Tìm được con trong những giọt nước mắt

07 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 74154)
Tìm được con trong những giọt nước mắt

 

 viktoria007-large-content

Viktoria, con gái của Cẩm Tú – ảnh tài liệu gia đình.


Thanh Phong/Viễn Đông


LITTLE SAIGON – Trong số báo hôm qua, phóng viên Viễn Đông ghi lại câu chuyện một gia đình quân nhân QLVNCH tị nạn tại Hoa Kỳ sau biến cố 1975. Thiếu Tá Phi Công Trần Ngọc Thạnh đã kể cho chúng tôi nghe chuyện gia đình ông đi tìm một người con mất tích, cô Cẩm Tú, trong suốt ba năm. Sau nhiều cố gắng tìm kiếm, gia đình đã gặp được cô ở một bệnh viện tâm thần bên Đức với một đứa con, và thuyết phục đưa cô về Hoa Kỳ.

 

Khi Elizabeth, em gái Cẩm Tú, hộ tống cô từ Đức về đến phi trường New York thì Cẩm Tú lại trốn mất! Quỳnh Giao, chị của Cẩm Tú, vội vàng gọi cho Cảnh Sát New York nói rõ sự việc. Cảnh sát cho truy tìm khắp phi trường và bắt gặp Cẩm Tú đang năn nỉ xin quá giang một phi cơ trở về Đức. Khi Cảnh sát gặp Cẩm Tú, họ gọi cho Quỳnh Giao hay ngay và Quỳnh Giao nhờ họ giúp đỡ cho Cẩm Tú về phi trường Los Angeles. Cảnh Sát liên lạc với gia đình ông Thạnh, cho số chuyến bay và dặn ra phi trường Los Angeles đón Cẩm Tú.

Cẩm Tú xuống phi trường, tay xách theo duy nhất một cái đầu máy may mang từ Đức về, ngoài ra không mang theo cái gì hết. Ông bà Thạnh đưa Cẩm Tú về nhà, chiều chuộng đủ thứ nhưng Cẩm Tú cứ đòi ra phi trường hoài. Ông Thạnh nói, “tôi không biết có phải nó nhớ con nó, nhớ nước Đức hay nhớ cái gì không biết nữa!”.


Tìm cách qua Đức đem cháu Viktoria về Mỹ

An tâm tìm được con gái, bây giờ hai ông bà và gia đình phải lo làm sao đem được Viktoria, con của Cẩm Tú, về. Ông Thạnh và Quỳnh Giao đi đến các văn phòng Luật sư hỏi thăm, chỗ nào cũng đòi hai, ba chục ngàn, mà gia đình đâu thuộc loại giàu sụ, nên rất là khó khăn.

Cuối cùng Quỳnh Giao nói với bố: “Chuyện này để con tính, không cần mướn Luật sư nữa”. Vậy mà mọi thủ tục từ tiếng Đức sang tiếng Anh, tiếng Anh qua tiếng Đức, Quỳnh Giao đều nhờ mấy người bạn học cũ ngày xưa giúp đỡ, đâu vào đó hết. Mấy người bạn Quỳnh Giao liên lạc thường xuyên và có mối quan hệ ngoại giao rất tốt.

“Phần gia đình tôi”, ông Thạnh nói, “vợ chồng tôi phải đi học một khóa về an toàn và phương cách cứu người do Hồng Thập Tự dạy. Học mấy tháng trời mới được cấp cái bằng; có cái bằng này mới hội đủ một trong những điều kiện được nuôi Cẩm Tú và con nó”.

Ông Thạnh kể tiếp, “Bà xã tôi nhiều lúc chán nản, thất vọng vì bệnh của Cẩm Tú không có triệu chứng suy giảm chút nào, phần vì chưa đưa được con Viktoria về”, nên ông cứ phải khuyên nhủ, an ủi vợ hoài.


Lên đường qua Đức lần thứ hai

Khoảng 6 tháng, sau khi Cẩm Tú về nhà, một hôm Quỳnh Giao gọi điện thoại cho bố: “Bố mẹ chuẩn bị sẵn sàng đi nhé, chuyến này cả mẹ cũng phải đi luôn vì qua Đức, cả bố mẹ phải ra tòa đó”.

