Tản mạn nhân ngày giỗ bố * Thiên Hương

01 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 24600)

Tản mạn nhân ngày giỗ bố

100_0045-large-content

Sắp đến ngày giỗ bố. Năm nào cũng vậy, gần tới ngày giỗ là tôi lại nhớ bố, nhớ mẹ, nhớ người chị thứ tư da diết. 

Trước ngày giỗ một tuần, hai ông anh bên Mỹ đã gửi email để báo tin, để anh em, các cháu sống trong cùng tiểu bang tham dự.

Có năm qua Mỹ chơi nhân dịp giỗ mẹ, lúc ở Úc tôi đã nghĩ qua Mỹ lần này sẽ giỗ mẹ linh đình. Vậy mà qua đến nơi mấy anh em năm đó lại quên mất. Trên đường ra phi truờng trở lại Úc mới nhớ ra. Thiệt tệ thì thôi. Đành tự an ủi chắc mẹ tôi đã siêu thoát nên đâm ra mấy anh em đồng quên ngày giỗ.

Từ đó,trong calendar năm nào cũng ghi ngày giỗ bố và mẹ, để gần ngày giỗ, computer nhắc cho khỏi quên. Bố mẹ chắc cũng buồn lòng, nhưng chắc cũng thông cảm cho đám con cái sống giữa thế giới bận rộn và lắm chuyện đa mang.

Có năm mấy anh em đi chơi chung trên du thuyền. Giỗ mẹ trên boong tàu, thức ăn cúng là các món của nhà bếp du thuyền, nhang là nhang thơm mua trong tiệm bán đồ lưu niệm khi ghé Half Moon Cay. Các anh em tề tựu quanh chiếc bàn, trò chuyện trong ngày giỗ mẹ. Nhắc lại những chuyện xưa, chuyện nay, để nghe nước mắt cay cay.


Ngày giỗ từ lâu lắm, hình như đã mất đi những trịnh trọng. 


Ngày xưa, mỗi lần đến ngày giỗ, trước đó mấy ngày mẹ đã chuẩn bị đi chợ. Đậu xanh, măng khô, bóng ngâm trước hai ngày. Trước ngày tiên thường, đã lục đục hầm măng, hầm giò heo, nhồi vịt. Đến ngày tiên thường, sáng thức sớm, đãi đậu xanh trong lúc các chị tôi đã lục đục băm thịt, băm tôm, cắt rau củ cho chả giò, gỏi, bóng. Buổi chiều, ông anh thứ sáu ngồi bên nồi chè đâu xanh đánh. Chõ xôi hừng hực trên bếp thêm lừng, các nồi ninh, nồi hầm thơm ngào ngạt trên các bếp lò rừng rực. Bao nhiêu là việc, mấy chị em xúm xít chia nhau. Xé gà, băm tôm, băm rau răm, hành ngò cho món bún thang. Băm lòng vịt, đầu cánh vịt, rau quế cho món tiết canh. Rồi rang đậu phụng, chiên bánh phồng tôm, quấn chả giò,chiên chả giò, nhặt rau, rửa rau, trộn gỏi. Mỗi người, mỗi việc dưới sự điều khiển tài tình và điềm đạm của mẹ. Xế chiều, chú tôi và các em con chú từ Tùng nghĩa lên. Bàn thờ đã được lau chùi cẩn thận từ các hôm trước, các dĩa hoa quả, hoa đã xếp sẵn từ hôm trước. Những quận giấy vải nhiều màu, giấy vàng, giấy bạc cũng đã được quấn sẵn từ hôm trước. Các ngọn đèn trên bàn thờ đã được bật lên, hình ảnh ông bà lung linh. Gian gác như huyền ảo giữa mùi nhang thơm. Khi những mâm thức ăn đã được sắp lên, ba mẹ tôi trịnh trọng thay áo lên thắp nhang khấn vái. Sau đó, chú tôi và chúng tôi lần lượt lễ khấn. Bữa cỗ tối, cả nhà quây quần, nghe bố kể chuyện ngày xưa. Sợi dây liên lạc giữa chúng tôi và tổ tiên hình như được thắt thêm, hàn gắn lại những mối lỏng lẻo.

Sang ngày giỗ chính, cũng những bận bịu từ sáng sớm, làm thêm món nọ món kia. Bếp lò lại hừng hực, mấy chị em lại túm tít bận rộn. Đến trưa thím tôi còn từ Tùng nghĩa mang lên thêm đôi ngỗng quay vàng ngậy. Trước bữa trưa, việc của tôi và ông anh kế là đem xôi chè, trái cây sang biếu các nhà hàng xóm. Đến trưa, cả nhà lại quây quần ăn uống, trò chuyện. Giỗ xong, anh em tôi xúm xít trong vườn xem anh tôi hóa vàng. Những quận giấy vàng mã nhiều màu xanh đỏ, những xấp tiền, vàng giấy xoắn mình trong lửa để thành khói bay lên để lại những miếng tro lớn. Lúc ấy,chúng tôi như thấy ông bà đã trở về để nhận những thành tâm từ con cái và rồi lại bay đi sang thế giới của họ. Dọn dẹp xong, họ hàng ra về, căn nhà trở lại yên tĩnh. Cuộc sống lại êm đềm, êm như những chuyện cổ tích.

Ngày giỗ, như thế đi vào ký ức tuổi thơ, đi vào mối tình thâm gia đình, hàng xóm. Đã bao năm biết làm sao quên.

Bây giờ, đến ngày giỗ. Tẩn mẩn nấu nồi chè kho từ hôm trước. Mùi đậu xanh không thơm như mùi đậu xanh Việt nam, thiếu cả nước hoa bưởi. Nấu nồi xôi vò cũng thiếu chút mỡ gà béo ngậy. Các thức cúng phần nhiều là món mua sẵn. Hoa quả bánh trái dư thừa, các lễ vật cũng đầy đủ nhưng vẫn thiếu thiếu một cái gì đó. Thiếu sự chuẩn bị rạo rực, thiếu sự trịnh trọng lễ bái, thiếu bố, thiếu mẹ, thiếu vắng anh em, và thiếu nhiều thứ chỉ cảm thấy không có mà không thể kể tên. Đó có phải là nỗi nhớ.

Ừ, thì nhớ. Nhớ bố, nhớ mẹ, nhớ các anh các chị. 

Nhớ những tỉ mỉ của bố mẹ ngày xưa. Bố mẹ gần như một đôi hoàn chỉnh. Mẹ chỉnh chu trong cơm nước, con cái. Bố chu toàn trong cách sắp xếp nếp ăn ở, học hành cho con cái. 

Từ khu vườn, từ cái hòn non bộ, từ những cái chuông điện, dàn đèn trên bàn thờ, dàn đèn trong phòng ngủ, đèn cầu thang bố lắp đặt rất kỹ lưỡng. Tất cả chỗ bố ngồi đều có một cái chuông điện để bố gọi con cái. Chuông của bố lúc nào cũng là hai tiếng reng để ra mở cửa, và những tiếng reng khác nhau ở mỗi chuông để chúng tôi có thể nhận vị trí. Ah, bây giờ mới nhận ra bố là nhà giáo, mà hệ thống điện trong nhà như do một chuyên viên điện vậy. Có lẽ vì thế mà con người chị thứ năm giỏi về điện. 

Bố còn là một nhà trang trí. Vào các dịp Tết, bố lại chăng đèn kết hoa rực rỡ trong nhà như có đám cưới. Dàn bàn thờ nhà tôi rất đẹp, dưới sự chỉ dẫn của Bố, mẹ may những tấm màn, kết những chiếc hoa quanh bàn thờ, bệ thờ, quanh ảnh của tổ tiên rất trang trọng và khéo léo.

Bố còn là một … bác sĩ vườn nữa chớ. Cứ mỗi năm, bố lại lên viện Pasteur mua thuốc chích ngừa đậu mùa, dịch tả, dịch hạch về chích cho cả nhà và cho cả hàng xóm. Bố rất kỹ, chủng ngừa đậu mùa cho con cháu ở gót chân nên mấy anh em và đám cháu, nên chẳng ai có cái sẹo chủng ngừa đậu mùa ở cánh tay. Có lẽ vì vậy mà đám con cháu túa theo học y, nha nườm nượp. 

Bố còn là một nhà quản thủ thư viện riêng cho chúng tôi, bố gom sách vở cho đọc. Bố làm cho mỗi đứa một con dấu riêng có tên của mình để đóng lên sách vở. Bố làm tử vi cho mỗi đứa. Bố có một cuốn Lịch Thế kỷ, trong đó, gạch rõ ngày, giờ sinh của mỗi đứa con. Chín đứa chứ ít ỏi gì, mà đứa nào bố cũng nhớ rành rọt ngày sinh tháng đẻ, cả ngày ta lẫn ngày tây.

Mỗi đầu năm học, bố bọc sách vở hết cho đám con, trang đầu tiên, bố ghi tên, lớp, trường. Chữ bố rất đẹp, những cuốn sách vở bố bọc rất sắc nét, các ông anh bà chị tôi chắc giống bố nên làm gì cũng rất khéo léo. À, cái khéo léo tỉ mỉ này chắc còn phải kể thêm công của mẹ. Ít người gói bánh chưng, giò chả chắc và đẹp như mẹ. Ít người may những cổ áo sơ mi rất sắc nét như mẹ. Ít người xếp những đĩa trái cây đẹp như mẹ. Chúng tôi thật quá may mắn có được bố mẹ như thế. 

Tôi nhớ hoài chiếc hòn non bộ xinh xắn của bố. Chiếc bệ bằng xi măng bố đúc lấy,tỉ mỉ đắp hình những con cá bơi lội. Những hòn non bộ nhỏ phủ đầy những lớp rêu xanh, có chiếc chùa nho nhỏ, có hai ông tiên ngồi đánh cờ. Có một cây sung nhỏ xíu phủ những chiếc lá xinh xinh lên mái chùa. Có đủ cả bốn ông ngư, tiều, canh, mục đi rải rác quanh núi. Những con cá vàng mắt lồi to với chiếc đuôi xòe rộng lộng lẫy, thỉnh thoảng lại vạch những đám rong trên mặt nước để trồi lên tớp tớp. Mỗi chiều thức dậy, bố hay ngồi cạnh bể, xem báo và uống trà, có khi là một chút rượu trong cái ly nhỏ xíu xíu.

Ngôi trường tiểu học bố tôi làm hiệu trưỏng, bố tôi cũng thiết kế rất khéo léo. Con đường nhỏ trải xi măng khéo dài từ dãy lớp học phía dưới lên khu nhà mẫu giáo, lên dãy phòng học mới. Dưới hàng cây khuynh diệp xanh ngợp bóng lá là những chiếc ghế đá cho học sinh nghỉ mệt sau khi chạy dỡn trong giờ chơi. Ngôi trường đó còn hoài trong tâm khảm của anh em chúng tôi và của rất nhiều học sinh cũ của trường.

Bố rất thích hoa, tỉ mỉ gom đủ loại, đủ màu của những cây geranium về trồng phía trước nhà. Ngôi nhà chúng tôi là ngôi nhà độc nhất có dàn hoa leo đỏ trong dãy phố. Bao năm bố trồng hoa quỳnh, mà hoa quỳnh ở Đà lạt sao khó ra hoa quá. Trưa nào hai bố con cũng tỉ mẩn nhìn cánh quỳnh xem có cái nụ nào hé ra, mà bao nhiêu năm không có. Đến một năm hé ra được ba nụ. Bố mừng lắm.

hoa_quynh_1-contentcoffeeb_005-large-content100_0087-large-content

Ngày hoa quỳnh nở, mẹ đã chuẩn bị cho cả nhà ăn cơm sớm. Bố cho đem cây quỳnh ra phòng khách từ mấy hôm trước, chuẩn bị dàn đèn từ mấy hôm trước. Tối hôm quỳnh nở, chúng tôi và đám bạn hàng xóm ngồi quây lấy bố mẹ và anh chị trước cây quỳnh. Dưới ánh đèn trắng hơi xanh, những cánh hoa quỳnh từ từ hé nở. Chiếc bông quỳnh khe khẽ cựa mình, vươn lên dịu dàng, không gian nhẹ như tơ. Chúng tôi nín thở nhìn những cánh hoa từ từ mở, đưa vào một thế giới trong veo tinh khiết. Chiếc máy nhạc chạy chầm chậm những bản hòa âm cổ điển. Hương hoa quỳnh thật dịu, mùi thơm nhẹ nhàng như không như có. Đêm ấy như đêm huyền thoại. Ngày hôm sau, thức dậy, những cánh hoa đã dần dần cụp xuống, khép lại những cơn mơ đẹp. 

Chỉ ba tháng sau, bố tôi bị đứt mạch máu não.

Hôm ấy, tôi đang học thi Tú Tài một, hai giờ sáng xuống nhà uống nước, bố còn thức đọc báo. Mẹ hỏi sao học khuya thế con. Bố nói khẽ,  bà đừng hỏi, con ngại, cứ để nó thức học. Thế mà vừa vào giường, đã nghe mẹ la thất thanh. Chạy vội xuống, miệng bố đã méo xệch. Mẹ nói ông ấy đánh rơi tờ báo, cầm cánh tay và hỏi tay ai thế này, rồi mê đi. Cầm vội máy đo huyết áp. 230 – 160.

Bố tôi bắt đầu mê man, học trò, nhà giáo đến thăm nườm nượp. Nhìn bố nằm, tôi ngơ ngác. Không còn dáng dấp gì của một người đàn ông cao lớn, năng động, ăn nói hoạt bát vui vẻ. Bố không nghe, không ăn, không uống. Mỗi lần đổ nước cháo, nước súp cho bố, thật khó khăn, Anh tôi lên từ Sài gòn, với xe của bệnh viện, mấy ngày rồi không ăn uống thế này Anh nói và lặng lẽ ra sau vườn, lần đầu tôi thấy anh khóc. Khi xe chở bố, mẹ và hai ông anh đi rồi. Tôi quay về căn nhà vắng lặng. cầm lấy quyển vở mà không thế nào học được. Nước mắt cứ lặng lẽ, lặng lẽ chảy dài. Nhà còn lại hai anh em, ông anh kế sắp sửa thi Tú Tài hai và tôi thi Tú Tài một. Hai anh em, hai bàn học, lặng câm với một nỗi buồn như nhau.

Bố mẹ ở Sài gòn gần một năm. Lúc trở lên, bố liệt nửa người, bên phải không hoạt động được, tay trái chống nạng. Dù chống nạng, ngày nào, cũng đúng chín giờ sáng, bố mặc quần áo thật đàng hoàng, bắt đầu ra cửa đi bộ khoảng hai tiếng, có lúc bố còn đi cả lên khu Hòa Bình, những con dốc, những cái nắng, những giọt mồ hôi không làm chùn bước chân của bố. Dù mưa nhẹ, gió mạnh, bố vẫn kiên cường bước, chỉ ở nhà lúc mưa thật lớn. Trưa về, ngủ trưa xong, bố ngồi nắn nót tập viết bằng tay trái. Nhìn bố cặm cụi đi, cặm cụi viết, mới thấy sự nhẫn nại và quyết tâm của bố. Những lúc mệt mỏi, bố ngừng tay nhìn ra cửa. Những cây hoa như muốn đền bù, những năm ấy ra hoa thật rực rỡ. 

Năm 79, anh tôi vượt biên không thành, bị bắt ở Bến tre. Bố lo lắm. Tôi cũng bế con vượt biên, chuyến đi ở Phan thiết. Trời tuần ấy mưa dầm dề nên chuyến đi phải hoãn lại, lúc trở về bố đã nằm trên giường bệnh. Mẹ nói mấy ngày trước bố lo lắm, và câu nói cuối cùng trước khi bố ngã xuống là giờ này chắc mấy mẹ con con Hương đã đến nơi  rồi. Bởi vậy khi mở cửa cho tôi, bà chị cả đã nói Sao không đi nữa đi, mày giết bố rồi.  Câu nói ấy ám ảnh tôi cả đời, và là niềm ray rứt không nguôi.

Bố nằm mê man hơn hai năm. Hơn hai năm ấy, tôi cũng chẳng săn sóc bố được mấy vì về sống ở Sài gòn. Mọi việc trông nom giao cả vào tay mẹ tôi, người chị lớn và ông anh thứ sáu. Một ngày tháng 10 chị tôi về Sài gòn, hỏi thăm bố, chị nói  bố vẫn mê man, và ở lưng, bắt đầu vài chỗ có dấu hiệu thoái hoá. Từ lúc ấy tôi làm gì cũng như người mộng du, suốt từ chiều đến đêm và sáng hôm sau, lúc nào cũng niệm Phật cho bố mau được giải thoát. Đến chiều nghe tin bố tôi mất. Bố thật sự đã được giải thoát nhưng khi nào tôi mới thoát ra được nỗi đau mất bố.

Lên Đà lạt đưa tang, trước nhà dàn hoa giấy và hai cây trà mi, nở hoa rực rỡ. Đến tận bây giờ, chưa ở đâu tôi thấy có hai cây hoa trà mi đẹp như thế. Hai cây thật to,phủ đầy những cánh tra_mi_4-large-contenthoa trắng và tím, điểm lất phất một chút lá xanh. Những cây sau vườn cũng thật tươi tốt, tất cả như nở rực lên để đưa bố tôi vào nơi yên nghỉ. Để rồi vài tháng sau đó, những cây này bắt đầu héo uá. Ngay cả cây thông sau nhà cũng tàn đi kỳ lạ. Những bông hoa đã để tang bố và theo bố tôi ra đi.

Nhưng hình ảnh của bố như còn mãi trên những con đường quanh bờ hồ, những con dốc Địa dư, dốc ga. Tôi vẫn nghe như có tiếng bố dạy chúng tôi những bài ca tiếng Pháp. Tôi vẫn nhìn thấy hình dáng bố mỗi tối, trịnh trọng trong tấm áo khoác lên lầu lễ và sau đó đi một vòng xem chúng tôi học. Tôi vẫn nhớ tấm lưng của bố mà tôi và người anh kế chia nhau ôm lấy vào những buổi ngủ trưa. Tôi vẫn nhớ nụ cười của bố, tiếng nói của bố. Tôi vẫn nhớ gương mặt thân thương của bố mỗi lần tôi tỉa râu cho bố sau khi bố bệnh. Mỗi lần treo các khung hình hay tranh ảnh, tôi vẫn phải săm soi thiệt kỹ, vì chỉ sợ bố nhíu mày khi những bức tranh treo không thẳng. Mỗi khi làm xong một báo cáo nào cho sở, tôi vẫn phải đọc đi đọc lại chỉ sợ bố bực mình vì những sai sót nhỏ nhoi. 

Bố vẫn theo tôi trong khắp mọi nẻo đường. Bố mẹ đã cho tôi quá nhiều để tôi có được ngày hôm nay, nhưng bố mẹ lại ra đi quá sớm nên tôi chẳng kịp đền bồi. Nước mắt luôn chảy xuống, nên bố mẹ chỉ cho đi mà chẳng bao giờ nhận. 

Nếu bố mẹ còn, thì những ngày tháng này sẽ vui vẻ biết bao nhiêu. Nhưng bố mẹ đã ra đi, để ngày tháng luôn ray rứt vì không trả được hiếu. Để những ngày như hôm nay, trong ngày giỗ bố, chỉ biết thắp nén nhang thơm cầu mong bố mẹ siêu thoát.


Không có bố mẹ, sao có được con…. Biết trả ơn sao cho vừa, Bố mẹ ơi… Thương lắm.

100_0038-large-thumbnail 





Thiên Hương

Tháng mười 2011

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn