MỘT THỜI ĐỂ NHỚ
Không biết các bạn thì sao chứ tiêng tôi, tôi vẫn còn nhớ như in ngày đầu tiên mặc chiếc áo dài trắng, khoác áo len xanh, ôm cặp theo Mẹ đến trường Bùi thị Xuân. Chắc các bạn cười thầm con nhỏ này chắc là điên, vào trường Trung học rồi chứ có phải Mẫu Giáo đâu mà Mẹ dẫn đi ... Nhưng Mẹ tôi là vậy đó, mỗi năm vào ngày tựu trường là Mẹ đưa đi, từ Tiểu học lên đến Trung học rồi Đại Học, không bỏ một lần nào.
Trong cặp mắt của con bé 11 tuổi lúc đó, ngôi trường Bùi thị Xuân mái đỏ tường vôi hồng thật là to lớn và uy nghi vô cùng ... Màu hồng như tuổi con gái đầy ước mơ ... Nhìn lên cổng trường với bảng hiệu “ Trường Nữ Trung Học Bùi Thị Xuân “ tôi thấy lòng lâng lâng kèm theo niềm hãnh diện : bây giờ tôi đã là một trong những cô nữ sinh của ngôi trường công lập nữ nổi tiếng và duy nhất của thành phố Đalat.
Trong sân trường rộng lớn thênh thang, nhóm con gái mới vào chúng tôi ngỡ ngàng, e ấp, mở to cặp mắt nhìn từng nhóm nữ sinh khoác tay nhau nhỏ to chuyện trò, ngắm những nhóm bạn cũ gặp lại nhau sau kỳ hè cười đùa thật là vô tư, và tự nhũ lòng rồi không bao lâu mình sẽ hòa nhập vào đàn con gái dễ thương này. Ngay cả lớp học cũng rộng rãi hơn trường Tiểu Học nhiều, bàn ghế, bảng đen cái gì cũng to lớn hơn trường cũ, hay là tôi chỉ tưởng tượng vậy thôi??? Tôi nhớ ngay năm đầu tiên, có nhỏ bạn hay đọc truyện trong lớp, mỗi lần cô giáo bắt gặp là cô la mắng cho cả lớp cùng nghe đến hết giờ luôn. Cho nên mỗi ngày trước khi cô vào lớp, chúng tôi lấy truyện của nhỏ bạn dấu hết, như vậy mới học yên. Trong lớp có một chị học năm trước bị ở lại, ôi chao chị có cặp mắt đen lay láy với hàng mi dài, mỗi lần nói chuyện là chị chớp liên hồi đôi mắt đẹp. Ngoài ra chị còn có mái tóc đen nhánh dài chấm eo, làm cho tôi xưa nay tự hào về mái tóc của mình bây giờ phải đi chiêm ngưỡng mái tóc của chị.
Bốn năm học qua nhanh, và qua cùng với bốn năm đó những trò chơi con nít như nhảy dây,nhảy cò cò, rồng rắn lên mây ... tôi bước vào Đệ Nhị Cấp với những hoạt động dịu dàng hơn như là giờ ra chơi đứng chống tay ngoài lan can nhìn xuống sân trường, hoặc là ngắm mây bay ... Rồi những buổi trưa tìm đến gốc cây trong sân ngồi nhỏ to tâm sự với bạn, hay trao đổi với nhau những bài thơ, những bản nhạc đã được chúng tôi nắn nót viết bằng mực tím trên những trang giấy trắng tinh như tuổi học trò. Cũng có những buổi trưa lang thang vô chùa Linh Sơn hái hoa về ép đầy trong tập thơ, tập nhạc. Rồi phải kể đến ngọn đồi cù đã từng in dấu chân chúng tôi, cặp tay nhau bước đi vòng quanh đồi, hay tìm đến gốc thông nào đó ngồi dựa lưng nhìn mây trắng bay. Cũng may là có ban C văn chương để cho những đứa con gái nhiều mơ mộng như chúng tôi có lớp để học, và nhất là rất hợp với cái tính hay buồn, hay khóc vớ vẩn của tôi. Đọc một câu chuyện buồn hay xem một cuốn phim buồn cũng có thể làm cho tôi nước mắt lưng tròng và buồn bả suốt mấy ngày, Mẹ tôi nói tôi hay thương vay khóc mướn chắc cũng chẳng sai lắm. Được cái là tuy dễ buồn, dễ khóc nhưng cũng ... dễ quên. Năm ngoái về Saigon, đến thăm cô Ấ́u Lăng, tôi kể cho cô nghe là cô đã từng làm cho đám học trò trong đó có tôi buồn thương cho số phận hẩm hiu của người cung nữ trong Cung Oán Ngâm Khúc, hay cuộc đời của người chinh phụ trong Chinh Phụ Ngâm bằng lời giảng vô cùng sống động, truyền cảm của cô,cô lắc đầu cười và nói “ Vớ vẩn “ .
Thuở đó, khoảng năm 60 trở đi, những căn nhà nho nhỏ dọc theo đường Võ Tánh, bây giờ là Bùi Thị Xuân, thường được các chàng sinh viên Đại Học thuê, mỗi khi chúng tôi tan trường là các anh ra cửa đứng ngẩn ngơ nhìn các cô nữ sinh túa ra cổng trường như đàn bướm, khi tìm được người hợp nhãn thì đi theo, giống như bài hát Ngày xưa Hoàng thị “ em tan trường về, anh theo Ngọ về “ . Tuy không có trong danh sách những người đẹp nổi tiếng của trường nhưng không hiểu sao tôi cũng có những “ cái đuôi “ hộ tống về đến nhà, cũng có những “ cây si “ đứng đợi ngoài cổng trường, cũng “ bị “ nhận những lá thư gửi cho “ Cô bé quàng khăn đỏ “. Tụi bạn tôi lúc đầu gọi tôi là “ điệu “ ( vì cái “ tội “quàng khăn voan đỏ trên cổ ấy mà ) sau cũng bắt chước “ chủ nhân “ của những lá thư đó, gọi tôi bằng biệt hiệu này luôn. Bây giờ, sau mấy chục năm bạn bè cùng lớp có dịp họp mặt nhau, nhắc đến tên tôi thì không ai nhớ “ Nó là con nhỏ nào? “ nhưng nói đến 1 trong 2 biệt danh trên thì mọi người nhớ liền ... Chắc phải cám ơn anh chàng nào đó đã đặt cho tôi cái tên dễ thương này.
Tôi còn nhớ phía sau nhà ông cai trường có một lối đi tắt ra đường Võ Tánh, khoảng đối diện với ngọn đồi cạnh trường Bồ Đề, nhưng phải chui qua hàng rào kẽm gai bao bọc quanh trường. Chỗ hàng rào kẽm gai này chắc được các bậc đàn chị dùng làm đường tắt mỗi khi “ cúp cua “đi chơi ( xin lỗi các chị nha ) nên không có căng lắm, đủ để chúng tôi vén lên và chui qua. Sáng nào mà đi học trễ là chúng tôi phải dùng con đường tắt này, mới kịp để chạy ù vào sân xếp hàng vào lớp. Đôi khi vội vã, và không có “đồng minh “ vén hộ cho nhau hai hàng kẽm gai,chúng tôi bị rách vạt áo dài hay ống quần là thường. Cũng có những ngày được nghỉ 1 hay 2 giờ, chúng tôi 4 đứa ( tự phong là nhóm “ Tứ Đại Cô Nương “ như chuyện kiếm hiệp ) vòng ra phố, xuống bên hông chợ ăn chè đậu ván, vừa ăn vừa ngắm cô bán chè má hồng hây hây... Mà phải là chè đậu ván của cô hàng chè ... xinh xinh này mới ngon, và cũng phải ôm cặp đi ăn như vậy mới thấy thú vị.
Rồi tôi có những “ cô em hộc bàn “ viết cho những lá thư thiệt là dễ thương, mỗi sáng vào lớp nhận được lá thư trong hộc bàn là vui trọn ngày, hãnh diện vì được đàn em học buổi chiều ngồi cùng chỗ ... ái mộ, giống như tôi cũng một thời ái mộ các bậc đàn chị trước kia. Đến năm Đệ Nhất, lớp 12 bây giờ, vì lý do thiếu giáo sư hoặc không đủ số học sinh hay sao đó tôi không nhớ rõ mà trường chúng tôi phải đưa nữ sinh ban B sang học ở trường nam Trần Hưng Đạo, và nhóm con trai học ban C bên đó sang học chung với chúng tôi. Eo ơi, học chung con gái với nhau quen rồi, bây giờ tự nhiên có con trai vô ... mất tự nhiên. Lúc đầu cô chủ nhiệm tính cho ngồi một bên nam, một bên nữ, chúng tôi phản đối quá chừng, không cho ngồi ... ngang hàng. Cô bảo thôi ngồi xen kẻ cho hòa đồng, chúng tôi cũng không chịu luôn, cuối cùng cô phải cho con trai ngồi phía sau. Coi vậy mà chúng tôi học chung suông sẻ, nếu không kể tôi hay bị hai “em “ ngồi sau lưng chọc phá, kéo tóc, kéo khăn. Có vài trái tim con trai rung động với vài bạn gái cùng lớp, có vài nàng ngồi học mà vuốt hoài mái tóc hay chớp mãi hàng mi ... Nhưng mà tình cảm của tuổi học trò thì vô tư, nhẹ nhàng như mây, một cơn gió thoảng cũng ̣đủ làm mây bay tản mác ... Năm học cuối cùng trôi qua khá nhanh, ngày phải rời ngôi trường mẹ không xa. Buổi cắm trại ở Thung Lũng Tình Yêu để kết thúc niên học cuối cùng nhiều vui mà cũng nhiều buồn, mọi người tự hỏi không biết có còn gặp lại nhau trên Đại Học hay chăng, hay là mỗi người mỗi hướng ...
Hôm nay ngồi đây viết lại những kỷ niệm đẹp, nhẹ nhàng, dễ thương của khoảng đời học trò vô tư, hồn nhiên dưới mái trường Bùi Thị Xuân, thuở mà sân trường toàn bóng dáng áo dài trắng, tóc thề thướt tha, tôi thấy lòng bâng khuâng ...Cho dù đã hơn 40 năm qua nhưng kỷ niệm vẫn còn sống động như mới xảy ra hôm nào. Xin cám ơn ngôi trường thân yêu đã một thời bao bọc tôi, xin trân trọng cám ơn các Cô, các Thầy kính mến đã bỏ bao công lao dạy dỗ, trao dồi kiến thức cũng như đức hạnh cho các cô học trò nhỏ có đủ hành trang bước vào đời.
Cô Bé Quàng Khăn Đỏ
Nguyễn Thị Thủy
(BTX 62-69)
Australia
Gửi ý kiến của bạn