Ông Thạnh ngừng một chút, rồi nói: “Anh biết không, bà xã tôi nhút nhát lắm, hồi nào tới giờ chẳng dám đi đâu xa, chẳng biết lái xe nữa, đi đâu toàn tôi làm tài xế thôi. Vậy mà bây giờ phải ngồi máy bay qua nước Đức. Không biết tâm trạng bả như thế nào, nhưng theo tôi nghĩ bả lo lắm mà mặt phải cố gượng làm vui để cho con gái nó vui vẻ nó lo mọi chuyện”.

Hôm đó ông Thạnh nhớ vào khoảng tháng 11 năm 2001, trời bên Âu châu đầy tuyết trắng phủ kín. Ông nói: “Xuống phi trường và thuê taxi về nơi Cẩm Tú sanh con để xin cái khai sanh. Cầm khai sanh trong tay mới biết nó đặt tên con nó theo tiếng Đức là Viktoria, còn nó là Victoria. Thủ tục ra tòa để xin con Viktoria rất lằng nhằng không đơn giản chút nào. Tuy nhiên nhờ Quỳnh Giao lúc ra tòa nó trả lời mọi chuyện cho quan tòa đều suông sẻ, nên sau khi tòa ngưng một vài phút để họ thảo luận, rồi quan tòa ra tuyên bố từ nay Viktoria thuộc về gia đình tôi. Từ ông quan tòa đến các Luật sư, Biện lý đều đi xuống bắt tay chúc mừng gia đình tôi. Tuy nhiên họ nói khi về Mỹ chúng tôi phải ra tòa bên Mỹ một lần nữa mới xong.

Khi có đầy đủ giấy tờ thì Viện Mồ Côi gọi báo cho chúng tôi biết, họ đã sắp xếp cho chúng tôi chỗ ở trong Viện, để Viktoria có thể làm quen dần với gia đình, nhận biết người thân”.

Ông nhận xét, “Thật phải phục người Đức, họ hết sức chu đáo. Ngày đầu tiên họ cho con Viktoria tiếp xúc với chúng tôi một tiếng. Ngày thứ hai hai tiếng. Ngày thứ ba lâu ba, bốn tiếng. Cứ như thế trong 2 tuần lễ để ngày cuối cùng khi nó đi theo mình nó không bỡ ngỡ”.

Ông Thạnh tâm sự: “Anh biết không, nếu mình không ra ngoài, mắt mình không mở ra thì mình không nhận ra được cái văn minh của người Đức, họ coi trọng sinh mạng con người như thế nào. Nội cái chuyện này thôi, anh thấy cũng khó khăn vô cùng. Trong lúc tôi và Quỳnh Giao đi lo thủ tục này kia, chỉ có mình bà xã tôi ở nhà, họ đem con Viktoria đến, bà xã tôi thì tiếng Anh bập bẹ, tiếng Đức không biết một chữ. Con cháu thì xổ tiếng Đức pha tiếng Anh, hai bà cháu ai nói người nấy biết, chẳng ai hiểu ai nói cái gì!”.

Nhưng rồi mọi sự diễn tiến rất tốt đẹp làm cho hai ông bà cảm thấy thoải mái.


Vượt qua những trở ngại

Bố của Viktoria là người Đức. Anh này và gia đình cũng tử tế, thỉnh thoảng đến thăm Cẩm Tú và con gái Viktoria, nên Quỳnh Giao hỏi thủ tục, người ta cho biết nếu bố Viktoria giành nuôi con thì là một trở ngại lớn cho gia đình. Quỳnh Giao lại lãnh sứ mạng đi gặp gỡ gia đình này, và người bố cũng như gia đình ký giấy đồng ý cho ông bà Thạnh đem Viktoria về Mỹ. Lúc này, ông bà Thạnh và Quỳnh Giao mới cảm thấy nhẹ nhõm.

Hôm đó vào ngày thứ Năm, trời đã tối nên không thể đi làm thủ tục xin Công dân Hoa Kỳ cho Viktoria. Hôm sau, cả gia đình cùng đi đến Tòa Lãnh Sự Mỹ để xin cho Viktoria được nhập tịch và có giấy tờ thông hành về Mỹ. Vì đường xa lại kẹt xe khá lâu, khi đến Toà Lãnh Sự thì đã quá trễ, nhân viên tòa Lãnh Sự lo việc này đã đóng cửa từ lúc 7 giờ 30 tối. Nhân viên ở đây rất nhã nhặn, họ hẹn gia đình trở lại vào sáng thứ Hai, mà thứ Hai là ngày ông bà Thạnh và Quỳnh Giao phải về Mỹ. Lúc đó hai ông bà rất buồn, nghĩ rằng lại phải về tay không, không thể nào lo kịp mọi thủ tục vào quốc tịch, sổ thông hành và vé máy bay cho Viktoria.

Ba người đang đi bộ trên con đường phủ đầy tuyết trắng xóa, trời rất lạnh, bỗng thấy có một người đàn bà đi vội về phía mình, nhưng ai cũng nghĩ đó là một bộ hành như mình. Khi đến sát gia đình ông Thạnh, người đàn bà lên tiếng hỏi: “Phải gia đình Viktoria không?”. Quỳnh Giao nói phải. Bà này yêu cầu tất cả quay lại Tòa Lãnh Sự gấp.

Gần đến nơi, bà mới nói: “Tôi là Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại đây, tôi sẽ giúp gia đình ông bà”. Hai vợ chồng ông Thạnh và Quỳnh Giao hết sức mừng rỡ. Bà Tổng Lãnh Sự ra lệnh các phòng trở lại mở cửa làm việc để cấp sổ thông hành cho Viktoria.Thế rồi người lo điền giấy tờ, người lo lăn tay, chụp hình. Hai ông bà ngồi chờ một hồi lâu thì bà Tổng Lãnh Sự cầm Sổ Thông Hành ra trao cho ông Thạnh với lời chúc mừng. Cuốn sổ thông hành mới vừa ép plastic còn nóng hổi. Cả ba người rối rít cám ơn các nhân viên Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ.

Nhưng bây giờ làm sao mua vé cho Viktoria kịp đi cùng chuyến bay với gia đình? Theo vé máy bay của hai ông bà Thạnh và Quỳnh Giao, họ phải bay từ Munich về Paris, rồi mới bay từ Paris về Los Angeles. Cả ba người đều bối rối không biết tính sao, bèn quay trở về chỗ trọ. Vừa bước vào phòng có người đem tới trao cho ông Thạnh chiếc vé máy bay của Viktoria do Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tặng. Hai ông bà và Quỳnh Giao cầm tấm vé chết lặng. Không thể ngờ được mọi sự diễn tiến quá ư tốt đẹp như thể có bàn tay một thần linh nào đó an bài, lo liệu giúp.


Lại thêm chuyện kỳ diệu nữa xảy ra

Có vé máy bay trong tay, gia đình ông bà Thạnh gọi taxi ra phi trường. Trời xấu, sương mù dày đặc, không nhìn thấy mặt đường. Ông Thạnh tâm sự: “Anh biết, ngày xưa tôi từng lái máy bay bay trong mây, đâu có gì sợ, vậy mà lúc đó tôi sợ, vì không biết bao giờ mới ra tới phi trường, sợ trễ chuyến bay từ Paris về Mỹ”.

Khi máy bay gần hạ cánh ở phi trường Paris, người hoa tiêu thông báo cho hành khách: “Tất cả quý hành khách cứ ngồi trên máy bay, nhường chỗ cho gia đình Viktoria xuống trước đã”. “Chúng tôi lại một phen lên ruột”, ông Thạnh nói, “tôi không hiểu tại sao mình lại được phước đặc biệt, được ưu đãi như thế này. Và anh biết không, khi chúng tôi vừa xuống máy bay thì có một chiếc xe Van chạy tới liền, loại xe chở các phi công ra máy bay. Một người từ trên xe bước xuống hỏi: ‘Có phải gia đình Viktoria không?’. Sau khi nghe trả lời ‘Phải’, ông này bồng ngay Viktoria chạy lên xe”.

Bà vợ ông Thạnh tưởng bị cướp mất cháu, rút dép ra cầm tay chạy theo. Khi tất cả lên xe, người tài xế phóng như bay tới đầu phi đạo, nơi có chiếc phản lực cơ Boeing 747 đang chờ sẵn. Anh ấy đưa Viktoria lên máy bay, và gia đình lên theo. Khi Viktoria vừa bước vào phi cơ, tất cả mấy trăm hành khách đồng loạt vỗ tay chào đón. Thì ra người hoa tiêu được lệnh và đã nói với hành khách vui lòng chờ một em bé từ Đức về Mỹ rất đặc biệt, nên ai cũng nhìn em bé với vẻ mặt đầy thiện cảm. Máy bay cất cánh, rời phi trường Pháp quốc bay về Los Angeles.


Ra tòa tại Orange County

Ông Thạnh kể tiếp: “Theo đúng thủ tục, sau khi cháu Viktoria về với mẹ nó, chúng tôi phải ra tòa án tại Orange County để hợp thức hóa việc nhận Viktoria. Hôm đó lẽ ra phải thuê Luật sư, nhưng Quỳnh Giao nói với bố: ‘Chuyện này con làm được, ba má khỏi mướn Luật sư’. Ngày ra tòa, quan tòa hỏi Luật sư đâu. Quỳnh Giao đứng lên nhận đại diện cho gia đình, và trả lời quan tòa mọi câu hỏi một cách suông sẻ. Sau đó, quan toà chúc mừng và nói: ‘Hôm nay mới đúng là ngày sinh nhật của Viktoria, chúng tôi chúc mừng cháu và gia đình’. Từ ông quan tòa đến các vị Biện Lý, Luật sư đều xuống bắt tay từng người. Một ông bắt tay Quỳnh Giao và nói: ‘Cô phải là Luật sư mới đúng, làm Dược sĩ không đúng nghề của cô đâu’”.

Gia đình ông bà Thạnh đem Victoria về nuôi nấng bên cạnh Cẩm Tú.

Cẩm Tú có lúc tỉnh, có lúc bất bình thường. Những nhà nghiên cứu cho biết trường hợp này gia đình phải đề phòng. Khi bệnh phát lên, Cẩm Tú có thể làm những chuyện không ngờ, kể cả có thể làm hại ngay đứa con của mình, vì lúc đó cô ấy không biết gì nữa. Ông Thạnh nói: “Bây giờ tôi phải nuôi hai đứa con nít, vì tuy Cẩm Tú đã trên 30 tuổi nhưng như một đứa con nít vậy. Vào những dịp lễ như lễ Noel chẳng hạn, có người tặng quà, tặng búp bê cho con Viktoria, nó xin con nó một con, không được, nó lại mách tôi: ‘Ba ơi, nó có hai con mà nó không cho con một con’”.


Cuộc sống gia đình sau ngày đoàn tụ

Ông Thạnh kể: “Từ khi có mẹ con con Cẩm Tú về, gia đình vui lắm. Anh biết sao không, mỗi lần nó pha cho tôi một ly cà phê mất ba tiếng đồng hồ. Mà nói trước, thí dụ 7 giờ nó đi pha nó nói, ba ơi 10 giờ ba uống cà phê nghe, và đúng 10 giờ mới pha xong ly cà phê. Nó thích trồng cây và tưới cây, nó trồng tùm lum và chỉ tưới cây của nó trồng thôi. Mẹ nó bảo tưới hộ má cây đó, cây đó luôn. Tưởng nó tưới đến khi ra xem, cây chết khô, còn cây nó trồng đẫm nước”.

Ông Thạnh nói: “Hôm nào bà xã tôi muốn thử nó, bả bảo: ‘Nay Cẩm Tú nấu cho má nồi cơm đó’. Nó vâng dạ, xong bắt đầu vào bếp, quậy tứ tung mọi thứ và cứ loay hoay ở bếp liên tục đến chiều vẫn chưa có nồi cơm. Đặc biệt, đi đâu Cẩm Tú cũng cầm theo cây dù, ai bảo bỏ nó cũng không bỏ. Nó rất ghét tiếng động và trời nóng. Ở nhà mỗi lần tôi mở radio lớn một chút, nó bảo: ‘Ba nghe headphone đi’. Một bữa nọ, tôi đưa nó đi chơi, gặp một bọn nhóc xách cái máy mở nhạc Rap, nó bảo mấy đứa nhỏ ‘Vặn nhỏ lại’, bọn trẻ không nghe. Nó lấy cây dù cầm sẵn trong tay quật cho một phát. Mấy đứa khác gọi cảnh sát. Cảnh sát đến coi giấy tờ, biết nó người bệnh nên đem vô bệnh viện giữ 2 tuần rồi cho lãnh về”.

Riêng Viktoria, cháu học rất giỏi và ngoan. Một hôm ông Thạnh đi đánh bóng bàn, chở cháu Viktoria đi theo, ngồi băng sau, đột nhiên Viktoria gọi: “Opa”. Ông Thạnh nói, Opa tiếng Đức là ông nội, ông ngoại. Ông liền hỏi lại: “Gì đó con?”. Viktoria nói: “I love Opa”. Nghe những lời như thế, ông quên hết mọi vất vả, cực khổ.

Có một người bạn hỏi ông: “Bây giờ anh muốn con Cẩm Tú nó trở thành kỹ sư, bác sĩ, có gia đình,như những người khác hay anh muốn có một Cẩm Tú và con bé Viktoria này nhập lại?”

Cẩm Tú thích đi những nơi vắng vẻ, yên tĩnh và khí trời lành lạnh là cô ấy có thể ngồi chơi hàng mấy giờ liền. Ông Thạnh nói: “Bây giờ thì tình trạng khá sáng sủa rồi, vợ chồng tôi dành hết tình thương cho mẹ con nó và thấy càng ngày bệnh tình nó càng có vẻ tiến triển”.

Sau khi kể xong câu chuyện, ông Trần Ngọc Thạnh tâm sự với chúng tôi: “Tôi có hai điều muốn chia sẻ với anh.

Thứ nhất, tôi cảm phục tinh thần của người Đức, họ trả ơn người Mỹ tận tình, vì như anh biết, người Đức thường nói, nếu không có Hoa Kỳ giúp Đức, giờ này nước Đức sẽ không được như vậy. Ngay trong chuyện gia đình tôi, cháu Cẩm Tú quốc tịch Mỹ thì ở Đức họ cho cháu hưởng đầy đủ quyền lợi như của Mỹ, không tốn một xu.

Việc thứ hai tôi muốn chia sẻ với anh, gia đình tôi trước đây theo đạo Phật, khi gia đình lâm nạn thì Mục sư Bửu, trước cùng đi bay với tôi trong phi đoàn, sau này anh học ra Mục sư. Mục sư Bửu thường xuyên đến nhà an ủi gia đình, khuyên bà xã tôi cầu nguyện với Chúa, nhưng bà xã tôi đâu biết Chúa là ai mà cầu nguyện. Có mấy bà bạn còn nói, may mà bà không ra điên luôn đó. Nhưng qua câu chuyện xảy ra cho gia đình, chúng tôi ngồi nghĩ lại mới thấy, quả thật, nếu không có bàn tay Chúa nhúng vào, gia đình chúng tôi không thể được những ơn phước như vậy. Chỉ có tình thương vô biên của Chúa mới giúp gia đình chúng tôi vượt qua biết bao trở ngại tìm thấy con, được cháu đoàn tụ. Thử hỏi có con người nào tài giỏi mà lo sắp đặt mọi chuyện đâu vào đấy như vậy được, ngoài Chúa ra. Cho nên gia đình tôi đã xin gia nhập làm con cái Chúa, và từ ngày biết Chúa đến nay, chúng tôi càng được Chúa ban nhiều ơn lành hồn xác. Cho nên, từ trước đến nay, tôi chưa hề kể câu chuyện này cho tờ báo hay cơ quan truyền thông nào, nhưng nay tôi kể cho anh nghe, không phải để khoe khoang, vì có gì mà khoe khoang, chuyện khởi đầu cũng đâu có tốt đẹp phải không anh?

Nhưng tôi muốn kể cho một tờ báo tôi yêu mến, tôi thích để nói lên tình thương bao la của Chúa, và tôi có bổn phận tri ân Ngài. Chúng tôi tin tưởng ở Chúa, và chúng tôi hằng cầu xin Ngài, chúng tôi tin một ngày nào đó, Chúa sẽ cho Cẩm Tú trở lại bình thường như trước. Đó là ước nguyện của gia đình chúng tôi”.

Nguồn: Website Viễn Đông

Trần Ngọc Thạnh (THD 1963) chuyển

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn