Viết để tồn tại * Hoàng Khởi Phong

27 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 61399)

 

Viết để tồn tại

Hoàng- Khởi- Phong

 dalat_3_2012_52-large-content

Tôi gặp và thân Nguyễn Quang Tuyến vào đầu năm 1973, khi từ Pleiku đổi nhiệm sở về Đà Lạt. Năm đó cả hai chúng tôi vừa tròn ba chục tuổi và chiến tranh Việt Nam cũng vừa trải qua một trận huyết chiến mù trời dậy đất giữa quân đội hai miền trong mùa hè 1972, mà ở đó sự thiệt hại của cả hai bên lên tới hàng trăm ngàn người.

Cả hai chúng tôi là những người lính không bình thường, vì bên ngoài bộ quân phục và khẩu súng của mỗi người lính, chúng tôi còn võ trang thêm cho mình một cây bút, để ghi lại những gì chúng tôi thấy và nghĩ trong chiến tranh. Năm 1969 Nguyễn Quang Tuyến cho ra mắt bạn đọc và thân hữu cuốn :”Quê Hương Rã Rời tập truyện đầu tay của ông do nhà xuất bản Thái Độ xuất bản. Năm 1972, ông gửi tặng những người bạn thân, bản luận án tốt nghiệp Cao Học với đề tài Phê bình quan điểm kinh tế Karl Marx. Có thể tôi suy đoán không chính xác, nhưng tôi tin những dòng chữ trong tập truyện ngắn, và những lập luận của ông trong luận án tốt nghiệp, đã đóng góp một phần cho các suy nghĩ của ông trong những năm tù cải tạo sau khi miền Nam đổ ập xuống như một thân cây to bị rỗng ruột.

Là một bạn văn của Nguyễn Quang Tuyến, tôi đón nhận tập truyện đầu tay của ông một cách trịnh trọng, ngay từ nhan đề của cuốn truyện. Phải, quê hương làm sao mà không rã rời, khi suốt ba thế kỷ cuối cùng của lịch sử là những trận chiến tranh liên tục. Bắt đầu từ cuộc tương tranh Trịnh Nguyễn, kế đến nhà Tây Sơn phất lên như một cánh diều no gió, với một Quang Trung hoàng đế và những chiến công vang lừng suốt chiều dài đất nước, trong hai trận chiến tranh chống ngoại xâm: Ở trong Nam là cả phá năm vạn quân Xiêm trong trận Xoài Mút, và ngoài Bắc là đại thắng hai mươi vạn quân Thanh ngay tại Thăng Long. Sau Khi Quang Trung mất đi, con diều của nhà Tây Sơn hết gió, bởi có một ngọn gió chướng khác từ phương Tây thổi ập tới, đã làm nền cho Gia Long thống nhất sơn hà với sự trợ giúp của người Pháp. Nửa thế kỷ sau do chính sách bế quan tỏa cảng, và cấm đạo của nhà Nguyễn, người Pháp có cớ để xâm lăng và đô hộ nước Việt. Cuộc chiến tranh đòi độc lập của người Việt kéo dài non thế kỷ, khi người Pháp phải xuống tầu về nước vào năm 1954, họ để lại một nước Việt bị chia đôi, với sông Bến Hải làm ranh giới giữa hai miền. Để hàn gắn lại vết thương cắt đôi đất nước, một cuộc chiến tranh khác nổ ra giữa miền Bắc và miền Nam được chống lưng bởi hai đế quốc khác nhau.

Thành thử chiến tranh ở nước Việt hệt như những hạt lúa rụng xuống đất để mọc lên một nhánh lúa khác. Cứ trận chiến này tàn lại khai mở một trận chiến khác. Trong ba thế kỷ chiến tranh ngự trị trên đất nước tôi, bất cứ một người dân Việt nào còn sống ở tuổi bốn mươi, người ấy ít nhất đối diện với một, hai trận chiến. Nguyễn Quang Tuyến và tôi là những người sinh sau đẻ muộn, cho đến năm 1975, chúng tôi đã chứng kiến hai trận chiến tranh, một dành độc lập chống thực dân Pháp, một thống nhất đất nước. Riêng với trận chiến sau, cả hai chúng tôi không chỉ chứng kiến mà còn tham dự trong tư cách của một người lính miền Nam.

Tập truyện “Quê Hương rã rời” của Nguyễn Quang Tuyến ra đời vào cuối năm 69, sau đó ông là sĩ quan giảng viên của trường Võ Bị Quốc Gia, và đồng thời giảng dậy Triết và Văn cho một số trường Trung, Đại Học nơi thành phố Đà Lạt. Ông không phải là người lính xung trận, do đó truyện của ông không có lửa cháy, đạn bay và người chết như ngã rạ. Những nhân vật của ông là những người dân bình thường ông gặp trong đời sống hàng ngày. Tuy không trực tiếp viết về chiến tranh, song cái không khí u uẩn, chết chóc, hoang vắng, rã rời thì bàng bạc trong toàn bộ tác phẩm. Bên cạnh tập truyện này, ông là một cây bút thường xuyên góp mặt với nhà Xuất bản Thái Độ do Thế Uyên và Duy Lam chủ trương, và thỉnh thoảng ông đăng tải một số truyện ngắn rải rác trong các tạp chí văn học khác của miền Nam trước 1975.

Những truyện ngắn của ông cho thấy, hình như đã tự gán cho mình sứ mạng của người cầm bút. Tất nhiên sứ mạng này do chính ông vẽ ra cho riêng mình hệt như một mệnh đề triết học, để chứng tỏ sự hiện hữu của chính ông. Giản dị nhất của sứ mạng này có thể chỉ là một nhân chứng, trong trận chiến ủy nhiệm của hai khối quyền lực chi phối toàn cầu. Nơi ông sinh ra và lớn lên là miền Nam, nơi mà những nhà lãnh đạo lúc nào cũng gào lên vì chính nghĩa là Tiền Đồn Chống Cộng, trong khi đó thì nửa miền Bắc lúc nào cũng hô to khẩu hiệu giương cao ngọn cờ Xã Hội Chủ Nghĩa. Trong tư cách của người cầm bút, ông chỉ muốn nhắc nhở độc giả của ông là chiến tranh, cho dù có nhân danh bất cứ một chính nghĩa nào, với bom đạn từ các nước đồng minh của miền Nam, cũng như hậu phương lớn của miền Bắc đổ vào, chỉ làm hao tổn máu xương của người Việt, cũng như làm nghẽn mạch sống của cả hai miền.

Năm 2003, sau ba chục năm cách biệt, trong lúc lo bài vở cho tờ báo Xuân Người Việt xuất bản ở California, qua ông Lê -Thiệp tôi nhận được truyện ngắn “Gà ống tre” được gửi tới, được viết bởi một nhà văn còn ở lại trong nước. Tên tác giả Nguyễn Quang Tuyến khiến tôi khựng lại, vì người Việt trùng tên nhau quá nhiều. Suốt ba chục năm liền tôi đã đọc rất nhiều sách báo xuất bản từ trong nước, tôi chưa bao giờ gặp lại tên các bạn văn cũ của tôi. Tôi muốn nói tới những nhà văn đích thực, viết với sứ mạng của riêng mình, chứ không phải những người được gọi là nhà văn song viết theo chỉ thị của thượng cấp. Tệ hơn nữa là viết để mưu cầu một ân huệ nào nơi quyền cao chức trọng, viết để nhận chìm người khác mà trong bất kỳ cuộc bể dâu nào cũng xuất hiện những cây “đao bút”, sử dụng ngòi bút của mình như trường kiếm, hay đoản đao cốt để giết người.

Chỉ đọc vài đoạn văn tôi đã nhận biết được đây là người bạn ba chục năm trước. Giọng văn sâu sắc mà hóm hỉnh của ông không thể lẫn với bất cứ nhà văn nào cùng thời với ông. Ý nghĩ đầu tiên của tôi khi đọc lại Nguyễn Quang Tuyến là một cảm giác cực kỳ vui, mà lại buồn vô hạn. Vui vì Nguyễn Quang Tuyến giờ đây đã hơn sáu chục, ông đã phải tranh sống với một bầy con năm đứa dưới nách, thế mà vẫn không quên sứ mạng của mình. Tôi không biết ông đã sống như thế nào suốt ba chục năm qua, nhưng rõ rệt trái tim nhà văn của ông vẫn đập rộn ràng và mạch lạc trong lồng ngực. Nói một cách khác thì với phần đông các nhà văn của miền Nam còn ở lại trong nước, nội sống không cũng đủ mệt nhoài, lấy hơi sức đâu để mà viết. Đó là chưa kể phải viết như thế nào mới có thể ngoi ra dưới ánh mặt trời. Chỉ mới đọc lại một truyện ngắn của ông tôi đã linh cảm thấy việc tồn tại trong văn chương của ông dường như còn khó khăn gấp bội việc ông tồn tại trong đời thường.

Năm 2007, nhà xuất bản Văn Nghệ ở Sài Gòn xuất bản tập truyện “Khi Tu Hú Kêu…” của Nguyễn Quang Tuyến. Mãi ba năm sau tôi mới có dịp đọc toàn bộ tập truyện này, và tôi hiểu tại sao mấy năm trước khi lần đầu đọc lại Nguyễn Quang Tuyến tôi có cảm giác cực kỳ vui, mà buồn vô hạn. Tôi tiếc là trong tay tôi không còn tập truyện đầu tay Quê Hương rả rời xuất bản năm 1969 của ông, để so sánh với Khi Tu Hú Kêu xuất bản năm 2007. Giữa hai tập truyện gần bốn chục năm đã qua đi, nhưng nếu người đọc tinh ý, thì ngay trong tập truyện mới in sau nầy sẽ thấy sự khác biệt lớn nhất trong văn chương Nguyễn Quang Tuyến. Trước 75, ông viết truyện về những con người cụ thể sống quanh ông. Sau khi cầm bút lại vào năm 1995, ông thường viết về những con vật như là những truyện ẩn dụ, ngụ ngôn.

Điểm qua những truyện ngắn trong tập truyện mới nhất của ông người đọc nhận thấy: Truyện ngắn Tuổi Thơ được ông viết từ năm 1968, là một hoạt cảnh đầy sinh động của chiến tranh, với ba chị em còn nhỏ và một bà mẹ bán quần áo trẻ em, kiếm lời bằng cách khêu gợi lòng trắc ẩn của những người lính Mỹ xa nhà. Ở đây không có tiếng súng, nhưng tình tiết của câu chuyện còn ầm vang hơn tiếng súng ngoài mặt trận. Truyện ngắn Con Chó Con được viết vào năm 1967, không hề có con chó nào cả, mà là truyện của một cô gái quê ra tỉnh bán bar. Chó Con là tên ở nhà ông bố gọi cô từ hồi còn bé. Khi chiến tranh bộc phát dữ dội, lan tràn khắp nơi, ruộng nương bị bỏ hoang, cô gái quê phải ra tỉnh bán bar độ nhật. Cảnh ông bố ở nhà quê ra tìm dẩn Chó Con về, đọng lại nơi người đọc như tiếng nổ của súng cối, đệm nhịp cho những khẩu súng nhỏ nơi trận tiền. Về Với Mẹ là một truyện ngắn được viết trong năm 1967, về một cô gái đi làm ăn xa, Tết về quê thăm Mẹ, mà không biết nơi Mẹ ở giờ đây đã thành bình địa. Trên xe hỏa, người đọc thấy vài người lính bông đùa vô hại với cô gái. Ở đây người đọc bắt gặp cái tâm Phật của cô gái đối với người bạn đồng hành vừa mới quen ở sân ga. Cho dù cô gái đó có thể làm một nghề không mấy trong sạch, người đọc vẫn bắt được cái tình người ấm áp khi cô gái chanh chua chỏng lỏn đối đáp với những người lính. Những người lính trong truyện này cũng không hề mang tới không khí chết chóc của chiến trận, trái lại cho người đọc thấy những con người bình thường hồn hậu ấy, ai nấy đều có lòng quyến cố và sẵn sàng đứng lên bảo vệ phần đất đã nuôi nấng mình.

Sau 75, Nguyễn Quang Tuyến cũng như hàng trăm ngàn quân, cán, chính Miền Nam khác phải đi tù cải tạo; kế đó là những năm liền lo sinh kế cho một gia đình đông đúc. Năm 1995 khi sinh kế tạm ổn, ông quay lại với cây bút của mình, với sứ mạng do chính ông đặt định cho chính mình.

Truyện ngắn đầu tiên ông viết khi cầm lại cây bút là Lão Thợ Giày, ông viết lúc ông làm xưởng gia công đóng giày ở Sai gon. Tuy truyện này vẫn viết về muôn dân con người, nhưng cái tính ngụ ngôn đã hiện rõ mồn một. Trước tiên đây là truyện thời phong kiến, có ông vua ngự trị chót vót trên đỉnh quyền uy, những tưởng rằng một lệnh ban ra là thần dân sẽ tuân thủ răm rắp. Nhà vua hạ lệnh làm những con đường thẳng tắp, để rồi hy vọng ngựa xe dập dìu, người người chen chúc trên lề đường trải da êm ái, ai nấy khi đi trên đường sẽ không lo gai góc. Thế nhưng ông lão thợ giầy vẫn tiếp tục công việc của mình, bởi ông hiểu mọi người sẽ vẫn đi những con đường mòn, cho dù đầy sỏi đá nhưng là con đường họ yêu thích:” Chính những bàn chân của cuộc sống hiện tại,theo yêu cầu của nó sẽ tự quyết định lối đi nào thích hợp,đừng bắt buộc mọi người phải đi trên con đường đúng của quá khứ để đến đúng tương lai của vua và các quan quy định…ngài đâu có thể nhân danh chân lý muôn năm mà để cho quan lại dẳm nát tương lai của muôn dân.” Phải nói ngay là sau hai chục năm không sờ đến cây bút, truyện ngắn này bố cục không chặt, và có thể chỉ là những suy nghĩ của ông trước cái ác nhân danh xây dựng hạnh phúc cho mọi người, mà quên rằng hạnh phúc thực sự chỉ có trong tự do và nhân phẩm của từng con người được tôn trọng.

Dường như chính Nguyễn Quang Tuyến cũng nhìn thấy khuyết điểm này của mình, những truyện sau đó ông thường viết về loài vật, nào là chuột, gà, tu hú, cà cưỡng, chích chòe, chèo bẻo v… v…nhưng thật ra ông đang nói chuyện của con người. Sống trong một môi trường mà con người lo sợ cả cái bóng của mình, ông đã tìm lối thoát cho ngòi bút của mình, đó là hình thức ẩn dụ . Có được lối thoát ngòi bút của ông linh hoạt hẳn lên, tung hoành nhiều hơn, vì lẽ ông không phải vừa viết vừa nhìn trước, ngó sau đề phòng phạm húy. Các truyện ngắn Lũ Chuột - Gà Ống Tre - Khi Tu Hú Kêu là những truyện ngắn đặc sắc trong giai đoạn này. Tôi đặc biệt tâm đắc với hai truyện Gà Ống Tre và Khi Tu Hú Kêu.

Truyện ngắn Gà ống tre (2003) khiến người đọc có thể liên tưởng tới một con thú quái đản có tên là “Kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa”. Kinh tế XHCN là loại kinh tế thế nào ? , nó phải chăng là một ước mơ ảo? Chưa ai thấy và cũng chẳng ai biết, còn kinh tế thị trường thì sờ sờ ra đó ! Cột một giấc mơ ảo vào chân một con chim rồi ép nó biến thành phượng hoàng !! Ý tưởng nuôi gà, mỗi con trong một cái ống tre, với hy vọng con gà sau khi bị giới hạn mọi sinh hoạt, chỉ còn ăn uống rồi nằm dài trong ống, khi lớn lên bị bó rọ trong ống tre, nên thân thể dài ngoằng toàn thịt, còn xương thì chỉ là những miếng sụn ròn tan quả là một suy nghĩ bệnh hoạn, ác độc. Rồi khi nuôi “giấc mơ nuôi ống “ thất bại bèn”đổi mới” bằng cách chẻ ống tre ra: chẻ ống tre ra thì con gà kế hoạch cứ chúi mỏ xuống đất, xương không đủ cứng để đứng lên. Nó là sinh vật què quặt, loạng quạng với quá khứ và hoảng hốt với tương lai. Ngoài ra câu chuyện còn làm cho người đọc giầu tưởng tượng nghĩ đến những lứa người vô cảm hệt như máy móc, những người này ác mà không biết mình ác. Một xã hội có quá nhiều loại người được đào tạo như thế là một xã hội nguy hiểm, bệnh hoạn. Càng nguy hiểm hơn nữa khi những người này ác mà họ nghĩ việc họ làm là đang bảo vệ một cái gì đó thiêng liêng, cao quý.

Khi Tu Hú Kêu (2008) là truyện được chọn đặt tên cho tập truyện, vì vậy tôi đọc nó thật kỹ. Con tu hú lén đẻ trứng vào tổ cà cưỡng tuy là quá trình sắp đặt của tạo hóa, song giữa hai loài nqt_houston_tuhu-large-contentchim này sao mà tâm tính khác biệt quá chừng. Tu hú thì gian ác, hiểm độc còn cà cưỡng thì hồn nhiên sống, dại khờ sống. Tu hú biết cà cưỡng chỉ đẻ bốn trứng, nó hất bớt một, hai trái trứng cà cưỡng rơi xuống đất, rồi đẻ vào đó một, hai trứng khác thay thế. Khi trứng nở thành chim, cặp cà cưỡng mớm mồi cho tất cả lũ chim trong tổ, và hồn nhiên nuôi cả cà cưỡng con lẫn tu hú non. Lũ tu hú non cũng thừa hưởng tính gian manh của loài tu hú, nên chúng sẽ hất bớt một con cà cưỡng non rơi ra ngoài, để mỗi bữa được chia thêm mồi. Khi lũ chim non đủ sức bay ra khỏi tổ, thì tu hú lại hoàn tu hú, mà cà cưỡng thì vẫn là cà cưỡng.

Tôi nghiệm lại những năm vừa qua, đại đa số chúng tôi, những người viết văn, làm thơ, đặt nhạc, vẽ tranh, nặn tượng của miền Nam hình như là những con chim cà cưỡng. Bên cạnh chúng tôi, bạn bè quanh tôi, cũng ríu rít khá nhiều tu hú. Điều tôi tâm đắc với Nguyễn Quang Tuyến trong truyện ngắn này, chính là tính vô tư, dễ quên của loài cà cưỡng. Với tất cả nhọc nhằn, thảm họa diễn ra cho loài cà cưỡng mà nó vẫn tha thứ, lúc nào cũng líu lo điệp khúc: “Có sao đâu – Tổ tôi đẹp – Trứng tôi xinh”. Tuy nhiên, dẫu rằng con người không phải là cà cưỡng, nhưng có lẽ tôi nghĩ để có thể sống thanh thản trong một cuộc đời đầy rẩy loài tu hú thì, con người phải biết tha thứ, biết bao dung; nhưng phải nhớ, phải luôn luôn nhớ, đừng bao giờ quên những kinh nghiệm máu xương cũ, để tránh những sai lầm tương tự, dẫu cho đã quá muộn màng.

Truyện ngắn sau cùng và cũng là truyện chót in trong tập truyện này: Cùng một chuyến xe (2007), là một câu chuyện xẩy ra giữa những con người trong Miền Nam thời gian sau cuộc chiến kết thúc. Nếu trước 75, ngòi bút của ông thường hay lên tiếng thay cho các cô gái quê, vì chiến tranh mà rời xa ruộng đồng, thậm chí còn phải làm những nghề ti tiện, thì nay ông lên tiếng thay cho những con người trung thực sống giữa một bọn người lừa bịp, lừa bịp trở thành phương tiện, thành bản chất giữa dòng nước lợ. Bọn chúng khi sống trong nước ngọt thì chúng nhảy cao lên xưng danh ta là cá nước ngọt ;chợt thế sự đổi thay, dòng nước mặn chảy ùa vào thì chúng nhãy cẩng lên cao rao chính mình mới đúng là cá nước mặn!! Lũ chúng nó vẩy đuôi hí hửng bơi trước đàn cá mập biển khơi mà rị mọ chỉ bọn cá rô đồng , cá lóc ruộng đang run rẩy nép góc bờ ao … Buổi giao thời , hơn mười năm mặn ngọt bất phân, và trong dòng nước lợ ,biết bao phẩm giá được trơ tráo trao đổi bằng chức phận để bán cả anh em, bạn bè, chiến hửu… Trong truyện ngắn này con người ta trong thời mới ngưng tiếng súng, dường như gian và ác hơn trong thời chiến. Nếu so sánh tâm lý các nhân vật của ông trước kia và bây giờ, người đọc nhận thấy trước kia cho dù những nhân vật của ông là bất cứ ai, làm bất cứ nghề gì, quá lắm họ chỉ có tính gian vặt, đủ để lo cho cái dạ dầy của mình. Còn bây giờ những nhân vật của ông sao mà hung dữ, gian xảo và quỷ quyệt đến vậy. Thằng bé Cu Nghinh trong truyện ở tuổi con của nhà văn, con cái chúng ta trong thời buổi ấy nó khóc không phải vì đòn đau hoặc đói ăn mà chúng khóc tê điếng cõi lòng vì chúng đã tin tưởng và chúng bị lừa gạt!! Nổi khổ lớn nhất của biết bao nhiêu người là :”Tưởng rằng là…té ra là…”.Đó là nổi đau khổ và tuyệt vọng cùng cực,vì chẳng biết còn tin vào đâu? Rồi mai sau con cái chúng ta sẽ ra sao, sống trong một nền giáo dục mà cái tính gian dối, ác độc phổ biến thế này.??

Tôi cũng muốn nhắc tới một truyện ngắn khác: Bông dủ dẻ (2005), dường như đây là những hoài niệm của Nguyễn Quang Tuyến với Quảng Nam, nơi quê cha đất tổ của ông. Nếu như tôi tâm đắc với hai truyện Gà Ống Tre và Khi Tu Hú Kêu bao nhiêu, thì tôi thích truyện Bông Dủ Dẻ bấy nhiêu. Tôi tin là những ai có liên hệ xa gần với đất Quảng Nam, sẽ thấy được con người Quảng Nam, nơi ông ngoại trong truyện Khi Tu Hú Kêu, hay ông cụ ở tiệm mì trong Bông Dủ Dẻ. Những ai liên hệ tới Quảng Nam sẽ tìm thấy mình đâu đó trong các trang sách, và sẽ thoang thoảng cảm thấy hương bông hoa dủ dẻ tràn ngập ngay trong trái tim mình.

Tôi không hiểu ông đã làm gì để tồn tại trong những năm đầu sau chiến tranh. Chắc hẳn sẽ vô cùng vất vả. Thế nhưng những suy nghĩ trong tù, cộng với vài lần thất bại trong những công việc sinh nhai, đã khiến cho ông hiểu rõ hơn thực chất của nền kinh tế kế hoạch tập trung, nhất là trong thời bao cấp, tem phiếu và phe phẩy. Ông đã làm đủ nghề, kể cả làm rẫy ở Đại Ninh, đập đá ở Tam Bố, làm hợp tác xã ngành gỗ, áp tải và bốc xếp các xe chở hàng gỗ đi bán cho các tỉnh khác, để khỏi phải đi kinh tế mới. Ông chỉ thực sự ứng dụng được những kiến thức và khả năng kinh tế của ông khi nhà nước quyết định đổi mới kinh tế và đồng thời cởi trói cho văn nghệ. Năm 1991, sau cả chục năm làm đủ mọi ngành nghề, và xoay sở kiếm sống, ông rời Đà Lạt về Sài Gòn. Trong lặng lẽ, nhẫn nại ông dìu cả gia đình qua khỏi thời kỳ đói khổ, tạo được sự nghiệp ổn định.

Sau năm 1997, các con ông giờ đây đã lớn, tuần tự ra trường và phụ giúp ông điều hành công việc làm ăn. Đó là thời điểm ông có khả năng quay về với giáo dục, ông là đồng sáng lập trường đại học tư thục tại Sai Gon và Đà Lạt, nơi hơn ba chục năm trước ông là sinh viên trường Đại Học Chính Trị Kinh Doanh khóa đầu. … Nếu kê khai chi tiết thì các hoạt động kinh tế của ông còn nhiều, đủ tư liệu để viết thành một cuốn sách, nhưng đó không phải là mục đích của bài viết này.

Làm thế nào ông có thể điều hành một loạt các cơ sở kinh tế mà vẫn có thể đeo đuổi nghề văn, gìn giữ sứ mệnh của mình. Gìn giữ và ấp ủ những khát vọng của một nhà văn trong hai chục năm không phải là một điều ai cũng làm được.

Phải nhìn nhận thẳng một điều: năm 1975, khi miền Nam đổ ập xuống như một thân cây to mà rỗng ruột, không một ai nghĩ được hòa bình dường như còn khốc liệt hơn chiến tranh. Trong năm năm đầu những cơn bão đời liên tục ập xuống đầu toàn thể dân chúng, nhất là dân chúng ở miền Nam. Những cơn bão này ẩn dấu dưới những cái tên cực kỳ hoa mỹ như: “Cải tạo – Đổi tiền – Kinh tế mới – Hợp tác xã – Tư sản mại bản…” thay phiên nhau xuất hiện trên bề mặt xã hội, làm xã hội cũng như con người bị biến dạng méo mó. Khi thì mãnh liệt, khi thì dai dẳng những trận bão này đã khiến cho có một thời người dân túa ra vượt biên theo chiều dài bờ biển. Nếu như gánh nặng gia đình của ông tương đối nhẹ, tôi nghĩ có thể ông cũng đã có lần nghĩ tới việc đem sinh mạng của mình ra đánh cuộc với số mạng. Thế nhưng tiểu gia đình của ông gồm một người vợ, năm người con còn nhỏ quả là sức nặng ngàn cân khiến ông không dám mon men tới gần bờ biển. Ông hiểu rằng định mạng của ông được gắn chặt vào vùng đất đã sinh ra, và đã lớn lên.

Trong mười năm đầu, ông cúi gầm mặt xuống để kiếm sống. Đã từng nằm co quắp trong trại tù cải tạo, ông hiểu cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của ý niệm nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại, nên bài học đó khiến ông tự nhủ mình là không bao giờ làm một việc gì, khiến ông có thể vướng mắc với một hệ thống pháp luật chằng chịt, một hệ thống an ninh đầy hoài nghi này. Cứ thế ông cố gắng sống, gìn giữ ngọn lửa thiêng trong lòng, và ấp ủ niềm hy vọng sẽ có một ngày ông tiếp tục, như một nhà văn chứng nhân, viết được những điều ông chưa hoàn tất.

Cho tới năm 75, Nguyễn Quang Tuyến cũng như những nhà văn nhà thơ của miền Nam đồng trang lứa với ông, chỉ là những cây bút mới nổi trên vòm trời văn học miền Nam, chưa đủ thời gian tích lũy hoàn thành tác phẩm. Ông nghĩ đến những người bạn tài hoa cùng trang lứa đã nằm xuống, và tiếc cho những con người tài hoa mệnh bạc này. Sau khi hòa bình lập lại, hầu như toàn bộ các người cầm bút ở thế hệ đàn anh biến mất trên thị trường chữ nghĩa. Biến mất như một viên sỏi ném xuống ao bèo. Những người viết trong thế hệ của ông lớp thì chết trận, lớp thì tù đầy. Và cho dù có được thả thì cũng bận vì sinh kế, cùng hàng ngàn lý do để tự hiểu rằng mình không thể đụng tới cây bút trong giai đoạn này. Ông tự biết có nhiều người ấp ủ, gìn giữ ngọn lửa trong lòng như ông. Nhưng thực hiện được nó nào có phải là điều giản dị. Vả lại việc viết văn của ông, cũng như những nhà văn khác của miền Nam không đòi hỏi gấp gáp, mà là sự kiên trì và nhẫn nại. Phải kiên trì hàng trăm lần, phải nhẫn nại hàng ngàn lần, để bù cho những người không kiên trì và nhẫn nại nổi, nên đã gục ngã đâu đó trên đường đời, hoặc giả còn sống mà vật vờ như thể đã chết.

Viết với ông bây giờ không còn là một thú tiêu khiển tao nhã, cũng không phải là để trang điểm cho một cuộc sống của một doanh nhân tương đối thành đạt về tài chánh. Tự thâm tâm ông hiểu, những thành công trong đời thường chính là những bước căn bản để sửa soạn cho một đời sống thứ hai, ẩn sâu trong trái tim ông. Viết với ông bây giờ là một tín niệm trong đời sống, như để tự cứu rỗi mình. Chẳng những ông sửa soạn cho bản thân ông, mà dường như ông còn sửa soạn cho người con trai út, đứa con mà theo ông có nhiều tố chất của nhà văn, và hy vọng nó có đủ diều kiện để đi xa hơn ông. Ông mãnh liệt tin tưởng vào điều này, vì ông nghĩ quỹ thời gian của ông không còn nhiều, phải nghĩ đến những người kế -thừa , để đi nốt quãng đường mà thế hệ cha ông để lại. Tại sao không?

Nguyễn Quang Tuyến và tôi cùng tuổi Mùi, chỉ một hai năm nữa chúng tôi bước vào tuổi bẩy mươi. Lẽ ra ông phải được nghỉ ngơi sau nhiều năm vất vả tân toan trong cuộc đời thường. Mấy năm nay ông đã chuyển phần nào gánh nặng kinh tế lên vai của các con, đồng thời ông sửa soạn hành trang cho một lần khởi hành mới: Cuộc khởi hành tìm lại con người nhà văn của chính mình. Chuyến đi này không có điểm bắt đầu, và được lặp lại hàng đêm, mỗi khi ông ngồi trước những trang giấy trắng giờ đây là cái màn hình vi tính. Con đường này đối với những người đứng ngoài nhìn vào, tưởng rằng sẽ đầy hoa và bướm, cùng những thảm có xanh tươi mơn mởn, nhưng thật ra đó là một con đường độc đạo, đầy chông gai và cạm bẫy. Bất kỳ ai đi trên con đường này, cũng cảm thấy trống trải và quạnh hiu vô cùng. Đã thế con đường cũng không có điểm đến, chỉ là những dấu mốc đâu đó trên đường, mỗi khi ông viết chữ HẾT cho một tác phẩm.

Quả là thật khó cho ông viết để tồn tại trong môi trường như ông đang sống.

 Tôi cầu chúc ông chân cứng đá mềm.

Hoàng Khởi Phong

nqtuyen_3_26_12_282-large-content












 

Nguyễn Quang Tuyến & Hoàng Khởi Phong

 California, April 2012

"Khi Tu Hú Kêu" do nhà sách Tự-Lực ở Quận Cam, California phát hành và bán

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn