, tôi cũng chìm trong nữa mê, nữa tỉnh của cơn thèm ngủ. Một khoảng thời gian vắng lặng trôi theo dòng xe ngược xuôi, ánh bình minh dần ló dạng cùng lúc ba xe ra hiệu dừng lại Gooseberry, rủ nhau đi bộ qua hai ba con đường đến Gooseberryfall.
 Khi bước vào chân thác, tôi bỡ ngỡ và chưng hửng không ít. Một bức tranh tuyệt tác, mộtgóc trời đồ sộ với ba tầng lớp đá cao ngất chồng lên nhau, hùng vĩ nổi bậc dưới bầu trời cao rộng, dòng nước bạc dựa vào vách đá ồ ạt đổ xuống nghe rền vang, thác làm thành những dòng sông nhỏ uốn lượn theo triền dốc đổ xuống đồng bằng thấy sao thân thương quá. Như chân chim, mượn tay nhau, chúng tôi nhảy từ mỏm đá này sang sườn đá khác, nô đùa dưới nắng mai để rồi bắt gặp mình với những ngày xưa thân ái. Vậy đó, Gooseberry fall đã làm mềm lòng tôi sáng nay.
 Mặt trời lên cao cùng với tiếng nói cười rổn rang của mọi người trên xe tiến về phía trước, những hồi tưởng êm ái của Hùng và Tuấn với những ngày tháng đầu tiên tị nạn trên vùng đất này, một chuổi kỷ niệm khơi dậy với lòng kính mến và cảm phục đối với những vị ân nhân, với những phấn đấu kiên cường của chính mình cho tương lai trước mặt đã làm ba chúng tôi như gần guĩ, cảm thông nhau hơn khiến đoạn đường dài như ngắn lại. Xe băng qua thành phố Duluth rồi dừng xe lại Grand Marais để nghỉ ngơi, khu thương mại Grand Marais nằm dọc theo bờ hồ phủ dày đặc sương mù, che lấp tàu bè đang đậu, tôi học cách ném đá trên mặt hồ từ các HĐS, cùng các em dạo phố mua sắm và ăn trưa trên công viên với những miếng pizza nóng hổi ăn vào như muốn bỏng cả môi.
 Thời gian bảy tiếng đồng hồ di chuyển đã qua, cuối cùng xe từ từ lăn bánh vào con đường nhỏ, quanh co rồi dừng lại trong lòng Tuscarora Resort. Đây là khu đất nghỉ mát, là trạm lưu trú, chuyển tiếp cho những ai muốn thám hiểm miền bắc nước Mỹ, rộng trên một trăm mẫu với hai mươi hai tòa nhà nghỉ mát nằm rải rác trong những tàng cây xanh ngắt màu lá, cuối trại là con đường mòn Gunflint nằm giữa hai hàng núi đá thấp, nhấp nhô, uốn quanh với diện tích khá lớn, giữa là mặt hồ lớn, nước trong veo, đàn cá ly ty quất quít dưới đáy hồ, trông rất ngoạn mục.
 Những chiếc xuồng (canoe) màu bạc, lấp lánh nắng chiều xếp ngay ngắn trên dàn như đang yên nghỉ. Phòng ăn, phòng họp, phòng ngủ, tiệm bán lưu niệm được làm bằng gỗ tốt, lại sắp xếp rất hài hòa, đường lộ trong trung tâm rất thuận tiện cho khách ra vào. Là nơi rất đẹp, yên tĩnh và dễ thương hơn khi chúng tôi gặp Andy-Suelà hai vợ chồng chủ trại, (Sue trước kia là trại sinh của Hùng vào năm 1978, khi Hùng làm hướng dẫn viên cho vùng này, Andy cũng làbạn lâu ngày của Hùng và Tuấn) họ rất niềm nở đón tiếp chúng tôi, mời chúng tôi vào phòng họp, cẩn thận mở video giới thiệu nơi đây cho mọi người xem và img5 sau đó Sue hỏi lại từng người để biết chắc ai ai đều hiểu biết lối sống trong vùng hoang dã và bảo vệ vùng này. Họ rất chân tình, ân cần hướng dẫn lộ trình, chu đáo dặn dò, lo lắng thu xếp mọi thứ cho hành trình này khiến mọi người cảm thấy dễ chịu hơn trong buổi chiều quá oi ả, nóng bức nơi đây.
Thủ tục “check-in” đã xong, mười tám người chia ra làm ba nhóm vào ba phòng trong cùngmột tòa nhà. Bốn trưởng lựa bảy chiếc xuồng bằng nhôm, loại wilderness touring canoes để cho dễ đi và thăng bằng hơn, (mỗi chiếc nặng sáu mươi hai pound, dài mười tám feet, chở được sáu trăm sáu mươi sáu pound), và Tuấn lấy chiếc Kelvar, nhẹ hơn chỉ có bốn mươi hai pound, nhưng rất dễ bể, dĩ nhiên tiền thuê thì cũng đắc hơn.img6 Mỗi trại sinh tự lựa mái chèo,áo an toàn đúng kích thước cho mình rồi gìn giữ những thứ này trong suốt hành trình.
 Sau khi nhận thực phẩm đã được phân phối và có dán nhản rõ ràng cho từng ngày, sáng và chiều rồi cho vào balo hình chữ nhật, đếm son nồi, muỗng đĩa cẩn thận cùng những dụng cụ đi trại đầy đủ và phân phối đều cho hai toán, các em cho hạ thủy bốn xuồng, lấy cớ để luyện lại tay chèo, tay lái, thực tập phương pháp cấp cứu khi xuồng bị lật, nhưng trên những lý do đó là để nhảy xuống nước, nhào lộn đùa nghịch với nước, cho mát cái thân đã quen với khí hậu mát lạnh của vùng California.
 Ra bờ hồ chúng tôi đã gặp nhóm hướng đạo Hoa kỳ khoảng mười lăm người đang tung hê dưới nước, những câu chào nhau rất thân thiện, những chia xẻ chân tình của những trưởng đã về img7 hưu làm chúng tôi vững vàng, an tâm hơn, có lẽ cùng ở dưới một màu áo, cùng một lý tưởng đã cho mọi người gần nhau hơn, không còn biên giới phân biệt quốc gia hay chủng tộc…
 Trời chiều vàng nhạt dần, cái oi bức lì lợm nằm đó, đàn muỗi rừng đang xâm nhập vào vùng tự do bay tứ tung và gá vào những vùng da thịt thơm tho xin tí máu, vì là phút ban đầu còn bỡ ngỡ không để ý nên đàn muỗi có cơ hội để no nê, rồi tiếng quạt muỗi, tiếng đập muỗi mỗi lúc một dòn tan hơn. Trước khi “good night",hai toán cùng ngồi trên cầu thủy tạ để nhắc nhở lại những điều cần thiết cho lần xuất quân vào BWCA sáng hôm sau.
 Vào phòng ngủ, cái nóng vẫn hừng hực, chiếc quạt nhỏ với hai cánh của sổ mở toan mà cái nóng vẫn trơ trơ, phải quần ngắn, áo trần để ru giấc ngủ, đến nữa đêm cơn mưa kéo về ầm ầm đẩy lùi hơi nóng ra khỏi căn phòng khiến chúng tôi ôm giấc ngủ êm dịu đi vào mộng mị dễ dàng.

img-textNgày Hai: Ngày Thử Xác

 Một ngày đã qua, thử thách đầu tiên đang có mặt, nóng và muỗi lẫn ruồi rừng đang làm tôi khó chịu, tôi cứ loay hoay với muỗi và mình, vô tình tôi đã mất đi những cơ hội nhận diện những biến chuyển đang diễn tiến ở chung quanh mình một cách đơn thuần, muỗi là muỗi, tôi là tôi, tôi không là muỗi có lẽ dễ chịu hơn chăng?.
 Buổi sáng ngày thứ hai của hành trình lòng tôi vẫn còn tràn ngập những hân hoan, hơn bốn mươi năm qua tôi không có cơ hội để tham gia những sinh hoạt của HĐ, hôm nay, bên các em tôi như đã chớm gìa, nhưng đối với tôi không hề biết mình đã có tuổi, chỉ thấy sống cùng với các em, có cùng một ngôn ngữ, một tinh thần khai phá, xông xáo, theo tôi, nói với các em, tôi gìa rồi em ạ là một điều vô lễ. Tôi với em là những kẻ đồng hành trong hành trình này, chúng ta là bạn của nhau, tóc trắng, tóc xanh cuối cùng cũng chỉ một màu hư vô mây nước trong trời đất mà thôi.
 Cơn mưa nặng hột đêm qua làm mềm cả đất, sương mai lưng chừng ngang tầm mắt, mọi người vội vàng đi ăn sáng đúng giờ do trại ấn định, trong phòng ăn đã có một toán hướng đạo khác khoảng mười lăm người đang tranh thủ thời gian để cho xong buổi ăn sáng. Được biết họ vừa trở về đêm qua sau khi ra khỏi BWCA. Phòng ăn được sắp xếp, trang hoàng rất ư là hướng đạo.

 Chúng tôi cũng ăn vội vàng và sau đó chỉ có ba mươi phút thu dọn lại hành lý, tôi củng các bạn xếp lại đồ đạc cá nhân cần thiết như hai bồ đồ mỏng, túi ngủ nhẹ, lều ngủ nhẹ cho vào bao, niêm lại cẩn thận,( không phone, không internet, không tiền bạc, không nữ trang, mọi thứ qúy gía gởi lại Andy cất dùm.) rổi cho vào một balo lớn, có khả năng cản nước tối đa, gồm đồ đạc của tôi, Dan và Hùng, nặng khoảng 60lbs, tôi là người sẽ vác trên vai trong suốt hành trình này. Mỗi xuồng trọng tải tối đa là 660lbs, chở hai người và hai xuồng chở ba người, tôi trong chiếc xuồng ba người và một balo 60lbs. Phần trọng lượng còn lại của các xuồng khác dành cho những ba-lo mang thức ăn khô, dụng cụ nhà bếp, lều chỏng, những thứ cần thiết để sống bảy ngày trên nước, trong rừng.

 Lúc 9 giờ sáng, mọi người gặp Andy ở phòng họp. Bản đồ BWCA phủ lấp bức tường rộng cho img8 thấy rõ lộ trình từng vùng, từng ngày phảivượt qua, những hòn đảo, những campsite, những trail trên bản đồ cho chúng tôi có cái nhìn tổng quát. Chỉ có 50 miles thôi ư?! Trên sóng nước thôi mà phải qua bảy ngày sao?.Trong thoáng giây tôi bật cười vì sự so sánh ngây ngô ấy mà quên đường nước và đường trường, xe và xuồng khác nhau thật xa. Trong tôi sự hiếu kỳ vẫn còn cộng thêm một chút thách thức, tôi không ngần ngại, không lo sợ như các em tôi tưởng tượng, tôi chỉ biết được gặp nước rộng, sông dài, sống với thiên nhiên và chơi với các bạn là tôi vui thích lắm rồi.

 Bên ngoài nhân viên trại đã cho tám chiếc xuồng lên dàn xe truck, kèm theo áo an toàn, mái chèo và các balo, chỉ chờ chúng tôi ra là lên đường ngay. Khoảng cách từ trại ra đến bến nước không xa nhưng đủ cho tôi ngắm hai bên đường, những cây khô vì chết cháy nằm ngã nghiêng, cảnh tan thương, hoang tàn sau một trận cháy rừng vì bất cẩn của con người thật ngậm ngùi và xót xa. Bao lâu nữa rừng xanh sẽ trở lại như những ngày đầu tiên trưởng Hùng và Tuấn đặt chân lên vùng đất này?.Mười năm, hai mươi năm? Với thời gian mọi sự sẽ trở lại bỉnh thường chăng?!

 Tám chiếc xuồng được đưa xuống nước nhẹ nhàng bằng những cánh tay chuyên nghiệp của nhân viên Tuscarora, ngay lúc này hai toán sinh hoạt riêng rẽ, toán trưởng kiểm soát lại mọi thứ, mỗi người theo sự phân công và nhiệm vụ của mình lên từng chiếc xuồng đang chờ nơi bến đổ của hồ Seagull. Mặc áo an toàn, những bước chân đầu tiên xuống nước nghe mát rượi mà nhớ đến “Wet foot policy” có nghĩa là chân phải dẫm nước trước khi lên xuồng, cho các em biết phải đi thẳng xuống nước mà không nghỉ ngợi gì hết, suốt ngày chân phải ướt chỉ được khô khi lên đất trại mà thôi, mục đích để bảo vệ chiếc xuồng vì chiếc xuồng là ân nhân, là chiếc xe, là người bạn thân thiết nhất trong hành trình này. Tay cầm mái chèo, từng cụm sóng lớn lan rộng bỏ lại sau lưng, từ từ từng chiếc xuồng rời xa đất liền, không gian thênh thang, màu trời xám tro, vài giọt mưa nhẹ rơi trên nón. Chúng tôi đang đi vào vùng trời BWCA. Trại viễn thám bắt đầu.
 Từng hai xuồng đi cặp nhau. Cứ hai người giữ một bản đồ. Bản đồ cùng la bàn đã sẳn sàng img9 trước mặt từng người. Bài học đầu tiên là đọc được bản đồ. Điểm bắt đầu, điểm kế tiếp phải định hướng rõ ràng. Trưởng Hùng nhẹ nhàng chỉ dẫn tường tận. Từng “stroke and stroke” nhịp nhàng của tôi với “power” người ngồi trước mũi,lùa từng tảng nước lớn về phía sau, xuồng rẽ sóng nhẹ nhàng tiến về phía trước với tài điều khiển của “captain” người ngồi đằng sau. “Row,row, row your boat…” bài hát mọi người cùng hò để chèo ghe như đong thêm sức mạnh cho các thủy thủ, nghe văng vẳng bên tai, càng lúc càng rõ dần từ những xuồng khác của các em hướng đạo Mỹ, họ vừa chèo vừa hát, gợi lại trong tôi những kỷ niệm của những ngày còn bé, lúc mới gia nhập vảo phong trào hướng đạo. Nhớ sao là nhớ những ngày tháng đó.

 Mây xám vây quanh, quang cảnh trên mặt hồ “Seagull” yên tĩnh một cách lạ thường, sóng nước chìm nổi theo từng làn gío, không ồ ạt, không im lìm. Những chiếc xuồng có dịp thong dong lướt sóng tiến về phía Wilderness Canoes Base, nơi cách đây ba mươi lăm năm hai trưởng Hùng và Tuấn đã sống và làm việc trong thời gian đầu đặt chân đến Mỹ. Những kỷ niệm thân thương được nhắc lại khiến mọi người không khỏi bùi ngùi. Lên viếng nhà thờ đổ nát, qua cầu treo rung rinh, lắc lư trên cao độ, một thoáng choáng váng khi mắt đưa về phía dưới hồ, dấu chân đã in trên tất cả nơi chốn chúng tôi qua như nói với nơi đây chúng tôi đang đến thăm lại một lần nữa.

 Giã từ chốn xưa để qua Grandpa Lake. Nhìn vào bản đồ, đường băng rừng (trail) từ Seagull qua Grandpa Lake là con đường dài nhất với 230 rods. Mỗi rod bằng chiều dài của xuồng, mười tám feet. Dài thật nhưng không sao vì đường trường nên dễ thôi, nhưng tìm ra con đường mòn để đi vào không dễ vỉ bị che khuất bởi nhiều cây cối, một lần nữa “ navigator” phải phóng tầm mắt ra xa tìm dấu đường và ra hiệu cho captain di chuyển xuồng đến đúng chỗ. Thật là thú vị.

 Rồi lên xuống xuồng là cả một nghệ thuật, nếu không cân bằng, xuồng dễ lật, dễ vỡ và người sẽ bị thương. Mỗi chúng tôi luôn luôn tâm nhớ: “Phải cẩn thận, phải tối đa giữ an toàn.” Nên lần đầu tiên từ dưới nước bước chân lên đất liền, một cảm giác là lạ không lằn mé ẩn hiện trong tôi.
 Mọi người chuyển đồ đạc lên đất liền để đi qua con đường mòn đầu tiên, tôi khệ nệ sau lưng balo lớn, trước ngực ôm balo khác rồi dấn bước đi vào con đường mòn mà không biết chông gai như thế nào. Sao cũng mặc, tới đâu tính tới đó. Qua một quãng đường dài, balo trên vai như nặng hơn để rồi khó chịu ẩn hiện cho thấy balo này khác chi những khổ đau chồng chất trong cuộc đời. Muốn dễ chịu, vai không đau thì tự mình phải thông minh, phải lựa chọn, và bỏ bớt những thứ không cần thiết. Nhưng những thứ tôi đang gánh vác đây là những thứ căn bản, cần thiết lắm nên phải đành mang cho trọn vẹn.

img10 Nắng dịu dàng xuyên qua kẻ lá, chim hót trên cây,đường mòn trước mặt, tôi cứ theo đó mà bước từng bước, không mong tới, không vội vã, đôi lần dửnglại hái vội những chùm dâu đỏ mọng cho vào miệng mà nghe mát rượi trong cổ và ước gì mọi người đều an lạc trong từng bước chân dù trên đầu đội xuồng,trên vai nặng trỉu, vẫn thấy đoạn đường này thật đẹp. Nữa giờ sau, mọi người hả hê cùng cười, xuồng lại xuống nước, tiếp tục chèo, nhịp chèo càng lúc càng sâu, càng mạnh, xuồng lướt nhanh trên hồ tiến về phía trước.
 Trên bản đồ, campsite ở bên kia bờ không xa, thế mà trong tầm nhìn tôi chẳng thấy bờ bến nào cả, từng cơn gió phía sau lùa tới trước, sức chèo nhẹ hẳn, dãy núi đá thấp chập chùng với màu xanh của lá trước mặt, tiến lại gần, bãi nước xoai xoải trong vắt như đón chào, xuồng cập bến và campsite tối nay của toán chúng tôi nơi đây. Nhìn lại, ánh nắng chiều sót lại rơi rớt, xuyên qua từng cụm mây thấp khoe mình trên nước mặt hồ xanh lơ. Trời chiều nơi núi rừng thật êm ả
 Campsites là những mốc điểm để định hướng và nơi đây được quận hạt kiểm lâm lựa chọn kỷ càng, là nơi thần tiên, là nơi để lại nhiều thích thú cho người ra đi, là nơi đẹp nhất, được đặt để trên những khoảnh đất cao nhưng lên xuống ra vào dễ dàng, có mặt đất bằng phẳng, có cây cối rợp đầy bóng mát, và cũng từ nơi đây có thể nhìn thấy toàn cảnh chung quanh. Có bếp sẳn sàng, có cầu tiêu cách xa mặt hồ. Thật là tiện nghi ở nơi chốn hoang dã này.

 Những chiếc cần câu được mang ra móc mồi rồi thả xuống hồ sâu. Chỉ trong vài phút đổng hồ, bỗng Dan hét to, ra sức lèo lái dây cước để lôi chú cá vừa cắn câu vào bờ nhưng may quá chú cá đầu tiên thoát được, chú cá thứ hai lọt lưới, đến chú cá thứ ba, móc câu ăn sâu trong cổ, chú cố vùng vẩy trong lúc mọi người nín thở từ từ lừa chú vào bờ rồi hất mạnh cần câu khiến chú cá nằm dãy đành đạch trên bờ rồi chờ chết. Tôi không thể từ chối làm sạch cá, đành vác con cá mất đuôi, chết cứng sang núi đối diện, vào trong sâu làm vảy mà lòng buồn tênh, thôi thì mọi người thích ăn cá thì mình làm cho mọi người cùng ăn cho vui. Lúc tôi trở về thấy Dan rầu rầu, Dan nói cùng mọi người là anh ta thích câu nhưng cá chết dưới tay anh, anh không thích mấy và cảm thấy áy náy rồi từ đó không thấy Dan câu nữa.
 Lều bắt đầu dựng lên và mồi lửa đang cháy bùng trên tay Steven bằng flint và Steel, nghĩa là dùng đá lửa và cây thép đánh vào nhau, những tia lửa bắn ra sẽ bắt mồi qua từng mảng dây thừng xé tơi như bông gòn nằm trên vỏ cây khô với những làn hơi thổi mạnh vào đó, khi lửa đã bắt mồi, cháy bùng trên tay rồi mới cho vào giữa bếp dưới lớp củi khô cho cháy thêm, không dùng diêm quẹt. Như vậy mọi sinh hoạt trong trại đểu dựa vào những điều kiện của thiên nhiên tối đa. Thật là thú vị.

 Chiếc lều nhỏ nhỏ xinh xinh của tôi cũng được dựng lên, nằm an toàn trên khoảnh đất bằng phẳng dưới gốc cây. Vì là ngày đầu tiên, chúng tôi còn được ăn những thức ăn tươi hoặc đông lạnh, thế nên Steven cho sườn Đại hàn lên lò nướng, mùi thịt nướng thơm phức, cơn đói bụng làm mềm cả người. Bàn ăn là chiếc xuồng lật ngược, thức ăn vừa nấu, nào cơm, nào canh, nào thịt, nào cá dưới tài bày biện rất khéo, thật hấp dẫn, đã nói lên khả năng lãnh đạo của trưởng Việt và tài nấu nướng của Tim, Randall, Trí, Brian dưới tài điều kiển của Steven và thổi lửa, canh lửa của Dan.
 Trưởng Hùng trở lại đất trại sau khi lấy ghe đi tham quan và săn ảnh, ánh sáng chiều đang pha mầu đậm, cơm chiều bắt đầu bằng lời cảm ơn, rồi đĩa, muỗng nhôm khua vang. Vừa đói, vừa vui ăn thật ngon miệng.

img11 Sau đó, chúng tôi ngồi lại để lắng nghe nhữngcảm nghĩ của nhau sau một ngày với những thử thách ấy, bỗng trời trở gió từng cơn, chở từng đàn muỗi đến, vi vo bên tai, khiến đứng ngồi không yên, chúng tôi phải tan hàng về lều chỏng của mình với vui, với mệt của ngày hôm nay.
 Đêm trôi qua yên bình, tôi thức giấc sớm, khe khẻ ra khỏi lều khi khói sương là đà trên mặt hồ, màu xanh của lá rừng, màu nâu của đất đá, màu trắng xám của trời và nước vẽ lên bức tranh tuyệt vời. Ngồi trên mỏm đá để nghe lòng mình to nhỏ với sương mai, mức độ thành thật với mình với thiên nhiên rất rõ ràng và tôi là ai? Nơi đây đã cho tôi mầm cảm nhận nho nhỏ nhiệm mầu này.

img-textNgày Ba: Ngày Dài Nhất

 Nhìn vào bản đồ cho thấy thứ ba là ngày khó khăn nhất của cuộc hành trình, ngay cả Andy đã từng nói như thế. Thức ăn sáng nay là pancake đang nướng, cùng lúc từng bốn đầu chụm vào nhau, cùng học đọc bản đồ dưới sự chỉ dẫn của hai đội trưởng Dan và Tim. Các em và ngay cả chính tôi lúc nào cũng lo học bản đồ, học chăm chỉ trong tinh thần tự giác và như vậy cho thấy đọc được bản đồ là một điều rất cần thiết.
 Rời campsite, chèo xuồng, làm một vòng ngược về hướng bắc để đến Roy lake, muốn qua Roy lake phải qua chặn đường rừng dài 128rd rất gay go với những núi đá ở cao độ khác nhau, các đầm lầy với muỗi, ruồi và đỉa. Thử thách lớn cho các em là phải vác xuồng và ngay chặn đầu đã đi vào ngay khúc đường dựng đứng, dốc tăng cao độ liền, lên đều đều hết nữa cây số rồi mới xuống lại, rồi lên lên xuống xuống, cho đến khi gặp một bãi lầy lớn không thể bước qua vì càng bước càng lún nên trưởng Hùng đã khai phá một con đường mới để tiếp tục vượt qua trước khi đến bờ Roy lake.
 Vác ba-lô đằng sau và ôm ba lô trước ngực để khòm lưng từng bước lên dốc, từng bước lựa chọn trên đá, từng bước chuí mũi về phía trước, từng bước như muốn trợt ngã, từng bước trên sình lầy, từng bước dài băng qua cây cối nằm ngang đường, từng phút giây dựa lưng trên cây để thở, từng giọt mồ hôi rơi rớt, từng cơn khát đòi hỏi, chúng tôi mặc kệ, cứ bước và cứ bước, cũng may khí hậu dễ chịu, tôi bảo tôi cứ đi trong hơi thở nhờ vậy tôi đã đi qua và khắc phục đoạn đường đầy chông gai này

 Nhìn các em vác xuồng trên vai, giới hạn của tầm nhìn về phía trước đã rèn luyện trực giác thêm bén nhạy, các em lựa chọn từng bước chân tới lui thế nào để lèo lái chiếc xuồng trên vai đi qua những tàng cây, những chướng ngại trên đầu và những khó khăn ở dưới. Trải qua đoạn đường dài này các em có cơ hội nhìn lại thể lực và tánh lực của chính mình. Cuối cùng sau hơn tiếng đồng hồ vận chuyển, chúng tôi thả neo trên bờ hồ Roy, lội xuống hồ tắm mát và ăn trưa bằng trail mix dưới tàng cây tràn đầy bóng mát.
 Mười phút qua nhanh, phải đi ngay vì con đường còn dài lắm và phải đến campsite sớm, thế là chúng tôi xuống xuồng ngay, chèo thẳng về phía trước, vượt qua đường rừng với 40 rods, rồi len lõi qua các đảo Cooper, Gold và Englishman trong hồ lớn Saganaga, lên tới Rocky point,channel to America point, bắt đầu chuyển hướng về phía nam, dọc theo biên giới giữa Canada và Mỹ đến Ester Lake

 Ôi! một ngày với thật nhiều thử thách về mọi mặt ở trên núi và dưới nước. Một đoạn đường dài thăm thẳm, có lúc hơi thở trở nên dồn dập với tay chèo vì gío ngược, sóng lớn. Chúng tôi phải kiên cường giữ vững tâm tư, hòa nhịp với nhau cùng chèo qua sóng lớn kéo dài trong bốn mươi lăm phút để vượt qua hiểm nguy, để tiến về phía trước. Những lúc như vầy, trưởng Hùng làng ười dũng mãnh nhất¸ tiếng động viên, tiếng thúc dục lại dồn dập và to hơn. Có lúc mỏi tay quá, tôi như muốn bỏ cuộc nhưng lại giật mình, nếu như vậy, gío sẽ đầy xuồng trôi dạt về hướng nào đây? Sẽ chết thôi! Vì muốn sống và cũng muốn thử thách với thiên nhiên, chúng tôi đã vuợt qua và mọi người đã đến đất cắm trại an toàn và cho nhau những cái bắt tay hài lòng và nồng ấm.
img12 Tôi như thấm mệt nhưng các em thì không. Trải qua ba ngày, các em làm đủ mọi việc liên tục từ sáng đến tối, dậy rất sớm, chia phiên nấu ăn, thu dọn thật nhanh để rời trại sớm, chèo xuồng không ngừng nghỉ từ sáu đến tám tiếng đồng hồ cho mỗi ngày trong tinh thần tự giác nghe theo lời của đội trưởng. Chỉ cần một ánh mắt, một cái hất cằm của trưởng toán là các em hiểu mình phải làm gì, các em đã tay nối tay làm việc rất nhịp nhàng trong sự tôn kính và rộn rã tiếng cười đùa, nhờ vậy đã xua tan mọi mệt mỏi.
Lại dựng lều, lại thổi lửa nấu ăn. Thức ăn hôm nay là ba gói lương khô, thức ăn này rất thuận lợi. Chỉ cho nước sôi vào, chờ bao nhiêu phút theo sự chỉ dẫn trên mặt túi rồi ăn. Hương vị thơm phức mùi Mỹ nên rất hợp khẩu vị của đa số các em, còn phần tôi lo nấu nồi cơm gạo trắng sao cho vừa miệng, vừa đủ ăn là được rồi. Tiếng cười rổn rang của Trí, Randall, tiếng nói của Steven, Brian, Dan và Tim bên bếp thật vui, nhờ vậy tôi có cơ hội được nghe các em tâm sự với nhau và hiểu được các em hơn.
 Cơm nước no nê, hình như chẳng ai muốn xung phong rửa chén thế là trò chơi rửa chén bắt đầu bằng những con số ấn định, đếm tới, đếm lui cho tất cả mọi người. Con số ấn định rơi vào ai thì người ấy phải xách nước từ dưới hồ đem chén bát vào trong sâu để rửa, thức ăn dư phải đào lỗ chôn sâu xuống, nếu bất cẩn thú rừng tìm tới thì đành chịu chết mà thôi.
Mọi người không bảo nhau đều vào lều ngủ sớm, được cơ hội nằm trên đất, toàn thân buông lỏng, lưng tiếp xúc thẳng với mặt đất, hai tay, hai chân xoải rộng thật thoải img13 mái từ từ giấc ngủ say đến để toàn thân tôi chìm sâu vào lòng đất, đất có khả năng tái tạo, nuôi dưỡng những tế bào mệt mỏi của thân, để khi thức dậy tôi có một thân mới, đủ năng lượng tiếp tục di hành.
 Nữa đêm sấm chớp đì đùng, mọi người thức dậy sửa lại lều, che trên, ngăn dưới để nước không vào chỗ nằm. Lều của tôi cũng được căn thêm một tấm bạt lớn hy vọng nước mưa chảy ra lối khác, không cho vào lều. Rồi mưa đã đến, tiếng mưa rơi tí tách trên lều nghe vui vui, tôi thầm cầu xin mưa thôi rơi nhưng nào được, trong chốc lát tiếng sấm chớp càng lúc càng gần như đang ở trên đầu mọi người, mưa nặng hạt rồi trút xuống như thác đổ, tiếng cười nói của các em ở lều bên cạnh đang gần thế mà nghe lại xa xa, ai nằm vào chỗ đó, tôi cũng thế và nước từ trên dốc đổ xuống vào đất lều càng lúc càng lên cao, mọi thứ bồng bềnh trên sóng nước, chiếc áo mưa không đủ che chở, không còn cách nào, tôi lấy hết đồ đạt dồn vào bao nylon, cột lại, tưởng tượng là chiếc phao, tôi cuộn tròn mình như bào thai nằm gọn trên phao rồi chẳng nghe gì nữa, tôi đã ngủ say từ lúc đó.

img-textNgày Bốn: Ngày Gió và Sóng

img14 Hôm sau cả hai toán rời Ester Lake sớm, mang theo tất cả các thứ ướt đẩm nước mưa, trực chỉ hướng nam, lại trải qua từng đợt gío ngược chiều, từng ngọn sóng lớn để băng qua Hanson, rồi phải vượt đường mòn 120 rods đến South Aim Knifelake, kế đến 25 rods đường mòn để đến Edey, từ bờ này đánh một phần tư vòng tròn, qua trail 15rods để bước sang Jenny lake, từ đây chúng tôi phải gánh gồng đi qua 2 trails 15 và 18 rods nữa để dến Ogiskemuncie. Dan và Tim dấn thân đi trước trong việc kiếm campsite.
 Thêm một ngày vất vả, mọi người ngất ngư chống chỏi với gío và sóng trong tiến trình tìm kiếm đất trại. Để nghỉ mệt và thư giản thân tâm, chúng tôi leo lên một trong năm đảo để thở và ăn trưa, món ăn trưa vẫn là trail mix với dâu xanh, dâu đỏ. Những quả dâu nho nhỏ ngọt lịm tràn đây trên ốc đảo đã không còn tìm thấy nữa sau khi chúng tôi ra đi. Rồi tí nữa đây ai sẽ là người ôm bụng kêu trời đây?!. Gío vẫn đến đập mạn xuổng vào đá và mây xám đang từ từ trôi xa, còn lại bầu trời trong xanh với vài cụm mây trắng thấp là đà.

 Lang thang trong hồ Ogiskemuncie, cuối cùng chúng tôi đã nhìn thấy balo màu xanh, là dấu hiệu tìm nhau của toán, nằm trên bờ núi đá và Tim đang câu cá. Đây là một trong những campsite đẹp, nhưng toán quyết định nhường nơi này cho toán Dũng, toán Việt qua cắm trại bên đảo đối diện, nơi đó nằm trong vịnh nhưng có đủ không gian để thấy mặt trời mọc và lặn, và chúng tôi ở lại đêm nay và mai.
 Vừa lên đất trại, mọi thứ được mở tung ra, lều, túi ngủ, áo quần, thực phẩm được đem ra phơi ngay, các em lựa chỗ cắm lều, hai căn lều lớn dựng lên rất vững chắc, hy vọng tối nay nếu có mưa các em vẫn có giấc ngủ say. Bếp lửa lại chập chờn le lói, khói mù mịt vì ướt nhưng rồi cũng có nồi nước sôi để pha trà nhâm nhi cho qua cơn khát.
 Càng về chiều tiết trời dễ chịu hơn, các em chèo xuồng ra giữa hồ phóng mình xuống nước để tắm gội, nơi đây không xà phòng, không mỹ phẩm, không hóa chất nên môi trường sống thật trong xanh, những ngày qua chúng tôi ăn uống bằng nước hồ này mà không một tí nghi ngại gìcả. Nếu gặp nơi phải nước đục, các em nhìn thấy được, ra lệnh mọi người phải dùng máy lọc nước để lấy nước sạch mà dùng. Các em chu đáo đến thế đó. Tôi cũng muốn tẩy mình nhưng với xà phòng nên phải đi vào đất liền xa hồ khoảng một trăm bước với nước xách theo. Tôi đã trốn mọi người một mình một cõi với đất, trời, cây cối bao quanh, và tôi trơ trọi bên cành hoa phong lan trên tầm mắt, hoa lili tím dưới chân xen lẫn những thân cây trắng nằm chênh vênh như hòa điệu với tôi cùng nước với mây trời rồi trong tích tắt tôi chợt ngẫn ngơ, toàn thân ngây ngất đến tê dại rồi tôi không tìm ra tôi nữa. Ôi tuyệt diệu làm sao!! Và phản xạ rất tự nhiên khiến tôi quỳ mọp xuống, hai tay chắp lại lạy ơn thần linh đất trời nơi đây.

 Cùng trong lúc này, Steven dẳm phải trên cạnh bén của phiến đá khi bơi về, máu tuôn thành dòng nhưng vẫn bình tĩnh bước từng bước. Tim lấy ngay hộp First Aid ra, Randall múc nước rửa chân cho Steven, Dan rất sành điệu như một y tá giỏi theo trình tự tiến hành làm nhiệm vụ, mang găng tay vào, từng bước sát trùng, cầm máu, băng bó vết thương rất gọn gang, sau đó Brian và Trí dọn dẹp. Thật là khâm phục. Nếp sống Hướng đạo đã đầu tư cho từng người trở nên toàn diện trong mọi mặt của đời sống và các em trong bất cứ trong tình huống nào vẫn an nhiên và tự tại xoay sở nhanh chóng thích ứng trong từng trường hợp.

img-textNgày Năm: Ngày Xả Hơi

img15 Hôm nay là layover, lazy day, là ngày nghỉ ngơi, mọi người ra khỏi lều khi những tia nắng mai xuyên qua nóc lều, tôi nằm “nướng” thêm trong lều mà nghe những thân thương vây quanh mình. Nào là tiếng mưa rơi chập chùng. Nào là âm vang của sóng to gío rì rào. Tiếng chó sói “tru” từng đêm nghe rờn rợn, tiếng chim “ưởn” gọi đàn thắm thiết, những tiếng nói huyên thuyên, tiếng cười dòn tan của Trí, Tim, Randall, Brian, Steven, Dan cùng những ánh mắt hiểu và thông cảm lẫn nhau đã làm những trái tim chúng tôi gần kề trong những lúc vất vả băng rừng cũng như lúc nghỉ ngơi, ăn uống, chơi đùa . Tôi bắt gặp ở các em một thể chất lành mạnh, dẻo dai của những HĐS tràn đầy kinh nghiệm sống, nhưng những hồn nhiên ngây ngô, những thật thà thuần khiết, những quan hoài chăm lo cho người khác lại tràn đầy trong tim non của các em. Hạnh phúc biết dường nào, nói sao cho hết, cho vừa những dễ thương của các em và tôi được sống với các em, với thiên nhiên trong những ngày vừa qua.
 Là ngày nghỉ ngơi nhưng thật ra là ngày thư giản từ thể xác đến tinh thần nên mọi sinh hoạt trở nên nhẹ nhàng hơn không bị ánh sáng mặt trời thôi thúc. Trưởng Việt có đủ thời gian làm pancake cho mọi người ăn sáng, tôi có cơ hội ngồi lại tâm tình với trưởng Hùng, học hỏi ở trưởng nghệ thuật sống xanh, bảo vệ môi trường và nói lên tình yêu thiên nhiên và con người. Yêu người, yêu thiên nhiên mà không thấu suốt chữ “Care” thì chưa hoàn chỉnh và phải nhìn lại sự hiểu biết của mình. Tôi vẫn còn rất nhiều thiếu xót nên phải để ý, cẩn trọng hơn trong mọi sinh hoạt, mọi hành động hằng ngày.
 Thêm một ngày bì bỏm trên nước, từ đảo này sang đảo khác, hái sim rừng xanh đỏ, chiêm ngưỡng vẽ đẹp núi rừng dưới những góc độ khác nhau. Trí, chú bé lúc nào cũng cười, trở lại campsite với con cá lớn khoảng 5-6kg, khá dài, câu được bên Spice Lake, phải nhờ bàn tay thiện nghệ của trưởng Dũng làm cá với hợp đồng mỗi bên chia một nữa. Chiều nay, trưởng Hùng lại cho ra tuyệt chiêu nấu canh chua cá, mọi người thưởng thức đến tận cùng, cá chiên thơm phức và nồi cơm chiên cũng hết sạch. Buổi cơm chiều no nê và rất ấm cúng.
 Trời chiều dần tàn, sắc trời tím hồng xanh đen, chấm phá rất tự nhiên, chúng tôi lại chèo xuồng ra giữa hồ cố ghi lại một vết nắng chiều rơi rớt, đang sóng sánh trên sóng nước lăng tăng qua ống kính thiện nghệ của trưởng Hùng.

img-textNgày Sáu: Ngày Đẹp Nhất

 Một ngày nghỉ ngơi đã qua, mọi người sẳn sàng lên đường đến Seagull lake. Ngày thứ sáu trở nên mát, dễ chịu hơn nên số người ngủ qua đêm trong hồ chắc hẳn sẽ nhiều hơn, nếu hai toán chúng tôi chậm trể không có campsite thì vất vả lắm nên hai xuồng của Dan và Randall, Tim và Steven đi trước, để không mất thời gian, Dan lựa chọn chèo vào con đường dài nhưng đường rừng ngắn hơn để tìm được chỗ vừa ý như mọi người mong ước. Xuồng của tôi do Brian làm navigator, trưởng Hùng là captain cùng ra đi với xuồng Việt-Trí. Brian có cơ hội đọc bản đồ phức tạp, học hỏi, quan sát, định hướng trên thực tế nhờ vào những mốc điểm như đảo, đường mòn và đất trại.
 Mặt hồ nước vẫn trong xanh nhưng núi lại hoang tàn, màu trắng nâu lẫn lộn chơ vơ trong bầu trời vì lửa đã thiêu rụi mọi công trình có từ ngàn năm. Chỉ vì một bất cẩn, hớ hên của nhóm người đến đây năm trước, không dập tắt bếp lửa hoàn toàn trước khi rời trại, chỉ một đốm lửa nhỏ còn xót lại cháy âm ỉ dưới lòng đất đã nối kết với đám cỏ khô cách xa nữa dặm làm nên đám cháy lớn, tiêu hủy toàn bộ ngọn núi này. Vì vậy, lúc nào rời đất trại, trưởng Việt hay Hùng là người coi lại cái bếp thân thương đó và rới vào vài gallon nước cho yên tâm. Núi rừng vẫn nằm yên để hàn gắn những tan thương, chúng tôi thì đang chèo, đang gắn sức để mang xuồng đến nơi.Khoảng ba giờ chèo lái chúng tôi đã nhìn thấy phe ta đang nằm phơi mình trên bờ đá của núi bên phải.
 Chao ơi! đất trại đẹp quá, đẹp nhất trong tất cả các trại đã qua. Khuân hành lý lên bờ, tôi cùng các em nằm thở, tắm nắng, phơi mình trên bờ đá lớn bằng phẳng trơn tru dưới những tàng cây để nghe gió lồng lộng mát rượi lướt qua và ngủ ngon lành. Một giấc ngủ lâu, dài, sâu, chắc chắn các em đã có những giấc mơ đẹp, riêng tôi, thật là hạnh phúc biết dường nào khi để lại mọi sinh hoạt cơm áo, những lo toan vun vén trong đời, những gặp gỡ tới lui của ngày đi, ngày đến ở lại nơi miền xuôi và hôm nay, nơi này, trong lúc này thật là thảnh thơi, nhẹ nhàng và an bình kỳ lạ.Thức ăn còn lại được đem ra nấu cho hết, món cơm chiên do Hùng làm ngon tuyệt, làm các em tái đi tái lại đến ba đĩa mà vẫn muốn ăn thêm.
 Cơm nước xong xuôi, cả toán cùng kéo nhau leo lên đỉnh cao núi “chồng” phía sau đất trại để tận hưởng tất cả những gì đang có, img16 vì ngày mai chúng tôi sẽ từ biệt nơi này và không biết đến lúc nào có thể trở lại nữa. Càng lên cao càng thích thú, mọi người sung sướng nhìn được toàn thể quần đảo trên hồ Seagull mà sáng nay đã chèotới chèo lui, đi loanh quanh trên đó.
 Phía dưới núi, quang cảnh trong lòng hồ thật tráng lệ như cung điện vua chúa Thủy Tề vào ban đêm, những bóng chấm phá mờ mờ, tỏ tỏ trở nên huyền ảo, yên tĩnh đến lạ lùng. Cả cung điện bây giờ dường như đang trong cơn say ngủ. Cùng lúc trên đỉnh núi này, chung quanh chúng tôi lại có cung điện của “Harley Poster” do Steven bày diễn với những pha trong ấy¸ anh chàng này có tài diễn xuất rất tự nhiên, rất dễ thương và đẹp vô cùng khi chúng tôi cùng xem đồng hồ, đếm ngược thời gian để chờ mặt trời lặng.
 Phải nói không thể thấy sự thay đổi màu sắc của đất trời ở đâu rõ rệt như ở đây. Mọi thứ đang mặc màu áo của nó khi mặt trời còn đó nhưng khi mặt trời vừa rớt xuống đỉnh núi thì toàn thể không gian đổi màu tức thì khiến tôi chơi vơi đến hoảng hốt, toàn hồ bao phủ màu xanh đậm, dần dần đen thẩm, rồi mọi vật yên nghĩ, bóng đêm đến như vậy đó, êm đềm quá, tĩnh lặng đến không cùng. Thật là tuyệt vời.

 Trở về đất trại, chúng tôi cùng nhau thu dọn, kiểm kê lại mọi thứ cho đầy đủ trước khi trả lại cho chủ, tất cả son nồi đen xì vì khói bám phải đem ra chùi rửa cho sạch như lúc mới mượn, tự động mỗi người lấy vài cái, rồi cong lưng chà nhám bằng cát mịn, ngay cả trưởng Việt chà cái nồi lớn nhất đến mỏi cả tay, mọi người vừa làm vừa cười đùa để cho ra có mớ đồ nhôm trắng tinh trong khoảnh khắc đồng hồ và khi trả lại cho Tuscarora mà thấy vui.

img-textNgày Bảy: Ngày Lạnh Lẽo

img17 Chỉ còn một đoạn đường ngắn thôi, chúng tôi sẽ hoàn tất vòng tròn của BWCA. Sáng thứ bảy,ngày trại cuối cùng, lòng tôi chùng xuống chẳng hiểu vì sao, tại trời hôm nay không có nắng hay những bịn rịn bắt đầu nhen nhuốm vì tình cảm thân thương của các em trong toán.
 Lời nói đầu tiên (first word) đến với chúng tôi buổi sáng cuối cùng trên đất trại là sự quan hệ (relationship) do trưởng Hùng đảm nhận đã để lại những cảm nhận rất sâu sắc, là bài học quan trọng cho tâm linh, cho chính mình và cho những quan hệ của mình với người chung quanh.
 Những lời xuất phát từ trái tim của Hùng sẽ làm cho chúng tôi nhớ mãi trong đời.
 Thời gian đã đến phải lên đường ngay, mỗi người mang theo những hình ảnh khó quên trong tâm. Các em mặc áo an toàn, cầm mái chèo chuẩn bị ra đi. Steven chạy lên xuống tìm áo của mình nhưng không có, thì ra gío lộng chiều qua đã mang đi đâu mất rồi. Cuối cùng đành mong manh không áo an toàn ra đi. Trưởng Hùng cẩn thận để mắt khắp nơi cố tìm cho ra chiếc áo ấy, may quá khi chèo xuồng dọc theo bờ đá đã nhìn ra chiếc áo Steven nằm lơ lững trên mỏm đá, thế là chẳng mất mác gì cả. Lúc này ghe thì nhẹ tênh, mà mái chèo thì phải dồn dập, sâu hơn, mạnh hơn, nhanh hơn vì cơn mưa lại muốn đổ xuống hồ.
 Lên đến bờ sao mà lạnh thế, nóng lạnh trong mùa hè này thật là lạ, mọi người lại mặc áo dày hơn, các em rủ nhau chơi đá cầu cho ấm, rồi chụp hình lưu niệm trong khi chờ nhân viên Tuscarora đến chở về nơi lưu trú. Andy và Sue đón chúng tôi với nụ cười hài lòng. Chúng tôi đã bình yên trở về với những hân hoan hiện rõ trên mặt.

 Bảy ngày lên rừng, sống trọn vẹn với thiên nhiên, với trời đất tươi đẹp mà tạo hóa đã khéo công gầy dựng, tôi đã thở bằng lồng ngực căng đầy gío mát tự có từ bao giờ. Làn da phủ kín ánh ban mai cùng nắng trưa rực rỡ giăng đầy thế giới. Nước trong xanh đang ở đó và đang chảy vào tâm tôi nguồn yêu thương vô bờ. Thiên nhiên là thế đó, tôi được tất cả và nghe trong tâm, tình yêu sông biển, núi đồi đã nuôi tôi khôn lớn. Tình hướng đạo càng trở nên thân thiết làm lòng tôi rộn ràng một niềm vui lắng dịu, sâu dày.
 Xuống núi, về lại đô thị phải tắm rửa, chọn bồ đồ sạch để mặc, sao mà nhiêu khê đến thế. Vào tiệm McDonnald, chung quanh những ồn ào, sôi động, người qua lại sao mà chóng mặt lạ thường, ngay cả lúc chọn thức ăn, tôi trở nên lúng túng lạ kỳ, không biết mình muốn những gì,thôi thì cứ ngồi yên để tâm thần thẩm thấu lại những bình thường của đời sống.

img18

(Toàn thể thành viên của toán viễn thám Minnesota BWCA 2011: Hùng, Dân (Gà Lôi). Việt, Brian, Randall, Anthony, Thanh-An, Toàn, Tuấn, Dũng, Hoa, Aaron, Trí, Vi-Lan, Vi Na, Khang, Steven, Tim)

 Trở lại Minneapolis buổi chiều để dự lễ chia tay ở nhà hàng Kim Sơn với bốn vị ân nhân của gia đình trưởng Hùng và Tuấn. (Ông bà Sheldon Fewer là người bảo trợ cách đây 36 năm, và ông bà James Cherry là trưởng trại Wilderness Canoe Base của năm 1975, đã lái xe từ tiểu ban Iowa sang thăm) Buổi lễ rất ấm áp vì tình người luôn nồng nàn, đậm đà và trường cửu, vì mối quan hệ luôn gắn bó trong tâm hồn của từng người dù ở nơi nào.
 Về lại nhà, nhớ ơi sao là nhớ, nhớ tất cả, nhớ một cuộc hành trình rất quý chỉ có một lần trong đời. Nhớ Randall với thân thể đầy vết cắn của đỉa, muỗi ruồi. Steven với vết thương chân chưa lành và những tinh nghịch dễ thương, Tim chửng chạc, Dan năng nổ, Brian chịu khó, Trí nói cười vui. Tất cả các em dễ thương quá, mong sao mầm nhân từ nẩy nở trong tim các em mãi mãi.Xin được cám ơn bốn trưởng Hùng, Tuấn, Dũng, Việt cho tôi cơ hội thử thách với chính mình, bóng đêm, thú dữ, muỗi mòng, rắn rít, đĩa sâu. Có gì đâu mà sợ phải không?. Cho tôi cơ hội học hỏi ở các em Steven, Tim, Dan, Randall, Brian, Tri với đời sống thiên nhiên, mối quan hệ của mình với mình, với mọi người, với trời, với đất. Tất cả đã cho tôi tình cảm rất ấm áp, một chuyến đi có rất nhiều gía trị và trong tôi có rất nhiều lợi lạc. Xin được tri ân đến tất cả.

Thanh An
08/2011
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn