VỀ LẠI TRƯỜNG XƯA
Mấy hôm nay trời Sài gòn mưa mãi, mưa từ sáng đến chiều có lẽ ảnh hưởng của cơn bão phương xa, không khí dịu hẳn đi, xua tan cái nóng bức của xứ này.
Đi giữa cơn mưa với làn gió lạnh, bất chợt tôi nhớ Đà Lạt nôn nao, phải trở về nơi ấy thôi. Dù giờ đây chẳng còn ai thân thuộc, ba mẹ tôi đã lần lượt về cõi vĩnh hằng, bạn bè thì tản đi tứ xứ, tình yêu một thời giờ đã xa xăm. Nhưng tất cả lại làm nên một nỗi khắc khoải nhớ quê hương và tôi đã trở về xứ lạnh thân yêu của mình.
Đà Lạt đón tôi với làn gió lạnh se se và sương mù phủ khắp lối đi, bờ hồ vẫn như ngày nào với làn nước mênh mang, đồi cù vẫn mượt mà êm ả, mai anh đào ven hồ giờ này vẫn còn thẹn thùng ẩn mình chưa khoe những cánh hoa màu hồng hiền dịu nhưng thay vào đó là những chùm hoa Mimosa màu vàng óng ả đong đưa trong gió như vẫy chào tôi, vẫy chào người con của Đà Lạt thân yêu trở về xứ mẹ.
Đã quá lâu rồi, dễ chừng hơn bốn mươi năm, tôi mới gặp lại một số bạn bè cũ thời niên thiếu. Ngày ấy tôi học ở trường nữ Bùi Thị Xuân lớp đệ nhất ban toán (lớp 12 bây giờ), trường tôi thời đó không có ban Toán nên chúng tôi phải sang trường nam Trần Hưng Đạo học. Chỉ một niên khóa thôi nhưng biết bao kỷ niệm dưới mái trường Trần Hưng Đạo mà cho đến bây giờ ký ức ấy vẫn không thể nào phai mờ trong tôi và trong các bạn.
Ngôi trường của chúng tôi có lẽ là ngôi trường duy nhất ở Đà Lạt có lối thiết kế lạ lùng, trường nằm trên một ngọn đồi thoai thoải, các dãy lớp đi thẳng một đường từ chân đồi lên tới đỉnh nối với nhau bằng những bậc cầu thang. Giờ ra chơi cả sân trường là các bạn nam sinh nhưng điểm vào đó là những tà áo dài trắng thước tha bay trong gió tạo nên một bức tranh thật đẹp.Cả một ngôi trường nam chỉ có mười mấy đứa nữ nên chúng tôi được các thầy cô cũng như các bạn thương yêu và che chở.
Tôi không bao giờ quên được tiếng thông reo ngày ấy, ngồi trong lớp học nhìn ra những hàng thông dáng dịu dàng rì rào và reo vang theo từng cơn gió nhẹ, lúc ấy tôi nào có nghe thầy giáo giảng bài mà chỉ mãi nhìn những hàng thông lay động để rồi tưởng tượng lung tung. Nhưng không phải lúc nào tiếng thông reo cũng hiền dịu, khi mùa đông đến những cơn gió dữ đã quất vào hàng thông tơi tả làm thông đau đớn và rít lên từng cơn, chưa hả cơn giận gió lại ào vào đập vỡ cửa kính lớp tôi, cái lạnh lùa vào kèm theo tiếng gào thét của hàng thông làm tim tôi se thắt. Bây giờ trở về đây thèm được nghe tiếng thông reo sao mà khó quá bởi vì Đà Lạt đã đô thị hóa mất rồi! Những hàng thông quân tử ngày xưa giờ ở nơi nao, lòng tôi bâng khuâng tự hỏi.
Trở lại ngôi trường xưa vào một buổi chiều nắng nhẹ.Ôi ! Trường của tôi đây rồi, nhưng cổng trường thân yêu mà ngày nào cũng mở cửa hân hoan chào đón lũ trẻ chúng tôi nay đã bị phá bỏ, chỉ còn trơ lại hai mảng tường mà theo thời gian rêu xanh đã phủ kín, dây leo chằng chịt, cỏ mọc cao quá chân người. Ngôi trường Trần Hưng Đạo xa xưa vẫn còn đó nhưng nay đã đổi chủ thay tên thành trường Đại Học Yersin, cổng vào trườngở phía sau. Tần ngần một lúc tôi quay xe lại rồi vòng ra tìm kiếm lối vào cửa để vào thăm lại ngôi trường thân yêu của mình. Nhưng than ôi! Tất cả đã không còn như xưa nữa, ngay cả ngôi nhà hoang một thời đã đi vào tiểu thuyết “Vòng Tay Học Trò” của Nguyễn Thị Hoàng cũng đã biến mất, nơi đó bây giờ mọc lên một căn nhà đồ sộ và trở thành Trung Tâm Đào Tạo Dân Số Lâm Đồng.Tôi phóng tầm mắt ra xa để kiếm mộtchút gì của ngày xưa nhưng buồn làm sao! Hồ Vạn Kiếp thuở ấy đẹp đến nao lòng nay còn đâu. Tôi ngó quanh và chỉ thấy toàn là những dãy nhà lồng trồng hoa cúc.
Chiều dần xuống cái lạnh bắt đầu thấm vào tôi sương mù lảng vảng khắp nơi và che mờ đi ngôi trường xưa cũ, tôi bất chợt nhớ đến những dòng thơ xưa “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương” mà lòng buồn rười rượi nhớ da diết những kỷ niêm xa xưa của tuổi học trò. Chúng tôi họp mặt nhau nơi nhà G, thật cảm động làm sao trong lần gặp gỡ này khi xưa các bạn tôi là những cô cậu học trò tràn đầy nhựa sống theo dòng dời đi tìm những hoài bão của mình, nay gặp lại nhau sau bốn mươi năm, tất cả đã già đi rất nhiều, có bạn đã lên chức nội ngoại hết rồi. Ở Đà Lạt chỉ còn một vài bạn còn tất cả đã di tản đi tứ xứ. Mặc dù chúng tôi ít gặp nhau đầy đủ nhưng tất cả vẫn nhớ về nhau và nhất là nhớ về ngôi trường xưa trên đồi vắng nằm lẩn khuất trong những hàng thông xanh thẳm. Chúng tôi vẫn nhớ đến những người bạn đã về nơi đất mẹ. Nhớ làm sao đôi mặt đẹp của Sam Long, nụ cười hiền hậu của Công Dân. Hãy yên nghỉ nhé! Chúng tôi không bao giờ quên các bạn.
Đêm nay tất cả đề nghị hát lại bài truyền thống của trường “ Đây Bạch Đằng Giang sông hùng dũng….”. Dù tiếng hát bây giờ không còn cất lên oai hùng và mãnh liệt, nhưng chúng tôi vẫn hát say sưa để rồi sau đó lại bùi ngùi nhớ thương về trường cũ. Bên những món ăn đơn sơ, bên những ly rượu khai vị không đủ làm ngất ngây lòng ai nhưng tiếng cười của chúng tôi vẫn vang lên trong đêm giá lạnh.
Ngày mai tôi sẽ từ giã Đà Lạt, lòng buồn vì xa các bạn. Nhưng các bạn ơi! Tôi lại trở về vì Đà Lạt khi tôi đến là đến với những kỷ niệm của tuổi học trò dưới mái trường thân yêu và khi ra đi tôi sẽ mang theo một ít nắng nhẹ, một ít gió hiền hòa và cái lạnh muôn thuở của xứ mình và… hình như tôi còn mang theo cả ánh mắt thiết tha của một người bạn mà bỗng dưng tôi tìm lại được.
Trinh Hoàng
Đệ Tứ 3 NK 1964-1965. Từ trái sang phải:
Nguyệt – Khanh – Lý – Hồng (trước)
Nguyệt – Khanh – Lý – Hồng (trước)
Gửi ý kiến của bạn